Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Rừng và cuộc triển lãm đầu tiên của Phòng Tranh Tự Do từ 24/6 đến 24/7/1989

Đặng Hải Sơn

Rừng (tên thật: Nguyễn Tuấn Khanh), sinh năm 1941 tại Phnom Penh, nhiều người Việt vẫn quen gọi Nam Vang, tên thủ đô nước Campuchia từ thời các chúa Nguyễn. Chính vì nơi sinh đặc biệt này, một nhà sưu tập nghệ thuật và đồ cổ người Mỹ, có một cửa hàng ở Phnom Penh lầm tưởng Rừng là người gốc Khmer, ngỏ ý khẩn khoản mời Rừng bày tranh chung với một nhóm họa sĩ người Campuchia ở Sài Gòn và Phnom Penh. Tôi phải giải thích Phnom Penh chỉ là nơi sinh. Rừng đã theo gia đình trở về Việt Nam rất sớm nên không biết gì về đất nước Campuchia, cũng không biết tiếng Khmer.

Thân phụ Rừng là công chức làm việc tại Nam Vang cho chính quyền Bảo Hộ Pháp, khi đó đang cai trị Đông Dương (ba nước Việt, Miên, Lào). Sau cuộc đảo chính của Nhật năm 1945, Pháp đầu hàng, Đông Dương lọt vào tay người Nhật. Gia đình ông hồi hương về kinh đô Huế. Học xong trung học tại Huế, Rừng muốn học mỹ thuật nhưng thân phụ ông phản đối quyết liệt. Ông cụ muốn Rừng học hành chánh hoặc sư phạm để thành công chức hoặc nhà giáo, có nghề nghiệp vững chắc. Không thuyết phục được bố, Rừng mạo hiểm bỏ gia đình trốn vào Sài Gòn học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Ông cụ đành nhượng bộ, chấp nhận để Rừng học mỹ thuật, và thuyết phục Rừng về học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế cho gần nhà. Rừng tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1964.

Một buổi sáng tháng Năm nóng bức năm 1989, Nguyễn Phan Thịnh giới thiệu Rừng với tôi, mở đầu cơ duyên gắn bó suốt mấy chục năm.

Nguyễn Phan Thịnh học trường Sư Phạm Quy Nhơn, cùng khóa với Trịnh Công Sơn. Viết văn, làm thơ. Một trong những nhà thơ Tân Hình Thức rất sớm của Việt Nam. Anh cũng viết thể loại “chuyện cực ngắn”.

Là bạn lính với tôi ở Pleiku – Kontum thời gian 1965-1966. Trong thời gian lưu vong, lang thang đầu đường xó chợ ở Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại Thịnh, chủ một nửa sạp báo ở Bưu Điện Hòa Hưng.

Khi tôi về nhà ở đường Tự Do cuối năm 1988, nay đã đổi tên thành đường Đồng Khởi, tôi nhờ Thịnh dạy Anh văn cho cháu Long Nghi năm đó đang học cấp 2.

Cùng đến với Thịnh, Rừng hỏi:

- Ông bà có địa điểm tốt quá. Tại sao bỏ không, uổng vậy?

- Chúng tôi dự định mở cửa hàng bán sơn mài, hàng mỹ nghệ, nhạc cụ dân tộc, như bảng hiệu đã treo trước nhà. Ngoài ra, sẽ mở lớp dạy đàn tranh.

- Bao giờ khai trương?

- Nhạc cụ dân tộc đã treo một mảng phía ngoài như ông thấy. Còn tranh sơn mài và đồ mỹ nghệ phải vài tháng nữa. Tranh sơn mài không thể làm vội được.

- Trong khi chờ đợi, có thể cho tôi triển lãm tranh một tháng?

- Rất sẵn lòng, nếu ông không chê chỗ này và không đòi hỏi phải sửa sang trang trí cho phù hợp với một phòng triển lãm nghệ thuật.

- Tôi chỉ xin gắn thêm 3 ngọn đèn bóng tròn 300 watts ở giữa nhà để thêm ánh sáng.

