Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

Mênh mông chật chội… (29)

Lại Nguyên Ân

MỘT CUỘC THẢO LUẬN

VỀ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT

TRÊN BÁO CHÍ SÀI GÒN 1929-1930

Trên một số tờ báo ở Sài Gòn từ cuối năm 1929 nổ ra gần như cùng lúc hai cuộc thảo luận đều liên quan đến việc dùng tiếng Việt. Một là cuộc thảo luận về “vấn đề viết chữ quốc ngữ cho đúng” khởi từ bài viết của Phan Khôi trên tuần báo Phụ nữ tân văn ngày 7.11.1929, gây thành cuộc tranh luận trên các báo Lục tỉnh tân văn, Thần chung, Trung lập, khi lắng xuống, lúc rộ lên, kéo dài đến cuối năm 1931 vẫn chưa chấm dứt hẳn. Hai là cuộc thảo luận do báo Thần chung khơi lên và hầu như thu gọn trên nhật báo này từ cuối tháng 12.1929 đến tháng 2.1930, đề tài là sách giáo khoa tiếng Việt.

Dưới đây xin nói về cuộc thảo luận thứ hai.

***

Nhật báo Thần chung số 281 ra ngày 27.12.1929, ở mục “Chính trị” đăng bài Sách và học trò của chủ bút báo này Nguyễn Văn Bá, đưa tin sở giáo huấn Nam Kỳ đang chọn cử một giáo chức người Việt ra Hà Nội để chọn sách cho học trò Nam Kỳ dùng. Sở dĩ có việc này vì giáo giới ở đây đang bàn về sách giáo khoa tiếng Việt: một số người cho rằng cứ nên theo nề nếp hiện hành là dùng sách do Nha Học chính Đông Pháp soạn chung gởi từ Hà Nội vào (họ gọi tắt là “sách Bắc”), nhưng một số khác lại cho rằng vì dân Bắc Trung Nam nói giọng khác nhau nên cần phải “sách đâu dùng đó”, tức là phải đề xuất việc soạn riêng sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho học trò Nam Kỳ.

Ngay sau những dòng mang tính thông tin đó, nhà báo Nguyễn Văn Bá lên tiếng cảnh báo ngay:

“Tôi chỉ xin nhắc các ngài rằng nước nào mà không có một thứ tiếng để dùng chung với nhau thì dân nước ấy không hiểu nhau, không liên lạc nhau, người một nước mà chẳng khác nào năm bảy nước. Bởi thế cho nên các dân tộc đời nay đều lo cho mình có chung một thứ tiếng. Xưa kia, mỗi khi một giống dân mạnh làm chủ một giống dân yếu, đều [= điều] cần nhứt của các nhà chánh trị là chia rẽ giống dân yếu kia, hễ phe nầy phe khác ghét lẫn nhau chừng nào thì người cầm quyền dễ cai trị chừng nấy. Một giống dân ở chung trong một khảnh [= khoảnh] đất mà lại bày ra nhiều thứ tiếng thì chẳng khác nào chia rẽ ra rồi. Về sự lựa sách, ngoài Trung Bắc cũng vậy mà ở trong Nam nầy cũng vậy, hãy rộng nghĩ mà xem sự Bắc theo Nam, Nam theo Bắc là chuyện thường và phải nhớ rằng nếu tự mình mà phân rẽ lấy mình là có tội với non sông sau nầy lắm vậy. Dầu ai có chuốc [= chuốt] lục trau hồng đi nữa, anh em phải nhớ rằng: Đài các mặc dầu đài các mới; nước non còn đó nước non chung.”

Nhạy cảm của một trong hai người chủ trương tờ nhật báo có xu hướng đối lập này rõ ràng đã ưu tiên khía cạnh chính trị của vấn đề. Bốn ngày sau Thần chung nêu việc này thành đề mục “Vấn đề tiếng Việt Nam”. Cạnh manchette tên tờ báo toà soạn cho in dòng chữ cỡ lớn như khẩu hiệu: “Tiếng An Nam ta vốn có một chớ chẳng phải chia Bắc Trung Nam ba thứ”. Chủ bút Nguyễn Văn Bá tiếp tục có bài đăng liền 2 kỳ báo (Thần chung số 284 ngày 31.12.1929 và số 285 ngày 2.1.1930) nhan đề Sách quốc ngữ Nam Bắc nên dùng lẫn của nhau. Hiện nay người Nam nên dùng sách Bắc. Ký giả cho biết chính vị giáo sư được ty giáo huấn Nam Kỳ phái ra Bắc với công vụ lựa chọn sách (mà ông Bá chưa nêu tên) đã đến gặp ông hỏi ý kiến. Với tư cách một nhà giáo (ông Bá từng học 4 năm Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội; từng là giáo sư Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn 6-7 năm liền trước khi chuyển ra làm báo), ông Bá đã nêu với vị phái viên sắp Bắc du nọ 2 điều mang tính nguyên tắc: 1/Phải hiệp nhứt tiếng Việt Nam; 2/Phải làm thế nào hiệp nhứt. Bài báo này của ông chính là đem nội dung cuộc nói chuyện riêng ấy ra bàn bạc một lần nữa cùng công chúng.

