Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Cung Tiến nói về Cung Tiến

Thụy Khuê

CungTien (1)

 

Cung Tiến (1938-2022)[1] là một trong ba nhà soạn nhạc Avant-garde của Việt Nam trong thế kỷ XX, sau Nguyễn Thiên Đạo và Tôn Thất Tiết.

Sự nghiệp âm nhạc của Cung Tiến có thể chia làm hai thời kỳ:

Từ 1952 đến 1975, tạm gọi là thời kỳ cổ điển, sáng tác ca khúc theo truyền thống âm nhạc Tây phương, thế kỷ XVIII, XIX.

Từ 1976 trở đi, Cung Tiến bước vào thời kỳ hiện đại của âm nhạc thế kỷ XX, sử dụng làn điệu Việt Nam như một chất liệu để sáng tác cho một giọng, một đàn, hay một tổ khúc cho dàn nhạc và ban hợp xướng... đây là thời kỳ ông phát triển âm nhạc dân tộc với phương tiện hiện đại Tây phương, bắt đầu với nhạc khúc Hoàng Hạc Lâu (1976), để tiến tới những tổ khúc như Chinh phụ ngâm, Quan họ Bắc Ninh...

Người Việt phần lớn chú trọng và vinh thăng Cung Tiến thời kỳ cổ điển, ở trong nước, trước 1975, khi ông sáng tác ca khúc theo làn điệu Tây phương, ít ai chú ý đến giai đoạn hải ngoại của Cung Tiến, khi ông bước vào thời kỳ hiện đại của thế giới, bằng kỹ thuật âm nhạc thế kỷ XX, dùng thanh âm tiếng Việt, thanh âm đời sống làm chất liệu mà hai nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo và Tôn Thất Tiết đã khai phá.

Cách đây gần ba mươi năm, chúng tôi may mắn được tiếp chuyện với nhạc sĩ Cung Tiến trong hai buổi và ông đã giải thích con đường ông đi: cách ông sử dụng các tổ chức âm thanh cổ truyền của Việt Nam để tạo ra âm nhạc hiện đại và việc ông sang Pháp để "học hỏi" hai bậc đàn anh. Nhưng trước khi nghe những lời của Cung Tiến, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về hai nhà soạn nhạc tiên phong trên con đường này là Nguyễn Thiên Đạo và Tôn Thất Tiết.

Nguyễn Thiên Đạo sinh ngày 3-7-1940 tại Hà Nội. Mất ngày 20-11-2015 tại Paris. Năm 1953 sang Pháp, vào nhạc viện quốc gia Pháp năm 1963. Nhà soạn nhạc hiện đại lừng danh Olivier Messiaen, cũng là thầy của Nguyễn Thiên Đạo, nhận định rằng: Nguyễn Thiên Đạo là một trong những nhạc sĩ lớn, đặc biệt nhất của thế hệ này. Sau khi nghe bản Koskom soạn cho dàn nhạc đại hòa tấu (Radio France, 1971) ông đã kinh ngạc trước tài năng của Nguyễn Thiên Đạo.

Trong những sáng tác của Nguyễn Thiên Đạo, có vở tuồng opéra tiếng Việt Mỵ Châu Trọng Thủy, trình diễn ngày 7-12-1978, tại Opéra Comique ở Paris (Salle Favart), do họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015) thực hiện phần trang trí và y phục, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Marius Constant. Nguyễn Thiên Đạo đạo diễn. John Davis phụ trách ánh sáng. Udo Reinemann trong vai An Dương Vương, Christiane Chateau trong vai Mỵ Châu và Anna Ringart trong vai Trọng Thủy. Đây là một tác phẩm Avant-garde cả về âm nhạc lẫn tạo hình của hai tên tuổi lớn, người Việt, sống tại Pháp. Cũng như Lê Bá Đảng, Nguyễn Thiên Đạo luôn luôn hướng về nguồn cội văn hóa Việt Nam để tìm hiểu và sáng tạo. Xin kể một thí dụ: ông đã giảng cho tôi nghe hàng giờ về tiếng hát Thái Thanh: đó là hợp âm của tất cả những thanh âm thần kỳ trong chèo cổ, ca trù, quan họ... mà không dân tộc nào có được.

Kể từ 1995, Nguyễn Thiên Đạo về nước thường xuyên, ông đã tổ chức những buổi hòa nhạc tại nhà Hát Lớn và giảng dạy ở nhạc viện Hà Nội. Tuy nhiên nhạc của ông ít được "công chúng" Việt Nam biết đến, vì mức độ tân kỳ, khó tiếp nhận, hầu như chỉ dành cho giới thông bác âm nhạc quốc tế.

