Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Nhìn lại âm nhạc miền Nam 1954-1975 (kỳ 10)

 

Nguyễn Phú Yên

CHƯƠNG IX

PHONG TRÀO DU CA

Trong thập niên 1960-1970, nhiều hội đoàn, nhiều tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh được hình thành dưới nhiều danh nghĩa khác nhau. Có khi đó là tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức đào tạo kỹ năng sống, hội đoàn tôn giáo hoặc tổ chức từ thiện thuộc cơ quan trong nước hay nước ngoài. Đa số thành viên của các tổ chức này đều là thanh niên, do đó họ đều có nhu cầu ca hát cộng đồng trong sinh hoạt, hoạt động của đoàn thể. Nhiều bài hát đã ra đời đáp ứng nhu cầu thiết thực của mỗi tổ chức. Có thể kể một vài tổ chức quy tụ đông đảo thanh niên như Hướng đạo sinh, Gia đình Phật tử, Thanh Sinh Công, Tổng hội Sinh viên hoặc Hội đồng Sinh viên liên khoa ở các trường đại học, Tổng đoàn Học sinh ở các trường trung học, Hội đồng tương trợ sinh viên, Đoàn công tác xã hội, Phong trào thanh niên thiện chí, Nhóm Thanh niên tự lực, Đoàn văn nghệ sinh viên học sinh thuộc các tổng hội sinh viên, đoàn Nguồn Sống, Chương trình Phát triển sinh hoạt học đường (viết tắt là CPS) trực thuộc Bộ Giáo dục và thanh niên được sự trợ giúp của các tổ chức thiện nguyện quốc tế, chuyên trách về điều hành và xây dựng các sinh hoạt thanh niên, sinh viên, học sinh hướng về phụng sự xã hội... Nổi bật trong các tổ chức sinh hoạt văn nghệ và công tác thiện nguyện lâu dài là Phong trào du ca Việt Nam, qui tụ đông đảo thành viên trong đó có lực lượng sáng tác âm nhạc khá đông đảo. Phong trào có được công chúng rộng rãi ở nhiều thành phố cả nước lúc bấy giờ.

I. SỰ HÌNH THÀNH PHONG TRÀO DU CA

Phong trào Du ca được thành lập với tôn chỉ: "Dùng tiếng hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi sáng". Mùa hè năm 1965, Nguyễn Đức Quang và một số bạn ở Đà Lạt tham gia chương trình công tác hè để rồi sau đó họ thành lập một ban nhạc sinh viên gồm năm người là Nguyễn Đức Quang, Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Hoàng Thái Lĩnh, Nguyễn Quốc Văn. Ban nhạc sinh viên này xuất hiện lần đầu tiên tại giảng đường Spellman (Viện Đại học Đà Lạt) vào tháng 12 năm 1965 cùng với nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Phương Oanh. Kể từ đó, Phương Oanh gia nhập ban nhạc - chính thức có tên là Ban Trầm Ca. Khởi đầu ban Trầm Ca chuyên sinh hoạt ca diễn văn nghệ theo tinh thần hướng đạo, thanh niên sinh viên phụng sự xã hội. Sau hơn một năm hoạt động, với sinh hoạt ngày càng phát triển, ban Trầm Ca quyết định thành lập Phong trào Du ca Việt Nam vào ngày 19-12-1966. Phong trào được Bộ Quốc gia Giáo dục và Thanh niên Việt Nam Cộng hòa công nhận chính thức và cấp giấy phép hoạt động trên toàn quốc kể từ ngày 24 -1-1969, với cả ngàn đoàn viên có mặt khắp mọi miền đất nước dưới hình thức những toán du ca... Phong trào du ca Việt Nam có chủ tịch lâm thời đầu tiên là Đinh Gia Lập; đại hội lần thứ nhất của phong trào đã bầu dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ làm chủ tịch (1967), sau đó là nhà báo Đỗ Ngọc Yến (1972).

Là một tổ chức thanh niên, Phong trào Du ca Việt Nam bao gồm nhiều bộ phận, trong đó phần sáng tác âm nhạc được giao cho xưởng du ca. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là trưởng xưởng, sau đó nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (Trần Tú) thay thế (1972). Số lượng các nhạc sĩ ngày càng đông đảo: Nguyễn Ðức Quang, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quyết Thắng, Trần Ðình Quân, Anh Việt Thu, Tôn Thất Lan, Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Hữu Nghĩa, Giang Châu, Nguyễn Thiện Cơ, Bùi Công Thuấn, Đặng Mục Tử, Lý Văn Chương, Lê Quang Dũng, Lưu Quang Diệp, Nguyễn Văn Phiên, Phan Ni Tấn, Võ Thị Xuân Đào… Ngoài ra còn có các huynh trưởng tham gia hướng dẫn, huấn luyện như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc, Trần Văn Ngô, Nguyễn Thanh, Nguyễn Khả Lộc, Phan Huy Ðạt, Tống Hoằng, Đỗ Phương Oanh…

Những tuyển tập của phong trào đã phát hành như: Tuyển tập Du ca 1, Du ca 2, Du ca 3, Những bài ca khai phá, Ta đi trên dòng lịch sử, Những điều trông thấy, Những khuôn mặt Du ca, Hát cho những người sống sót, Anh hùng ca, Sinh hoạt ca…

