Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

Nhìn lại âm nhạc miền Nam 1954-1975 (kỳ 9)

Nguyễn Phú Yên

CHƯƠNG VIII

CHO NGƯỜI VÀO CUỘC CHIẾN

Sau ngày chia cắt đất nước, có thể nói lịch sử của miền Nam là lịch sử của những người lính. Thật vậy, hoàn cảnh đất nước đã đẩy những người con đất Việt vào guồng máy chiến tranh, bó buộc những thế hệ thanh niên, lớp này tiếp lớp khác, ròng rã hai mươi năm cầm súng lên đường xông pha trên mọi nẻo đường đất nước cho đến ngày tàn cuộc chiến. Hiếm có một gia đình nào thoát khỏi nỗi ám ảnh khôn nguôi của khói lửa đạn bom, cửa nhà tan nát, thân vùi chiến địa; hiếm có một gia đình nào không có người thân hoặc dòng họ tham gia vào cuộc đời lính chiến. Họ đã ra đi như thế để viết nên một giai đoạn bi tráng của lịch sử với không khí chiến tranh ngập tràn trên các trang văn, dòng nhạc... Nhạc lính ra đời trong bối cảnh như thế, do chính người lính viết nên hoặc người khác viết về người lính. Nhạc lính có thể vẽ ra được thực trạng của xã hội chiến tranh ở miền Nam, ở đó hình ảnh người lính nổi bật hơn cả. Nhạc lính thể hiện tâm tình của người thanh niên với đủ mọi trạng thái cảm xúc khi họ bị ném vào cuộc chiến tương tàn. Đó cũng là lời than thở, nỗi đau đời của những người ở lại đằng sau khói súng nhưng vẫn không quên người bước ra chiến tuyến. Cho nên nhạc lính không chỉ là tâm tình của người lính viết về mình, viết về đời lính mà còn là nỗi khắc khoải của những người mẹ, người em và tất cả mọi người thân thuộc khác trong gia đình hay bạn bè, làng xóm... Nói rộng ra, đó là tiếng nói của một thế hệ sinh ra trong chiến tranh, của cả một dân tộc.

 

Người lính được tự do bày tỏ cảm xúc của mình. Do đó mọi cung bậc cảm xúc đều được tìm thấy ở đây. Họ nói về sự gian khổ, nhọc nhằn, nỗi buồn chán, tuyệt vọng, tâm trạng bi lụy; nói về nỗi vui mừng giờ tái ngộ hoan ca; nói về sự buồn bã trước cuộc phân ly, khi thì đau thương vì những cái chết nghiệt ngã; cũng như được quyền mơ ước về một ngày giã từ vũ khí, ngày dứt tiếng súng, về sự oán ghét chiến tranh và nỗi thèm khát hòa bình. Đó là tính nhân văn trong nhạc lính, nói riêng và trong âm nhạc miền Nam, nói chung.

Mỗi giai đoạn trong thời gian hai mươi năm chiến tranh có những tính chất riêng biệt, từ đó khắc ghi vào tâm hồn người lính những sắc thái tình cảm khác nhau. Không thể rạch ròi được nhưng có thể ghi nhận hai giai đoạn trong tiến trình cảm xúc của người lính khi đối diện với cuộc chiến.

I. GIAI ĐOẠN I (TỪ 1955 ĐẾN 1960)

Sau ngày chia cắt đất nước, ở miền Nam đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào năm 1955, bầu ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống nước Việt Nam Cộng hòa. Quân đội quốc gia (Bảo chính đoàn, Bảo an) của Pháp trước đó đã trở thành quân đội cộng hòa với nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống. Cuộc chiến tranh quốc cộng từ đây đã có chiến tuyến rõ ràng, do đó người lính miền Nam đã giữ nhiệm vụ này tận nơi biên giới xa xôi. Kể từ tháng 12-1960 chiến tranh bắt đầu đi vào hồi quyết liệt. Có thể xem cuộc chiến tranh trong giai đoạn sau ngày chia cắt đất nước đến năm 1960 có vẻ nhẹ nhàng hơn và ít nhất miền Nam có được những năm tháng tương đối thanh bình vì mức độ cuộc chiến đang còn thấp.

Do đó trong các năm tháng này, người lính đi vào quân ngũ vẫn còn mang hình ảnh của người lãng tử. Bước chân của họ như bước chân phiêu lưu của những kẻ giang hồ, thong dong với trời đất. Đi vào đời lính như đi vào cuộc lãng du. Với hình ảnh người lính như thế nên họ thường được gọi là “chinh nhân”, “bóng chiến y”, “chiến binh” , “chinh phu” đang “khoác chiến y” và chiến trường ở đây cũng được gọi như trong cổ văn là “biên khu, biên thùy, biên cương, quan tái, quan san, sa trường”... Đây là hình ảnh người lính mang dáng dấp người nghệ sĩ:

Anh đi về đâu mà bụi đường vương trên mái tóc
Anh đi về đâu mà chiều vàng lắng xuống mi anh
Anh đi về đâu khi ánh trăng xuyên cành
Mà còn đi đi mãi, còn đi đi mãi...

Anh đi về đâu mà miệt mài quên trăng gió mát
Xin anh dừng đây để sưởi lòng mái ấm đêm nay
Biên khu còn xa mà bóng đêm chưa nhòa
Rồi ngày mai quan tái, đường trai sá chi.

(Hoàng Nguyên, Anh đi về đâu)

Tôi đi tìm anh vì nhớ đến tên anh
Vì nhớ bóng trăng thanh treo đầu cành.
Những đêm trời xanh làng xóm sống yên lành
Dậy tiếng hát quân hành bóng anh qua mành.

Tôi đi tìm anh người lính quá hiên ngang 
Cầm súng giữ giang san xây Cộng hòa. 
Tôi đi tìm anh dòng máu thắm vô cùng 
Hình bóng những anh hùng thiên thu không nhòa…

(Hoàng Thi Thơ, Tìm anh)

Chàng ra đi để lại niềm thương nhớ cho người ở lại:

Ngày ngày lo vun xi cho đng xanh

Và chiu chiu ra đng ngm bên dòng sông

Trông chim tri tng đàn bay v phía xa xăm

Xui lòng thương nh bao người trai.

Chim ơi cho ta nhn đôi li

Mt li mà thôi v phía xa xăm

Thăm người chiến sĩ giùm tôi.

(Thúc Đăng, Mong người chiến sĩ)

Hoặc để cho cô gái chèo đò trên bến sông xưa nỗi mong nhớ thiết tha:

Một ngày nào trên bến cô liêu 
Vắng bên sông tiêu điều 
Buồn hắt hiu mây chiều 
Đò của người thôn nữ 
Chờ đưa người viễn xứ 
Đi muôn nơi xa xôi 
Xây hướng cuộc đời. 
Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi 
Thắm trên môi nụ cười 
Nhìn toán quân qua rồi 
Chợt thấy lòng lưu luyến 
Và tâm hồn xao xuyến 
Trông anh trai phong sương 
Em thấy mà thương…

Rồi chiều nào nắng tắt trên đê
Toán quân xưa trở về
Màu chiến y phai rồi
Người anh từ muôn lối
Về mang niềm vui mới

Đôi tay vun muôn hoa
Hoa sắc Cộng hòa. 
Và chiều nay trên bến cô liêu 
Bớt hoang sơ tiêu điều 
Giọng hát vui sông chiều 
Tình của người thôn nữ 
Vừa trao người viễn xứ 
Trên sông xưa mênh mông 
Đôi bóng đẹp đôi.

(Trúc Phương, Đò chiều)

Người đi vào cuộc chiến sao thấy lòng nhẹ nhàng như cánh chim bay vào một khung trời tĩnh lặng mà đẹp đẽ với bao nỗi nhớ thương chất chồng. Người ở lại cũng vậy, vẫn không nguôi lòng yêu thương người ra đi:

Đời anh như cánh chim bằng theo gió
Mơ bốn phương trời vọng một tình thương...
Đây núi đồi âm u suối rừng vi vu
Khói lam u huyền lững lờ buông trên thôn vắng
Đây những chiều hành quân
Xóm nghèo dừng chân
Nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm.

(Tuấn Khanh & Châu Ngân, Chiều biên khu)

Hôm nao nhìn lá úa

Rụng lác đác bên sông. 
Mây trôi về viễn xứ

Gợi tiếc nhớ bâng khuâng.

Thương ai ngoài sương gió

Vì đất nước quê hương
Ra đi chốn sa trường

Vui kiếp phong sương.

Thương ai vì non nước

Đời lính chiến gian lao 
Đêm đêm nhìn tay súng

Lòng nghĩ đến mai sau. 
Thương ai vì sông núi

Mà khoác lấy chinh y 
Thương ai mãi thương ai… 
(Hoàng Nguyên, Lá rụng ven sông)

Như thế người trai ra đi mang niềm tự hào rạng rỡ ngày lên đường tòng chinh:

Vài hàng gửi anh trìu mến 
Vừa rồi làng có truyền tin 
Nói rằng nước non đang mong 
Đi quân dịch là thương nòi giống. 
Người thường tìm sang giàu tới 
Lòng này thì khác tình ơi

Ước nguyền hứa duyên trao người
Cầm tay súng tòng quân anh tươi cười ...
(Lam Phương, Bức tâm thư)

Chiều xưa gió êm lay nhẹ liếp dừa 
Câu hát nhớ nhung cung đàn tiễn đưa 
Nhìn bóng anh đi thỏa chí mười phương 
Em về chiều mênh mang xuống

Nắng vương bên song. 
Người đi tóc xanh vương màu chiến trường 
Chiều ấy mắt em vương buồn luyến thương 
Chiều ấy nói qua làn gió đợi chờ 
Anh về cầu ngang hàn nối nhịp xưa…

(Văn Phụng, Bóng người đi)

Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi.
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
Trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
Kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong hồn tôi.
Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi.
Bạn ơi hãy nói "khoác chiến y" rồi.
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
Giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
Có về là khi nước non vui bình yên…

Bạn ơi, khi nào ai hỏi đến tên tôi

Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời

Ngày nao khi đất nước hết binh đao
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu
Trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau.

(Minh Kỳ & Hoài Linh, Biệt kinh kỳ)

Với tâm trạng đó, người lính như một người nghệ sĩ thực thụ:

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng 
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê 
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông 
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa. 
Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng, 
Chờ mùa xuân tươi sáng

Nhưng mùa thắm chưa sang 
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây, 
Chốn phương trời ấm lạnh

Hòa chung mái nhà tranh. 
Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi,

Theo đường mây 
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương...

(Nguyễn Văn Đông, Mấy dặm sơn khê)

Nhạc lính cũng là nhạc tình. Người lính trên đường hành quân lòng vẫn còn phơi phới. Anh không đi tìm bóng thù mà tìm hình bóng người em yêu:

Một chiều hành quân qua thôn xưa

Lúc nắng xuân chưa nhạt màu,
Chạnh lòng tìm người em gái cũ

Em tôi đã đi phương nào...

Về đâu em ơi lúc tình còn sâu

Lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu
Về đâu khi em vẫn là nguồn sống

Khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng...
(Lam Phương, Chiều hành quân)

Tình cảm người lính cũng dạt dào trong những ngày được về thăm nhà và thăm người yêu:

Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng
Giặc tràn qua thôn xóm 
Gieo bao đau thương bao điêu tàn

Từ ngày anh vắng xa.
Nay qua đau thương, yên bình rồi 
Tình ta lên hương ngát 
Như hương hoa soan vang bên thềm 
Nhẹ nhàng nhưng ngất say.

Em nhé mình thương nhau muôn đời
Anh giữ gìn biên cương xa vời
Đừng buồn khi xa nhau em nhé
Thăm em đôi ngày rồi anh đi.

(Tuấn Khanh, Hoa soan bên thềm cũ)

Những ngày tháng đó, khi khói lửa chưa ào ạt đổ xuống, người lính vẫn còn đầy mộng mơ, vẫn còn tay súng, tay đàn và hẹn thề với người yêu:
Để rồi một năm nơi biên cương

Dấn bước thân trên sa trường

Ngày thì tìm vui bên chiếc súng

Khi đêm anh vui với đàn.

Dù mộng tàn phai trong thương đau

Vẫn nhớ mãi duyên ban đầu 
Lời thề ngày xưa đã trót hứa

Em ơi, xin em đừng quên.

(Lam Phương, Chiều hành quân)

Đời lính như vậy có phần thong dong hơn, tâm hồn như bay bổng, chỉ có niềm vui với cuộc lữ hành đây đó:

Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương

Anh đi sa trường

Tình ngàn phương đời vui với phong sương

Lãng quên ngày tháng

Đường lên non chim ca với mây vương

Nhớ câu tương phùng
Một ngày mai đời như cánh chim bay

Đến phương nào đây.

(Nguyên Đàm & Nguyên Diệu, Thư người chiến binh)

Từ khi mình biết nhau, đời ta đẹp biết bao 
Giờ vui đời chiến binh, bạn anh là gió sương

Quê anh là muôn phương…

(Lam Phương, Đêm dài chiến tuyến)

Rồi năm tháng trôi qua, phong thái nhẹ nhàng của người nghệ sĩ lãng mạn, của người lãng tử cũng đã mất dần. Người lính đã không còn «lãng quên ngày tháng» nữa, không còn «đến phương nào đây» nữa rồi. Không nghi ngờ gì nữa, họ thật sự đi vào cuộc chiến khốc liệt.

II. GIAI ĐOẠN II (1960-1975)

Trong âm nhạc, không có một phân chia cụ thể rạch ròi như trong quân sự. Tuy nhiên chính do hoàn cảnh lịch sử biến đổi, tính chất cuộc chiến từ nhỏ lẻ dần dần tiến đến mức độ trầm trọng hơn khiến tâm tình người lính mang một sắc thái khác biệt. Chiến tranh ngày mỗi mở rộng, đội ngũ những người lính ngày càng đông đảo hơn. Phong thái nghệ sĩ của người lính cũng dần phai nhạt vì họ bắt đầu lao vào khói lửa, đạn bom ngày càng ác liệt hơn, họ dễ dàng nằm giữa làn ranh sinh tử. Hình ảnh của người trai như «cánh chim bằng», «cánh chim tung trời» đang «ngược xuôi theo đường mây» và cùng «vui với phong sương» ngày nào như bị xóa nhòa giữa tiếng gào thét của chiến tranh. Chút ưu tư bắt đầu hằn lên khuôn mặt: khi đối mặt với súng đạn, người lính cũng đối mặt với số phận của chính mình.

