Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Dầu lửa và đầu đạn hạt nhân: Putin, Bá Kiến, Chí Phèo

Nguyễn Hoàng Văn

Giá dầu đang lên và, trong mối căm hờn ngun ngút với Tây phương, có lẽ Putin cũng lợn cợn mối hận của chính trị giá dầu, tương tự mối hận của nhân vật Bá Kiến trong “Chí Phèo” của Nam Cao, lúc nhìn bà tư phây phẩy thịt da mà bó tay, bất lực.

Hơn hai mươi năm trước vụ khủng bố 11/9/2001 đã đánh dấu sự “dễ thương” của Putin trong con mắt của Tây phương, đặc biệt là chính phủ George W. Bush bởi, ngay sau trận tấn công vô tiền khoáng hậu ấy, Putin đã vồn vã bày tỏ sự đoàn kết và ủng hộ. Đây là lần đầu tiên Tây phương chứng kiến sự thân thiện này từ một nhà lãnh đạo Nga mà nguyên nhân sâu xa là… giá dầu thấp quá.

Ai cũng bảo Liên Xô sụp đổ bởi nền kinh tế chỉ huy cứng nhắc không cáng đáng nổi cuộc chạy đua vũ trang do Mỹ kích động. Nhưng Liên Xô còn sụp đổ là do cú đánh bồi của cuộc khủng hoảng của kỹ nghệ dầu lửa vào thập niên 1980 khi giá cả giảm mạnh, khiến nền kinh tế chủ yếu dựa vào mấy cỗ máy hút dầu suy sụp nhanh hơn, và, tính đến năm 1989, thu nhập bình quân đầu người tại Nga đã bị giảm đi một nửa [1]. Giá dầu tiếp tục thấp khiến nước Nga hậu cộng sản trong tay ông Boris Yelsin lao đao, bết bát với tình trạng đại lạm phát nên khi thừa hưởng một đất nước thiếu thốn trăm bề vào năm 2000, Putin hiểu ngay là nước Nga chỉ có thể cầm hơi dựa vào các khoản tín dụng của Tây phương.

Không tiền thì phải thân thiện để dễ đi vay và khi dầu lên giá, túi tiền rủng rỉnh thì Putin… bất chấp. Năm 2005 là năm mà thu nhập bình quân của người Nga trở lại với mức của thời kỳ xô viết. Hai năm sau, thượng tuần tháng 11 năm 2007, giá dầu lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 Mỹ kim một thùng, thế giới càng la toáng về cuộc khủng hoảng năng lượng bao nhiêu thì Putin càng lớn lối, càng hãnh tiến bấy nhiêu. Năm 2008 Putin cho Nga đóng vai chủ nhà của giải ca nhạc Âu châu Eurovison. Năm 2009 Putin hăm he tái lập cuộc thi hát Intervision của khối Hợp tác Thượng Hải gồm Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á, để chống lại… Eurovision. Dầu càng tiếp tục cao giá thì Putin càng hoang tưởng, ngông cuồng. Tháng Ba năm 2014 Putin đã làm cho Tây phương sửng sốt khi đưa quân đến cướp trắng bán đảo Crimea của Ukraine và, trong bài diễn văn sau đó, đã nói về một thế giới đơn cực mà Mỹ độc chiếm mà ông ta cương quyết chống lại, để đưa lịch sử nhân loại trở về với tình trạng đa cực.

Mỹ và Âu châu phải làm sao để đối phó? Trong bài “Follow the Monney” đăng trên tờ The New York Times ngày 1/4/2014, nhà bình luận Thomas Friedman dẫn lời Michael Mandelbaum, chuyên gia ngoại giao của Đại học The Johns Hopkins, cho rằng Putin chỉ là một “Davos man”, như là sản phẩm của thời toàn cầu hóa và nếu không có dầu lửa thì Putin chỉ có thể kiếm tiền bằng cách bán rượu Vodka và trứng cá, chỉ đủ dính răng. Dưới sự lãnh đạo của Putin kinh tế Nga chẳng phát triển bao nhiêu mà chủ yếu là hút dầu và khí đốt lên bán, chiếm trên 50% ngân sách quốc gia nên, muốn đối phó, chỉ đơn giản cắt nguồn thu này. Theo Mandelbaum thì Âu châu phải giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga và, để bù vào, Mỹ phải gia tăng sản lượng xuất khí đốt và các nguồn năng lượng tái sinh. Mà Putin không đợi lâu. Khi Putin mới đưa quân sang Ukraine thì mỗi thùng dầu có giá trên 100 Mỹ kim. Chỉ bảy tháng sau thì giá dầu chỉ còn là 81 Mỹ kim khiến tiền Nga mất giá ào ào, lạm phát phi mã và, đến đầu tháng 10 năm ấy (2014), Ngân hàng Quốc gia Nga thừa nhận là, để giữ giá đồng tiền, họ đã chi gần 1 tỷ Mỹ kim để làm giảm sự lưu hành của đồng tiền Nga. [2]