Ký giả Nguyễn Văn Bá khẳng định tiếng Việt chỉ có một chứ không chia ra tiếng Bắc Kỳ tiếng Trung Kỳ tiếng Nam Kỳ theo khu vực chính trị mà chính phủ Pháp ở thuộc địa đã chia ra. Tiếng miền này nói miền kia nghe được, không đến nỗi phải cần đến thông ngôn. Khác biệt giữa các miền, theo ông, là khác giọng, do phát âm (prononcer) hơi khác nhau, chứ không phải khác tiếng. Do khác biệt ít nhiều về phát âm nên không thể lấy tiếng một xứ một tỉnh nào làm mẫu mực được. “Muốn nêu ra một cái chuẩn đích tiếng An Nam thì phải hiệp hết thảy giọng nói của các nơi trong ba xứ lại mới thành”. Theo nhận xét của ký giả nguyên là nhà giáo này, nếu theo đúng chữ quốc ngữ thì thấy người Bắc hay phát âm sai về vần xuôi (ý nói không phân biệt các phụ âm đứng đầu âm tiết, ví dụ: tr/ch, s/x, r/d/gi), người Trung Nam hay phát âm sai về vần ngược (ý nói không phân biệt các phụ âm đứng cuối âm tiết, ví dụ: n/ng, ch/t, c/t…); do tình trạng xứ nào cũng có sai như vậy, theo ông, người Bắc nên đọc sách Nam, người Nam nên đọc sách Bắc để “trao đổi cái sự đúng cho nhau”. Ông Bá cũng nêu hiện tượng trong Nam “thiếu tiếng” (ý nói vốn từ) hoặc “tiếng” (một số từ) khác với ngoài Bắc và ông cho rằng nếu người Nam chịu đọc và học cho biết chữ Bắc (ý nói vốn từ ngữ) thì càng được giàu thêm về những từ dị âm đồng nghĩa. Theo ông Bá, do đã non nửa thế kỷ (tính đến lúc đó) trong Nam Kỳ không học chữ Hán nên trình độ quốc văn kém ngoài Bắc; vì vậy người Nam Kỳ càng nên đọc sách Bắc. Quay lại chuyện sách giáo khoa, ông Bá cho rằng

“dùng sách Bắc cho con nít trong Nam học chẳng có khó khăn chi hết mà lại làm cho chúng nó biết rộng thêm tiếng An Nam nữa”…

“Sự lý đành rành như vậy mà trong người An Nam nếu còn ai dám hô lên rằng tiếng Nam khác tiếng Bắc khác, mỗi xứ phải làm sách riêng cho con nít học thì người ấy lầm lạc nhiều. Mà sự lầm lạc đó rất quan hệ cho tương lai nước nhà vì nó làm chia rẽ giống Hồng Lạc ra, làm cho dân tộc Việt Nam không quen hơi bén tiếng nhau, cho dứt mối đồng tâm, nói tắt lại là nó làm cho trở ngại sự tiến hoá của 25 triệu đồng bào trên cái bán đảo nầy. Ai là người cầm quyền lựa sách có hiểu mấy lẽ nầy chăng?”

*

Tiếp theo sự nhập cuộc hăng hái của ông chủ bút vốn là nhà sư phạm kể trên, toà soạn Thần chung (số ra ngày 7.11.1930) lên tiếng mời giáo giới Nam Kỳ tham gia thảo luận.

“Kính cùng anh em chị em trong ty giáo huấn Nam Kỳ,

…Cuộc công luận về vấn đề quốc văn giáo khoa thơ đã mở ra rồi! Chúng tôi không dám tự phụ cho ý kiến chúng tôi là phải nên định mở một cuộc điều tra về vấn đề ấy, cầu lấy ý kiến chung của anh em chị em. Tương lai nước nhà trông ở chữ quốc ngữ, chúng tôi tưởng anh em là người nắm một phần tương lai ấy, đối với một cái vấn đề quan trọng như vấn đề trên kia không lý nào làm ngơ cho được. Ý kiến của các vị giáo sư (professeurs) ở các trường trung học cũng chưa đủ, chúng tôi muốn biết cả ý kiến của anh em chị em ở các trường sơ học và tiểu học khắp cùng thành thị chí thôn quê. Nên chi chúng tôi rất vui lòng mở rộng cái diễn đàn ở tờ Thần chung nầy để hầu chuyện với anh em chị em. Việc là việc ích lợi chung, lại có ảnh hưởng đến trí hoá trẻ con, tương lai nước nhà, chúng tôi dám chắc rằng anh em cùng chị em không ngần ngại chút nào giúp cho chúng tôi có một mớ tài liệu quý báu hẳn hòi để hiến cho ai là người thay mặt anh em chị em ra bàn cãi về việc làm sách vở trong các trường ở đất Bắc.

