Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Cảm hứng lãng mạn trong thơ Chế Lan Viên

Nguyễn Phú Yên

Phong trào Thơ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX với nhiều nhà thơ tên tuổi. Trong số đó Chế Lan Viên (CLV) được đánh giá là một tài năng mới lạ. Ra đời trong hoàn cảnh đất nước khi có sự xâm nhập của nghệ thuật phương Tây, các nhà thơ đã chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn học thế giới lúc bấy giờ. Cũng như nhiều nhà thơ khác, CLV cũng tiếp thu được nhiều cái đẹp từ các khuynh hướng thi ca như lãng mạn, tượng trưng, siêu thực… qua các tác phẩm của Stéphane Mallarmé, Lamartine, Rimbaud, Verlaine, Baudelaire, A. de Musset, Paul Eluard, Edgar Allan Poe, Walt Whitman… Những nhà thơ phương Tây đã đem lại cho thi nhân nước Việt bầu trời thi ca mới lạ, bày ra những thế giới nội tâm, thế giới của tâm hồn và trái tim, ở đó những cảm xúc rộng mở thênh thang để nhà thơ bay ngập hồn thi tứ. Chủ nghĩa lãng mạn đòi hỏi tự do nên đề cao cá nhân, phá bỏ những ràng buộc, qui luật chặt chẽ, thoát khỏi những khuôn mẫu câu thúc. Bút pháp phóng khoáng, vần điệu đa dạng, ngôn ngữ bay bổng theo cảm hứng, theo nhịp đập con tim nhạy cảm đầy đam mê với giọng điệu thiết tha làm nổi bật tính nhân bản sâu sắc... Lãng mạn có nhiều thuộc tính: khẳng định cái tôi, nỗi buồn sâu đậm, tình yêu thiên nhiên, hoài niệm quá khứ, thế giới đường xa xứ lạ, kỳ bí quái dị, siêu nhiên, siêu phàm, đêm tối, dấn thân… Đúng là cả một trời huyền diệu, quyến rũ những tâm hồn thanh xuân ưa phiêu lưu vào thế giới thi ca hoa mộng.

Phong trào Thơ mới đã giới thiệu được một thế hệ nhà thơ đã quay lưng với thơ cổ điển để rồi bày ra nhựng chủ đề mới, những phong cách và ngôn ngữ thi ca mới. Họ đã làm một cuộc cách mạng dũng mãnh từ cái Ta sang cái Tôi, mạnh dạn đi vào cái bản ngã riêng tư với nguồn thi hứng dạt dào trong niềm đam mê sáng tạo. Thật ra từ năm 1931 ta đã thấy mầm mống của lãng mạn trong thơ Lan Sơn, Đông Hồ, Tương Phố… Cho đến khi phong trào Thơ Mới phát triển, trên văn đàn Việt xuất hiện nhiều trường phái thi ca phong phú, nào là “trường thơ loạn”, “trường thơ điên”, “trường thơ say”. Nhiều tên tuổi xuất hiện với bao vần thơ dạt dào tình cảm.

Và chính từ đó người đọc bắt đầu mê đắm Xuân Diệu với một thứ tình yêu nồng nàn đắm đuối; Huy Cận với nỗi đau đời, với sầu vạn cổ, với vũ trụ trăng sao; Lưu Trọng Lư với cái đẹp ở người tráng sĩ, ở con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu; Thế Lữ đi theo gót hải hồ của người chinh phu hoặc mơ về tiên giới; Phạm Huy Thông đi tìm người anh hùng chiến bại; Thâm Tâm yêu người ly khách ra đi không trở về...

