Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Mỹ thuật là gì và sự ra đời của mỹ thuật Việt Nam

Nguyễn Đình Đăng

1. Sự phân chia nghệ thuật thành mỹ thuật và mỹ nghệ

Khái niệm “nghệ thuật” như chúng ta hiểu ngày nay là phát minh của người châu Âu vào t.k. XVIII.

Trước đó khái niệm nghệ thuật bao gồm một hệ thống rất rộng.

Từ “art” trong tiếng Anh/Pháp, chỉ “nghệ thuật”, có gốc từ tiếng Latin “ars” và tiếng Hy Lạp “techne” (τέχνη). Trong suốt khoảng hai ngàn năm, từ thời Hy Lạp Cổ đại vào khoảng t.k. VIII TCN tới cuối thời Trung Cổ - đầu thời Phục Hưng vào t.k. XV, từ này đã được dùng để chỉ bất kỳ thứ kỹ năng nào của con người, từ làm bát đĩa, may vá, đóng giày, thêu thùa, nấu nướng, tới làm thơ, vẽ, chơi đàn, ca hát, xây dựng, trị bệnh, v.v..

Vào thời Trung Cổ nghệ thuật được chia làm hai thể loại là các Nghệ thuật Khai phóng (Liberal Arts) và Nghệ thuật Cơ học (Mechanical Arts). Nghệ thuật Khai phóng gồm 7 nghệ thuật: văn phạm, hùng biện, logic - tạo thành Trivium, và số học, hình học, thiên văn, âm nhạc - tạo thành Quadrivium. Nghệ thuật Cơ học bao gồm đan lát, vũ khí, thương mại, nông nghiệp, săn bắn, y thuật, nhà hát. Hội họa và điêu khắc không có tên trong danh sách này.

Khái niệm về các họa sỹ, điêu khắc gia, kiến trúc sư thời Trung Cổ không giống như khái niệm chúng ta hiểu ngày hôm nay. Từ “artefice” trong tiếng Ý thời đó (artifex trong tiếng Anh) được dùng để chỉ cả “nghệ sỹ” (artist) và “nghệ nhân” (artisan). Theo khái niệm này, từ họa sỹ, nhà soạn nhạc tới nhà giả kim thuật, thợ đóng giầy, tất cả đều là “artefici”. Artefice được coi là người làm ra sản phẩm chứ không phải nhà sáng tạo. Họa sỹ thời Trung Cổ vẽ từ các bích họa trên tường các giáo đường, tòa nhà, trang trí nhà cửa, đồ đạc cho các gia đình giàu có, tới các bức tranh theo đặt hàng. Các artefici thường làm việc theo tập thể trong một xưởng nào đó mà người đứng đầu (chủ xưởng, master) đứng ra ký hợp đồng. Thậm chí đến cuối t.k. XV họa sỹ vẫn chỉ được coi như thành viên của một nhóm, mỗi người đảm nhiệm một phân khúc công việc trong tổng thể. Ví dụ điển hình là vụ Leonardo da Vinci kiện chủ đặt hàng vì đã trả công cho Giacomo del Mano, nghệ nhân làm bộ khung án thờ, nhiều hơn ông và trợ tá vẽ bức tranh “Thánh Mẫu Đồng Trinh trong hang đá” để lắp vào án thờ đó (hợp đồng ký ngày 25/4/1483). Cuối cùng ông và trợ tá đã được trả 1000 ducats, còn Giacomo Del Mano 700.

Chỉ tới t.k. XVIII, thế kỷ Ánh sáng (tiếng Pháp: le Siècle des Lumières; tiếng Anh: the Age of Enlightenment), nghệ thuật mới được tách thành hai lĩnh vực, một bên là Mỹ thuật (Belle Arti trong tiếng Ý, Fine Arts trong tiếng Anh, Beaux-Arts trong tiếng Pháp [1]), bao gồm thi ca, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, múa, bên kia là Nghệ thuật Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, gọi tắt là Mỹ nghệ, như làm đồ gốm, đóng giầy, cắt may, thêu thùa, chạm khắc, dân ca, v.v..

