Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Nhìn lại âm nhạc miền Nam 1954-1975 (kỳ 13)

Nguyễn Phú Yên

 

CHƯƠNG XII

PHONG TRÀO NHẠC TRẺ

Chiến tranh Việt Nam kéo dài ngày mỗi tàn khốc và bi thương khiến một bộ phận thanh niên mệt mỏi, chán chường. Thời đạn lửa tạo cho một bộ phận lớp trẻ ở các đô thị cảm giác như đời sống bế tắc và phần nào họ nhuốm tinh thần bi quan. Dù đời sống ở phần lớn các các thành thị miền Nam có phần yên bình, không nguy hiểm như vùng thôn quê và rừng núi xa xôi, nhưng tuổi trẻ vẫn mong ước có được một thứ gì bồi đắp để giữ được hy vọng dù mong manh. Nhạc trẻ được ưa thích, có thể phản ảnh một phần về tâm trạng này.

Cùng với tác động của lối sống hiện sinh, một bộ phận thanh niên đô thị muốn thoát ly đời sống chiến tranh. Tâm trạng ấy dẫn một số bạn trẻ lao vào sự chưng diện áo quần, ăn mặc lập dị, nhất là khi có sự du nhập của phong trào hippy, hoặc lao vào cờ bạc, ma túy để lãng quên đời. Một bộ phận khác thì khao khát tìm vào đam mê âm nhạc mới lạ so với dòng âm nhạc trước đó.

Sau các bài hát ca ngợi quê hương thanh bình sau ngày chia cắt đất nước là các bài hát về nhạc lính khi chiến tranh lan tràn khắp miền Nam. Giữa lúc này âm nhạc hiện đại phương Tây du nhập vào miền Nam đã gây được ảnh hưởng vào tâm hồn họ; họ yêu thích loại nhạc mới này để rồi tự thành lập những nhóm nhạc riêng lẻ. Hoạt động đó cuối cùng đã hình thành Phong trào Nhạc trẻ, được xem như một dòng chảy âm nhạc riêng của thanh niên đô thị trong hoàn cảnh chiến tranh.

I. CÁC BAN NHẠC TRẺ

Nhạc trẻ buổi đầu thường được gọi là nhạc kích động. Phong trào ra đời và phát triển mạnh trong hai thập niên 1960 -1970, do các bạn trẻ lúc ấy yêu thích dòng nhạc pop rock Âu Mỹ, đã tìm cách thể hiện sở thích của mình bằng cách phổ biến dòng nhạc ấy trong giới trẻ cùng với sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh, băng đĩa thời bấy giờ. Hình ảnh quen thuộc của các ban nhạc trẻ trên sân khấu là những chàng trai, cô gái trẻ yêu thích loại nhạc nước ngoài với tóc dài, áo quần kiểu cách theo trào lưu hippies bấy giờ (áo bó, quần patte), chơi các nhạc cụ điện tử như guitar, organ và dàn trống. Họ vừa đàn, vừa hát những giai điệu và tiết tấu mạnh mẽ, giậm giựt, kích động; họ lắc lư nhún nhảy cơ thể khi biểu diễn các điệu nhạc pop-rock, twist, bebop, mashed, rock and roll… cùng với tiếng đệm yeah yeah... đầy phấn khích và trở thành sở thích của phần lớn bạn trẻ.

Ngay từ những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, với sự du nhập của âm nhạc Âu Mỹ, lớp trẻ yêu thích trào lưu “đợt sóng mới” (new wave) là những khuynh hướng cách tân trong các lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc. Họ bắt đầu yêu thích và say mê các bài hát nước ngoài với các ca sĩ của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida, Mathieu Mireille…; ca sĩ và nhóm nhạc của Anh như Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones…; ca sĩ và nhóm nhạc Mỹ như Elvis Presley, Bill Haley, Blue Comets, Chubby Checker, The Platters…

Với sở thích đó các nhóm nhạc trẻ bắt đầu hình thành, sớm nhất từ các trường học ở Sài Gòn; một số nhóm cũng bắt chước đặt tên ban nhạc bằng tiếng nước ngoài, kể cả các ca sĩ cũng thích mới lạ với tên tây như Jo Marcel, Billy Shane, Elvis Phương, Paolo, Pat Lâm, Carol Kim... Các ban nhạc sử dụng các nhạc cụ điện tử, trước mắt để vui chơi thỏa thích với trào lưu mới; chẳng hạn Trường Petrus Ký có ban nhạc Bách Việt, Trường Trưng Vương có ban Phoenix, Trường trung học Taberd có ban nhạc Le Frère (1964)…

Phần lớn các ban nhạc đều xuất thân là học sinh các trường Tây như J.J Rousseau, Taberd, Marie Curie vì họ có trình độ ngoại ngữ, dễ tiếp cận tiếng nước ngoài tốt hơn. Chẳng hạn ban Rockin’ Stars với Elvis Phương, ban The Black Caps với các giọng ca như Công Thành, Thanh Lan, Helena, Bích Trâm, Paolo (Thanh Tuấn). Hoặc có những ban nhạc gia đình với thành viên là anh chị em trong nhà như Peanuts Co., CBC (Bích Liên), The Dreamers (các con của nhạc sĩ Phạm Duy), Crazy Dog (các con của cặp nghệ sĩ Việt Hùng - Ngọc Nuôi với Ngọc Bích đầu đàn)…

Tiếp sức cho giới trẻ yêu nhạc trẻ là các phim ca nhạc nước ngoài như Rock Around The Clock, Nuits d’Euro… với hình ảnh của những ca sĩ, nhạc công cuồng say cùng với tiếng đàn điện tử, tiếng trống chát chúa được trình chiếu tại các rạp hát đã làm say mê giới trẻ.