Đời lính không còn thong dong nữa mà trước mắt là cả sự bất trắc, hiểm nguy, đầy hăm dọa. Điều đó đã tác động đến người lính, cho nên họ hờ hững với thiên nhiên dù có tươi đẹp vì đang ở một nơi xa vắng, hoang lạnh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết nên tâm tình đó khi ông đóng quân ở biên giới Việt - Miên:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu

Kìa rừng chiều âm u rét mướt...

Hình ảnh người lính giờ đây là hình ảnh một người cô đơn vì không biết sẽ đi về đâu trên bước đường chinh chiến:

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người...

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng...

Gần như một nghịch lý khi tác giả vừa mô tả người lính như một khách lãng du, gắn bó với đời quân ngũ nhưng khi lên đường chiến đấu thì tâm hồn để lại ở hậu phương và cảm thấy cô đơn, khắc khoải về tương lai trước mắt và giấc mơ công hầu khanh tướng được thử thách trong cuộc chơi sinh tử:

Người đi khu chiến thương người hậu phương

Thương màu áo gởi ra sa trường

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng

Thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi.

(Nguyễn Văn Đông, Chiều mưa biên giới)

Bị xô đẩy vào những trận chiến bạo liệt, giờ đây trong tâm hồn người lính là cảnh chết chóc thương đau, là nỗi ám ảnh thường trực về cái chết:

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng

Ngoài mưa khuya lê thê

Qua ngàn chốn sơn khê...
Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên

Khoác lên vòng hoa trắng

Cầm tay nhau đi anh

Tơ trời quá mong manh.

Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh, 
Giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếp nghìn xưa.

(Nguyễn Văn Đông, Mấy dặm sơn khê)

Tôi là người khai hoang

Đi nhặt xác mình, xác người 
Cho ruộng đồng xanh màu

Cho đám mới lên cao 
Và người ơi xin chớ quên

Người ơi xin chớ quên. 
Đường vào thành, hàng cây trơ trụi lá 
Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá 
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi 
Một lần thôi nhưng còn mãi 
Và chiều nay không có em

Đường phố chẳng lên đèn. 
Tôi là người trong đêm

Mang ngọn đuốc về nội thành 
Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương 
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên.

(Nguyễn Minh Khôi, Cơn mê chiều)

Từ nụ cười rạng rỡ trên môi ngày nào đến nỗi niềm ai oán chất ngất trước ngày tàn cuộc chiến, người lính đã trải qua một chặng đường dài thăm thẳm. Ta thử nhìn lại đoạn đường gian truân ấy. Đời lính sẽ bắt đầu từ bước chân ngỡ ngàng vào ngày nhập ngũ khi đứng trước cổng trung tâm tuyển mộ quân nhân.

1. Mấy tháng quân trường

Khi chiến tranh mở rộng khắp miền Nam, những chàng trai trẻ phải xếp bút nghiên lên đường. Đất nước đã phân đôi, giờ lại ngút ngàn trong lửa khói. Đất nước ngày nao tang tóc giờ lại điêu tàn, sầu não khiến sao không khỏi ngậm ngùi. Thế là tuổi trẻ phải lên đường vì nhiệm vụ người trai. Những chàng trai ấy ra đi từ các thôn xóm, ruộng đồng, từ những đường phố đô thị:

Từ giã áo thư sinh
Lìa xa mái gia đình

Ði giữa lòng đất mẹ
Trải qua bao dâu bể
Ðầy sóng gió điêu linh...
(Châu Kỳ, Giữa lòng đất mẹ)

Tuổi thư sinh gối mộng đăng trình
Vui buớc quân hành dọc ngang đời lính
Ba tháng quân trường mồ hôi đổ
Ngày đầu tiên bỡ ngỡ tay súng với nhịp đi...
(Hoài Nam, Ba tháng quân trường)

Tôi đi tìm đời lính bỏ lại sau lưng

Tuổi thư sinh hai buổi học hành

Đường đời không hướng đi

Và tình đời không ước hẹn

Khi non sông chìm trong khói lửa

Phận làm trai ngoảnh mặt sao đành…
Ba tháng Quang Trung da mềm nắng đổ

Mồ hôi thấm giọt ướt vai anh

Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ

Dây tử thần không làm sờn chí nam nhi…

(Nhật Hà, tức Khánh Băng, Sáu tháng quân trường)

Ngày nay anh hết thư sinh, hơi chút gầy đen

Nhưng gian lao làm khoẻ hơn khi trước.
Ngoài ra anh chăm sức tập luôn
Còn những ngày nghỉ thì vui chơi
Hoặc cùng chúng bạn kéo nhau ra
Ra quán cô hàng, cô hàng cà phê…

(Phạm Đình Chương, Lá thư người chiến binh)

Hỏi thăm ai cũng biết
Tôi lên đường tòng chinh
Giờ tôi nghiệp lính
Đời tôi đã vướng kiếp phong trần rồi bạn ơi...
(Lê Dinh, Thương về quán trọ)

Qua ngày đó tôi nghe người nói

Anh lên đường xa thật rồi. Tôi buồn nhớ 
Tim đau rạn vỡ ôi thương anh thương nhất đời.

Bàng hoàng như trong cơn chiêm bao

Tôi thầm nghĩ
Non nước điêu linh yêu quê hương anh phải đi

Can đảm lên đường 
Nên đàn em bé

Ngồi nhớ anh những đêm trường…

(Tô Giang, Giọt buồn không tên)

Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
Theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau

Anh đi anh quên thân mình....

(Phan Trần, Cho người vào cuộc chiến)

Tôi lính nhỏ đi chinh chiến miền xa
Đã từ lâu phố vui không tìm về
Đời ngược xuôi trên đường mây nẻo gió
Tuổi thư sinh ngày đó

Mỗi lần trông hoa phượng nở đẹp quá

Chợt bâng khuâng thương những ngày vui qua...

(Song Ngọc, Kỷ niệm một mùa hè)

Tình quê hương đậm sâu
Tình tôi em dài lâu
Vì mai đây tôi xa cách kinh thành
Mộng trường chinh khói binh
Vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh ...
(Song Ngọc & Hoài Linh, Chiều thương đô thị)

Sau những tháng ngày trên quân trường, anh lại lên dường về mọi miền đất nước để giữ gìn cuộc sống cho người dân. Dấu chân họ để lại trên ruộng đồng, rừng núi, bất cứ nơi nào mà cuộc sống chưa yên vui vì lửa đạn:

Đời anh đã bao năm

Gió sương gót chân in chiến trường
Làm quen với đêm canh

Gió lộng với mưa khuya núi rừng...

(Trúc Phương, Chuyện chúng mình)

Qua mươi mấy xuân rồi, tôi vẫn đi hoài
Nghe như vắng tiếng cười, chạnh vì non nước tôi
Đang còn lửa khói, ôi xót xa đầy vơi...

(Châu Kỳ, Tôi chưa có mùa xuân)

Dù ra đi trên bước đường chinh chiến, đôi khi anh mơ ước tìm lại những ngày tháng yên bình trên quê hương:

Quê hương đau nắng hạ cũng buồn
Nước sông ngăn đôi sơn hà

Còn gì em còn gì đâu

Mùa hạ qua mau đi nữa đi anh

Trên con đường quê hương mịt mùng
Thương những chiều nắng dọi bờ sông.

Mùa hè năm nay anh sẽ ru

Em tròn giấc ngủ trên ngàn 
Em nằm mê mà nghe niềm tâm sự réo 
Trăm họ ước mơ

Mơ mái nhà chiều khơi lửa ấm 
Lứa tuổi tròn hai mươi

Tìm lại những đêm ân tình…

(Trầm Tử Thiêng, Đưa em vào hạ)

Làm sao tôi nói hết trong trang thư
Tình yêu gởi về em
Mười năm dài chưa mỏi
Đời trai còn trôi nổi
Vì nghe lời khắc khoải
Quê mình đau xót em ơi!...

(Duy Khánh, Thư về em gái thành đô)

Anh sẽ ra đi về miền cát trắng

Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng...

(Phạm Duy, Trả lại em yêu)

Hôm nay bạn đi gót chân theo nhịp dạ hành
Tuổi đời vừa xinh như nụ hoa nở thêm cánh
Đã phân ly một lần, tiễn anh thêm một lần
Áo đẹp màu chinh nhân...

(Tuấn Khanh & Hoài Linh,

Hai kỷ niệm một chuyến đi)

Thế là họ từ giã mái trường, xa gia đình và người thân để trở thành người lính với lòng yêu quê hương nồng nàn, mong nối lại nhịp cầu vì đất nước đã bị phân ly:

Ôi nước non chia lìa vì đâu
Nòng súng anh xây nhịp cầu...

(Y Vân, Cánh hoa thời loạn)

Ngày qua giã từ đất mẹ mà đi
Vì nghe tình quê tình nước đôi bề...

(Duy Khánh, Lối về đất mẹ)

Từ độ tình nhân xa khuất nẻo,

Tôi lê gót chân độc hành

Từng đêm nghe hoang vu. 
Tuổi đời trên năm ngón hao gầy

Khói thuốc đen tay vàng

Ngược xuôi tâm tư mênh mang.
Chiều lại chiều qua trên phố thị,

Xa bao lớp bạn bè còn đam mê nơi xa hoa.
Trả đời thư sinh chốn kinh thành
Mình quên cả nhân tình

Từ đây thương áo nhà binh…

Nhận diện được quê hương với mình
Nên vui kiếp phong trần

Dù gian nan luôn theo chân.

Lòng nhiều khi nghe nhớ nhân tình
Mà anh vẫn chưa về

Vì anh thương áo nhà binh.

(Phượng Vũ, Thương áo nhà binh)

Người đã ra đi nên niềm mong ước cháy bỏng vẫn là đem lại những ngày yên vui cho đất nước:

Anh trai người trai chiến trường
Rời xa phố phường
Vui bước lên đường để mà xây đắp quê hương...

(Lê Dinh, Ngày ấy quen nhau)

Người đi giúp nước nào màng danh chi
Cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy...

Hàng hàng lớp lớp chưa về
Hàng hàng nối tiếp câu thề giành lấy quê hương...

(Nguyễn Văn Đông, Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Đất nước ấy, quê hương ấy đã bao năm buồn đau khi vẫn còn đây tiếng gọi của hồn thiêng sông núi:

Thương quê hương qua non thế kỷ điêu tàn
Thương quê hương thăng trầm

Chuyển biến không nguôi
Lam Sơn ơi, hồn Chí Linh, sông Đằng

Vạn Kiếp hay Hạ Hồi
Những dòng lịch sử đâu rồi?

(Hoài Linh, Xin tròn tuổi loạn)

Cho nên người trai phải xa quê nhà, xa mẹ trong nhớ thương:

Từ nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi
Một buổi xa con, nhớ thương chắc mẹ chẳng vui...

(Anh Bằng, Lạy mẹ con đi)

Từ khi anh thôi học, và từ khi

Anh khoác áo treillis
Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm

Nhung nhớ giữa trời mây...

(Trần Thiện Thanh, Tình thư của lính)

Từ khi anh thôi học

Từ khi đôi lứa đôi đường
Từ sông ngăn núi trở

Tạ từ không nói nên lời...

(Trần Thiện Thanh, Tâm sự người lính trẻ)

Họ ra đi nhưng lòng vẫn không ngại gian nguy trước mắt:

Xếp áo thư sinh vui bước đăng trình

Mười sáu tròn trăng
Ghi trên báng súng lời thề chinh nhân

Tám hướng thành gần
Gió buốt mây ngàn tàn đêm khe núi

Đâu dễ sờn lòng người đi...

(Trần Thiện Thanh, Mười sáu trăng tròn)

Họ cũng từ giã những tháng ngày rong chơi ở phố thị:

Nay trả lại cho người thành phố sau lưng
Môi ngọt rượu nồng,
Giày xô tôi đi hằn trên lá cỏ,
Đồn xa tôi ở

Chốn quân thù ngày đêm có mặt.

(Hàn Châu, Thành phố sau lưng)

Thời gian ba tháng chỉ để rèn luyện một người lính binh nhì, còn với sĩ quan thì phải trải qua sáu tháng, chín tháng gian khổ hoặc nhiều hơn. Và những ngày tháng ấy rồi cũng đi qua, đến giây phút họ phải giã từ quân trường:

Cuộc liên hoan nửa khuya sắp tàn
Mà sao tình mình thêm chứa chan
Siết tay nhau mến trao lần cuối
Viết cho nhau những dòng lưu niệm
Của những ngày trong quân trường

Mình sống yêu thương
Qua chín tháng phong sương.

Tuổi thư sinh đã qua mất rồi
Giờ chỉ còn lại anh với tôi
Gắn trên vai chiếc lon chuẩn úy
Sáng mai đây giã biệt kinh kỳ...

(Hoài Nam, Chín tháng quân trường)

Những ngày ở trung tâm huấn luyện, họ đã gắn bó nhau qua những tình bạn thắm thiết:

Mình vui đêm nay, rồi mai chia tay

Mỗi người đi một ngả
Từ giã
Quang Trung, anh ra vùng hỏa tuyến

Tôi về miền cao nguyên...

Đêm nay ta cùng hứa, hứa chung một lời
Vì đời, mỗi đứa một nơi
Cho dù anh góc bể, cho dù tôi chân trời
Tình mình vẫn thế mà thôi...
(Hoài Nam, Tình bạn Quang Trung)

Từ giã những ngày tháng ờ quân trường, người lính trẻ được điều động đi khắp nơi để sung vào đội quân chiến đấu. Họ có mặt ở mọi miền, đồng cam cộng khổ, cùng đối diện với các trận chiến sinh tử. Họ ra đi nhưng thật khó hẹn ngày về:

Ngày mai đây trên con đường xuôi ngược
Bạn về miền Trung, tôi ở miền Tây...

(Hoài Nam, Ba tháng quân trường)

Đừng hẹn tôi ngày về vì đường xa thiên lý
Đời trai như chiến sĩ Kinh Kha một lần đi
Bạn anh vì nước vì anh vì máu thắm
Da vàng người Việt Nam.

(Lê Dinh, Thương về quán trọ)

Họ mến thương nhau dù không quen biết vì cùng lên đường, cùng chí hướng, cùng một niềm tin sắt son khi non sông ly loạn.

