Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Ở đây không có tiếng ve sầu

Vũ Thư Hiên

1

Crematorium (Nhà hoả thiêu) là một dinh thự vuông vắn nằm trong nghĩa trang Père Lachaise.

Père Lachaise ở Paris là nghĩa trang lớn nhất nước Pháp. Nó rộng 44 hec ta với 4 mặt phố bao quanh, chia làm nhiều khu. Giao lộ rải đá rải nhựa giữa các khu đều được gắn biển ở đầu đường y hệt biển tên phố xá, từ khuôn khổ, màu sắc cho tới kiểu chữ. Không có biển tên thì vào đây dễ đi lạc lắm. Vì thế, Père Lachaise được thiên hạ gọi là Thành phố Người chết.

Thân xác được hoả thiêu ở Crematorium không có nghĩa là tro cốt sẽ được ở lại Père Lachaise. Muốn được đặt bình tro vào một ngăn trong bức tường dày ở kế bên Crematorium thì phải đóng tiền, mà tiền không nhỏ. Người Pháp không có tục để tro cốt thân nhân trong nhà.

Tôi kể tỉ mỉ về nghĩa trang Père Lachaise và khu Crematorium để các bạn có dịp tới Paris thì nên đến thăm – một địa điểm du lịch không thể bỏ qua.

2

Ông Niko, già lão, nhăn nheo, ngồi lặng lẽ, mũ len đặt trên đùi, vuốt mái tóc bạc bù xù rồi ghé vào tai tôi:

- Có ba chúng ta thôi à?

- Vâng – tôi đáp khẽ.

Chúng tôi ngồi trong căn phòng hẹp. Trước mặt chúng tôi là cái quan tài giấy giả gỗ. Người nằm trong quan tài là Trần, bạn tôi.

Niko là người thường nhận tranh của Trần đi bán ở chợ tranh trên đồi Montmartre. Chợ này là chợ tranh, có nhiều hoạ sĩ vẽ chân dung cho khách tại chỗ.

Ngồi ở một góc khuất là Yvonne, đầu cúi thấp, mái tóc xoã xuống mặt.

- Ông Trần có ông đến là vui rồi – tôi thì thào với Niko - Nếu ông ấy còn biết vui, ở thế giới bên kia.

Niko thở dài:

- Ông ấy không phải người của thế gian này.

Trần sống cô độc trong căn phòng áp mái, người Pháp gọi là “phòng con sen” (chambre de bonne). Loại phòng này vào mùa hè nóng như trong lò nướng, mùa đông lạnh như ở ngoài trời.

Nhà Trần toàn tranh – tranh trên tường, tranh dựa tường, tranh la liệt trên sàn. Diện tích còn lại chỉ chừa vừa đủ cho một cái sô pha xộc xệch, vải bọc sờn bạc phếch với vài miếng vá bằng băng keo.

Đến thăm Trần tôi phải len lỏi giữa những bức tranh đủ mọi khuôn khổ, vuông có, chữ nhật có, cái to cái nhỏ, cái mới vẽ, chưa lên khung. Căn phòng có mùi sơn dầu và mùi quần áo lâu ngày không giặt.

- Cậu sống mãi thế này không được – tôi nói – Cậu cần một người đàn bà, một cái bếp, nói tóm lại - một gia đình.

Anh hấm hứ:

- Mỗi người một cách sống. Đừng xúc phạm tớ, nếu còn muốn tớ coi cậu là bạn.

Tôi còn muốn là bạn Trần. Tôi im.

Chúng tôi có chung một quá khứ từ những năm xa lắc xa lơ, khi cả hai còn đánh khăng đánh đáo. Thế rồi đất nước tách đôi, tách luôn chúng tôi, mỗi đứa một nẻo. Tôi từ Sài Gòn sang Pháp đi học, đi làm, lấy vợ, rồi ở lại. Trần từ Hà Nội đáp thuyền qua Hongkong rồi được Pháp cho tị nạn.

Tôi tình cờ gặp Trần ở Père Lachaise. Tôi có căn hộ ở đường Phillips Auguste, ngay nách nghĩa trang. Tôi hay vào đấy đi bách bộ thay cho thể dục.

Chúng tôi nhận ra nhau, chúng tôi vồ lấy nhau. Trần giữ nguyên những nét thơ ngây của thuở học trò dù tóc đã điểm sương.