Tôn Thất Tiết sinh ngày 18-10-1933, tại Huế, học nhạc ở Việt Nam. Ông sang Pháp năm 1958, để đào sâu về âm nhạc, dưới sự hướng dẫn của Jean Rivier rồi André Jolivet tại nhạc viện Paris. Ông viết về hai người này: "Tôi không bao giờ hướng về bất kỳ một phong cách nào, mối liên lạc giữa chúng tôi ở mức độ tinh thần. Vô tình, ông [Jolivet] đã giúp tôi đào sâu ý tưởng mà Jean Rivier đã cho tôi trước đây: trở về Đông phương để tìm một phong cách. Rivier hướng dẫn tôi lựa chọn ngôn ngữ và hình thức, trong khi Jolivet khuyến khích tôi coi âm nhạc như một phương tiện diễn tả chứ không phải là một cứu cánh."[2]

Tôn Thất Tiết phối hợp hai ngả: dùng cảm hứng và tư tưởng Đông phương làm nền để hòa hợp với phương tiện diễn đạt Tây phương. Ngoài những tác phẩm soạn cho nhạc thính phòng, từ Kiêm ái (1978), Ngũ hành (1971-1990) đến Chu kỳ (1976-1986)... ông còn làm nhạc phim, đặc biệt ba phim của Trần Anh Hùng: Mùi đu đủ xanh (1993), Cyclo (1995), Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) và Mùa len trâu (2004) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Nhạc Tôn Thất Tiết khơi gợi nghệ thuật và tâm hồn Việt trong tác phẩm của Trần Anh Hùng. Trong Mùi đu đủ xanh, nhạc đã tạo thêm chiều kích cổ kính và tâm linh cho tác phẩm; đặc biệt trong Cyclo, nhạc tạo thêm chiều dày tội ác và gây khủng hoảng. Trần Anh Hùng và Tôn Thất Tiết phối hợp, tạo ra các tác phẩm Avant-garde nhất về điện ảnh và âm nhạc, của người Việt, khiến thế giới phải vinh danh và kính phục.

Nhạc Tôn Thất Tiết "dễ hiểu" hơn nhạc Nguyễn Thiên Đạo, tuy nhiên cũng không ở trong tầm tay của đa số quần chúng. Và sự nghiệp âm nhạc đặc thù của ông cho tới ngày nay, vẫn ở trong giới sành âm nhạc ở Pháp.

Tôn Thất Tiết đã về Việt Nam nhiều lần, cùng với Trần Văn Khê, Nguyễn Thiên Đạo, vận động đắc lực cho việc phục hưng nền nhạc cung đình ở Huế và tái tạo ca trù ở Bắc.

Vở opéra tiếng Pháp L'Arbalète magique (Chiếc nỏ thần) (2006) lời của Tâm Quỳ (vợ ông), phỏng theo truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy, với 9 nhân vật, do nhóm Musicatreize thực hiện với sự điều khiển của nhạc trưởng Roland Hayrabedian, ghi âm trên điã DDD năm 2007, thể hiện sự giao thoa giữa đông và tây này. Cùng đề tài, Nguyễn Thiên Đạo, năm 1978, đã soạn opéra tiếng Việt Mỵ Châu Trọng Thuỷ với dàn cảnh di động của Lê Bá Đảng, như đã nói ở trên. Hai sự kiện này chứng tỏ các tài năng lớn của Việt Nam, sống ở ngoại quốc, đều "dùng" văn hoá dân tộc làm chất liệu sáng tác.

Nhưng có rất ít bài viết của người Việt, nói về tác phẩm của hai nhà soạn nhạc tài danh này. Chúng tôi cũng là kẻ ngoại đạo, không hiểu rõ âm nhạc. Năm 1992, tôi được gặp nhạc sĩ Cung Tiến lần đầu ở California.

Năm sau, chúng tôi ghi âm buổi nói chuyện đầu tiên với ông, và năm sau nữa, buổi nói chuyện thứ nhì. Ông đã phân tích và giải thích cho những người "ngoại đạo về âm nhạc", hiểu thế nào là nhạc hiện đại mà Nguyễn Thiên Đạo và Tôn Thất Tiết, tiên phong trong lãnh vực này, đã khai phá, đồng thời ông cũng nói về sự "tìm thầy học đạo" của ông, khi sang Paris, năm 1994, để gặp hai vị đàn anh.

