Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Kể lại chuyện xưa vườn đào Hà Nội

Hà Nhật

Đúng là một chuyện vui và tuyệt đẹp trong đời.
Đầu năm 1955, sau mấy tháng nằm chơi ở Quảng Bình, tôi quyết định ra Hà Nội. (Thật may, như có ông bà xui khiến, tôi chỉ cần chần chừ một tháng, chắc chắn tôi sẽ dính vào đợt 5 cuộc Cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, đợt sát hại khủng khiếp nhất, bây giờ nhắc lại vẫn thấy rùng mình! Bởi sau đó, khi tôi về lại nhà thì tất cả tủ sách tom góp bao năm của tôi đã bị hốt sạch, bởi bị coi là sách vở của quân phản động. Nếu tôi có mặt lúc đó, không biết sẽ xảy ra chuyện gì! Không khéo thì cũng như mấy quyển sách: xé và đốt).


Ở Hà Nội, tôi đúng là anh nhà quê, từ cách nói năng, ăn mặc, cho đến cách đi, cách đứng.
May cho tôi, tôi đã gặp bạn bè cực tốt.
Anh bạn ngồi cạnh tôi, thấy bạn tuy nhà quê, xa nhà nhưng học giỏi, đã xin phép mẹ cho tôi về ở cùng, rồi cho tôi trở thành một thành viên trong gia đình. Có điều rất hay là tất cả em trai em gái của anh bạn đều coi tôi như ruột thịt. Chính mẹ anh cũng coi tôi như một người con.
Những đêm giao thừa Hà Nội, không ai khác, chính là tôi sắp lễ vật lên bàn thờ để mẹ đứng cúng trời đất, tổ tiên!
Chao ôi, làm sao tôi có thể quên những tên gọi: Bùi Hữu Thành, Bùi Hữu Chung, Bùi Hữu Thuận, rồi Bùi Minh Hậu, Minh Hiếu, Hữu Thảo, Hữu Xuân, Minh Toàn, Hữu Gia, Minh…
Bao nhiêu năm qua, nhiều người trong ngôi nhà đã không còn, nhưng ngôi nhà ấy đã trở thành mái nhà thân yêu của mình mỗi khi tôi trở về Hà Nội. Đó là ngôi nhà mà cả gia đình tôi cũng nhớ mãi. Ngôi nhà số 10 phố Hàng Gà!
Cái tình người Hà Nội ngày ấy sao mà đẹp vô bờ đến thế! Đó là những người mà tôi quen gọi là “Hanoïen chăm phần chăm!”
Chính từ ngôi nhà này mà tôi có bao nhiêu bạn bè thân thiết: Phùng Quán, Hải Bằng, Tuân Nguyễn, Vũ Huy Cương, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bùi Vợi…
Rồi anh em Đoàn Kính, Đoàn Nguyệt, Đoàn Nhung.
Từ ngôi nhà này mà tôi viết những thứ đầu tiên, gọi là thơ, văn…
Chính từ ngôi nhà này mà tôi gặp hai chị em xinh đẹp, sau này tôi trộm mượn tên làm tác giả cho một bài thơ quan trọng của tôi, lúc tôi bị treo bút: Một bài thơ tình của người thủy thủ với bút danh Mai Liêm.
Còn thêm một điều vui này nữa:
Chính thời gian này, tôi có mấy đứa em “vườn đào”: Hoàng Thuỵ Hưng, Lê Trọng Lân, Đặng Quý Quyền.
Thương Quyền vắn số.
Ngày đó, cả mấy đứa học sau tôi đến ba lớp, vậy mà cứ tìm làm anh em với tôi mới lạ chứ!
Còn nhớ ngày đó Hưng với tôi như bóng với hình. Hưng được một giải thưởng thơ của Trường, tôi là người trao giải. Tôi đưa Hưng đến giới thiệu với nhà thơ Nguyễn Bính ở báo Trăm Hoa. Anh Bính rất quý Hưng, đến mức nhờ Hưng dịch cả những truyện ngắn tiếng Pháp để đăng báo! (Lúc đó Hưng đang học cấp 2 nhé!).
Mấy năm chiến tranh, tôi ít gặp Hưng. Thật bất ngờ khi gặp lại.
Hưng đang dạy học, làm thơ, rồi lao đao cả một thời, đến nỗi phải ngồi viết “nhật ký trong tù”. Rồi Hưng trở nên thân thiết với gia đình tôi ở Sài Gòn.
May quá, sau gần 70 năm, còn “gặp lại” Lê Trọng Lân đúng lúc, và Lân đã làm được cho tôi một việc vô cùng ý nghĩa: làm cái bìa tập thơ cuối đời cho ông anh của vườn đào 67 năm trước! Ai ngờ Lân đã là một họa sĩ nổi tiếng, được người ta gọi là thầy của một cái trường: Đại học Mỹ thuật. Hồi xưa tôi vẫn biết Lân là thằng em mê vẽ và có năng khiếu hội họa, nhưng không ngờ nó tiến xa đến thế! (Phải tự kiếm điểm đã từng coi thường thằng em, cũng như tôi từng giật mình khi biết Hoàng Hưng tác giả một bài thơ trên báo chính là Hoàng Thuỵ Hưng!).
Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp:
Năm 2022
Tập thơ Gió Lào đi ra biển
Tác giả: Hà Nhật
Lời bạt: Hoàng Hưng
Bìa: Lê Trọng Lân
Đúng là chuyện làm rơi nước mắt!
Đúng là cám ơn cuộc đời, cám ơn Hà Nội, cám ơn bạn bè, cám ơn các em.

clip_image002