Các tác phẩm của Mỹ thuật giờ đây được coi là thành quả từ cảm hứng sáng tạo và thiên tài, được tạo ra trước hết để chiêm ngưỡng, tận hưởng cảm giác thẩm mỹ do chúng khêu gợi trong những giờ phút an lạc. Trong khi đó Mỹ nghệ chỉ đòi hỏi kỹ năng, tuân thủ các quy tắc, và được tạo ra chủ yếu để phục vụ một mục đích hữu dụng nào đó, như làm bát đĩa, tách chén, bàn ghế, trang trí đền đài, nhà cửa, cắt may quần áo, hay để tiêu khiển.

Quá trình chuyển hóa từ quan niệm Nghệ thuật cũ tới sự phân chia Mỹ thuật và Mỹ nghệ không xảy ra ngay lập tức mà đã được khởi đầu và diễn ra từ từ trong suốt thời Phục Hưng, từ giữa t.k. XIV tới t.k. XVII. Đây là thời kỳ tính cá nhân và thiên tài của họa sỹ dần dần được đề cao.

Lúc đầu, bất chấp các tư tưởng mới và một thiểu số các tinh hoa được đánh giá cao trong một nhóm nhỏ, hầu hết các hoạt động thực hành nghệ thuật vẫn chịu sự điều khiển của hệ thống nghệ thuật cũ. Mặc dù hội họa, điêu khắc và kiến trúc cùng những người tạo ra chúng có vị thế cao hơn thời Trung Cổ, chúng chưa được liên kết với thi ca và âm nhạc để tạo nên Mỹ thuật như một thể loại riêng biệt. Cho tới suốt t.k. XVII các học giả vẫn bám vào hệ thống phân chia thành các Nghệ thuật Khai phóng và Nghệ thuật Cơ học của thời Trung Cổ. Thi ca được kết hợp với văn phạm và hùng biện, lý thuyết âm nhạc với hình học và thiên văn, thuộc các Nghệ thuật Khai phóng, trong khi hội họa, điêu khắc và kiến trúc được xếp vào các Nghệ thuật Cơ học [2].

Các họa sỹ, điêu khắc gia, và kiến trúc sư thời Phục Hưng vẫn phải làm việc theo các hợp đồng, trong đó các chi tiết như đề tài, nguyên vật liệu, kích thước, thời gian thực hiện, ngày giao nộp sản phẩm, giá cả được quy định tỉ mỉ. Thậm chí những phần cần sử dụng các vật liệu đắt tiền như lapis lazuli (lưu ly) hay vàng ròng cũng được ghi cụ thể. Ngày nay, khi tán dương tài hòa sắc của một danh họa đã vẽ áo choàng của Thánh Mẫu Đồng Trinh bằng màu lam lưu ly rực rỡ, hoặc vương miện dát vàng chói lọi của một quân vương, có lẽ cũng cần lưu ý rằng những màu sắc đó có thể không do họa sỹ quyết định mà là yêu cầu của chủ đặt tranh. Tuy nhiên tính độc lập của nghệ sỹ dần dần được nâng lên, như trong giai thoại về sự cố giữa Donatello và một thương gia Genova. Thương gia này đặt Donatello làm một bức tượng đầu người bằng đồng to bằng kích thước thật. Sau khi Donatello làm xong thương gia này lại kỳ kèo muốn giảm giá tiền với lý do Donatello làm bức tượng quá nhanh, chỉ khoảng một tháng. Nổi giận vì bị xúc phạm, Donatello đã đập tan bức tượng và mắng thương gia nọ là kẻ chỉ quen mặc cả mua rau ngoài chợ [3].