Các hãng phim trong nước cũng góp phần thúc đẩy phong trào nhạc trẻ: Alpha Phim tung ra phim Saigon By Night (1964) - cuốn phim đen trắng phóng sự về giải trí ban đêm của Sài Gòn, trong đó có phần phụ diễn ca nhạc do các ban nhạc trẻ biểu diễn. Năm 1970, đạo diễn Thái Thúc Nha đã đưa vào hình ảnh ban nhạc CBC lên màn bạc trong phim Tiếng hát học trò; Liên Ảnh phim quay Điệu ru nước mắt có Đức Vượng cùng ban nhạc The New Flinstones; Giao Chỉ phim đưa hình ảnh buổi sinh hoạt nhạc trẻ với phần trình diễn của Magic Stones - Đức Vượng; phim Người tình không chân dung có sự xuất hiện của nữ ca sĩ Candy Xuân hát nhạc soul; phim Người cô đơn do Hoàng Thi Thơ đạo diễn cũng mời ban nhạc CBC xuất hiện; phim Tuổi choai choai với sự xuất hiện của The Dreamers và The Enterprise… Cuối năm 1971, nhóm Jo Marcel cho tung ra cuốn phim 16 ly dài 1 giờ 30 phút thuần túy về thế giới nhạc trẻ với những ban nhạc và những ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc trẻ Sài Gòn.

Bên cạnh đó còn có chương trình ca nhạc nước ngoài trên Đài phát thanh Sài Gòn do Hải Nam phụ trách với giọng ca của ca sĩ Mỹ như Frank Sinatra, RickyNelson, Pat Boone, Frankie Avalon, Bobby Darin, Paul Anka… Từ đó một số ban nhạc hoạt động vượt ra ngoài khuôn viên trường học; họ kết hợp với nhau để sinh hoạt chung và trở thành phong trào rộng khắp ở Sài Gòn.

Ngoài Phượng Hoàng nổi đình nổi đám, các ban nhạc trẻ khác cũng có tên tuổi như Shotguns của Ngọc Chánh, Black Stone, Blue Jets, Enterprises, The Hammer, Blue Stars (ban nhạc nữ), Magic Stone, Les Vampires, The 46, Fanatiques, Spotlights, Ba Con Mèo (có Vi Vân, Julie và Mỹ Hòa), The Uptight …

The Blue Jets với Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, The Blue Stars thành lập năm 1964 với Minh Trang, Ngọc Phương Bass, Tường Nga, Hồng Loan… là ban nhạc trẻ nữ xuất sắc nhất của Sài Gòn, một ban nhạc tồn tại lâu nhất và đi đến tan rã vào năm 1970. Một số thành viên tham gia cùng ban nhạc phái nữ khác là The Generations để thành lập ban The Blue Bells với Hải Yến, Nina, Việt Nga, Tường Nga, Tường Vân. Sau The Blue Stars, năm 1967 bốn cô gái Trường Trưng Vương đã xuất chiêu trong ban The Phoenix, tuy nhiên ban nhạc nữ nầy chỉ biểu diễn trong các dạ vũ gia đình với tính cách giải trí mà thôi.

The Hammers với Nguyễn Thành (guitar lead), Lê Hòa (trống), Nguyễn Đức (bass), Ngọc Tâm (organ) và Cathy Huệ (ca sĩ). The Entreprise với Trung Nghĩa (lead guitar) và Lý Được (bass), sau này có thêm Thanh Tuyền (guitar lead) khá nổi tiếng.

Ban CBC chuyên chơi nhạc psychedelic với Bích Linh, Bích Liên, Tùng Vân, Bích Loan.

The Rockin’ Stars thành lập năm 1960 với Nguyễn Trung Lang (bass guitar), Nguyễn Trung Phương (rythm guitar), Jules Tampicanou (lead guitar), Đặng Hữu Tòng (tenor saxophone), Lưu Văn Hùng (trống) và Elvis Phương (ca sĩ). Năm 1961 có thêm 2 thành viên mới là Jean Jacques Cussy và Nicole. Cuối năm 1961 có thêm ca sĩ Billy Shane.

The Strawberry Four gồm Tuấn Ngọc (guitar), Đức Huy (guitar), Tiến Chỉnh (bass, trước đó là Billy Shane), Tùng Giang (trống). Riêng Tuấn Ngọc hát và đàn trong những ban nhạc The Black Caps (với Minh Phúc, Ngoc Tùng, Billy Hùng, Quốc Huy), Blue Jays, The Revolution, The Strawberry Four. Khi The Strawberry Four tan rã, Tuấn Ngọc đi hát một mình tại các phòng trà. Nhưng khi Thanh Tuyền rã với Đức Huy để theo Trung Nghĩa, Tuấn Ngọc và Đức Huy thành lập ban song ca chuyên hát nhạc country của Mỹ.