Như thế thì Putin, trong cơn say tiền dầu, đã tính toán một cách cực kỳ… đơn cực. Không ai có thể may mắn mãi, không có cái gì kéo dài mãi và, như mọi thứ tài nguyên khác, giá dầu cũng phải có lúc lên, lúc xuống. Nếu “chí lớn” của Putin được nuôi nấng bằng tiền dầu thì nó cần được đầu tư một cách bền vững, vừa gia tăng phúc lợi cho nhân dân, vừa đầu tư vào kinh tế và giáo dục để thúc đẩy những họat động sinh lợi và sáng tạo, phát minh. Tuy nhiên ông ta chỉ chú trọng vào những chương trình mỵ dân để mua chuộc sự ủng hộ hơn là đầu tư cho sự phát triển và cải tổ. Ông ta không tiếc tiền vỗ béo bộ máy công quyền trung thành, bộ máy tuyên truyền và bộ máy an ninh mật vụ để củng cố quyền lực cho mình. Hệ quả là nước Nga trở nên thiếu bền vững, đầy tham nhũng và đầy tội phạm, mà toàn là tham nhũng thứ dữ và tội phạm thứ dữ.

Trong một cuốn sách xuất bản trước năm 1975 ông Nguyễn Hiến Lê có nêu ra một vấn đề khiến nhân loại đau đầu là số lượng dầu lửa bỏ phí trong các khối diệp thạch, tức dầu kẹt lại trong khe nứt của các phiến đá, các lớp cát pha đất sét, không thể nào hút hết ra được. Đến lúc đó, vào năm 2014, khi kỹ nghệ dầu lửa Mỹ giải quyết được cơn đau đầu của nhân loại này trên quy mô lớn thì lại đến lúc Putin đau đầu. Putin càng hoang tưởng của mình bao nhiêu, dầu càng rớt giá bấy nhiêu để rồi càng điên rồ trong sự hoang tưởng ấy bấy nhiêu.

Điên rồ tới mức, ngay trong thế kỷ 21 này, lại khởi xướng chiến tranh y như là đang sống trong thế kỷ 18; ngay trong thời đại thông tin này, có thể ngang ngược viết lại lịch sử của một quốc gia khác. Putin mưu toan vẽ lại bản đồ thế giới, mưu toan thiết lập một trật tự toàn cầu với giả định rằng giá dầu sẽ lên mãi, nhân loại sẽ sử dụng thứ nhiên liệu hóa thạch này mãi mãi.

Mà hiện giá dầu đang lên thật, nhưng, trong đỉnh cao của cơn điên, ít ra Putin vẫn còn có chút tỉnh trí để hận, như là Bá Kiến của Nam Cao.

Giá dầu sụt giảm khiến Putin tức giận nhưng bây giờ ông ta càng “hận” hơn khi giá dầu tăng cao như hằng mơ ước. Nhưng giá dầu tăng để làm gì trong khi Nga bị cấm vận tài chính đến mức gần như tuyệt đối? Nỗi lòng của Putin cũng từa tựa nỗi lòng của tên cường hào Bá Kiến bị đau lưng kinh niên khi thòm thèm nhìn bà Tư da thịt “phây phây” mà không làm ăn được gì, cái cảm tưởng mà Nam Cao ví von là “nhai miếng thịt bò lựt sựt khi rụng gần hết răng.”

Nhưng nói đến răng thì Putin không còn là Bá Kiến nữa mà, tệ hơn, phải hạ giá xuống mức Chí Phèo.

