Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Của Chúa và ma quỷ

Truyện Nguyễn Viện

Đức Chúa Trời phán: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất, cùng mọi loài bò sát trên mặt đất”. Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sáng tạo người nam và người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất”.

Đức Chúa Trời lại phán: “Này, Ta sẽ ban cho các con mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, cùng mọi loài cây trái có hạt. Đó sẽ là thức ăn cho các con. Còn các loài thú rừng, loài chim trên trời, loài vật bò sát trên mặt đất, và bất cứ loài nào có sự sống thì Ta ban mọi thứ cỏ xanh dùng làm thức ăn”, thì có như vậy. Đức Chúa Trời thấy mọi việc Ngài đã tạo dựng thật rất tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ sáu.

(Sáng Thế Ký, chương 1)

Chỉ là một ngày bình thường. Khi sự trống rỗng và buồn chán dường như đã không thể chịu đựng nổi, ta không thể chết như thế này. Sự bình lặng trở nên kinh khủng. Khởi nguyên của vũ trụ là ước muốn từ trong sâu thẳm của Chúa và Chúa là ước muốn của hằng hữu. Ta bước đi hay an nghỉ, cũng chỉ là một hình thái. Ta hành động hay không làm gì cũng chỉ là một động thái. Nhưng ta là sáng tạo và không thể không sáng tạo. Và ta cũng là hủy diệt và không thể không hủy diệt. Bởi thế, ta nhìn vào trong lòng mình và ta biết ta không thể mất đi cho dù ta có vong thân đến đâu vào những phù phiếm của nhân sinh. Chúa đã đến và Chúa đã chết. Con người được giao phó để tiếp tục sinh mệnh của Chúa theo cách của con người.

 

TỐT. NGÀY QUỈ ÁM

clip_image002

Đó là ngày của tốt thí. Ngày của binh lính và cũng là ngày của nhân dân. Ngày của anh hùng và liệt sĩ. Ta ngồi gọt đẽo những con người theo hình tượng của Chúa, mâu thuẫn và thống nhất. Bởi có mâu thuẫn nên có chiến tuyến, chính nghĩa và phi nghĩa. Bởi có thống nhất nên có cùng bản chất, khát máu và hận thù. Năm quân đen dàn hàng ngang phía bên này bờ sông chia cắt. Năm quân đỏ cũng dàn hàng ngang phía bên kia bờ sông lịch sử. Họ gườm nhau và cùng cất lời thề tiêu diệt nhau. Khi vào hàng ngũ, họ mất danh tính và không còn là một con người. Sự hận thù trở thành lý tưởng. Họ cùng một khuôn đúc, ta bôi xóa nhân thân họ. Ta giết cha mẹ họ. Ta giết người yêu của họ. Và ta bảo họ, hãy tiến lên, tương lai thuộc về chúng ta, hạnh phúc và vinh quang là của chúng ta.

Ngày của tận tụy và hy sinh. Vòng nguyệt quế và những khúc tráng ca hào phóng, quân tốt hiên ngang ra chiến trường. Xung phong và quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Tốt nào cũng là tốt, tốt đen thì anh dũng, tốt đỏ thì oai hùng. Xưa, da ngựa bọc thây. Giờ, người về huy chương đắp mộ.

Bên ngoài bàn cờ, Từ Hải vươn vai đứng dậy. Chàng bước ra khỏi cuộc chơi. Chàng đi tìm Thúy Kiều. Trong kỹ viện, Thúy Kiều vẫn mơ màng một gã đầu đội trời, chân đạp đất nâng nàng lên hàng phu nhân cao quý, trả thù cho hồng nhan bạc phận. Nhưng trên hết, nàng vẫn khao khát một đắm say phiêu lãng mà tiếng đàn phải là khúc ca dâng hiến cho một tình yêu thanh khiết trên tầng ngưỡng vọng. Và Từ Hải đến như kẻ vô cương tỏa và dâng tặng nàng tự do. Kẻ phá vỡ mọi trật tự, khuôn phép. Kẻ từ chối làm tốt thí. Từ Hải là kẻ giải phóng và là giải phóng. Thúy Kiều là tình yêu và là tình nhân của tự do. Vì thế, cuộc tình Từ Hải – Thúy Kiều đẩy phong kiến vào bóng tối và mở ra một diễn ngôn mới về tình yêu, tiểu thuyết ngôn tình kinh điển. Giải phóng thân xác và tuyên ngôn tự do.

Nhưng chính trị một lần nữa vùi dập con người trong bi kịch lịch sử bởi chính trị là thống soái và là khát vọng thống soái. Từ Hải chết đứng vì ngộ nhận niềm tin và Thúy Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường rửa mình thoát thai.

Ở một nơi hỗn mang khác, nông dân Hồ Nhạc cùng đám anh em mình cũng nổi dậy hất đổ bàn cờ, bày lại cuộc chơi man dã. Họ tập hợp những kẻ bất mãn, đánh chiếm các quan phủ và cướp bóc của những người giàu có quanh vùng chia cho người yếu thế. Bọn du thủ du thực cũng như các hào kiệt nể phục anh em Hồ Nhạc có nghĩa khí nên rủ nhau nổi dậy với anh em Nhạc càng ngày càng đông. Quan quân triều đình bó tay nhìn họ làm loạn, chặt tay chặt chân bọn vô lại.

