Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Ngày N +.... (6)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong

image_thumb1_thumb_thumb_thumb_thumb

Thượng sĩ Điệp dẫn một bán tiểu đội đến gặp tôi, trong số này kể cả Điệp là bốn quân nhân Quân cảnh. Hai binh sĩ còn lại không thấy mang phù hiệu binh chủng bên tay áo. Tôi đoán có lẽ họ là lính Tiểu khu Tuy Hoà. Tôi nói với Phúc:
"Em đưa khẩu Đại Cồ Việt cho Thượng sĩ Điệp."
Tôi dặn Điệp:
"Đừng có liều mạng quá, anh không nghĩ là phá nổi được hai chiếc tăng này mình sẽ vượt nổi Đại Lãnh hôm nay. Hay là thôi. Em đi kiếm cho anh vài cái thuyền lại đây. Chắc chắn quanh đây phải có thuyền của dân biển."
"Anh Ba cứ cho em chơi thử một chuyến. Nếu không được mình tính kế chuồn cũng chưa muộn."
Đúng lúc đó, tôi nhìn thấy họng súng đại bác trên chiến xa chuyển động. Từ xa tôi thấy chiếc xe như nhẩy giật lùi về phía sau, tôi hiểu cái gì sẽ đến trong vòng nửa phút. Viên đạn nổ ngay cổng Tiểu khu, cách một chiếc jeep không đầy 20m. Tôi nấp ở ngay đuôi chiếc xe V100 đậu chắn ở cổng ra vào, thế mà còn cảm thấy luồng ba động của tiếng nổ như muốn hất tôi ra ngoài. Thêm vài người lính nữa bị mảnh đạn văng phải, nằm la liệt ngay cổng Tiểu khu. Đám đông nhốn nháo chạy tìm chỗ nấp. Một người lính chúi đầu xuống đống cát cứu hỏa, lấy tay moi cấp kỳ một cái lỗ đủ để dấu đi cái đầu, trông giống một con đà điểu chúi đầu trong cát. Trái đại bác thứ hai nổ, trái này là loại đạn WP (White Phophorite), nó tạo một lớp khói trắng dầy dặc, mảnh của nó văng tới đâu lửa cháy, khói tuôn tới đó. Rất nhiều người bỏ vị trí chạy hẳn ra ngoài, trốn vào trong xóm nhà dân trước mặt tiểu khu. Tôi liếc mắt nhìn chung quanh hàng rào phòng thủ, loáng thoáng có những khẩu súng đại liên không xạ thủ. Không có thì giờ để kiểm điểm quân số, nhưng tôi biết chắc bây giờ cái quân số tiểu đoàn vá víu cấp kỳ buổi sáng chỉ còn quá nửa. Đơn vị tôi tuy chưa tan rã, song tôi biết chắc một số ít đã tự động bỏ vị trí phòng thủ. Tôi gọi Kiệm đang định dợm chạy ra ngoài:
"Kiệm, anh mời cho tôi ông sĩ quan Quân cụ lại đây, mình tính cách rút lui."
Kiệm đi ngay và trở lại tức thì. Tôi nói với ông Đại úy Quân Cụ:
"Tình cảnh này chắc mình phải chạy đường bộ, rồi kiếm thuyền để rút khỏi đây. Những người đã bỏ đi mình cũng không thể cản nổi. Bây giờ Đại úy muốn rút cùng với tụi tôi hay ông sẽ đi riêng?"
"Tôi sẽ sát cánh với Đại úy cho tới phút chót."
"Trung úy Kiệm, Thượng sĩ Điệp lấy một tiểu đội đi trước về hướng nam kiếm cho tôi vài cái thuyền. Tôi chắc dân ở đây sẽ neo thuyền ở một chỗ nào đó. Tôi với Đại úy tập họp lính dẫn đi sau. Ông Kiệm đem theo một máy truyền tin để liên lạc với tôi."

