Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

Ukraine (3) – Giấc mơ Antonov

Nguyễn Xuân Thọ

Vụ phá hủy chiếc máy bay Atonov AN-225 tại sân bay Gostomel phía Bắc Kiew trong ngày thứ ba của cuộc chiến đã gây chấn động ngành vận tải hàng không toàn cầu. [1]

AN-225, chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới với cái tên Mriya (Giấc mơ) là niềm tự hào của Ukraine. Toàn bộ chiều dài 84 m của nó được sơn màu xanh vàng, tạo thành lá quốc kỳ Ukraine hùng vĩ trên bầu trời. Mỗi lần nó hạ cánh và cất cánh ở đâu, báo chí đều thông báo trước để dân chúng ra chiêm ngưỡng con chim sắt khổng lồ.

AN-225 được sản xuất tại nhà máy Antonov ở Kiew từ cuối 1988, nhưng cho đến nay chưa máy bay nào phá được kỷ lục 250 tấn hàng hóa và 640 tấn tổng trọng của nó (hàng hóa + máy bay + nhiên liệu).[2] Máy bay lớn nhất của Airbus là A380 chỉ dài có 73m và chỉ chở được 150 tấn. Ngay cả đứa em nhỏ AN-124 của AN-225 (tên là Ruslan) với 150 tấn hàng hóa cũng đã hơn hẳn 134 tấn của Boeing 747-8F.

Điều khôi hài là các máy bay AN-124 và AN-225 vốn được Liên Xô thiết kế trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và phương tây, nhằm chuyên chở các khí tài quân sự và phi thuyền vũ trụ Buran, nay là phương tiện được Mỹ và NATO ưa thích nhất mỗi khi phải vận chuyển trực thăng và xe tăng sang các chiến trường xa.

Antonov AN-124 và AN-225 được ưa chuộng và vô địch không chỉ vì kích thước và tải trọng, mà còn vì các ưu điểm: Cánh cửa và khoang chứa rất cao, trong khi sàn rất thấp, khiến việc nạp các khí tài lớn như máy bay trực thăng hay tàu hỏa rất đơn giản. Hơn thế nữa là chúng không kén đường băng vì được thiết kế để đáp xuống các sân bay tạm bợ như ở Afghanistan. Trong vụ khủng hoảng Covid-19, phi cơ Antonov đã chuyên chở hàng ngàn tấn thuốc men, trang bị y tế đến các sân bay của châu Phi chậm phát triển.

AN-225 ra đời vào lúc Liên Xô đang khủng hoảng rồi sụp đổ nên không có chiếc thứ hai. Hiện nay chỉ có một cái thân thứ hai hoàn chỉnh đã nằm kho từ hàng chục năm nay. Hãng Antonov rất muốn sản xuất chiếc thứ hai, nhưng thiếu vốn. Chỉ riêng việc sửa chữa lại chiếc Mriya bị phá hủy hôm rồi đã mất khoảng 3 tỷ USD.

Năm 2016 hãng công nghiệp hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corporation of China, AVIC) và tập đoàn Antonov ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ để hoàn thiện chiếc thứ hai này.[3]

Mục tiêu AVIC đặt ra là 2019 sẽ xuất xưởng, nhưng cho đến nay cái thân AN-225 vẫn nằm phủ bụi ở Kiew. Điều này cho thấy tiền bạc không phải lúc nào cũng rút ngắn được khoảng cách công nghệ và bí quyết (Know How). Những gì Airbus, Boeing, Martin Lookheed không làm được thì AVIC còn lâu mới với tới.

Liên Xô đã sụp đổ 31 năm, nhưng công nghệ hàng không vũ trụ của nó để lại vẫn dẫn đầu thiên hạ. Cho đến nay những cái tên Mikoyan (MIG)), Sukhoy (SU), Tubolev (TU), ILyushin (IL) hay Antonov (AN) vẫn là các cây đại thụ của hàng không thế giới.

Tôi gắn bó với máy bay AN không chỉ vì năm 2010 đã từng tiếp xúc với hãng Antonov-Airlines trong một thương vụ cho Mali ở tây Phi, mà còn vì tôi luôn kính nể ông Antonov, cha đẻ ra nó.

Oleg Antonov là một công dân xô-viết mẫu mực. Ông sinh ra ở Nga năm 1906, có vợ người Armenia là bà Elizaveta Shahkhatuni. Từ năm 1946 ông sống và làm việc ở Ukraine. Tổ hợp công nghiệp mang tên ông ở Kiew là nơi sản xuất ra các thế hệ máy bay vận tải với ký hiệu AN, từ AN-2 cho đến AN-225. Thiết kế AN-225 do ông khởi xướng. Nhưng 4 năm sau khi ông mất, chiếc Mriya mới ra đời.