2. Tình đồng đội

Từ những ngày còn ở thao trường, những người lính trẻ đã quen biết nhau, trao cho nhau tình cảm trìu mến. Cho đến ngày chia tay để lên đường rẽ về những bước đường chinh chiến khác nhau, tình bạn bè, đồng đội gắn kết họ bền vững:

Nhớ lúc chiến tuyến

Những đêm nhìn trăng lên trên đồi hoa sim
Kê chung ba lô

Nằm canh giữa rừng già chuyện trò vu vơ...

(Nguyên Đàm & Nguyên Diệu, Thư người chiến binh)

Để rồi một ngày họ lại lưu luyến chia tay nhau để về một chiến trường nào đó:

Rồi ngày mai ra đi
Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy
Có bao giờ anh nhớ chăng
Đêm nào nằm gần nhau
Hồn xây mộng ước mai sau...

(Lam Phương, Tình anh lính chiến)

Biết rằng mai chia đôi người đôi ngả
Tôi xin anh đừng buồn
Chúng ta chung đời lính chiến phong sương
Quê nhà với muôn phương...

Hết rồi trăng sao phai màu lưu luyến

Tôi anh thôi tạ từ
Nắm tay ta ghì chắc lấy đôi tay

Ghi lại phút đêm nay
Bọn mình dù xa nhau, anh ơi nguyện nhớ hoài...

(Tú Nhi, Lời kẻ đăng trình)

Ra đi là phải chấp nhận gian lao vì cuộc chiến chinh đâu phải trải ra con đường êm ái mà là con đường thương đau:

Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến

Mới quen nhau mà thương mến
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ
Thấy thương nhau nhiều quá.
Ba tháng trong quân trường cam go

Đã chai tâm hồn lính mới
Nó luôn bảo tôi đừng than oán chi cuộc đời
Vì khi nhịp súng vẫn đêm đêm vang vọng mãi
Tao mày nào được vui...

Muôn lớp trai đi nghìn sau

Theo dấu chân đi vào thiên lý
Biết bao người trai nợ xương máu không trở về...

(Song Ngọc & Vọng Châu, Nó và tôi)

Như thế trong suốt đời lính, họ có tình đồng đội và xem nhau như là anh em luôn sát cánh bên nhau những ngày vui cũng như những ngày gian khổ:

Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về
Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ, tiễn người đi...

(Tuấn Khanh & Hoài Linh, Quán nửa khuya)

Đường phố mưa bay, bay trắng đầu
Cạn chén ly bôi chưa hết sầu
Nhớ chiều mưa đổ, mưa ngâu
Đường khuya hun hút ngõ sâu
Mình ba bốn đứa tâm sự đêm thâu...

(Tuấn Lê, Lá thư đô thị)

Hai đứa vui, chưa vơi tâm sự

Hôm sau anh lên đường
Tôi tiễn anh như bao anh hùng

Hiên ngang ra sa trường.
Vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi
Vì thương non sông tôi gạt nước mắt phân ly
Từng cơn mưa vẫn rơi não nề
Anh nói một năm nữa anh về...

(Lê Minh Bằng, Hai mùa mưa)

Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo 
Đường Minh Đế nhàn du khắp tinh cầu, 
Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào 
Lâu lắm chẳng gặp nhau. 
Bạn bè dù cách xa nào khuây…

(Song Ngọc & Hoài Linh, Một chuyến bay đêm)

Không chỉ là bạn bè cùng chung chiến tuyến, họ còn thân thiết với nhau dù ở nhiều quân binh chủng khác nhau:

Mình có ba người vừa đúng nét đôi mươi 
Những chiều mây lưng đồi tầm mắt hướng xa xôi
Ngày sau một hai trong ba đứa 
Không chung đường chắc nhớ nhau nhiều lắm. 
Người lướt mây trời vui kiếp sống không trung 
Với một kẻ đi tìm vào sóng nước mênh mông 
Còn riêng mình tôi vai ba lô về khu chiến 
Nghe đường dài thêm…

Và khi chia tay để về những nẻo quân hành khác nhau, họ vẫn là những người bạn chiến đấu thân thiết mãi bên nhau:

Mình có ba người mà kiếp sống buông trôi 
Đứa này ở ven trời thì đứa khác ra khơi, 
Hợp xong lại tan trong giây lát xa không đành 
Thế mới thương đời lính.

Đường phố khuya rồi chênh chếch bóng trăng soi
Uống cạn hết ly này ghi nhớ mãi đêm nay
Mình ba người tuy không gian chia làm muôn lối
Nhưng là một thôi.

(Song Ngọc & Hoài Linh, Chúng mình ba đứa)

Tôi anh, đôi bạn đường ta dìu nhau
Anh đi tôi ở, mình vui được sao
Tiễn người yêu trước,
Đến giờ bạn đi sau gãy thêm nhịp cầu…

(Tuấn Khanh & Hoài Linh, Hai kỷ niệm một chuyến đi)

Đêm nay tôi ngoảnh mặt

Lại trông về biên cương
Nhớ bọn mình dăm đứa

Yêu nhau hơn cả tình nhân
Bây giờ có còn hay mỗi người mỗi nơi
Tâm tư tôi vẫn về tìm khi lòng chưa quên
Chiến trường còn tiếng súng

Khi đêm đen còn hỏa châu…

(Tú Nhi, Tâm sự người thương binh)

Họ vẫn là anh em dù cấp bậc có khác nhau đi nữa:

Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính
Thương nhau khác chi nhân tình
Từ người deuxième cùi bắp
Và rồi đi lên thượng cấp

Đều là huynh đệ chi binh...

(Anh Bằng, Huynh đệ chi binh)

3. Trên bốn vùng chiến thuật

Chiến tranh ngày càng mở rộng trên khắp lãnh thổ miền Nam. Khởi đầu cuộc chiến, người lính phải có mặt ở những nơi rừng núi xa xôi, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giữ yên bờ cõi:

Tôi là lính xa nhà đi trấn sơn khê
Hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về

Đêm rừng núi lạnh buốt mái pônsô
Súng cầm canh nhịp từng giờ
Trái châu chiếu xuyên cành lá...

(Hoài Linh, Lính nghĩ gì)

Ôi ước mơ nhiều cũng thế thôi
Đời chỉ làm bạn cùng sương gió
Nghe gió đêm từng cơn ru cô đơn
Biết cho chăng đêm nay
Chiến tranh đem thân trai nơi rừng sâu
Đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu.

Rừng là rừng chập chùng

Giá lạnh trai chiến trường
Đêm nay xa quê hương

Xa lìa tiếng nói người thương

Ngày anh lên đường chiến đấu
Hoa lòng đã chớm tình yêu
Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu
Chờ đến xuân về chiều.

(Lam Phương, Biết đến bao giờ)

Trong không gian xa vắng, người lính cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết vì giữa tiền đồn heo hút chỉ có mình anh, hoặc có chăng thì chung quanh đồng đội thưa thớt mà muông thú thì có ở khắp nơi:

Rồi từng xuân đến bắt anh giã từ ấu thơ
Rồi xuân chiến chinh

Phút giao mùa chỉ còn anh với anh…

Ngày đầu một năm

Giữa tiền đồn heo hút xa xăm
Có người lính trẻ

Đón mùa xuân bằng phiên gác sớm
Lại một lần xuân

Trên miền xa cát đá khô cằn
Chúc anh năm này

Lập kỳ công trên bước đấu tranh…

(Trần Thiện Thanh, Phút giao mùa)

Ở chốn xa xôi ấy, người lính sẽ nhớ về mẹ già ngày đêm khắc khoải đợi trông con:

Mẹ ơi biên cương giờ đây
Trời không mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang...

Mẹ ơi quê hương lầm than 
Làm trai hai vai nợ mang 
Ngồi đây trong sương khuya trắng trên đầu non 
Con biết quê xa mẹ mong chờ 
Tin chiến không còn…

(Anh Bằng, Nửa đêm biên giới)

Ở một nơi cô tịch và quạnh quẽ như thế, người lính gần như không còn biết đến ý niệm thời gian:

Đồn anh đóng ven rừng mai

Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa.

Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy 
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi... 

(Trần Thiện Thanh, Đồn vắng chiều xuân)

Tôi về nơi đồn vắng, tìm vui trong sương gió
Đánh giặc quên tháng ngày
Dù gian nan khắp nẻo đường dài
Tôi xin trả lại ai đường phố trắng xa hoa
Xin được vui với niềm vui lính rừng.

(Hàn Châu, Người đầu gió)

Không chỉ ở một nơi cố định, người lính có thể bị điều động khắp nơi khi có nhu cầu về quân số để tăng cường an ninh cho một vùng đất, hoặc ở tiền đồn hay trong những trận đánh ác liệt:

Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày
Lửa thù no đôi mắt
Chân nghe lạ từng khu chiến thuật
Áo đường xa không ấm gió phương xa
Nghìn đêm vắng nhà...

(Trúc Phương, Trên bốn vùng chiến thuật)

Giờ này anh ở đâu? 
Quang Trung nắng cháy da người 
Giờ này anh ở đâu? 
Dục Mỹ hay Lam Sơn? 
Giờ này anh ở đâu? 
Đồng Đế nắng mưa thao trường 
Anh ở đâu? Ú u ù ... Anh ở đâu?

Giờ này anh ở đâu?
Pleiku gió núi biên thùy
Giờ này anh ở đâu?
Miền Trung hỏa tuyến địa đầu
Giờ này anh ở đâu?
Miền Tây tiếng sét U Minh rừng
Anh ở đâu? (ú u ù)… Anh ở đâu?

(Khánh Băng, Giờ này anh ở đâu)

Anh giờ ở đâu, 
Đồi núi cao nguyên hay cuối miền sông Hậu? 
Đêm nay ở đó gió lạnh không 
Sương khuya có giăng giăng đầy? 
Phương này em với những lời nguyện cầu 
Cho người đi sẽ có ngày trở về 
Cho tình ta thắm thiết tựa ngày đầu 
Xin cho chúng mình còn nhau.

(Phan Trần, Cho người vào cuộc chiến)

Nói với người thân, họ không quên nhắc đến cuộc đời bôn ba của mình trên khắp mọi nẻo đường:

Đời anh đã bao phen

Gió sương gót chân in chiến trường
Làm quen với đêm canh

Gió lộng với mưa khuya núi rừng

Đời tôi ngày ngày

Khi chiều chết trên đường phố 
Giọng ca nhịp đàn

Mong gửi tám hướng tâm tư 
Dù xa nhau em ơi, lòng ta luôn nhớ đời

Vì chờ mong còn dài. 
Mai nay anh đi rồi, làm sao tôi ngăn được

Thà vui đi cho trót đêm nay 
Nhiều lần mình trắng bàn tay

Như chuyện xa xưa ấy 
Xin đừng nhớ hay buồn. 
Đôi ta không sống vì nhau khi kẻ ở người đi, 
Thôi thương tiếc mà chi 
Đường về ngõ tối hai nơi, có phải vì sao rơi 
Đêm hò hẹn hết rồi.

(Trúc Phương, Chuyện chúng mình)

Với người lính có thể gọi kỳ nghỉ phép là những ngày hạnh phúc. Nhưng đôi khi vì chinh chiến phải ngược xuôi trên những nẻo đường, họ chưa thể về thăm người thân yêu:

Vọng gác đêm trường, bâng khuâng tôi nhớ 
Chiều chia tay em gái nhỏ 
Đếm thời gian trôi, từ ngày ra đơn vị 
Tôi bôn ba khắp miền chiến thuật 
Chưa một lần về thăm phố phường…

(Ngân Giang, Đêm trên đỉnh sầu)

Họ không nguôi mong được về thăm gia đình, bạn bè, được vui chơi phố thị. Và giây phút đó có lần cũng trở thành hiện thực:

Mình về thành phố đây rồi
Chốn ăn chốn vui lạ mặt người
Cho bõ gian lao ngần này phép rong chơi

Rũ phong sương đầy áo

Mà lòng nghe ước muốn lên cao...

(Trúc Phương, Người về thành phố)

Nghiêng bóng dài đèn soi bước chân
Dìu em qua thị trấn sau những ngày đánh trận...
Đêm mua vui cùng quay

Dưới ánh đèn nhạt màu son
Câu ca tiếng nhạc nay vẫn còn

Môi run với rượu say mềm

Qua làn hơi khói thuốc bàn tay
Một ngày vui nào hay...

(Huy Phong, Thị trấn về đêm)

Sài Gòn thứ bảy còn ai mong chờ
Một ng­ười lính trẻ về thăm kinh đô
Ng­ười lính chiến ấy là tôi
Lần đi khi nắng ch­ưa vơi
Gởi trọn nỗi th­ương cuộc đời...

(Anh Bằng, Sài Gòn thứ bảy)

Anh hai mươi vào quân ngũ

Em mười sáu đến vũ trường

Biết ai thương hoài tui xuân

Chúng ta mái đu còn xanh

Anh v ri mai xa vng

Hãy vui cho trn mt đêm

Thôi đng thm trách đi ta l làng.

(Y Vũ & Trúc Sơn, Những tâm hồn hoang lạnh)

Đó là những ngày an vui để có thể nghĩ đến một bóng hồng nào đó. Với anh lính này thì gặp người yêu, với anh lính kia thì chỉ là dịp để làm quen cô gái:

Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ
Tìm người thương trong người thương
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ...

(Trúc Phương, Hai mươi bốn giờ phép)

Chiều nhìn qua đầu ngõ, dâng dâng niềm thương nhớ
Dáng xinh xinh một người

Ðược nghỉ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen
Em mới cho mình biết tên.
Cuộc đời chinh chiến, quanh năm với bưng biền
Thì gót liễu mong manh, làm sao bước song hành...
Đời anh đây đó mười phương
Gặp em anh đã thương càng thương
Thương đôi môi đầy nhựa sống
Thương tia mắt dào dạt sóng
Tuổi ngọc xuân son, nét ngà uốn trăng tròn...