*

Ngày N + 15, 9 giờ 45 sáng
Tôi hạ lệnh cho Thiếu úy Cảm:
"Anh tập họp đơn vị cho tôi nói chuyện vài phút."
Chỉ năm phút sau các binh sĩ của tôi đã tập họp xong, tôi biết chắc có nhiều người đã tự động tan hàng, trước khi tôi có ý định tuyên bố tan hàng. Chỉ còn không đầy ba trung đội lính, ai nấy mặt mày sớn xác.
"Cùng toàn thể các anh em thuộc Trại giam và Đồn Quân cảnh Qui Nhơn: Tôi đã giữ đúng lời hứa với các anh em khi đến đáo nhậm đơn vị này. Tôi đã "CÓ MẶT" với đơn vị cho tới phút chót. Bây giờ phút chót đó đã đến. Tôi cho phép bất cứ ai muốn đơn độc thoát hiểm. Tôi vẫn "CÓ MẶT" với bất cứ ai giờ này vẫn còn muốn rút lui như một đơn vị. Nếu thoát thì thoát cả, nếu bị bắt thì bị bắt cả."
Một vài người tách khỏi hàng quân. Đúng lúc đó, tôi nhìn thấy từ ngoài cổng Tiểu khu, một bóng người cao lớn đi trước, đằng sau là ba người khác cũng cao lớn không kém. Tôi tưởng là hoa mắt, nhưng không phải, đích thị Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, sĩ quan phụ tá hành quân Quân đoàn II, đi cùng một đại tá, và hai trung tá tiến vào Tiểu khu. Một đám đông quân nhân đi theo mấy sĩ quan cao cấp này. Chuẩn tướng Cẩm vẫy tôi lại và nói:
"Hiển, ở lại phòng thủ Tiểu khu đi, tôi gọi máy bay sẽ đến giải vây cho mình."
Tưởng cũng nên nhắc lại, Chuẩn tướng Cẩm biết tên tôi, vì thời gian tôi ngồi chơi xơi nước ở Pleiku, thỉnh thoảng có dịp tôi đánh mà chược tại nhà ông. Lúc đó phong trào mà chược đương lên, tôi cũng tập tễnh đua đòi. Tôi khựng lại, đã cả tháng nay thất vọng, đã cả tháng nay thấy sao khó như thấy ma quỷ. Hôm nay, giờ thứ hai mươi lăm ma quỷ hiện hình giữa ban ngày. Thành thực mà nói, ông Cẩm không phải là type chỉ huy tôi chịu. Miền Nam có hơn một trăm ông tướng, tướng sạch có đếm chưa đủ đầu ngón tay, tướng không sạch không bẩn bao nhiêu? Còn lại tướng bẩn có bao nhiêu? Thời gian tôi ở Pleiku, ông Cẩm làm phó cho "Quế tướng công Nguyễn Văn Toàn", chính ông theo "Quế tướng công" từ vùng I vào, đó là điểm tôi không thể nào quên được, mặc dù ông Cẩm chưa có điều gì quá đáng về nhân cách cũng như về phong cách chỉ huy. Dù sao ông Cẩm xuất hiện đột ngột làm tôi quên cả thắc mắc, mấy người lính dợm bỏ hàng quân lại trở về. Không một ai chối cãi được, ông Cẩm xuất hiện như mang một luồng sinh khí mới cho đoàn quân đang tan rã. Không ai bảo ai, mọi người đều ra vị trí phòng thủ. ông Cẩm nói với tôi:
"Chú ra đốc chiến anh em đi, tôi gọi máy bay ở Nha Trang rồi, họ sẽ lên yểm trợ mình. Rán đi kỳ này về anh chạy cho chú một bông mai bạc."
Tôi khựng lại, nhìn ông Cẩm một cách soi bói. Đây là cung cách chỉ huy của "Quế tướng công". Tôi quên sao được chiến sự của mùa hè 72, tôi ở Pleiku một mình, vợ con đã di tản vào Sài Gòn để tránh tên bay đạn lạc. Rỗi rảnh tôi hay la cà khắp nơi, có hôm ngủ trong phi trường, hôm thì ngủ ở Câu lạc bộ sĩ quan quân đoàn, có hôm ngủ tại Liên đoàn 72 Quân y. Lần đó địch quân vây một căn cứ Biệt động quân Biên phòng, tôi tình cờ ngủ đêm trên quân đoàn, nhân tiện xuống coi binh sĩ tôi gác phòng Trung tâm hành quân. Tôi đi với Đại úy Bảo Đồng, sĩ quan trực Trung tâm Hành quân. Qua máy truyền tin siêu tần số, tôi nghe giọng viên sĩ quan chỉ huy trú phòng như lạc đi, địch quân cỡ hai trung đoàn vây đánh một căn cứ. Quân số phòng thủ là một tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng. Gọi là tiểu đoàn cho oai, thực ra chỉ gồm hai đại đội, phần lớn binh sĩ người Thượng, Bảo Đồng nói với tôi:
"Căn cứ chắc đỡ không nổi, một là quân trú phòng quá ít, lại không có ý tử chiến, hồi chiều Trung tâm Hành quân đã điều động một tiểu đoàn Bộ binh của trung đoàn 47 đến giải vây, nhưng chắc cũng không thấm gì. Họ còn cách căn cứ quá xa, và công đồn đả viện vốn là chiến thuật sở trường của địch. Chính tiểu đoàn Bộ binh cũng đang bị vây khổn ở bên ngoài."
Tôi nghe tiếng kêu cứu thảm thiết của hai cánh quân nhà. Giọng người chỉ huy căn cứ nghe rất quen, quen ghê lắm, không hiểu đã gặp ở đâu. Tôi hỏi Bảo Đồng và được biết đó là Thiếu tá Đồng Đăng Khoa, một người bạn học của hơn mười năm trước, của Đệ Nhất B Chu Văn An niên khóa 1961. Tôi không thể nào ngờ đã nghe được tiếng bạn mình trong hoàn cảnh tuyệt lộ.
Đúng lúc đó "Quế tướng công" bước vào Trung tâm Hành quân mang theo đầy mùi rượu thịt, mặt đỏ gay, cổ bạnh ra, khệnh khạng bước tới máy truyền tin, nói qua ống liên hợp không ngụy thoại gì hết:
"Trung tướng tư lệnh đây, mấy cũng vào. Mai qua xuống gắn lon thiếu tá cho em."
Tôi bỏ ra ngoài, về phòng nằm thao thức nhớ bạn cho tới sáng. Tới chiều Bảo Đồng cho tôi hay, Không quân đã dội bom cầy nát căn cứ, Đại úy Tiểu đoàn trưởng Bộ binh được vinh thăng cố Thiếu tá. Địch quân tràn ngập căn cứ lúc hai giờ sáng, người bạn thiếu thời của tôi đã mở một đường máu, dẫn được không đầy trung đội thoát thân. Anh đang bị thẩm vấn trên quân đoàn chờ ra tòa quân sự. Giờ đây ông Cẩm cũng không khác gì, mới ba phút trước ông mang đến cho tôi một trời hy vọng, qua một câu nói ngắn ngủi ông đã cho tôi một niềm cay đắng ê chề.

*

Ngày N + 15, 10 giờ 15 sáng
Địch bắn vào tiểu khu một quả bích kích pháo nữa. Từ mé sau Tiểu khu có tiếng động cơ trực thăng nổ. Tôi mừng rỡ nghĩ rằng đã có không quân tới yểm trợ, nhìn lên trời không thấy bóng dáng những con chuồn chuồn sắt đâu, cát bụi bay mù. Tôi nhớ ngay tới chiếc trực thăng tảng sáng nay đậu ở bãi đất trống, khuất sau những hàng cây. Tôi thấy một người trung tá đi theo Chuẩn tướng Cẩm dợm chạy ra ngoài, tôi nghe giọng một người nói lớn:
"Đù mẹ thằng chả bỏ mình lại rồi anh Hai."
Đến bây giờ tôi mới thấy ngoài Chuẩn tướng Cẩm, một Đại tá, hai Trung tá, phái đoàn của tướng Cẩm có thêm một người nữa cũng cao to béo trắng không thua ông Đại tá là mấy. Người này mặc quân phục không đeo lon, tướng mạo hao hao ông Cẩm.
Vẫn người này to tiếng:
"Em đã nói anh Hai đừng xuống. Chết thì chết hết, đù mẹ thằng chả bây giờ ẵm trọn gói..."
Tôi lấy làm lạ, cứ theo cấp bậc người dám nói to sau ông tướng Cẩm phải là ông Đại tá, rồi mới tới hai Trung tá, nhưng cả ba người này nín lặng. Ông Cẩm lui vào một chỗ khuất ít người, nói liên hồi vào cái máy truyền tin nhỏ xíu. Giọng ồm ồm của người không đeo lon lại nổi lên:
"Anh Hai gọi làm chi mất công. Đù mạ nó đã dông thì trời gọi. Đã nhắc anh Hai vụ thằng cha tỉnh Kontum đâu có chết vì đạn Việt cộng, mà chết vì đạn ở Pleiku đó."
Tôi thấy một Trung tá đưa mắt cho người đó như ngầm bảo im đi, nhưng người đó như lơ đi không thấy, giọng anh ta nhỏ đi như rên:
"Anh Hai tin người ta làm chi cho khổ tui. Thằng chả không muốn dọt, con mẻ cũng muốn dọt. Con mẻ không muốn dọt thì mấy thằng chó đẻ đàn em thằng chả cũng đòi dọt. Anh Hai ơi là anh Hai."
Rồi cao giọng gã tiếp:
"Mấy ông nội lính cụ, lính kiểng này mà đánh chác cái gì? Tử thủ cái gì? Nó mới nã có mấy trái pháo mà bắn té đái vãi phân không kể trời đất. Nó chưa tấn công là vì nó chưa muốn đó thôi. Đù mẹ tử thủ cái con cặc."
Tôi vừa xấu hổ, vừa tức, vừa buồn cười. Gã nói đúng, địch chưa tấn công vì chưa muốn đó thôi. Dẫu sao cho tới lúc này ông tướng Cẩm cũng làm cho tôi yên tâm được phần nào. Có tới một ông tướng phụ tá hành quân Quân đoàn ở đây, có máy truyền tin liên lạc thẳng được với Quân đoàn vẫn còn hơn không.