Hôm nay chúng tôi cho phát thanh lại hai chương trình này, thực hiện cách đây gần ba mươi năm, với mục đích:

- Để nghe, hay nghe lại tiếng nói của Cung Tiến.

- Để nghe hay nghe lại trích đoạn các tác phẩm hiện đại của Cung Tiến, mà ông đã say mê sáng tác trong những năm tháng ở hải ngoại, trong đó có ba mốc:

Hoàng Hạc Lâu (1976) tác phẩm đầu tiên giao hòa âm nhạc ngũ cung với phương tiện hiện đại của thế kỷ XX. Năm 1976, di cư sang Úc, Cung Tiến nhận được bài thơ cuối cùng của Vũ Hoàng Chương, sáng tác ngày 12-6-1975, tại Sài Gòn, dịch thơ Thôi Hiệu, do họa sĩ Ngọc Dũng từ Hoa Kỳ gửi sang. Biết Vũ Hoàng Chương đã bị bắt giam trong khám Chí Hoà [tháng 4-1976], tháng 5-1976, tại Canberra, Cung Tiến phổ nhạc Hoàng Hạc Lâu, định gửi về Sài Gòn để Thái Thanh hát cho thi sĩ nghe, nhưng không kịp, Vũ Hoàng Chương đã mất ngày 6-9-1976.

Vang Vang trời vào xuân (1982-1983). Năm 1981, họa sĩ Duy Thanh, gửi cho Cung Tiến một số thơ Thanh Tâm Tuyền làm trong tù, ký Trần Kha [tên này do người ta đặt ra] in trong một tuyển tập cùng với nhiều bài thơ khác. Năm sau, Cung Tiến lựa 12 bài để phổ nhạc thành một liên ca khúc lấy tên Vang vang trời vào xuân, soạn cho giọng hát và piano [sau rút lại còn 10 bài]. Được trình diễn lần đầu ở Washington, năm 1985, với Mai Hương và Quỳnh Giao, Nghiêm Phú Phi đệm dương cầm. Năm 1989, Thanh Tâm Tuyền ra hải ngoại, tập thơ của ông được in năm 1990 với tựa đề Thơ ở đâu xa.

Chinh phụ ngâm (1981-1987), là tổ khúc soạn cho một dàn nhạc giao hưởng, nhưng chưa bao giờ được thực hiện theo đúng ý nguyện của Cung Tiến, vì thiếu phương tiện và nhạc cụ, ông đã phải "thu gọn" lại cho một dàn nhạc nhỏ, trình diễn lần đầu, cuối tháng 3 năm 1988, tại San Jose, California.

Ở đây, chúng tôi phát lại cả hai chương trình phỏng vấn nhà soạn nhạc Cung Tiến, năm 1993 và 1994, đồng thời ghi lại hai cuộc phỏng vấn này, để làm tài liệu.

*****

Dưới đây là bài phát thanh trên RFI ngày 14-3-1993: Nhạc sĩ Cung Tiến nói về con đường âm nhạc của ông.

I - Phần phát thanh ngày 14-3-1993

clip_image001(Bấm vào đây để nghe)

Nhạc sĩ Cung Tiến sinh năm 1938 tại Hà Nội, học xướng âm và ký âm pháp một mình từ nhỏ, chính thức học nhạc lý với nhạc sĩ Thẩm Oánh năm 1949. Trong thời gian du học tại Úc châu về kinh tế học, từ năm 1956 đến 1962, Cung Tiến học các lớp dương cầm, hoà âm, đối điểm và sáng tác tại Âm nhạc viện Sydney. Và từ 1970 đến 1973, du học về kinh tế tại Anh quốc, Cung Tiến học thêm phần nhạc lý, nhạc sử và nhạc học. Cung Tiến sáng tác rất sớm, Thu vàng ra đời năm 1952, khi Cung Tiến mới mười bốn tuổi; Hoài cảm được viết năm Cung Tiến mười lăm tuổi. Nhạc Cung Tiến, từ những Thu vàng, Hoài cảm... đến Hương xưa, Nguyệt cầm, Lệ đá xanh... mang âm hưởng lãng mạn Tây phương, tha thiết gợi nhớ, bổng cao, trong sương khói phôi pha của một thời đã xa, đã mất. Trong nhạc đã có chất thơ, cho nên mỗi bản nhạc Cung Tiến khi hát lên thì lời dường như tan loãng vào nhạc, lời không còn giữ nguyên hình hài của ngôn ngữ mà chức năng chủ yếu là truyền ý. Lời trong nhạc Cung Tiến có chức năng tạo tâm hồn, tạo linh cảm cho bản nhạc, lời trong nhạc Cung Tiến như ánh sáng đối với họa sĩ là chất liệu âm thanh góp phần với thanh âm trong nốt nhạc, tạo nên tác phẩm.