Oleg Antonov là một công dân xô-viết dũng cảm, tôn trọng sự thật. Năm 1965 Antonov đã công khai lên tiếng bảo vệ Ivan Dziuba. Nhà khoa học Ukraine này bị thanh trừng vì phê phán chính sách "Nga hóa" các dân tộc khác ở Liên Xô [4]. Dù là người Nga, Antonov luôn bảo vệ sự bình đẳng giữa các dân tộc trong liên bang.

Antonov coi Ukraine là quê hương thứ hai. Thi hài của ông chôn tại nghĩa trang Kiew-Baikove. Ukraine coi Antonov là một công dân lớn. Tên ông được đặt cho đường phố, trường học, sân bay ở đây. Người ta lập ra bảo tàng Antonov ở Kiew. Chân dung ông được in trên tem ở Nga và Ukraine chính là sự gắn bó truyền thống giữa hai dân tộc.

Truyền thống này được tiếp tục sau khi Liên Xô sụp đổ. Hãng Antonov Kiew tiếp tục sản xuất các loại máy bay vận tải AN, trong đó có 12 chiếc AN-124 cho hãng hàng không Wolga-Dniepr của Nga. Hãng hàng không Antonov-Airlines của Ukraine có 7 chiếc AN 124 và một chiếc AN-225. Tất cả chúng đều được bảo hành tại 2 nơi: Sân bay Gostomel Kiew và xưởng của Wolga-Dniepr ở Leipzig (Đức). Đến trước ngày Putin phát động chiến tranh, hai hãng này vẫn hữu hảo với nhau. Nếu tổ hợp Antonov ở Kiew bị phá hủy, hoạt động của các máy bay vận tải AN trên toàn cầu sẽ chấm dứt vì không có ai bảo dưỡng nữa.

Khi quân Nga tràn qua biên giới rạng sáng 24.02, phiên bản quý hiếm AN-225 đang nằm ở sân bay Gostomel, cách Kiew 20km về phía bắc. Vài giờ sau xe tăng Nga áp đảo lực lượng Ukraine ở đây và chiếm được sân bay. Nhưng ngay đêm hôm đó quân Ukraine phản công chiếm lại được. Cả hai bên đều tránh phá hủy chiếc AN- 225. Đối với Ukraine, đó là bảo vật quốc gia. Nga cũng mong chiếm được con chim khủng cho ngành vận tải của họ. Không quân Nga đủ sức đưa AN-225 bay về Nga, nhưng tình thế không cho phép.

Những ngày sau, quân Nga tìm mọi cách chiếm lại sân bay Gostomel để làm căn cứ đổ quân và vũ khí vào Ukraine. Có ý kiến cho rằng: Kháng cự kiên cường của chủ nhà đã khiến quân xâm lược phải ném bom hủy diệt sân bay, từ bỏ ý đồ “bắt sống” Antonov-225.

Khi đưa tin này hôm 27.02, ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói: Nga có thể phá hủy máy bay “Giấc mơ” của chúng tôi, nhưng họ sẽ không bao giờ phá hủy được giấc mơ của chúng tôi về một nhà nước châu Âu, hùng mạnh, tự do và dân chủ. Chúng tôi sẽ thắng”. (This was the world’s largest aircraft, AN-225 ‘Mriya’ (‘Dream’ in Ukrainian). Russia may have destroyed our ‘Mriya’. But they will never be able to destroy our dream of a strong, free and democratic European state. We shall prevail!)

Người Ukraine quyết khôi phục lại chiếc Mriya, kinh phí sẽ bắt Nga phải đền.

Phía Nga cũng đổ lỗi cho Ukraine phá hủy Mryia. Ukraine đã mở hồ sơ điều tra tội ác chiến tranh. Dù chưa khẳng định được thủ phạm vụ phá hủy kiệt tác hàng không này, nhưng rõ ràng cuộc chiến do Putin phát động đã phá hủy giấc mơ của Oleg Antonov.

Ông luôn mơ về tình yêu giữa các dân tộc.

Cảm ơn chị Nataliya Zhynkina, đại diện Ukraine tại Việt Nam về những thông tin liên quan đến "Mryia".

.....

[1] https://edition.cnn.com/.../antonov-an-225.../index.html

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Antonov_An-225_Mriya...

[3] https://www.ainonline.com/.../antonov-sells-dormant-225...

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Ivan_Dziuba

Tổng trọng lượng 640 tấn khi cất cánh, bộ bánh hạ cánh bao gồm 32 chiếc và 6 động cơ phản lực, sải cánh gần 90m là các đặc điểm của Mriya (Giấc mơ)

Viện sĩ, kỹ sư Oleg Antonov, người Nga, công dân Ukraine.

 

Chiếc thân thứ hai của AN-225 vẫn để kho suốt mấy chục năm qua

Cả một đoàn tầu hỏa ngắn có thể chui vào bụng AN-225