*

Ngày N + 15, 10 giờ 30 phút
Suốt nửa tiếng vừa qua, địch chỉ bắn vu vơ vài tiếng A.K. Có một lúc tôi mong họ tiến vào, tấn công biển người càng tốt. Tôi hiểu lính của tôi, cho dù đây là phần đất của vua Quang Trung thuở xưa, nhưng người bây giờ không phải là người của hai thế kỷ trước. Do đó tôi mong họ tràn tới, càng đông càng tốt để binh sĩ của tôi có cơ hội đổi máu mình lấy một chút máu địch. Từ lúc mờ sáng tới giờ, chúng tôi có thấy địch xuất hiện, nhưng trong một tầm xa, lại núp dưới các bờ ruộng, họ chỉ khiêu khích chúng tôi, chỉ pháo ít trái đạn đủ để tinh thần chúng tôi giao động, kết quả của những trái pháo này quả tình là hữu hiệu dẫu chỉ có vài người chết, vài người bị thương nặng và không đầy mười người bị thương nhẹ. Nhưng cái khí thế thoi thóp ban đầu tôi qui tụ được xem chừng đã hết.
Ngoài cổng Tiểu khu, trong cái xóm nhà dân trước mặt, người ta ẩn núp mỗi lúc mỗi đông, quần áo dân sự mỗi lúc mỗi nhiều và ngoài bãi biển người ta lố nhố như đi trẩy hội, bắt cá. Trong vòng đai phòng thủ bây giờ chỉ còn lác đác người. Tôi nhẩm đếm đơn vị của tôi còn không đầy một đại đội một trăm hai chục người. Một vài sĩ quan biến mất, cộng chung với lính không phải cùng đơn vị tất cả không quá một trăm năm mươi người. Tôi tiến đến Chuẩn tướng Cẩm:
"Thưa Chuẩn tướng chắc bây giờ là lúc mình phải rút đường bộ. Bây giờ còn có quân, có lính, còn chỉ huy. Nếu không rút bây giờ sợ lát nữa hỗn quan hỗn quân, chỉ còn nước chờ cho địch tiến vào bắt sống."
"Nán thêm chút nữa đi. Tôi gọi máy bay từ sáng tới giờ, chắc Không quân đang trên đường tới đây."
"Tôi hy vọng họ đến giải cứu chúng ta, nhưng tôi nghĩ là đơn vị tôi sẽ chỉ chờ thêm nửa tiếng nữa."

*

Ngày N + 15, 10 giờ 45 phút
Tôi nghe tiếng départ súng cối từ hai, ba phía. Tôi chạy vội tới đuôi của chiếc V100. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, hai trái cối nổ trong vòng đai, đất đá, mảnh đạn văng lên mái tôn nghe rào rào.
Một trái quá tầm nổ ngoài bãi đất trống chừng hai mươi mét. Vài tiếng départ nữa, lính bỏ chạy túa ra ngoài, không một ai cản nổi. Trong chớp mắt, trước sau cả chục trái đạn bích kích pháo nổ trong hàng rào phòng thủ. Vài trái W.P gây nên những đám khói trắng mờ mịt. Cơn pháo vừa dứt, tôi quay lại, trong sân Tiểu khu Tuy Hoà vắng hoe, ngoài phái đoàn của Chuẩn tướng Cẩm, tôi, ông Đại úy Quân cụ, Điệp, Phúc và chừng hơn hai mươi người nữa còn nấp trong các vị trí tác chiến. Một người lính bị thương khá nặng, bị một mảnh đạn lớn văng vào chân, máu ra ướt hết cả một ống quần. Tôi không nhìn thấy vết thương, nhưng thấy anh ta lết người ra ngoài cổng. Đã đến lúc quyết định sống chết, tôi nói với người chiến hữu Quân cụ:
"Chắc phải dông thôi ông."
Chúng tôi bỏ vị trí đi ra ngoài, Chuẩn tướng Cẩm bỏ ra theo tụi tôi, Phúc mang theo một cái túi xách tay, gã moi ra trong cái túi này hai bộ quần áo dân sự, đưa cho tôi và ông Đại úy Quân cụ, miệng nói:
"Anh Ba thay đồ đi để dễ trà trộn trong đám đông."
Tôi cầm lấy bộ quần áo dân sự nửa muốn thay, nửa không. Hình ảnh anh lính kiểng mà tôi muốn bắn sáng nay trở về. Tôi nói với Phúc:
"Không cần, có thay đồ bây giờ nó bắt được nó cũng đâu có thả."
Tôi bỏ cái áo jacket vẫn khoác trên người từ hồi sáng sớm. Chiếc áo có cấp bậc, phù hiệu binh chủng cũng như bảng tên. Sáng nay không hiểu vô tình hay hữu ý tôi mặc một chiếc áo nhà binh trơn không có lon lá gì cả. Trút cái áo jacket bên ngoài ra, tôi cũng chỉ là một binh nhì không hơn kém. Tôi có hơi ngượng về vụ này, nhóm người của ông Cẩm hợp với nhóm của tôi, một trung tá đi theo ông Cẩm kiếm được một cái áo chemise ca rô, trông thật không giống ai, quần lính, giầy trận, áo ca rô bỏ ngoài. Tôi hỏi ông Cẩm:
"Chuẩn tướng có muốn thay quần áo không?"
"Không."
Ít nhất tôi còn kính nể hành vi này, vả lại thành thực mà nói, có muốn thay, Chuẩn tướng Cẩm cũng không thể đào đâu ra một bộ dân sự hợp với khổ người to lớn của ông.
Cảnh tượng ngoài bãi biển làm tôi không tin ở mắt mình. Một đám đông chạy lên, chạy xuống như một đám rồng rồng mất mẹ. Quân phục vũ khí, quân dụng vứt đầy mặt đất. Ông Cẩm vừa đi vừa gọi liên hồi vào máy truyền tin. Đó là một loại máy truyền tin dân sự, chỉ lớn bằng bàn tay. Tôi nghĩ chắc nó tốt hơn, và tầm hoạt động xa hơn những máy truyền tin quân đội. Tôi không nghe tiếng trả lời, chỉ thấy ông Cẩm nói tới tấp vào máy. Nhắm hướng nam, dọc theo bãi biển, chúng tôi đi như chạy. Vài phút sau đó tôi hiểu được tại sao ngoài bãi biển, trong một khoảng bờ biển chật hẹp người ta nhiều như rồng rồng mất mẹ. Vì ngay phía sau tiểu khu có một nhánh sông, có lẽ trên bản đồ nó không có tên.
Trên thực địa phía nam Tiểu khu Tuy Hoà khoảng một cây số, một nhánh phụ của sông Đà rằng ăn ra biển. Bề ngang chưa đầy một trăm mét, nhưng nước chảy xiết vô cùng và cũng rất sâu. Nước chảy với tốc độ của một dòng cuồng lưu. Những người đến trước tụ tập đầy trên bờ. Nhấp nhô theo sóng, trôi ra cửa biển tôi thấy lác đác vài xác người, và ngay trên bờ hai chiếc thuyền lớn neo thật chặt. Con thuyền không chủ đã tan hoang vì những sợ hãi, bực tức, uất ức của đám đông đứng trên bờ. Những vết đạn chạy dọc thân thuyền và một lỗ thủng lớn chắc đã được tạo ra bởi một viên M79 bắn trực xạ trong tầm gần.
Tôi nghĩ thầm thôi xong. Đời tôi chắc kết thúc trong tăm tối, trên bờ sông vô danh này bởi một lẽ rất giản dị: tôi không biết bơi. Cái đám đông cả ngàn người tới trước tôi không lẽ không ai biết bơi, thế mà họ thúc thủ nơi đây là đủ hiểu mức nguy hiểm của dòng nước vô danh này.