1/ Nên hiệp nhứt tiếng An Nam chăng?

2/ Nam Bắc nên dùng lẫn sách nhau chăng?

Đó là hai câu hỏi làm đầu đề cho cuộc công luận nầy.

Chúng tôi trông cậy ở lòng sốt sắng của anh em chị em trong ty giáo huấn cũng như anh em chị em trông cậy ở lòng thành thật của chúng tôi”.

Từ số 288 (5& 6.1.1930), Thần chung triển khai mục lớn “Cuộc chất vấn của bổn báo về sự viết sách cho học trò dùng”. Lần lượt báo đăng ý kiến các nhà giáo: Nguyễn Văn Quế, giáo sư trung học Nam Vian (Thần chung, 5&6.1.1930; 7.1.1930; 8.1.1930), Võ Khắc Thiệu, giáo sư trung học Huế (Thần chung, 9.1.1930), Phạm Quang Phong, thầy giáo sơ học (Thần chung, 12&13.1.1930), Đặng Văn Bảy, thầy giáo sơ học Vũng Liêm (Thần chung, 17.1.1930); ý kiến các nhà ngôn luận: K.N. ở báo Công luận (Thần chung, 10.1.1930), Vương Lệ Thiên ở báo Trung lập (Thần chung, 16.1.1930); ý kiến Cử nhân văn chương Hồ Đắc Thăng du học Pháp về (Thần chung, 6.2.1930; 7.2.1930).

Ý kiến nhà giáo Nguyễn Văn Quế khá dài, đăng tải liền 3 kỳ báo. Mở đầu, giáo sư Quế nêu một ví dụ “chuột mắc bẫy” mà Tiểu Ấn Độ mắc phải: những tự ái, tự phụ, tự thị, tự tín của các sắc dân vùng này đã bị thực dân Anh lợi dụng để tách ra một Tiểu Ân Độ với phong tục riêng, tôn giáo riêng, ngôn ngữ riêng, với tiểu hoàng đế, tiểu nghị viện, và ở tiểu nghị viện cũng có tiểu hội đồng đứng lên yêu cầu “người nước Nam không nên dùng sách nước Bắc”!

Về ngôn ngữ của người Việt, giáo sư Quế khẳng định:

“…tiếng Nam tiếng Bắc tiếng Trung cùng là một thứ tiếng […], tiếng Nam Việt [= Việt Nam]có một là vì người Nam người Bắc người Trung cùng một tổ tiên một nòi giống […]. Tiếng Nam [= Việt Nam] trong ba kỳ không phải là khác nhau; khác là khác giọng, vì khí hậu, vì thuỷ thổ khác nhau”,

ví dụ giọng ngoài Bắc không phân biệt d, gi, r; s với x; tr với ch; giọng Nam Kỳ hay lẫn v với d, an với ang, ac với at, hoặc có một vài chữ [ý nói từ, vốn từ − LNA chú] Bắc dùng Nam không dùng và ngược lại, ví dụ trong Nam nói trái, tiệm, té, liệng… thì ngoài Bắc nói quả, hiệu, ngã, ném, − ông Quế gọi đó là những “chữ thổ ngơi” (termes locaux); ngoài ra có những chữ từng người gặp không hiểu là vì tuy mình là người Việt nhưng chưa học tiếng Việt nên chưa biết, lại nghe người xung quanh bảo đó là “tiếng Bắc”.

“Người Bắc ai mà đọc đến văn ông Đồ Chiểu không hiểu, − là dốt, không phải tại ông Đồ Chiểu là người Gia Định; người Nam ai đọc thơ Nguyễn Du không hiểu, − là dốt, không phải tại ông Nguyễn Du nói tiếng Hà Tịnh. Tiếng An Nam có một, khác nhau chỉ ở cái giỏi cái ngu của từng người. Tôi chưa từng thấy một nhà ngôn luận nào có học thức ở Nam và ở Bắc phàn nàn rằng tiếng Nam tiếng Bắc khác nhau”.

Về ý định chọn hoặc thay sách giáo khoa cho học trò trong Nam, giáo sư Quế cho rằng, nếu muốn bỏ không dùng sách Bắc gởi vào và đặt [= soạn] sách khác dùng riêng cho học trò trong Nam thì chắc sẽ tốn không ít thời gian; trong Nam lại thiếu người đủ trình độ soạn thảo, vậy phải tính xem trong thời gian chưa có sách riêng thì cho học sách nào.

