Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Ba người phụ nữ Đồng Tâm và 730 ngày phải sống

 

“Bố và chồng tôi chỉ làm điều đúng: đòi đất cho dân làng.”

May

Dư Thị Thành

Trần Thị Hương

Hoàng Thị Hoa

Những người phụ nữ ấy đã từng đứng ngoài gần như tất cả các quyết định quan trọng của gia đình. Tên của họ thi thoảng xuất hiện đâu đó như những người bên lề trong cuộc tranh đấu đất đai của dòng họ Lê Đình thôn Hoành, lẫn trong rạng sáng ngày mà công an Hà Nội nổ súng tấn công vào chính ngôi nhà của họ. Hai năm – 730 ngày đã qua sau sự kiện ấy, ba người phụ nữ – có chồng bị giết hoặc bị án tử treo lơ lửng trên đầu, có con trai chung thân tù tội – bằng cách này hay cách khác, vẫn phải sống tiếp.

Người viết đã gặp và lắng nghe câu chuyện của họ. Những dòng dưới đây được ghi lại theo lời kể của từng người.

***

Tháng Chạp, đất ruộng hai bên đường vào làng đã được vỡ sau vụ mùa, trời còn chưa tỏ, rét căm căm, sương phủ mịt mờ, anh Công đã lai tôi ra chợ bán thịt lợn. Chợ xa lắm, cách nhà hơn 35km, nhưng đi hoài cũng quen, giáp Tết, khách đông, phải đi bán thật sớm. Đến chợ, vợ bày hàng. Kẻ bán, người mua, tiếng rao ồn ào, chồng vẫn nằm dài trên cây Wave ngủ ngon lành. Có lần một bé gái theo bà đi chợ thấy nắng lên rồi mà anh vẫn ngủ say bèn giả làm con gà trống gáy ò o gọi anh dậy. Mỗi lần nhớ đến chuyện cũ tôi lại thấy buồn cười. Đó là những ngày tháng vất vả nhưng hạnh phúc nhất của vợ chồng.

Cũng là tháng Chạp, khi hai thằng con trai của tôi –  Uy và Doanh – đã lớn và cưới vợ, chúng nó hay cùng anh họ qua Hưng Yên đánh đào, quất về bán cho người làng chưng Tết. Tụi nó lanh lẹ, đi buôn năm nào cũng mát tay. Năm đó, lẽ ra mấy anh em đã đặt cọc tiền cho chủ vườn nhưng lại không ưng ý đám quất nên quay về… Và rồi súng nổ.

Nhà tôi chẳng còn gì. Sẽ không bao giờ có tháng Chạp bình yên trở lại.

Chồng bị án tử. Một thằng con bị chung thân, đứa nhẹ thì 5 năm. Tôi không dám khóc trước mặt các con dâu. Hồi xưa, tôi chỉ biết đi chợ, lo cơm nước cho chồng, chăm con rồi giữ cháu, nhưng giờ tôi là trụ cột chính của gia đình. Suy sụp rồi cũng tự đứng dậy. Phải nghĩ là mình có suy nghĩ thêm cũng chẳng giải quyết được gì. Án tử đã ra. Người bị tù phải ở tù. Người ở ngoài cần phải làm ăn mới có thể sống tiếp. Sáng tôi bán trái cây, chiều bán thêm cây cảnh rồi phụ con dâu trông cháu. Tôi mà lăn ra ốm thì hai đứa con dâu, mấy đứa cháu nội, ba con người trong tù sẽ ra sao. Mình là mẹ chồng, là bà nội, là chỗ dựa tinh thần của đám đàn bà, trẻ con trong nhà lúc này, nên mình phải vui vẻ để chúng an tâm. Không được phép ngã quỵ, tôi khóc lúc không có ai.

Chỉ sau phiên tòa phúc thẩm, tôi mới được gặp chồng và các con. Lần đầu tiên nhìn thấy mặt vợ, mẹ và các cháu nội sau biến cố, anh không nói được gì. Người anh gầy rộc, hai chân bị xích lại, một tay bị xích vào ghế, một tay cầm ống nghe, khóc và chỉ khóc. Tôi không biết anh có còn đủ sức nghe những điều mà đêm hôm trước, tôi đã sắp xếp, chuẩn bị sẵn những gì cần nói để anh an lòng. Gần 20 phút nhìn nhau qua cửa kính, anh chỉ kịp nhắn lần sau nhớ gửi đồ ăn, quần áo nhiều thêm một chút để chia cho người bạn cũng án tử chung phòng, không có người thân đến thăm. Lần thứ hai, anh dặn đi dặn lại vợ không được làm đơn xin giảm nhẹ tội cho anh. Trong ấy, cán bộ động viên anh viết đơn cầu xin chủ tịch nước ân xá nhưng anh nhất quyết không chịu. Không được ăn học nhưng tôi cũng nghĩ giống anh, viết cái đơn xin đồng nghĩa với việc mình có tội. Chồng tôi vô tội. Mà chắc gì viết đơn, người ta đã tha cho, hay lại lấy đó buộc tội mình.

