Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

Hoàng hôn đã lại…

Nguyễn Hoàng Văn

Nắng Đông ở Nam bán cầu thường tắt sớm, từ khoảng 5 giờ chiều nên, những lúc thảnh thơi, từ bàn viết bên cửa sổ nhìn ra khu vườn sau nhà, tôi thường ngồi trầm ngâm ngắm cái quầng sáng đặc quánh quằn quặn đỏ!

clip_image002

Hoàng hôn chỉ ẩn hiện sau chòm cây palm bên nhà hàng xóm, không đường chân trời, không trời mây cao rộng để một người như Nguyễn Bính phải chạnh lòng “quê nhà xa lắc xa lơ đó”; cũng không sông nước mịt mờ khói sương để một người như Thôi Hiệu bồi hồi “Nhật mộ hương quan hà xứ thị”. Hoàng hôn mà không một ám thị tha hương nên có lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi là, nếu cư ngụ ở một chỗ như thế này, Thúy Kiều có còn vò võ cái cảnh tà dương không thể sầu hơn: “Song sa vò võ phương trời / Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng"?

Tôi ngờ ngợ là có, là cô ấy vẫn vò, vẫn võ. Và tôi tin rằng nếu mang chuyện này đi hỏi ông Trương Tửu, ông sẽ sẽ quá quyết ngay, thật to, thật rõ.

Diễn đạt theo Trương Tửu trong Văn chương Truyện Kiều, thì tác phẩm của Nguyễn Du chính là một kiệt tác của hoàng hôn, ở đó người đọc chỉ thấy “trời sầu thảm và ai oán không bờ bến’ khi mà “bao nhiêu cảnh lồng khung cuộc sống” đều là “những chiều tà, những đêm trăng u uất, những cái gì tịch liêu hoang phế.”

Sau 50 câu vòng vo triết lý, tả người rồi lung khởi nhập đề, câu chuyện về số mệnh của nàng Kiều bắt đầu ngay bằng một buổi hoàng hôn: “Tà tà bóng ngả về tây / Chị em thơ thẩn dang tay ra về” để rồi, sau cái cảnh tà dương ấy, lại là một nấm mồ vô chủ lạnh lùng không hương khói “Sè sè nắm đất bên đàng / Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Trương Tửu viết: “Ở cái tương quan khủng khiếp ấy (cái sống đặt cạnh cái chết, mùa xuân đặt cạnh chiều tà) nứt ra, rên rỉ một chuỗi nước mắt, một chuỗi thơ viếng mộ, một lời cầu nguyện rì rầm và một bóng ma – bóng ma, hiện lên nhờ một hành vi cảm đồng tình (acte de sympathie) của nàng Kiều.” [1]

Đó là “bệnh” của Truyện Kiều, như một tác phẩm. Nhưng Trương Tửu, trong một cuốn khảo luận khác, Nguyễn Du và Truyện Kiều, còn chẩn bệnh cho tác giả và cả… nhân vật. Theo ông thì Thúy Kiều là một “con bệnh ủy hoàng và ưu uất” với triệu chứng “người gầy, mắt như có nước trong con ngươi, xanh vàng cả mặt và tay chân […] chất máu đỏ bị ứa đi, sự tuần hoàn thiều đều đặn, cơ quan tiêu hóa chậm hoạt động, cơ quan sinh dục luôn náo động trong thời kỳ phát triển.” [2] Trương Tửu còn chẩn bệnh cho Nguyễn Du và, nhà thơ này, theo Trương Tửu, đã thể hiện thể trạng ốm yếu của mình qua những câu than thở trong những bài thơ chữ Hán, thí dụ trong bài “Mạn hứng” thì hắt hiu "Tam xuân tích bệnh bần vô dược" (Ba xuân dồn bệnh nghèo không thuốc), trong bài “U cư” thì hiu hắt thì "Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa" (Nhà vắng xuân lạnh, bệnh cũ nhiều). Trương Tửu viết: “Trước hết ta phải ghi điều nhận xét quan trọng này: Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh” và, sau đó, còn tưởng tượng “một cảnh đêm thu, trong một túp lều dưới một ngọn đồi, thi sĩ đang quằn quại trên giường, vì bệnh thần kinh của mình”. [3]

Tất nhiên là không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận cách chẩn bệnh của Trương Tửu và giới học thuật đương thời đã tranh cãi kịch liệt để bác bỏ phương pháp phê bình mệnh danh “khoa học” của ông. Dẫu sao thì tôi cũng ngờ ngợ cái mô thức mà ông đã vạch: có vẻ như những nghệ sĩ bị ám ảnh bởi cảnh hoàng hôn, hay ít ra là diễn tả xuất sắc cảnh này, thường là những nghệ sĩ bất hạnh.