Trong khi người đọc đang ngâm nga đầy hứng khởi những câu thơ nhẹ nhàng “Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng” của Xuân Diệu, “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh của Đoàn Văn Cừ, “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều của Nguyễn Bính, “Trước sân anh thơ thẩn/ Đăm đăm trông nhạn về/ Mây chiều còn phiêu bạt/ Lang thang trên đồi quê” của Hàn Mặc Tử thì bỗng nhiên họ choáng váng, thảng thốt khi đọc những bài thơ trong tập Điêu Tàn của CLV. Cái gì thế này? Của ai đây? Sao lại là những xương khô, sọ người, hồn ma bóng quế ghê rợn vậy? Thì ra họ vừa gặp chàng thi nhân 15-16 tuổi CLV từ đâu hiện ra trên văn đàn thơ mộng này. Đất Bình Định hồi ấy có nhóm thơ đã đồng hành cùng chàng trẻ tuổi này gồm Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, rồi cả Bích Khê. Nhưng bằng sự suy tưởng thâm trầm đầy bản lĩnh với năng lực sáng tạo mạnh mẽ, CLV xuất hiện rất tài hoa, đĩnh đạc, già dặn hơn. Trong khi nhiều nhà thơ thích mơ màng cảnh trời mây non nước, thích ca ngợi tình yêu thì CLV chọn những vần thơ đau thương, kinh dị, thần bí, siêu thực. Trong thơ CLV ta tìm thấy những tháp Chàm đổ nát hoang tàn cùng với nỗi niềm hoài cổ thắm thiết – đó là sự “nhớ tiếc giống dân Hời”, hơn nữa còn tìm thấy ở đó một nỗi hờn vong quốc. Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận xét về dòng thơ lúc đó của CLV: “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ 20, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật(1). Có hay đâu rằng chàng là người đã chọn con đường thơ ca lạ lẫm, kỳ dị, chưa hề gặp trước đây. Phải rồi, CLV độc sáng, duy nhất và không thể bắt chước được.

Nhưng trước hết, thử tìm vào những vần thơ với hình ảnh kỳ dị đầy rẫy ở đó:

Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại
Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ.
Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô!

(Cái sọ người)

Ngay ở những bài thơ đầu tiên này, nhà thơ bày ra cảnh tượng hãi hùng của thế giới yêu tinh với sọ người, xương khô, máu đỏ, tủy nồng:

Ðem mau đây, chiếc sọ dừa ứ huyết
Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh!
Và rót mau trong hồn ta tê liệt
Những nguồn mơ rồ dại, hỡi yêu tinh!

(Điệu nhạc điên cuồng)

Và xương khô, và sọ dừa, và thịt nát
Và hơi âm rờn rợn của yêu tinh…

Hồn ma ơi! Hồn ma ơi có nhớ
Nơi mi hằng chôn gửi hận Trần Gian?
Nơi đã khô của mi bao máu đỏ
Bao tủy nồng, nào trắng với xương tàn?

(Mồ không)

Người đọc không chỉ nhìn thấy được hình ảnh sống động, hãi hùng mà còn nghe được cả âm thanh ghê rợn như từ cõi âm vọng lại:

Tiếng xương người mạnh va sườn quách gỗ
Rùng rợn như... tiếng vỡ sọ dừa ta!

(Mộng)

Ta sẽ uống máu lan cùng tủy chảy
Ta sẽ nhai thịt nát với xương khô.
(Máu xương)

Hãy trả lại đầu lâu cho thi thể
Và hãy chôn trong cùng đáy mồ sâu
Đừng có để những đêm mờ vắng vẻ
Phải dội vang tiếng khóc quỷ không đầu!

(Đầu rơi)

Ta hãy nghe, trong gạch Chàm rơi lác đác
Tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi.

(Bóng tối)

Dường như nỗi ám ảnh từ trong tiềm thức khiến chàng trẻ tuổi ở nơi nào cũng nhìn thấy những yêu tinh, những oan hồn đang thất thểu gọi tên chàng vì chỉ có chàng mới có khả năng thấu thị. Nhiều khi ta tự hỏi có phải CLV từng chịu ảnh hưởng của Edgar Allan Poe về cái chất bí ẩn và rùng rợn trong tác phẩm của “thiên tài điên loạn”, “nghệ sĩ bị giày vò” này trong văn chương lãng mạn Hoa Kỳ?

Hỡi những hồn yêu tinh trong bóng tối
Những thương vong uổng tử đáy mồ sâu
Hãy hiện lên trong lời ta truyền gọi
Đem cho ta, bay hỡi, chiếc đầu lâu…

(Xương vỡ máu trào)

Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ
Tiếng khua vang rạn khớp đầu ta?
Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh
Như tiếng xương người rên rỉ khô?

