Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Từ sự kiện tiêu hủy tranh, đôi dòng về văn hoá và phản văn hoá (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 139)

Tương Lai

clip_image002[4]Mấy hôm rồi bệnh phải nằm khoèo. Cố gắng lắm cũng chỉ để hoàn thành một chuyện còn dở dang trên máy tính. Không đủ sức lướt sóng nắm bắt thông tin để có đôi dòng “mênh mông thế sự”. Hôm nay ông bạn thân vốn là một cây bút có tên tuổi, một nhà báo thạo tin đến thăm, cho biết chuyện tiêu hủy tranh của hoạ sĩ Bùi Chát đã trình bày trong một phòng triển lãm theo quyết định của ông Phó Chủ tịch Thành phố HCM mà ngao ngán.

Cứ tưởng rằng, khi chọn bộ sậu ngồi vào ghế lãnh đạo một Thành phố mười triệu dân và nghe đâu đang muốn gợi lại sự lấp lánh của một thời “Hòn ngọc Viễn Đông”, thì người ta cũng phải kiếm cho ra một người có hiểu chút ít về văn hoá, chí ít cũng là một người không bị “thiểu năng về trí tuệ” để hiểu rằng, tiêu huỷ một tác phẩm hội hoạ khác với tiêu huỷ một đống thịt thối đang bày giữa chợ. Đầu óc ông Phó Chủ tịch thành phố không đủ sức để hiểu rằng khi thò bút ký vào quyết định ngu dốt và dại dột ấy, anh ta đã gây nên một cơn phẫn nộ trong quần chúng không chỉ trong thành phố anh ta đang “trị nhậm”, mà trong cả nước.

Và không chỉ có thế, không chỉ dừng lại đó. Trong thời đại kỹ thuật số, khi mà người ta đang gào khản cả cổ giới thiệu về Việt Nam để quảng bá cho ngành du lịch, con người Việt Nam thân thiện và dễ mến, cảnh vật Việt Nam vừa đẹp đẽ, dịu dàng, vừa độc đáo hoành tráng... thì cái tin nhà cầm quyền Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh tiêu hủy 29 bức tranh vừa được trưng bày tại phòng triển lãm (vì “triển lãm không phép”) sẽ loang ra rất nhanh.

Theo Văn Việt, Bùi Chát nói: “Tôi chấp hành việc bị xử phạt hành chính vì không xin cấp phép trưng bày tranh, nhưng tôi sẽ khiếu nại việc bị buộc tiêu hủy tranh. Tác phẩm giống như những đứa con tinh thần của tôi. Tranh của tôi không vi phạm thuần phong mỹ tục hay đạo đức”. Chao ôi, “tiêu hủy” tranh! Hành động phản văn hoá này – theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – là chưa có tiền lệ tại Việt Nam kể từ 1975 đến nay. Nó gợi dậy trong tôi hình ảnh bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, hình ảnh quảng trường Berlin thời phát xít Hitler sinh viên chất sách cao như núi để rồi hò reo châm lửa đốt, hình ảnh các tiểu tướng Hồng Vệ binh trong “đại cách mạng văn hoá vô sản” – mà mục tiêu là nhằm tiêu diệt đối thủ của Mao – đã kéo nhau đi đập phá những công trình văn hoá từng được ngàn đời gìn giữ. Tại phủ Khổng Tử ở Khúc Phụ, từ ngày 9/11 – 7/12/1966, hơn 6000 loại văn vật bị phá hủy, hơn 2700 sách cổ bị đốt, số tranh chữ là hơn 900 bản, hơn 1000 bia đá cùng nhiều bảo vật quốc gia xếp vào loại cần bảo tồn cấp 1 đã bị phá hủy.[1]

Và thế rồi hôm nay, “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” ông Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TPHCM ra lệnh tiêu hủy tranh vừa được gỡ ra từ một Phòng triển lãm thuộc quận Phú Nhuận. Vậy đó.