Tôi đồng ý ngay và giao hẹn:

- Vịêc xin giấy phép mở triển lãm, ông phải tự thu xếp, vì tôi không biết gì về thủ tục hành chánh, và không quen biết ai để lo việc này.

Ngày 20-6, Rừng bắt đầu treo tranh. Kể từ ngày này, ngày nào cũng có người đến xem tranh. Phần lớn là các văn nghệ sĩ, bạn của Rừng. Nhưng cũng có những người lạ, đi từng nhóm từ 3 đến 5 người. Có người mặc complet. Họ không chỉ quan tâm đến tranh pháo mà còn vào tận nhà bếp và xông lên tầng trên. Khi đó, cầu thang lên lầu ở cuối nhà, sau cả nhà bếp. Người nhà phải chặn lại, giải thích: tranh chỉ treo ở phòng triển lãm. Trên lầu là nơi sinh họat riêng của gia đình. Vài người vẫn cố lên cho bằng được.

Hai bên tường căn nhà, tính từ mặt đường đến vách ngăn nhà bếp được ốp bảng bìa ép cứng (carton isorel) màu gụ. Mỗi bức tranh gắn vào một chiếc đinh đóng trực tiếp lên vách, mất rất nhiều thì giờ.

09:00 giờ sáng ngày thứ Năm 22/6, Hội Đồng Nghệ Thuật đến duyệt xét tranh triển lãm. Hội đồng khoảng 10 người, dẫn đầu là họa sĩ Diệp Minh Châu, Chủ Tịch Hội Mỹ Thuật TP. Tất cả chỉ xem qua loa rồi ký tên vào biên bản cho phép triển lãm. Để có giấy phép này, không biết bằng cách nào, Rừng vận động được Nhà Văn Hóa Thanh Niên đứng ra xin phép mở triển lãm, với lý do bán tranh để gây quỹ cứu trợ bão lụt miền trung.

Đúng 09:00 sáng ngày Thứ Bảy 24/6/1989, giới thiệu hơn 60 bức tranh sơn dầu vẽ trên các họa báo Lên Xô khổ A4. Các họa báo Liên Xô in tranh hoặc các minh hoạ trên giấy blanc fin hoặc couché dày, màu sắc rất đẹp. Tuy màu dầu rất mỏng vẽ trên giấy nhưng rất bền. Giá đồng hạng 40 USD/bức. Ngoài số tranh mới vẽ, Rừng còn bày thêm 4 bức tranh trong loạt tranh “Bình Minh Mới” đã triển lãm ở Hội Mỹ Thuật thành phố năm 1987. Loạt tranh này cùng kỹ thuật và chất liệu như loạt tranh “Phòng Tranh Mùa Hạ”, nhưng bày ở phòng nhỏ bên trong và để giá 400 USD/bức.

40 USD là số tiền khá lớn năm ấy. Một gia đình có thể sống thoải mái với món tiền này trong một tháng. Tôi thắc mắc với Rừng:

- Ông để giá 40 USD/bức có đắt quá không?

- Đáng lẽ phải để giá đồng hạng 400 USD, nhưng lần này tôi muốn bán, vì rất cần tiền. Rừng cười.

Người đầu tiên đến xem triển lãm là nhà thơ Trương Hồng Thái (hay Nguyễn Trì). Anh đến gõ cửa lúc 6 giờ sáng, khi cả nhà còn ngủ. Lần đầu tiên gặp nhau, Thái chỉ giới thiệu là bạn của Rừng, chúng tôi vẫn cho mở cửa để ông vào rồi mở đèn, khép hờ cửa lại để ông một mình xem tranh tự nhiên. Người nhà vào nhà bếp và lên lầu sửa soạn và quét dọn vệ sinh. Tôi phải ra mời Thái tạm ra ngoài để các cháu quét dọn. Thái cười hồn nhiên:

- Nhìn bức tranh, sướng quá. Để ra ngoài uống ly cà phê lấy tinh thần. Lát nữa trở lại xem tiếp.

Thái trở lại thật. Lúc đó khoảng 7 giờ sáng, vẫn chưa tới giờ khai mạc và lần này thêm một người nữa. Thái giới thiệu Luật Sư Đoàn Thanh Liêm, học luật ở Mỹ, làm việc tại văn phòng quốc hội VNCH. Luật Sư Liêm gắn nơ mở hàng 2 bức tranh.