Giáo sư Quế không tán thành việc cử phái viên ra Bắc để “lựa sách” hoặc “điều đình” cho Nam Kỳ soạn sách dùng riêng. Ông nhắc lại rằng chính một số vị ở hội đồng quản hạt đã đề xuất cách khắc phục tình trạng nhiều giáo viên trong Nam không hiểu một số từ tiếng Bắc trong sách giáo khoa nên không đủ sức cắt nghĩa cho học trò: đó là yêu cầu Nha Học chính Đông Pháp cử mấy soạn giả đã soạn sách giáo khoa làm một bản kê những từ gọi là “thuần Bắc” trong đó, đối chiếu với những “chữ Nam” rồi in ra gửi cho các trường trong Nam. Ông Quế không tán thành cách đó tuy đề xuất của ông chỉ hơi khác thế một chút: ông yêu cầu các soạn giả sách giáo khoa ngoài Bắc cắt nghĩa các chữ “thuần Bắc” và những chữ khó, in vào cuối sách (hoặc cuối trang có các từ thuộc loại đó) đồng thời in riêng thành một tài liệu gởi cho các trường trong Nam. Ông Quế cũng yêu cầu báo Sư phạm học khoa (xuất bản ở Sài Gòn thời đó) từ nay cũng nên làm như vậy, và nói chung nên thành quy ước, “mấy ông nào sẽ viết sách quốc ngữ cũng phải làm như vậy mới được dùng”. Cách làm đó, theo ông, sẽ giúp các thầy giáo Nam Kỳ hiểu thông biết rõ tiếng Bắc, cắt nghĩa được cho học trò, xem sách báo của ngoài Bắc cũng hiểu được, việc học hành càng tấn phát mở mang.

Nhân đây bàn rộng ra, giáo sư Quế nhận xét rằng An Nam ta đang bỏ ngỏ việc “hiệp nhứt tục lệ và âm ngữ (unifications des moeurs et des langues)” là việc mà khắp hoàn cầu, nước nào chánh phủ cũng lo thực hiện, coi như việc thuộc lợi ích quốc gia. Lý do của việc “hiệp nhứt”, “nhứt thống” đó, theo giáo sư Quế, “vì có vậy mới là thương chủng tộc, mới gọi là có đoàn thể nhiều [= có tính cộng đồng], mới mạnh mẽ đặng”. Để “nhứt thống”, phải làm nhiều thứ: mở mang đường giao thông, xe lửa, xe hơi, tàu bè; sách vở thì Nam đọc của Bắc Bắc đọc của Nam…− những việc này theo ông sẽ có lợi cho trẻ em, vì các em sẽ sớm biết những từ đồng nghĩa trong tiếng nói các vùng (chẳng hạn Nam nói “heo” mà Bắc nói “lợn”…).

Như ta thấy, ở tầm mức rộng ra ngoài chuyên môn nhà giáo, ông Quế cũng có mối bận tâm gần với chủ bút Thần chung. “Lo hiệp nhứt âm ngữ là thương nước, thương quốc dân chủng tộc đó mà tương lai nước nhà càng có nhiều hy vọng hơn nữa”.

Kết luận ý kiến đăng 3 kỳ báo Thần chung của mình, giáo sư Quế viết:

“Nếu chánh phủ muốn dùng cái chánh sách “chia ra mà cai trị” (diviser pour régner) và muốn cho An Nam ta chậm tấn phát thì hãy dùng cái ý kiến của mấy ông hội đồng quản hạt ấy đi. Còn như chánh phủ không muốn dùng chánh sách ấy và thiệt tình có lòng muốn cho An Nam ta tục lệ và âm ngữ mau nhứt thống và nước nhà mau tấn phát thì xin chánh phủ hãy dùng phương pháp của tôi chỉ ra trên đây”.

Giáo sư Võ Khắc Thiệu ở Huế tán đồng với nhà báo Nguyễn Văn Bá về yêu cầu “hiệp nhứt” tiếng Việt. Ý ông là: tiếng An Nam vốn chỉ một vì người An Nam một gốc tích; nhưng để đến nỗi phải nêu lên yêu cầu hiệp nhứt là do tự người An Nam ta gây ra. Ông nhận xét: thường vẫn thấy anh em ba kỳ nhạo báng lẫn nhau, đại để như: người Nam không hề làm như vầy…, chỉ có tụi Bắc, chỉ có tụi Huế, chỉ có tụi Sài Gòn làm vậy, v.v. Những câu như thế rất tiếc lại từ miệng những người có học mà ra!

Giáo sư Thiệu cũng nghĩ như nhà báo Nguyễn Văn Bá rằng trong Nam thiếu tiếng [= vốn từ còn nghèo] vì số tác gia người Nam còn ít.

Về tình trạng sách giáo khoa quốc ngữ, giáo sư Thiệu nhận xét rằng tình trạng không hiểu từ ngữ trong sách giáo khoa xảy ra ngay đối với học trò ở Bắc chứ không chỉ học trò ở Nam, vì những người soạn đưa vào sách nhiều từ ngữ Hán học, lại dùng chúng theo cách văn chương (langage littéraire); không hiểu là vì không biết nhiều thứ cần biết để có thể hiểu chứ không phải vì dùng từ các miền khác nhau.