Theo VN Express ngày 17.8.2022[2] thì hoạ sĩ vào nghề hội họa vào năm 2002, một thời gian sau ngừng vẽ để thử sức với thơ, lấy nghệ danh Bùi Chát. Năm 2019, ông quay lại nghề vẽ. Trước đó, triển lãm diễn ra từ ngày 15 đến 30/7, trưng bày loạt tác phẩm theo phong cách trừu tượng. Hoạt động thu hút hàng trăm khán giả và giới mỹ thuật tham quan. Theo nhà hoạ sĩ trẻ đang được công chúng ham thích hội hoạ yêu mến, tác phẩm của ông vừa trưng bày có ngôn ngữ hội họa chủ đạo là trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), bảng màu phảng phất phong cách dã thú (fauvism), tinh thần sáng tác pha trộn giữa ngẫu biến (fluxus) và đa đa (dadaism).

Người viết bài này vốn dốt về hội hoạ, mù tịt về các phong cách và ngôn ngữ của màu sắc, hình khối và nhất là trái tim dẫn dắt nét cọ vẽ nên “đứa con tinh thần” của người hoạ sĩ. Nhưng với lương tri, lương năng của một người có học, vô cùng trân trọng và hết sức ngưỡng mộ khí phách của người hoạ sĩ trẻ dám thể hiện sự đam mê cái đẹp. Người có đủ bản lĩnh và tài năng thể hiện lý tưởng thẩm mỹ theo cách riêng của mình, cho dù có thể anh biết trước sẽ bị sự ngu dốt vùi dập mình.

Theo tôi, sự vùi dập đó đồng nghĩa với sự vùi dập cái đẹp mà tôi nhớ mang máng rằng Dostoievsky, đại văn hào Nga từng viết “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Nhưng quả thật là không dễ để hiểu được tinh thần nhân văn của mệnh đề nổi tiếng ấy. Vì Albert Einstein – bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ XX – từng viết rằng, sự ngu xuẩn của con người là không có giới hạn. Ông nói rằng chúng ta không thắng được bọn ngu xuẩn ấy đâu vì chúng đông quá.

Thế mà, đối với một nghệ sĩ đúng nghĩa thì “đứa con tinh thần của họ” có khi còn quý hơn sinh mệnh của họ. Bắt người hoạ sĩ phải tiêu huỷ những tác phẩm của họ khác nào tiêu huỷ bản thân họ. Mà đúng là không phải ai cũng có thể hiểu và trân trọng “đứa con tinh thần” của người nghệ sĩ. Phải có một trình độ hiểu biết nhất định, đúng hơn, cần nói là phải ở một tầng văn minh nào đó người ta mới biết cách trân trọng một tác phẩm nghệ thuật, biểu hiện cụ thể của một nét văn hoá, một tầng văn hoá để gìn giữ nó. clip_image004[4]

Xin dẫn ra đây một ví dụ về cách người ta tìm hiểu một bức tranh của Pablo Picasso La Miséreuse accroupie” vẽ năm 1902. Picasso là người mở đầu cho một trường phái hội hoạ thế kỷ XX và liên tục thay đổi phong cách vẽ. “Thời kỳ Xanh”, “Thời kỳ Hồng”, đến “Thời kỳ lập thể”, “Chủ nghĩa siêu thực”, các thời kỳ cứ thế nối tiếp nhau thay đổi trong thế giới hội hoạ của Picasso.

Bằng việc sử dụng các công cụ được phát triển trong ngành y, địa chất và ngành công nghiệp, các nhà nghiên cứu đã cùng “nhìn thấu” tấm toan mà không làm ảnh hưởng đến nó. Họ phát hiện ra rằng Picasso đã kết hợp những đường viền của đồi núi từ phần phong cảnh của bức tranh ông vẽ trước đó để tạo thành những đường cong phía sau người phụ nữ. “Nó như kiểu một tiết nhạc jazz được lặp đi lặp lại cả trước và sau”, Marc Walton – giáo sư nghiên cứu về khoa học vật liệu và kỹ thuật ở trường Đại học Northwestern – giải thích. Các kết quả phân tích đã khám phá ra nỗ lực lặp đi lặp lại của Picasso khi vẽ cánh tay phải của người phụ nữ. Thậm chí cuối cùng ông đã bỏ cả ý định này và vẽ lên một cái áo choàng.” Vì thế, chính việc tìm hiểu bức tranh giúp chúng ta có thể hiểu tường tận được suy nghĩ của họa sĩ và biết thêm về quá trình sáng tạo của ông”, giáo sư Walton cho biết. Kết quả của nghiên cứu này đã được trình bày trong cuộc họp của Hội Khoa học tiên tiến Mỹ (American Association for the Advancement of Science) ở Austin, Texas trung tuần tháng 2/2018. Cần nhớ rằng, riêng số tác phẩm tranh sơn dầu của ông đã hơn 10.000 bức. Nếu tính cả các tác phẩm khác nữa, ông sở hữu khoảng 130.000 tác phẩm.[3] Và thế giới đâu chỉ một Pablo Picasso.