Tôi nhớ như in hôm ấy. Người bạn năm xưa của tôi cuống quýt xếp giá vẽ lại, kéo tôi ngồi xuống bên nấm mồ có đứa bé bằng đá say sưa ngủ với gương mặt thiên thần. Hoá ra anh thường đến đây để ký hoạ những bức tượng đẹp.

Trần tâm sự:

- Tớ là thằng tự học, cậu ạ. Chẳng học ai. Chẳng ai dạy tớ. Cậu nhớ thằng Nhân không? Giờ nó là một hoạ sĩ số một về tranh thuốc nước đấy. Tớ đến nó, hy vọng học nghề ở nó. Nó phán: “Tô Ngọc Vân dạy: thấy thế nào vẽ thế ấy”. Tớ bỏ đi. Rồi làm theo lời khuyên ấy.

- Rồi sao?

- Tô Ngọc Vân đúng. Chỉ thấy thế nào vẽ thế ấy mới thành hoạ sĩ. Không thể vẽ bằng mắt người khác. Không có tiền thuê mẫu sống thì tớ đến đây vẽ mẫu chết. Gì thì gì cũng phải kinh qua hình họa cơ bản. Nó là cái tớ thiếu.

Tôi tò mò:

- Ngọn gió nào đưa cậu tới Paris?

Anh cười hì hì:

- Chẳng có ngọn gió nào hết. Tớ chán, tớ đi.

- Cậu chán cái gì? Chán chế độ?

Trần cười gằn:

- Tớ không quan tâm chế độ. Chế độ nào thì người sống vẫn sống. Khi tớ còn ngáp ngắn ngáp dài ở trại tị nạn Hongkong thì viên chức di trú Pháp cũng hỏi tớ đúng cái câu cậu hỏi, nhưng rõ ràng hơn: “Ông chống lại đảng cộng sản, ông bị chính quyền trấn áp?” Tớ nói: “Tôi chống đảng cộng sản làm quái gì. Việc nó nó làm, việc tôi tôi làm. Bực mình với nó thì có. Mà nhiều. Tôi không thích cái lối nửa đêm bị dựng dậy để hỏi tôi ngủ một mình hay hai mình?”.

Tôi bật cười.

- Cứ như thể có một cô gái ngủ cùng với mình là cái tội, thật đấy. Chán nhất là những cuộc họp. Liên miên. Không có mặt không được. Người ta họp cái gì, nói cái gì không cần biết, cần phải gật, không gật không xong. “Kẻ không theo ta là kẻ chống ta”, cái thằng vua nước ta nó dạy thế. Có rồ mới không sợ nó. Láng cháng là đi tù. Khổ nhất là cái sự phát biểu. Người ta giục thì tớ nói: “Tôi đồng ý với mọi phát biểu trước rồi mà”. Anh chàng Pháp làm hồ sơ cho tớ cười toác: “Có những chuyện như thế sao?” Tớ gật. Anh ta ký toẹt vào giấy, cho tớ đi Pháp.

Tôi cũng cười. Người Pháp thật dễ tính.

Định cư rồi, Trần xách giá vẽ lên đồi Montmartre. Ở đó có nhiều hoạ sĩ hành nghề vẽ chân dung. Làm nghề này không ai khấm khá. Chăm làm, đông khách thì sống được, tuy không dư dật.

Anh bán tranh qua ông Nikosian, gọi tắt là Niko, một hoạ sĩ già người Armenie. Nikosian là kẻ thất cơ lỡ vận. Hội hoạ là nghề ông chọn, nhưng ông không có duyên với nó. Tranh của ông không bán được. Thỉnh thoảng ông rẽ vào thăm Trần, nhận tranh và thanh toán tiền tranh bán được.

- Trong các nghệ thuật, hội hoạ là thứ ba lăng nhăng nhất, khó hiểu nhất – Niko tâm sự – Picasso là một thí dụ. Tranh Picasso không dễ hiểu. Nhưng người ta ca tụng Picasso chính là từ cái sự khó hiểu ấy. Ông đừng chê tranh ông Trần. Ông ấy vẽ lạ lắm, chẳng thuộc trường phái nào, chẳng dừng lại chỗ nào, mỗi lúc mỗi khác. Trần là người suốt đời đi tìm mà chẳng bao giờ thấy.

Ông dừng lại, mặt ngẩn, suy nghĩ. Rồi như chợt nhớ mình đang nói gì, ông chậm chạp nhồi vụn thuốc vào cái tẩu sứt sẹo, nói tiếp:

- Thế mà tranh của ông ấy cũng có khách mua đấy. Tôi đồ rằng chúng có sức mạnh cuốn hút những con mắt tinh đời, hay gọi là những con mắt ngớ ngẩn cũng được.