Vị thế của các họa sỹ và điêu khắc gia được đề cao rõ rệt nhờ sự ra đời của tầng lớp nghệ sỹ cung đình. Một loại hình hội họa mới xuất hiện: tự họa của các họa sỹ, trong y phục sang trọng, như để khẳng định địa vị xã hội của mình. Albrecht Dürer là họa sỹ châu Âu đầu tiên đã vẽ chân dung tự họa một cách có hệ thống. Ví dụ điển hình là tự họa năm 1500 của ông, trong đó, để thể hiện vị thế và sự tự tôn của bản thân, Dürer đã vẽ mình như Salvator Mundi (Đấng Cứu thế), với tư thế nhìn trực diện, ngón tay trỏ hướng thượng, hợp với ngón giữa, tạo thành chữ D, chữ cái đầu tiên của họ ông (Dürer) và cũng là của Chúa Trời (Dio), trong khi mái tóc xõa xuống vai và cái cằm ngang tạo thành chữ A, chữ cái đầu tiên của tên ông (Albrecht). Chữ ký tắt AD của ông lại được đặt ngay dưới năm 1500, thành 1500 AD (Anno Domini), tức năm thứ 1500 kể từ khi Chúa ra đời, như muốn nhấn mạnh mối liên hệ giữa ông và Thượng Đế.

Đó là những bước quan trọng tiến tới quan niệm hiện đại sau này về nghệ sỹ như một cá nhân sáng tạo độc lập. Song chỉ tới cuối t.k. XVIII, khái niệm “nghệ sỹ” mới được dùng để chỉ các nhà sáng tạo ra các tác phẩm mỹ thuật, trong khi “nghệ nhân” hay “thợ thủ công” là những người làm ra các vật hữu dụng hoặc để giải trí, tức mỹ nghệ.

Khoái cảm trong nghệ thuật do đó cũng được phân chia thành hai loại: loại đặc biệt và tinh tế dành cho mỹ thuật, được gọi là thẩm mỹ, và loại tầm thường dành cho mỹ nghệ. Mỹ thuật từ nay đóng vai trò quan trọng trong việc thăng hoa tinh thần tới một chân lý cao siêu hoặc để hàn gắn tâm hồn. Sự chiêm ngưỡng phi vụ lợi, trước kia chỉ dành cho Chúa Trời, nay cũng được dùng cho mỹ thuật.

Tới thế kỷ XIX, vị thế của nghệ sỹ như một nhà sáng tạo độc lập đã được khẳng định trong tuyên ngôn nổi tiếng của Oscar Wilde [4]:

“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả duy nhất của một khí chất duy nhất. Vẻ đẹp của nó xuất phát từ một thực tế rằng tác giả của nó chính là anh ta. Nó không liên quan gì tới việc người khác mong muốn cái họ muốn. Thật vậy, một khi nghệ sỹ ghi nhận những gì người khác muốn, và cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác, anh ta đã không còn là một nghệ sỹ nữa, mà đã trở thành một gã đần độn hoặc một thợ thủ công làm trò giải trí, một gã lái buôn thật thà hoặc gian manh. Từ khoảnh khắc đó trở đi anh ta không còn có thể tự cho mình là nghệ sỹ được nữa”.

Theo Wilde, nghệ thuật đã trở thành sự biểu hiện chủ nghĩa cá nhân:

“Nghệ thuật là phương thức mạnh mẽ nhất của Chủ nghĩa cá nhân mà thế giới đã biết. Tôi có xu hướng nói rằng đó là phương thức thực sự duy nhất của Chủ nghĩa Cá nhân mà thế giới đã biết. Tội phạm, mà trong những điều kiện nhất định dường như đã tạo ra Chủ nghĩa Cá nhân, phải buộc người khác nhận thức được và gây trở ngại cho họ. Nó thuộc về lĩnh vực hành động. Nhưng một mình nghệ sỹ có thể tạo nên một thứ đẹp đẽ, mà chẳng dính dáng gì tới những người xung quanh và không dây vào việc của họ; và nếu y không làm điều đó chỉ vì khoái cảm của riêng mình thì y hoàn toàn không phải là một nghệ sỹ.”