[Trích bản Đường hoa, thơ Quang Dũng, Cung Tiến phổ nhạc, do Quỳnh Giao và Nguyễn Thành Vân hát, ban nhạc giao hưởng Minneapolis, do nhạc trưởng Robert Bobzin điều khiển].

Thụy Khuê: Thưa anh Cung Tiến, anh sang đây từ năm nào?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Thưa chị, tôi sang đây năm 1975. Ngày 29 tháng tư năm 1975, tức là ngày cuối. Sang đây được mấy tháng thì lại sang Úc, sang Úc tới cuối năm 1976, tôi trở về Mỹ.

TK: Anh sáng tác rất ít, thính giả tự hỏi: vì anh lựa lọc tác phẩm hay vì anh không có nhiều thì giờ dành cho âm nhạc?

CT: Cám ơn Thụy Khuê, sáng tác ít hay nhiều, về cái lượng thì rất ít, lý do chính là có việc làm khác, việc làm mưu sinh, còn thời giờ sáng tác, mỗi tuần có độ khoảng hai ngày cuối tuần, có khi tôi xin nghỉ ở sở, mà sáng tác bị cắt đoạn như vậy, thì ít khi thành lắm, nên ít là vì vậy, dù sao tôi cũng có một số tác phẩm đang viết.

TK: Từ 76 đến bây giờ [1993] anh hoàn tất được bao nhiêu tác phẩm?

CT: Nói tác phẩm thì hơi lớn, một vài ca khúc. Cái ca khúc đầu tiên mà tôi viết sau khi rời Việt Nam, là ở bên Úc [1976], phổ thơ, cũng là bài thơ cuối cùng của Vũ Hoàng Chương, dịch Thôi Hiệu hay Thôi Hộ, bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Từ đó đến nay, tôi cũng có một số tác phẩm viết cho giọng hát với đàn dương cầm như là tập liên ca khúc Vang vang trời vào xuân, phổ 10 bài thơ của Thanh Tâm Tuyền viết từ trong trại cải tạo, sau này được in ở ngoại quốc. Ngoài ra cũng còn một số tác phẩm viết cho dàn nhạc, thí dụ như Chinh phụ ngâm, viết cho dàn nhạc hòa tầu, thế nhưng tôi cũng không hài lòng mấy với tác phẩm này, nó có một vài nét riêng mà tôi thích, nhưng nói chung cũng là một thứ ngôn ngữ tương đối chưa được phát triển mấy, về cách sử dụng ban nhạc, cũng như về structure bố cục âm nhạc, thì tôi cũng chưa hài lòng lắm, tuy nhiên đó là cái mà tôi đã viết, dù muốn hay không cũng là đứa con đã đẻ ra.

[Trích đoạn Vang vang trời vào xuân, thơ Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến phổ nhạc, Quỳnh Giao và Nguyễn Thành Vân hát, Lê Ngọc Chân đệm dương cầm]

TK: Thưa anh, lời trong nhạc Việt thường có một chỗ đứng quan trọng đôi khi hơn cả nhạc, còn riêng đối với anh, dường như anh đặt nhạc lên trên lời, có phải như thế không? Nếu đúng như thế, thì tại sao anh lại quan niệm như thế?

CT: Thưa chị, câu chuyện cũng dài, mà trong khuôn khổ buổi phát thanh ngắn như thế này, tôi chỉ có thể nói tóm tắt thôi, là cái truyền thống nhạc ở Việt Nam, hay các nước Á Đông, xưa nay vẫn là truyền thống có lời ca, lời hát, dùng tiếng nói con người để phát biểu tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ bằng âm thanh nhưng dựa vào cái ý của lời hơn là âm thanh.

Riêng tôi, thì từ nhỏ, từ 13 tuổi, cho đến bây giờ, tôi cũng đã viết một số ca khúc, nhưng mà phần lớn là phổ thơ, tức là lấy thơ, thí dụ của Thanh Tâm Tuyền, của Xuân Diệu, của Phạm Thiên Thư, của Vũ Hoàng Chương, của Quang Dũng, đó là những nhà thơ mà tôi thích, cái không khí những bài thơ hợp với tôi trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời tôi, thì tôi đã lấy những lời thơ đó để phổ vào nhạc. Trong một số tác phẩm đó, là tôi cũng dựa vào lời ca để vẽ nên cái không khí, bối cảnh, tâm tình, trong bài thơ, để diễn tả bằng nhạc cho bài hát mà thôi.