May mắn có dịp đến Hà Lan, cố dành dụm tiền công tác phí ít ỏi để mua một tấm vé vào xem triển lãm tranh Van Gogh. Tuy vốn hiểu biết về hội hoạ còn quá kém, tôi vẫn sững sờ đứng trước những bức tranh của nhà hoạ sĩ thiên tài.

Dừng lại khá lâu trước bức tranh Starry Night (Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong một nhà thương điên Saint-Remy-de-Provence với miên man những suy tưởng ập tới về ý nghĩa của một kiếp người, một thân phận. Liệu có phải “văn hoá là tiếng kêu của con người khi đối diện với số phận” mà Albert Camus, người chủ xướng trào lưu hiện sinh, nhà văn được giải Nobel văn học 1955 nói?

Bức “Starlight Night” vẫn nằm sâu trong ký ức tôi, gợi nhiều ám ảnh và suy tưởng cho đến tận hôm nay, cận kề với tuổi U90.

clip_image006[4]Tình cờ, một sự tình cờ thú vị, hôm 17.8.2022, đài RFI đăng lại bài “Đêm đầy sao” của Van Gogh đã đăng ngày 13.8.2022 với nhan đề: “Từ nỗi cô đơn tuyệt vọng đến khát khao vươn tới cái đẹp[4]. Tôi mạo muội nhặt ra đây mấy dòng: “Van Gogh sử dụng nét cọ nhanh, thô ráp và dữ dội. Những nét vẽ đường cong uốn lượn, xoắn ốc tập trung miêu tả sự chuyển động không ngừng của những luồng không khí như một dòng năng lượng liên tục của bầu trời đêm. Ông muốn nắm bắt và thể hiện cảm xúc của mình một cách tức thời và trực quan nhất. Sử dụng hiệu ứng tương hỗ giữa màu vàng: vàng chanh, vàng đất và màu bổ sung xanh cơ bản, xanh nước biển đậm để tạo sự tương phản và ấn tượng mạnh đến thị giác”.

Ấy thế mà, trong hơn một thập kỉ, Van Gogh đã có tổng cộng hơn 2000 tác phẩm, hơn 900 bức họa trong số đó đã hoàn chỉnh, 1100 bức vẽ còn lại là bản phác thảo. Tuy nhiên, trong cuộc đời vô cùng ngắn ngủi ấy, người họa sĩ thiên tài ấy chỉ bán được bức tranh duy nhất là bức Vườn nho đỏ tại Arles.

Van Gogh đã trải qua một cuộc sống bần hàn và cô đơn, kéo dài chuỗi ngày tháng buồn thảm và ra đi với tuổi 37. Mãi 125 sau khi ông qua đời, công chúng và giới am hiểu nghệ thuật thế giới mới thực sự công nhận và ngưỡng mộ tài năng của thiên tài hội hoạ Van Gogh.

Xin trở lại với Pablo Picasso. Ít ai biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh họa Pablo Picasso từng có một tình bạn gắn bó suốt nhiều thập kỷ. Thiên tài hội họa lớn nhất thế kỷ 20 đã nói về những bức tranh do Nguyễn Ái Quốc vẽ trên tờ báo “Người cùng khổ” với một niềm ngưỡng mộ chân thành trước tâm hồn và tư tưởng của tác giả những bức tranh đó.