Du ca là một đoàn thể hoạt động về văn hóa và văn nghệ phục vụ cộng đồng. trong đó sinh hoạt ca hát có đặc điểm là người nghe lẫn người hát đều cộng tác với nhau, hát chung với nhau, mục đích là tác động tinh thần và cảm hóa người nghe để tất cả cùng có ý thức phục vụ xã hội, khơi động lòng hăng hái của tuổi trẻ tham gia công tác tự nguyện xây dựng quê hương. Ngoài các bài ca sinh hoạt vui tươi, phấn khích, lành mạnh, phần lớn sáng tác của anh em phong trào du ca chất chứa tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhược tiểu muốn vươn lên để thay đổi số phận của dân tộc mình, nói lên ước vọng hòa bình khi đất nước còn chìm đắm trong chiến tranh. Phong trào Du ca Việt Nam đã khẳng định vai trò và mục tiêu của phong trào: “Người du ca sống giữa lòng dân tộc, mở mắt nhìn cảnh sống chung quanh, lắng tai nghe lời than hay tiếng reo mừng của đồng loại, cưu mang đau khổ và ôm ấp hy vọng để rồi hát lớn bằng ngôn ngữ thi ca. Họ là những phát ngôn nhân của thời đại. Dù sống ở bất cứ nơi nào, giữa vùng đất đá khô cằn Trung Việt, trên núi đồi heo hút Cao nguyên, dưới đồng bằng phì nhiêu Nam Việt, hay trong lòng những đô thị xa hoa, những người du ca đều nói bằng lời chân thành của lương tâm. Vì vậy, tiếng nói của họ cũng là tiếng nói của hàng chục triệu người Việt cùng ôm trái tim đớn đau đi chung trên một dòng lịch sử” (1)

II. TỔ CHỨC PHONG TRÀO DU CA

Phong trào Du ca được tổ chức thành các đơn vị ở mỗi tỉnh, thành phố, liên hệ mật thiết với nhau, thường xuyên tổ chức các trại sinh hoạt của mỗi một đoàn du ca cấp tỉnh, thành phố hoặc nhiều đoàn du ca ở khu vực, vùng miền... Có thể kể đến các toán du ca nổi bật: Con Sáo Huế, Du ca Áo Nâu, Du ca Lòng Mẹ, Du ca Trùng Dương, Du ca Vàm Cỏ Tây, Du ca Vàm Cỏ Ðông, Hồ Gươm, Sông Hậu, Du ca Vượt Sóng, Ca đoàn Trùng Dương, Du ca Áo Xanh, Du ca Giao Chỉ, Du ca Ðà Nẵng, Ban Mê Thuột, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Nha Trang, Biên Hòa, Bình Thuận, Du ca Mùa Xuân, Du ca Phù Sa, Ðồng Vọng… Phần lớn anh em phong trào còn là thành viên của Hội Hướng đạo Việt Nam nên phong trào ngày càng phát triển do quen tổ chức sinh hoạt trại, sinh hoạt tập thể và ca hát, thu hút đông đảo thanh niên. Vì vậy phong trào có tác động rõ rệt và nhất định vào một bộ phận lớp trẻ thành thị về mặt nhận thức và tâm lý.

Huy hiệu Du ca mang hình một cây Văn (văn hóa) gồm có bảy rễ, năm cành và năm trái.
Bảy rễ: tượng trưng cho nền móng du ca được đặt trên bảy điểm căn bản: lý tưởng, tổ chức, lãnh đạo, sinh hoạt, kỹ thuật, sáng tạo, kinh nghiệm. Năm cành: tượng trưng cho năm điều luật du ca: du ca viên tích cực và kỷ luật trong nhiệm vụ, du ca viên bền bỉ và can đảm trước mọi khó khăn, du ca viên kiên tâm học hỏi và thực thi những điều lợi ích, du ca viên tự tin và gây tin tưởng cho mọi người, du ca viên thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Năm trái: tượng trưng cho năm kết quả mà du ca viên tạo được: tinh thần cộng đồng, tinh thần nghệ thuật, tinh thần dân tộc, tinh thần tiến bộ, tinh thần nhân ái.
Màu sắc: nền màu trắng: tinh khiết phục vụ. Cây Văn màu xanh đậm: trẻ trung và bền bỉ. Trái màu đỏ: can trường và thành công. Ngoài ra, du ca cũng có qui định đồng phục riêng dành cho nam và nữ.

Đại hội Du ca toàn quốc nhóm họp lần 1 tại Sài Gòn quyết định chọn bài hát Đoàn ta ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang làm đoàn ca của Phong trào du ca Việt Nam.

Về tổ chức, phong trào gồm hai khối: một chủ tịch phụ trách hành chính, pháp lý, tổ chức đoàn viên và yểm trợ; và một trưởng xưởng phụ trách sáng tác, ca mục, huấn luyện, tổ chức sinh hoạt.

Ðơn vị cơ bản của phong trào: nhỏ nhất là toán du ca từ 5, 7 đến 15 hay 25 đoàn viên. Có nhiều toán thì lập thành đoàn du ca.

 

III. NỘI DUNG CA KHÚC PHONG TRÀO DU CA

Về nội dung sáng tác, các tác giả trong phong trào cùng xuất phát từ các quan điểm tương đồng, do đó các ca khúc thường nhất quán về tư tưởng. Đó là những bài hát nói về tâm trạng của lớp trẻ trong các thành thị: nỗi buồn đau, nỗi xót xa của kiếp người trong chiến tranh, ý thức về thân phận khốn khổ, nhục nhằn của quê hương, hướng về tương lai với tinh thần lạc quan, xây dựng và niềm mơ ước hòa bình.