Trong số anh em Nhạc, Hồ Huệ là người khác thường. Anh ta nhìn thấy cái đám hổ lốn hỗn quân hỗn quan này sớm muộn cũng tan rã nếu không có một người biết cách làm thủ lĩnh, biết điều binh khiển tướng và quy phục lòng người. Hồ Huệ biết mình chính là người ấy và Hồ Huệ cũng biết bọn hung hăng ô hợp kia chỉ là bầy đàn mù lòa ruồi bu kiến đậu và chúng cần một người dẫn đường. Hơn ai hết, Hồ Huệ cũng biết một chiến binh là gì và cách để chiến binh ấy xông vào chỗ chết như những kẻ bất tử.

Chẳng phải Cain đã giết em mình là Abel như một định mệnh nghiệt ngã để khởi đầu cho lịch sử loài người vốn phải thế, giết hại người khác để tồn tại.

Sinh ra ở đâu thì thuộc về phe của nơi ấy. Chẳng những thế, để tồn tại, con người còn buộc phải bày tỏ lòng trung thành với nơi mình sinh ra và tuân phục kẻ chăn dắt mình.

Phần ta, ta đã là kẻ đào ngũ. Ngồi lại bên đường, ta thổi sáo cho mây trời bay đi và cho những hoài niệm của ta về ngày tháng đã qua, những bất bình chất chứa nảy sinh âm mưu nổi loạn. Ta trở thành một loại chiến binh khác, chiến đấu cho một khát vọng khác của chính ta. Ý nghĩa của ta. Sự tồn tại của ta. Lịch sử của ta. Nhưng dù vẫy vùng đến đâu, ta vẫn chỉ thuộc về đám đông, mịt mù trong thời gian.

Chiến tranh, dù cổ điển hay hiện đại, bộ binh vẫn là nhân tố chính. Chiến tranh nhân dân theo kiểu Mao Trạch Đông với chiến thuật biển người thì con người chỉ là một cơn gió bụi. Đau thương và chết chóc với từng người lính, với từng người mẹ, từng người vợ hay những đứa con đều vô nghĩa. Lý tưởng mới là điều cao cả đáng nói. Nhưng trong cơn mê của chiến tranh, người lính hay nhân dân đã không không nhận biết được lý tưởng của mình thật ra đã bị đánh tráo bởi tham vọng của các nhà chính trị.

Ta đã bao lần bỏ xác trên chiến trường. Giờ đây, linh hồn ta muốn an nghỉ. Làm thế nào ta có thể thoát được số phận lót đường cho lịch sử, cho tham vọng của những kẻ muốn làm lịch sử?

Ta nằm đây, dưới những gốc cây tràm này cùng với bao nhiêu đồng đội, cũng như ta, đã từng hô xung phong bắn xối xả vào đối phương, đã từng thẳng cánh đâm lưỡi lê vào ngực kẻ địch, đã từng hết sức ném bao quả lựu đạn vào quân thù. Và kẻ thù, họ cũng làm thế với ta và đồng đội ta. Rễ cây len lỏi vào thân xác ta và ta theo ngọn cây vươn lên khỏi mặt đất, ta làm cho mặt đất này xanh tươi. Ta sống hay ta chết liệu có ý nghĩa gì. Những kẻ xây đắp vinh quang trên máu xương ta liệu có ý nghĩa gì, khi họ cũng chết. Trên ngọn đồi thương tiếc này, những chiến binh đã nằm xuống trong lãng quên. Cả bức tượng ta ngồi gác súng an nghỉ, cũng đã lạc mất đâu đó. Bên này hay bên kia của cuộc cờ, vô danh hay nổi tiếng, người lính cũng chỉ là quân cờ. Và cho dù có chết đi, họ vẫn phải tiếp tục làm quân cờ.

Kissinger hỏi Lê Đức Thọ, làm thế nào mà các ông, một nước nhỏ, có thể chiến thắng được chúng tôi, một cường quốc mạnh nhất thế giới?

Lê Đức Thọ nói, chúng tôi trang bị cho quân đội của mình một thứ vũ khí tối thượng mà Mỹ không thể có được.

Kissinger hỏi, đó là thứ gì?

Lê Đức Thọ không nhìn vào nhân dân Mỹ, không nhìn vào mặt Kissinger, ông ta nhìn vào xa xăm của lịch sử nói từ tốn, lòng căm thù.

Sau nhiều năm, tại đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C., một du khách Việt Nam đứng chụp hình với hai ngón tay chĩa thẳng như khẩu súng lục bắn vào bức tượng ba người lính Mỹ, chiến tranh không bao giờ kết thúc.

Linh hồn ta không bao giờ an nghỉ. Những người phụ nữ tiếp tục sinh đẻ và những người lính tiếp tục được ném vào chiến trường. Có phải vì ta căm thù đời sống này, có phải vì ta yêu thương cuộc sống này? Ta đã đứng dậy từ đổ nát và ta đi tàn phá.