Năm 1911, Bác Hồ khi đó 21 tuổi, mới đặt chân lên đất Pháp, Bác đã gặp gỡ và quen biết họa sĩ Picasso khi đó đã 30 tuổi và là một họa sĩ nổi danh tại Paris. Qua những lần tham gia một số hoạt động nghệ thuật, Bác Hồ đã vài lần gặp gỡ Picasso và nhiều văn nghệ sĩ khác ở nhóm Clarté (Ánh sáng).

Năm 1946, Bác qua Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau và tranh thủ đến thăm người bạn cũ, danh họa Picasso sau nhiều năm xa cách. Tới Pháp với tư cách nguyên thủ quốc gia, thượng khách của nước Pháp, nhưng Bác vẫn không quên ghé thăm để tỏ lòng ngưỡng mộ một người bạn nghệ sĩ từng chứng kiến một thời trai trẻ đầy gian khó của mình, đó là danh họa Pablo Picasso. Cuộc gặp gỡ đặc biệt đó đã được ông Vũ Đình Huỳnh kể lại như sau:

Một hôm, Bác gọi tôi đến bảo:

– Chú thay bộ quân phục, mặc thường phục đi với tôi ngay bây giờ.

Lúc lên xe, đi một quãng Bác mới cho hay:

– Hôm nay, chúng ta đến thăm danh họa Picasso.

Tôi ngạc nhiên:

– Bác cũng quen họa sĩ Picasso ạ?

Bác nói:

– Giả sử không quen biết từ trước thì đến Thủ đô Paris này, chúng ta vẫn phải đến chào một con người sáng tạo hội họa khó hiểu mà nghệ thuật của tranh ông lại làm nhiều người mê.

Bác đến không báo trước. Lúc người giúp việc của Picasso đưa Bác đến gần cửa, họa sĩ đã nhận ra Bác. Ông vội chạy tới:

clip_image008[4]– Chào anh Nguyễn!

Hai người ôm chầm lấy nhau. Rồi Picasso lùi lại một bước ngắm Bác:

– Anh chóng già quá, nhưng đôi mắt vẫn trẻ và như sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở Trụ sở nhóm Clarté (Ánh sáng)”.

Picasso đưa Bác đi xem phòng tranh của ông. Bác cầm từng bức tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà, Picasso hỏi Bác:

– Anh cho tôi một lời khuyên.

Bác nói:

– Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về tranh Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi – một người không am hiểu nghệ thuật hội họa cho lắm.

Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:

– Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria (Người cùng khổ), anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu. Ngày ấy tôi nói với Henri Barbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng, một tâm hồn đẹp tàng ẩn bên trong”. Nếu như anh tiếp tục con đường hội họa thì biết đâu đấy, cũng có thể sẽ có một Nguyễn Ái Quốc họa sĩ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn là Hồ Chủ tịch, người đi đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và của các dân tộc bị áp bức khác”.[5]

Không hiểu câu chuyện thấm đẫm chất liệu văn hoá này có giúp cho ông Phó Chủ tịch UBNDTPHCM ra lệnh tiêu hủy tranh kia có vỡ vạc ra chút nào về cái gọi là văn hoá không? Tôi nhớ là Vương Dương Minh, một trong bốn vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, sánh ngang với Khổng Tử, Mạnh Tử và Chu Hi, có nói: “Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý lầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước. Làm văn hóa lầm thì giết cả một đời”.

Tôi nhớ ý tưởng thâm thuý của bậc đại Nho này vì trong một dịp đến thăm Đài Loan, tôi đã hân hạnh được người tổ chức cuộc giao lưu văn hoá cho tôi, đưa đến chiêm ngưỡng di tích Dương Minh Sơn, nơi mà năm 1950, Tưởng Giới Thạch đã đổi tên vườn quốc gia Thảo Sơn ở Đài Loan, địa danh gợi nhớ đến Vương Dương Minh để ghi nhận ảnh hưởng sâu sắc của nhà tư tuởng lớn trong nền văn hoá Trung Hoa.