(Mơ trăng)

Những hồn ma ấy dường như từ những thế kỷ xa xưa đang bước ra từ thành Đồ Bàn, kinh đô xưa của Chiêm quốc, ngay trên miền đất mà chàng thi nhân đang sống. Đất nước của một thời vàng son ấy với những chiến trận oai hùng, những thớt voi lẫm liệt giờ đã chìm trong dĩ vãng gợi lên cho chàng niềm tiếc nhớ không nguôi:

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi…
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn…

(Trên đường về)

Chiều hôm nay, bỗng nhiên ta lạc bước
Vào nơi đây, thế giới vạn cô hồn…
Trên một nấm mộ tàn ta nhặt được
Khớp xương ma trắng tựa não cân người
Tủy đã cạn, nhưng vẫn đầm hơi ướt
Máu tuy khô, còn đượm khí tanh hôi…

(Xương khô)

Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.
(Trên đường về)

Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!

(Những sợi tơ lòng)

Thế giới của CLV thật lạ lẫm, nó không còn là hiện thực nữa rồi; nó kỳ bí trong mộng tưởng bao la của chàng, nơi đó chàng được thỏa niềm đam mê được sống tràn trề trong tự do. Chàng thi nhân không muốn thấy cái hữu hình (physique) mà đi tìm cái siêu hình (métaphysique) không có thực? Chàng không muốn ở trần gian này mà mong ước một tinh cầu xa lạ chăng?

Kìa trời cao, trên mãi chín tầng cao
Hồn ta bay trong một làn khói tỏa
Chẳng biết rồi lưu lạc đến nơi nao?

(Đời người Chiêm nữ)

Rồi trần truồng, ta nằm trên điện ngọc
Hai tay cuồng vơ níu áo muôn tiên…

Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô
Ai réo gọi trong muôn sao, chới với?
(Ngủ trong sao)

Khi trôi đến chín tầng cao, lạc vào vũ trụ, chàng nhìn lại chính mình nhưng không tìm thấy rồi tự hỏi trong cõi siêu nhiên đó ta có còn chăng? Đó chính là suy tưởng siêu hình học của nhà thơ trẻ tuổi:

Ôi biết làm sao cho ta thoát khỏi
Ngoài Cõi Ta ngập chìm trong bóng tối?
Cho linh hồn vụt đến xứ Trăng Mây
Cho ta là không phải của ta đây
Mà sáp nhập vào tuổi tên cây cỏ!

(Cõi ta)

Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc…

Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt!
Ai bảo giùm: Ta có có Ta không?

(Ta)

Đáy Hư Vô, Người ngửa mặt trông trời
Ta là ai? Người thấy đó là ai?

(Ta là ai?)

Lòng hỏi lòng: Ta rơi xuống cõi đời
Từ cầu nào? Từ thời nào trong vũ trụ?
(Từ đâu)

Vậy thì trong thơ CLV có gì thực không? Thưa, có đấy. Trăng! Nếu trăng của Xuân Diệu chỉ là vầng trăng thương nhớ “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần, nếu trăng của Hàn Mặc Tử dù có đem rao bán thì vẫn là trăng thơ mộng “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi thì trăng của CLV là trăng điên, nói khác đi, CLV đã điên loạn với trăng:

Ta cởi truồng ra! Ta cởi truồng ra!
Ngoài kia trăng sáng chảy bao la
Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn
Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn
Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da…

(Tắm trăng)

Cô không lụa? Hãy cởi phăng mảnh áo!
Áo cũng không? Quăng tuốt cái làn da
Tôi mơ rồi, say rồi, điên thấu não
Muốn bay lên vo cả dải Ngân Hà…

(Vo lụa)

Ô kìa nhìn, em ơi, trăng lả tả
Rơi trên đầu chưa bạc những hàng cây…

Mà mảnh trăng cũng điên rồi em ạ
Bỗng dưng sao rơi xuống đáy hồ sâu?

(Trăng điên)

Nếu bài thơ Eldorado của Edgar Allan Poe vẽ ra hình ảnh chàng hiệp sĩ suốt đời đi tìm miền đất lạ, có thể là không tồn tại trên đời, thì CLV cũng đi tìm thế giới ấy – cái thế giới tuyệt đối chăng? Chính vì vậy chàng thi nhân đã thảng thốt kêu lên:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!