(Hoài Linh, Căn nhà màu tím)

Nhưng ngày vui rồi cũng qua mau, họ lại trở về với chiến trường và bom đạn. Trong các cuộc chiến đấu làm sao tránh khỏi những lúc bị thương tích, phải chuyển về hậu phương điều trị. Nhưng khi bệnh đã qua khỏi, họ phải trở về đơn vị tiếp tục cầm súng, tiếp tục cuộc đời chinh nhân đôi khi không thể chia sẻ cho ai. Và như thế họ vẫn còn phải trải qua bao gian lao, phải đối diện trước bao hiểm nguy với bao nhiêu bãi mìn, hầm chông, bao nhiêu súng nổ đạn bay:

Tôi trở lại vùng hành quân

Vùng xa xôi đá sỏi biết buồn
Ba tháng hậu phương yên bình

Tuy vết thương chưa lành hẳn
Tôi lại đi giữa lạnh sang đông

Đời tôi chinh chiến quanh năm

Yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân
Kiếp chúng tôi như kiếp sông dài

Trôi đi miệt mài nào ai biết cho ai.

(Trần Thiện Thanh, Mùa xuân lá khô)

Trước mặt anh hầm chông bãi mìn
Rừng núi ngàn trùng, đồng hoang rêu xanh
Đêm ngày réo gọi tên anh…

Dù nghe dù nghe sấm nổ trên đầu

Sấm nổ trên đầu
Sao hơn nhan sắc nhiệm mầu của em… 
Trước mặt anh dù cho biển người

Tràn lấp quê hương 
Tàn đêm giao tranh anh về cứ gọi tên anh 
Sẽ không bao giờ

Anh gục trên xác thù đêm qua 
Bỏ đời huy ngàn
Một mai chân anh có mỏi chân anh vẫn về.

(Trầm Tử Thiêng, Vùng trước mặt)

Mưa, mưa mãi thấm lòng

Người trai nơi sa trường 
Hạt mưa vui như hồi vỗ tay ca. 
Mưa, nhưng vẫn ấm lòng người trai đi xa nhà 
Mưa cho tình thương mến thêm đậm đà. 
Hạt mưa trên poncho, hạt mưa trên poncho 
Nhớ những đêm anh em vỗ tay

Reo cười đùa mưa nguồn 
Nằm trên poncho ngỡ trên nệm gấm. 
Nào ai đang say sưa, hẹn nhau đi trong mưa 
Góp chiến công đem ghi khắc

Trên lời nguyền ngày quay về 
Nghìn gian lao tan biến trong lời thề.

(Trầm Tử Thiêng, Hạt mưa trên poncho)

Họ ra đi vì trong lòng còn nghĩ về tương lai đất nước, vì còn thấy bao cảnh điêu tàn trên quê hương đau khổ:

Cao ngất Trường Sơn

Ôm ấp tình thương nước ra sông nguồn

Tìm về biển Đông

Tình yêu thành sóng Thái Bình Dương

Rồi từng đêm sương

Sóng vỗ về ru giấc quê hương

Nhưng quê hương chưa ngủ

Khi bom đạn tơi bời

Còn nhục nhằn dưới ruộng trên nương...

(Trần Thiện Thanh, Biển mặn)

Thật không may cho người mãi mãi tật nguyền, nhưng dù sao họ cũng còn có được sự nâng niu của người thân yêu đang chờ đón:

Mai kia anh trở về, anh trở về

Dẫu rằng dẫu rằng không còn vẹn như xưa

Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ

Dù anh trở về bằng chiếc xe lăn...

(Phan Trần, Cho người vào cuộc chiến) (*)

Đôi khi trong cuộc chiến dữ dội ấy, người lính cũng dự báo một cái chết cho người cầm súng, bởi ai có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra:

Em đi qua cầu có gió bay theo

Thổi bùng khăn tang trắng giữa khung chiều

Em đi qua cầu có lá xôn xao

Một dòng sông sâu chở hồn thương đau…

Em đi qua cầu tiếng súng vang theo
Làng mạc quê hương có dáng buồn rầu…

(Trịnh Công Sơn, Em đi qua cầu)

Nếu mai anh chết xin em đừng buồn

Đừng nhớ nghe em

Xin em đừng đừng thương đừng tiếc

Và đừng than đừng khóc.

Nếu mai anh chết

Một chiếc xe tang ngựa kéo đi

Trên con đường dài

Hàng me đổ lá xưa mình vẫn lang thang…

(Lê Dinh, Nếu mai này)

Và rồi cuối cùng, cái chết cũng đã trở thành hiện thực. Giờ đây người thân đã nhìn ra một cảnh tượng sầu não, bi thương, ai oán hơn:

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh...

(Trịnh Công Sơn, Cho một người nằm xuống)

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ...

Em không nhìn được xác chàng

Anh lên lon giữa hai hàng nến trong

Mùi hương cứ tưởng hơi chàng

Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu!...

(Phạm Duy & thơ Lê Thị Ý, Tưởng như còn người yêu)

Trước mắt người hậu phương là hình ảnh lạnh lùng và não nề của góa phụ và khăn sô, còn đau đớn nào hơn bi kịch của chiến tranh:

Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngả

Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa

Anh trở về trên chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng…

Anh trở về chiều hoang trút nắng

Poncho buồn liệm kín hồn anh

Anh trở về bờ tóc em xanh

Chiếc khăn sô lên đầu vội vã, em ơi...

(Phạm Duy & thơ Linh Phương, Kỷ vật cho em)

Như thế đấy, những trận chiến ác liệt đã khiến biết bao nhiêu người con đất Việt phải nằm xuống. Hiện thực chiến tranh đã bày ra những cảnh tượng hãi hùng, ở đó những người trai đã vùi thây trong máu lửa:

Gio Linh đón thây giặc về

Làm phân xanh cây lá,
Pleime gió mưa mùa
Tây Ninh nắng nung người

Mà trận địa thì loang máu tươi
Đồng Tháp vắng bóng hồng, tôi yêu ai?

(Trúc Phương, Trên bốn vùng chiến thuật)

Các trận đụng độ dữ dội được biết tới với những địa danh trải dài trên khắp đất nước:

Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu

Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình

Vừa ở lại một mình 
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.

(Trần Thiện Thanh, Người ở lại Charlie)

Trả lại cho ai những địa danh quá hãi hùng
Mà người đời từng biết tên
A Sao, Cam Lộ, Hạ Lào, Khe Sanh
Pháo nổ trên cổ thành...
(Hàn Châu, Ngày mai tôi về)

Và người lính buồn bã cất tiếng gọi mọi người hãy nhớ về người đã khuất:

Sao không hát cho những người còn mải mê 
Lá rừng che kín đường về phồn hoa

Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua...

(Trần Thiện Thanh, Rừng lá thấp)

Hai năm sau mới có thư về
Nhìn con dấu ghi nơi nắng cháy biên thùy
Người quen cho biết tin
Bạn tôi thân mến đã liệt oanh ngã xuống

Khắp đơn vị tiếc thương...

Muôn lớp trai đi nghìn sau

Theo dấu chân đi vào thiên lý
Biết bao người xong nợ xương máu

Không trở về
Người đi vào tối vẫn lưu danh cho đời mãi
Nó anh hùng ngày mai.

(Song Ngọc & Vọng Châu, Nó và tôi)

Họ chia sẻ niềm đau, nỗi tiếc thương và đôi khi cũng vinh danh bạn bè - những người ngã xuống cho quê hương:

Nào những khi ôm thép súng tê tay 
Đăm mắt theo bao hư ảo thở dài 
Nơi chốn xa buồn thương mẹ quẳng gánh 
Em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai. 
Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ 
Gió hẹn mưa thề

Một khi con về quê ngoại xưa 
Để mẹ nhắn lời thăm. 
Đường làng cũ năm nào

Khi con còn bé nhỏ 
Theo mẹ đến trường

Giờ đây con đường xưa còn đó 
Tóc liễu vờn gió ru buồn...

Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi

Dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về

Xin có em nguyện cầu cho đời anh 
Đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai.

(Đinh Miên Vũ, Sương trắng miền quê ngoại)

Từ đó đâu còn nữa

Đêm hẹn xưa tha thiết gọi tên nhau 
Từ đó đâu còn nữa

Trăng ngày xưa lưu luyến soi đôi đầu 
Gương xưa còn đó

Nhưng bóng hình nào thấy đâu 
Áo xưa còn đó

Nhưng mùi hương phai nhạt rồi 
Từ đó nghe trong lòng

Nghe trong lòng mưa gió từng đêm.

Vào một đêm sương có người trai hồi hương

Báo một tin thật buồn
Tin anh gục chết giữa lúc băng rừng sâu

Cho tơ duyên bẽ bàng...

(Trần Thiện Thanh, Từ đó em buồn)

Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi 
Em nhớ người phương trời 
Tâm tư chẳng biết nói cùng ai 
Đơn sơ em ghi đôi dòng 
Mong người đi giữa súng đạn chập chùng 
Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành 
Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng

Thương anh suốt đời... anh ơi!

(Phan Trần, Cho người vào cuộc chiến)

Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già
Nghe tin anh gục ngã
Dừng chân quán năm xưa
Uống nước dừa hay nước mắt quê hương...
(Phạm Thế Mỹ, Những ngày xưa thân ái)

Anh ơi anh ơi anh đâu rồi 
Làm sao làm sao ta có đôi 
Anh ơi anh ơi anh đâu rồi 
Mộ bia đề tên anh đó sao
Anh ơi anh ơi anh đâu rồi 
Để tình đầu là tình cuối đau lòng nhau…

(Trần Thiện Thanh, Tình đầu tình cuối)

Những người trai đã ra đi nhưng người ở lại khi than khóc chỉ nói về cái chết, nỗi tiếc thương, đau đớn mà không một chút oán than, trách móc kẻ thù. Bài hát không gợi một chút căm hận, cùng lắm chỉ nói bóng gió về làn đạn oan nghiệt từ đối phương khiến cho những người anh dũng đã phải nằm xuống. Cái chết thực như thế nhưng đôi khi vẫn tưởng như là không:

Rồi một đêm nghe súng
Kêu ba lần trong vườn hoang
Một nửa hồn nghe tin báo
Anh ngã gục chiến trường gần.
Mộ nào cho bia gỗ
Dấu sơn đề tên người thân

Còn lại chuyện gì cho em? 
Tưởng là chết đi 
Nhưng không anh lại về 
Anh lại về, anh lại về. 
Vành khăn tang, ôi tình tứ 
Như lời em đợi chờ trong giông bão 
Đại dương trân châu ngọc báu 
Cũng không bằng một phút giây tương phùng 
Tình trăm năm cho tình ngắn trên trần gian, 
Tình trọn nghĩa yêu đương
Tình thiên thu cho người chết 
Đã trở về tuyệt vời như hôm nay…

(Trần Thiện Thanh, Tưởng người chết đi)

Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh
Đợi anh về chỉ còn trơ vầng trán

Đứa bé thơ tấm khăn sô bơ vơ người góa phụ

Cầu được sống trong mơ...

Anh! Chính anh vừa ở lại một mình

Vừa ở lại một mình

Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành...

(Trần Thiện Thanh, Người ở lại Charlie)

Một ngày, tôi đi qua trại lính ngang nhà, 
Thấy một lá cờ với một vòng hoa.
Chung quanh đây, có ai đâu đưa tiễn anh về
Buồn tiễn anh về với lòng quê hương

Đưa tiễn anh về với lòng đất sâu.

Hỏi ra mới biết anh là lính trẻ xa nhà

Chết trận đêm qua.
Hỏi ra anh có mẹ già

Anh có mẹ già ở tận nơi xa.
Mẹ chẳng kịp về đưa tiễn anh đi
Mẹ chẳng kịp về đưa đón anh đi
Tôi thấy tôi buồn, tôi thấy tôi buồn…

(Mai Châu, Một ngày tôi đi qua)

Không, anh không, anh không chết đâu anh

Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua 
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng

Hắt hiu niềm nhớ 
Trên khăn tang cô phụ

Còn lóng lánh dấu ái ân 
Giọt nước mắt nóng bây giờ

Và còn hằng đêm cho anh cho anh...

(Trần Thiện Thanh, Anh không chết đâu anh)

Trước cái chết, người lính chỉ còn biết chia buồn. Không chỉ chia buồn cho một người, cho vạn người mà chia buồn cho cả quê hương này:

Quê hương tôi là thế đó,

Bao năm trường rồi chém giết vô duyên
Anh em tôi là thế đó,

Đi nghe người ngoài giết nhau quá nhiều.
Xin ngưng tay một giây phút,

Xin nghe một lần tiếng khóc bi thương

Xin chia buồn cùng Việt Nam

Quê hương nhục nhằn máu xương chất chồng
Xin chia buồn cùng Việt Nam

Bao nhiêu năm qua đạn với bom

Rơi trên ruộng trên nương…

(Nhật Ngân, Xin chia buồn)

4. Anh tiền tuyến, em hậu phương

Người trai ra đi khi trước mắt họ là “quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường” (Trầm Tử Thiêng, Bài Hương ca vô tận). Họ có nói đến kẻ thù, nhưng đó là kẻ thù chung chung. Với người lính, hình ảnh kẻ thù sao vẫn thấy mờ nhạt quá vì không nhận diện được. Ta có thể tìm thấy những từ như “thép súng đang còn xây máu thù” (Nhật Ngân, Lính xa nhà),súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó” (Phạm Thế Mỹ, Trăng tàn trên hè phố), tiếng súng trong quân tàn tham đang rền vang ngoài bờ cõi” (Hoài Linh, Nhớ một người), «”êm nằm đường ngăn bước thù” (Trúc Phương, Trên bốn vùng chiến thuật). Đúng là người lính chỉ “khua chiến trận dõi bước quân thù” (Trầm Tử Thiêng, Vùng trước mặt), hoặc “ngày đêm nơi chiến tuyến ngăn quân thù” (Văn Phụng, Bóng người đi). Người lính chỉ thấy hình ảnh mơ hồ về kẻ thù như thế nhưng họ vẫn ra đi vì họ “yêu quê hương, thương nòi giống” (Lam Phương, Bức tâm thư), “vì yêu quê hương thương giống nòi” (Châu Kỳ, Giữa lòng đất mẹ), vì “tình non tình nước” (Duy Khánh, Lối về đất mẹ), vì “yêu quê hương, thương non sông” (Lê Minh Bằng, Hai mùa mưa),“thương quê hương qua non thế kỷ điêu tàn” (Hoài Linh, Xin tròn tuổi loạn), “thương quê hương và bé nhỏ tình này” (Trúc Phương, Hai mươi bốn giờ phép), vì “đất nước khổ đau” (Phan Trần, Cho người vào cuộc chiến), vì đi “cứu người lầm than” (Phạm Đình Chương, Anh đi chiến dịch), vì “nguyện đem bình yên đến quê nhà” (Ngân Giang, Lính trận miền xa), ra đi là để “ôm ấp linh hồn Việt Nam” (Anh Bằng, Lạy mẹ con đi), “vẫn mơ ngày quê hương nắng đẹp” (Đinh Việt Lang, Hẹn một mùa xuân), ra đi để “Non nước ấm êm hàn nối nhịp cầu” (Văn Phụng, Bóng người đi), ra đi vì “đem thanh bình yên vui đời mới”, ra đi là để “nối nhịp cầu Hiền Lương, Nam Bắc” (Nhật Lệ, Gửi người giới tuyến), và như thế “người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình” (Lam Phương, Nắng đẹp miền Nam)... Ngược lại, hình ảnh những người ở lại hậu phương thì rõ nét hơn. Đó là hình ảnh người mẹ già, người vợ, người con, người em và cả người yêu ở phía sau lưng. Gần như trong hầu hết những bài nhạc lính, hình ảnh người thân yêu ấy luôn chiếm số lượng lớn nhất. Đó là đặc điểm nổi trội của nhạc lính ngày trước.