Tiện đây cũng xin nhắc lại một kỷ niệm về Đài Loan mà tôi đã có dịp kể trên “Mênh mông thế sự”. Biết được tôi vừa đi Đài Loan về, trong buổi sáng thứ Sáu như thường lệ, cụ Phạm Văn Đồng hỏi tôi: “Trong cuộc đi trao đổi văn hoá này, anh thu hoạch được gì sâu sắc nhất có thể cho tôi biết không”. Không chút chần chừ tôi nói ngay: “Thưa anh, điều tôi cảm nhận sâu sắc là sinh viên Đài Loan, những nơi tôi có dịp tiếp xúc, thấm nhuần chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, thích thú nghiên cứu và nói đến tư tưởng lớn ấy hơn sinh viên ta mà tôi có dịp giảng dạy, không có được sự thấm nhuần và thích thú ấy khi nói về Chủ nghĩa Mac Lênin đâu ạ”. Cụ Phạm Văn Đồng cười, trầm ngâm.

clip_image010[4]Đang trong câu chuyện thì ông Tố Hữu đến thăm: “Xin lỗi, tôi đã làm phiền cuộc làm việc của nhà xã hội học với anh Tô”. Tôi trả lời, “Không có làm việc gì đâu anh ạ, chỉ là bác Tô hỏi tôi về chuyến đi Đài Loan của tôi” và nhổm dậy định cáo từ. Cụ Đồng ngăn lại: “Anh nhắc lại câu chuyện anh vừa nói với tôi cho anh Lành nghe đi”. Nghe xong, anh Tố Hữu vui vẻ nhưng không tránh được sự gượng gạo trong câu trả lời. Tôi nghĩ là không cần phải kể ra đây.

Nếu cần kể, thì nên kể lại cũng là chuyện Đài Loan còn nóng hổi trên báo chí thế giới, về lời của bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong cuộc đón tiếp bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan trước sự gầm ghè như muốn nuốt sống cả hai người phụ nữ can trường và đầy bản lĩnh này. Bất chấp sự gầm ghè nhâng nháo ấy của Bắc Kinh, bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố rằng Đài Loan là “một trong những xã hội tự do nhất trên thế giới”, sức mạnh, một trong những nguồn sức mạnh là nền dân chủ”. Còn bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thì dõng dạc khẳng định: “Chuyến thăm của bà Nancy Pelosi gửi một thông điệp đến thế giới rằng: Các nền dân chủ cùng sát cánh khi đối mặt với những thách thức chung”.

Phải chăng những thách thức chung ấy cũng đang đặt ra trước mắt dân tộc ta. Sự kiện bạo chúa Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược đất nước Ucraina, một quốc gia có chủ quyền với diện tích lớn thứ hai châu Âu, chỉ sau Nga, dân số hơn 41 triệu người và GDP 181 tỷ USD trước khi xảy ra chiến tranh xâm lược của Putin, đang đặt thế giới trước một thách đố gay gắt mà không một dân tộc nào có thể lẩn tránh được. Tệ hại và nguy hiểm hơn là khi có sự cấu kết của hai bạo chúa thế kỷ XXI, Putin - Tập Cận Bình. Chịu áp lực gay gắt nhất là Đài Loan.

Mà áp lực, xét đến cùng vẫn là tiềm năng kinh tế và sự chiếm lĩnh nền tảng công nghệ bán dẫn mà Đài Loan đang sở hữu. Tính trong số các nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng, TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) là công ty sản xuất lớn nhất thế giới và khách hàng của họ là những thương hiệu hàng đầu như Qualcomm, Nvidia, Apple… Sản xuất theo hợp đồng nghĩa là TSMC sẽ chịu trách nhiệm sản xuất chất bán dẫn hoặc chip điện tử theo thiết kế đặt hàng của các công ty khác. Điều này đồng nghĩa kể cả khi một công ty như Nvidia được gọi là “công ty sản xuất chip”, bản thân Nvidia cũng chỉ thiết kế và phải sử dụng chất bán dẫn do TSMC sản xuất theo dạng thuê ngoài (outsource).

