Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Đêm tháng 7 dưới chân Trần Hưng Đạo

Thái Hạo

Tình cờ, chúng tôi gặp lại nhau, thật vội vã, giữa Sài Gòn, dưới chân tượng Trần Hưng Đạo. Không biết điều gì run rủi đã đưa chúng tôi đến đây, mấy đứa ngồi nhìn ra bến Bạch Đằng lồng lộng gió thổi. Ba mươi phút ngắn ngủi mà bày ra biết bao dâu bể của đời.

viber_image_2022-07-24_12-01-43-757

 

Người bảo vệ già khoát chúng tôi lại và nói “Có nhang đó, các cháu thắp nhang cho Ông đi”. Chúng tôi châm lửa vào đầu cây nhang, mùi hương tan ra giữa không gian bát ngát. Trên đài, Trần Hưng Đạo đứng uy nghi, một tay đặt lên cán gươm, một chỉ tay về Đông… Hỏi thăm chú bảo vệ, chú bảo “Nhang đèn này là chú tự lo cho Ông, nhà nước không có chi khoản đó, lương chú 6 triệu, 24/24 chú ở đây, nếu mưa thì chú chạy qua bên kia trú… Ở đây với Ông dễ chịu lắm, chú không thấy buồn”.

Những cây nhang đang tỏa khói, có lẽ cái mùi nhang tháng Bảy trong khung cảnh này đã làm một người đồng nghiệp của tôi nhớ. Bạn kể, hồi còn học đại học, vì biết lòng tha thiết của cha nên bạn đã tự mình tìm tới nghĩa trang liệt sĩ ở xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) để thắp nhang cho chú. Chú hi sinh năm 1972, mãi sau hơn 20 năm đằng đẵng ngược xuôi gia đình mới tìm được mộ chú, lúc ấy cha đã già, đi lại khó khăn lắm, cha chỉ vào với chú được một lần cho đến ngày cha ra đi.

Vì mong muốn của cha, bạn cùng một người bạn học tìm đến nơi chú nằm, về tới nghĩa trang thì trời đã đứng ngọ. Cả một biển mộ mênh mông trước mặt giữa trưa vắng làm bạn thấy lành lạnh. Trước mặt là những tấm bia “Liệt sĩ vô danh”, không thể đốt nhang cho tất cả những ngôi mộ ấy, vì dường như chúng dài rộng đến vô tận. Bạn thắp một nén nhang chung cho tất cả trên chiếc lư hương lớn trước tượng đài, ngọn lửa bùng lên, bốc cao, trong chốc lát đã cháy rụi hết những chân nhang lưu cửu từ ngày nào.

Tìm đến mộ chú, Nguyễn Hữu Mười… dòng chữ đã mờ dưới mưa nắng thời gian, không hiểu sao một cảm giác ruột thịt kỳ lạ xâm chiếm, dù chú đã mất từ khi bạn chưa chào đời. “Cha vốn kiên cường, dù là ngày giỗ của ông bà, chưa bao giờ thấy cha khóc; nhưng năm nào giỗ chú cha cũng kể chuyện và không cầm được nước mắt, như một đứa trẻ. Cha kể, lần ấy chú hành quân vào Quảng trị, đơn vị đi qua làng, chú xin phép và chạy tạt về nhà thăm bà. Chú dúi vào tay cho bà tờ tiền 10 đồng màu đỏ rồi cầm vội mấy củ khoai lang sống bỏ vào trong áo và chạy theo đơn vị. Vừa chạy vừa ăn. Chú đói. Đó là lần cuối cùng cha nhìn thấy chú. Từ lần ấy, chú không trở về nữa”.

Hình ảnh đó đã làm cha khóc mãi cho đến khi nhắm mắt. Chú hi sinh, chưa gia đình, chưa vợ con. Ông bà đã mất từ lâu, nay cha cũng đã đi xa, chỉ còn lại lớp cháu, không ai biết mặt chú. Rồi tất cả sẽ phôi phai, sẽ không còn ai nhớ chú nữa. Chú sẽ tan biến vào hư không, tan biến vào quên lãng…

Tôi bất giác: “Còn những người đồng đội, còn nhà nước…”. Bạn cười buồn. Thì ra cha bạn cũng từng vào sinh ra tử. Trực súng ở địa phương, tham gia thanh niên xung phong, hỏa tuyến, rồi năm 1970 cha nhập ngũ, vào chiến trường Bình Trị Thiên. Sau những ngày hành quân và chiến đấu gian khổ, cha mất sức, không còn khả năng chiến đấu nữa nên được đưa ra tuyến sau rồi phục viên, năm đó là 1973.

Về với quê hương Hà Tĩnh cằn cỗi nghèo khó, tài sản của cha là mấy kỉ vật của cuộc đời người lính, cha cất kỹ trong rương, để làm một người nông dân. Cha cùng mẹ làm lụng nuôi 6 chị em khôn lớn. Rồi nhà bị cháy trong một cơn hỏa hoạn, đó là cuộc chiến lần thứ hai của đời cha. Cha mẹ cùng nhau dựng lại căn nhà nhỏ, nhưng bao nhiêu giấy tờ thì đã hóa tro tàn.