TƯỚNG. NGÀY CHÚA CHỌN

clip_image004

Chúa đã chọn Abraham để dẫn dắt dân người bởi lòng trung thành của ông đối với Thượng đế. Và Chúa cũng đã hứa: “Từ chỗ con đang đứng, hãy ngước mắt lên nhìn khắp bốn phương, đông, tây, nam, bắc. Tất cả vùng đất mà con thấy, Ta sẽ ban cho con và cho dòng dõi con đời đời. Ta sẽ làm cho dòng dõi con đông như bụi trên đất; nếu ai đếm được bụi trên đất thì cũng đếm được dòng dõi của con. Nào, hãy đi khắp chiều dài, chiều ngang của vùng đất, vì Ta sẽ ban đất ấy cho con”. (Sáng Thế Ký, chương 13)

Đã có quân thì phải có tướng, ta đẽo gọt ngươi theo khát vọng của ta. Và bởi thế giới này là cuộc phân tranh giữa cái ác và cái thiện, giữa cái thiện với cái thiện, giữa cái ác với cái ác…vì thế ta cũng tạo nên các vị tướng đen và đỏ cho sự phân tranh muôn thuở của loài người.

Và cho sự phân tranh trong lòng ta, dấn thân hay thoát vòng tục lụy, ta thắp một nén nhang cho linh hồn ta. Cho sự sa đọa của ta. Cho nỗi niềm khôn khuây của ta với nhân gian. Ta bày ra cuộc cờ này có phải vì sự thất bại của ta với im vắng của cái chết và tiếng nói của sự sống?

Dẫu sao, chiêng trống đã bắt đầu, ta phải đưa chân liều mình theo các ngươi thôi.

Hồ Huệ đứng trước ba quân, dõng dạc:

“Các ngươi,

Trời đất sinh ra chúng ta và trời đất cũng cho chúng ta giang sơn này. Chúng ta sống ở đây và không ai có quyền tước đoạt của chúng ta nhà cửa, vườn tược và bầy gia súc. Vì thế, ta đến đây để bảo vệ các ngươi chống lại bọn quan quân ăn cướp công sức của chúng ta. Ta sẽ đòi lại cho các ngươi tất cả mồ hôi nước mắt mà chúng ta đã đổ xuống để làm trù phú đất đai này. Và ta cũng sẽ cho các ngươi được thấy vinh quang và phẩm giá của mình, nhà cửa các ngươi sẽ to hơn, vườn tược ruộng đồng của các ngươi sẽ rộng hơn, bầy gia súc của các ngươi sẽ nhiều hơn.

Những gì ta có, các ngươi cũng sẽ có.

Hãy cùng ta chiến đấu”.

Tiếng reo hò dậy đất. Lòng người rực lửa đốt phá.

Từ đó, Hồ Huệ chăm lo luyện tập binh mã theo một quy củ mới, chiến thuật mới mà lòng căm thù sẽ là vũ khí bất khả chiến bại. Những vụ đánh cướp của loạn quân Hồ Huệ ngày càng mở rộng, vừa tìm kiếm lương thảo vừa bổ sung binh lực.

Nguồn lực vô tận của chiến tranh muôn đời vẫn là nhân dân. Hồ Huệ cho thuộc hạ đếm nóc nhà để bắt lính và tận thu lương thực. Sư sãi cũng không tha.

Bản thân Huệ cũng tu chỉnh lại mình, tự tạo cốt cách anh hùng.

Để củng cố quyền thống lĩnh, cuộc tương tàn giữa anh em Hồ Huệ được giải quyết nhanh chóng. Toàn bộ binh tướng của ông anh cả Hồ Nhạc bị quân của ông em Hồ Huệ vây hãm trong thành Qui Nhơn. Chỉ trong một đêm, hàng vạn đám binh tướng ấy bị giết sạch. Nước mắt của người anh không ngăn được tham vọng quyền bính của người em.

Sức mạnh xác định tính chính danh, Hồ Huệ không còn là giặc. Chính nghĩa của nông dân là đất. Hồ Huệ kéo quân xuôi xuống Nam và chiếm hết vùng đất màu mỡ này. Thừa thắng xông lên, Hồ Huệ mang quân ngược lên phía Bắc buộc vua quan triều đình phải hàng phục.

Từ Hải nói với bằng hữu thân tín:

“Chúng ta không thể ẩn nhẫn mãi trong cái xóm chài này để cho bọn quan quân tác yêu tác quái. Chi bằng, hãy một phen vùng vẫy cho thỏa chí nam nhi. Trượng phu tiếc gì khố rách áo ôm mà giữ mãi thân phận trâu ngựa”.

Đám bạn nhậu cùng nâng ly:

“Chí phải. Không thành danh cũng thành nhân. Chúng ta cùng hát bài ca tráng sĩ”.

Kẻ nào không ngông cuồng kẻ ấy không xứng đáng đứng dưới ánh mặt trời.

Chia tay bằng hữu, còn lại một mình, Từ Hải nghĩ, ta sẽ vẫy vùng kiểu gì? Chẳng phải ta cũng sẽ đi ăn cướp như bọn quan quân kia không?

Ta biết nói gì với các ngươi, khi lịch sử đặt vào tay các ngươi như những kẻ được chọn và bảo các ngươi, hãy làm đi. Ta không phán xét các ngươi vì sự sống được sinh ra từ cái chết. Hạnh phúc và đau khổ chỉ là một thực tại.