Ban nhạc Bách Việt đều là học sinh Trường Petrus Ký, là ban nhạc trẻ đầu tiên muốn khôi phục âm nhạc cổ truyền, sử dụng những nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, tỳ bà, đàn cò, đàn kìm, đàn đáy, trống cơm với nhạc khí phương Tây (chỉ có một cây guitar và trống). Ban nhạc xuất hiện trong Đại hội nhạc trẻ năm 1971 và chơi ở các phòng trà Đêm Màu Hồng, Queen Bee và Hội Quán CâyTre.

Ban The Dreamers với Duy Quang (ca), Duy Minh (trống), Duy Hùng (lead guitar), Duy Cường (organ), Julie Quang và Vény. Trong ban này ngoài Duy Quang và Julie thì người nổi nhất là Duy Cường.

Tuy nhiên ban nhạc trẻ được mến mộ nhất là Phượng Hoàng, đã đóng góp rất lớn cho phong trào nhạc trẻ Sài Gòn từ 1960 đến 1974 với hai tên tuổi Lê Hựu Hà (1946 - 2003) và Nguyễn Trung Cang (1947-1985). Ban nhạc khi đổi tên xuất hiện vào tối 15-6-1971 tại phòng trà Đêm Màu Hồng. Khác với các ban nhạc mang tên Mỹ, ban nhạc này mang tên Việt: Phượng Hoàng chỉ hát toàn nhạc Việt do chính các nhạc sĩ trong ban sáng tác như Yêu Người, Yêu đời, Phiên khúc Mùa Đông, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Yêu em, Tình ca hồng… Tiền thân của ban nhạc Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu được thành lập năm 1963 nhân Ngày Nhạc trẻ của Trường trung học Lasan Taberd, với thành viên ban đầu là Lê Hựu Hà (solo, ca phụ), Nguyễn Trung Cang (organ, bass, ca phụ), Nguyễn Trung Vinh (trống), Như Khiêm, (bass). Hai ca sĩ là Hoài Khanh và Mai Hoa. Sau này có thêm giọng ca Elvis Phương - tên thật là Phạm Ngọc Phương, cựu học sinh Jean Jacques Rousseau.

Riêng ở Vũng Tàu, có hai ban nhạc nổi tiếng của ngày ấy là The Misfits và The Black Bees. The Misfits gồm có Châu Hiệp Clément, Jeannot, René và Trí. Sau có sự tăng cường của Mạnh Hà từ Sài Gòn về, là một ca nhạc sĩ từng góp phần thành công cho The Hardstones. The Black Bees gồm có Minh Tây, Hoàng Nam, Hải, Sương, Nghĩa, Nhân.

II. HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN

Thật ra ở Sài Gòn sau ngày chia cắt đất nước, ngoài việc phổ biến nhạc tiền chiến có từ trước đó, đã manh nha hoạt động âm nhạc mới gọi là kích động nhạc. Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, từ cuối năm 1959 nhà hàng Hòa Bình ở Sài Gòn đã xuất hiện một ban kích động nhạc mang tên Thời Đại, sau đó tại phòng trà Anh Vũ xuất hiện ban Rock Tigers, rồi tiếp đến là The Blue Jean Boys.

Từ năm 1961, xuất hiện những ban nhạc mang tên nước ngoài như Les Vampires với tay đàn kiêm ca sĩ Đức Huy, The Rocking Stars với giọng ca trẻ Elvis Phương. Hai ban The Rocking Stars và Black Caps thường biểu diễn tại Trường Lamartine. Vào năm 1963, ban nhạc Les Tridents ra đời, sau này đổi tên là Surfing. Cũng năm 1963, Hội Ái hữu học sinh J.J Rousseau và Marie Curie tổ chức liên hoan nhạc trẻ tại vũ trường Đại Kim Đô, Sài Gòn qui tụ những ban nhạc trẻ lúc ấy như Falcons, Fanatiques…và được xem như sự khởi đầu cho những đại hội nhạc trẻ sau này.

Một số ban nhạc trẻ thường biểu diễn ở những quán bar, những dạ vũ gia đình hoặc góp mặt trong các sinh hoạt của các câu lạc bộ Mỹ, các đại hội nhạc trẻ ở Sài Gòn.

Người khởi xướng nhạc trẻ đầu tiên là Trường Kỳ; ông được biết đến như là người đi đầu trong hoạt động nhạc trẻ thời bấy giờ. Ông không là ca sĩ, cũng không là nhạc sĩ, nhưng tên tuổi ông gắn liền với phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Một tên tuổi hoạt động khá lâu dài là Lê Hựu Hà, khi mới bước vào con đường âm nhạc, đã đứng ra thành lập ban nhạc Hải Âu. Chính từ ban nhạc này tiếng hát Thanh Lan đã được nhiều bạn trẻ biết đến để rồi cô nổi tiếng sau này. Nhưng phải đợi tới đầu thập niên 1970, khi ban nhạc Hải Âu không còn nữa, thì Lê Hựu Hà cùng phối hợp với một số bạn để thành lập ban nhạc Phượng Hoàng. Chính tại sân chơi nhạc trẻ này, nhiều tài năng đã cất cánh bay cao trong vòm trời âm nhạc Việt.