1. Nhận diện quê hương

Thế hệ sinh ra trong chiến tranh khi lớn lên đã nhìn thấy quê hương mình tràn đầy khói lửa. Không chỉ trong hiện tại mà từ trước đó quê hương cũng đã trải qua bao cơn binh đao. Nhìn lại cả một quá khứ họ chợt nhận ra đất nước bé nhỏ này chỉ là thân phận nhược tiểu, bị định đoạt bởi người ngoài. Họ than thở cho đất nước ấy:

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu,

Nỗi tủi hờn căm bừng trên tay

Nỗi nhọc nhằn trĩu nặng đôi vai.

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu,

Ôi đau thương xâm kín hình hài

Niềm đau thương của kiếp đọa đày…

Tôi trót sinh vào nước chia cắt,

Nỗi thù hằn còn đục lòng sông

Tôi trót sinh vào nước chia cắt,

Tình anh em máu chảy thành dòng…

Ơ hay Thượng đế có buồn

Chứng giám giùm những linh hồn

Người dân tôi nhìn tương lai

Nước mắt tuôn tràn ngày.

(Nguyễn Đức Quang, thơ Nguyễn Văn Hoàn,

Nỗi buồn nhược tiểu)

Rồi trong cơn binh lửa ấy, người dân Việt phải chịu đổ bao xương máu, chịu cảnh sống cơ khổ, lầm than:

Quê hương tôi vùng đất khô sỏi đá

Mấy mươi năm chỉ biết có lầm than

Người dân tôi những tháng ngày cơ cực

Vì áo cơm mưa nắng rát lưng trần

Quê hương tôi mấy mươi năm binh lửa

Cho nhục nhằn còn mãi kéo vây quanh.

Ôi Việt Nam ngàn năm như thế đó

Ngàn năm còn máu đỏ thắm quê hương…

Xin cầu nguyện cho đạn bom vắng tiếng

Cho người về xây đắp lại yêu thương

Cho đất nước không còn trong tiếng khóc

Không còn nghèo cơm gạo

Mà giàu máu giàu xương.

(Nguyễn Quyết Thắng, Quê hương tôi)

Họ nhìn rõ quê hương đổ nát, ruộng đồng khô khan và những con người gục chết tả tơi:

Quê hương đã bao năm

Xây trên những đổ nát

Quê hương đã bao năm

Lúa khô trên đồng cháy

Quê hương đã bao lần

Chìm sâu trong nhục nhằn

Quê hương đã mỏi mòn

Tìm lại giờ phút ấm êm…

Quê hương đã ê chề

Lầm than trên phận người

Quê hương với tim hồng

Còn lạc loài thắm đôi nơi.

(Bùi Công Thuấn, Hi vọng chính chúng ta)

Này quê hương đã bao năm sâu hận thù

Này máu xương chất cao lên thành núi

Ôi quê hương yêu dấu bom đạn réo từng giây

Ôi quê hương ưu phiền

Ngàn năm chất mãi thương đau…

(Bùi Công Thuấn, Ta đi trên dòng lịch sử)

Một vùng quê xôn xao

Là triệu người dân hoang mang

Ôi tim ta rỉ máu

Tiếng hát nào nước mắt nghẹn ngào

Một ngày trên quê hương

Là một ngày thêm đau thương

Ôi con dân gục chết

Trong dáng gầy áo quần tả tơi…

(Nguyễn Quyết Thắng, Nhận diện quê hương)

Người còn lại sống khổ, sống đau thương và cảm thấy lạc loài trên quê hương lửa đạn:

Cho đồng bào tôi thở nốt những hơi tàn

Buông thõng bàn tay thua thiệt trước lầm than

Đêm đêm đi dạy vá may thêm

Hay mang xe đèo kiếm cơm ăn

Thân trâu kéo cày bên lũ hưởng nhàn.

(Nguyễn Đức Quang, Cho đồng bào tôi)

Tôi gọi tiếng Việt Nam

Hai mươi năm lửa đạn

Thắp sáng trời không gian

Để lòng dân ngậm hờn.

(Nguyễn Quyết Thắng, Gọi tên đất mẹ)

Cơn đói xưa sắp tràn tới,

Cuộc nhân sinh sẽ tàn phai

Người lo việc nước ơn đời,

Để về chết bơ vơ một tối

Nhọc nhằn trải mấy chục năm,

Nhìn chưa ra ánh sáng mặt trời

Ôi biết mấy mong chờ,

Trời im gió cho ta vào bờ.

(Nguyễn Đức Quang, Xương sống ta đã oằn xuống)

Nhưng đã là con dân Việt, họ phải chấp nhận thân phận nhỏ nhoi, dù đau thương nhưng không thể nào từ bỏ miền đất quê hương nơi họ đã sinh ra:

Đến với quê hương tôi,

Nói với quê hương tôi dù hờn căm còn đầy

Đến với quê hương tôi,

Nói với quê hương tôi dù còn sầu khổ đau.

Đến với quê hương tôi,

Nói với quê hương tôi dù gian nan còn nhiều

Đến với quê hương tôi,

Nói với quê hương tôi miệt mài không hề nguôi.

(Bùi Công Thuấn, Nói với quê hương tôi)

Xin chọn nơi này làm quê hương

Dẫu đang chiến tranh

Xin chọn nơi này làm quê hương

Dẫu chưa thanh bình

Xin chọn nơi này làm quê hương

Dẫu đang khó khăn

Xin chọn nơi này làm quê hương

Dẫu chưa ấm êm...