Hơn 30 năm lấy nhau, có với nhau hai mặt con, mọi chuyện lớn bé trong nhà, anh là người quyết. Hồi anh nghỉ đi chợ với vợ, ở nhà phụ bố lo giấy tờ đòi đất đai, tôi không một lời can ngăn vì nghĩ đó là việc anh phải làm. Thỉnh thoảng, tôi có thầm mong mấy bố con bỏ hết kiện tụng, tập trung làm kinh tế, lo cho gia đình; nhưng rồi lại nghĩ mình là đàn bà, là người ngoài cuộc nên mới dễ dàng nghĩ thế; còn bố chồng và chồng tôi là người trong cuộc, biết rõ ngọn ngành, nên sẽ càng bức xúc, ức chế.

Tôi nhớ, bố chồng hay nói: mình biết có sai phạm mà không làm gì là có tội với dân. Đến giờ, tôi vẫn không ân hận về quyết định của những người đàn ông trong nhà, các con dâu tôi cũng không một lời trách móc. Mà họ đã làm điều gì xấu xa để vợ con ân hận? Bố và chồng tôi chỉ làm điều đúng: đòi đất cho dân làng.

Thấy mẹ rang lạc với muối, hai đứa con gái bảo: bố thích món này lắm.

Mâm cơm chiều có món canh chua, canh cua, hai đứa lại bảo: hồi ở nhà, bố rất thích ăn món này.

Thằng con trai út ra đời 15 ngày sau khi bố bị bắt chắc lớn lên sẽ chẳng có ký ức nào về bố, ngoài con tôm bố ở trong tù lấy bao nilon làm và tết sai tên nó là Huy. Con trai anh tên Duy nhưng hồi trước phiên toà, luật sư vào gặp nói nhầm thành Huy. Anh cũng không nhận ra con vào lần đầu gặp lúc nó đã hơn một tuổi, lớn và khác so với cái ảnh chụp hồi mới sinh bé tí ti mà tôi nhờ luật sư mang vào.

Anh gầy, đen, yếu đi nhiều. Cái não của anh bị lõm xuống, tôi vẫn thấy chỗ lõm ấy sau lớp tóc. Họ đã bắn, và đánh đập anh. Lần cuối tôi được đến thăm anh là hồi tháng Bảy năm ngoái, anh nói bị đau đầu, cần thuốc hoạt huyết dưỡng não nhưng cán bộ trại giam không cho người nhà gửi thuốc vào. Họ cũng từ chối bức hình ba đứa con của anh.

Cầu thang trong nhà hai năm qua vẫn thiếu cái lan can. Vợ chồng chưa đủ tiền xây thì người ta nổ súng. Bỗng dưng tôi thành trụ cột gia đình, vừa thêu quần áo vừa trông con nhỏ. Nhiều việc cần đàn ông trong nhà. Cái ống nước hỏng, bóng đèn hư cần sửa, ba đứa con đang lớn. Tôi rất sợ thằng Duy lớn lên mà không có bố, một mình tôi không đủ sức dạy. Nó đã chịu nhiều thiệt thòi từ lúc mới sinh, mẹ vì suy sụp mà tắt sữa, phải bú toàn sữa ngoài.

Tôi không được phép khóc vào ban ngày vì sợ các con gái thấy. Tôi đang nói dối chúng vài năm nữa bố sẽ về. Mong ở trong ấy, anh viết đơn xin giảm nhẹ, nhưng rồi cũng sợ, anh viết đơn lúc không minh mẫn thì lại theo hướng người ta muốn. Chồng tôi đã làm gì có tội?

