Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Đọc 'Dọc đường' của Nguyên Ngọc, ước ao một thế hệ khổng lồ…

Lam Điền

Thật may mắn khi có được trong tay tập sách "Dọc đường" – tuyển in một số bài viết quan trọng của nhà văn Nguyên Ngọc.

Ở tuổi chín mươi, tự mình gạn lấy những gì ưng ý để làm một quyển sách, chỉ việc ấy cũng gợi lên nhiều cảm xúc. Huống hồ tập sách này lại có sợi chỉ bạc xuyên suốt qua các trang viết, các đề tài, là tấm lòng ưu tư tác giả dành cho đất nước trong suốt một đời hoạt động xông xáo nhiệt thành từ thời chiến tranh sang thời bình và cả những thăng trầm của đất nước từ Đổi mới đến nay.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc trong chuyến tham quan, giao lưu ra mắt sách tại Nhật Bản năm 2018. Ảnh: Trung Dũng


Không phải hai chữ “ưu tư” tùy tiện nói ra, những ai đọc Nguyên Ngọc từ lâu, ắt biết những vấn đề ông quan tâm, những câu chuyện ông thao thức và cả những vấn nạn khiến ông phải lên tiếng... Và đến tập sách này, cảm giác ấy một lần nữa trở lại trong người đọc, liên tục hơn, đầy đặn hơn, có khả năng đánh thức nhiều hơn và quý hơn cả là có thể lý giải nhiều khía cạnh hơn trong việc nhìn lại những chặng đường sống và hoạt động của Nguyên Ngọc.

Như cách ông trở đi trở lại với nhân vật Phạm Quỳnh, và cả một thế hệ những trí thức Việt Nam tiếp thu văn hóa tinh hoa phương Tây từ những ngày đầu xảy ra sự “va chạm văn minh Đông Tây”. Sự va chạm ấy, Việt Nam dù muốn hay không cũng đã chịu và nhận lấy phần hệ quả như lịch sử cho thấy. Nhưng bây giờ (thực ra với Nguyên Ngọc là từ nhiều năm trước) nhìn lại, Nguyên Ngọc dùng một cụm từ thật xác đáng: những người khổng lồ. Không chỉ khổng lồ với Việt Nam ở vào thời đoạn ấy, tầm vóc của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Đào Nguyên Phổ... là ngang bằng với “cường quốc năm châu” ở trong cùng một thời gian với cùng hệ quy chiếu “lập thân và cống hiến”.

Nhưng rồi lịch sử luôn có những khúc quanh, chính những ngả quanh khúc ngoặt của lịch sử Việt Nam đã không ít lần làm quặn lòng Nguyên Ngọc. Do lẽ ông không cam tâm đứng bên lề dòng chảy của đất nước với cộng đồng cư dân cật ruột thân thương. Ông thao thức về văn hóa nhưng thoát được cái nhìn “dĩ Kinh vi trung” để cần mẫn hết lòng lưu ý các giá trị văn hóa của những cộng đồng dân tộc anh em khác. Ông đọc từ những công trình của học giả phương Tây – những người rất am tường văn hóa Việt Nam – để nhìn thấy những bài học xuyên thời gian và những nguy cơ vẫn không ngừng gia tăng mức độ lo ngại.

Bằng một tiêu đề rất Nguyên Ngọc, ông kêu gọi mọi người cùng “Lắng nghe Cadière”. Tại sao lắng nghe? Lắng nghe là cả một thái độ và một không gian cần thiết dành cho một vấn đề không tầm thường. Vấn đề ấy là câu chuyện gia đình và tôn giáo của người Việt, mà ngót trăm năm trước, học giả Léopold Cadière đã dày công nghiên cứu tường tận, thấu đáo đến không ngờ.

Có lẽ, khi trên các phương tiện truyền thông ngày nay ra rả những khẩu hiệu kiểu như xem gia đình là tế bào của xã hội nhưng thực tế đời sống dường như đang không phải vậy, Nguyên Ngọc mới nhớ lại những gì Cadière đã nói, rằng “gia đình An Nam là cột trụ của đạo đức”, và nảy ra cái ý “kêu gọi lắng nghe” kia.

Ông viết: “Ôi, cứ như Cadière đang nói về những vấn đề của chính chúng ta ngày nay, đã trằn trọc lo âu, sớm một cách khác thường, cho chính chúng ta hôm nay. Nhưng cũng phải nói rằng, tám mươi năm trước, ông không thể lường hết những gì đã xảy ra suốt thời gian ấy và hôm nay cho xã  hội và con người chúng ta... Ông chưa thể biết rằng do những sai lầm của chính ta, hai tế bào cơ bản của xã hội, là Làng và Gia đình, đã bị tàn phá như thế nào”.

Tập sách của Nguyên Ngọc vừa ra mắt bạn đọc, phát hành bởi Nhã Nam và NXB Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Lam Điền


Và còn nhiều mảng quan tâm khác, như chuyện đọc sách, chuyện văn chương... Nguyên Ngọc có những gợi ý rất đáng kể chẳng hạn riêng trong chuyện đọc sách. Ông phát hiện một cắt nghĩa rất độc đáo của Linda Lê, và diễn đạt lại cho bạn đọc, rằng đọc sách là quá trình tự tháo lui, tự làm rỗng chính mình, để nạp vào một “mình” mới, tự sáng tạo lại mình. Đọc sách như vậy mới đáng kể chứ, và một lần nữa, những diễn đàn khuyến đọc đang rộn ràng kia, chắc cũng nên... lắng nghe cái ý này từ Nguyên Ngọc.

Với Nguyễn Ngọc Tư, như một kiểu tự sự ở cự ly gần, Nguyên Ngọc bằng cả tấm lòng và kinh nghiệm cũng như đem cả uy tín văn chương của chính mình để chỉ ra rằng không gian nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư đang là một bằng chứng cho thấy “văn chương ta bước vào toàn cầu hóa hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu”.

Nhưng đến khi đọc những gì Nguyên Ngọc viết về trí thức, mới không kìm được hai dòng nước mắt ứa ra vì thương cảm. Một ông già quá tuổi cổ lai hy từng quăng đời mình vào lịch sử từ hồi “mấy lần đất nước đứng lên”, nay dè dặt từng câu chữ, thận trọng trước sau để nói về trí thức. Là vì nói trong một hội nghị quan trọng. Càng đọc, càng thấy những gì ông đặt ra đều rất thỏa đáng, rất nên và lẽ ra đã trở thành hiện thực. Nhưng hình như lịch sử lại rẽ ngoặt, và lần này cảm giác đau đớn gieo vào lòng người đọc. Nguyên Ngọc bảo: “Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Không có tự do tư tưởng thật sự, cụ thể, thiết thực thì không có trí thức. Xin nói rõ là họ cần tự do tư tưởng rộng rãi nhất, tuyệt đối, không có bất cứ rào cản, cấm kỵ nào. Họ phải có được quyền suy nghĩ đến cùng, trên mọi vấn đề, lật lại mọi vấn đề, không bị bất cứ sự cản trở nào”.

Phải được như vậy, thì mới hy vọng đất nước có cơ may xuất hiện trở lại những “người khổng lồ”, bởi bối cảnh hiện nay có chỗ tương đồng với Việt Nam đầu thế kỷ XX là không gian đa văn hóa. Phần còn lại ở chính trong lòng của mỗi chúng ta.

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/doc-doc-duong-cua-nguyen-ngoc-uoc-ao-mot-the-he-khong-lo-35957.html