Sống trong chiến tranh là sống với khổ cực, lo âu, hoang mang và cùng ưu tư cho vận nước:

Xin chọn nơi này làm quê hương

Dẫu cho khó thương

Ta cùng lo chạy từng lưng

Cơm áo che thân tàn

Khi mùa mưa về cùng lem nhem

Bước trên ngõ trơn

Khi giặc lan tràn cùng lo âu

Trắng đôi mắt đen...

Ta còn những người ngồi quanh đây

Trán in vết nhăn

Ðêm nằm nghe lòng quặn sôi lên

Giữa cơn mộng lành

Ôi vì thâm tình cùng con dân

Sống trong chiến tranh

Ôi cùng đau lòng cùng hoang mang

Giữa khi khó khăn.

Vì thế dù hận thù hay ganh ghét, dù ở đô hội đông vui hay miền quê heo hút họ càng thấy cần ở bên nhau với tất cả lòng thương yêu:

Ta còn những người còn yêu nhau

Biết bao thiết tha

Chưa gặp bao giờ mà đã quá

Uống máu ăn thề

Giam mình trong lòng thành đô kia

Sống nơi ấp quê

Nhưng tình cao vời đòi yêu thương

Khắp luôn thế gian.

(Nguyễn Đức Quang, Xin nhận nơi này làm quê hương)

Ai không cảm thấy nỗi buồn xâm chiếm khi trên quê hương còn nhiều ngôi trường hoang vắng, đồng nương trơ trọi, vạn vật xác xơ vì thiên tai và chiến tranh:

Chiều nay lờ lững tôi ngang Tuy Hòa

Ngồi đây nhưng thấy như còn xa

Trường xưa hoang vắng, hiu hiu bên ruộng lúa

Một con chim én nô đùa ngoài kia

Ôi, bước dài ngao ngán bên nương buồn

Nhìn quanh trơ đứng bao đồng nương…

Đường đi đưa tới phía Nam nhưng lòng

Triền miên ray rứt theo miền Trung

Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố

Còn người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ

Ôi, bước buồn theo mãi không gian buồn

Một đêm qua biết bao sầu thương!

(Nguyễn Đức Quang, Chiều qua Tuy Hòa, 1968)

Không chỉ sầu thương, họ còn biết khổ đau, tủi hổ khi nhìn thấy chung quanh là những thiếu phụ chít khăn tang, những mẹ già và em thơ côi cút:

Tôi vẫn thấy nhiều người,

Những người trên quê hương tôi

Tôi vẫn thấy nhiều người,

Trên đầu khăn sô tù đày

Một vùng quê xôn xao

Là triệu người dân hoang mang

Ôi tim ta rỉ máu tiếng hát nào

Nước mắt nghẹn ngào

Ôi con dân gục chết

Trong dáng gầy áo quần tả tơi

Cho bơ vơ em thơ,

Đau lòng mẹ già mù lòa.

(Nguyễn Quyết Thắng, Nhận diện quê hương)

Dù trong khổ đau họ vẫn đầy tình người và còn yêu thương tha thiết quê hương mình:

Đây ruộng bao la đây đồi nương xa

Đây ghềnh thác đá

Đây mấy dãy núi xa xa như thành lũy

Quân ta ngăn vạn quân thù.

Này rừng quê hương này dấu yêu

Thương hồn thiêng sông núi

Quê hương là tình yêu thương

Đời mình núi biếc còn xanh.

(Bùi Công Thuấn, Tình ca quê hương)

Anh sẽ về em ơi anh sẽ về

Về nơi ngôi nhà vách đất

Với hàng hoa thơm

Nơi con đê già nơi cây cầu tre

Nơi con đường đất dấu chân trâu bò…

(Nguyễn Hữu Nghĩa, Anh sẽ về)

Người thanh niên Việt Nam

Quay về với xóm làng

Tiếng reo vui rộn trong lòng

Cùng đi lay Trường Sơn,

Cùng đi xoay Hoành Sơn

Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm…

(Nguyễn Đức Quang, Về với mẹ cha)

Niềm tự hào vẫn còn vang lên trong trái tim tuổi trẻ. Dù cuộc đời còn đớn hèn nhưng họ vẫn hiên ngang, kiêu hãnh vì lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn xưa vẫn còn đó:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại

Xương da thịt này cha ông miệt mài

Từng ngày qua cười ngạo nghễ

Di trong đau nhức không nguôi

Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang

Còn Việt Nam triệu con tim

Này còn triệu khối kiêu hùng.

(Nguyễn Đức Quang, Việt Nam quê hương ngạo nghễ)

2. Tuổi trẻ chúng tôi

Thập niên 1960 là thời gian cao trào của chiến tranh Việt Nam, nhiều thế hệ thanh niên bị huy động vào guồng máy chiến tranh, đi quân dịch, bị bắt lính và tổng động viên. Đó là nỗi ám ảnh và lo sợ lớn nhất của thế hệ thanh niên bấy giờ. Những ca khúc của phong trào du ca thể hiện khá rõ rệt hiện thực đó:

Cho bạn bè tôi mệt chới với giữa quân trường

Hun hút rừng sâu hay nằm giữa nhà thương

Lao đao trong cuộc sống loi nhoi

Lang thang chơi đùa suốt đêm vui

Như con quay tròn quay trong ngục tối

(Nguyễn Đức Quang, Cho đồng bào tôi)

Dưới mắt người thanh niên thời bấy giờ, chiến tranh là xương máu, là thây người, là ruộng đồng tan hoang, là con người tàn phế:

Máu đã chảy thành sông,

Xương đã chồng chất núi

Biết bao máu người mình

Và đây thịt xương Lạc Hồng.