Claude Monet, họa sĩ khai mở ra trường phái Ấn Tượng, đã để lại một loạt tác phẩm xuất sắc về hoàng hôn. Và cuộc sống của họa sĩ này cũng khá lận đận, cơ cực, khi luôn luôn là con nợ, vừa có chút thành công tại một cuộc triển lãm thì đã bị chủ nợ ập đến tịch thu tranh, ngay lập tức, như thú săn mồi. Nhưng Van Gogh mới là nghệ sĩ bất hạnh nhất trong số các nghệ sĩ bất hạnh, thiếu thốn cùng cực từ vật chất đến tình cảm, và một trong những kiệt tác mà ông để lại là “Hoàng hôn ở Montmajour”. Trong khi đó thì hình như Pablo Picasso – thiên tài hội họa với cuộc sống sung mãn, dồi dào tiền bạc và thừa thãi tình ái – không để lại một tác phẩm nào với chủ ý diễn tả hoàng hôn.

Franz Schubert, nhạc sĩ mà chúng ta rất quen thuộc với “Khúc chiều tà” bất hủ cũng là một nghệ sĩ bất hạnh, cả đời sống trong sự túng quẫn, chưa bao giờ có một công việc ổn định và vì không có thu nhập ổn định nên lắm lúc phải trông cậy đến sự trợ giúp của bạn bè và gia đình, và cũng chính vì thế nên duyên tình mới dở dang, bế tắc. Schubert lại chết rất trẻ, khi mới có 31 tuổi mà nguyên nhân thực sự được cho là do bệnh phong tình: phải chăng nhạc sĩ đã quá buồn, quá cô đơn, nên phải đến với vòng tay của gái làng chơi để rồi tự ký án tử cho mình?

“Khúc chiều tà” đó, Serenade, rất quen thuộc với chúng ta qua lời Việt mà nhạc sĩ Phạm Duy ướm vào: “Chiều buồn nhẹ xuống đời / Người tình tìm đến người / Thấy run run trong chiều phai…”. Có lẽ ai cũng biết Phạm Duy là một con người hoạt động, dồi dào sức sáng tạo và, về vật chất khó mà nói rằng nhạc sĩ này là người thiếu thốn, còn còn về tình ái thì phải nói ăm ắp, thậm chí đa mang. Thế nhưng, ngay giữa cái thời kỳ sung mãn nhất của mình trên cả phương diện nghệ thuật lẫn thể chất đàn ông, nhạc sĩ này lại thể hiện sự đãng trí hiếm thấy khi dụng đến bài hoàng hôn này.

Đó, Serenade, là một “Mộ khúc”, một “Hoàng hôn khúc” hay “Khúc chiều tà” mà cả Phạm Duy cũng đã thấu rõ qua những lời Việt nói trên, ấy vậy mà nhạc sĩ tài hoa này như đã bị lẫn, bị đãng trí, để nó, với rất nhiều người Việt chúng ta, bị “chết” cái tên “Dạ khúc”: Serenade nhưng đã bị nhạc sĩ cầm nhầm như là một Nocturne.

Sự đãng trí của một Phạm Duy tràn trề nhựa sống khi chạm đến hoàng hôn lại làm tôi nghĩ đến ông Ronald Reagan, cũng từng là người tràn trề sức sống, lúc ông nói đến “hoàng hôn của cuộc đời tôi” khi xác nhận mình bị chứng đãng trí, bệnh Alzheimer, vào năm 1994: “Bây giờ tôi bắt đầu chặng hành trình đưa mình vào buổi hoàng hôn của cuộc đời… Tôi biết rằng đất nước Mỹ luôn luôn có một bình minh rực rỡ trước mặt.” . [4]

Vị tổng thống thú 40 của nước Mỹ này là một con người mạnh mẽ, hoạt động, được xem là người kiến tạo nên những thay đổi ngoạn mục nhất của thế giới trong hậu bán thế kỷ 20 và khi đối diện với buổi hoàng hôn của đời mình, ông lại nói đến buổi bình mình rực rỡ trước mặt của nước Mỹ.

Và ông làm tôi chạnh lòng, nghĩ đến đến đất nước mình.

Ôi đất nước của chúng ta. Cái xử sở với những nhà lãnh đạo thích nói về những ánh hào quang rực rỡ ở sau lưng mình, rất xa, trong khi đất nước thì cứ là lê lết từng bước chận nặng nhọc trong chặng hành trình đi vào hoàng hôn.

Một hoàng hôn rất gần, và rất u ám!

Tham khảo:

[1] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6886&rb=08

[2] Tôi không có cuốn này trong tay, dẫn theo Đinh Gia Trinh (2005), Hoài vọng của lý trí, NXB Hội Nhà văn, trang 336.

Đây là bài khảo luận “Nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều (nhân đọc một cuốn sách mới)”, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thanh Nghị các số 58, 59, 601, 62, 65, 66, 68, 80 phát hành trong năm 1944 để phản bác phương pháp “phê bình khoa học” của Trương Tửu.

Đinh Gia Trinh cho biết Trương Tửu còn chú giải bệnh “ủy hoàng” thêm bằng tiếng Pháp là “chlorose”. Bệnh này, trong tiếng Anh là “chlorosis”, chứng thiếu máu do không đủ chất sắc thường gặp ở các thiếu nữ, khiến người xanh xao, vàng vọt.

[3] Đinh Gia Trinh, sđd, trang 334.

[4] “I now begin the journey that will lead me into the sunset of my life… I know that for America there will always be a bright dawn ahead.”

https://content.time.com/time/subscriber/article/0,33009,981779,00.html