*

Ngày N + 15, 11 giờ 00 phút
Tôi tuyệt vọng ngồi xuống cạnh bờ nước, châm một điếu thuốc thở khói lên trời cao. Trời đẹp, trong, xanh, cao vút với những đám mây trắng. Cuối chân trời, hướng nam, những ngọn núi của đèo Đại Lãnh đứng sừng sững. Tôi kiểm soát lại những vật dụng tùy thân. Khẩu "Đại Cồ Việt" đã đưa cho Điệp, tôi cũng không muốn lấy lại. Điệp ở cạnh tôi. Phúc cũng đứng sát đó. Nhóm người của Chuẩn tướng Cẩm cũng có mặt. Và người bạn Quân cụ cũng còn đây, hầu như tất cả đơn vị tôi đều hiện diện, có khác chăng bây giờ không có ai nhận lệnh của ai nữa. Dòng nước này chỉ huy tất cả, nó bắt mọi người ngừng lại, nó bình đẳng mọi người kể từ ông tướng xuống tới người lính. Tôi buồn bã gọi Điệp và Phúc lại. Điệp vốn là một thể tháo gia, tôi hỏi hai người:
"Có cách nào qua sông không?"
Phúc nói liền:
"Anh Ba đợi ở đây, em bơi qua bên kia, chạy vào trong xóm kiếm sợi dây kéo anh qua."
"Em cứ lo cho em đi, anh đợi Chuẩn tướng Cẩm gọi máy bay tới"
Tôi nói để mà nói, tôi nói để Điệp và Phúc khỏi bận tâm về tôi. Điệp nhìn tôi một cách kỳ lạ.
"Em có thể bơi qua được, cứ để cho nước cuốn mình trôi ra ngoài biển, đừng bơi cưỡng lại, nó có cuốn mình ra ngoài đó một cây số là cùng, rồi từ đó mình bơi trở vào bờ bên kia. Nhưng em chỉ có thể bơi nổi một mình thôi."
Tôi thấy Phúc tháo giầy, cởi bỏ cái quần dài, vẫn còn chiếc áo lính, tiến thẳng xuống dòng nước. Phúc đã xuống hẳn dòng nước. Nước tới đầu gối nó. Nước tới đùi. Nước tới bụng... Đột nhiên Phúc hẫng cẳng, chìm xuống. Khi ngoi đầu lên, Phúc đã bị cuốn đi cả mười thước. Tôi thấy Điệp gào to:
"Bơi xuôi dòng. Phúc, cứ bơi xuôi dòng."
Phúc dường như có nghe Điệp mách nước, hắn bơi xuôi theo dòng. Một cơn sóng nhồi Phúc lên cao, rồi nhận Phúc xuống dưới, khi nhô đầu lên Phúc hốt hoảng đổi hướng bơi sang bờ bên kia. Một cơn sóng kế, Phúc lại bị hất lên, nhận xuống. Tôi thấy Phúc cuống quít, đập tay chân loạn xạ. Tôi không biết bơi nên biết rõ những phản ứng Phúc đang làm giống hệt như tôi giỡn sóng mỗi buổi chiều ở Phú Quốc, Vũng tàu. Động tác này không phải là bơi mà là vùng vẫy dưới nước. Đứng trên bờ Điệp kêu gọi rối rít:
"Đừng có phí sức, Phúc. Cứ để nước kéo ra biển, rồi sẽ bơi vào bờ sau. Phúc ơi ! Đừng có phí sức."
Tiếng Điệp không còn gào lên nữa mà như một lời thì thầm, một lời khấn nguyện. Phúc bây giờ đã bị cuốn ra xa khỏi chỗ ban đầu cả một trăm thước, và mới chỉ băng ngang chưa được hai mươi thước.
"Đừng có phí sức Phúc ơi ! " Tôi thấy tôi đang khấn thầm trong miệng như vậy "Đã bảo là đừng có lo cho anh. Anh đâu đáng để cho chú phải bơi qua bên kia, kiếm sợi dây kéo anh qua."
Dòng nước đã đưa Phúc ra xa, nhấp nhô theo từng cơn sóng, ban đầu tôi còn thấy Phúc vùng vẫy tay chân, bây giờ tôi hy vọng quá xa tôi không trông thấy, nhưng Phúc vẫn còn cử động, vẫn bơi, vẫn còn tỉnh táo thực hiện điều Điệp nhắc.