(Giang Châu, Những điều trông thấy)

Thưa me thưa me con đã về nhà

Ngồi trên xe lăn từng vòng xót xa

Thưa me thưa me con đã về gần

Dù chẳng còn đôi chân.

Thưa me thưa me con đã về thăm

Xin giữa quê hương một chỗ yên nằm

Xin một bóng cây xanh lên phần mộ

Một lần là trăm năm…

Thưa me thưa me con đã về nhà

Giữa tình thương yêu của làng xóm ta

Thưa me thưa me con đã về gần

Dù chẳng còn xác thân.

(Tôn Thất Lan, Một lần là trăm năm)

Trong hoàn cảnh đó chỉ còn biết nương nhau mà sống, ở bên nhau mà vỗ về, giúp đỡ:

Dìu nhau cho thây ngưng đổ

Dìu nhau cho bom ngưng nổ

Dìu nhau bằng niềm nhung nhớ

Bằng những câu hẹn hò

Xin dìu nhau qua khổ đau

Xin dìu nhau trong dài lâu.

(Ngô Mạnh Thu, Dìu nhau)

Một chiếc khăn rụng lau nước mắt

Hai chiếc khăn lau ráo mồ hôi

Ba chiếc khăn lau vết thương trào máu

Bốn chiếc khăn để tang cuộc nội chiến này.

(Trần Đình Quân & Vũ Thanh Vân, Những chiếc khăn)

Những tác giả du ca tự xem mình như những nạn nhân của cuộc chiến cho nên vẽ lên khá trung thực bộ mặt lớp trẻ thành thị bấy giờ cũng như bày tỏ tâm trạng đau thương, bế tắc, rên rỉ cho phận người. Bài hát sau đây như một sự nhận diện khuôn mặt tuổi trẻ, sự thức tỉnh của một thế hệ thanh niên sinh ra trong chiến tranh bị xô đẩy vào ngọn lửa đạn bom và hận thù:

Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm

Lần lượt đi lên giàn lửa thiêu

Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm

Kiếp sống lang thang như mây chiều.

Này vì đâu này vì đâu

Mà xương máu ngất núi ngất núi

Trên quê hương dẫy đầy hận thù

Kiếp sống nào như loài cỏ cây.

Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm

Chìm ngập sâu trong niềm sầu đen

Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm

Héo hắt đi trong cơn ưu phiền

Này vì đâu này vì đâu

Mà thiêu cháy kiếp sống kiếp sống

Trong mê man với niềm nhục nhằn

Nước mắt nào dâng nghẹn đầy vơi.

(Giang Châu, Tuổi trẻ chúng tôi)

Khi bị đẩy vào một thảm kịch đau xót như vậy, người thanh niên chỉ còn biết kêu đòi và cất lời kêu gọi đứng lên thay đổi cuộc sống của chính mình:

Sao chúng tôi không có quyền

Lên tiếng nói

Tìm cuộc đời đời đáng sống

Tìm về nguồn nguồn quê hương

Bao nghìn năm anh dũng.

Sao chúng tôi phải gục đầu

Phải gục đầu mà hi sinh cho ngoại quyền

Mà hi sinh cho chủ nghĩa

Cho danh từ rỗng không.

Tuổi trẻ chúng tôi đã nghe trong tim

Lời gọi âm vang từ nghìn xưa

Tuổi trẻ chúng tôi đã nghe trong tim

Tiếng réo sôi trong đêm giao mùa

Nào vùng lên nào vùng lên

Tạo nên kiếp sống mới sống mới

Đưa quê hương thoát vòng ngục tù

Thoát xích xiềng gông cùm nhục ô.

(Giang Châu, Tuổi trẻ chúng tôi, 1972)

Viễn tượng mở ra trước mắt của lứa tuổi họ chỉ là bất an, phiền muộn, tâm hồn buốt giá và tàn tạ:

Bao mùa xuân trên tay phiền muộn

Bao mùa hè đốt tuổi bình an

Bao mùa thu dung nhan tàn tạ

Bao mùa đông buốt giá tâm hồn.

(Trần Đình Quân & Vũ Thanh Vân, Những chiếc khăn)

Con người bị bủa vây trong hoàn cảnh xã hội như thế tất nhiên như kẻ bị dồn vào chân tường, cảm thấy hoang mang, nghi ngờ, chìm vào trong nỗi cô đơn, buồn đau dài lâu và phẫn nộ:

Tôi thất vọng từng cơn hoang mang dài

Tôi chia thành trăm tôi

Tôi rã rời ngổn ngang trong tâm hồn

Tôi nghi ngờ và cô đơn…

Tôi nhìn lại, tôi bồi hồi,

Kiệt sức giữa cơn giông

Bầm tím đứng chênh vênh,

Mỗi người một dòng sông…

Tôi mệt nhoài, tôi mệt nhoài,

Đường đi qua quân trường

Đường đi xa thế giới,

Đường cô độc mãi mãi

Tôi nhạt mờ trong cuộc cờ,

Chìm trong cõi bơ vơ

Đời chung đã qua mau,

Chưa vui mà buồn lâu.