Tôi lặng nghe. Người già hay triết lý vặt.

- Có bận tôi bán được một bức tranh của ông Trần mà tôi không tài nào hiểu nổi ý nghĩa của nó: một người đàn ông với cặp mắt to, đen ngòm và trống rỗng như hai hố mắt đầu lâu, hai tay xiết chặt một người đàn bà không có mặt. Đôi tay rất lạ, dài thòng, giống hai sợi thừng xoắn lại.

- Hay nhỉ?

- Nể ông ấy, thương ông ấy thì đúng hơn, tôi xách đi, không hy vọng bán được. Thế mà cũng có người mua, mới kỳ.

- Một may mắn?

- Không phải – Niko lắc - Ông khách ngẩn người ngắm nghía bức tranh hồi lâu rồi bỏ đi. Lát sau ông ta quay lại, bỏ đi, rồi quay lại nữa, không biết là mấy lần. Rồi rụt rè hỏi mua. Tôi nói giá, ông ta giơ hai tay ôm đầu kêu trời, sao mà rẻ thế. Và móc túi trả cho tôi gấp đôi.

- Tôi cũng không hiểu tranh ông Trần.

- Người mua nằng nặc đòi gặp tác giả bức tranh – Niko trầm ngâm – Trần từ chối. Bạn ông là một người kỳ quặc. Ông ấy không thích giao du.

- Tính ông ấy thế. Từ xưa. Gàn lắm.

Niko nhìn tôi như lườm:

- Tôi không thể nói như vậy. Chẳng qua ông ấy không thích bị quấy rầy.

- Nhưng ông vẫn đến với ông ấy mà.

- Tôi là ngoại lệ. Hồi ông Trần mới tới chợ Montmartre bán tranh chúng tôi ngồi cạnh nhau. Về món chân dung, ông ấy kém. Thói đời nó thế - thiên hạ thích chân dung vừa phải giống vừa phải đẹp hơn thực. Không có khách thì đói dài.

- Tội nghiệp Trần.

- Nhưng về tranh siêu thực thì không ai theo được ông Trần. Những mảng màu, những nét cọ bay bướm, rất khó hiểu, nhưng đẹp thần kỳ. Biết ông ấy đói, tôi san sẻ bữa ăn với ông ấy. Chúng tôi trở thành bạn.

Tang lễ kết thúc. Niko đứng lên, vặn mình cho đỡ mỏi, xương kêu lục cục.

- Ai sẽ ở lại nhận bình tro? – ông nhìn tôi.

Tôi hất hàm chỉ Yvonne.

- Cô ấy sẽ đợi.

Ông ôm chặt cô gái, lấy ngón trỏ âu yếm quệt giọt nước mắt lăn trên má cô rồi nhẹ nhàng vỗ vỗ vào lưng cô, như cha với con gái.

Cử chỉ ấy làm tôi ngạc nhiên – hoá ra Niko cũng thân với Yvonne. Giữa họ có một tình bạn mà tôi không biết.

3

Tôi gặp Yvonne không ít lần ở căn phòng của Trần.

Tôi không biết gì về Yvonne. Tôi không hỏi. Trần không nói. Cô là một mặc nhiên. Cô đến, lục cục trong cái bếp tí xíu bên cạnh cái toa lét cũng tí xíu như thế, làm bữa cho Trần. Trong khi Trần lười biếng khều từng miếng thức ăn trong đĩa đặt trên cái bàn xếp, thì cô ngồi bên anh, tay chống cằm, ngắm bức tranh anh mới vẽ xong.

Tôi nhìn cái sô pha. Không hiểu hai người yêu nhau cách nào trên cái diện tích chật hẹp ấy.

Yvonne chẳng ngó đến tôi. Ngoài Trần ra, cô chẳng để ý đến cái gì khác. Tôi thừa khi họ bên nhau.

Tuy nhiên, giữa tôi và Yvonne thỉnh thoảng cũng có vài đối thoại ngắn.

- Anh thấy bức này thế nào? – Yvonne hỏi để mà hỏi, không chờ câu trả lời.

- Được đấy – tôi cũng nói để mà nói – Tôi không phải nhà phê bình hội hoạ. Trong địa hạt này tôi là kẻ ngoại đạo.

Trần cười mỉm.

- Tôi thấy nó thật tuyệt – Yvonne phản bác – Ông không thấy nó đẹp à?