Như vậy Mỹ thuật là khái niệm ra đời từ t.k. XVIII để chỉ loại hình nghệ thuật thị giác riêng biệt, như hội họa, điêu khắc, và kiến trúc, được tạo ra chủ yếu nhằm mục đích thẩm mỹ và trí tuệ, được đánh giá bởi vẻ đẹp và ý nghĩa. Trừ kiến trúc, trong đó tính hữu dụng được chấp nhận như đặc thù do bản chất nhị nguyên của nó, khái niệm Mỹ thuật đã loại bỏ ngay từ đầu tính hữu dụng. Còn Nghệ thuật Thủ Công/Nghệ thuật Trang trí/Nghệ thuật Ứng dụng/Nghệ thuật Dân gian, gọi tắt là Mỹ nghệ, là thể loại nghệ thuật được tạo ra chủ yếu nhằm phục vụ một mục đích hữu dụng nào đó hoặc để giải trí tiêu khiển.

Đi cùng với sự phân chia này là sự tách biệt nghệ sỹ (artist) với nghệ nhân (artisan) và tách biệt thẩm mỹ với tính hữu dụng và các khoái lạc thông thường. Nghệ sỹ được đánh giá thông qua việc thể hiện thiên tài, tính sáng tạo, và sự độc đáo của mình trong tác phẩm nghệ thuật. Việc thưởng thức mỹ thuật đòi hỏi các phán xét tinh tế, thường được gọi là thị hiếu tốt (tiếng Pháp: bon goût, tiếng Anh: good taste), giúp phân biệt các tác phẩm mỹ thuật với các sản phẩm mỹ nghệ.

2. Sự ra đời của thuật ngữ “mỹ thuật”

Triết gia và nhà thẩm mỹ học người Pháp Charles Batteux (1713 - 1780) là người đầu tiên đã trình bày mỹ thuật như một hệ thống tách bạch bao gồm Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Thi ca, Âm nhạc, và Múa (hay Nghệ thuật của Cử chỉ) trong cuốn sách “Les beaux arts réduits à un même principe” (Mỹ thuật quy về một nguyên tắc duy nhất) xuất bản năm 1746 [5]. Các quan điểm của Batteux đã có ảnh hưởng lớn và được chấp nhận rộng rãi không chỉ ở Pháp mà trên toàn châu Âu. Khái niệm Beaux-Arts, tức Mỹ thuật, ra đời và được thừa nhận từ đó.

Tới năm 1784, trong cải cách giáo dục cao học và nghệ thuật, Đại Công tước xứ Tuscany Pietro Leopoldo I di Toscana đã cải tạo và đổi tên Accademia delle Arti del Disegno, tức Hàn lâm viện (hay Học viện) các Nghệ thuật Dessin ở Florence (do Đại Công tước Cosimo I de’ Medici thành lập năm 1563), thành Accademia di Belle Arti, tức Hàn lâm viện (hay Học viện) Mỹ thuật. Chương trình học của Hàn lâm viện Mỹ thuật Florence bao gồm Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Trang trí và Khắc trổ đồng. Một sưu tập nghệ thuật Cổ đại và Hiện đại (tức đương thời) cũng được thiết lập tại Hàn lâm viện. Ngày nay đó là hai bảo tàng mỹ thuật Galleria dell'Accademia và Galleria d'Arte Moderna di Palazzo Pitti ở Florence.

Ở Pháp, vào năm 1803, Classe des Beaux-Arts, tức Lớp Mỹ thuật, của Institut de France đã được thành lập tại thủ đô Paris. Đó là tiền thân của Académie dés Beaux-Arts, tức Hàn lâm viện Mỹ thuật, ra đời năm 1816, sau khi hợp nhất Académie Royale de Peinture et de Sculpture (Hàn lâm viện Hoàng gia về Hội họa và Điêu khắc), Académie Royale de Musique (Hàn lâm viện Hoàng gia về Âm nhạc), và Académie Royale d'Architecture (Hàn lâm viện Hoàng gia về Kiến trúc), được thành lập từ t.k. XVII, thành một trong năm hàn lâm viện của Institut de France. Năm 1863 Napoléon Đệ Tam ra quyết định cho phép Hàn lâm viện Mỹ thuật độc lập với nhà nước, và đổi tên thành École des Beaux-Arts, tức Trường Mỹ thuật Paris.