(Nguyễn Đức Quang, Hoàng hôn của một lớp người)

Khi Chúa cho con hoang trở về
Nhìn thấy quê hương vui tràn trề
Là Việt Nam chịu ân oán

Cho cuộc tranh đua.
Bao nước vây chung quanh đòi nợ
Bị đóng đinh trên cây thập tự
Một dân tộc trả bằng máu

Hai chục năm qua.
Giờ lên tiếng, nói cho cùng
Vì lương tâm chúng ta chưa mòn
Vì vẫn lo tương lai nguy nàn
Bọn đầu cơ càng thêm lớn.
Cuộc phiêu lưu đã bao ưu sầu
Và đắng cay thương đau đã nhiều
Tội không làm

Đền một kiếp chưa vừa hay sao…

(Nguyễn Đức Quang, Im lặng là đồng lõa)

Vì vậy mà chính trong sâu thẳm của tâm thức, khi mà họ tưởng như tuổi trẻ của mình bị đánh cắp thì đồng thời vang lên lời kêu đòi hãy trả lại cho họ sức sống, sự yên vui, tự do, để họ được phụng sự Tổ quốc:

Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông
Chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng
Dù mưa tuôn, dù bão cuốn
Bông lúa vàng cuồn cuộn gió vươn lên
Dù bom rơi, dù súng tới
Bông lúa ngời vượt lửa khói lên ngôi
Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui
Dẫu rằng đang chiến tranh hay hòa rồi.
Trả lại tôi là tuổi tự do theo
Chúng mình: hoa hướng dương trên ngọn đèo
Là hoa niên tìm ánh sáng
Hoa biết đường về mọi chốn vinh quang
Là măng non, là thép mới
Khi đáp lời thì quả đất lung lay
Là tuổi son ở Phù Ðổng vươn vai
Chúng mình khi đứng lên cao bằng trời…
Trả lại tôi là tuổi trẻ hôm nay
Chúng mình như đóa sen trong bùn lầy
Việt Nam đây, đầy rắc rối
Nhưng vẫn còn nhiều hình dáng vui tươi
Việt Nam ơi! Còn tiếng nói
Yêu giống nòi đặt Tổ quốc lên vai.
Trả lại tôi là thần tượng tôi đây
Chúng mình xin khắc sâu trong dạ này.

(Phạm Duy, Trả lại tôi tuổi trẻ, 1968)

Bên cạnh những thao thức về thân phận tuổi trẻ, về vận nước điêu linh, người du ca còn có những bài tình ca. Điều ấy dễ hiểu bởi các tác giả du ca cũng là lớp thanh niên vừa bước vào đời vẫn có tình cảm yêu đương. Nhiều bài tình ca được nhiều người biết đến như Bên kia sông (Nguyễn Đức Quang), Ban Mê về nhớ (Nguyễn Quyết Thắng), Chia áo người yêu xa (Phan Ni Tấn), Buổi trưa ra đường (Nguyễn Quyết Thắng, thơ Đỗ Quý Toàn)… Tuy vậy so với hàng trăm ca khúc của phong trào, những bài tình ca không nhiều và không có vai trò quan trọng như các chủ đề, nội dung khác.

3. Đoàn ta ra đi

Du ca tự hào là những con người trẻ có lý tưởng phục vụ xã hội, đi vào cộng đồng để chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ của người dân. Và những con người ấy luôn cất vang tiếng hát thanh thoát trong nghĩa vụ tự nhận về mình:

Đoàn chúng tôi

Băng rừng sâu suối xanh nương đồi

Một sớm mai sương bình minh

Hãy còn vương trên cây

Ra đi hăng hái tiếng chim lừng đó đây

Đoàn chúng tôi đem tình thương

Đến gieo cho muôn người

Cùng khắp nơi chân dừng

Bên khắp bờ non nước

Quyết chí ra đi mưa nắng không nề chi!

(Nguyễn Đức Quang, Đoàn ta ra đi)

Khi gánh lên mình một sứ mạng tốt đẹp, người du ca quần tụ về chung một mái nhà, yêu thương nhau trong cùng công tác xã hội. Họ về bên nhau để kề vai sát cánh cùng giúp người khốn khó hoặc dựng nhà cho người tạm cư:

Xin hãy cùng chúng tôi về những nơi tạm trú

Xin đem từng nắm cơm bọc áo manh tả tơi

Là yêu thương tô thơm trên dòng sống của người

Là một ngày Việt Nam cơm dưa vựa muối…

Xin hãy cùng chúng tôi nhìn núi sông rực sáng

Xin hãy cùng đứng lên về phố tan chợ hoang

Dựng tương lai em thơ cho mạch sống tràn đầy

Dựng lại nhà Việt Nam quê hương rạng ngời.

(Nguyễn Quyết Thắng, Hãy đến với chúng tôi)

Rồi ngày mai này nhà sẽ cao

Anh em ơi tô nhanh lên nào

Nào ta phết nhé, nào ta trét nhé

Làm việc xong ta đi nghỉ ngơi.

(Nguyễn Đức Quang, Làm nhà)

Chúng con xin dựng thêm mái nhà

Xin dựng thêm mái nhà

Chúng con cất trường trường thêm lớp

Xin được thêm lớp học

Chúng con xin vui dạy trẻ thơ

Xin vui dạy trẻ thơ

Chúng con xin giúp được mọi nhà

Xin được giúp ích nhiều.

(Nguyễn Đức Quang, Xin làm con xóm làng)

Họ kêu gọi những thanh niên cùng lên đường về tận xóm làng xa xôi để xoa dịu nỗi đau của người gặp hoạn nạn và đem lại niềm vui sống cho người dân:

Hỡi người bạn du ca ôm sách ôm đàn

Những người trong cộng đồng màu áo nâu

Với bàn tay trắng với bàn chân yếu

Dựng quê hương đi qua bao làng thôn

Đã về trong tiếng cười,

Đã về trong tiếng hát

Sống cho người.