Đại hội nhạc trẻ đầu tiên được tổ chức tại thính đường Trường Lasan Taberd vào năm 1964 với các ban nhạc trẻ và những giọng ca thời danh lúc ấy. Khán giả có khoảng 1.000 người. Ban nhạc nữ đầu tiên là The Blue Stars, ra mắt vào tháng 10-1964 tại đai nhạc hội Vui Sống tổ chức tại rạp Văn Hoa, Đa Kao cùng với các ban nhạc đàn anh như Teddy Bears, The Black Caps… Cũng vào tháng 10-1964, tại rạp Văn Hoa tổ chức Đại hội Kích động nhạc trong năm đêm liền. Năm 1964-1965 có Faucons Noirs là ban nhạc nổi bật nhất trong các buổi trình diễn văn nghệ do các trường trung học lớn tổ chức. Ngoài ra còn có ban nhạc Teddy Bears (với Tiến Chỉnh sử dụng bass) và Les Fanatiques, Les Vampires, The Rocking’s Stars.

Vào ngày 28-11-1965, Trường Taberd đứng ra tổ chức một buổi đại hội nhạc trẻ với mục đích giúp quỹ xã hội. Có đến 17 ban nhạc góp mặt trong chương trình, một con số kỷ lục từ trước đến nay; trong đó có các ban The Black Caps, The Blue Stars, Les Vampires, Hải Âu…

Đại hội nhạc trẻ năm 1966 được tổ chức để cứu trợ nạn lụt miền Tây, có tất cả 23 ban tham dự trình diễn trong 6 giờ. Các ban nổi tiếng có The Spotlights (sau này đổi tên là Strawberry Four với Billy Shane, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Tùng Giang), The Blue Stars với Kim Thoa, Kim Loan…

Đại hội nhạc trẻ có thể xem là có qui mô nhất diễn ra tại sân vận động Hoa Lư vào năm 1971, với sự góp mặt của gần 20 ban nhạc quốc tế như Mỹ, Philippines và Việt Nam do Tổng cục Chiến tranh chính trị đứng ra tổ chức và giúp đỡ. Lần này số người tham dự lên đến 20.000 người. Tất cả lợi nhuận của đại nhạc hội đều được gửi tặng các thương phế binh và cô nhi quả phụ. Đến năm 1972, Đại hội nhạc trẻ diễn ra tại Thảo Cầm Viên cũng được tổ chức qui mô với mục đích từ thiện, thu hút hàng ngàn bạn trẻ học sinh, sinh viên.

Đại hội nhạc trẻ Taberd năm 1974 là đại hội cuối cùng với sự có mặt của Quốc Dũng trong ban Hồn Hoang, The Dreamers với Thanh Lan, Crazy Dogs với Ngọc Bích…

III. PHỔ BIẾN BÀI NHẠC GỐC VÀ PHÓNG TÁC LỜI CA NHẠC TRẺ PHƯƠNG TÂY

Buổi đầu là sự phổ biến các bài hát của Pháp, do các học sinh trường Tây, học sinh con nhà khá giả, họ mua các băng và đĩa nhạc của Pháp du nhập vào Việt Nam. Sau ảnh hưởng của âm nhạc Pháp, bắt đầu xuất hiện ngày mỗi phong phú những giai điệu và tiết tấu mới của âm nhạc Anh Mỹ. Sự chuyển tiếp nguồn ảnh hưởng nhạc Pháp và nhạc Anh Mỹ đã làm phong phú sở thích nghe nhạc của lớp trẻ đô thị. Âm nhạc là ngôn ngữ vượt ra khỏi biên giới quốc gia, nếu bỏ ra phần lời vì khác ngôn ngữ thì người nghe cũng có thể cảm nhận được cái hay của âm nhạc đó qua giai điệu và tiết tấu mới mẻ. Với tuổi trẻ thành thị, các bài hát pop rock của Âu Mỹ như là những làn gió mát, những xúc cảm mới mẻ không còn theo khuôn phép như các bản nhạc bán cổ điển của các nhạc sĩ thời kỳ phôi thai dòng nhạc lãng mạn. Việc biểu diễn lại các bài hát Âu Mỹ do các bạn trẻ sưu tầm trên các tạp chí nước ngoài hoặc ký âm lại từ băng đĩa đứng ra tổ chức. Những bài hát Never my love, Rhythm of the rain, The sound of silence, Deborah, Oh Carol, It's now or never... cũng đủ làm xao xuyến tâm hồn lớp trẻ thời bấy giờ.

Qui tụ trong phong trào là lớp nhạc sĩ trẻ tuổi vừa biểu diễn vừa sáng tác trong các nhóm nhạc hình thành trong sinh viên, học sinh. Đó là các ca nhạc sĩ đầu đàn như Jo Marcel, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang… Có thể xem đây là hoạt động bước đầu của phong trào nhạc trẻ. Sau đó trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1974, Trường Kỳ đứng ra tổ chức đại hội nhạc trẻ thường xuyên tại trường học, chẳng hạn tại khuôn viên Trường Taberd. Những năm kế tiếp nhạc trẻ mở rộng hoạt động ở phạm vi lớn hơn như các đại hội được tổ chức ở rạp Thống Nhất và rạp Quốc Thanh, Sài Gòn.