*

Ngày N + 15, 11 giờ 15 phút
Nhóm người của Chuẩn tướng Cẩm và tôi vẫn thúc thủ bên bờ. Điệp đã để lại khẩu "Đại Cồ Việt" chỗ tôi. Anh chạy đi hồi nào tôi không biết. Cái hình ảnh của Phúc bị nước nhồi lên nhận xuống làm tôi hết can đảm xuống mé nước. Kể từ lúc không còn thấy Phúc nhấp nhô theo sóng, tôi như người mất hồn. Ngồi xuống bãi cát, quay lưng lại dòng sông, tôi nhìn về phía Tiểu khu Tuy Hoà. Nhiều cột khói bốc lên ở đó, tiếng người lao xao chung quanh tôi hầu như cả đơn vị tôi, cả đơn vị của Kiệm, Huy đều hiện diện đủ, súng ống đầy bãi biển. Tôi quay nhìn về phía những người sẽ tới bắt tôi. Khẩu "Đại Cồ Việt"còn đây. Trong bụng một khẩu Colt 9. Cái ý tưởng của mấy hôm trước khi bước lên xe đò trở về lảng vảng trong óc tôi: "Chắc chắn không thể để bị bắt, trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu không đủ can đảm để tự kết liễu tôi cũng có thể ép những người anh em bên kia khai hỏa." Tôi ngồi quay lưng lại con nước đợi chờ điều tồi tệ nhất có thể xẩy đến.
Tôi nhìn thấy một người lính vừa chạy vừa nghển cổ tu những giọt nước cuối cùng trong bi đông. Rồi anh quăng cái bi đông đã cạn nước xuống bãi cát không thương tiếc. Một ý nghĩ vừa lóe lên trong óc tôi. Chỉ cần năm, bẩy cái bi đông tôi có thể nổi trên nước một cách dễ dàng.
Tôi vùng dậy, chạy ngược lại đường cũ, đảo mắt tứ phía. Tôi định kiếm mấy cái bi đông, đổ hết nước ra, đậy nắp chặt lại, chỉ cần năm bẩy cái rồi lấy dây giầy cột quanh người là tôi sẽ nổi, rồi cứ thế để cho nước cuốn ra hẳn ngoài xa, khi đà của dòng nước yếu đi sẽ bơi vào bờ bên kia. Tôi lục lọi các túi đồ người ta vứt lại đầy trên bãi cát, cả mười phút trôi qua, tôi chỉ kiếm được vỏn vẹn hai cái bi đông nhà binh và một cái bình nhựa độ ba lít, tôi ngồi xuống loay hoay cởi giầy, cột tất cả thành một chùm. Đúng lúc đó tôi thấy Điệp đi tới, một tay xách cái can đựng xăng nhà binh đã sơn mầu dân sự, tay kia Điệp xách hai cái nệm xe hơi có bọc vải nhựa ở ngoài, khẩu M16 vẫn đeo ngang vai. Điệp dáo dác tìm tôi. Thấy tôi loay hoay với đống đồ nghề vượt sông, Điệp cười tươi tỉnh:
"Để em dìu anh Ba bơi qua sông."
"Em tìm ông bạn Quân cụ lại đây, rủ ông ấy bơi qua một thể"
"Người ta đông như thế này, ông ấy lại biến mất từ hồi nào, làm sao tìm được bây giờ?"
"Liệu có thể dìu thêm một người nữa được không?"
"Được chớ anh, mình chỉ cần nổi, không bi nhận chìm là được rồi. Anh đừng có vùng vẫy, đập loạn xạ, chắc chắn là sẽ qua được"
Rồi Điệp giễu:
"Anh đập chân nhịp ba, nhịp năm như anh dặn người ta bắn đại liên là được rồi."
"Chắc chắn mình dìu thêm được một người nữa không?"
"Chắc chắn."
"
Vậy để anh rủ ông Cẩm bơi qua, bề gì ổng cũng là ông tướng."
"Chỉ sợ mấy ông tá đi theo ổng bu lại là mình chết chìm cả đám."
"Đừng lo, họ không dám vọng động đâu."

*

Ngày N + 15, 11 giờ 45 phút
Chuẩn tướng Cẩm, tôi và Điệp xuống tới mé nước, phải chi tôi được chụp ảnh lúc này thì chắc là đẹp giai lắm: Hai bi đông cột hai mạng sườn, ngực độn cao bới cái bình nhựa ba lít dưới lớp áo trận. Ông Cẩm to con ở giữa, tôi và Điệp hai bên, cả ba đều chân trần. Một ý nghĩ khôi hài chợt đến, đồng thời một tin tưởng mãnh liệt cũng thoáng qua: Tôi sẽ thoát hiểm. Chắc chắn tôi sẽ thoát hiểm.
Nước đến bụng, chúng tôi mới cách bờ không đầy mười thước, rồi tôi hụt cẳng, nhưng tôi nổi, ít nhất là từ cổ trở lên. Hai chân ông Cẩm đập đùng đùng xuống nước, Điệp và tôi mỗi người giữ một tay vào cái nệm xe hơi, tay kia Điệp khoát nước một cách từ tốn. Nước chẩy mạnh dữ dội, chúng tôi xa bờ từ từ theo một đường chéo. Bề ngang con sông chưa đầy một trăm thước này, chúng tôi qua nó bằng một đường chéo dài gấp bốn lần. Lên được bờ bên kia, tôi mệt muốn đứt hơi, ngồi bệt xuống bãi cát, thở hổn hển.
Tôi chưa bao giờ mệt đến thế, mệt hơn cả những trận banh tôi đá liền một mạch cả hai tiếng đồng hồ, mệt hơn cả lần di hành mãn khóa của trường Thủ đức với hai mươi kí trên lưng, đi bộ liên tục hai mươi lăm cây số dưới trời mưa to, gió lớn. Có lẽ mệt hơn thế nhiều, chúng tôi ngồi đó nhìn những bạn đồng đội bên kia mỗi lúc mỗi gần kề cái lưới.
Chuẩn tướng Cẩm nói:
"Hiển, làm sao cứu thằng em ruột của anh, nó còn ở bên kia bờ."
Trong một thoáng giây, tôi ân hận là mình đã làm một việc thừa. Đáng lẽ tôi phải tìm cho được người bạn Quân cụ, đem qua sông. Dẫu chúng tôi chỉ biết nhau vỏn vẹn bốn năm tiếng đồng hồ. Nếu không tìm được ông ta, cái người đáng lẽ tôi phải rủ đi, phải mang được qua sông phải là Kiệm, Huấn, Cảm v.v... Tất cả họ đều lảng vảng đâu đó. Tôi giận mình đã tự rước vạ vào thân. Tôi quay lại:
"Thưa Chuẩn tướng, bây giờ tôi đi kiếm thuyền. Chuẩn tướng có đi với tôi hay không?"
"Em cứu thằng em của anh hộ anh đi Hiển. Anh chờ ở đây. Để anh gọi máy bay tới."
Để chấm dứt tình trạng lằng nhằng tôi nói:
"Chuẩn tướng cứ gọi máy bay đi. Tôi vào trong xóm kiếm một hớp nước, và kiếm dân chài có thuyền xong tôi sẽ quay lại."
Tôi tin là ông biết tôi nói cho qua chuyện. Mặt ông thẫn thờ nhìn qua con nước. Đến bây giờ tôi mới biết cái người phát ngôn những câu chướng tai đó là em ruột ông. Tự nhiên tôi thương cảm ông vô cùng. Cái ý nghĩ giận lẫy về ông trong vài phút trước tan đi nhanh như một cơn gió. Ít ra ông Cẩm không để cho tôi phục trong cung cách một cấp chỉ huy cao, ông cũng làm cho tôi kính nể cái cung cách người anh của ông đối với em út trong nhà. Điệp đưa mắt nhìn tôi. Tôi hiểu ý anh ta muốn gì.