(Nguyễn Quyết Thắng, Nói với người du ca Ban Mê)

Đường của ta đưa ta về thanh bình

Đường an lành

Đường thảnh thơi những ngày vui

Đường Việt Nam mời những bước chân rời

Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài.

(Nguyễn Đức Quang, Đường Việt Nam)

Bình minh vươn lên

Trong nước mắt bi thương còn rơi

Hành trang trên vai

Ta tiến tới đi gieo nguồn vui

Nắng thiêu nung tim sôi còn xanh

Gió mưa khó khăn

Nuôi tình êm thắm ngày mới…

(Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Đức Quang,

Hoàng Ngọc Tuệ, Hát trên đường)

Họ kêu gọi mọi người nắm chặt bàn tay cùng hành động không chút băn khoăn:

Không phải là lúc

Cứ ngồi đặt vấn đề nữa rồi

Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới…

Làm việc đi không lo khen chê

Làm việc đi hãy say và mê

Cứ bắt tay gan lì chúng ta giải quyết

Mình chậm chân đi sau người ta

Còn ngồi đây nghĩ lo viển vông

Thắc mắc ngại ngùng

Đến lúc nao mới làm xong.

(Nguyễn Đức Quang, Không phải là lúc)

Mãi mãi bên nhau

Nối chặt vòng tay ta ca sum vầy

Mãi mãi bên nhau

Khắc nguyện từ đây ta luôn có nhau…

(Nguyễn Đức Quang, Mãi mãi bên nhau)

4. Mơ ước hòa bình

Người du ca cũng bày tỏ mãnh liệt mơ ước hòa bình. Đó là mơ ước cháy bỏng của nhiều thế hệ thanh niên muốn thoát khỏi kiếp thiêu thân trong guồng máy chiến tranh khốc liệt:

Một địa cầu mới sẽ mọc lên

Một thế giới mới sẽ ra đời

Một nền hòa bình vĩnh viễn

Mau đến cùng người

Một đoàn người mới sẽ vùng lên

Bài ca tranh đấu sẽ vang rền

Và người vì người sẽ chủ động

Giữ lấy quê hương.

(Nguyễn Đức Quang, Cho đồng bào tôi)

Tôi đã thấy mặt trời lên

Sau đêm dài tăm tối triền miên

Tôi đã thấy ngọn triều lên

Xóa tan đi dấu chân trên cát mềm

Tôi đã thấy ngàn lời ca

Theo mây trời lan mãi về xa

Tôi đã thấy đường nở hoa

Ôi thanh bình đẹp thay một cơn mơ.

Mong hòa bình sớm về với người

Mong hòa bình sớm về với người

Anh nhìn em cha thấy con

Vang tiếng cười rất giòn.

(Ngô Mạnh Thu, Từ một cơn mơ)

Trong giấc mơ hòa bình, mọi người sẽ về lại quê nhà, về nơi chôn nhau cắt rốn dù có thể thiếu vắng người thân:

Anh sẽ về, em ơi anh sẽ về

Về nơi ngôi nhà,

Vách đất với hàng hoa thơm,
Nơi con đê già, nơi cây cầu tre,
Nơi con đường đất dấu chân trâu bò.
Anh sẽ về, em ơi anh sẽ về
Về trên sông rộng,

Ôm hết cánh đồng xanh lam
Hôn em, hôn mẹ, hôn bao người thân
Sẽ nói sẽ cười sẽ vui nhiều hơn.
Ðưa em vào gió, khẽ trao cành hoa
Ra sau vườn nhỏ, trồng lại cho em
Dây hoàng lan, hương đậm thêm.

Anh sẽ về em ơi anh sẽ về

Dù đêm không cùng

Hay mất hết người thân yêu

Cho em không còn cho chim về xa

Sẽ gắng quay về chết nơi ra đời.

(Nguyễn Hữu Nghĩa & Khê Kinh Kha, Anh sẽ về)

Ước mơ hòa bình chỉ có thể có được nếu mọi người cùng cầu nguyện cho im tiếng súng:

Xin cầu nguyện cho đạn bom vắng tiếng

Cho người về xây đắp lại yêu thương

Cho đất nước không còn trong tiếng khóc…

(Nguyễn Quyết Thắng, Quê hương tôi)

Ruộng lúa đã có người cày

Đường nối tiếp những đoàn người

Toàn dân Việt ngày Việt Nam

Vinh quang ngày tươi mới

Từng tiếng súng đã lịm dần

Làng xóm cũ có người về

Toàn dân Việt ngày đẹp tươi

Hoa gấm đến nơi rồi.

(Đặng Mục Tử, Hát cho tương lai hòa bình, 1972)

Hòa bình đồng nghĩa với sum họp, đoàn viên, tình nghĩa, quê hương tươi sáng, non sông được nối liền một dải:

Ánh sáng đã lan tới,

Sức sống đã vun xới

Trên bao nỗi vui mừng

Quê hương hết tăm tối,

Quê hương sẽ đổi mới

Quê hương sẽ yên vui.

(Bùi Công Thuấn, Đến với quê hương tôi)

Ta mong cho quê hương sáng ngời

Trong tình yêu mến tràn lan khắp nơi

Ta yêu cho quê hương

Bốn trời trong niềm tin mới

Vui ngày Bắc Nam thôi hết chia đôi.