Theo thời gian, đến những năm đầu thập niên 1970, nhạc trẻ bắt đầu Việt hóa, nghĩa là hát nhạc ngoại quốc có lời Việt. Việc chuyển ngữ, phóng tác lời ca do các nghệ sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Kỳ Phát và Vũ Xuân Hùng đảm trách. Phần lớn các bài hát được chuyển ngữ đều viết về tình yêu đôi lứa. Vũ Xuân Hùng đã chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Gõ cửa 3 tiếng (Knock Three Times), Chuyện Phim Buồn (Sad Movies), Lãng du (L’Aventura), Anh thì không (Toi Jamais), Nam Lộc với Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu (Tell Laura I Love Her). Mây Lang Thang (The Cowboy’s Work Is Never Done)…

Một số bài được phổ biến rộng rãi như Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, một sáng tác của hai nhà viết ca khúc Jeff Barry và Ben Raleigh:

Tim em chưa nghe rung qua một lần 
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần 
Tình trần mong manh như lá me xanh 
Ngơ ngác rơi nhanh...
Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy 
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày 
Những ngày đợi chờ đợi người qua cơn mơ

Trong mắt ngây thơ, trong nắng vu vơ. 
Nhớ khói bay lạc vấn vương 
Cho hơi ấm lên môi người 
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường 
Làn mây yêu thương vướng trong hồn em.

(Nam Lộc viết lời Việt)

Hay bài Chỉ Còn Là Giấc Mơ Qua:

Như làn mây

Tình yêu thôi giờ đây lững lờ 
Như làn gió

Người yêu thôi giờ đây hững hờ 
Rồi một lần xa cách

Là một đời than trách 
Rồi cuộc tình bay mất

Và một người đi khuất 
Tình chỉ còn cay đắng

Để chỉ còn xa vắng 
Để chỉ còn nắng vương cuối đường. 
Thương người thương

Ngàn xưa ơi ngàn sau nét cười 
Vương sầu vương

Đường xưa nay giờ đâu bóng người 
Tình nhiệm mầu tan vỡ

Lòng chỉ còn nhung nhớ 
Giờ một mình quên lãng

Lạnh lùng theo năm tháng 
Dù một lần em đã

Mềm lòng như chiếc lá…

(Nam Lộc viết lời Việt)

Những ca khúc trữ tình được đặt lời Việt như Hỡi người tình Lara (nhạc phim Dr.Zivago):

Người tình thương nhớ
Hãy lắng nghe lời mặn mà 
Dù mùa xuân đã
Chôn vùi bởi làn tuyết kia. 
Ngọn đồi trắng xóa
Sẽ có hoa mọc đầu mùa 
Mộng đẹp như cũ
Ân tình còn về với ta…

Hoặc bài nhạc phim Romeo & Juliet:

Giây phút ban đầu ngày ta gặp nhau
Mắt yêu thầm trao những câu ân tình
Biết bao là âu yếm.
Nhưng mối duyên đầu thường gây khổ đau
Lòng khóc thầm vì phút chia ly chợt đến
Như mưa trời ngâu.
Nhìn lá vàng rơi xao xuyến hồn tôi
Nào đâu người yêu và những ngày xưa.
Thôi đã hết rồi, tình yêu đầu tiên 
Giống như hạt mưa mát cho tâm hồn

Phút giây rồi chợt đến
Theo áng mây sầu nghìn năm buồn trôi
Vì nhớ người, người hỡi đang say hạnh phúc

Thấu cho tình tôi…

(Quốc Bảo viết lời Việt)

Bài dân ca Ái Nhĩ Lan Giàn thiên lý đã xa:

Tội nghiệp thằng bé

Cứ nhớ thương mãi quê nhà 
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa 
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi 
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi. 
Này nàng hỡi nhớ may áo cho người 
Giàn thiên lý đã xa tít mùi khơi 
Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là 
Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua. 
Tìm một miếng đất cho gã si tình 
Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xanh 
Miếng đất cát hoang

Miếng đất ngay bên giáo đường 
Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương. 
Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời 
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi! 
Lấp đất hố tôi, lấp với đôi tay cô nàng 
Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương.

(Phạm Duy viết lời Việt)

Bài Histoire d’un amour (Lịch sử một chuyện tình):

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ 
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ 
Mình làm quen nhau trên đường vắng khuya 
Dìu nhau qua bao nhiêu hè phố mưa 
Ngồi bên nhau công viên lạnh giá... 
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đầy mộng mơ 
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy thật kiêu sa 
Và trần gian thênh thang chỉ có ta 
Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa 
Rồi chia ly rồi đến phôi pha...

(Phạm Duy viết lời Việt)

Các nhóm nhạc trẻ còn được cung cấp thêm các tập bài hát do nhà phát hành Hiện Đại in ấn đều đặn, ghi các bản nhạc có lời ca tiếng Anh, Pháp và có lời Việt của các nhạc sĩ viết thêm để dễ phổ biến. Đó là các tập nhạc đều mang tên Tình Ca Nhạc Trẻ từ tập 1 đến tập 10 (phát hành tháng 9-1973). Nhạc trẻ ăn khách chính là nhờ các bài hát có thêm lời Việt dễ hiểu giúp sự cảm nhận trực tiếp và gần gũi hơn.