*

Ngày N + 15, 12 giờ trưa
Tôi và Điệp bước vào một xóm nhỏ có chừng hơn mười nóc nhà, xóm vắng lặng không người, không còn cả súc vật. Chúng tôi uống nước trong một cái phuy dựng đằng trước một căn nhà giữa xóm. Điệp vừa cười vừa nói với tôi:
"Hồi nãy em tưởng anh Ba muốn cứu em ông Chuẩn tướng"
"Anh đâu có điên."
"Bây giờ mình dông về hướng nam đi anh. Cái thằng Phúc giá đừng vội thì giờ này đủ anh đủ em cả."
"Cái xóm không có một bóng người, kỳ cục thật."
"Bọn này cũng chẳng tử tế gì, cho mẹ nó một mớ lửa đi anh"
"Bậy nào, dân chúng ở đâu mà chả sợ tai bay vạ gió. Chú xem có cái gì gặm được không? Đề phòng chuyện phải lội bộ, trốn tránh suốt ngày."
"Không có gì đâu anh Ba. Bọn này mà trốn thì đến củ khoai chúng không mang được, chúng cũng vùi xuống cống, chờ khi nào tan giặc về, moi lên. Mà mình đâu có thì giờ để kề cà. Mình đi anh Ba."
Trở lại bãi biển, chúng tôi nhắm hướng nam tiến bước. Tôi ngó lại chỗ cũ, ông Chuẩn tướng Cẩm vẫn còn đó, đi qua đi lại bên bờ sông. Đám đông bên kia sông vẫn không bớt được chút nào, vẫn vòng lên lộn xuống như rồng rồng mất mẹ. Cát khô rít dưới chân trần, tôi và Điệp đi như chạy. Ít nhất chúng tôi cũng thoát được cái bẫy đầu của thiên nhiên, tôi bước như một cái máy, dường như cái đầu không thuộc vào đôi chân. Đôi chân như của một người nào cho mượn, cái đầu hình như còn ở lại với Huấn, Kiệm, Cảm, với hàng trăm binh sĩ ở bên kia sông. Có lúc tôi nghĩ tới người bạn Quân cụ, Tài chánh, có lúc tôi nghĩ tới những người tôi không có thiện cảm như em ruột ông Cẩm.
"Anh Ba, thuyền nhiều quá. Đù mẹ thuyền thì neo giữa sông, còn bọn thuyền chài thì ở đầy trên bãi."
Tiếng Điệp oang oang mang tôi về thực tại. Đã đến một dòng sông thật rộng: sông Đà rằng. Con sông tỏa rộng ra ở cửa biển. Rộng tưởng chừng không thấy bờ bên kia. Mênh mông, bát ngát. Xa bờ chừng trăm thước, một dẫy thuyền lớn nhỏ cả trăm cái, neo một hàng dọc. Trên bờ dân chài thứ thật, che bạt tránh nắng, moi cát đốt lửa nấu cơm, lầm lì không nói, họ lặng lẽ như những cái bóng, nhưng trong ánh mắt, tôi biết họ lo lắng vô cùng. Họ sợ những người chạy chết như tôi làm ẩu, chỉ cần một người làm ẩu là tất cả những con thuyền đó sẽ lãnh đủ tai họa. Tôi gặp lại thêm sáu người nữa của đơn vị cũng đã đến được đây trước.
Chúng tôi họp lại được một nhóm tám người. Thuyền neo đầy ở trước mặt. Tôi tiến đến hỏi một người đàn ông đứng tuổi đề nghị thuê thuyền của ông ta. Ông ta nói ông không có thuyền, ra ngoài này để tránh hai bên giao tranh, tránh bị đạn lạc. Tôi hỏi một người thứ hai, cũng những luận điệu cũ. Biết có hỏi thêm nữa cũng vô ích, nhưng tôi sẽ có cách biết ai là chủ một cái thuyền. Ít nhất cũng có thể biết ai là chủ một cái thuyền. Tôi nói với Điệp:
"Chú bơi ra ngoài kia, lấy đại cho anh một cái thuyền, càng lớn càng tốt."
"Em đâu có biết lái ghe, anh Ba."
"Anh đâu có bảo chú lái, anh bảo chú cứ chiếm đại một cái ghe. Thằng chủ sẽ xuất hiện để mình nói chuyện."
Điệp và một người nữa đi xuống nước. Sông Đà rằng rộng dễ chừng hơn mười, mười lăm lần con sông cũ, nhưng cũng trái ngược lại, nước làm như không chẩy, nước như đứng im, bởi vì ngay đây đã là cửa biển , nước không còn là nước ngọt, không trong xanh như nước biển nhưng cũng không đục ngầu như nước sông. Tôi thấy Điệp lội một quãng thật xa trước khi phải bơi. Cả hai chọn con thuyền nhỏ gần nhất, thực ra chỉ là cái ghe đuôi tôm. Điệp leo lên trước, còn người kia tìm cách gỡ sợi dây buộc vào thuyền bên cạnh. Một người đàn ông bỏ lều chạy vội ra, miệng la lớn:
"Ghe đó của tôi, không chạy được đâu. Máy hư rồi."
Để trả lời câu nói, tiếng động cơ máy đuôi tôm nổ nổ dòn dã. Ghe đã được tháo dây, tách khỏi hàng, Điệp cố gắng lái cho chạy thẳng vào bờ. Điệp vẫy tôi rối rít, cho máy nổ nhỏ lại, cố giữ cho chiếc ghe đứng lại:
"Anh Ba, có ghe rồi"
Tôi chận người đàn ông lại:
"Ông đưa tụi tôi ra ngoài khơi. Có tầu của hạm đội Mỹ, và tầu Hải quân đón tụi tôi ở ngoài ấy."
"Tôi không đi đâu cả."
Tôi rút khẩu Colt 9 ra, lên đạn:
"Ông có đưa tôi đi không? Nếu tôi chết ở đây, có thể ông sẽ chết. Ít nhất là tôi có thể phá nát ghe của ông. Phá nát tất cả ghe ở đây luôn."
Người đàn ông thách:
"Cứ bắn đi"
Tôi tức đến nghẹt thở. Một người lính lên đạn khẩu M16. Tôi chặn người lính lại kịp thời, rồi tiến tới nắm cổ áo ông ta:
"Có đi không?"
Dí khẩu Colt 9 vào màng tai ông ta, khi bóp cò, tôi chĩa súng lên trời. Tiếng nổ làm ông ta hết hồn, biết là vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ông ta như muốn xỉu, đứng không vững, miệng líu ríu:
"Thầy Ba để tôi đưa qua sông."
"Tôi không qua sông. Tôi muốn ông đưa tôi ra ngoài xa, sẽ có tầu lớn của Hải quân, sẽ có tầu lớn của Mỹ."
"Ghe của tôi nhỏ lắm không ra ngoài xa được."
"Cứ đưa tôi ra ngoài biển, không gập tầu lớn thì cứ ven bờ mà đi."
Tôi lấy trong túi ra năm ngàn đưa cho ông ta.
"Đây là tiền xăng đưa tôi ra ngoài biển. Nếu không gặp tầu lớn, ông đưa tụi tôi đi thoát, tôi sẽ biếu ông một trăm ngàn."
Chiếc ghe thì quá nhỏ cho chúng tôi tám người, thêm người chủ ghe. Ông ta chắc đã hoàn hồn, có vẻ như vẫn còn ù tai bởi phát súng bắn dọa, nên nhìn tôi gườm gườm, thỉnh thoảng lên giọng nhắc chừng chúng tôi:
"Ngồi yên, đừng có quày người qua lại! Không thấy ghe muốn khẳm rồi sao?"
Mặt nước cách mạn ghe có một gang, mỗi lần sóng lớn, nước chạm vào ngón tay tôi buông thõng ngoài mạn thuyền. Không hiểu vì phải chạy gối sóng hay sao, ông ta cho thuyền chạy ngược lên phía bắc trước khi chuyển hướng chạy ra khơi. Một lần nữa, tôi nhìn thấy những binh sĩ của tôi. Họ kêu gọi tôi vang một góc bãi. Tôi nhìn thấy Huấn, thấy Kiệm, thấy thật nhiều người nữa. Điệp nhắc chừng:
"Anh Ba à, thuyền muốn khẳm rồi đó. Không ghé vào đó được đâu."
Rồi Điệp chửi thề nhỏ để người chủ thuyền không nghe thấy.
"Đù mẹ ngược lên trên này làm gì? Gặp mấy thằng khùng sợ hoảng nó ria cho một tràng thì chỉ có nước ngáp."
Tôi cúi mặt xuống hổ thẹn. Dường như cả đơn vị còn đó mà lời hứa "CÓ MẶT"của tôi đã bị gió thổi xa bay. Lời hứa "CÓ MẶT"của tôi đã bị sóng lôi ra biển.

