Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Đọc Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Phan Tấn Hải

zzz bia tap tho Dem va ky hoa NTKM do pth ve

Có những buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối. Khi tôi ngồi tịch lặng ngoài hiên. Đôi khi có chút gió, có khi trăng rất mờ vào đêm, hay sương còn lạnh vào ban mai. Có khi buổi trưa trong xóm vắng không người, thoảng tiếng xe chạy ngoài phố xa vọng tới. Có khi chiều nắng rất nhạt, như tới từ một ký ức thời thơ dại. Tôi lặng lẽ ngồi, không nghĩ ngợi gì, chỉ cảm nhận những làn gió nhẹ thoảng qua. Không một ý nghĩ nào khởi lên trong tâm, không một chữ nào hiện ra trong tâm. Cả thế giới chung quanh chỉ là những cái được thấy, được nghe, được cảm thọ, và không có một cái gì khác khuấy động. Tỉnh thức, cảm nhận trên thân tâm một nỗi tịch lặng không lời. Nơi đó, vắng bặt tất cả những gì có thể so đo thành chữ. Những khi như thế, tôi không muốn cử động mạnh, chỉ vì sợ làm tan vỡ những vạt nắng ban chiều, hay là sẽ làm rơi mất ánh trăng.

Có đôi khi, tôi nghe nhạc. Thường là nghe các bản hòa âm ngắn, không lời của piano, ngắn thôi, cỡ vài phút. Không hơn 4 hay 5 phút. Tôi không muốn nghe ca khúc nào dài. Cuộc đời mình có dài đâu. Thêm nữa, vì cần chiêm nghiệm về những âm vang tập khởi, và rồi những âm vang biến diệt. Sinh và diệt. Hạnh phúc và đau đớn. Nghe nhạc, có những ca khúc như thế, cho mình ý thức thêm về những hư vỡ của cõi này. Chỉ lặng lẽ ngồi nghe. Có khi không dám cử động mạnh, chỉ lắng nghe thôi, lặng lẽ, để từng âm vang ngấm vào thân tâm. Tôi cũng từng kinh ngạc, tại sao khi người ta nghe nhạc hay lại vỗ tay lớn tiếng. Lẽ ra, sau mỗi ca khúc hay mỗi bản trình tấu hay, người nghe chỉ nên ngồi lặng lẽ thêm vài phút. Vì bất kỳ những cử động nào lúc đó sẽ có thể làm rơi các nốt nhạc còn bay lơ lửng quanh mình.

Khi đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, tôi cũng cảm nhận cũng thế. Đọc thơ cô, tôi thường đọc đi, đọc lại, đọc lặng lẽ. Tất cả mọi cử động cần thiết đều cẩn trọng hơn, nhẹ nhàng hơn. Ngay cả khi nhấc ly cả phê để uống một chút, hay khi lật ngược vài trang để đọc lại vì chợt nhớ ra gì đó. Tôi sợ là, những cử động thiếu dịu dàng sẽ làm rơi mất chữ trong thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. Hãy để cho cuộc đời này toàn vẹn, tôi nghĩ thế, mỗi khi nhìn các dòng thơ của cô.

Như trong đoạn cuối của bài Sắc Đêm, Nguyễn Thị Khánh Minh viết:

Trăng treo hoài nghi hoặc

Mơ hồ sắc đêm loang

Ngó xuống bàn chân đất

Ơi mộng còn lang thang.

Trăng là Thiền. Tôi cứ chợt nghĩ như thế. Tôi không muốn nói tới chữ “Thiền”. Than ôi, phải chi tôi đập cho tan hết tất cả những chữ “Thiền” trên cõi này, để cho các nhà sư chỉ ngồi tịch lặng với vô ngôn. Trong cái tịch lặng vô ngôn của những sáng trưa chiều tối, bất kỳ ai khi nhìn vào tự tâm, đều cũng sẽ thấy nơi đó không có tham sân si, nơi đó nhìn hoài cũng không thấy chữ “Thiền” hay bất kỳ chữ nào khác ở đâu. Thi sĩ thì khác, trong mắt nhà thơ luôn luôn là một hiện thực được ghi lại bằng chữ.

Trăng nghi hoặc là phải rồi, vì ngón tay chỉ trăng, thì trăng cũng chỉ là cái được thấy, cái dĩa bạc màu vàng lơ lửng trên cao, khi khuyết, khi tròn. Khoa học gia nói trăng không phải chiếc dĩa bạc. Bởi vậy, trăng còn nghi hoặc, mộng sẽ còn lang thang mãi. Tới bao giờ nhận ra cái dĩa bạc trên không đó chỉ là hiện tướng của tâm, mới tỉnh thức phần nào về tất cả biến hiện đều là tâm.

Tương tự, trong bài thơ nhan đề “Trăng Gần Trăng Xa” sáng tác năm 2005, Nguyễn Thị Khánh Minh viết về một thế giới chỉ hiện ra trong tâm, nơi nắng có mùi hương và biết vói tay để bịn rịn với các sợi tóc nhỏ, và là nơi buổi chiều đứng lại rất buồn – khi từ biệt Sài Gòn:

Hương nắng với tay theo

Bịn rịn con tóc nhỏ

Chiều đứng lại buồn thiu

.

Tưởng sẽ chẳng có gì

Mà tim như nằng nặng

Cái nhớ cứ theo đi

.

Tưởng sẽ chẳng có gì

Mà hẫng chân điểm tựa

Ơi Sài Gòn. Tôi đi…

.