Tôi bực mình:

- Tôi không đến xem tranh. Tôi đến thăm bạn.

- Đã xong đâu, em – Trần nói để xoá đi âm sắc không hiền hoà của tôi, anh nghiêng đầu ngắm bức tranh – Anh chưa hài lòng với nó, em ạ. Còn thiếu một cái gì đó mà anh không biết là cái gì.

Yvonne nguýt Trần:

- Anh bao giờ chả thế. Cái gì với anh cũng chưa xong, chưa xong. Cho tới khi Niko đến kiên quyết tha nó đi, không cho anh vẽ thêm.

4

Niko gọi điện cho tôi. Đó là sự lạ. Tôi không nhớ đã cho ông số điện thoại khi nào.

- Tôi có việc muốn hỏi ông.

- Ông cứ nói.

Đầu dây bên kia im lặng, ngập ngừng.

- Chuyện khó nói hay sao? Chúng ta có một người bạn chung. Thế là đủ.

- Thế này: tôi sẽ đi Việt Nam.

- Việt Nam là một nơi nên đến, một đất nước kỳ diệu.

Tôi không biết vì cớ gì Niko tại sao lại đùng đùng muốn đến Việt Nam

– Khi nào ông đi?

- Nếu đi thì tuần sau.

- OK. Vậy ông muốn hỏi gì? Có một chữ “nếu”. Tức là ông chưa quyết?

- Chính vì thế tôi phải gọi cho ông.

Tôi sốt ruột:

- Ông hỏi đi.

- Tôi không dư dả để hứng lên thì xách va li đi du lịch – Niko ngập ngừng một giây rồi mới tiếp – Là Yvonne rủ tôi.

Tôi ngạc nhiên thật sự. Yvonne đi Việt Nam để làm gì?

- Ra là thế – tôi nói.

Giữa bạn tôi và Yvonne hoá ra có một mối tình. Hơi kỳ quặc, nhưng có. Từ sau đám tang, tôi không gặp lại cô ấy.

- Yvonne chỉ thân với tôi thôi – Niko nói – Những lần tôi mang đi nhiều tranh thì cô ấy giúp tôi mang xách. Ở chợ Montmartre tôi và Yvonne có nhiều thời giờ trò chuyện. Về hội hoạ và những thứ khác. Nhất là về ông Trần. Cô ấy không chỉ yêu. Cô ấy si mê.

- Tôi cũng thấy thế.

- Cô ấy là người hiểu ông Trần.

- Hiểu cái gì?

- Tâm hồn ông ấy. Tâm hồn là thứ khó hiểu nhất. Không phải tôi. Không phải ông.

Tôi gật. Điện thoại không chuyển đi cái gật ấy, nhưng một giây lặng chứng tỏ Niko hiểu.

- Yvonne sẽ mua vé cho tôi.

- Hay quá!

- Tôi không muốn. Tôi không muốn ai bỏ tiền cho tôi vì bất cứ điều gì.

Tôi băn khoăn. Tôi không biết nên nói sao.

- Nếu Yvonne làm thế có nghĩa là cô ấy làm được.

- Tôi hiểu chứ. Cô ấy là một bác sĩ nha khoa. Ở nước này là một nghề kiếm bộn tiền.

- Thì ông cứ đi – tôi nói nước đôi – Nếu Yvonne cần có ông. Cô ấy tin tưởng ông.

- Cô ấy đi thì tôi hiểu được. Nhưng tôi đi để làm gì chứ?

Đến lượt tôi ngần ngừ.

- Làm sao tôi biết. Cô ấy cần người đi cùng. Có thể Yvonne muốn tìm gia đình ông Trần. Có thể cô ấy muốn chuyến đi sẽ mang lại cho cô ấy những gì chưa biết về ông ấy.

- Vậy tôi đi nhé? – tôi nghe thấy một tiếng thở ra hài lòng – Ông đồng ý thì tôi yên lòng. Chứ tôi ngại.

- Lên đường vui vẻ! Khi về kể chuyện tôi nghe.

- D’accord.

5

Dưới đây là lời Niko:

- Việt Nam là một đất nước kỳ diệu, đúng như ông nói. Chúng tôi đến vào mùa hè. Ngoài cái nóng rát cháy da, nó có đủ mọi thứ cuốn hút – những buổi bình minh rực rỡ, những hoàng hôn choáng ngợp, đầy màu sắc biến hoá không phải từng phút mà từng giây. Những ai từng ở qua nhiều biển mới được thấy cảnh đẹp phù thuỷ này. Salvador Dali, hay Jean Miro mà đến đây thì trong gia sản hội hoạ của họ còn tăng lên gấp bội. Chứ ở các thành phố thì, ố là là, thì chỉ có thể thấy bụi khói thay sương mù thôi.