*

Ngày N + 15, 12 giờ 15 phút
Đám đông trên bãi khuất dần về phía sau, tôi nói với tất cả mọi người:
"Điệp hỏi coi ai còn tiền, gom lại cho anh, để anh thương lượng với ông chủ ghe."
Chập sau chúng tôi góp được hơn năm chục ngàn. Tôi nói với ông chủ ghe.
"Cứ đưa tôi ra xa một chút nữa. Gặp tầu Hải quân chúng tôi cho ông hết."
"Không có tầu Hải quân ở đây đâu thầy Hai."
"Sao ông biết?"
"Có thì có từ hổm rầy, không có thì ngày mai cũng không có chớ đừng có nói bây giờ."
"Ghe của ông có chạy được tới Nha Trang không?"
"Ghe này là ghe câu, đâu có chạy xa được."
"Cứ men bờ mà đi tới đâu hay tới đó."
"Hay là thầy Hai để tôi chở thầy Hai về bến thương lượng với mấy chủ ghe khác, phải có ghe lớn mới đi Nha Trang được."
"Không ông cứ giữ khoảng cách thấy bờ, cứ men theo bờ chạy cho tới lúc nào gặp thuyền lớn thì chúng tôi sẽ thương lượng với họ."
"Điệu này chắc mình chỉ còn đủ dầu chạy 2 tiếng nữa là cùng."
Điệp nổi nóng:
"Đù mẹ còn cỡ nào, chạy cỡ nấy. Hết dầu thì chèo bằng tay. Không có vụ quay lại."
Tôi nói với Điệp nhưng muốn để ông chủ ghe yên tâm:
"Cứ yên trí đi, chút nữa thế nào cũng gặp ghe lớn."
"Thầy Hai với mấy ông đây cứ yên tâm đi. Chút nữa thế nào cũng gặp ghe lớn."

*

Ngày N + 15, 12 giờ 45 phút
Một chiếc ghe lớn từ xa chạy ngược lại. Một người lính lên đạn khẩu M16 bắn chỉ thiên một tràng. Cái ghe lớn hoảng sợ quay hướng khác. Tôi phát cáu chửi thề:
"Bố khỉ chỉ bắn sảng. Sao hồi sáng không bắn hăng như thế. Đưa khẩu súng đây, vứt mẹ nó xuống biển cho rồi Điệp."
Mấy người lính im thím thít.
"Thầy Hai đừng lo, tôi rành mấy người ở đây lắm. Không gặp ghe người này cũng gặp ghe người khác. Ghe hồi nãy của thằng cha Bảy. Thằng chả nhát lắm, không dám ở lại bãi nên đem toàn gia lên ghe chạy lòng vòng ngoài biển chờ hết súng thì về. Có điều thầy Hai nói mấy ông đây đừng có bắn bậy, tới giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn."
"Rồi, có ghe nữa anh Ba."
"Đâu hướng nào?"
"Hướng mười giờ đó anh Ba."
Tôi quay lại nhìn theo hướng người vừa nói, thấy một chiếc ghe lớn hơn ghe thằng cha "Bảy nhát" nào đó hồi nẫy. Ông chủ ghe đổi hướng chạy tới chiếc ghe lớn. Vài phút sau chúng tôi nhìn rõ bóng người qua lại trên ghe. Ông chủ ghe gọi ơi ới:
"Phải ghe thằng Quới đó không? Có thằng Quới đó không?"
"Phải chú Sáu không?"
"Tao chứ còn ai nữa? Có mấy thầy này muốn thuê ghe vô Nha Trang. Ghe tao không đủ sức."
"Ở nhà ra sao?"
"Tụi tao trên bãi đâu có biết gì, nhưng chắc không sao đâu."
"Nhà tui có cháy không?"
"Tao ở bãi đâu có biết, nhưng tao nhìn về xóm mình hoài thấy không có khói. Có cháy chỗ Tiểu khu, nhưng không biết xóm đó có sao không?"
"Hết đánh rồi hả chú Sáu?"
"Tao đâu có biết? Có mấy thầy này muốn vô Nha Trang mấy có chở không? Nếu không để tao tìm ghe khác!"
Tôi nói với ông chủ ghe:
"Chú Sáu cứ cập vô ghe anh Quới đi, để tôi muốn thương lượng thẳng với ảnh."
Hai chiếc ghe sáp lại từ từ. Anh Quới người chủ ghe bự đó hỏi tôi:
"Mấy thầy muốn vô Nha Trang hả?"
"Phải. Bao thuê ghe của anh từ đây vô đó bao nhiêu tiền?"
"Mấy thầy tám người cả thẩy phải không? Hai mươi ngàn một người. Thôi tất cả một trăm năm chục ngàn."
"Được rồi. Bây giờ tôi chỉ có năm chục ngàn ở đây, nhưng tôi có chiếc đồng hồ Longine trị giá một trăm ngàn. Nếu anh muốn lấy tiền mặt thì theo tôi về nhà ở Nha Trang, tôi sẽ trả cho anh."
"Rồi mới thầy lên ghe đi."
Tôi bảo Điệp đưa thêm cho chú Sáu năm ngàn nữa. Tôi nói với chú Sáu vài lời cảm ơn, vài lời xin lỗi về phát súng bắn dọa sát màng tang làm chú sợ tới giờ này. Chú Sáu cười nói:
"Tôi biết thầy đâu có dữ dằn gì. Ai mà không có lúc hoảng hốt. Thôi chúc thầy Hai với mấy ông đây vô Nha Trang bình yên."