Xin giới thiệu một số bài hát của phong trào nhạc trẻ thường sử dụng từ các tập nhạc nêu trên: Thú yêu thương, Chuyện tình, Hỡi người tình Lara, Xin hãy cười một lần cho anh, Lá xanh mùa hè, Tình thơ, Như lá thu vàng, Dĩ vãng buồn, Buồn chợt đến, Một thời để yêu, Hè muộn, Nụ hôn đầu, Điệu buồn, Xin được giấc an vui, Tình trong thoáng giây, Thăng trầm (Tình Ca Nhạc Trẻ 5); Xin để ta yêu em, Hôm nay ta về, Biết bao nhiêu tình, Những tháng ngày cô độc, Không có em, Đồng xanh, Yêu em, Một đời chiêm bao, Đêm sao không bao giờ tôi quên, Cho người yêu bé nhỏ, Giòng đời, Tình thoáng bay, Điệu tình (Tình Ca Nhạc Trẻ 6); Cuộc đời, Yêu em, Chiều về, Một đời cây cỏ, Đôi khi ta muốn khóc, Bài hát cho những người tuổi trẻ, Hãy ngước mắt nhìn đời, Yêu trong cơn say, Đừng cho tôi thấy, Xin hãy quên đi, Sau cơn mê, Người yêu ơi giã biệt, Tôi sẽ tới (Tình Ca Nhạc Trẻ 7); Vắng bóng người yêu, Hát lên đi, Nỗi đau dịu dàng, Đêm trắng, Biệt ly, Yêu em bằng trái tim anh, Cứ yên vui, Người tình bé nhỏ, Biết đâu, Tay trong tay, Đừng nhắc tên chàng, Hè 42, Gửi đến người yêu, Trong nắng trong gió (Tình Ca Nhạc Trẻ 8); Em đẹp nhất đêm nay, Tiễn em nơi phi trường,Yêu em bằng cả trái tim, Tôi nói đùa, Ngày cưới em, Mơ ước rồi đây, Hè đã tới, Dòng suối tình, Dù sao, Khi ta hai mươi, Đường bay em đi, Nói với em, Đêm buồn, Hãy hát lên (Tình Ca Nhạc Trẻ 9); Người yêu nếu ra đi, Dịu dàng bên anh, Xa rồi, Yêu nhau mùa hè khóc nhau mùa đông, Mộng phiêu du, Mưa, Cuộc tình tàn, Tango xanh, Khói mờ mắt người yêu, Tiếng âm thầm, Himalaya, Người đẹp, Hỡi người yêu, Chủ nhật tuyệt vời (Tình Ca Nhạc Trẻ 10).

Ông Kỳ Phát - một thành viên trong phong trào nhạc trẻ, hiện là chủ nhiệm báo Trẻ Magazine hải ngoại - tâm sự: “Tôi từng sống trong thời kỳ mà khi ấy thanh niên rất hoang mang về chiến tranh và trong cuộc sống. Giới trẻ không biết sống chết ngày nào. Họ say đắm và thả hồn vào dòng nhạc kích động để vơi đi những tâm trạng, buồn chán và lo lắng”. Còn ông Nam Lộc nhận xét: “Đã gọi là giới trẻ thì khi lớn lên, rất tự nhiên, họ thích gì thì họ làm đó. Họ không bị ảnh hưởng nhiều bên ngoài, nghĩa là dù đất nước bị chinh chiến, có chiến tranh nhưng không phải lúc nào họ cũng bị cô lập trong cái chinh chiến đó mà họ vẫn phát triển ý thích của họ”.

Ý thích đó chính là những bài hát viết về tình yêu của nhạc trẻ nước ngoài; chúng sẽ là nơi trú ẩn cho những tâm hồn mệt mỏi, chán chường, muốn thoát ly không khí chiến tranh kéo dài mãi mà thế hệ họ phải đương đầu. Những bài hát trong các tập Tình Ca Nhạc Trẻ đã chứng minh cho sự lựa chọn của một lớp người trẻ ở các đô thị tương đối còn yên bình ở miền Nam.

IV. SÁNG TÁC MỚI CỦA NHẠC TRẺ MIỀN NAM

Sau giai đoạn trình diễn các bài hát nhạc trẻ của nước ngoài, một số bạn trẻ trong phong trào bỗng thấy có nhu cầu cần diễn đạt tình cảm và tư tưởng của chính mình bằng ngôn ngữ Việt. Cụ thể là họ muốn sáng tác những bài hát mới để thể hiện tiếng nói của riêng mình, cũng như làm phong phú thêm cho các chương trình biểu diễn. Sau này nhà thơ Du Tử Lê nhận xét: Ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà thành lập năm 1963, với chủ trương dứt khoát của Lê Hựu Hà là “người Việt phải chơi nhạc Việt” nhằm tạo một khuynh hướng khác biệt với hàng loạt các nhóm nhạc trẻ lúc đó, phần lớn đang cover lại các bài hát ngoại quốc, và lấy tên tiếng nước ngoài như The Enterprise, CBC, The Dreammers, Les Vampires... Nhạc trẻ thuần Việt được coi như khai sinh từ đó. Nếu lịch sử âm nhạc Anh quốc có cột mốc vĩ đại từ cuộc nói chuyện vô tình trên tàu điện giữa Paul McCartney và John Lennon, thì ở Việt Nam cũng có chương lịch sử âm nhạc kỳ thú từ sự kết nối giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang”. (1)

Trong số các bạn trẻ sáng tác nhạc và lời Việt để phục vụ phong trào, phải kể đến tác phẩm của các nhạc sĩ như Tùng Giang, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, đều là thành viên trong ban nhạc Phượng Hoàng. Nội dung các bài hát của họ phần lớn không tách rời không khí văn hóa thành thị thời chiến. Họ cũng nói về tình yêu nhưng không phải một thứ tình yêu bất chấp không-thời gian mà là tình yêu của người thanh niên trong hoàn cảnh chiến tranh với tâm trạng ưu tư, giằng xé giữa mơ ước và thực tại.