Tôi lẳng lặng nghe.

- Chúng tôi gặp may. Tìm được một hoạ sĩ quen ông Trần. Chính ông này dẫn chúng tôi ra biển. Ông ta còn tình nguyện làm thông ngôn miễn phí trong suốt chuyến đi. Cái không may là ông ấy tưởng Yvonne cũng là một hoạ sĩ.

Ông ấy ngớ người khi nghe Yvonne nói là cô ấy cần thu âm tiếng ve sầu.

- Để làm gì, thưa cô?

- Tôi cần cái đó, rất cần, thưa ông.

Ông hoạ sĩ gãi đầu:

- Thế thì ta phải chọn một nơi khác, không phải Hà Nội. Một tay thị trưởng khùng đã chặt hết những cây to là nơi trú ngụ của chúng rồi. Nhưng khá xa đấy.

- Vậy ta đi, nhé?

- Nhưng khá xa đấy.

- Xa cũng được – Yvonne khăng khăng.

Ông ấy gãi đầu:

- Tôi không có nghề ghi âm. Mà không thể đến gần con ve sầu để ghi giọng nó. Ve sầu ở trên cao. Một tiếng động mạnh là nó lập tức im bặt.

Rốt cuộc, ông ta cũng giúp được Yvonne thực hiện cái yêu cầu kỳ quặc của cô.

Chúng tôi tìm được một kỹ sư âm thanh thất nghiệp của một xưởng phim đã chết. Ông kỹ sư đòi một giá trên trời. Ông hoạ sĩ ra sức thuyết phục mới được ông ta hạ xuống một phần ba. Mà như thế đã là nhiều lắm. Với tôi, đó là chuyện ném tiền qua cửa sổ.

- Yvonne cần tiếng ve sầu để làm gì?

- Khó hiểu. Tôi cũng ngạc nhiên không kém ông. Tôi tưởng cô ấy rủ tôi đi để tìm gia đình ông Trần, để tìm hiểu cuộc đời ông ấy. Hoá không phải.

Niko kể tiếp:

- Thì ra khi bệnh ông Trần trở nặng, Yvonne hỏi: “Anh muốn em làm gì cho anh bây giờ?” Ông Trần bảo: “Em không thể làm được điều anh muốn đâu”. Yvonne gặng: “Thì anh cứ nói, biết đâu em làm được”. Ông Trần bảo: “Tự nhiên anh muốn nghe thêm một lần tiếng ve sầu. Trong ngụ ngôn La Fontaine có nói tới ve sầu, mà ở đây anh chẳng thấy nó. Ngày còn nhỏ anh hay nằm dưới gốc cây để nghe chúng kêu ve ve”.

- Thì thế! Khi sắp lìa đời, người ta hay có những ước mong dị thường – Niko nói – Tôi cũng chẳng biết khi ấy tôi sẽ muốn cái gì?

- Ông còn sống lâu.

- Ai biết được ngày mình sẽ chết.

Tôi lảng tránh cái đề tài u ám.

- Rồi Yvonne mang băng ghi âm về?

- Tất nhiên – Niko nói, mặt buồn rượi – Mục đích của cô ấy là thế – ghi được tiếng ve sầu ở quê hương ông ấy. Chứ ở Pháp đâu có thiếu ve sầu. Thiếu là thiếu ở Paris thôi. Nhất là ở phố ông ấy. Không có cây thì lấy đâu ra ve sầu.

Tôi gật. Niko có lý.

- Cô ấy sẽ tới mộ ông Trần và bật cuốn băng ghi tiếng ve sầu quê hương cho ông ấy nghe. Dở hơi thế đấy. Yvonne rủ tôi đi cùng, nhưng tôi từ chối. Tôi không muốn thăm bạn theo cách ấy.

- Ông nghĩ thế là phải.

- Tôi quên không nói: sau khi hoả thiêu, Yvonne mang bình tro về quê, ở mãi Normandie, lập một nấm mộ cho Trần trong gia trang của tổ tiên.

Chuyện đến đây là hết.

Nếu có thể nói thêm điều gì cho câu chuyện này thì tôi sẽ nói:

- Tôi yêu những người dở hơi. Thiếu họ, trái đất của chúng ta khô cằn lắm!

2003