Loài thú dữ thường nhe răng hăm dọa trước khi vồ mồi và Putin cũng tự tin “nhe răng” như thế với những binh đoàn quy ước rầm rộ chiến xa và hỏa tiễn trong cuộc tập trận với chư hầu Belarus. Nhưng Ukraine lại là một khúc xương khó gặm. Và cái bộ răng hầm hừ kia đã và đang rơi rụng như là bộ răng lung lay của một người cao tuổi không biết giữ vệ sinh răng miệng khi nhai đụng vật cứng khiến Putin càng cuồng loạn hơn trong sự hoang tưởng, điên rồ. Cất quân xâm lược Ukraine, Putin hoang tưởng rằng mình sẽ đi vào lịch sử như là bậc đại anh hùng, với tầm cỡ của một Peter Vĩ Đại (1672-1725), người đã hiện đại hóa nước Nga, đã xây dựng nên Đế quốc Nga, đã đưa Nga thành một thế lực mà Âu châu phải gờm. Vào trận một cách tự tin như thế, Putin đã suy sụp lại theo sự khựng lại của tốc độ tiến quân, theo những chiến xa bị bắn cháy hay những tù binh trẻ măng khóc lóc mà người Ukraine tung lên mạng xã hội và, với phản ứng của gần như cả thế giới còn lại, Putin lại cuồng lên, y hệt Chí Phèo.

Dĩ nhiên là có sự khác nhau ở đây. Bị Bá Kiến ghen mù quáng, đẩy vào đường cùng, không còn gì để mất, anh lực điền Chí Phèo trở thành kẻ lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ. Còn Putin thì hóa liều sau khi đẩy cả dân tộc Ukraine và cả dân tộc Nga của mình vào đường cùng để rồi mắc kẹt trong tình thế không có đường rút. Cái lực lượng quy ước hầm hố ra được mang ra hăm dọa đã không còn tác dụng đè bẹp trên thực chiến nữa thì Putin lại lôi cái răng nanh vũ khí hạt nhân ra. Chỉ mới ra quân hơn hơn tuần lễ mà đã phải lôi con át chủ bài tối hậu chỉ để răn đe này ra, Putin đã bị thất bại từ đầu, thất bại từ trong trứng nước, thất bại từ trong ý đồ chiến thuật lẫn chiến lược.

Không có đường rút, Putin đang lăn đùng ra ăn vạ như một kẻ cố cùng liều thân. Chính bằng cách giương cái răng nanh hạt nhân này ra, Putin đang trệu trạo với cả nhân loại bằng hàm răng lung lay của mình ra rằng hãy buông đĩa thịt tái ấy cho y nuốt, không cho y nuốt thì y chơi láng, y bấm nút để tất cả cùng chết, chết hết, chết cả chùm, một xanh cỏ hai đỏ ngực…

Xem ra Putin đã nhận ra bản lai diện mục của mình. Y biết y không phải là bậc anh hùng. Ý thức rõ rằng không thể nào làm thế giới phải nể sợ như bậc anh hùng, y chuyển sang hù dòa nhân loại như một kẻ cố cùng cùng liều thân.

Thứ nhất sợ kẻ anh hùng

Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân

Sợ thì sợ thật nhưng là vừa sợ, vừa tởm.

Và khinh!

Chú thích:

[1] https://www.msn.com/en-au/news/world/the-west-has-declared-all-out-financial-war-with-russia-what-does-this-mean/ar-AAUyk8C?ocid=msedgntp

[2] https://www.nytimes.com/2014/04/02/opinion/friedman-follow-the-money.html

Theo Mandelbaum thì ngoài việc cắt nguồn thu từ dầu của Putin, Tây phương phải phối hợp ăn ý với nhau: Đức ngưng bán các thiết bị cơ khí và xe hơi; Pháp cắt giảm hay hủy bỏ hẳn việc bán vũ khí; Anh cấm cửa không cho giới tài phiệt Nga sang nước mình du hí và rửa tiền. Bây giờ thì Âu châu đang làm như thế, thậm chí còn làm hơn nữa, thậm chí cả Thụy Sĩ cũng bỏ thái độ trung lập cố hữu để lên án Putin.

Âu châu và thế giới hiện không chỉ làm như thế mà còn hơn thế và đó là mối hận của Putin.

[3] Kỹ thuật “hydraulic fracturing” (nứt vỡ thủy lực), áp dụng từ năm 2008, khi khủng hoảng dầu lửa bùng lên.