Họ không có giấc mơ tuyệt đẹp như trong trong một thế giới yên bình nên đôi khi tình yêu của họ cũng vướng nhiều u buồn, trăn trở. Phút giây nồng nàn vừa có đó nhưng biết đâu tiếp nối là sự phũ phàng:

Hỡi anh yêu xin anh đừng buồn
Có đôi khi em hay giận hờn
Ðể cho anh quên đi ngày dài
Với bao đêm suy tư miệt mài.

Mắt môi đây xin anh đừng chờ
Chiếc hôn kia mong anh từng giờ
Ngón tay kia xin chớ hững hờ
Dắt em đi về trong đợi chờ
...

Hãy cho em môi hôn nồng nàn
Lỡ mai sau duyên ta muộn màng
Sẽ không ai cho ta vội vàng
Mới yêu đây nay sao phũ phàng.

Hãy yêu như chưa yêu lần nào
Hãy cho nhau môi hôn ngọt ngào
Hãy đưa em về nơi cuối trời
Giấc mơ yêu cùng anh trọn đời. 
(Lê Hựu Hà, Hãy yêu như chưa yêu lần nào)

Tình cảm yêu đương của đôi lứa có nhiều cung bậc cảm xúc nên âm nhạc của các tác giả trẻ cũng diễn tả được các dạng thức của cảm xúc ấy, khi tha thiết mặn nồng, khi buồn phiền áo não. Trong bài Thương nhau ngày mưa, Nguyễn Trung Cang (2) sử dụng điệu slow rock để diễn tả dòng nhạc nhẹ nhàng với tình cảm vương vấn của thời hoa mộng, tựa những cơn mưa tuôn rơi đều đặn gợi nhớ về dĩ vãng:

Khi mặt trời vắng bóng 
Khi lời nguyền khuất lấp 
Nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong. 
Như giọt buồn nước mắt 
Mưa ngại ngùng héo hắt 
Thương người về buốt giá trên đường xa. 
Mưa từng ngày thướt tha 
Mưa bàng hoàng xót xa 
Còn mưa mãi giữa bơ vơ nắng trong mơ. 
Như mưa ngày nào thấm ướt vai em 
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm 
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm. 
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu 
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh 
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau.

(Nguyễn Trung Cang, Thương nhau ngày mưa)

Hầu hết các nhạc sĩ trẻ đều viết về tình yêu, họ có những giai điệu nhẹ nhàng, êm ái:

Bây giờ là mùa thu,

Chiều vắng khói sương mù
Hàng cây khô sầu úa,

Hiu hắt đứng trong mưa.
Mưa như lệ tình xưa,

Lệ thấm mấy cho vừa
Lệ thương hoa phượng rũ,

Anh có nghe mùa thu.
Thu mang cho tình yêu một thời đã qua
Thu mang cho người yêu một đời xót xa
Mùa thu đã xóa hết cơn mong chờ
Mùa thu sẽ cất dấu chân ơ thờ
Một người bước đi, lệ tình ướt mi.
Hôm nay trời vào đông,

Tình đã chết trong lòng
Niềm cô đơn chợt đến,

Anh đã quên mùa thu.
Anh đã quên mùa thu,

Anh đã quên mùa thu...
Mùa thu!

(Tùng Giang & Nam Lộc, Anh đã quên mùa thu)

Nhưng đôi khi uất nghẹn vì tình cảm yêu thương đã nhạt nhòa hoặc vội vàng mất đi:
Em ơi, anh muốn nói rằng,

Sao em còn mãi hững hờ.
Khi anh trọn lòng yêu em thiết tha.
Xin em đừng luôn dối lòng,

Khi tim làm đôi má hồng.
Cho ta được gần nhau trong giấc mộng.

(Lê Hựu Hà, Yêu em)

Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng 
Lòng đang giá băng,

Bỗng ngập tràn muôn tia nắng 
Nghe bao xót xa,

Vụt bay theo cánh chim ngàn 
Dừng bước nơi này, chỉ còn em với ta... 
Ngỡ ngàng nhìn em... như đã quen rồi 
Hỏi em biết chăng,

Những bàng hoàng giăng vây kín 
Như muôn tóc mây

Quyện vương đôi mắt nhung huyền 
Mộng ước đây rồi...

Sao ngại ngùng vương trong ta... 
Bao đêm cô đơn,

Miên man với niềm thương nhớ 
Suy tư âu lo, men thuốc đắng trên môi 
Đã xót xa nhiều mà sao nói không nên lời 
Đành xin ôm trọn mối u hoài trong tâm tư...

