Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Công chúa Bari - Tỵ nạn trong một thế giới bất ổn

Hồ Anh Thái

Cuốn tiểu thuyết là sự trình bày thân phận của người lưu vong ở nước Anh.

Cô gái trong truyện, được ví với nàng công chúa Bari trong truyện cổ xứ Hàn. Hai số phận xưa và nay đều trải qua rất nhiều gian truân và trước mỗi biến cố trong đời, cô gái nay lại đối chiếu mình với nàng công chúa xưa. Bỏ đi khỏi xứ Bắc Hàn, cô Bari chạy sang Trung Quốc, làm đủ việc để rồi được đường dây đưa sang nước Anh. Câu chuyện bắt đầu khi cô đến London. Hai cô gái cùng đi được nhà chứa nhận, còn Bari mười sáu tuổi gầy gò bị chê. Cô phải xin vào làm việc trong một quán ăn Tàu, sẽ phải làm việc vài năm mới trả xong nợ cho đường dây đưa người. Ông bếp trưởng tốt bụng giới thiệu cho cô sang làm việc trong một hiệu làm móng của người Việt Nam ở London. Cô được nhận làm massage chân ở đó, tiền lương cao hơn, đủ để trả nợ đúng thời hạn.

Từ đây cuốn sách đi theo hướng trình bày cuộc sống của người lưu vong ở nước Anh. Họ thâm nhập vào London bằng những đường dây đưa người. Chú Rhu bếp trưởng từ Trung Quốc trốn sang. Chú Thanh người Việt thì cư trú ở Đức rồi chạy sang Anh mở hiệu làm móng. Chị Luna nhân viên làm móng người Bangladesh. Cô Sari giúp việc cho nhà giàu thì quê hương ở tận Sri Lanka. Ngay cả những người đã được nhập quốc tịch như ông Abdull và người cháu Ali cũng hao mòn trong cuộc sống lao động vất vả.

Duyên phận đưa đến chỗ Bari lấy Ali, người lái tắc xi quê gốc ở Kashmir, vùng xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, nhưng Ali thuộc thế hệ thứ nhất sinh ra ở Anh. Sau khi xảy ra sự kiện khủng bố ở tòa tháp đôi 11.9.2001, Mỹ tấn công tiêu diệt khủng bố ở Afghanistan, nhiều người Hồi giáo ở châu Âu tìm đường sang Afghanistan để tham gia thánh chiến chống Mỹ. Em trai của Ali biến mất khỏi nước Anh, rồi Ali phải sang Afghanistan tìm em. Bari phải sinh con một mình mà chồng cũng mất hút đâu đó ở vùng Nam Á bạo loạn kia. Không rõ hai anh em họ đi tìm nhau, hay là đi theo quân khủng bố, hay là đã chết.

Sẽ chỉ là một cuốn tiểu thuyết thông thường trình bày cuộc sống tha hương và tỵ nạn ở châu Âu của những con người từ nhiều nước Á Phi, nếu như tác giả không để cho nhân vật Bari có một khả năng đặc biệt. Cô chạm vào chân ai thì có thể biết được cuộc sống của người đó. Người đầu tiên cô thử việc massage chân là chú Thanh, chủ hiệu làm móng Nail Salon Tonkin. Khi chạm vào bàn chân chú Thanh, Bari thấy hiện lên một bức tường đổ rồi chú vượt qua núi và lên tàu. Hình ảnh ấy được chú giải thích là chú đã bỏ đi sau khi bức tường Berlin sụp đổ, sang sống ở Hà Lan mấy năm rồi mới đến London này. Xoa bóp chân cho cô Sara, Bari biết được cô là con lai ở Sri Lanka, lấy chồng da trắng và chồng đã bỏ đi. Chạm vào bàn chân phu nhân Emille, Bari thấy một cuộc xung đột ở Nam Phi, thấy một người vú nuôi da đen, đấy là vú nuôi của phu nhân. Hơn thế, Bari còn thấy ông chồng da trắng của phu nhân đi cùng cô nhân tình người Thái Lan. Ông chồng bị người tình bắn chết, rồi số phận đẩy tới việc phu nhân Emille phải nuôi đứa bé con của chồng với cô người Thái Lan đang ở tù. Hận thù và thành kiến sắc tộc dần dần được hóa giải.