Anh đi làm thuê cả ngày, lúc làm cốp pha, lúc sơn tường; suốt nhiều năm không tham gia vào chuyện đất đai của bố và anh trai. Anh chỉ sang nhà bố vào đêm hôm ấy để bảo vệ ông. Giá như đêm hôm ấy, tôi bắt anh đi cùng mình và các con về ngoại. Nếu anh đi cùng thì giờ này anh vẫn ở đây với bốn mẹ con. Anh nóng tính, ăn nói cộc cằn, không gọi vợ là “em” mà thường là “mẹ mày” nhưng lại rất chiều vợ. Đã hai cái Tết tôi không dám ra đường vì sợ nhìn thấy những cặp vợ chồng đèo nhau.

Miếng keo mấy đứa cháu dán bít lại lỗ đạn trên cửa được vài tuần lại rớt xuống. Đôi lần như vậy, bọn nhỏ bỏ cuộc. Giờ cánh cửa vẫn loang lổ vết đạn, vệt nứt trên kính cứ lan rộng dần, chẳng biết bao giờ sẽ vỡ hẳn ra.

Hồi trước, công an bảo sẽ thay mặt kính trên cửa nhưng tôi không chịu. Họ đã bắn ra thế nào, thì cứ để nguyên như vậy. Những lỗ thủng to, nhỏ vẫn nằm im trên tường, dưới gian bếp, thành lan can, khắp căn nhà trong hai năm qua. Nhọ đen của khói lựu đạn cay cũng vậy, bám chặt từng vệt trên sàn, có cố chà thật kĩ cũng không trôi. Tôi sẽ sống với chúng, trong căn nhà này, đến lúc chết.

Ngày giỗ lần hai của ông Kình, tôi sẽ không làm cỗ to như lệ làng. Làm to làm gì, thằng Công, Chức, Uy, Doanh ở trong kia có ăn được đâu. Phần tôi còn mấy sào ruộng đủ sống qua ngày đến lúc chết. Nhưng phần Công, Chức, tôi không biết nghĩ thế nào. Lần cuối tôi nhìn thấy mặt con là tháng Bảy năm ngoái, rồi vì dịch bệnh họ không cho vào thăm nữa. Ống chân của chúng nó hồi đó bị xích lại, gầy đét, trơ xương. Thằng Chức bị một viên đạn găm vào đầu, đầu nó bị lõm một lỗ, như vết thủng trên tường nhà bố nó vậy. Có người bị giam chung trại với nó được tha về kể, thỉnh thoảng Chức lên cơn điên. Nó bị đau đầu, kêu gào, la ó mãi người ta mới đưa thuốc cho. Họ sẽ tử hình nó và thằng Công. Nếu mình xin nhà nước khoan hồng, khác nào mình nhận tội, rằng chúng nó đã giết người. Mình chỉ nên viết đơn đề nghị thôi đúng không? Không xin xỏ, chỉ đề nghị. Tôi già rồi, không biết nghĩ thế nào mới phải.

Mỗi lần leo cầu thang lên tầng thắp hương cho chồng, chân lại nhói đau. Cái chân của tôi không còn đi đứng thẳng thớm được nữa. Tai lúc nào cũng ù ù do tiếng đạn nổ ngày hôm đó và cả do công an tát vào đầu mấy cái liền lúc trên đồn. Năm ngoái, tôi đi miền Nam chữa bệnh, công an đến hỏi có phải đi miền Nam nhận tiền khủng bố không. Có giải thích nhưng chắc gì họ tin. Tôi biết, làng xóm người ta vẫn thương gia đình mình nhưng chắc là bị chính quyền dọa, sau ngày tòa xử, nhiều người không còn hỏi thăm mình như trước. Nhưng kệ họ thôi. Cái giấy báo tử của ông Kình, tôi cũng kệ luôn rồi, không thiết lên xã đòi nữa.

Này, có khách tới à? Chén tách lâu ngày không ai sờ tới nên lạnh tanh. Uống tạm nước đun nhé. Từ sau buổi sáng hôm ấy, nhà tôi đã không còn dùng trà. Còn ai sống nữa đâu mà mua về. Chỉ tại ông Kình mãi tin vào Đảng, tin ông Nguyễn Phú Trọng. Đến cuối đời, ông ấy vẫn kiên quyết với tôi: Đảng không bao giờ làm việc xấu. Lúc sống ông như vậy, nên mấy tấm bằng khen của Đảng, nhà nước trao cho đảng viên Lê Đình Kình, tôi vẫn giữ gìn, treo cả ở phòng khách. Đối diện với chúng là cánh cửa kính đầy vết đạn mà công an bắn vào.

Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2022/01/ba-nguoi-phu-nu-dong-tam-va-730-ngay-phai-song/