Ngoài ra thì chính tôi, tôi thích âm nhạc gọi là âm nhạc hòa tấu hoặc là viết cho một nhạc khí, một giọng người, dùng cái giọng người như một dụng cụ như rất nhiều nhà soạn nhạc trên thế giới trong thế kỷ XX đã ý thức được giọng người như một dụng cụ, như một nhạc khí như anh Nguyễn Thiên Đạo. Nhất là anh Nguyễn Thiên Đạo đã sử dụng rất thành công tiếng Việt Nam như một âm thanh, chứ không có cái ý nghiã ở trong đó, tức là cái chiều sémantique, ý nghiã học, không quan trọng bằng âm thanh. Tiếng Việt Nam, giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam, mỗi giọng là một âm nhạc và chỉ lấy cái essence là cái yếu tố quan trọng nhất trong giọng nói của con người ở một vùng địa dư, nó có cái âm thanh nào đó, tôi lấy cái đó làm một thứ instrument mà tôi thích.

Vâng, thì ngoài ra tôi vẫn thích viết nhạc, về nhạc, hơn là để chuyên chở cái ý của bài thơ, hay lời ca.

[Trích đoạn Vết chim bay, thơ Phạm Thiên Thư, Cung Tiến phổ nhạc, với Susanne Sutant, soprano, ban nhạc thính phòng Lạc Việt, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Lê Ngọc Chân]

TK:Thưa anh Cung Tiến, anh có liên lạc thường xuyên với các nhạc sĩ khác ở hải ngoại hay không?

CT: Qua những thư tín correspondance, thì tôi đã liên lạc được với một số nhà soạn nhạc Việt Nam ở Pháp, thứ nhất là anh Tôn Thất Tiết, thứ nhì là anh Nguyễn Thiên Đạo, là hai nhà soạn nhạc mà tôi rất quý mến, rất cảm phục. Ngoài ra còn một số nhà soạn nhạc ở bắc Mỹ, như anh Lê Ngọc Chân, một số nhà biên khảo về dân tộc nhạc học như anh Nguyễn Quốc Phong, nhưng chỉ là gián tiếp thôi, tức là biên thư hỏi những người này ý của họ về âm nhạc mới và nhất là về âm nhạc Việt Nam hiện đại, và chúng tôi đã giới thiệu được một số nhạc sĩ, nhà soạn nhạc đó, trong mấy số Thế kỷ 21. Riêng tôi cũng có bài viết về hiện tình âm nhạc trên thế giới, tức là giới thiệu những cách sử dụng âm thanh, những cách bố cục âm thanh, trong thế kỷ XX và những chiều hướng trong tương lai. Vâng, đó là những sinh hoạt mà chị đã hỏi về những nhà soạn nhạc và nhạc sĩ Việt Nam ở hải ngoại.

[Trích Bài hát tự do, thơ Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến phổ nhạc, Mai Hương hát, với tiếng dương cầm của Lê Ngọc Chân]

TK: Thưa anh, người ta thường thấy một sự khác biệt rất xa giữa âm nhạc xuất hiện trong thị trường với âm nhạc của anh. Riêng anh, anh thấy âm nhạc của anh ảnh hưởng thế nào trong đời sống của cộng đồng người Việt tại hải ngoại?

CT: Thưa chị, tôi cũng, nói cho ngay, cũng bận rất nhiều về những công tác khác, những công việc khác, thứ nhất là mưu sinh, cho nên cũng không được nghe nhiều những âm nhạc mà cộng đồng Việt Nam ở đây thích; nhưng theo thiển ý của tôi, và theo những điều tôi nhận xét, có thể là rất chủ quan và phiến diện, thì âm nhạc nào cũng là hay cả, cái phát biểu của con người về âm nhạc cũng như là làm món ăn, làm bàn ghế, xây nhà cửa, không phải cái nào xấu, cái nào đẹp; âm nhạc là một lối phát biểu của con người mà mình phải quý trọng, nhưng mà có loại nhạc có thể bán chạy, có loại nhạc, không bao giờ bán được cả hay là bán chạy ít, cái đó là tùy thuộc khiếu thẩm âm của người thưởng ngoạn cũng như là túi tiền của người thưởng ngoạn, nhưng mà phần lớn là khiếu thẩm âm; vì thế nhạc của tôi, tôi không thể nói là để trên cái cán cân, có thành công hay không về mặt thương mại, bởi vì riêng tôi thì, tôi không có thu băng gì cả, có một số bài hát, thì một số ca sĩ có thu băng ở nơi nọ, nơi kia, nhưng hoàn toàn không phải do ý kiến của tôi; không biết người ta có bán được hay không, bởi vì tôi không trực tiếp ở trong chuyện đó, cho nên để trả lời câu hỏi của chị, tôi có ảnh hưởng gì trong cộng đồng không, thì tôi chắc là, riêng tôi, thì không có một chút nào cả.