Người lính ra đi không hề kêu gọi căm thù hay gieo thù hận trong lòng mà dành hết cả tình cảm cho người ở hậu phương. Ra đi mà canh cánh trong lòng nỗi niềm thương nhớ không nguôi người ở lại. Có thể đó chỉ là những người bạn thân thiết một thuở nào:

Đêm nay tôi nhớ đến anh mơ về kinh thành
Những chiều gió lộng ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng
Mưa rơi ướt hai mái đầu
Chuyện mình ai biết mai sau
Để hôm nay ngồi đây
Trời biên khu nhiều mây
Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình
Chuyện người trai chốn xa
Và người đi chiến đấu vẫn chờ đợi nhau...

(Song Ngọc & Hoài Linh, Chiều thương đô thị)

Tôi muốn gửi những hình ảnh đời tôi và bọn tôi
Những người trẻ hôm nay
Đến những thương yêu hậu phương
Xin nhớ nhau như tình nhân
Tình nhân nhớ lúc người xa chưa về...

(Trúc Phương, Một người đi xa)

Nhưng phần lớn tâm tình đó dành cho người yêu còn ở phía quê nhà. Ra đi mà không quên tình yêu của người em gái:

Khi núi sông đang mịt mờ 
Người trai nhuốm nhiều tuổi đời 
Chuyện xưa khép chặt vào lòng 
Dù đi chinh chiến

Vẫn nhớ người tôi mến thương. 
Tình yêu theo tháng năm

Xóa mờ trong mắt buồn 
Nếu ta còn nhớ đến đêm thoáng trong mơ 
Ðời anh là mây bốn phương trời còn miệt mài 
Người đi xây tương lai, giấu tâm tư thương ai 
Như gió đưa mây che trăng khuất đêm dài 
Tim tôi đơn côi

Biết nhau một lần, rồi nhớ trọn đời...

(Minh Kỳ & Lê Dinh, Ngày sau sẽ ra sao)

Đây gói hành trang

Xếp lại cho tròn để anh đi nhé
Xin chớ u buồn

Vì trong những ngày dài anh vắng xa em.
Hôm nay tay cầm tay

Mình chưa nói chi nhiều trong lúc tạm xa
Rồi trong đêm khuya

Vắng em trở giấc mơ vàng
Là khi em thấy nhiều ước mơ.
(Trường Sa, Hành trang giã từ)

Anh biết khi đi là cách biệt người quen

Mà nhớ nhiều là em. Đêm nay trời núi rừng

Nhịp canh thay bằng tiếng súng 
Nửa trăng nghiêng đồi chếch bóng 
Như xé hoang vu núi rừng 
Đời chinh nhân mộng mơ 
Bài thơ chưa đoạn cuối 
Ngày mai chép thêm vần vào, em ơi 
Viết trên thiếp hồng nét chữ hoa cuối dòng

Tên em vào được không.

(Song Ngọc & Hoài Linh, Thiếp hồng anh viết tên em)

Chàng sẽ nói với nàng rằng em hãy yên tâm một ngày nào đó anh sẽ trở về, em đừng buồn khóc khi người đi xa:

Em gắng mong anh ngày về,

Khi ánh vinh quang tràn trề 
Là khi quê hương thân yêu thôi lầm than. 
Bông lúa tươi trên ruộng đồng

Thánh thót tiếng ca dịu lòng 
Xen với tiếng tiêu mục đồng lướt êm...

Trong ánh vinh quang rộn ràng,

Anh bước hiên ngang về làng 
Trời Nam reo vang nơi nơi thanh bình ca 
Quên tháng năm qua đợi chờ,

Tay nắm tay nhau hẹn hò 
Chung đắp xây lại cuộc đời thái hòa...

(Huỳnh Anh, Em gắng chờ)

Em ơi anh đi vì nước non mình đợi chờ 
Muôn quân đang reo lửa khói tung ngập màu cờ 
Thân trai ra đi nợ nước đôi vai gánh nặng 
Buồn chi cách xa vì ngày vui sẽ không xa. 
Hôm nay anh đi vì muốn duyên mình đẹp màu 
Bao năm chia ly là mấy trăm vạn ngày sầu 
Vui lên đi em rượu tiễn sao không uống cạn 
Để anh bước đi cho phỉ chí mộng làm trai…

(Lam Phương, Buồn mà chi em)

Dẫu cho tình đôi ta bao la như chiều vàng

Tim sông hồ trót mang, quê hương tình vẫn hơn

Nên đêm trăng vàng đẹp hành trang xuôi vạn lý

Quên nói câu tạ từ…

(Trần Thiện Thanh, Đôi ngả đôi ta)

Gió lạnh đầu mùa, một mùa thu man mác
Rung gió tím ngàn hoa, như màu tóc nàng
Ngồi mơ ngóng ngoài biên thùy
Có chàng chiến sĩ hành quân giữa trời khuya...

(Thu Hồ, Tím cả rừng chiều)

Em nhé mình thương nhau muôn đời

Anh giữ gìn biên cương xa vời

Đừng buồn khi xa nhau em nhé

Thăm em đôi ngày rồi anh đi.
(Tuấn Khanh, Hoa soan bên thềm cũ)

Ngàn ngày xưa trong sách sử đến ngàn ngày sau,
Khi Tổ quốc kêu lên tiếng sầu,
Đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau.
Ra đi, mang bóng hình của người con gái
Trong bóng hình núi rộng sông dài…
(Hùng Cường, Đêm trao kỷ niệm)

Từ KBC giá lạnh rừng sâu
Anh gởi lời thăm về em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau...

(Mạc Phong Linh & Hoàng Minh, Viết từ KBC)

Nhớ đêm nào, đường về nhà em
Có trăng lên sáng soi lối vào

Có đôi mình, cùng chung bóng hình
Chung tiếng hát ấm êm ngày xanh

(Duy Khánh, Thư về em gái thành đô)

Đã từ lâu rồi tôi là lính chiến

Quân hành còn triền miên
Mỗi khi đơn vị dừng chân đồi hoa tím

Nhớ em nhớ cả nụ cười...

(Hùng Linh, Áo cưới màu hoa cà)

Vọng gác đêm trường, bâng khuâng tôi nhớ
Ngày chia tay em gái nhỏ
Đếm thời gian trôi, từ ngày ra đơn vị
Tôi bôn ba khắp miền chiến thuật
Chưa một lần về thăm phố phường...

(Ngân Giang, Đêm trên đỉnh sầu)

Anh ra đi rồi mới nhận được tin nhau
Hàng trăm thư viết anh gởi cho em
Ðời trai chiến trận, em biết lỗi hẹn

Có phải tại anh đâu...

(Trương Hoàng Xuân, Hái hoa rừng cho em)

Thôi nhé bờ mi em buồn chi 
Lưu luyến càng thêm đau người đi 
Một trời tang khó nhuốm đau thương 
Người trai chốn sa trường

Hàn gắn tình mến thương. 
Anh biết người em yêu sầu bi 
Nhưng trách người trai kia làm chi 
Một trời trao ước lúc xa nhau 
Người em má hoa đào xin chớ phụ lòng nhau…

(Phượng Linh, Lời giã biệt)

Ngày mai sóng êm ngàn tinh tú trên trời
Đưa anh về bến mộng
Cho em thôi khóc và cho mắt đừng buồn
Cho môi hồng thêm tươi...

(Nguyễn Vũ, Sao rơi trên biển)

Chiều nay gió mưa giăng mờ đồn anh 
Cầu cho mắt em vương một màu xanh 
Xa xôi vẫn mơ về em gái xưa 
Thương biết mấy cho vừa

Dẫu muôn trùng gió mưa.

(Đào Duy, Mưa lạnh đồn xa)

Mười mấy năm qua khi hoa vừa hé nhụy

Thì đời trai vui chinh chiến

Anh xuôi miền xa rồi lặng lẽ đếm xuân qua

Em ơi, kỷ niệm xưa anh còn giữ mãi trong lòng…

(Trần Thiện Thanh, Đám cưới đầu xuân)

Và xin em hiểu rằng
Dù nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay
Lòng anh vẫn nhớ tình người hôm nay.
Đời dâng cho núi sông
Lòng này thách với tang bồng
Đừng sầu má thắm phai hồng buồn lắm em ơi...

(Nguyễn Văn Đông, Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp)

Ôi biết tìm em ở đâu,

Phố phường hay rừng sâu

Khi cách sông ngăn cầu.

Sau bước hành quân từng đêm

Có người dừng tay kiếm

Ngồi hoài hương nhớ em…

(Song Ngọc, lời Hồ Đình Phương, Thương nhớ một người)

Sầu mà chi em lúc non sông cần trai hùng 
Buồn mà chi em mai anh về trong nắng êm 
Đừng vì chia ly làm nản chí nam nhi 
Vui lên đi cùng ước thề rồi ngày mai anh sẽ về. 
Em ơi anh đi vì nước non mình đợi chờ 
Muôn quân đang reo lửa khói tung ngập màu cờ 
Thân trai ra đi nợ nước đôi vai gánh nặng 
Buồn chi cách xa vì ngày vui sẽ không xa. 
Hôm nay anh đi vì muốn duyên mình đẹp màu 
Bao năm chia ly là mấy trăm vạn ngày sầu 
Vui lên đi em rượu tiễn sao không uống cạn 
Để anh bước đi cho phỉ chí mộng làm trai. 
Một thời gian qua nước non vui niềm thái hòa 
Trời Việt âu ca. Xuân qua thềm mơn cánh hoa 
Vạn niềm thương yêu còn chờ phút sum vầy 
Em xin dâng ngàn tiếng cười

Tặng người anh yêu suốt đời.

(Lam Phương, Buồn mà chi em)

Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi…

Chiều nay chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà
Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca
Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương
Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn
Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương…

(Minh Kỳ & Hoài Linh, Chuyến tàu hoàng hôn)

Trong khi đó người ở lại vẫn còn dõi theo bóng người đi, tựa như bóng trăng soi bước chân người chinh phu:

Người đi ngày ấy chưa về,
Ngoài trời mưa bay cho lòng ai thương nhớ ai

Anh ơi! Gió lạnh mùa đông,
Gió lạnh lòng trai đi giữ non nhà trong đêm lạnh giá.
Thương anh, dù cho đá mòn,
Dù cho bể cạn, tình em vẫn không đổi dạ thay lòng.

(Phượng Linh, Thương về mùa đông biên giới)

Người đi nhớ gì giữa đêm kinh kỳ
Trời khuya có người mơ bước ai đi
Núi đồi cùng rừng xanh vạn lý
Gió núi mưa tuôn

Xé đôi vai nặng vì tình non tình nước...

(Minh Kỳ & Lê Dinh, Đường về khuya)

Bao thương nhớ từ độ

Anh vui bước quân hành 
Nửa năm anh viết lá thư xanh

Bảo rằng sẽ về phố phường 
Mừng rơi nước mắt

Ướt thư người tôi thương. 
Tôi đến nơi hẹn hò

Đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ 
Bàn tay thon ngón nhỏ

Đan tay rắn sông hồ
Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở 
Thương này thương cho bỏ lúc đợi chờ…

(Trúc Phương, Bóng nhỏ đường chiều)

Từ ngày xa nhau chinh chiến đưa anh về đâu
Vai súng vượt đêm mưa nắng khe xanh rừng sâu
Người thân ai cũng nhắc tên anh trong thương yêu
Biết giờ anh chốn nào...

(Tô Giang, Giọt buồn không tên)

Bao năm qua dù xa anh nhưng tôi vẫn nhớ 
Nhớ con đường nắng u buồn 
Dìu nhau đi tìm râm bóng mát 
Lòng bâng khuâng nghĩ chuyện vu vơ 
Tôi vẫn nhớ, nhớ đêm hẹn hò bên trăng sao 
Từng câu nói yêu đương ngọt ngào…

(Ngân Giang, Tôi vẫn nhớ)

Anh ơi sương gió dãi dầu
Màn đêm chiến tuyến có buồn nhớ nhau.
Khi mưa giăng sầu vào đời
Tình người lính chiến nhớ nhớ về đâu?

Lắng nghe lá vàng rơi nhẹ vào tim 
Chốn xưa vắng người vẫn còn mình em. 
Dòng đời buồn trôi không nhịp nối 
Tình người xa xôi trên ngàn lối 
Em chờ anh về anh ơi!

(Minh Kỳ, Lá vàng rơi)

Nghe gió xuân hay rằng xuân đã về

Gói tâm tình vào trong bao ý thơ

Thương nhớ về người anh nơi chiến tuyến

Năm tháng xa xôi không buồn vì đơn côi…

(Minh Kỳ & Lê Dinh, Mùa xuân gửi em)

Thương anh thương màu áo hoa rừng

Và thương con đường phơi gió sương

Chiến tuyến chiều xuống hay nhiều mưa

Thương anh, thương khung trời hoang sơ…

(Thục Vũ, thơ Lệ Khánh, Tình người hậu tuyến)

Tôi không quên anh

Đem nhiệt tình vì yêu đất nước
Tôi không quên anh

Khi xuân về không mơ dừng bước
Tôi không quên anh

Lạnh chiều đông gió mưa bay
Bạn cùng cây súng đôi vai

Nhủ lòng quên nỗi đắng cay.
Tôi không quên anh

Mưa nguồn về chiều đi biên giới
Thương anh xông pha

Đem thanh bình yên vui đời mới
Mong sao biên cương

Chiều nay không gió không mưa
Niềm tin anh giữ trong tim

Ngày còn ánh sáng bình minh…
(Nhật Lệ, Gởi người giới tuyến)

Thắm thiết biết bao lời gửi người trai vì sông núi 
Thu xưa vui ra đi đường làng xưa nhớ về. 
Anh nhé lá hoa tươi màu thái hòa 
Câu hát dưới trăng thanh bình lắng xa. 
Non nước ấm êm hàn nối nhịp cầu 
Anh về tình ta tươi thắm bền lâu.