Phòng tranh Tự Do thuở ấy.

09:30, sắp đến giờ khai mạc, bạn bè khách khứa đã đông. Ông Lê Văn Nuôi, Chủ Tịch Thành Đoàn, người sẽ cắt băng khánh thành và đại diện Hội Mỹ Thuật TP. cũng đã đến rất sớm. Hôm qua, tôi đã hẹn Rừng phải đến sớm, ít nhất là trước một tiếng. Nếu vì lẽ gì tác giả không có mặt trong giờ khai mạc thì rất phiền. Tôi đang chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất: tác giả không đến – mình phải nói gì với mọi người? Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đúng lúc đó, may quá, Rừng bước vào phòng tranh. Trước giờ khai mạc độ 15 phút.

Trong phòng triển lãm đã chật cứng, có lẽ gần trăm người. Đúng 10 giờ sáng ngày 22-6-1989, tất cả đèn trong phòng vụt tắt. Rừng long trọng đọc bài thơ "Phòng Triển Lãm Tắt Đèn”. Pháo nổ. Các bức rèm vén lên, đèn lại bật sáng, quan khách và thân hữu được mời vào thưởng ngoạn các tác phẩm mới của Rừng. Phòng Triển Lãm nhỏ quá, không đủ chỗ cho tất cả mọi người. Khách mời đứng chật hai bên đường, từ Nhà Hát Thành Phố đến góc đường Đồng Khởi và Lê Thánh Tôn, có lẽ không dưới 500 người. Rất nhiều người hôm đó không vào xem tranh đuợc. Khách đến, không riêng hoạ sĩ, còn là các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhạc sĩ, giáo sư, trí thức của thành phố. Mọi người xúc động trước một sự kiện mới: Lần đầu tiên, kể từ năm 1975, có một cuộc triển lãm tranh cá nhân của một họa sĩ tại một phòng tranh tư nhân tại Việt Nam. Tôi còn nhận ra Họa sĩ Đinh Cường và nhiều văn nghệ sĩ đứng trước nhà thuốc tây đối diện phía bên kia đường. Tôi vẫy tay mời qua. Đinh Cường đưa hai tay lên ra dấu đầu hàng.

Khai mạc đông vui. Bia bọt tưng bừng, nhưng ngoài hai bức tranh do Luật sư Đoàn Thanh Liêm đã gắn nơ lúc 7 giờ sáng, thì toàn bộ số tranh còn lại không thay đổi cho đến gần cuối cuộc triển lãm...

Trong tuần lễ đầu, mỗi ngày có hàng trăm người đến xem triển lãm.

Đa số là các họa sĩ và văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ. Chúng tôi gặp lại nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Ngô Nguyên Nghiễm, nhà báo Phạm Chu Sa, Bác sĩ/Họa sĩ Thân Trọng Minh, Trương Thìn...và hầu hết các họa sĩ Sài Gòn, nhất là những người bạn của Rừng.

Tuần lễ thứ hai cũng vẫn nhiều người lui tới, nhưng qua tuần thứ ba, tuần áp chót thì vắng hẳn. Số tranh vẫn còn y nguyên. Toàn bạn văn nghệ túi rách, ai có tiền mua tranh? Cũng có khách nước ngoài ghé vào, nhưng có lẽ họ chưa sẵn sàng mua tranh Việt Nam.

Một buổi chiều tuần lễ cuối cùng của cuộc triển lãm, Rừng, có vẻ chếnh choáng hơi men, gác chiếc xe đạp cũ rích, không thèm khóa, bước vào, nói:

- Vậy là lần này ông bà nghe tôi xúi dại, lỗ trắng tiền trang trí phòng tranh, tiền điện, nước và các chi phí khác. Còn tôi thì lỗ tiền làm khung tranh và bia bọt mời bọn nó ăn uống linh đình.

- Ông yên tâm. Tôi đáp. Chưa đến ngày chót mà.