Thầy giáo trường sơ học Phạm Quang Phong lại có chỗ nhận xét khác:

“Tôi dạy học mấy năm nay thường dùng sách Bắc […] không thấy khoản nào đáng gọi là khó cho con trẻ ở Nam Kỳ. Từ lớp đồng ấu đến lớp sơ đẳng, tôi chưa gặp một học trò nào đọc mà không hiểu; trong đó cũng có một đôi tiếng hơi lạ […] nhưng ở dưới trương [= chân trang] sách đều giảng đành rành như: lợn (heo), quả (trái), ông sư (thầy chùa)…”

Ông cho biết thêm:

“Những sách Bắc đang lưu hành trong các trường Pháp Việt không phải việc bỗng dưng: trước kia, tôi còn nhớ, sách mới xuất bản lần đầu có phát cho mỗi trường ít cuốn, rồi quan đốc học chánh có ra lịnh cho mỗi thầy giáo trình một bài luận theo ý kiến mình coi nên dạy sách Bắc không thì phần nhiều đều công nhận nên dùng sách Bắc”.

Trong số những cây bút làm việc ở các tờ báo khác góp lời với báo Thần chung về vụ việc này, ký giả Vương Lệ Thiên ở Trung lập báo, tuy không góp ý kiến gì cụ thể, cũng “bày tỏ tấm lòng thoả thích của đồng nhân chúng tôi đối với cuộc điều tra về vấn đề quốc ngữ của báo Thần chung”. Còn ký giả K.N. của báo Công luận thì biểu đồng tình với ông chủ bút Thần chung ở phương diện chính trị của vấn đề, luôn thể nhắc nhở công chúng:

“Nầy ai ơi hãy xét lại, nước ta mà phải chia ra 3 kỳ đó là thuộc về chánh sách cai trị khôn khéo của chánh phủ, anh em ta không nên vì cái vết đen trên bức địa đồ mà yên trí nhận lầm, nước ta dầu bây giờ có chia ra như vậy, lòng anh em ta chớ chia nhau, tiếng nói của ta chớ chia nhau.

Chúng tôi rất lấy làm đau đớn khi nghe câu hỏi rằng sách dạy ở Nam Kỳ nên chỉ dùng tiếng nói Nam Kỳ hay phải dùng tiếng nói Bắc Kỳ. Câu hỏi kỳ khôi nầy lại ra ở miệng người thượng lưu trí thức!

Trung Nam Bắc, tiếng xứ nào cũng là tiếng của dân tộc ta cả. Tiếng xứ nầy ở xứ kia nghe không quen thì nên tập nhau nghe cho quen, cảm tình nhiều khi nhơn tiếng nói mà sinh ra đậm đà hay phai lợt. Cái tiếng sai lầm xứ nào cũng có cả, phải sửa cho nhau hơn là chỉ trích chê nhau. Theo ý chúng tôi tưởng, trong khi viết sách, người viết phải lưu tâm phân biệt tiếng nói chỗ nào đúng chỗ nào không đúng, hễ đúng thời dùng không đúng thời bỏ đi, bất luận là tiếng nói xứ nào. Vả lại sách vở là đồ nuôi hồn cốt để truyền bá tư tưởng cho khắp cả người trong nước, thì phải làm sao cho người cả nước đều coi đều hiểu được. Vậy còn chia ra tiếng Nam tiếng Bắc làm gì?”

*

Như đã nhận xét, toà soạn báo Thần chung thể hiện rất rõ nét chủ kiến của mình khi mở ra cuộc thảo luận; điều này bộc lộ ngay ở những câu mà toà soạn rút từ các bài thuộc chủ đề này cho in chữ lớn trên đầu trang nhất cạnh manchette mỗi số báo:

− “Tiếng An Nam ta vốn có một chớ chẳng phải chia Bắc Trung Nam ba thứ” (số ra ngày 31.12.1929);

− “Hiện ngày nay dân nước nào cũng lo hợp nhứt tiếng của họ” (2.1.1930);

− “Dân nào đồng nói một thứ tiếng thì dân đó mới dễ liên lạc nhau” (4.1.1930);

− “Tiếng An Nam có một, khác nhau chỉ ở cái ngu cái giỏi của từng người” (5&6.1.1930);

− “Có biết thương tiếng nước nhà không luận Nam Bắc mới biết thương quê hương được” (7.1.1930);

− “Nếu tiếng An Nam không phải một thì ta cũng nên dùng sách giáo khoa mà làm cho hiệp nhứt. Huống chi…” (11.1.1930);

− “Hợp nhất tiếng nói, ấy là giữ giây đoàn thể” (14.1.1930);

− “Sách giáo khoa là một cái bước đầu mà chúng ta phải do theo đó mà bước lên con đường hiệp nhứt” (22.1.1930);

− “Chớ nên lầm tưởng rằng viết sách cho học trò là một vấn đề cỏn con không quan hệ gì tương lai nước nhà” (23.1.1930), v.v.