Cuộc sống mưu sinh cực nhọc cứ thế qua đi. Đến khoảng những năm 1998-2000 ở quê mới bắt đầu có chính sách làm chế độ cho những cựu chiến binh. Mọi người khuyên cha nên làm thủ tục để có được cái giấy thương-bệnh binh, mỗi tháng có tiền trợ cấp và những ưu tiên cho 6 đứa con ăn học. Cha làm. Sau những ngày ngược xuôi, cuối cùng đã có lại trong tay bao nhiêu là hồ sơ. Cha mừng lắm. Nhưng rồi hồ sơ viết đi viết lại bao nhiêu lần vẫn thiếu, vẫn không đạt. Đằng đẵng ba bốn năm trời cả gia đình cứ chạy vạy làm hồ sơ nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cha cầm mớ giấy tờ ấy về, ngồi buồn. Lí do của việc hồ sơ nộp rồi lại bị trả thì ai cũng hiểu. Những người đã làm được chế độ thương-bệnh binh cũng đã chỉ đường cho cha và không quên nói nhỏ: Cần phải theo “cơ chế” ông ạ. Mẹ bảo, hay là chi ít tiền, nhờ họ làm cho xong đi. Cha nổi giận, “Tau đi chiến đấu thật, đồng đội tau còn đó, xóm giềng còn đó, thân thể ốm yếu do ăn sương nằm đất còn đây; giờ bảo tau “chạy giấy tờ”, thế hóa ra tau bịa, tau mua à?”. Cha xé nát mớ giấy, ném vào lửa. Hỏa hoạn lần nữa trong đời cha. Từ đó cha không bao giờ nhắc lại những hi sinh của mình...

Vậy là cha đã không trở thành một thương-bệnh binh. Cha sống cô đơn, ra đi cô đơn – giữa một xã hội mà cha cũng không hiểu, cái xã hội mà cha và chú đã để lại xương thịt cho nó, giờ thì phải cúi đầu khúm núm trước những đứa trẻ mặt ráo hoảnh ngồi ưỡn lưng hất hàm nói chuyện với ông để “giúp” một suất thương binh.

Bạn nín lặng, đưa tay quẹt nước mắt – nước mắt của một người con sinh ra từ một người cha suýt nữa cũng đã vĩnh viện nằm lại trong khói lửa của cuộc chiến tang thương ấy.

Gió từ bến Bạch Đằng mỗi lúc một thổi lên dữ dội. Đám người trước mặt bỗng nháo nhào bỏ chạy, mấy người bán nước xô ra ôm những chiếc ghế nhựa rồi lao biến vào trong bóng tối, bọn thanh niên mỗi đứa cầm một ly nước đứng nhìn. Bên kia, những người công an áo vàng, áo xanh đang giằng nhau với người bán hàng những chiếc giỏ và ghế. Tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng quát, có cả tiếng cười. Cảnh tượng trước mắt vừa buồn cười, vừa khốc liệt. Như một quả bom rớt vào giữa buổi chợ đông.

Chúng tôi cũng đã ngừng nói chuyện từ bao giờ không hay, cứ ngồi nhìn cái náo loạn ấy để câu chuyện đứt quãng. Gió Bạch Đằng vẫn thổi ào ào trên những tàn cây.

Trong bóng tối, mấy chị mấy anh bắt đầu ôm ghế từ từ đi ra, lấp ló dưới đèn đường… Trần Hưng Đạo vẫn đứng đó, một tay đặt lên cán gươm, một tay chỉ xuống bến sông.

Người bán hàng đã ngủ bên gốc cây; mấy thanh niên mặc áo xanh grab cũng đã gục xuống đầu xe bên vệ đường.

Cách đó không xa, trên phố Bùi Viện, tiếng nhạc từ các quán bar đập liên hồi trong ánh đèn vũ trường loang loáng. Ánh đèn vàng, xanh, đỏ sáng rực cả một vùng trời; tiếng nhạc rung chuyển mặt đất, rung chuyển những tòa nhà, như thành phố bị đánh bom, lần nữa.

Chúng tôi chào nhau và chào chú bảo vệ. Chú nói đêm chú ngủ ở đây, giữa trời, trên chiếc lan can này. “Không ốm đâu”, chú quả quyết, “vì Ông thương chú lắm”. “Ông thương tất cả … chỉ không biết là họ có thương Ông hay không…”.

Chúng tôi đi, mỗi đứa một ngả, mùi nhang từ lư hương còn phảng phất trong gió mạnh. Cuộc gặp ngắn ngủi, tình cờ, chưa kịp hỏi han nhau điều chi về cuộc sống hiện tại, chỉ có câu chuyện của quá khứ là có lẽ sẽ còn theo mãi.

Cầu cho đêm nay đừng mưa, vì người bảo vệ già còn nằm ngủ giữa trời, dưới chân Trần Hưng Đạo, một mình.

T.H