Xe đạp là một tài sản quan trọng thời đó, nên bao giờ Rừng cũng khóa bánh xe trước, bánh xe sau, dây xích, nghĩa là dùng hai, ba chiếc khóa, rất cẩn thận. Nhưng tại sao gần đây, Rừng không khoá xe nữa. Rừng giải thích:

- Có lần mấy người bạn rủ tôi vào một quán cà phê trong hẻm ở Phú Nhuận. Tôi khóa khung xe vào cột điện và hai chiếc khóa khác khóa hai bánh xe cho chắc ăn. Khi ra, thấy yên tâm vì xe vẫn còn đấy, nhưng lạ quá, cả 3 chiếc khóa không còn ở vị trí cũ mà móc cả trên cột điện, khóa lại đàng hoàng. Trên yên có dán một tờ giấy ghi như sau: “Thân gởi Ông họa sĩ Rừng. Ông đừng tốn tiền mua khóa nữa. Xe ông dỏm quá, cho cũng không ai thèm.” Từ đó trở đi, tôi không thèm khóa xe và quả nhiên, không ai thèm lấy thật.

Một buổi sáng khác, khi mở cửa cửa phòng tranh, tôi thấy một chiếc xe đạp gác ở gốc cây trước cửa. Tôi hỏi cô nhân viên:

- Xe của ai vậy? Từ sáng đến giờ, đã có ai vào phòng tranh chưa?

- Chưa – cô ta đáp - từ lúc con mở cửa quét lề đường đã thấy ở đó rồi. Con thấy giống xe của Ông Rừng.

Cả nhà không ai nhớ rõ xe đạp của họa sỹ Rừng như thế nào, nên không thể đoan chắc đó là xe đạp của Rừng. Mãi tới giờ đóng cửa phòng tranh vẫn không ai đến lấy xe. Tôi cho cất xe vào sau nhà. Trưa hôm sau, Rừng hớt hơ hớt hải đến hỏi:

- Tôi có quên chiếc xe đạp ở đây không?

- Sao giờ này mới đến. Ông ra sau nhà xem, chiếc xe đó có phải của ông không.

Thì ra hôm đó xe của ông bị hư, ông mượn xe của cậu con trai đi tạm đến thăm phòng tranh. Xe của thằng con còn cà tàng hơn của ông bố mấy bậc, nên khi mấy người bạn đến rủ đi nhậu thì ông vất xe lại trước cửa phòng tranh, nhảy lên yên sau xe Honda của người bạn, định chỉ một lát trở lại lấy, ai ngờ mọi người chơi tới bến, xỉn tại chỗ. Người bạn chở về nhà, làm một giấc đến sáng hôm sau mới tỉnh. Đầu óc vẫ lơ mơ, thấy xe đạp vẫn ngon lành tại chỗ thì yên chí lớn, cho đến khi thằng con hỏi xe của nó đâu mới ngớ người ra. “Chết mẹ!” Rừng chạy bổ đến tất cả những nơi có thể đã gởi xe, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Phòng Tranh Tự Do là nơi cuối cùng và là nơi ít hy vọng nhất thì gặp lại chiếc xe.

Trở lại câu chuyện lỗ lã của cả hai bên, tuy cũng buồn nhưng tôi vẫn nói cứng:

- Triển lãm tranh cũng là một hình thức kinh doanh. Buôn bán có lời có lỗ. Vả lại còn tới năm ngày nữa. Vẫn còn hy vọng.

Tôi trấn an Rừng, mà cũng là tự trấn an.

Buổi sáng hai hôm sau, khi phòng tranh vừa mở cửa, ba người khách Đài Loan bước vào. Họ xem kỹ tất cả các bức tranh triển lãm và bước vào phòng bên trong, xem cả 4 bức tranh thuộc loạt tranh “Bình Minh Mới” đã triển lãm hai năm trước. Gần trưa, một trong ba người khách ngỏ ý muốn gặp tác giả và muốn thương lượng giá, vì sẽ mua nhiều. Cô Uyên mời khách chiều trở lại. Khách hẹn 2 giờ chiều, vì họ sẽ đáp chuyến bay 5 giờ chiều về Đài Loan. Cô Uyên đã làm việc ở Phòng trưng bày tranh Rex Hotel ở ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ, có kinh nghiệm tiếp khách và bán tranh, được Nguyễn Phan Thịnh giới thiệu đến giúp tiếp khách.