Chủ kiến của toà soạn cũng bộc lộ ở bước đi tiếp theo, dẫn dắt cuộc thảo luận. Sau khi đã đăng loạt ý kiến trong cuộc điều tra nêu trên, đến lượt chủ nhiệm báo Thần chung, − ký giả Diệp Văn Kỳ nhập cuộc. Ông viết liền hai bài Tiếng An Nam có một (Thần chung 11.1.1930), Cái gương lịch sử (Thần chung 14.1.1930), và sau khi báo đăng ý kiến ông hội đồng Nguyễn Văn Sâm (Thần chung 21.1.1930), ông Diệp có ngay bài Thế nào mới gọi là hiệp nhứt? (Thần chung 22.1.1930) trao đổi lại.

Trước hết, Diệp Văn Kỳ nhắc lại toàn bộ sự việc đã dẫn đến cuộc thảo luận. Khởi đầu là việc ông nghị viên Nguyễn Văn Sâm tại kỳ họp ngày 14.9.1929 của Hội đồng quản hạt Nam Kỳ đã “đứng dậy đọc ít lời xin với chánh phủ Nam Kỳ, nhứt là với ty giáo huấn Nam Kỳ phải đặt sách giáo khoa riêng cho học trò Nam Kỳ học, vì sách Bắc viết tiếng Bắc không thể nào hiểu”. Theo ông Kỳ, − vốn cũng là nghị viên hội đồng quản hạt, − lời yêu cầu này của ông hội đồng Sâm “là một lối yêu cầu thừa ưa”, tức là nhân thể thì nói, nói một cách nhân dịp, thoáng qua. Nhưng ty giáo huấn Nam Kỳ lại tỏ ra rất sốt sắng với chuyện nầy, hiện đã cử ông giáo sư Dương Minh Thới dẫn đầu một đoàn ra Bắc, có lẽ muốn biện bác để Nha học chính Đông Dương nhượng cho quyền làm sách giáo khoa dùng riêng trong các trường ở Nam Kỳ.

Như vậy, theo Diệp Văn Kỳ, lời thỉnh cầu của ông hội đồng Sâm đã được mượn như cái cớ chứ thực ra ty giáo huấn Nam Kỳ hành động vì lẽ khác. Ông Kỳ vạch ra hai lẽ. Thứ nhất ông gọi là “lẽ tranh quyền”. Vốn ty giáo huấn Nam Kỳ chỉ thuộc quyền chính phủ sở tại nên được quyền độc lập với Nha Học chính Đông Dương, − được tự quyền chọn ra đề cho các kỳ thi, tự quyền chọn sách phát cho các trường trong xứ. Nhưng từ khi có quy định mới về “chánh thể quy nhứt” thì ty giáo huấn phải “tùng quyền” Nha Học chính Đông Dương đóng tại Hà Nội. Vì vậy nhân có một ý kiến tại hội đồng quản hạt, ty giáo huấn muốn lên tiếng đòi một chút quyền là “quyền đặt sách giáo khoa”. Thứ hai ông gọi là “lẽ thương mãi”. Ông Kỳ viết:

“Tôi không dám nghi ngờ sự thanh khiết của ty giáo huấn Nam Kỳ! Song nghĩ lại, nếu Nam Kỳ tự đặt ra sách giáo, tự chọn người soạn, kiếm nhà in, in ra mấy chục ngàn cuốn, thì quả đó là chuyện vui, toại chí của người thủ hiến một toà công sở là ty giáo huấn!”

Thuyết minh cái “lẽ kinh tế” như thế thật tường tận và tinh quái!

Về nhận định “tiếng An Nam có một”, ông Kỳ bổ sung vào các ý kiến trước một điều đã và đang được chứng nghiệm:

“Từ bấy lâu nay sách Bắc lưu hành vào Nam chẳng thiếu gì. Tạp chí như An Nam tạp chí ngày xưa, Nam phong ngày nay, số độc giả trong Nam cũng không kém chi ngoài Bắc. Còn như Thần chung chúng tôi đây thì người đọc ở Trung Bắc cũng lấy ngàn mà kể”

Vậy thì những lời bảo rằng sách giáo khoa ngoài Bắc gởi vô các trường trong Nam không ai hiểu chi hết, − phải chăng là những lời phi lý? Ông Kỳ nói, nếu quả có như thế

“thì chúng ta có nên lo phương thế nào đặng làm cho văn tự hiệp nhứt từ Bắc vào Nam không? Hay là ta lại nhơn những việc thù dị rất nhỏ nhen mà chia rẽ anh em ba kỳ ra mỗi người mỗi ngả?”

Theo ông Kỳ, nếu người ta đem chất vấn “cái lương tâm con nhà An Nam” thì sẽ được trả lời:

“Nếu hiện nay Trung Nam Bắc về phương diện ngôn ngữ văn tự hãy còn đôi chút đại đồng tiểu dị thì ta cũng nên mượn lấy sách giáo khoa quốc ngữ dạy cho trẻ em ba kỳ mong sao một ngày kia ngôn ngữ văn tự của mình sẽ đặng hiệp nhứt một cách hoàn toàn”.