TK: Trước khi từ giã xin anh nói một vài lời với những người bạn nhạc sĩ của anh ở Việt Nam.

CT: Cám ơn Thụy Khuê, tôi rất nhớ những người bạn đồng hành với tôi trong âm nhạc. Những người bạn đã sinh hoạt cùng với tôi, tôi rất nhớ, nhưng tôi tạm không có thể nêu tên lên được. Và những người bạn đó của tôi mà nghe tiếng của Cung Tiến trên làn sóng điện này, xin nhớ rằng Cung Tiến không bao giờ quên những người bạn.

TK: Chúng ta từ giã anh CungTiến bằng bản nhạc giao hưởng Chinh phụ ngâm, trong chuyển động III, tựa đề Khúc khải hoàn do ban nhạc giao hưởng Minneapolis trình bày dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Robert Bobzin.

***

Buổi nói chuyện thứ hai được ghi âm trong tháng 5-1994, khi nhạc sĩ Cung Tiến sang thăm Paris. Nhưng vì phải đợi cassette thu âm buổi hoà nhạc mới nhất của Cung Tiến tại Hoa Kỳ, để lên chương trình, nên chúng tôi chưa phát thanh ngay. Sáu tháng qua vẫn chưa có cassette, nên chúng tôi đã phát thanh bài phỏng vấn trên làn sóng RFI ngày 6-11-1994.

Trong buổi nói chuyện này, Cung Tiến cho biết mục đích chuyến sang Paris của ông tháng 5-1994 và giải thích phong cách sáng tạo hiện đại của Tôn Thất Tiết và Nguyễn Thiên Đạo mà ông muốn học hỏi và sự trở lại với dân ca của riêng ông.

II -Phần phát thanh ngày 6-11- 1994

clip_image001[1](Bấm vào đây để nghe)

Nhạc sĩ Cung Tiến trở lại Paris sau trên mười năm xa cách, anh không chỉ là một nhà soạn nhạc tài danh mà còn là một nghệ sĩ, dịch giả, thiết tha với văn chương và giới cầm bút. Nhân chuyến đi này, anh nói chuyện với chúng tôi về mối tương giữa Cung Tiến và giới âm nhạc Việt Nam tại Paris.

TK: Thưa anh Cung Tiến, nhân dịp gì mà anh sang Paris?

CT: Tôi sang Paris có một số việc làm. Một trong những việc làm đó là thâu thập những tài liệu về dân ca Việt Nam mà những thể chế của nước Pháp đã thâu thập trong gần thế kỷ qua.

TK: Tức là anh đi để tìm tòi nghiên cứu hay là anh sang để liên lạc với những người bạn về âm nhạc; trong công việc đó của anh, thì phần nào đối với anh là phần chính?

CT: Tất nhiên riêng tôi thì để gặp những người tôi đã ngưỡng mộ trong lãnh vực âm nhạc như anh Nguyễn Thiên Đạo, anh Tôn Thất Tiết và một người nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam là anh Trần Quang Hải, và có thể tôi tiếp xúc với giáo sư lão thành Trần Văn Khê, đó là những việc liên quan đến công việc làm của tôi, công việc mà tôi sang đây nghiên cứu. Thế nhưng còn một chuyện nữa, cũng quan trọng không kém là tôi muốn gặp một số bạn hữu trong đó có những nhà văn, nhà thơ, và có một người bạn quý của tôi mà tôi mới gặp cách đây hai năm ở California là bà Thụy Khuê.

TK: Thưa anh, trong những người bạn của anh về ngành âm nhạc, những người trong ngành sáng tác như anh Nguyễn Thiên Đạo hay anh Tôn Thất Tiết, thì anh thấy hiện giờ, giữa anh và những người bạn sáng tác này có một sợi dây liên lạc như thế nào?