Kết cục phần nào có hậu dường như cũng hóa giải những đau khổ chất chồng lên cuộc đời Bari. Nhưng sự có hậu ấy vẫn rất mong manh trong một thế giới bất ổn. Khi Bari có thể thấy lại một chút hạnh phúc thì lại có một cuộc đánh bom khủng bố ngay giữa thành phố London. Những sự việc kinh hoàng như vậy dù xảy ra ở Mỹ hay châu Âu thì thành kiến xã hội vẫn tập trung vào những người tỵ nạn khốn khổ đến từ những nước nghèo.

Hwang Sok-yong sinh năm 1943, là một trong những nhà tiểu thuyết nổi bật của Hàn Quốc. Ông là nhà văn Hàn Quốc duy nhất được điểm danh trong tập Nhà văn - cuộc đời và tác phẩm của hãng sách DK ở Anh (Nguyễn Ánh Hồng dịch, Đông A và NXB Dân Trí 2022). Từng miễn cưỡng đi lính sang Việt Nam từ 1966 - 1969, ông cũng từng đi tù, một lần năm 1964 vì hoạt động chính trị, lần sau năm 1989 (ngồi tù năm năm) vì đại diện cho phong trào dân chủ sang Bắc Hàn qua tuyến đường Tokyo và Bắc Kinh. Sau đó ông sống lưu vong, dạy đại học ở New York và ở Đức, rồi trở về Seoul vì “một nhà văn cần phải sống ở xứ sở có tiếng mẹ đẻ của mình”.

Tiểu thuyết ngắn Công chúa Bari, dù đã được tác giả thay đổi cách nhìn hiện thực bằng một vài yếu tố kỳ ảo, nhưng phương pháp kỳ ảo hóa chưa thực sự hiệu quả. Có khi tác giả dành đến mấy chục trang trong một cuốn sách mỏng để miêu tả một giấc mơ phi lý nhưng chỉ là hiện thực giản đơn. Trên thực tế, Hwang Sok-yong thành công hơn ở những tiểu thuyết sử thi và nhắc đến ông thì nên dịch tiểu thuyết tiêu biểu như Mr. Han’s Chronicle về một gia đình bị ly tán vì chiến tranh Nam Bắc Triều, hoặc The Shadow of Arms, kể lại trải nghiệm cay đắng của ông trong chiến tranh Việt Nam mà ông coi là “đòn đánh vào cuộc đấu tranh giải phóng”. Đấy mới là những tiểu thuyết hấp dẫn đại diện cho phong cách nghệ thuật của  Hwang Sok-yong.

Một số hạt sạn trong sách:

- Ngõ hẻm nhỏ (trang 74): cái ngõ nhỏ và hẹp thì gọi là ngõ hẻm. Thêm chữ nhỏ là thừa.

- Đạo Công giáo (trang 158): giáo đã có nghĩa là đạo. Viết Công giáo là đủ.

- Thánh Allah: trong sách, hễ nhắc đến Allah là gọi “Thánh Allah”. Thực ra Allah là Đấng Chúa Trời, Thượng Đế, không phải thần thánh.

- Người theo đạo Hồi và đạo Hindu không ăn thịt lợn (trang 27): chỉ có người đạo Hồi ghê sợ thịt lợn. Còn người Hindu nếu không ăn chay thì không kiêng.

- Lễ Ramadan được chú thích là “tháng nóng” (trang 91): viết rằng Ramadan là tháng nóng là không chính xác. Đạo Hồi ra đời ở bán đảo Arab, ở đó tháng nào cũng là tháng nóng. Ramadan theo lịch Hồi giáo, cho nên mỗi năm lại xê dịch so với dương lịch, không cố định. 

- Thời điểm diễn ra lễ Ramadan trong khoảng một tuần (trang 108): không đúng, Ramadan kéo dài suốt một tháng, gọi là tháng ăn chay, từ lúc mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn, tín đồ không ăn uống bất cứ thứ gì.

- Bài nguyện tự thú (trang 104): thực ra tác giả đang nhắc đến câu tuyên thệ của người Hồi giáo, không phải bài nguyện tự thú.