Hôm sau, Từ Hải triệu tập tất cả bằng hữu và thuộc hạ trên bãi cát, tuyên bố:

“Các anh em của ta,

Ta đã nhìn thấy ngôi sao trên trời chiếu rọi và ta nhận mệnh trời để thi hành sứ mạng của mình, ấy là đưa anh em đến nơi giàu sang và vinh hiển.

Hôm nay, ta đứng trước anh em để xác lập quyền thống soái của Từ Hải ta như sau: Từ chỗ này, một trăm dặm về phía đông, một trăm dặm về phía tây, một trăm dặm về phía bắc, một trăm dặm về phía nam là lãnh địa của Từ Hải và do Từ Hải cai quản. Các bạn hãy đến từng nhà cho họ biết điều ấy và yêu cầu họ nộp thuế cho Từ Hải. Bất cứ kẻ nào từ chối yêu cầu của các bạn, thì các bạn cứ nhân danh Từ Hải mà chặt tay họ.

Của cải mà các bạn thu được sẽ được chia đều cho các bạn.

Các bạn theo Từ Hải thì các bạn được sống, kẻ nào chống lại Từ Hải kẻ ấy phải chết.

Các bạn nghe rõ không?”

“Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm chúa tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp”. (Thánh vịnh 33)

Ta đã đến và mang đến cho các ngươi mọi điều các ngươi mơ ước. Ta giải phóng các ngươi khỏi sự ươn hèn bạc nhược. Vì ta là khát vọng, sẽ không có giới hạn nào ràng buộc được các ngươi.

SĨ. NGÀY ĐỊNH PHẬN

clip_image006

Ta dùi mài kinh sử. Ta đọc sách thánh hiền. Và ta ngẫm nghĩ.

Công danh là gì. Tại sao ta phải theo đuổi công danh. Ta muốn hơn người hay ta cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền. Ta muốn được sung sướng. Ta muốn được hiển vinh. Công danh định hình ta và trói buộc ta vào cõi đa đoan của trần thế. Công danh dẫn dắt ta ra chiến trường. Công danh là ý nghĩa là niềm vui của ta. Và định phận của ta là đi tìm minh chúa. Và ý thức của ta là phục vụ.

Từ Nguyễn Du đến Nguyễn Công Trứ, từ Nguyễn Trãi đến Ngô Thời Nhậm, ta vì đại nghĩa hay vì minh quân cũng chỉ là nô tài của danh phận người đọc sách. Và bi kịch của ta cũng là bi kịch của thời thế. Đặng Trần Thường hay Ngô Thời Nhậm cũng chỉ là Sĩ Đen hay Sĩ Đỏ trong cuộc cờ lịch sử. Thắng thua là cơ may hay vận rủi, ta đâu biết. Thần thánh trên trời đã hỗn mang từ thuở hồng hoang, chính tà chỉ là giai đoạn.

Cận quân vương và xa nhân tình, ta mắc nghẹn bởi bổng lộc triều đình. Ta thượng đội hạ đạp. Ta nịnh thần gian xảo. Ta lấy xương máu nhân dân làm lễ tiến dâng vua chúa. Ta tiến thân bằng cách cướp công của kẻ hèn mọn.

“Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng:

“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.

Nhưng tôi thưa: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”.

Đức Chúa phán với tôi: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán:

“Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng”.

(Sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a)

Ta đã dong ruổi đi tìm chân lý và chẳng phải ta đã phung phí đời ta như một tận hiến cho minh chúa sao. Nhưng ta đã biết gì về minh chúa. Ta đã hiểu gì về thiên ý và mưu mô của ma quỷ. Ta đã liều mình đưa chân vào vô định. Ta cược đời ta vào canh bạc của nhân sinh.

Khi Hồ Huệ mang quân ra Bắc, bị choáng ngợp bởi khí chất anh hùng và uy lực của một người có thể làm thay đổi thời thế, Ngô Thời Nhậm buông bỏ đám vua quan bạc nhược mà vận hạn đã suy tàn, đi theo minh chủ Hồ Huệ.

Kẻ sĩ đã thức tỉnh.

Nguyễn Du cũng muốn đi theo Hồ Huệ để tiếp nối giấc mơ dang dở của Từ Hải, nhưng chàng không thể bỏ lại Vương Thúy Kiều cho xa vắng. Kỹ viện vẫn mở cửa và giai nhân vẫn lả lơi với gió trăng. Nguyễn Du an phận thư lại để rồi lơ láo trước những biến động lịch sử.

Nguyễn Thiếp chọn cách từ quan về ẩn thân ở núi Thiên Nhẫn, tu đạo thánh hiền, vượt lên khỏi cái phân tranh tàn bạo, nhưng binh đao không chỉ có trong lòng người mà binh đao còn là chuyện của Chúa và ma quỷ. Nguyễn Thiếp vẫn phải dấn thân cùng Hồ Huệ tính đường tiến thoái.

Ta lưỡng nan cùng số phận. Con đường giải thoát thì mơ hồ không tưởng. Con đường công danh thì bấp bênh phù phiếm. Ta biết về đâu giữa đất trời mù mịt.

“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.

Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết, đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quí giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.

… Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.

(Mt 6:24-34)

Nhưng ta là gì.