Về lượng, trong nhiều năm qua các công ty công nghệ Trung Quốc đã được khuyến khích chú trọng ngành bán dẫn và doanh số đã vượt Đài Loan. Nhưng xét về chất, TSMC vẫn chiếm tới 90% thị phần trong phân khúc sản xuất bán dẫn tiên tiến nhất. Nói cách khác, công nghệ bán dẫn của TSMC và Đài Loan nói chung vẫn vượt xa phần còn lại, khiến họ trở thành đối tượng không thể thay thế. Quan trọng hơn, việc nắm công nghệ tối tân cũng giúp Đài Loan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì lý do trên, trang tin Asia Financial năm 2021 từng dẫn lời ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc và chất bán dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington (Mỹ), nhận xét rằng TSMC “có khả năng là công ty quan trọng nhất hành tinh này”. Ngày 01/08, khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan, khiến chính phủ Trung Quốc giận dữ, ông Lưu Đức Âm (Mark Liu), chủ tập đoàn TSMC, sản xuất chip bán dẫn cho toàn cầu, đưa ra cảnh báo, được CNN trích dẫn:Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực. Đây là một phát súng cảnh báo thực sự đối với toàn thế giới, về những hậu quả mà cuộc xâm lược của Trung Quốc có thể tác động đến các nhà máy của tập đoàn TSMC, trong đó có 90 % nằm ở Đài Loan. Ông Lưu Đức Âm tuyên bố thà để các cơ sở công nghiệp của tập đoàn trong tình trạng “không hoạt động” còn hơn là để các nhà máy này rơi vào tay Trung Quốc. Nếu tình huống này xảy ra, nền kinh tế thế giới sẽ bị khựng lại.

Trên thực tế, thế giới phụ thuộc vào các xưởng đúc (foundry), nơi sản xuất ra loại chất bán dẫn tiên tiến nhất. Chất bán dẫn có trong điện thoại, máy tính, cũng như tất cả các sản phẩm điện tử, được sử dụng trong sản xuất xe hơi cũng như trong sản xuất vũ khí. Nếu như các nhà máy của TSMC phải đóng cửa, không chỉ các thiết bị điện tử rơi vào cảnh “cháy hàng” trên toàn thế giới, mà điều này còn ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Amazon hay Microsoft. Những tập đoàn này dựa vào các trung tâm dữ liệu (data centers) để vận hành các dịch vụ của mình và cần rất nhiều chip bán dẫn cho hệ thống máy tính hiệu năng cao (High Performance Computing).

Và đó cũng chính là ngày mà toàn thế giới phát hiện ra tầm quan trọng, tính cốt yếu của tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, mà trước đó không được nhiều người biết đến. Một nhà báo Đài Loan chuyên về công nghệ, Lee Wen-yee, đã nhấn mạnh rằng: TSMC là một trong những nhà sản xuất duy nhất có khả năng cung cấp các chip bán dẫn tiên tiến nhất”. Hai tập đoàn khác là Samsung và Intel. Chỉ riêng TSMC đã nắm giữ 53 % thị trường sản xuất chất bán dẫn của thế giới. Đây là viên ngọc quý của Đài Loan, nơi chiếm gần 60 % sản lượng chip bán dẫn. Tại Đài Loan, TSMC được ví như là “Hu Guo Shen Shan” – Hộ Quốc Thiên Sơn –, nghĩa là ngọn núi thiêng bảo vệ đất nước, một doanh nghiệp đã biến Đài Loan thành hòn đảo công nghệ, một phần tất yếu của chuỗi sản xuất toàn cầu.[6]

Tôi đã có dịp đi khắp Đài Loan, từ Đài Bắc theo đường phía tây đến Cao Hùng, thành phố nắm ở cực nam Đài Loan, rồi theo đường phía đông về lại thủ đô Đài Băc để hôm nay trầm tĩnh nhớ lại điều mà bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ gọi đây là một trong những xã hội tự do nhất trên thế giới. Nhớ lại hành trình của cuộc đi bằng ô tô, dừng lại ở một vài danh lam thắng cảnh, trao đổi với nhiều người gặp gỡ bất ngờ trong chuyến đi ngắn ngày, để rồi hôm nay giật mình về sức mạnh của một dân tộc với hơn ba chục triệu người đang sở hữu một tiềm năng công nghệ cao để sản xuất chất bán dẫn, là nơi “duy nhất có khả năng cung cấp các chip bán dẫn tiên tiến nhất” cho toàn thế giới. Phải chăng đó cũng là sản phẩm của một “xã hội tự do nhất trên thế giới”, và “sức mạnh, một trong những nguồn sức mạnh là nền dân chủ”.