Trong thế giới thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, chúng ta còn nhìn thấy những bài thơ viết về cha, về mẹ, hay về những người bạn thân như nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ … Một thế giới được tái hiện bằng chữ. Nơi đó, Đỗ Hồng Ngọc quyện vào một màn sương của hồn dân tộc. Tôi xin thú thật, tôi không biết hồn dân tộc cụ thể là gì, vì chữ này trừu tượng quá, mơ hồ quá. Nhưng tôi đã mơ hồ nhận ra trong bài Lagi Ngày Con Về, khi Nguyễn Thị Khánh Minh viết tặng nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc năm 2017, nơi đó họ Đỗ về thăm căn nhà của ngoại ở Lagi, trích:

.

Nghe rất khẽ. Nghe như mơ. Tiếng chổi

Xào theo chân. Bóng mẹ mỏng như mây

Vườn thức giấc. Hồn tinh sương mẹ gọi

Con bướm bay về. Lá trổ trên cây

.

Vâng thưa Mẹ. Bếp nhà vừa cơi lửa

Cơm chiều ngon thơm lúa vụ mùa tươi

Mai mẹ về. Về với Ngoại xa xôi

Chiếc nón lá Mẹ cứ cài trên cửa

.

Có phải hồn dân tộc là cái gì có thể nghe được, như tiếng chổi của ký ức nơi hiên nhà của mẹ, hay có thể ngửi được như cơm mùa lúa mới, hay có thể thấy được như chiếc nón lá Mẹ cài trên cửa? Đây là thế giới như mơ, như thực đã hiện ra trên những dòng thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh.

Xin thêm một câu hỏi: có cách nào để từ biệt một người bạn thân? Như khi nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh làm bài thơ Vọng Âm Mây trong lễ tưởng niệm 49 ngày Nguyễn Lương Vỵ ra đi, trích:

.

Như không còn trời. Không còn đất

Vọng âm vỡ nghìn muôn tiếng gấp

Trùng trùng hạt lệ cắt đêm sương

Đón người về trong veo một hạt

.

Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước

Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ

Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng

Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa…

.

Nơi đây, nhà thơ thấy không còn trời, không còn đất, và tất cả vọng âm tan vỡ thành muôn nghìn tiếng. Những hình ảnh rất đẹp trong bài thơ khi nhà thơ từ biệt một nhà thơ. Cũng nên ghi chú nơi này: tôi ghét chữ "đẹp" kinh khủng, vì chữ này mơ hồ, không minh bạch. Thú thật, tôi không có tài năng để nghĩ ra chữ khác. Nhưng nơi bài thơ này, hình ảnh hiện ra rất minh bạch, không mơ hồ: lệ cắt đêm sương, trong veo một hạt, chào nhau, cầu xưa quá bước, dặm đường im, và rồi lẽ hợp tan khi một người bay xa theo vòm mây trắng. Những hình ảnh hiển lộ rất đẹp, rất xúc động, sờ chạm được.

Có một không gian rất mực thơ dại trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh: thành phố biển Nha Trang của những ngày mới lớn. Trong bài Mầu Đỏ Trong Nhớ, nhà thơ ghi lại ký ức về thời niên thiếu ở Nha Trang, một thời rất là xa xưa, nơi tất cả những gì trong trí nhớ cô đều đã trở thành thi ca, trích:

.

... Một đường chỉ thêu mầu đỏ bị lỗi trên vuông vải trắng. Cô mắng. Ngày đó tôi thường hay khóc. Sân trường tôi có cột cờ, tôi hay nhìn ba đường đỏ lượn phần phật trong gió. Gió Nha Trang ươm hương muối. Ba đường đỏ lênh đênh sóng mặn.

...

… Tôi nhớ mầu đỏ của giàn hoa giấy rực mùi biển Nha Trang nơi căn nhà của bố mẹ che mát một khoảng thềm có cô bé ngồi chơi thẻ một mình, có nắng đổ lốm đốm như một tấm vải hoa nhấp nhô sóng nắng và cô mặc áo nắng hoa ấy đi dự hội quên về… một ngày biển thơm như mộng, nụ hôn thơm mầu hoa giấy đỏ bay bay hoài trong nhớ…

.

Làm thế nào thơ lại hay như thế nhỉ? Cũng nên ghi chú nơi này: tôi ghét chữ "hay" kinh khủng, vì chữ này mơ hồ, không minh bạch. Thú thật, tôi không có tài năng để nghĩ ra chữ khác. Nhưng nơi bài thơ này, các hình ảnh đã trôi rất xa từ trí nhớ đã trở về kịp để nhà thơ ghi thành chữ, rất minh bạch, không mơ hồ. Và rất hay. Nơi đây, có gió Nha Trang ươm hương muối, có ba đường đỏ trên sóng, có nắng lốm đốm trên sân, nơi cô bé ngồi chơi thẻ, nơi biển thơm như mộng và nơi thành phố biển bay hoài trong nhớ.

Xin nói lời chân thật rằng, tự thơ Nguyễn Thị Khánh Minh không còn là những gì trừu tượng để phải suy nghĩ, lý luận. Thơ cô đã bước ra ngoài trang giấy, để trở thành một phần của cõi này. Thơ cô không còn là chữ, vì nhiều dòng chữ đã hóa thành hương nắng vương tóc và cầu xưa quá bước. Thơ cô không phải là nhạc, nhưng nhiều dòng chữ đã hóa thành gió biển rì rào trên từng trang giấy.

Với lòng trân trọng, tôi đã ngồi rất mực tịch lặng để đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Rất tịch lặng, tôi đọc. Kẻo làm vỡ hồn thơ.

zzz nguyent hi khanh minh tieu su