Cơn mưa ban chiều có thể vùi dập ta trong nỗi hoang mang về tình yêu người. Ngọn nắng ban mai có thể cho ta chút hi vọng về cuộc đời này. Nhưng dù thế nào, quan hay quân, ta vẫn phải lo toan cơm áo gạo tiền. Và ta vẫn không ngừng truy vấn về sự hiện hữu của ta, nguyên ủy và cùng đích.

Và ta sống để làm gì. Nhưng liệu ta có thể tự quyết định đời mình.

Khi Hồ Huệ cho phát thẻ căn cước gọi là “Thiên hạ đại tín” để kiểm soát người dân và bắt lính phục vụ chiến tranh cách mạng, thì ta là ai trong số hàng vạn người đã chết oan uổng trong những cuộc can qua ấy.

Cuộc phế hưng của các triều đại lần lượt trôi theo dòng thời gian, ta nằm dưới mộ cỏ ngàn đời hiu hắt. Và ta ngậm ngùi cho thân phận bèo bọt của con người. Và ta đau đớn cho nỗi khốn khổ không cùng mà con người phải gánh chịu.

Tiếng nói của ta làm sao át được tiếng bom rơi đạn nổ. Liệu ta có thể trở thành người tự do được không.

“Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.

(Dt 10:7)

Và ta phải chấp nhận cuộc cờ này như nó phải thế. Hãy mài dao cho sắc.

TƯỢNG. NGÀY SẤM SÉT

clip_image008

“Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:

Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?

Hưng Đạo Vương tâu:

Bệ hạ nói câu ấy là nhân đức, nhưng tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!”

(Wikipedia)

Đạo làm tướng, không hèn với giặc, không ác với dân. Nhưng nhất tướng công thành, vạn cốt khô. Phẩm chất con người và nghĩa vụ công dân đôi khi như nước với lửa.

Ta nể phục tài năng của tể tướng Quản Trọng bao nhiêu thì ta cũng quý trọng cách dùng người của Tề Hoàn Công bấy nhiêu. Tề Hoàn Công không vì thù riêng, mà vẫn trọng dụng kẻ đã muốn giết mình, nhờ thế Quản Trọng có cơ hội ra tay lương đống, nước Tề hùng mạnh.

Ta cũng nghiêng mình trước cách xuất xử của Nguyễn Công Trứ, khi làm quan cũng tận tụy như khi làm lính. Lên voi xuống chó là lẽ bình thường trong cái vô thường. Ta không hờn oán khi vận rủi, cũng không hãnh tiến khi gặp thời.

Ta sống đời ta. Đức nhân của người quân tử như sấm sét giữa mưa giông, ta đến để dọn đường cho ngày mai.

“Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hòa bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa”.

(Sách Tiên tri Barúc)

Ta thiết lập một kỷ cương mới và một giá trị mới. Sẽ không một ai trong các ngươi bị gọi là kẻ hèn mọn, vì trước mặt trời đất các ngươi được sinh ra và chết đi theo cùng một cung cách trần truồng của tuyệt đối. Cho dù các ngươi là anh em hay kẻ thù, là vua chúa hay thảo dân, đấng tuyệt đối sẽ không cho các ngươi chọn lựa sự sống hay cái chết.

Ta sẽ san phẳng mọi gập ghềnh để khi con người đến được bình an. Ta sẽ tháo bỏ mọi gông cùm xiềng xích để con người tự do. Và ta sẽ giao ước một hiện thực trên mọi hiện thực, không biên giới về tình yêu giữa con người. Ta sẽ giải phóng mọi nỗi lo sợ khỏi cuộc sống này và mang thường tại hoan lạc đến trong lòng các ngươi.

Bởi ta là rường cột của xã tắc, là giềng mối của nhân hòa, ta nâng đỡ những nỗi buồn thương của kiếp người, ta phù trợ sự khốn khó của nhân sinh, ta diệt trừ cái ác và ta tuyên dương sự công bằng trên mọi sinh linh.

XE PHÁO MÃ. NGÀY BINH ĐAO

clip_image010

clip_image012

clip_image014

“Chúa là chiến sĩ; danh Ngài là Chúa.

Ngài đã xô quân xa và binh sĩ của Ai Cập xuống biển sâu.

Những chiến sĩ tài giỏi nhất của vua đều bị chết đuối ở Hồng Hải.

Nước sâu vùi lấp chúng, chúng chìm xuống biển như viên đá.

Lạy Chúa, tay phải Ngài mạnh mẽ lạ lùng.

Lạy Chúa, tay phải Ngài đánh tan kẻ thù ra từng mảnh.

Trong trận đại thắng, Ngài tiêu diệt những kẻ chống nghịch Ngài.

Cơn giận Ngài tiêu diệt chúng, như ngọn lửa hừng thiêu đốt rơm rạ.

Chỉ cần một luồng hơi thở của Ngài, nước dồn lại thành đống.

Nước chảy cuồn cuộn, dựng đứng lên như tấm vách; nước sâu trở thành cứng như đá giữa biển.

Kẻ thù chúng con khoe khoang bảo rằng, “Ta sẽ rượt theo và bắt kịp chúng.

Ta sẽ cướp các tài sản chúng; ta sẽ tha hồ chiếm đoạt.

Ta sẽ rút gươm ra, tay ta sẽ tiêu diệt chúng”.