(Văn Phụng, Bóng người đi)

Dù anh đã ra đi nhưng người em vẫn mãi thương anh, yêu anh, vẫn trông mong và đợi chờ ngày anh trở lại:

Em chờ anh trở lại chốn đây 
Đường xưa còn đó sánh đôi vai gầy 
Em chờ anh tìm về lối cũ 
Có em còn đây bên sông này 
Đợi chờ ai đến trong vòng tay...

(Hoàng Nguyên, Em chờ anh trở lại)

Anh lên đường trăm hướng.
Em ở lại sầu thương.
Buốt giá câu thơ những lúc đêm mờ,
Ướp cánh hoa xưa vẫn nhớ hương chờ

Mà đắm trong nghẹn ngào…
(Mạnh Phát, Sương lạnh chiều đông)

Dù rằng anh ở đâu,

Anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài
Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời
Vì lời thề xưa nở trên môi
Và một tình yêu đã lên ngôi...

(Khánh Băng, Giờ này anh ở đâu)

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga
Nơi tiễn người trai lính ngày nào
Tàu cũ năm xưa

Mang người tình biên khu về chưa?
Trắng đêm tôi chờ nghe

Tiếng tàu đêm tìm về.

(Trúc Phương, Tàu đêm năm cũ)

Em ơi đau thương từng đêm khắc khoải

Vì chinh chiến mãi chưa tàn 
Em ơi xin dâng đời trai giết giặc 
Nguyện cho đất mẹ yên vui

Trong giấc ngủ yên lành. 
Tiền đồn xa xăm,

Yêu thương này xin trọn dâng em

Nguyện cầu cho anh đi bình yên
Ngày anh trọn lính anh về
Xuân thế kỷ hàn huyên...

(Vinh Sử & Nguyên Thảo, Bạc màu áo trận)

Một nửa ba năm

Anh yêu tình áo giày quân nhân 
Đường xuôi quân ghé lại đôi lần 
Bao nhiêu âu lo có hôm

Đã hỏi người yêu bé bỏng hay mơ:
Anh vắng nhà hoài em có nhớ?…

Mưa khuya giăng tơ

Gió khuya hững hờ đèn hiu hắt ngọn
Tương tư đôi lúc buồn vì anh vắng nhà...

(Trúc Phương, Để trả lời một câu hỏi)

Ghi vào đời hình bóng một người 
Đôi lúc chân quen giày khua lối ngõ 
Tâm tư bâng khuâng 
Nghe chiều biệt ly theo khuất nẻo người đi...

Khi tôi đưa chân người tôi mến

Tạm xa biệt kinh thành
Mong sao đừng quên mỗi lần

Chiều qua cuối tuần
Có tôi đợi trông anh

Khi phố cũ vừa lên đèn...

(Trúc Phương, Chiều cuối tuần)

Phút gần gũi này thôi

Khuya nay anh đi rồi

Tay nắm tay không rời

Mắt ngắm xa chân trời

Mà lòng nghe luyến thương hoài

Anh ơi chớ quên ngày mai

Đang có em chờ ai chung xây đẹp ý đời...

(Châu Kỳ, Khuya nay anh đi rồi)

Nếu vắng anh

Ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió 
Nếu vắng anh ai đợi chờ em

Khi sương mờ nẻo phố 
Nếu vắng anh

Ai đón em khi tan trường về 
Kề bóng em ven sông chiều chiều

Gọi tên người yêu…

Có những đêm âm thầm

Nghe tin vang xa ngoài tiền tuyến
Nhớ đến anh oai hùng xông pha

Gian nguy vùng chinh chiến
Phút luyến thương

Em chắp hai tay lên nguyện cầu 
Mộng ước quê hương thôi hận sầu

Ta sớm gần nhau.

(Anh Bằng, thơ Nguyên Sa, Nếu vắng anh)

Anh nhớ đừng thăm em

Một ngày chưa yên vui
Mây nước còn chia phôi

Thì đừng mơ lứa đôi
Anh nhớ về thăm em

Một ngày thôi chinh chiến
Hành trang anh xếp lại

Tương phùng tay nắm tay.

(Trần Thiện Thanh, Anh nhớ về thăm em)

Họ cũng dặn dò người yêu và hẹn một ngày trở về không xa sau ngày giã biệt người thân:

Thư rằng: thư từ biên ải xa xa
Gửi người em nho nhỏ quê nhà.
Đã cách xa bao năm
Sống cuộc đời quân nhân
Súng bên mình nay mai rày đây đó...

Nhưng không bao giờ

Quên người em ở phương xa
Một lòng trung trinh đợi chờ.
Hãy nhớ tới anh luôn luôn
Em ơi vì lòng chờ mong
Sẽ khiến khiến anh yên lòng
Dùng hết tài năng đền bù non sông
Yêu em vì lòng chờ mong…

(Phạm Đình Chương, Lá thư người chiến binh)

Anh hiểu rồi đây

Khuya nay em về trăng gầy soi bóng
Nên em cúi mặt

Ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ.

Đừng buồn nghe em tuy anh biết rằng

Xa xôi vẫn làm tâm tư héo mòn

Nếu em đã trọn thương anh xa vắng
Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân...

(Trần Thiện Thanh, Tạ từ trong đêm)

Nơi ấy dù bôn ba đời lính
Anh vẫn còn yêu thuở học sinh
Trời chiều biên giới hết mưa bay
Người đi chóng quay về
Xin gắng đợi chờ nhau.

(Phượng Linh, Lời giã biệt)

Giây phút biệt ly

Chớ để tâm hồn nặng câu lưu luyến
Anh hứa đem về

Mùa xuân bất tận nở trên má em yêu
Nhưng xin em đừng quên
Từng đêm súng vang về trong giấc ngủ say
Là khi anh đã dâng nguồn sống cho đời
Và cho đôi lứa đẹp ước mơ...

(Trường Sa, Hành trang giã từ)

Nhưng thôi em chớ u hoài

Đời trai sương gió chinh nhân

Sẽ vui lên đường tình nước gọi anh.

Đời trai là gió bốn phương

Em hãy vui đi rồi anh sẽ về…

(Phạm Mạnh Cương, Sầu ly biệt)

Người lính dù trải qua bao gian khổ nhưng vẫn không mất đi tình cảm lãng mạn khi tâm tình với người yêu của mình:

Bao năm chinh chiến gót mòn nẻo gần xa
Lòng vẫn mơ ngày quê hương nắng đẹp...

Tôi sẽ về đưa người yêu đi qua lối cũ
Nhặt hoa lót từng bước em đi...

(Đinh Việt Lang, Hẹn một mùa xuân)

Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi 
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời.

Những đốm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
Như mắt em sáng ngời theo anh đi ngàn lối

Những đêm không ngủ

Anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi…

(Hàn Châu, Những đốm mắt hỏa châu)

Tôi ở biên giới xa về thăm một người
Mà yêu thương và tâm tư đã chất ngất lên cao
Dáng em năm nào tiễn chân người đi
Bước chân vào lính tiễn đưa người tình...

(Trúc Phương, Ngỏ ý)

Mong sao em anh hiểu

Đời lính dẫu phong trần
Nhưng yêu như yêu nhân tình

Và đậm đà như chúng mình.
Những đêm hẹn hò

Giận hờn rồi yêu nhau hơn.

Từ khi anh thôi học

Lòng thương biết mấy cho vừa
Từ khi ta cách trở

Kỷ niệm chưa xóa bao giờ.
Cầu xin tóc em còn màu xanh
Xin má em còn nồng và môi em vẫn hồng.
Đại dương tình thương dâng cao sóng
Xin về ngập tràn lòng

Chúng mình chờ mong.

(Trần Thiện Thanh, Tâm sự người lính trẻ)

Hình ảnh người thương vẫn còn mãi bên mình dù người lính còn đang đánh trận:

Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng tiếng hát môi em

Tiếng hát ngọt mềm. Người nâng lính khổ 
Viết bởi câu ca vì tiền hay thiết tha. 
Xin đối diện một lần bên tôi 
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi 
Đến với tôi, hãy đến với tôi 
Đừng yêu lính bằng lời…

Ngoài kia súng nổ đốt lửa đêm đen
Tầm đạn thay tiếng em.

(Trúc Phương, Kẻ ở miền xa)

Dù nghe dù nghe sấm nổ trên đầu 
Sấm nổ trên đầu
Sao hơn nhan sắc nhiệm mầu của em…

Vừa nghe đạn bay súng nổ trên đầu
Súng nổ trên đầu
Chỉ vang câu hát nguyện cầu của em...

(Trầm Tử Thiêng, Vùng trước mặt)

Cuộc đời sương gió chiến chinh nơi miền xa

Qua những vùng xa lạ quá
Quê hương bao la

Những chiều đóng quân ven rừng
Gặp hoa trắng ngày xưa

Thương em nói sao cho vừa...

Ôi xót thương vô bờ

Giặc về gieo sầu nhớ

Mang theo xác em thơ
Bao ước hẹn ngày xưa
Chuyện vui buồn hai đứa

Giờ còn riêng mình tôi…

Nhặt cành hoa trắng
Xót xa tôi cài lên trên nấm mộ xanh cỏ nát
Em ơi em ơi nhớ hoài nhớ nhau muôn đời
Vì chinh chiến ngược xuôi

Nên em cách xa tôi rồi.

(Bằng Giang, Người em xóm đạo)

Anh về với em rồi mai lại đi,

Đường xa mang theo bao nhiêu tình ý

Viết tên người yêu lên balô nặng trĩu,

Đêm quân hành dừng chân đồi hoa tím

Nhớ xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng

Đâu bằng đôi mắt em…

(Trần Thiện Thanh, Không bao giờ ngăn cách)

Nhiều khi ngôn ngữ của họ cũng đa tình không kém:

Thư của lính không xanh màu trời

Như mơ ước đâu em

Thư của lính không thơm nồng hương

Không nét hoa đa tình

Thư của lính ba lô làm bàn

Nên nét chữ không ngay
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây

Khi nhớ em thật đầy…

(Trần Thiện Thanh, Tình thư của lính)

Hoặc đó là một thứ tình yêu đôi khi cũng dữ dội của người lính:

Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm

Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm

Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở

Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương
...

(Minh Kỳ & Hoài Linh, Ai nói với em)

Dù sao đi nữa, dù mơ ước không nhiều nhưng người lính vẫn còn đối diện với cuộc chiến trên nhiều mặt trận khác nhau, nghĩa là họ mãi mãi còn xa cách, chia lìa người thân vì không biết đến bao giờ là ngày tàn chinh chiến:

Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu

Cuộc phân ly may lắm thì qua mau

Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ...

(Trầm Tử Thiêng, Bài Hương ca vô tận)

Chỉ thương em gái quê hương

Trong ánh xuân hồng thiếu hẳn người thương
Em hỡi em khi chiến chinh dài

Xa nhau từng ngày và xa cả xuân nay!

(Trần Thiện Thanh, Mùa xuân lá khô)

Em ơi, chiều nay rừng sương phủ
Quân hành đường còn xa
Ngàn hoa sim tím mênh mông.
Hoa sim thầm nhắc anh duyên tình
Thương thương về bóng hình
Người em bên mái nhà tranh.
(Duy Khánh, Sao không thấy anh về)

Trong tình cảnh không thể thoái thác chiến tranh đó, người lính chỉ còn biết hi vọng một ngày mai đoàn tụ, ở đó họ có được niềm vui hội ngộ trong nước mắt:

Non nước ấm êm hàn nối nhịp cầu
Anh về tình ta tươi thắm bền lâu.

(Văn Phụng, Bóng người đi)

Anh đưa em

Qua những vùng quê lửa binh lan tràn 
Dấu đạn in mái tranh quê nghèo 
Nương rẫy ngày nào xây chiến hào. 
Anh đưa em đi

Thăm những người dân chốn thôn quê 
Bao tháng ngày buồn đau chất chồng 
Giờ mừng vui xây lại ngày mới. 
Nếu chiến tranh tàn

Anh đưa em về phố thị ngày xưa 
Thăm lại vùng quê

Bao ngày qua vẫn hoài thương nhớ 
Ta sẽ đi chung một con tàu 
Băng núi qua sông đường xuyên Việt 
Nghe lòng nao nao

Ngày núi sông dứt cuộc binh đao...

(Song Ngọc, Một ngày tàn chiến tranh)

Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân

Nhưng không quên dệt mơ ước
Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến

Cho tơ duyên đượm thắm màu.
Và phương đó em ơi có gì vui

Xin biên thư về cho anh
Nhớ thương vơi đầy, đêm nay trên đồn vắng
Thương em anh thương nhiều lắm,

Em ơi biết cho chăng tỉnh lẻ đêm buồn.

(Bằng Giang & Tú Nhi, Đêm buồn tỉnh lẻ)

Xin hiểu lòng nhau, cho dù cách ngăn này

Có dài lâu đến bao giờ 
Tình vẫn vàng son, tình này vẫn đẹp tươi

Như đóa hoa không tàn úa 
Ta đón nhau về, khi non nước yên bề

Sông núi vào hội yêu thương
Mình cũng dìu nhau

Đi khắp vùng trời quê hương 
Con bướm đa tình kia sẽ dừng lại ở đây.

(Trịnh Lâm Ngân, Người tình và quê hương)

5. Xuân này con không về

Bước chân người lính qua bao nhiêu vùng đất trên quê hương với biết bao nhiêu mùa mưa nắng nhưng mùa xuân bao giờ cũng để lại trong lòng người lính nhiều nỗi niềm hơn cả. Do vậy trong nhạc lính có nhiều bài viết về mùa xuân và hình ảnh người lính. Có lẽ sớm nhất trong số tác giả viết về đề tài này là Nguyễn Văn Đông với bài Phiên gác đêm xuân. Bài hát được tác giả viết trong đêm giao thừa năm 1956 khi ông đóng quân tại khu 9, Đồng Tháp Mười. Chiến tranh thật sự đã đến gần. Tiếng súng rền vang nơi đèo heo hút gió, người lính chợt thấy không gian như đìu hiu, cô tịch và lòng có cảm giác cô đơn, quạnh vắng. Người trai cất tiếng thở dài:

Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi.