(Bùi Công Thuấn, Mãi mãi bên nhau)

Niềm mơ ước càng tha thiết khi hòa bình sẽ cho mọi người được về lại làng quê thân yêu trong tiếng reo mừng nồng ấm:

Đếm những bước chân đi

Ngại ngùng có biết bao lần

Đường về làng heo hút

Ai làm núi cách sông ngăn

Đêm đã sắp úa tàn

Bình minh rồi sẽ huy hoàng

Vang vang trong gió ngàn

Một người một tiếng reo hoan.

(Nguyễn Quyết Thắng, Vắt tay lên trán)

Yêu anh yêu em yêu quê hương Việt Nam

Yêu cha yêu me yêu nương dâu đồng lúa

Ngàn lời nói yêu thương là chân tình sông núi

Ngàn lời ca yêu thương là tương lai rực sáng

Đắp xây đời vui đời ấm no ngàn nơi.

(Bùi Công Thuấn, Tình ca quê hương)

Ước mơ như thế sẽ cho họ niềm tin vô bờ. Họ nuôi hi vọng trong mỗi trái tim và chờ đợi viễn cảnh tươi đẹp sẽ về:

Trong đêm tối tiếng ca đã dậy lên

Trong u tối oán than đã dần tan

Dậy đi anh tôi chờ, dậy đi em tôi chờ

Nhìn quê hương thắp sáng trái tim con người.

(Nguyễn Quyết Thắng, Tiếng hát vang lên trong đêm tối)

Hi vọng đã vươn lên

Trong màn đâm bao ưu phiền

Hi vọng đã vươn lên

Trong lo sợ mùa chinh chiến

Hi vọng đã vươn lên

Trong nhục nhằn tràn nước mắt

Hi vọng đã vươn dậy

Đang rực lên trong màn đêm.

Hi vọng đã vươn lên

Trong nhà hoang bên ruộng cằn

Hi vọng đã vươn lên

Trên nương buồn dòng sông vắng

Hi vọng đã vươn lên

Trong lòng thuyền càng xa bến

Hi vọng đã vươn dậy như triều dâng

Cho buồm căng xuôi trường giang.

(Nguyễn Đức Quang, Hi vọng đã vươn lên)

Đầm ấm bên gia đình yên vui

Mong cho quê hương

Yên vui dài lâu, thanh bình ơi!

(Nguyễn Quyết Thắng, Niềm ước thanh bình)

Họ vẫn còn niềm yêu thương và tự hào về quê hương oai dũng tự ngàn năm trong lịch sử:

Xin vươn vai ngó nhau cho gần

Đi hiên ngang bước hai chân trần

Cùng nhau ta giữ thơm

Cho người Việt Nam.

Hôm qua ta đớn đau nhục nhằn

Hôm nay ta sẽ tuyên ngôn rằng

Việt Nam này sẽ nhất định vẻ vang!

(Nguyễn Đức Quang, Anh em tôi)

Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất

Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất

Yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi

Yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi.

(Nguyễn Đức Quang, Chuyện quê ta)

Có chúng tôi những người còn khát sống

Yêu thanh bình và yêu tình non nước mình

Có chúng tôi dấu hận thù vắng bóng

Yêu cho người và sống chết cho quê hương.

(Bùi Công Thuấn, Có chúng tôi)

oOo

Với toàn bộ tác phẩm của mình cùng những sinh hoạt cộng đồng, công tác xã hội diễn ra trong một thập niên ở miền Nam, phong trào du ca đã hoàn thành tôn chỉ của một tổ chức thanh niên là dùng tiếng nhạc lời ca để tạo ra môi trường lành mạnh cho hoạt động của tuổi trẻ. Họ có phong cách biểu diễn mới mẻ và trẻ trung: người tham dự không chỉ để nghe hát mà còn dự phần vào sinh hoạt, cùng vỗ tay và cùng hát với những du ca viên trong tinh thần hòa đồng. Âm nhạc của họ thường gây phấn khích cho người nghe với các giai điệu rộn ràng, gần gũi, ca từ dễ hiểu dễ nhớ. Những tác phẩm đó khắc họa được hình ảnh và tâm tình của một thế hệ thanh niên, của một dân tộc bị đẩy vào tận cùng nỗi đau chia cắt và chiến tranh. Nhiều bài hát vẫn biểu lộ sự kiên cường, niềm tự hào của giới trẻ, hun đúc chí khí của họ để cùng lo toan cho tương lai đất nước.

Phong trào Du ca sinh ra trong một thời ly loạn, minh chứng cho một lớp thanh niên không hề thoát ly khỏi hoàn cảnh thực tế mà luôn ý thức về nhiệm vụ đối với quốc gia, hãnh diện vì dân tộc, thương mến đồng bào và lăn xả vào hoạt động xã hội. Dòng nhạc của phong trào đã cho thế hệ trẻ biết nhận ra thân phận của một dân tộc trong chiến tranh nhưng lời ca của họ không mang màu sắc tiêu cực, khác hẳn những bài ra buồn bã, bi ai đầy rẫy trong xã hội ngày đó. Những bài hát phong trào đã vẽ ra con đường cho thanh niên hướng tới và nhận lấy công việc để cải tạo xã hội, để thay đổi hoàn cảnh, làm đẹp hơn cuộc sống chứ không chỉ buồn vui với thân phận của mình. Phong trào du ca ra đời đúng lúc người thanh niên đang đòi hỏi một nền văn nghệ sống động, biết thức tỉnh và xứng đáng là dòng nhạc mới mẻ có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng bấy giờ.

_______

CHÚ THÍCH:

(1) Ta đi trên giòng lịch sử, Khai giòng, Phong trào Du ca Việt Nam, tuyển tập 3, 1971, trang 1.

(Còn tiếp)