Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Thuyền sách trên dòng sông nước Pháp

Hồ Anh Thái

Điều thú vị là một quyển tiểu thuyết rất nhiều cảm xúc về Paris về văn hóa Pháp như thế lại do một nhà văn nữ người Đức viết.

Nếu cần tìm một quyển tiểu thuyết thật là mơ màng về những mối tình cũ với nhiều tiếc nuối, ta nên đọc Hiệu sách nhỏ ở Paris.

Nếu cần một quyển tiểu thuyết tôn vinh sách và những gì sách mang đến, ta nên đọc Hiệu sách nhỏ ở Paris.

Hiệu sách là một chiếc thuyền neo lại bên bờ sông Seine. Đấy thực ra là một chiếc sà lan được cải tạo thành thuyền. “Một con thuyền dài bụng trũng có một gian bếp, hai buồng ngủ, một buồng tắm với tám nghìn cuốn sách. Đó là một thế giới tách biệt với thế giới này” (trang 89). Chủ hiệu sách là một người đàn ông năm mươi tuổi. Về sự cao quý của sách, ông hóm hỉnh nói ngược: “Điều đáng buồn duy nhất ở sách vở: chúng thay đổi con người” (trang 89). Nhưng rất nhiều khi ông nhìn nhận nghiêm túc: “Đọc sách khiến con người ta dạn dĩ hơn và thế giới này đang cần đến những con người không ngại nói ra điều họ nghĩ” (trang 227). Và nhìn thấy thiên chức cốt lõi của sách: “Một người bán sách không bao giờ quên rằng sách là một phương thức biểu đạt chỉ mới xuất hiện trong lịch sử mênh mông và nó có khả năng thay đổi cả thế giới và lật đổ những kẻ bạo tàn - Mỗi khi nhìn một cuốn sách, Perdu không nhìn nó đơn thuần theo nội dung câu chuyện của nó, giá bán tối thiểu hay như là một thứ kem dưỡng thiết yếu cho tâm hồn; cái ông thấy là tự do được trang giấy chắp cánh” (trang 170).

Ông sống trong một khu nhà toàn những người thích đọc sách và ông thường cố vấn cho họ mua sách gì, thậm chí còn khuyên người ta không nên mua cuốn sách mà họ muốn. Không phải ngẫu nhiên ông đặt tên cho con thuyền sách của mình là Hiệu thuốc văn chương. “Một cuốn sách vừa là bác sĩ vừa là thuốc chữa bệnh. Nó đưa ra chẩn đoán bệnh đồng thời lại cung cấp cả liệu trình điều trị. Đúng sách đúng bệnh: đó là cách mà tôi bán sách” (trang 41).

Câu chuyện bắt đầu khi có một thiếu phụ mới chuyển đến khu nhà. Cô bị chồng bỏ nên sống lặng lẽ. Hàng xóm bàn nhau giúp đỡ cô, và ông tặng cho cô một cái bàn. Trong ngăn kéo bàn, ông bỏ quên một bức thư, hai mươi mốt năm qua ông quyết không đọc. Nhưng bây giờ, chỉ khi ông tưởng đã tìm được tình yêu với thiếu phụ, ông mới chịu mở thư ra đọc.

Hóa ra hai mươi mốt năm trước, người tình bỏ ông đi không phải để đi theo người khác. Cô bị bệnh nan y, quyết bỏ đi để không làm phiền đến người tình. Và những ngày cuối cùng, cô viết thư mong ông đến. Nhưng ông vì giận dữ đã không đọc bức thư. Như vậy là cô mất đã hai mươi mốt năm rồi.

Bị sốc, hối hận và tiếc nuối, ông kéo thuyền sách ra khỏi bến, bỏ đi.

Một nhà văn trẻ, hai mươi mốt tuổi, luôn đeo cái bịt tai và có chứng sợ đám đông, sợ sân khấu. Không thích bị đám đông nhận ra, anh ta chạy trốn khỏi những người hâm mộ, nên nhảy lên thuyền đi theo ông bán sách. Về sau anh ta giải thích rằng anh bỏ đi cũng là để tìm một câu chuyện mới.

Trên bến sông có hai con mèo hoang được ông đặt cho cái tên của hai nhà văn là Kafka và Lindgren. Thấy ông đẩy thuyền ra đi, hai con mèo cũng theo lên thuyền.

Chiếc thuyền sách xuôi theo sông Seine đi về phương Nam, trôi qua những dòng sông khác nhau của nước Pháp. Trên đường đi, lần lượt họ kết nạp lên thuyền một người đàn ông Ý, một thiếu phụ Pháp. Người Ý trong cảm hứng đi tìm lại người tình chốc lát từ hai mươi mốt năm trước. Thiếu phụ Pháp xin lên chiếc thuyền Nam tiến “để học cách hít thở, để ngắm nhìn đại dương”.

Ông bán sách và nhà văn trẻ ra đi vội vàng cho nên tài sản mang theo chỉ là chiếc thuyền sách. Trước nhiều biến cố, họ đều phải mang sách ra để trao đổi. Phải tặng sách cho cảnh sát để khỏi phải nộp tiền phạt cho cái huy hiệu cho phép đi lại trên sông và áo phao dạ quang. Phải tặng sách để được đỗ tàu vào một bến cảng. Phải tặng sách cho chủ tàu người Anh khi vô tình va phải tàu của ông ta. Rất nhiều khi, hết thực phẩm, họ phải mang sách đi bán dạo trên một bến cảng. Nhà văn trẻ cũng phải rao bán sách, có khi anh phải chơi đàn piano để thu hút người ta lên thuyền mua sách. Trên đường đi, họ lao vào những cuộc hội hè với những con người thoáng gặp. Họ tìm đến nơi còn lại dấu tích và kỷ niệm của người tình cũ và gặp gỡ hẹn hò với những người mới. Hành trình theo dấu người xưa, với ông chủ hiệu sách, còn là cuộc truy vết tác giả của một cuốn sách mà ông thích. Tác giả ấy giấu mặt, mà nếu căn cứ vào bút danh, công chúng không biết đấy là ai, nam hay là nữ.

Trong tiểu thuyết này, tác giả dường như rất thích thú với con số hai mươi mốt. Sau hai mươi mốt năm, ông bán sách mới chịu đọc bức thư của người tình cũ. Chàng nhà văn hai mươi mốt tuổi. Và anh bạn người Ý cũng đi tìm lại người tình thoáng qua sau gần hai mươi mốt năm. Cuốn sách của tác giả giấu mặt cũng là khoảng hai mươi năm trước.

Điều thú vị là một quyển tiểu thuyết rất nhiều cảm xúc về Paris về văn hóa Pháp như thế lại do một nhà văn nữ người Đức viết. Theo tiếp nhận của tôi, văn chương Pháp đương đại vẫn loay hoay trong cái vũng trưởng giả và nhạt mòn. Ở chỗ này, một tác giả nước ngoài lại có lợi thế mở mắt nhìn vào đó và thấy được những điều mới mẻ tươi tắn.

 

------

* Hiệu sách nhỏ ở Paris, tiểu thuyết của Nina George, Chi Ân dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội 2020.