(Những sợi tơ lòng)

Quăng xuống đây dải lụa, hỡi ai ơi
Để mau đem hồn ta đi cõi khác!
(Ánh sáng)

Thì ra chàng đã trải nghiệm nỗi sầu nhân thế trên trần gian này, chàng đã nhận ra cái sầu vạn cổ “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu như Huy Cận đã từng nhắc tới. Bởi vậy CLV khẳng định:

Ở trần gian, muốn thoát khỏi U Buồn
Trong cõi sống, ưng ra vòng khổ sở…

Quên sao được hỡi loài người ngu dại
Quả tim ta là một khối U Buồn
Mạch máu ta là những mối Đau Thương
Mà quả đất là khối sầu vô hạn.

(Đừng quên lãng)

Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ
Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ.
(Nắng mai)

Ngay giữa mùa xuân đầy nắng tươi thế mà thi nhân vẫn lạnh lùng vì lòng chàng là cả một khối sầu muôn thuở. Chàng đâu mong xuân về mả chỉ mong ai đó nhặt cho những lá vàng để ngăn bước xuân sang:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang…

(Xuân)

Nhưng, than ôi, xuân về trong nắng sớm
Mà lòng ta, đóng lạnh giá băng thôi!

(Vo lụa)

Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi lại não lòng tôi!

(Những sợi tơ lòng)

Với tâm trạng như thế, ai cũng dễ dàng nhận ra CLV là một kẻ cô đơn. Thi sĩ lãng mạn nào mà chẳng cô đơn? Lamartine ngồi một mình trong chiều tà cũng chỉ thấy “trong tôi chỉ sa mạc với hư vô, hoặc ngồi bên hồ mà tiếc những ngày xưa để rồi kêu lên “thời gian ơi, hãy ngừng đôi cánh, nhưng nhà thơ cô đơn cũng chỉ vì nàng Elvire đã qua đời. Với CLV, có lẽ đôi khi chàng cũng suy ngẫm như Lamartine “con người không bến đậu, thời gian chẳng có bờ” nhưng nỗi cô đơn của CLV mang tính triết lý sâu xa hơn. Chàng là kẻ cô đơn trong Vũ trụ “trong U Minh hồn ta đương lạc lối”, “biết nơi đâu Cõi Sống của muôn người?”, ở đó không còn bóng dáng của Thời gian:

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

(Xuân)

Nhắm mắt lại cho cả bầu bóng tối
Mênh mang lên, bát ngát tựa đêm sâu.
(Tạo lập)

Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành
Và Hiện Tại, biết cùng chăng hỡi bạn
Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!

(Những nấm mồ)

Sau tập thơ Điêu Tàn (36 bài, 1937), CLV còn có 34 bài cùng trong mạch cảm hứng lãng mạn (1937-1947). Sức sáng tạo còn được ông tiếp nối với với ngôn ngữ thi ca tuyệt đẹp trong các bài thơ như Nguồn thơ của tôi, Thu về (1936), Chiêm quốc âu sầu, Đường về nước cũ, Một đêm sầu, Từ đâu (1937), Thu II (1939), Ta là ai (1940), Em bỗng đến (1946). Tập văn Vàng Sao (1942) với triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí đã kết thúc một giai đoạn sáng tác của CLV để rồi sau đó ông rơi vào bế tắc trong một thời gian khá dài.