CT: Anh Nguyễn Thiên Đạo và anh Tôn Thất Tiết là hai nhà soạn nhạc tôi quý mến từ lâu. Hai người đã nổi tiếng trong lãnh vực âm nhạc trên thế giới về kỹ thuật, về quan điểm viết nhạc. Chúng tôi muốn gặp hai nhà soạn nhạc này để học hỏi, là thứ nhất, thứ hai, tôi muốn hỏi họ về cái possibilité, cái khả hữu sử dụng chất liệu âm nhạc Việt Nam với kỹ thuật sáng tác Tây phương thế kỷ XX, mà lãnh vực này anh Đạo và anh Tiết đứng hàng đầu trong nền âm nhạc thế kỷ XX của thế giới, tôi không nói của Việt Nam mà của thế giới. Thí dụ như anh Đạo, những cách sử dụng nhạc cụ theo một lối mới của anh đã được nhiều sách Tây phương, ở Mỹ, ở Âu Châu nói đến rất nhiều, tác phẩm Tây Nguyên của anh Đạo hay là tác phẩm Ngũ Hành của anh Tiết, sách nào cũng nói tới hai tác phẩm này vì những cách sử dụng nhạc cụ theo một lối làm mới. Tôi muốn sang để học hỏi hai anh này cái possibilité để sử dụng những chất liệu, những làn điệu Việt Nam hay là những cái khác, với kỹ thuật Tây phương như thế nào, đó là một trong những mục đích tôi sang Paris.

TK: Thưa anh, anh có thể cho biết thêm sự khác biệt giữa anh và hai nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo và Tôn Thất Tiết?

CT: Thụy Khuê thì chắc là cũng thích âm nhạc, nhưng chắc là cũng không theo dõi âm nhạc, nhất là âm nhạc thế kỷ XX, nó có những khía cạnh kỹ thuật của nó mà chỉ một số người theo dõi thường xuyên mới tìm được ra giá trị của nó. Anh Tiết,và anh Đạo sáng tác theo một đường lối thế kỷ XX, không có chú trọng về bất cứ về những cái gì mà các thế kỷ trước đã đi theo, thí dụ như cách tổ chức thời gian cũng như cách tổ chức độ cao của âm thanh hay là trung tâm nào của âm thanh. Hai anh đó là là những người tiên tiến trong nghệ thuật âm thanh của thế giới. Riêng tôi, tôi chưa được am hiểu cũng như chưa được học kỹ càng về kỹ thuật sáng tạo của thế kỷ XX, thành ra sự khác biệt giữa tôi và hai anh đó không có gì phải nói cả. Riêng tôi, tôi vẫn cổ hủ, cổ điển, tức là dùng tonalité, dùng âm thanh có một trung tâm với một số kỹ thuật cổ điển nào đó, cổ hủ chứ không không phải cổ điển, giữa tôi và hai anh đó hoàn toàn khác nhau rất nhiều, và cái hơn là phần hai anh đó, cái phải học hỏi là phần tôi.

TK: Thưa anh bây giờ về giáo sư Trần Văn Khê, anh chờ đợi gì ở giáo sư Trần Văn Khê?

CT: Cụ Trần Văn Khê thì tôi đã kính phục, tôi đã đọc sách và những bài khảo luận của giáo sư Trần Văn Khê. Tôi muốn được đến để tìm hiểu những gì mà cụ Khê đã tìm ra, đã nghiên cứu được, nhất là về khía cạnh dân ca, tôi không nói về khía cạnh âm nhạc truyền thống musique traditionnelle trong triều đình Huế, ở những cái mà người Trung Hoa đã truyền sang, mà chúng tôi đã nghiên cứu và những người nghiên cứu về dân tộc học Trung Hoa cũng đã nghiên cứu rất nhiều. Riêng khía cạnh về dân nhạc, tức nhạc dân gian, nhạc dân Tày và Nùng, những nhạc hoàn toàn không có trong sách vở Tây phương, thì tôi muốn hỏi ý kiến của giáo sư Khê về những khiá cạnh của kỹ thuật của các vấn đề đó, để chúng tôi học hỏi.

TK: Trong khoảng thời gian gần đây, xin anh cho biết những công trình của anh, những sáng tác của anh.

CT: Thụy Khuê chắc cũng theo dõi và cũng biết tôi còn cái việc mưu sinh của những người ở ở hải ngoại, sống thì cần phải có thức ăn trên bàn những buổi chiều khi đi làm về, nên tôi phải làm việc khác. Nhưng âm nhạc là cái tôi thích từ thuở nhỏ mà không có phương tiện thực hiện và cũng không có những can đảm như những nghệ sĩ đã hoàn toàn bỏ những thứ [mưu sinh] đó đi để mà thực hiện điều mình muốn.