Đến khi nào mà Việt Nam ta có được một doanh nghiệp vươn lên thành một “Hộ Quốc Thiên Sơn” đặt nền tảng công nghệ cho sự xây dựng và phát triển đất nước, mà trước hết là tạo được nội lực mạnh, một “ngọn núi thiêng bảo vệ đất nước” đánh tan mọi sự xâm lược đến từ bất cứ phương nào, mà phương Bắc cận kề luôn là mối đe doạ lớn nhất.

clip_image012[4]Để làm được điều đó thì điều kiện tiên quyết là tự do và dân chủ. Không có điều kiện tiên quyết đó thì khó mà có được những doanh nghiệp đạt được tầm vóc như Đài Loan đang có. Muốn vậy thì dân tộc Việt Nam phải là một dân tộc của các hiệp sĩ như thiên tài Pablo Picasso đã nói. Đến đây vẫn lại là tiếp tục câu chuyện hội hoạ, nhưng không là câu chuyện tiêu hủy tranh tệ hại kia, mà là chuyện bức tranh của thiên tài Pablo Picasso từng làm chấn động thế giới. Đó là chuyện những trận bom của Mỹ dội xuống Việt Nam làm Picasso nhớ đến sự kiện phát xít Đức ném bom huỷ diệt Thị trấn Guernica thuộc xứ Basgue chôn rau cắt rốn của ông ngày 26/4/1937. Đó là những ngày đau đớn và đầy căm giận khôn nguôi đã thúc giục ông thực hiện bức tranh hoành tráng rộng tới 30m2 mang tên Guernica. Tại Hội nghị Trí thức toàn Châu Âu họp năm 1968, Picasso đã trực tiếp lên diễn đàn cực lực phản đối cuộc xâm lược Việt Nam của Mỹ. Ông kêu gọi: “Tất cả nghệ thuật hiện đại Châu Âu đứng về phía Việt Nam!”. Và ông nói rõ: “Đối với chúng ta, những họa sĩ, nghề nghiệp của chúng ta là ở đây, trong chiến tranh và hoà bình. Hiển nhiên là tất cả nghệ thuật hiện đại đứng về Việt Nam. Hàng ngày hàng ngày đã bao năm nay, tôi khâm phục lòng dũng cảm phi thường của các bạn Việt Nam… Đấy là dân tộc của các hiệp sĩ”.

Đọc lời kêu gọi của Picasso “Tất cả nghệ thuật hiện đại Châu Âu đứng về phía Việt Nam”, liệu người ra lệnh tiêu hủy tranh trừu tượng của Bùi Chát có giật mình về sức mạnh của nghệ thuật hội hoạ, để may ra có chút ân hận về quyết định ngu xuẩn của mình không? Cho dù đó là chút hy vọng le lói rồi sẽ bị chìm trong thói quen khó đổi của người cầm quyền? Nhưng may mắn thay là tôi đã kịp đọc được bài báo “Những kẻ đốt sách” của Xuân Tùng đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 23.2.2022 với dòng đầu khá quyết liệt: “Nếu phải kể một hành động “phi bạo lực” bị khinh thị ở mọi quốc gia, nền văn hóa, thậm chí vượt tầm lịch sử, đó hẳn là việc đốt sách[7].