Từ 1945, CLV viết báo nhiều hơn nhưng không còn ký tên CLV mà lấy các bút hiệu như Thạch Hãn, Chàng Văn… Năm 1945, CLV tham gia cách mạng ở Thừa Thiên-Huế, làm báo Quyết Thắng, được đi thực tế ở Tây Nguyên, Đà Nẵng, Hội An. Thời gian này ông không muốn gia nhập Hội Văn nghệ Cứu quốc vì sợ rằng sẽ mất tự do và mất luôn thơ. Năm 1947 chuyển ra Thanh Nghệ Tĩnh, làm báo Cứu Quốc Liên khu IV. CLV kể lại: “Tôi nhớ trong một chiến dịch trên đường số 9, năm 1949, tôi đi cùng bộ đội. Nghe tiếng gọi “Chiêu hòa” (tên một thứ súng Nhật), một đồng chí bộ đội mang Chiêu hòa tiến lên, qua trước mắt tôi. Ba phút sau người ta khiêng xác đồng chí ấy xuống. Lại nghe gọi “Browning” (tên một thứ súng máy khác), một đồng chí chân đất khác lại mang Browning lên. Và năm phút sau, người ta lại mang xác đồng chí ấy xuống ngang qua mặt tôi. Trời ơi! Tôi đắn đo, do dự, tính toán cho đến bao giờ? Những câu hỏi “Ta có còn tự do không? Văn học cách mạng có còn là văn học không?” lúc này thực là tàn nhẫn trước sinh mệnh con người! Cả dân tộc đang sống chết vì một đạo đức (éthique) mới. Còn tôi thì đang mắc kẹt trong các vấn đề về siêu hình và thẩm mỹ (esthétique) cũ. Vào cách mạng mình sẽ mất mát ư? Tôi nghĩ “Mất tất cả của mình cũng được, miễn còn sinh mệnh những người dân từng vác Browning, từng vác Chiêu hòa! Miễn còn độc lập, miễn còn Việt Nam và Tổ quốc. Giải quyết cho mình dứt khoát không thể chỉ giải quyết bằng ý niệm. Mà bằng hành động”. Tôi viết đơn xin gia nhập Đảng giữa chiến trường và giữa quê mẹ của tôi (2).

Thế là xong, sau một thời gian dài do dự, dằn vặt, trăn trở, nhà thơ có một bước ngoặt mới, đã chọn hẳn một con đường. Kể từ đây, xem như những hoa lan đầy hương sắc trong vườn nhà của họ Chế đã vội héo úa, lụi tàn. Một cuộc cách mạng mới lại đến với ông và rất nhiều người khác: từ cái Tôi lại trở về cái Ta, ngược với con đường dài dằng dặc để văn học lãng mạn thế giới đã bước đi trước đó: từ cái Ta trở về cái Tôi.

Sau này những nhà phê bình văn học thường cố tình lãng quên không nhắc đến CLV rực sáng thời thanh xuân, cũng như với Hàn Mặc Tử, Bích Khê vì họ thích kiểu thơ văn trong sáng, dễ hiểu, không thích nói đến thi ca kỳ dị, bí hiểm và siêu hình. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn có viết: “Chúng tôi vừa đọc vừa nghĩ đến một nền văn học Pháp xa vời mà thế thệ chúng tôi không bao giờ với tới. Thế mà những nhà thơ đàn anh như Xuân Diệu, như Chế Lan Viên lại sinh ra từ đấy… Đáng sợ thế chứ! (3). Đó là lời cảm phục thế hệ nhà thơ lãng mạn đã để lại tên tuổi trên thi đàn Việt.

Từ 1960 trở đi, CLV viết nhiều với ngôn ngữ tài hoa nhưng nội dung đã khác. Ông thú nhận muộn màng:

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

Có phải tôi viết đâu? Một nửa

Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!...

Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!

(Trừ đi)

Bài thơ như một lời xác nhận cho ta hiểu rằng đỉnh cao nghệ thuật của nhà thơ CLV chính là ở giai đoạn thanh xuân khi mà nhà thơ được tự do sáng tạo, khi mà tài năng phát tiết bằng tiếng nói trung thực của con tim. Chính vì vậy CLV mãi mãi rực sáng với tên tuổi là nhà thơ lãng mạn của nền thi ca Việt Nam.

N.P.Y

(2020)

-----

(1) Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Chế Lan Viên, trang XI (1941).

(2) Vũ Thị Thường, Từ việc tìm chọn di cảo thơ, tôi hiểu thêm về Chế Lan Viên như thế nào? Thời Báo Văn Học Nghệ Thuật, số 13, 22-10-2020, trang 12.

(3) Vương Trí Nhàn, Chế Lan Viên, trong http://phannguyenartist.blogspot.com/2015/12/che-lan-vien-1920-1989.html