Nhưng Ngài thổi bay chúng bằng hơi thở của mình, lấy biển vùi lấp chúng.

Chúng chìm xuống như chì rơi trong biển sâu.

Lạy Chúa, có thần nào giống Ngài không?

Thật không có thần nào như Ngài.

Ngài thật thánh khiết lạ lùng, Ngài đáng ca tụng và đáng kính sợ, Ngài làm nhiều phép lạ.

Ngài giơ tay phải ra, thì đất nuốt các kẻ thù chúng con.

Ngài giữ lời hứa yêu thương, dắt dân tộc Ngài đã giải cứu.

Dùng sức mạnh dìu họ đến đất thánh Ngài”.

(Sách Xuất hành 15: 3-13)

Loài người đã trải qua các cuộc cách mạng từ săn bắt hái lượm đến nông nghiệp, qua nhiều thế kỷ loài người mới phát minh ra động cơ hơi nước mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp, nhưng rất nhanh loài người đã bước vào thời kỳ của máy tính điện tử, tin học và internet mở ra khái niệm toàn cầu, các bộ tộc và các biên giới quốc gia bị xóa mờ bởi một mạng lưới thông tin bao trùm mặt đất. Tốc độ phát triển của nhân loại tiến theo gia tốc, con người đang bước vào kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Thượng đế đến gần với con người hơn. Nhưng các cuộc chiến tranh cho đến ngày nay vẫn dựa trên tinh thần dân tộc và biên cương tổ quốc.

Lịch sử phát triển vũ khí cũng thay đổi theo sự tiến bộ của trình độ khoa học kỹ thuật. Từ cơ bắp, hòn đá, cung tên, gươm giáo… con người chế ra hỏa khí, bom đạn, các loại chất nổ… đến vũ khí hạt nhân, hóa học, vi trùng học và cả sinh học, rô bốt. Chiến tranh từ dưới đất tới trên trời. Một thứ vũ khí mới phi sát thương nhưng khủng khiếp có thể làm gục ngã đối phương ngay trên giường của mình, không chỉ trong phạm vi quốc gia với quốc gia, mà có thể khả dụng với từng cá nhân với cá nhân. Đó là vũ khí thông tin.

Thông tin không đồng nghĩa với sự thật. Thông tin không chỉ là vũ khí, mà thông tin còn là hàng hóa. Thông tin tạo ra khuynh hướng và sở thích. Con người bị nô lệ bởi chính sản phẩm của mình làm ra. Kẻ nào làm chủ được thông tin, kẻ ấy cũng làm chủ con người.

Ta đã khép lại lòng nhân ái. Giờ đây, chỉ có hận thù và danh lợi. Nhưng đôi khi ta cũng chẳng hận thù ai, ta nhân danh hòa bình để chuẩn bị chiến tranh. Ta tìm kiếm lợi ích bằng cách buôn bán xương máu con người. Ta tạo ra các cuộc chiến tranh không phải để chiến thắng, mà tạo ra chính nghĩa. Tự vệ hay xâm lăng cũng là ta. Bởi ta biết, chiến tranh là điều kiện của phát triển. Sự cao cả hay ác độc cũng bởi ta mà ra. Ta là bản chất cuộc sống.

Và đây là hiện thân của ta.

Các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới tính đến năm 2022 (tư liệu tổng hợp trên internet):

General Dynamics Corporation

Là một tập đoàn đa quốc gia hàng không và quốc phòng của Mỹ được hình thành từ các vụ sáp nhập và thoái vốn. General Dynamics chế tạo các thiết bị hàng không vũ trụ, hệ thống chiến đấu, hệ thống thông tin và hệ thống hải quân.

Sản phẩm nổi tiếng và được sản xuất nhiều nhất cho thế giới phương Tây thuộc về General Dynamics với máy bay chiến đấu F-16 Fighting Fancon.

Thành lập: 7/2/1899

Người sáng lập: John Phillip Holland.

Trụ sở chính: West Falls Church, Virginia, United States.

Doanh thu: 30,973 tỉ USD (2017)

Số nhân viên: 98.600 (2017)

Raytheon

Là một tập đoàn công nghiệp chuyên về vũ khí quân sự và thương mại điện tử. Raytheon là nhà sản xuất tên lửa dẫn đường lớn nhất thế giới. Việc kinh doanh của Raytheon được xây dựng trên nền tảng sản xuất các thiết bị riêng lẻ, không phải sản phẩm hoàn chỉnh. Với tên ban đầu là American Appliance Company, công ty này chủ yếu sản xuất đèn điện tử chân không.

Từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Raytheon là công ty lớn và thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất radar. Thời chiến tranh lạnh, Raytheon bắt đầu sản xuất tên lửa và trở thành một trong những nhà cung cấp tên lửa chính cho quân đội Mỹ. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Raytheon đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa. Các sản phẩm danh tiếng của Raytheon bao gồm tên lửa Tomahawk, Sparrow và hệ thống phòng thủ Patriot.

Thành lập: 1922

Nhà sáng lập: Vannevar Bush, Laurence K. Marshall, Charles G. Smith.

Trụ sở chính: Waltham, Massachusetts, United States.