Lời ca như bày tỏ nỗi lòng u uẩn của người trai. Từ đây anh đã cảm nhận đã bắt đầu có không khí tang tóc lan tràn trên đất nước rồi:

Chốn biên thùy này xuân tới chi

Tình lính chiến khác chi bao người

Nếu xuân về tang thương khắp lối

Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi!

Trong tình cảnh cô đơn như vậy, anh chỉ còn một ước mong thật gần gũi và giản dị như mọi người khác mỗi độ xuân về:

Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương...

(Nguyễn Văn Đông, Phiên gác đêm xuân)

Vẫn trong mạch cảm hứng đó, có người lấy mùa xuân làm khởi điểm để tính thời gian đi chinh chiến của người lính:

Đầu xuân năm đó anh ra đi
Mùa xuân này đến anh chưa về

Những hôm vừa xong phiên gác chiều
Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào
Em đến thăm gác nhỏ...

(Trần Thiện Thanh, Đồn vắng chiều xuân)

Ta hiểu vì sao nhạc lính có khá nhiều bài hát về mùa xuân, vì chính đây là thời gian mà người tiền tuyến và kẻ hậu phương có dịp mừng vui hội ngộ vào năm mới và để tỏ bày lòng thương mến nhau:

Mời anh, mời chị, mời em lên đây thăm tôi
Thư xuân đi tính đã bao ngày
Biết người nhận được chưa
Nhìn mai nở vàng lòng tôi sao nghe chơi vơi...

(Trịnh Lâm Ngân, Thư xuân trên rừng cao)

Đầu năm ra tới chốn đóng quân
Lâu lắm đôi ta chưa gặp một lần
Tiện mùa xuân về em đến thăm anh
Cho lòng nhẹ bớt băn khoăn...

(Hoài An & Trang Dũng Phương, Ngày xuân thăm nhau)

Ngày đầu một năm

Giữa tiền đồn heo hút xa xăm
Có người lính trẻ

Đón mùa xuân bằng phiên gác sớm...

Ngày đầu một năm

Có cô em đến trước sân đồn
Mang thật nhiều quà cho chàng chiến binh
Xin chúc cho tình thương mặn mà keo sơn...
(Anh Chương, Ngày đầu một năm)

Dù anh đã ra đi trên bước đường chinh chiến nhưng mẹ già không có dịp gặp lại con ngày đầu năm nên không nguôi lòng thương nhớ:

Đêm nay quê nhà
Mẹ hiền còn thương đứa con đi chốn xa mờ
Không than không sầu
Đầu non cuối ghềnh
Ôm cây súng canh rừng sâu...

(Anh Bằng, Nửa đêm biên giới)

Bởi trước đó người trai đã từng hứa hẹn với mẹ là sẽ trở về cũng vào một mùa xuân như năm nay:

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa...

(Nhật Ngân, Xuân này con không về)

Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về
Mà nay đã bao xuân rồi trôi qua
Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?...

Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về
Dù cho, dù cho xuân đã đi qua
Dù cho én từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi.

(Trịnh Lâm Ngân, Mùa xuân của mẹ)

Mùa xuân chỉ có ý nghĩa khi người trai được về với mẹ, về với người thân đang chờ đợi ở nơi xa. Người lính với nợ nước trên vai cũng mãi mãi tạ ơn người hậu phương đã đem niềm vui ấm áp đến với họ giữa lúc xuân về:

Tôi xin cảm ơn người
Cảm ơn ai, đã đem luyến thương

Nồng ấm đến với lính
Cảm ơn ai khi xuân về vui thật là vui
Không quên người sương gió phương trời
Âu yếm gửi tình đi muôn nơi...

(Ngân Khánh, Cảm ơn)

Đêm dần tàn tâm tư miên man 
Thênh thang lối đi nắng mai chập chùng

Một lòng tin mai đây nắng ấm
Tìm vào đôi lòng giữa phút tương phùng...

(Mạnh Phát & Trần Thiện Thanh, Chuyến đi về sáng)

Ngàn ngày xưa trong sách sử

Đến ngàn ngày sau, 
Khi Tổ quốc kêu lên tiếng sầu, 
Đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau. 
Ra đi mang bóng hình của người con gái 
Trong bóng hình núi rộng sông dài
Hai mến yêu gánh mỗi hình hài.

Ngày về, muôn lòng nở hoa

Ngày về, thanh bình hoan ca.
Non nước một nhà
Tươi thắm mặn mà như tình đôi ta...

(Hùng Cường, Đêm trao kỷ niệm)

Cho con niềm vui đó 
Mùa xuân có hoa có cỏ 
Con vui đầy tuổi ngọc ngà

Một mai quê hương không còn chinh chiến
Ba sẽ về bên con
Bõ đi ngày tháng mỏi mòn...
(Nguyên Thảo, Thư xuân ba viết cho con)

Và như thế người lính miệt mài đi trong niềm mơ ước thiết tha về một ngày thanh bình nở hoa trên đất nước đã quá đau buồn:

Mau về đây xây đắp giang san

Cho trời Nam xuân sắc huy hoàng

Cho dân Việt đầm ấm an khang.

Mùa xuân năm nay

Anh sẽ về cùng em đi lễ chùa

Nguyện cầu đất nước yên vui

Tình mình thắm thiết lên ngôi

Bõ những ngày đau thương lìa cách…

(Trần Thi, Xuân đã đến rồi, 1969)

Đêm mưa dông rền cơn sấm nổ
Sầu quê hương đồi nương loang lở
Trên non cao còn vang đá đổ
Bến giang đầu sao động ngàn cây 
Nhìn theo người đang mộng trời mây 
Chặn bàn tay cho cuộc chiến thôi dài…

(Mặc Thế Nhân, Quê hương tìm giấc ngủ)

6. Một mai giã từ vũ khí

Khi đã đi qua mỏi mòn những năm tháng hành quân, ngược xuôi trên các vùng đất quê hương với bao cảnh tang thương, điêu tàn, đổ nát, khi chứng kiến sự hãi hùng chết chóc trong các trận đánh, người lính chỉ còn niềm mơ ước đơn sơ nhưng mạnh mẽ và cháy bỏng. Đồng đội lần lượt ngã xuống đau thương, họ chỉ mong một ngày rời xa cây súng để trở về dưới góc trời bình yên của quê hương:
Đường trần dù chông gai, ta đi vì lý tưởng 
Đi xây mộng cho đời, quên đi vạn sầu nhớ 

Mong tàn chinh chiến, ngày về trên đất mẹ
Trọn tình yêu mến quê.

(Tú Nhi, Lời kẻ đăng trình)

Dưới ánh châu hồng

Anh ngồi gọi thầm tên em 
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về 
Những đốm mắt hỏa châu

Là hoa đăng ngày cưới

Khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới
Có nhau trong đời đêm trường

Không sợ lạc loài yêu thương...

(Hàn Châu, Những đốm mắt hỏa châu)

Anh trở về quê xưa để sống trọn cuộc sống yêu thương bên người thân:

Lạy trời tròn năm tròn tháng
Nợ làng ơn nước đã đền xong
Xóm làng hát câu thanh bình
Về nơi cũ tìm vui duyên lành.

(Lam Phương, Bức tâm thư)

Đầu đường chia phôi anh không nói gì
Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi

Nếu anh có về khi tàn chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em...

(Trần Thiện Thanh, Tạ từ trong đêm)

Đón em trong vòng bàn tay người lính
Đón anh trong ngày Việt Nam hòa bình
Mái tranh êm đềm
Tiếng ca bên thềm
Có người chiến binh yêu vợ hiền...
(Minh Kỳ & Lê Dinh, Mười ba tuổi lính)

Đó là giây phút hoan ca, mọi người mừng vui trong nước mắt:

Chiều nay lối về đất mẹ là đây
Đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy
Có nghe đêm trường tiếng ai cười
Có nghe đêm trường tiếng ru hời
Suối lệ đoàn viên giữa lòng đất mẹ triền miên.

(Duy Khánh, Lối về đất mẹ)

Phải là người trong cuộc mới có thể chia sẻ nỗi lòng tha thiết của người lính, đó chính là niềm mơ ước ngày chấm dứt chiến tranh. Nếu mơ ước trở thành hiện thực thì đó là lúc người trai hân hoan được trở về với người thân yêu của mình:

Em ơi biên cương

Súng vang rền, anh ngỡ rằng

Quê hương thân yêu

Đón xuân về pháo rượu nồng 
Mừng duyên tơ hồng

Chúng mình nên vợ chồng 
Là ngày anh ước mong.

Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến
Ước mong nước non mình

Hết ngày chinh chiến điêu linh

Mộng đẹp yên vui với câu ta thường nói
Thương mến nhau không hề vơi...

(Minh Kỳ, Anh tiền tuyến, em hậu phương)

Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân

Nhưng không quên dệt mơ ước
Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến

Cho tơ duyên đượm thắm màu.

Và phương đó em ơi có gì vui

Xin biên thư về cho anh 
Nhớ thương vơi đầy

Đêm nay trên đồn vắng 
Thương em anh thương nhiều lắm,

Em ơi biết cho chăng, tỉnh lẻ đêm buồn.

(Bằng Giang & Tú Nhi, Đêm buồn tỉnh lẻ)

Ngày tháng đợi chờ tôi đến sân ga

Nơi tiễn người trai lính ngày nào 
Tàu cũ năm xưa

Mang người tình biên khu về chưa? 
Trắng đêm tôi chờ nghe tiếng tàu đêm tìm về. 
Dù xa vời vợi, tôi vẫn tin anh

Qua bước đường tha hương còn dài 
Nợ nước đôi vai

Khi người tìm tương lai đời trai 
Nhớ thư anh hẹn tôi, sẽ về thăm một tối…

Đêm qua nằm mơ thấy người trai lính chiến

Xuôi tàu về quê hương vui đêm phố phường

Quên đi phút giây gió lạnh ngoài biên cương.

(Trúc Phương, Tàu đêm năm cũ)

Ba năm thương cho đời lính

Đã bao phen dày gió sương rồi 
Đôi khi tôi muốn về thăm

Những con đường cũ ngày xưa buồn

Cao nguyên đêm nghe rừng thông

Réo vi vu gợi biết bao tình
Tôi mơ, mơ ước ngày nao chiến chinh tàn
Trở về thăm người tình xưa...
(Tú Nhi, Mưa buồn tỉnh lẻ)

Em anh yên lòng an phận

Người thương chờ mong

Mai đây thanh bình trở lại đời vui thắm thêm.

Anh xin vì em đáp lời nhung nhớ

Nâng niu hồn em bằng trăng đắm say

Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng

Trên vùng yêu thương kết nụ tầm xuân.

(Giao Tiên, Lời tình viết vội)

Mai đây không còn
Đạn nổ trên cao xác thù trong chiến hào
Tôi ra đi, đi từ Nam về Bắc
Ghé lại sông Hương

Thăm người thương thăm phố phường
Thăm Huế buồn vẳng nghe tiếng hò.

(Hàn Châu, Ngày mai tôi về)

Rồi xuân năm ấy

Tiếng súng trong quân tàn tham

Đang rền vang ngoài bờ cõi 
Nguyện đem thân trai

Tôi đi với bao niềm vui

Quyết xây dựng ngày tươi mới. 
Vừa tàn chinh chiến

Khúc hát đón thanh bình

Đang như tràn dâng muôn đợt sóng

Ngày vui hân hoan

Đất nước hết cơn lầm than,

Tiếng reo hò vang xóm làng...

(Mạnh Phát & Hoài Linh, Nhớ một người)

Chiều nào lộng gió

Nhớ người trai đi chiến chinh
Người về vơi tâm tư

Sầu mênh mang nhớ anh
Mơ ước khi nao mùa thái bình
Tình đời nồng thắm ngát hương trinh…

Chiến tuyến người trai ôm súng ước mơ
Rũ chinh y trọn ước với câu thề
Theo lối về thôn cũ đường thắm hoa
Gió trăng lạnh tình không phai niềm nhớ…

(Minh Kỳ, Mấy độ thu về)

Đón em trong vòng bàn tay người lính
Đón anh trong ngày Việt Nam hòa bình
Mái tranh êm đềm
Tiếng ca bên thềm
Có người chiến binh yêu vợ hiền…

(Minh Kỳ & Lê Dinh, Mười ba tuổi lính)

Niềm mơ ước ấy được nhạc sĩ Nhật Ngân giãi bày trong một khúc ca đầy xúc cảm, có thể tổng kết trọn vẹn tâm tình người lính chiến:

Rồi có một ngày

Sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
Ngoài con tim héo em ơi!
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lỗ châu mai với những địa lôi
Ðã bao phen máu anh tuôn

Cho còn lại đến mãi bây giờ...

Khi non nước thanh bình, anh mong ước một ngày được về quê sống cuộc đời dân dã, về lại nơi chốn quen thuộc và thân thương năm nào:

Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê

Trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre
Ðã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu...

Cuộc sống mới lại bắt đầu để cho anh tìm lại niềm hạnh phúc giản đơn và bình dị:

Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu

Ta làm lại từ đầu...

Những tháng ngày êm đềm ấy sẽ cho anh được trở về trong ký ức sâu thẳm để tưởng nhớ những người đã ra đi:

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cảm ơn, xin cảm ơn người nằm xuống...

Đối lập với hình ảnh của chiến tranh trong quá khứ, cuộc sống mơ ước cho anh cảm giác như lạc vào một thiên đường hạnh phúc:

Ðể có một ngày

Có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâu.

(Ngân Khánh, tức Nhật Ngân, Một mai giã từ vũ khí)

Cùng trong mạch cảm hứng đó, nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân một lần nữa lại thay lời người lính tâm sự về một viễn cảnh tương lai. Nhìn lại quá khứ hãi hùng trong máu lửa, người lính tưởng chừng như vừa trải qua một cơn mê dài dằng dặc và giờ đây anh có cảm giác như vừa được tỉnh thức:

Một mai qua cơn mê
Xa cuộc đời bềnh bồng
Tôi lại về bên em.
Ngày gió mưa không còn
Nên đường dài thật dài
Ta mặc tình rong chơi...