*

Ngày N + 15, 1 giờ trưa
Tôi quá mệt và buồn ngủ, phần vì đêm qua không chợp mắt được, phần vì gió biển mát, và sau cùng có lẽ ghe nhỏ bị sóng nhồi nên say sóng. Tôi nói với Điệp:
"Chú canh chừng, anh ngủ một chút lấy sức."
"Anh Ba ngủ đi, yên tâm, thoát rồi anh Ba."
Tôi thiếp đi giữa tiếng gió biển hòa với tiếng sóng, ban đầu còn nghe tiếng máy ghe nổ, tiếng sóng vỗ mạn ghe, tiếng gió hú trên cao. Mắt tôi trĩu nặng, nhưng tai vẫn nghe được, những âm thanh hỗn tạp ban đầu thưa dần. Rồi bỗng nhiên thấy tôi đang thơ thẩn giữa phố Pleiku, giữa đồi Đà Lạt, giữa đồn điền Ban Mê Thuột. Rồi người ta đông vô kể, hàng rào kẽm gai trùng trùng lớp lớp. Những bộ áo nhà binh xanh, những bộ áo tù nâu, những chòi canh, những bãi mìn. Những khuôn mặt rõ nét hơn, những bằng hữu cũ, những người thân yêu xưa, tôi không thấy một người nào cười. Tất cả đều lặng lẽ, và có rất nhiều khuôn mặt đẫm lệ. Biết là tôi đang ngủ mơ, nhưng giữa mộng và thực đường như không có gì khác biệt. Giữa con bướm và Trang Tử, bọn hậu sinh như tôi thấy dường như là một.
Biết là tôi đương mơ, nhưng dường như cái thực không có thật. Có lúc đương ban ngày, tôi thấy mình là lính của vua Quang Trung đang vượt đèo Tam Điệp, đang chạy lúp xúp trong đêm tối, đang ngủ mê mệt trên võng. Buổi sáng nay có một lúc ngồi thừ người bên dòng sông, tôi tưởng mình là lính của... Lê Chiêu Thống. Bọn tướng tá của Tôn Sĩ Nghị và của nhà Hậu Lê đâu có phải tìm xa, tôi gặp hàng ngày. Lính của tôi đã tiền hô hậu ủng "Quế tướng công"cả năm trời hay sao? Những mệnh phụ phu nhân có dạo dường như tôi gặp đầy trong các "xóm" bán phấn buôn hương.
Đâu có gì khác biệt giữa một ông dược sĩ cho thuê bằng mở pharmacy, với một cô gái giang hồ bán trôn nuôi miệng. Bởi rõ ràng ông dược sĩ được biểu tượng bởi cái bằng, ông cho thuê cái bằng có khác gì cho thuê cái thân. Khôi hài nhất là chúng ta đang ở vào thời kỳ mạo hóa. Cái gì người ta cũng có thể làm giả được, kể cả nhân cách, kể cả những thứ thật trừu tượng, không trông thấy, không sờ được, không ngửi được, không mó được, không ăn được. Những thứ đó có nơi người ta gọi là độc lập, tự do. Có chỗ gọi là hòa giải dân tộc. Ở chùa nó là đạo pháp. Ở nhà thờ là niềm tin. Trong học đường nó là tương lai. Chính phủ và quốc hội gọi nó là hiến pháp. Những nhà văn gọi nó là tự do tư tưởng. Mấy ông ký giả gọi nó là đệ tứ quyền... Mặc dù xuất hiện dưới hình thức nào, tất cả những món hàng đó trong thời đại của chúng tôi người ta làm giả được tuốt. Có nhiều khi cái giả đẹp hơn cái thật. Những cái giả này góp phần thành xã hội Việt Nam cả hai miền Nam và Bắc. Góp thành bom dội xuống bên này và bên kia dòng sông Bến Hải. Góp thành súng của các nơi gửi về giúp đỡ cả hai nửa phần dân tộc. Góp thành đạn để dân Việt bắn lẫn vào nhau, và máu đổ ra chan hòa mặt đất.
Tất cả những món hàng giả tạo này, sơn phết lòe loẹt, đã làm cho miền Nam mỗi ngày mỗi mất dần đi chính nghĩa ban đầu. Những kẻ lãnh đạo miền Nam mỗi ngày mỗi lộ bản chất nhu nhược, tay sai. Những mệnh phụ của miền Nam trong lúc tô son điểm phấn mỗi ngày mỗi vẽ giúp cho bộ mặt miền Nam những nét nguệch ngoạc, lem luốc, xấu xí. Trong khi đó ở miền Bắc, những kẻ lãnh đạo với tài phù thủy đã nặn ra được cái chính nghĩa không có thực, mỗi ngày mỗi tô điểm cho cái chính nghĩa mạo hóa "dân tộc" này, để đẩy hai thế hệ thanh niên vượt Trường Sơn bằng những đôi chân trần. Từng bước một, từng nấc một, cuộc nội chiến đến với dân Việt êm như một con rắn trườn đi trên mặt đất, êm như một con nước lớn từ từ đang dâng lên cao. .
Càng ngày cái tập đoàn lãnh đạo của cả hai miền Nam Bắc càng để lộ ra cái bộ mặt tay sai, đã dẫn dắt hai nửa phần dân tộc vào một cuộc chiến ủy nhiệm. Nam hay Bắc rồi đây không có ai thắng trận chiến này. Máu xương của dân tộc Việt đổ ra, chỉ đủ cho các cường quốc nghiêng được cán cân quyền lực thêm một nấc, trong các bàn hội nghị.
Tôi biết rõ là tôi đương ngủ mê. Nhưng có gì bảo đảm giữa mộng và thực không phải là một. Hai ngàn năm sau, con bướm của Trang Tử vẫn còn đó. Bây giờ con bướm đó đã sản xuất thành hàng triệu con bướm khác sinh sôi khắp mặt địa cầu "... Chúng ta chẳng qua chỉ là hai quốc gia, nằm trên đầu hai cái sừng của một con ốc sên, và trận chiến diễn ra trên trán của con ốc sên này. Máu chảy thành sông, xương cao thành gò..." (Nam Hoa Kinh). Bãi chiến trường đó giờ đây đang vào hồi cuối. Khi cái màn kéo xuống, chắc chắn chúng ta sẽ có được bóng tối.
Những âm thanh chát chúa lại một lần nữa trở về, những khuôn mặt mờ nhạt dần đi, âm thanh càng lúc càng hỗn loạn. Tiếng bom rơi, đạn rít, tiếng người rên xiết, oằn oại, tiếng xích chiến xa nghiến trên mặt đường, rồi cả tiếng khóc chào đời của các hài nhi. Đầu tôi muốn vỡ ra thành trăm mảnh, thành ngàn mảnh. Đột nhiên tất cả đều im lặng, và sau cùng tiếng sáo của anh lính Biệt động quân mặt rỗ trên đập Đồng Cam ngày nào rõ dần lên. Cả người tôi như một sợi dây bị kéo căng quá độ, sắp sửa đứt, thì sức kéo bỗng nhiên biến mất, sợi dây chùng lại, tôi ngủ yên trong tiếng tiêu huyền hoặc này.