Doanh thu: 56,58 tỷ USD (2020)

Số nhân viên: 180.000 (2020)

BAE Systems

Được hình thành sau cuộc sáp nhập giữa ba công ty BAE Systems, Marconi Electronic Systems và British Aerospace vào năm 1999, BAE Systems trở thành một trong những tập đoàn sản xuất và cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới. Các sản phẩm chính của BAE Systems gồm chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon và F-35, xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe tăng Challenger 2 cũng như nhiều vũ khí mặt đất khác. Ngoài ra, BAE Systems cũng cung cấp các tàu chiến cho Hải quân Hoàng gia Anh như tàu tấn công hạt nhân lớp Astute, tàu khu trục Type 45, tàu sân bay Queen Elizabeth.

Thành lập: 30/11/1999

Trụ sở: Farnborough, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland

Doanh thu: 22,79 tỷ USD (2017)

Số nhân viên: 82.500 (2017)

Boeing

Là hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, cũng là một tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.

Vào năm 1938, Boeing chế tạo thành công máy bay 307 Stratoliner, là máy bay chuyên chở đầu tiên trên thế giới có cabin được bơm khí nén, có khả năng bay cao 20.000 ft, vượt trên các biến động thời tiết. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Boeing tập trung sản xuất các máy bay ném bom và thu hút rất nhiều nhân viên là vợ những người lính. Trong năm 1944, thời điểm mạnh nhất, Boeing cho xuất xưởng 350 máy bay trong một tháng. Sau những năm 50 (thế kỷ 20), Boeing phát triển những sản phẩm mới, tên lửa điều khiển tầm ngắn được dùng để đánh chặn máy bay đối phương. Qua thời kỳ chiến tranh lạnh, Boeing sản xuất tên lửa liên lục địa. Vào năm 1967, Boeing giới thiệu với thế giới máy bay chở khách tầm ngắn và tầm trung hai động cơ B737. Đây là máy bay phản lực dân dụng bán chạy nhất trong lịch sử ngành hàng không.

Thành lập: 1916

Trụ sở chính: Chicago, Illinois, United States.

Sản phẩm: Máy bay thương mại, máy quân sự, đạn dược, các hệ thống tàu vũ trụ.

Doanh thu: 29,51 tỉ USD (2017)

Số nhân viên: 152.091 (2005)

Northrop Grumman

Là nhà thầu vũ khí lớn thứ tư của chính phủ Mỹ. Đi đầu thế giới về công nghệ hàng không vũ trụ và tàu hải quân. Tàu sân bay lớp Nimitz do Northrop Grumman sản xuất giữ vị trí trí quan trọng trong hải quân Mỹ. Nhiều sản phẩm hiện đại do hãng này chế tạo như hệ thống radar mặt đất, hệ thống cảm biến cho máy bay không người lái. Sản phẩm đắt đỏ và nổi tiếng nhất của Northrop Grumman là máy bay tàng hình B-2 với chi phí sản xuất và nghiên cứu lên tới 3,62 tỉ USD cho mỗi chiếc tính theo thời giá 2021. Chi phí vận hành của B-2 cũng đắt nhất với khoảng 130 ngàn USD cho mỗi giờ bay theo thời giá 2020. Không chỉ ném bom thông thường, B-2 còn mang được cả bom dẫn đường thông minh và bom hạt nhân.

Thành lập: 1994

Trụ sở: Falls Church, Virginia, United States.

Nhà sáng lập: Jack Northrop

Doanh thu: 21,40 tỉ USD (2017)

Số nhân viên: 67.000 (2017)

United Technologies

Là tập đoàn đa quốc gia, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm động cơ máy bay, hệ thống hàng không vũ trụ, thang máy và thang cuốn, hệ thống an ninh, các loại xe phục vụ cho quân sự. United Technologies cũng là một nhà thầu quân sự lớn, chiếm khoảng 10% doanh thu từ chính phủ Mỹ. United Technologies còn sở hữu Sikorsky, một trong những nhà sản xuất máy bay trực thăng lớn nhất thế giới. Khoảng 1/5 tổng doanh doanh thu của United Technologies nhờ vào việc buôn bán vũ khí.

Thành lập: 1934

Trụ sở chính: Farmington, Connecticut, United States.

Người sáng lập: Frederick Rentschler

Doanh thu: 59,837 tỉ USD (2017)

Số nhân viên: 202.797 (2017)

Finmeccanica

Đây là nhà thầu quốc phòng của Ý lớn thứ 9 trên thế giới dựa trên doanh thu 2014. Finmeccanica có 180 trụ sở trên thế giới. Chính phủ Ý thông qua Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính nắm giữ 30,2% cổ phần của công ty này. Các lĩnh vực hoạt động: hàng không vũ trụ, pháo, điện tử, tên lửa, xe chiến đấu, vũ khí, đạn dược và hệ thống phòng thủ.