Khi mà tác giả của bài báo trên đã dõng dạc cho rằng: “Công nghệ đã thay đổi cách chúng ta chia sẻ và lưu thông tin, nhưng động cơ “đốt sách”, hay đúng hơn là tiêu diệt tri thức dưới bất kỳ hình thức nào, vẫn không đổi: ai đó muốn ưu tiên loại thông tin này hơn loại thông tin khác và dùng quyền lực để thực thi nó” thì điều đó có nghĩa trong bối cảnh oi bức ngột ngạt của những sức ép có tính cảnh cáo, răn đe đang phả hơi nóng vào đời sống tinh thần của xã hội, cần phải có sự điều chỉnh làm giảm bớt sự căng thẳng ngột ngạt ở một thành phố lớn nhất nước đang là đầu mối giao thương quốc tế với một mạng lưới thông tin nhiều chiều và rất tức thời. Mong rằng, như các cụ ta nói “Nó lú nhưng có chú nó khôn”. Tôi lờ mờ nhận ra đuợc “ông chú” ấy, hoặc tốt hơn là “những ông chú” trong những động thái nào đó được thể hiện trên hơi thở ăn theo của báo chí chính thống cởi mở và ít đóng kín hơn trong việc đưa tin về chuyện tiêu huỷ tranh!

Vả chăng, như tác giả của bài báo khẳng định: “...ngay cả khi mọi cuốn sách đã cháy rụi. Bằng cách này hay cách khác, tri thức vẫn sẽ bền bỉ sống, như phượng hoàng rực rỡ luôn tái sinh từ đống tro tàn”, thì che chắn và bóp nghẹt thông tin là chuyện ngớ ngẩn.

Chính vì thế, ngọn lửa thiêu đốt cũng là ngọn lửa soi sáng.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi e rằng anh bạn trẻ hoạ sĩ tài ba bị người ta tiêu hủy tranh, tức là tiêu hủy “đứa con tinh thần của mình”, nên xem đây là một vận may vì rồi đây, chắc là nhiều người sẽ tìm mua tranh của anh như người ta đang làm. Anh sẽ có nhiều bạn bè hơn. Và rồi có thể anh sẽ “nổi tiếng” hơn mà không cần một hành động ngu ngốc đời đời bị nguyền rủa như kẻ đốt đền Herostratus vì muốn được “nổi tiếng” đã bằng một mồi lửa thiêu rụi ngôi đền thờ thần Artemis được xây dựng vào khoảng năm 550 trước CN, “một ngôi đền uy nghi và lớn nhất thế giới mà chúng ta tìm thấy được”. Là nói vậy để cố khoả lấp sự ngột ngạt đè nặng tâm tư của một người nghiên cứu văn hoá và ham thích hội hoạ.

Từ ngọn lửa đốt sách, từ nỗi đau văn hoá cũng là nỗi đau nhân sinh để nhận ra được tự do và dân chủ là khát vọng cháy bỏng của một dân tộc mà thiên tài Pablo Picasso gọi là “dân tộc của các hiệp sĩ”. Từng trang lịch sử của đất nước ta đều cho thấy nhận xét của danh hoạ Picasso là đúng. Vì vậy ta có quyền hy vọng.

Đúng vậy. Thậm chí “cách duy nhất để ứng phó với một thế giới không tự do là trở nên tự do tuyệt đối đến mức thậm chí sự tồn tại của bạn cũng là phản kháng. Một lần nữa tôi lại cầu viện đến Albert Camus.   

    

Ngày 19.8.2022


[1] https://kontumquetoi.com/2017/04/07/lich-su-dot-sach-tren-the-gioi-hieu-huy/

[2] https://vnexpress.net/hoa-si-bi-buoc-tieu-huy-tranh-vi-trien-lam-khong-phep-4500436.html

[3] https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/kham-pha-bi-mat-trong-tranh-cua-picasso-11237/

[4] https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20220813-van-gogh-tu-co-don-tuyet-vong-den-khao-khat-vuon-den-cai-dep

[5] Bác Hồ – một tình yêu bao la. Nhà Xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 5/2010.

[6] https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220817-nh%C3%A0-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5t-b%C3%A1n-d%E1%BA%ABn-%C4%91%C3%A0i-loan-tsmc-mang-nh%C3%A2n-t%C3%A0i-tr%E1%BB%9F-v%E1%BB%81-%C4%91%E1%BA%A5t-m%E1%BA%B9

[7] https://cuoituan.tuoitre.vn/nhung-ke-dot-sach-1630391.htm