Là nhà báo, Diệp Văn Kỳ nhìn vấn đề này chủ yếu ở tầm mức chính trị. Ông viết riêng một bài Cái gương lịch sử để cảnh tỉnh dư luận. “Những kẻ xướng lên cái thuyết sách Bắc Bắc dùng sách Nam Nam dùng có biết hết những điều hoạ hại của sự chia rẽ ấy chăng?” Ký giả nêu những ví dụ như lịch sử thống nhất ngôn ngữ văn tự ở nước Pháp phải mất hơn ba trăm năm, từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII; nước Đức từ 1870-71 dựng đế chế cũng lo thống nhất ngôn ngữ văn tự. Việc quân Áo Hung thua Nga trong Âu chiến 1914-18 cũng dính đến sự bất đồng ngôn ngữ, nhiều toán quân dòng Habsbourg vì gần gũi ngôn ngữ mà bỏ chạy theo binh Nga; quân Thổ (Turquie) xưa đánh đâu thua đó vì trong quân mỗi người nói một thứ tiếng; đến khi Mustapha Kemal chỉ chọn dân nói tiếng Turquie sung quân thì đánh thắng liên tiếp… Ông Kỳ khẳng định:

“Cái gương lịch sử rõ ràng như vậy. Dân tộc nào, nước nào bất kỳ mà hễ đã muốn sanh tồn ở giữa thế giới nầy thì trước hết phải liệu làm sao cho có một cái ngôn ngữ văn tự duy nhất”.

Trở lại thực tế Việt Nam, ông viết:

“Không, “chia ra mà trị” không phải là một câu gia sáo để cho An Nam dùng với nhau. Điều đó đã có kẻ khác lo rồi, chẳng cần chi phải nhọc công ông hội đồng Sâm và ông giáo sư Thới. Hai ông nên nghĩ lại, nên hỏi lại cái lương tâm của mình mà hiệp cùng chúng tôi đặng mượn sách giáo khoa quốc ngữ mà làm cho ngôn ngữ văn tự của anh em tất cả ba kỳ đặng hiệp nhứt một cách hoàn toàn hơn nữa. Bằng không, tôi xin quả quyết rằng hai ông là người nghịch của cái tương lai nòi giống Việt Nam, ông Sâm thì bởi vô ý thức, ông Thới bởi lợi riêng vậy”.

Chiến lược dẫn dắt thảo luận của Thần chung khiến những người có liên quan trong vụ việc này rốt cuộc phải lên tiếng. Chỉ có điều ông Sâm và ông Thới hành động theo những cung cách khác nhau. Trong khi ông Sâm luôn tỏ rõ cái cương vị dân biểu của mình thì ông Thới lại hầu như quên mình là một giáo sư, tự cho phép viết ra cả những lời khiếm nhã.

Số là trên Thần chung có mục “Câu chuyện hằng ngày”, một tiểu mục hài đàm, được đảm trách bởi một cây bút ký là Tân Việt (thực tế đây là Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ). Lúc đó xảy ra vụ việc một học trò trường nữ học nọ, vì học kém, bị bạn chế nhạo, đã trả thù bằng cách tự tử. Ký giả Tân Việt, vẫn bằng giọng hài đàm, đã lên tiếng phiền trách cái lựa chọn dại dột vô lối của cô bé nọ,

“…cô đem cái hường nhan thơm như phấn đẹp như lụa mười chín xuân thu của mình mà phú cho giòng nước bích vô tình chẳng tiếc kia…”

(Học làm gì?// Câu chuyện hằng ngày // Thần chung 1.3.1930).

Nhân đọc bài ấy, giáo sư Dương Minh Thới gửi thư cả cho hai tờ báo Thần chung lẫn Trung lập, vặn hỏi những chi tiết trong bài hài đàm kể trên (“Do đâu mà bảo bà Trưng bà Triệu không đi học? Ai bảo Napoléon từng học dốt? Sao biết nhà văn Anatole France từng rớt tú tài?”, v.v.) và châm biếm ký giả Tân Việt “ngài học nhiều quá không sợ đặc ruột chết sao?”, “ngài xổ đầy chữ trên Thần chung, hôi quá!”, lại xếp Tân Việt vào thứ “hội đồng hưởi”: “Ngài hưởi [=ngửi?] của con gái người ta rồi ngài nói thơm như phấn đẹp như hoa!” Lấy độc trị độc, Tân Việt đăng nguyên cả bài của giáo sư Thới vào “Câu chuyện hằng ngày” rồi ghi chú thêm mấy lời, khen:

“ông Thới thiệt có tài khôi hài; đọc hoài Tân Việt cũng cứ cho là ông giả ngộ. Đọc chừng nào vui chừng nấy, vui như kiểu mình đi xem hát gặp mấy chú hề, hễ nói vô nghĩa lý bao nhiêu thì mình cười nôn ruột bấy nhiêu…”, “Tân Việt chỉ xin lỗi với chư độc giả tha cái tội thô tục cho ông Thới, vì trời sanh ông ra như vậy, mình biết sao giờ?”