Victor Tardieu (1870 - 1937), người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của École des Beaux-Arts de l’Indochine, tức Trường Mỹ thuật Đông Dương, từng là sinh viên chính thức của Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1890 tới năm 1894.

3. Vai trò của trường Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD)

Từ lịch sử và định nghĩa của mỹ thuật nói trên, có thể thấy, trước khi École des Beaux-Arts de l’Indochine, tức trường MTĐD, được thành lập vào năm 1924, nghệ thuật ở Việt Nam vẫn là nghệ thuật dân gian, thuộc phạm trù Mỹ nghệ, trong đó nghệ nhân là thành viên của một nhóm thợ có nhiệm vụ hoàn thành một đặt hàng nhằm phục vụ một mục đích hữu dụng nào đó như trang trí đình chùa, miếu mạo, sản xuất đồ tiêu dùng, v.v.. Vai trò cá nhân, sự độc lập, tính sáng tạo cũng như danh xưng của nghệ sỹ/nghệ nhân hoàn toàn vắng bóng. Trừ một số ngoại lệ trên đổ gốm sứ [6], hầu hết sản phẩm nghệ thuật đều vô danh.

Trong bài "Les industries indigènes au pays An Nam" (Những nghề bản xứ ở nước An Nam) đăng trên tờ La Dépêche Coloniale (Tin nhanh Thuộc địa) ngày 31 tháng 10 năm 1909, trang 256 - 262, Henri Oger nhận xét:

"Đó là một dân tộc của những người nông dân, chỉ mua những đồ rất rẻ tiền. Chất lượng sản xuất tranh tô màu dân gian An Nam cũng cho thấy khá rõ điều đó. Một điều kỳ lạ là hoạ sỹ tranh màu ở nước này không biết vẽ dessin. Đây là cách họ làm việc. Đề tài của họ, như đã có thể thấy trước, hạn chế về số lượng. Họ phải chép lại từ một thợ vẽ bản xứ. Bản chép đó được gửi tới một thợ khắc gỗ để làm khuôn nổi. Thợ làm tranh màu in trước vài tá đề tài bằng mực đen. Việc của y là tô màu lên trên đó. Tranh dân gian An Nam được trình bày dưới dạng một tập hợp những màu mạnh, lủng củng. Ta thấy ở đó một cách tô màu đậm lòe loẹt, xuất hiện trong nhiều ngôi nhà ở nước này".

Vài năm trước Henri Oger, trong cuốn "Psychologie du peuple annamite" (Tâm lý của dân An Nam) (Ernest Leroux, Paris, 1904) Paul Giran cũng có nhận xét tương tự:

"Để cho đầy đủ, cũng cần nói thêm rằng người An Nam còn biết nghệ thuật sơn ta, khảm trai, ngoài ra, y còn là một thợ thêu tỉ mỉ, một thợ kim hoàn kiên nhẫn và khéo léo, nhưng trong tất cả những thứ đó, y luôn làm theo vẫn một quy trình như vậy, vẫn một sự lười biếng như vậy, vẫn một sự yếu kém về khả năng như vậy. Thờ ơ, thiếu sáng kiến, thiếu khả năng phát minh, y chưa bao giờ là một nhà sáng tạo. Theo một hướng thông minh, y có thể đạt được sự bắt chước gần như hoàn hảo. Y có một tài năng nhất định, nhưng chưa bao giờ từng là thiên tài".

Chỉ sau khi trường MTĐD khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1925, người Việt mới được dạy một quan niệm hoàn toàn mới về nghệ thuật. Đó là khái niệm Beaux-Arts, tức Mỹ thuật, như một thể loại nghệ thuật riêng biệt, được tạo ra để chiêm ngưỡng chủ yếu vì tính thẩm mỹ thuần túy của nó chứ không nhằm phục vụ bất cứ một mục đích hữu dụng nào.