(Tùng Giang & Trường Kỳ, Biết đến thuở nào)

Nước mắt ấy đã lau khô rồi
Đôi môi ấy đã quen tiếng cười
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi
Người tình cũ đã xa ta rồi.
Tiếc nuối mấy cũng thêm thừa
Yêu đương biết nói sao cho vừa
Cuộc tình đủ để em vui đùa
Đọa đày đó giờ đã đến mùa ...
Trong quan tài buồn

Hồn nghe thêm trống vắng
Tóc chưa xanh một lần

Nhưng tim nghe đã thương thân
Trong cơn gọi hồn đời nghe xa xôi lắm
Gót chân đi chưa mòn

Đường tình nay đã lơi dần...

(Nguyễn Trung Cang, Phiên khúc mùa đông)

Đến một lúc nào đó, người nhạc sĩ nhận ra tình yêu đem lại muộn phiền và anh ta sẽ trở về với nỗi cô đơn và lời thở than khi đối diện với chính mình:

Đêm có tiếng thở dài,

Đêm có những ngậm ngùi,
Khu phố yên nằm, đôi bàn chân mỏi
Trên lối về mưa bay.
Đêm anh hát một mình,

Ru em giấc mộng lành
Xin những yên bình cho loài chim nhỏ
Cao vút trời thênh thang.
Anh ru em ngủ không bằng

Những lời buồn anh đã viết
Anh ru em ngủ này lời ru

Tha thiết rộn ràng
Ai cho tôi một ngày yên vui
Cho tôi quên cuộc đời bão nổi
Để tôi còn yêu thương loài người.
Đêm hiu hắt lạnh lùng,

Sâu thêm mắt muộn phiền
Soi bóng đời mình bên dòng sông cũ.

Tôi với trời bơ vơ.

(Tùng Giang, Tôi với trời bơ vơ)

Giữa một đất nước tao loạn, xã hội phức tạp, lòng người nhiều khi thay đổi khó lường, ở đó nhiều ganh ghét, hận thù, lừa lọc, dối trá… khiến nét nhạc của các tác giả trẻ tuổi còn vướng vất một chút bi quan hoặc là sự thở than trước nhân tình thế thái. Trong tình cảnh đó đôi khi họ cũng giấu đi dòng lệ. Nhưng rồi cũng phải yêu thương người, yêu thương đời:

Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười.
Ta không cần cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Ta không cần cuộc đời
Toàn những khoe khoang và thấp hèn.

Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười.
Ta không thèm làm người
Thà làm chim trên rừng hoang vắng
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời...

(Lê Hựu Hà, Hãy ngước mặt nhìn đời)

Bạn thân ơi cố gắng yêu thương người
Dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài
Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời
Dù là lời nghe chua cay,

Dù là lời thoáng qua tai...
Bạn thân ơi cố gắng thương yêu đời
Dù đời không yêu ta, hãy cứ thương yêu hoài
Mặc đời ta không ai, hãy vững tin yêu đời
Dù đời chỉ yêu gian dối,

Dù đời cay đắng như vôi...
Ngày nào bầu trời còn mây bay
Lòng ta vẫn thấy yêu thương người
Dù đời còn gặp nhiều chông gai
Trọn đời vẫn cứ đi đi hoài.
Bạn thân ơi cố gắng yêu thương đời
Dù đời không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài
Mặc đời ta không ai, hãy vững tin yêu đời
Dù đời chỉ yêu gian dối,

Dù đời cay đắng như vôi...

(Lê Hựu Hà, Yêu đời yêu người)

Và như thế sau khi trải qua nhiều buồn phiền, cay đắng, người nhạc sĩ cũng chỉ mong ước giản dị:

Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên
Tôi muốn sống như loài hoa hiền
Tôi muốn làm một thứ cỏ cây
Vui trong gió và không ưu phiền.
Tôi muốn mọi người biết thương nhau
Không oán ghét không gây hận sầu
Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu...
Em có thấy hoa kia mới nở
Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời
Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi
Giờ đâu còn tìm được nét vui...
Tôi muốn thành loài thú đi hoang
Tôi muốn sống như loài chim ngàn
Tôi muốn cười vào những khoe khoang
Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn...

(Lê Hựu Hà, Tôi muốn)

oOo

Chiến tranh kéo dài trên đất nước, ngày càng mãnh liệt, làm tâm trạng thanh niên thiếu nữ mòn mỏi trong khát khao yên bình, muốn vươn lên để xây dựng tương lai. Dù chiến tranh chưa làm xáo trộn nhiều đời sống ở Sài Gòn cũng như các thành thị miền Nam và sự nguy hiểm không thường xuyên và tàn khốc như ở các vùng thôn quê và rừng núi, những người tuổi trẻ vẫn khao khát một thứ âm nhạc nói lên tâm trạng và khát vọng của chính mình để bồi đắp tâm hồn. Nhạc trẻ được ưa thích vì có thể phản ảnh phần nào tâm trạng này của một lớp thế hệ thanh niên bị đóng khung trong các đô thị miền Nam như thế.

_________

CHÚ THÍCH:

(1) Du Tử Lê, Lê Hựu Hà: Tin yêu giữa thảm kịch, tháng 4-2016, FB DTL.

(2) Nguyễn Trung Cang còn có hai bài hát được nhiều người biết đến và cứ tưởng đó là sáng tác trước năm 1975. Bài Bâng khuâng chiều nội trú viết năm 1981 và Còn yêu em mãi là ca khúc viết vào cuối đời. Nguyễn Trung Cang mất năm 1985.

(Còn tiếp)