Khi đó chưa có điện thoại di động. Nhà Rừng không có điện thọai bàn. Không kịp ăn trưa, tôi phóng xe đến nhà Rừng. Không có Rừng ở nhà. Người lớn đều đi vắng, chỉ gặp một cháu bé út (Đông Quân). Cháu không biết bố Rừng đi đâu. Ghé mấy quán cà phê Rừng thường ngồi hỏi thăm đều trả lời hôm nay Rừng không đến. Ghé Bưu Điện Tân Định gọi về nhà hỏi thăm. Rừng vẫn biệt tăm. Tôi đành chịu thua, không hoàn thành được nhiệm vụ. Về đến trước cửa nhà, đã thấy ba người khách nói chuyện với Thu Hà (vợ tôi) và cô Uyên. Tôi gọi Thu Hà ra nói khẽ:

- Nói cô Uyên ráng kéo dài câu chuyện, giữ chân khách. Biết đâu Rừng sẽ đến.

Gần 4 giờ chiều, một người khách xem đồng hồ rồi nói:

- Sắp đến lúc chúng tôi phải ra sân bay. Ai trong quý vị có thể thay mặt tác giả thương lượng giá tranh không? Chúng tôi muốn mua tất cả số tranh này.

Lần đầu tiên bán tranh, chúng tôi chưa tiên liệu để bàn trước với họa sĩ về tình huống đặc biệt này. Để vuột người khách có ý định “mua hết số tranh triển lãm” thì rất uổng, nhưng chúng tôi vẫn không dám tự quyết định. Bốn người khách dùng dằng xem đi xem lại các bức tranh, nhưng cuối cùng, họ cũng quyết định bỏ ra về. Đúng lúc mọi người bước ra gần ngưỡng cửa thì Rừng gác xe đạp ở gốc cây lề đường, lạng choạng bước vào. Thì ra chàng vừa bước ra khỏi một bữa nhậu tới bến ở đâu đó. Tôi vội hỏi:

- Có khách muốn mua tranh và muốn thương lượng giá cả. Ông chịu thương lượng không?

- Thương lượng thì thương lượng. Giọng lè nhè của người say, Rừng đáp.

Cô Uyên giúp Rừng trực tiếp thương lượng giá cả với khách. Một vị khách mua 47 bức tranh triển lãm. hai người kia, một người mua 3 bức, một người mua 2 bức. Tất cả giảm giá 30%.

Sau khi chọn tranh ở phòng triển lãm xong, ba người khách vào phòng trong, nơi treo 4 bức tranh của lọat tranh “Bình Minh Mới”. Khách cũng đề nghị giảm giá 30% như số tranh treo bên ngoài, nhưng Rừng nhất định giữ nguyên giá 400USD một bức, không bớt một xu. Cuối cùng khách cũng chịu giá này. Đó là bức “Chiến Tranh Và Tôi”. Chủ nhân mới bức tranh này là Kiến Trúc Sư Trần Đại Hùng (Chen Wen Chung). Mua được bức này với giá 400 đô la Mỹ, ông mừng quá, ôm bức tranh nhảy múa quanh phòng tranh. Đó cũng là phác thảo của một tác phẩm lớn hơn sau này.

Tổng số tiền bán tranh lần này của Rừng là hơn 3.200 USD, một khoản tiền khá lớn vào giai đoạn đó.

Hôm bế mạc triển lãm, còn lại khoảng mười bức tranh, Rừng hào phóng tặng hết cho bạn bè, những người đến dự tiệc bế mạc. Phòng Tranh Tự Do cũng được tặng một bức (Giọt Lệ), hiện vẫn còn giữ, như một kỷ niệm quý, vừa như lá bùa may mắn cho bước khởi đầu của Phòng Tranh Tự Do.

Nguồn: http://www.lethieunhon.vn/2022/06/hoa-si-rung-va-cuoc-trien-lam-au-tien.html