Thành lập: 1948

Trụ sở chính: Rome, Ý

Doanh thu: 14,14 tỉ EUR (2021)

Số nhân viên: 50.413 (2021)

Lodkheed Martin

Là một nhà sản xuất máy bay chuyên chở và chiến đấu, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và cung cấp các giải pháp kỹ thuật tân tiến quốc phòng. Lockheed Martin có các hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới, 95% doanh thu của tập đoàn này đến từ các cơ quan quan liên bang và Bộ Quốc phòng Mỹ, các khách hàng quân đội nước ngoài. Các sản phẩm nổi tiếng của Lockheed Martin có thể kể: tên lửa Trident, Titan, các máy bay chiến đấu F-16 (mua lại dây chuyền sản xuất từ General Dynamics vào năm 1993), F-22, F-35 và máy bay chuyên chở khổng lồ C-130, tên lửa Atlas và phi thuyền Orion cho NASA. Cũng chính Lockheed Martin là nhà cung cấp 2 vệ tinh viễn thông Vinasat-1 và Vinasat-2 cho Việt Nam.

Thành lập: 1912 (năm 1995 lấy tên ngày nay)

Trụ sở chính: Tổng hành dinh tại Bethesda, Maryland và có địa chỉ trên 45 tiểu bang Hoa Kỳ và 56 nước.

Doanh thu: 40,83 tỉ USD, dự trữ $74 tỉ, tiền mặt tự do $2,155 tỷ.

Số nhân viên: 135.000

EADS

Là nhà thầu quân sự lớn thứ hai của châu Âu. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ và EU. Trong tập đoàn EADS, Đức kiểm soát 22,5% cổ phần, Pháp sở hữu 15%. Doanh thu từ việc bán vũ khí chỉ chiếm 27% trên tổng doanh thu của EADS. Sản phẩm chính của EADS bao gồm hàng không vũ trụ, tên lửa, điện tử. Ngoài máy bay dân dụng nổi tiếng Airbus, tập đoàn này còn chế tạo máy bay tiếp nhiên liệu Airbus Military, máy bay lên thẳng hàng đầu thế giới Eurocopter. EADS còn có cổ phần trong liên doanh MBDA chuyên chế tạo các hệ thống tên lửa.

Thành lập: 2000

Trụ sở: Toulouse, Pháp.

Doanh thu từ bán vũ khí: 16,36 tỉ USD (2010)

Số nhân viên: 121.690

Norinco

Tập đoàn Quân khí Trung Quốc TNHH China North Industries Group Corporation Limited được viết tắt chính thức là Norinco, sản xuất nhiều loại sản phẩm dân dụng và quân sự. Norinco là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới.

Norinco sản xuất súng cầm tay, súng phóng, xe bọc thép, xe tăng, máy bay, UAV, pháo, bom, hệ thống tấn công chính, tên lửa, hệ thống chống tên lửa, vũ khí phóng từ trên không, vũ khí và bộ công cụ tấn công, sản phẩm nhìn đêm, vũ khí áp suất xa, máy móc, radar, sản phẩm quang điện tử, thiết bị kỹ thuật, hóa chất, chất nổ và vật liệu nổ, hệ thống phá hủy hiệu quả cao, thiết bị chống bạo loạn, súng cầm tay dân dụng, quân sự và đạn dược.

Thành lập: 1980

Trụ sở chính: Bắc Kinh, Trung Quốc

Doanh thu: 14,54 tỉ USD.

NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH

“Vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: “Ta khát!”. Ở đó có một bình dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất!”. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng”.

(Ga 19,28-30)

Khởi đầu của lịch sử nhân loại, Thượng đế đã để cho Cain giết em ruột mình là Abel. Sự phân tranh mang tính định mệnh ấy sẽ không có hồi kết. Và rồi, chính Chúa cũng đã chọn cái chết bởi sự phản bội của con người để con người đóng đinh sử mệnh phân tranh của mình. Chúa có cứu chuộc hay không thì cái ác vẫn hoành hành và cái ác vẫn là một nguyên cớ sinh thành cuộc sống bên cạnh cái thiện. Cho dù có cái phi thiện, phi ác chăng nữa thì sự đau khổ của con người vẫn là một hiện thực, mãi mãi.

Vào đầu thế kỷ thứ 13 sau công nguyên, từ thảo nguyên hoang dã ở phương Đông, Thành Cát Tư Hãn đem quân càn quét mọi thành trì từ Á sang Âu thiết lập đế chế thống trị Mông Cổ của mình trên một bờ cõi rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Riêng Thành Cát Tư Hãn đã trực tiếp chỉ huy 97 trận đánh lớn nhỏ và làm sụt giảm 11% dân số thế giới vào thời điểm đó, giết chết khoảng 45 triệu người. Có những nơi, Thành Cát Tư Hãn cho thuộc hạ giết sạch toàn bộ quân lính đối phương và dân chúng, kể cả phụ nữ và trẻ em, nếu nơi đó không chịu đầu hàng. Thành Cát Tư Hãn cũng đã để lại cho thế giới ngày nay khoảng 16 triệu hậu duệ mang gene di truyền của mình.

Trong lúc vó ngựa của đội quân Thành Cát Tư Hãn vẫn đang giày xéo các thành trì ở đâu đó trên mặt đất, tại một quán cà phê đầu hẻm, có hai bàn cờ tướng của mấy ông già về hưu đánh giết thì giờ, bên cạnh một bàn cờ thế của một gã trung niên đánh ăn tiền.

Một ông già vừa thua cuộc, móc bóp đặt tờ tiền 200 xuống bàn. Ông ta đứng lên, quăng lại một tiếng, lồn. Rồi đi.

Ngày thứ bảy không bao giờ đến.

8/2022