Và anh sẽ đi thăm cảnh cũ người xưa, gặp lại những con đường quê và những người thân mến thuở nào:

Cùng nhau ta sẽ đi
Sẽ thăm bao nơi xưa
Vui một thuở lênh đênh.
Ta sẽ thăm từng người
Sẽ đi thăm từng đường
Sẽ vô thăm từng nhà...

Trải qua bao đau thương, lòng người vẫn còn đầy hi vọng, mong tiếp tục nếp sống bình yên ngày cũ:

Tình người sau cơn mê vẫn xanh
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường xưa vắng ta nay ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa.

Và anh mong nối lại tình xưa với người yêu năm ấy:

Rồi đây qua cơn mê,
Sông cạn lại thành dòng
Suối về ngọt quê hương
Ngày đó tay em dài
Vun cuộc tình thật đầy
Mơ toàn chuyện trên mây.

Để rồi từ đó anh sẽ xây dựng tương lai xanh tươi như cây lá và trải lòng yêu thương cho mọi người:

Còn tôi như cánh chim
Sẽ bay đi muôn phương
Mang về mầm xanh tươi
Khi lá hoa thật nhiều
Trái yêu thương đầy cành
Hái đem cho mọi người.

(Trịnh Lâm Ngân, Qua cơn mê)

Mong ước và vọng tưởng về những ngày xưa nay đã chìm khuất trong dĩ vãng:

Thường những buổi trưa buồn

Hỏi mình khe khẽ, con đường nào

Con đường nào dẫn đến những ngày xưa
Ngày xưa đó mẹ ra đứng

Cười rung làn tóc trắng
Tre cuối làng, cau sau vườn

Theo gió đong đưa...

(Nhật Ngân & Loan Thảo, Ngày đá đơm bông)

7. Đêm nguyện cầu

Cả dân tộc, trong đó có người lính, đã nhiều mong ước vì họ đã trải qua bao đau thương chất chồng. Nhưng biết ngày nao thỏa lòng mong ước ấy? Họ chỉ còn biết chờ đợi. Nhưng chờ đợi đến bao giờ? Khi mong ước không đạt được, họ gào thét, kêu đòi, cầu khẩn:

Tàn canh em ngồi viết nhờ chim uyên

Chuyển đến chiến sĩ câu ước nguyền
Ngày đêm em cầu mong nợ non sông đền xong
Mái tranh hiền vui đời sống chung.

Niềm tâm tư trìu mến hòa lời thơ

Còn quyến luyến tiếc cung u huyền 
Tình quê hương dịu êm, tình đôi ta đẹp thêm

Ngắm trông vầng trăng cười trao duyên…

(Hoài Linh, Lá thư không gửi)

Ôi quê hương khói lửa đến bao giờ
Để người đi người nhớ cho mắt đợi mắt chờ
Hỏi còn bao lâu còn bao lâu nữa
Còn bao lâu nữa cho người
Cho người khỏi có buồn đêm ngày.

(Song An, Lời người lính xa xôi)

Anh ơi, anh ơi! Trời Nam đau khổ,

Nhà Việt Nam cách trở

Mẹ Việt Nam nức nở
Mình người Nam muôn thuở

Giữ trong lòng cho trọn tình quê.

Hơn hai mươi năm

Chinh chiến điêu tàn, đau xót vô vàn 
Tôi sống âm thầm không nói nên lời

Nên viết bài ca tặng người.

Anh ơi cho dù anh trở về quê hương

Hoặc còn tha phương 
Xin anh còn giữ vẹn câu thề 
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê...

(Duy Khánh, Xin anh giữ trọn tình quê)

Xin cho tôi được một lần
Nhìn đàn chim trắng bay
Dập dìu qua đó đây
Ngày đó được nghe súng im hơi...
Cho tôi được một lần
Nhìn quê hương đợi sáng
Một lần nhận nghĩa sống lên ngôi
Người người cùng chung vui một lối...
(Bảo Thu, Cho tôi được một lần)

Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng 
Ngày nao súng phải lạnh lùng 
Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng…

Tôi xin đa tạ lời ca tiếng ru ru mềm, 
Lời ca tiếng ru êm đềm 
Ôi lời ca đã xua chinh chiến. 
Ru chim trắng trắng tung bay 
Xin đa tạ dòng máu thắm đỏ ruộng cày 
Dòng máu vẫn chảy miệt mài 
Xin lời ru xua hãi hùng đi 
Lời ai ru gió hiu hiu buồn.

(Anh Việt Thu, Đa tạ)

Và khi kêu đòi không được nữa, họ chỉ còn việc cầu nguyện qua nhiều năm tháng một sức mạnh siêu nhiên nào đó có thể hiện thực hóa lòng khao khát của họ. Nguyện cầu đôi khi phải trải qua cơn tuyệt vọng dài lâu:

Kìa lửa nào đốt cháy
Ðốt cháy quê hương, thiêu bao mâm cơm
Giết chết cha con, đốt cháy ruộng vườn.
Và lòng nào đã xót
Ðã xót quê hương, trong cơn tai ương
Ðã xót cho nhau, chấp tay nguyện cầu...
Lạy lạy trời hãy thấu,
Những nỗi đau thương, quê hương tôi mang
Hãy khiến yêu thương, hãy bớt giận hờn
Hãy xóa từng dòng nước mắt tủi hờn
Lạy trời, lạy trời, lạy trời.

(Châu Kỳ, Nước mắt quê hương)

Chiều lại chiều

Không còn nến thắp giáo đường 
Chiều lại chiều nghe đại bác

Át hồi chuông những kinh buồn. 
Chiều lại chiều vang vang đều,

Dưới ánh hồng ngọn đèn màu hỏa châu 
Dân mình nguyện cầu, cầu xin. Xin yên vui…

(Hoàng Thi Thơ, Kinh chiều)

Nguyện cầu đất nước thanh bình có nghĩa nguyện cầu cho người thân yêu bao lâu nay ở hai bờ sông ngăn cách, chia rẽ anh em sẽ được đoàn tụ sum vầy trong vòng tay của mẹ Việt Nam:

Tôi có cha sinh sống miền rừng sâu đất đỏ 

Tôi có me vui với đời biển xanh ấm no 
Tôi có thân nhân ở bên đây 
Tôi có anh em ở bên kia 
Dù Nam Bắc, tôi vẫn mong

Nước Việt thanh bình.

(Anh Bằng & Vũ Chương, Bốn ngả đường quê hương)

Hãy chia sẻ với số phận thương đau của cả dân tộc mới thấy được giá trị của lời nguyện cầu trong một hoàn cảnh bi thảm như thế:

Những đêm trông trời buồn

Tôi chợt nghe thương nhớ
Nên không quên nguyện cầu

Quê mẹ ngừng khổ đau
Chinh chiến qua mau

Để người thương mến nhau.

(Tú Nhi, Tâm sự người thương binh)

Hỡi những người đã chết hôm qua 
Những người còn sống hôm nay 
Xin hãy hát với nhau lời nguyện cầu. 
Người Việt mình sao chóng hết thương đau 
Và loài người mau sớm biết thương nhau 
Để từ đó tôi yêu người, để từ đó tôi yêu tôi…

(Phạm Thế Mỹ, Những người không chết)

Đôi mắt hiền mẹ già âu yếm

Tiếng ru con chưa vơi muộn phiền

Hòa bình ơi sao chưa thấy đến

Xin cho tôi giấc mộng bình yên.

Trên con đường chiều về thôn vắng

Tôi đưa em đi qua cầu làng

Đèn thành đô xa xa lóe sáng

Xin cho tôi, cho người bình yên....

(Văn Giảng, Xin cho tôi giấc mộng bình yên)

Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi

Ba mươi tuổi đời thoát từ vành nôi

Ba mươi năm truờng khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi!...

(Thông Đạt, Tình em biển rộng sông dài)

Rồi mai đây không còn nghe

Tiếng súng đau thương 
Rồi mai đây không còn nhìn

Xác chết bên đường 
Rồi mai đây ta cùng đi khắp nẻo quê hương 
Hàn gắn vết thương buồn bao năm trường... 
Nếu mai này hòa bình, hỏi ai còn ai mất 
Nếu mai này hòa bình

Mình càng nhắc nhở nghe anh! 
Người ra đi, người đã chết, chết cho người 
Người ra đi,

Để mãi mãi thương tiếc này, người ơi!

(Châu Kỳ, Nếu mai này hòa bình)

Mai đây hòa bình

Ta v ngm li dòng sông xưa.

Ðng hoang xơ xác hai bên

Sẽ mai này thơm mùi lúa chín.

Trên sông người v

Con đò ch đy vng trăng quê

Hò khoan cô lái du dương

Ðón đưa người đi v chung đường…

Mai đây hòa bình

Con tàu ch đoàn người di cư

V thăm đt Bc thân yêu

Đã xa lìa c thi niên thiếu

Ta mê tng mùa

Trưa hè cánh phượng hng lung lay

Ch thu ngm lá thu bay

Rước xuân v vui hi xuân đy…

(Trầm Tử Thiêng, Hòa bình ơi, Việt Nam ơi, 1973)

Cầu nguyện cũng hàm chứa lời thở than cho số phận quá buồn của đất nước:

Có những lúc tiếng chuông

Đêm đêm vọng về rừng sâu
Rưng rưng tôi chắp tay

Nghe hồn khóc đến rướm máu.
Bâng khuâng nghe súng vang

Trong xa mờ buồn gục đầu
Nghẹn ngào cho non nước tôi

Trăm ngàn u sầu...

Thượng Đế hỡi

Hãy lắng nghe người dân hiền
Vì đất nước đang còn ưu phiền
Còn tiếng khóc

Đi vào đêm tường triền miên.

Có những lúc tiếng chuông

Đêm đêm vọng về rừng sâu
Rưng rưng tôi chắp tay

Nghe hồn khóc đến rướm máu
Quê hương non nước tôi

Ai gây hận thù tội tình
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi

Bao giờ thanh bình?

(Lê Minh Bằng, Đêm nguyện cầu, 1966)

Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng xa thật êm đềm
Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn
Mẹ cầu cho em

Tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất...

Người về một giờ một đông thêm
Người đi càng giây càng không còn
Một thời điêu linh, một cơn hoạn nạn
Còn lại hôm nay những lời kinh

Tình yêu đầy nhiệm mầu.

(Trầm Tử Thiêng, Kinh khổ)

Và như thế, rồi cũng đến một ngày quê hương yên tiếng súng, lời nguyện cầu sẽ trở thành hiện thực, hòa bình sẽ trở về dù phải trả giá đắt với biết bao sinh mạng, biết bao đau thương, khốn khổ của cả một dân tộc!

oOo

Hơn hai mươi năm đất nước phân ly, một thế hệ chiến tranh lại phải lên đường. Những bài hát lại theo bước chân ra đi của người lính có mặt ở khắp mọi nơi. Những người con đất Việt quy tụ từ mọi miền đất nước lại phải “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Những bài hát dành cho họ nghe rất đơn sơ, dung dị. Giai điệu thể hiện được nhiều tâm trạng, được gói gọn trong một khúc thức chặt chẽ, nhịp điệu quen thuộc, giai điệu có mô phỏng làm cho bài hát dễ nhớ, dễ thuộc, từ đó dễ phổ biến. Lời ca bay bổng, nhiều mỹ từ ở một số bài hát, nhưng phần lớn mang tính chất bình dân, đôi khi như lời nói thông thường, thậm chí có khi lại nôm na, ít tính văn học. Giữa tiếng nổ của đạn bom, người lính đâu cần nói những lời hoa mỹ, siêu hình mà họ cần ngôn ngữ trực tiếp, giản dị, có hình tượng cụ thể, gần gũi với đời sống của họ. Có hề chi phải cầu đến một sự cao siêu, chỉ cần ngôn ngữ đời thường cũng đủ cho người lính kể lể hết mọi tâm tình của họ. Nhạc lính vẽ nên tâm trạng của họ từ khi đời lính chưa có nhiều hiểm nguy đến lúc chiến tranh khốc liệt. Để nghe được nhạc lính, người nghe phải tự đặt mình trong tâm cảm của một thanh niên vì hoàn cảnh phải cầm súng, từ đó mới hiểu được sự chia ly, niềm mong nhớ, nỗi khổ đau, sự đợi chờ, những ước mơ hay những khúc hoan ca trong ngày chiến thắng. Có thể mô tả quá trình diễn biến tâm lý của người lính như sau: phong thái nghệ sĩ - tự hào rạng rỡ - chim bằng theo gió - vui với phong sương - tay súng tay đàn - cô đơn quạnh quẽ - mong tàn chinh chiến - mơ ước hòa bình.

Nhạc lính còn phù hợp với cảm quan thẩm mỹ bình dân của đại đa số người lính - những người đi vào quân ngũ trong các lần gọi đi quân dịch, trong các đợt tổng động viên để phục vụ chiến tranh (sắc luật 043/67 và luật tổng động viên 003/68). Dù có thể có những đánh giá khác nhau về nhạc lính, nhưng một điều không thể phủ nhận: nhạc lính mãi mãi là bài ca gắn bó thiết thân với đời trai cầm súng và những người thân thuộc cùng khóc cười với số phận của họ, với số phận của quê hương.

Bên cạnh những khúc ca buồn, còn có những lời ca hùng tráng của lớp trai anh dũng nghe theo tiếng gọi hồn thiêng sông núi lên đường gìn giữ quê hương. Tiếng hát ấy vang lên từ quân trường, từ những bãi rèn luyện, nơi vũ đình trường, từ lời thề những ngày chiến dịch, trong bước quân hành… Đó là khúc hùng ca của người trai hiên ngang mang theo bầu máu nóng trên nẻo đường tử sinh không hẹn ngày về.

Khi đất nước còn chiến tranh, khi quê hương còn chìm trong khói lửa thì nhạc lính còn là tiếng lòng của một thế hệ, ở đó có khúc hoan ca lẫn lời bi ca. Tiếng lòng đó sẽ sống như một phần quá khứ đau thương trong lịch sử, là tiếng vọng của một thời đại đã đóng góp phần mình vào cái hay, cái đẹp của di sản âm nhạc Việt một thời.

_______________

(*) Cho người vào cuộc chiến là bài hát nguyên là của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, nhưng sau đó tác giả chuyển cho nhạc sĩ Nhật Ngân xem lại và chỉnh sửa. Rốt cuộc tác giả được ghi là Phan Trần; tên này ghép từ họ của hai người: Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt và Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân.

(Còn tiếp…)