Mặc dù như vậy, tôi cũng đang làm một số công việc: Việc thứ nhất, tôi đang hoàn thành tác phẩm phổ thơ của Tô Thùy Yên, tập thơ Ta về khá nổi tiếng của nhà thơ này, dùng đơn đặt hàng của một tổ chức gọi là The Schubert Club của St Paul, bang Minnesota, thì tôi viết cho một giọng nói, hát và ngâm với một dàn nhạc thính phòng nhỏ trong đó chúng tôi sử dụng rất nhiều nhạc cụ gõ, instruments à percussion như mõ, chuông, vv... và việc thứ hai cũng là mục đích sang Paris, để thu thập tài liệu vì chúng tôi đang thực hiện một cái suite orchestrale, một tổ khúc cho dàn nhạc, lấy những làn điệu hay là bản chất đặc biệt của làn điệu quan họ Bắc Ninh để viết tổ khúc tạm gọi là Tổ khúc Bắc Ninh, một cái suite viết cho một dàn nhạc giao hưởng lớn, chuyên chở khoảng bốn chuyển động với một thời gian độ nửa tiếng; tức là dùng những chất liệu của vùng Bắc Ninh để viết nên một bản nhạc, nhưng không phải hoàn toàn dùng những làn điệu đó như là một arrangement tức là soạn lại những giai điệu đó, không phải, mà tôi dùng những chất liệu gọi là essence tức dùng bản sắc của những giai điệu đó để làm thành những tôn vinh âm nhạc quan họ Bắc Ninh của Việt Nam.

TK: Thưa anh, những sáng tác của Cung Tiến bây giờ với những sáng tác của Cung Tiến ngày xưa khác nhau như thế nào?

CT: Thưa chị, những bài hát ngày xưa những sáng tác gọi là sáng tác ngày xưa, chúng tôi là những người trẻ sống ở thành thị, học sinh thành thị, chưa tiếp xúc gì với âm nhạc dân gian Việt Nam, chưa hiểu gì về thế giới âm thanh của dân tộc Việt Nam, thì chúng tôi chỉ biết những gì mà tôi đã học mà tôi đã yêu, tôi đã thích, đó là nhạc Tây phương; dùng cái âm giai bẩy nốt của Tây phương, dùng cách tổ chức câu, tổ chức hòa âm, vv... của Tây phương, cái đó hoàn toàn tôi đã làm một cách sung sướng, bởi vì tôi là sản phẩm của những gì mà tôi đã học.

Nhưng mà từ khi sang Mỹ, từ khi rời khỏi Việt Nam sang Tây phương thì tôi cảm thấy một nhu cầu là dân tộc Việt Nam mà tôi là một người trong dân tộc đó, đã có những chất liệu đó, đã có những tổ chức âm thanh như vậy, tại sao tôi không mượn những cái đó, dùng những cái đó, tạm gọi là của "mình", mình trong ngoặc kép, để làm những cái gì tạm gọi là mới trong thế kỷ XX. Tất nhiên khán thính giả cũng biết, là trong cuộc đời này, không có gì là mới cả, cái gì cũng là cũ, nhưng mà tôi thấy rằng sau một thời gian tôi làm âm nhạc theo tonalité của Tây phương, bây giờ tôi muốn làm cái gì của Đông phương, của Việt Nam, cái đó dẫn tôi đi làm cái mà tôi khoái, mà hiện giờ tôi khoái nhất là làn điệu quan họ Bắc Ninh.

TK: Xin cám ơn anh Cung Tiến.

Buổi nói chuyện trên đây được ghi âm vào tháng 5 năm nay [1994], sau khi chia tay, anh hứa sẽ gửi cho chúng tôi băng ghi âm buổi hòa nhạc mới nhất của Cung Tiến ở Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay [tháng 11-1994] băng vẫn chưa hoàn tất. Trong chương trình này quý vị nghe Hương xưa, qua tiếng hát Lệ Thu, mở đầu; và tổ khúc Chinh phụ ngâm, kết thúc.

****

Để tưởng niệm và tri ân ba danh ca đã qua đời: Quỳnh Giao, Mai Hương và Lệ Thu.

Paris 1-7-2022

Thụy Khuê


[1] Cung Tiến sinh ngày 27-11-1938 tại Hà Nội. Mất ngày 10-5-2022 tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ.

[2] Theo tiểu sử Tôn Thất Tiết, in trong tập L'Arbaléte magique (Chiếc nỏ thần) cùng với điã DDD đi kèm, lời Tâm Quỳ, nhạc Tôn Thất Tiết, Actes Sud, Musicatreize Paris, 2007.