Từ nay vai trò cá nhân của nghệ sỹ được đề cao. Nghệ sỹ dùng tài năng của mình vẽ tranh hay tạc tượng không chỉ để tô điểm cung điện, chùa chiền nữa mà chủ yếu để thể hiện sự sáng tạo, bộc lộ cái tôi của mình trong thế giới. Ký tên là một điều dĩ nhiên như một phần không thể thiếu được của tác phẩm. Chữ ký trở thành sự xác nhận của nghệ sỹ rằng đây chính là tác phẩm của y, được sáng tạo, hoàn thành, và chấp thuận bởi chính y và chỉ một mình y mà thôi chứ không phải ai khác, kể cả vua chúa và quan lại. Việt Nam bắt đầu có một nền mỹ thuật, một giới nghệ sỹ hữu danh sáng tác và ký tên lên tác phẩm của mình, triển lãm tác phẩm theo tinh thần mỹ thuật phương Tây.

Vì thế trường MTĐD chính là nơi khai sinh nền mỹ thuật Việt Nam, chứ không phải "mỹ thuật hiện đại" Việt Nam như một số tác giả từng viết, bởi một lẽ đơn giản rằng trước khi trường MTĐD ra đời, dải đất hình chữ S này chưa từng có một nền mỹ thuật như một hệ thống riêng biệt theo quan niệm đã được phân tích ở trên.

Và họa sỹ Victor Tardieu (1870 - 1937), người sáng lập đồng thời là hiệu trưởng đầu tiên của trường MTĐD, hoàn toàn có thể được coi là cha đẻ của nền mỹ thuật Việt.

___________

Chú thích:

[1] Tính từ giống đực/cái “bello/bella” (số nhiều: belli/belle) trong tiếng Ý có nghĩa là “đẹp”, tương đương “beau/belle” (số nhiều: beaux/belles) trong tiếng Pháp. Tính từ “fine” trong tiếng Anh có nghĩa là “đẹp, tinh tế, thon thả, phẩm chất/chất lượng rất cao, tuyệt vời, v.v.”

Tính từ giống đực tương đương trong tiếng Nga là “изящный”, có nghĩa là “xinh đẹp duyên dáng, kiều diễm, tao nhã”. Thuật ngữ Изящные искусства đã được dùng kể từ khi Hàn lâm viện Nghệ thuật Hoàng gia (Императорская Академия художеств) được thành lập năm 1757 với tên Академия трёх знатнейших (изящных) художеств, tức Hàn lâm viện của ba môn mỹ thuật danh tiếng nhất. Ba môn mỹ thuật đó là hội họa (живопись), điêu khắc (ваяние) và kiến trúc (зодчество). Ngày nay thuật ngữ изобразительные искусства được dùng để chỉ mỹ thật, tương đương fine arts trong tiếng Anh, beaux-arts trong tiếng Pháp và belle arti trong tiếng Ý.

[2] Larry Shiner, The invention of art: A cultural history (The University of Chicago Press, Chicago - London, 2001).

[3] Giorgio Vasari, The lives of the artists (Oxford University Press, Oxford, 1991).

[4] Oscar Wilde, The Complete Works of Oscar Wilde. Volume IV: Criticism: Historical Criticism, Intentions, The Soul of Man, Josephine M. Guy, ed. (Oxford University Press, Oxforf, 2007) 231.

[5] Charles Batteux, Les beaux arts réduits à un même principe (Durand, Paris, 1746).

[6] Trong thủ công mỹ nghệ Việt, các nghệ nhân vẽ gốm Bùi Thị Hý và nghệ nhân đồ gốm thờ tự Đặng Huyên Thông ở Nam Sách, Hải Dương, là những ngoại lệ hiếm hoi đã ghi tên tác giả lên sản phẩm từ cuối t.k. XV và cuối t.k. XVI.

N.Đ.Đ

Nguồn: Nguyễn Đình Đăng