(“Bẩm ông cho cha con tôi trả lời”// Câu chuyện hằng ngày // Thần chung 19.3.1930).

Ông Nguyễn Văn Sâm, tuy có hơi gượng gạo, cũng thừa nhận: Tiếng An Nam vẫn có một (Thần chung 21.1.1930).

“Tôi cũng vẫn biết tiếng An Nam có một song vì khác giọng nói và vì sự giao thông cách trở của ba kỳ mà sanh ra nhiều tiếng thổ âm khác nhau nên ngày nay dân một nước mà giao thiệp nhau có điều không hiểu. Muốn thông hiểu nhau thì không phải bắt trẻ thơ học ròng sách Bắc mà đủ, còn phải sửa luôn đến giọng nói của học trò thì sau mới hiểu nhau đặng. Thí như cùng viết một chữ “lời” rồi Nam đọc lời còn Bắc đọc nhời, rồi cùng một chữ “diêm” mà Bắc đọc ziêm Nam đọc diêm thì dầu cho học một thứ sách đi nữa mà nói khác giọng thì cũng không sao hiểu nhau cho đặng trong cơn tiếp chuyện, còn như muốn nhìn văn mà hiểu nhau thì từ mười năm trước tôi đã thấy người Bắc đọc truyện viết trong Nam, còn Nam xem báo Bắc được.”

Ông Sâm cho rằng nên tách yêu cầu “hiệp nhứt tiếng An Nam” với việc “lo cho trẻ em học cho mau” và trình bày đề nghị của ông.

“Con nít nên [= lên] tám mà bắt […] học cả và tiếng mẹ đẻ [ý nói phương ngữ miền Nam] cả và tiếng Bắc rồi lại thêm tiếng Pháp thì cực trí thơ cho chúng nó nhiều lắm. Nhà tôi có sắp cháu nhỏ tối hay đem sách về học, đọc nghe chạy hết [= đọc được, trôi chảy] song hỏi qua nghĩa lý thì chẳng hiểu chi. Thấy thế lúc tôi đắc cử vào nghị viện quản hạt, tôi mới đi thẩm vấn các ông giáo có dạy quốc ngữ thì các ông đều nhận rằng sách ngày nay con nít học ít hiểu lắm. Tôi mới đến viếng ông Revertegat là chánh giám đốc các trường tỉnh đặng bàn về vấn đề đó. Ngài cũng tỏ rằng ngài thường tiếp đặng nhiều tờ phúc của mấy ông giám đốc An Nam các tỉnh gởi về đều tỏ ý kêu nài về sách giáo khoa viết bằng tiếng Bắc. Bởi thế nên trong một buổi nhóm vừa qua tôi mới đem vấn đề đó ra mà bàn nơi nghị viện. Ông chánh sở giáo huấn cũng công nhận điều dùng tiếng Bắc là trở ngại cho đám học trò, song ngài cũng cứ xin để vậy vì một lần lên khuôn một quyển sách mà in đặng cho nhiều thì chánh phủ trả đặng giá rẻ.

Trong ban hội đồng [ý nói hội đồng quản hạt Nam Kỳ] nghĩ chẳng lẽ nhơn một sự tốn hao nhỏ mà phải để một việc khó cho học trò nên mới đồng xin sửa các sách giáo khoa lại theo lối tiếng Nam Kỳ, sự tốn hao thì chịu, dốc để cho con nít trong Nam tiện bề thông hiểu các sách dùng trong lớp học.

Nếu ông Kỳ cho làm như thế là việc làm không có suy nghĩ, cho là làm liều thì tôi cũng chịu. Theo trí tôi tưởng về việc sách giáo khoa trẻ nhỏ thì ông Kỳ cũng dốt như tôi vậy. Ông có luận bất quá là luận một ý riêng chớ sao cho qua các ông trong ty giáo huấn mà nhứt là mấy ông có từng thấy trẻ nhỏ đọc mấy cuốn sách giáo khoa mỗi ngày.

Luôn dịp tôi trích đăng mấy đoạn trong cuốn Luân lý giáo khoa thư hiến cho độc giả nghĩ coi trẻ con nên [= lên] tám có thể hiểu cùng không hiểu:

Ngoài đường – Con ơi khi ra đường con phải ăn ở thế nào cho người ta không chê cười được. Đừng kêu la rầm rĩ, đừng chạy lăng nhăng nghịch ngộ tinh quái”

Bao nhiêu chữ thổ đàm trong một đoạn văn như thế thì trẻ trong Nam làm sao học cho mau hiểu đặng cả bảy tám cuốn sách trong một lớp”.

Có thể thấy rằng những điều ít nhiều “có vấn đề” về tiếng Việt trong sách giáo khoa đương thời mà ông Nguyễn Văn Sâm nêu ra không phải là thiếu căn cứ, nhưng cũng không thật khó khắc phục, như trong ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Quế đã đề cập. Tuy vậy ở đề xuất của ông Sâm (mà phái viên Dương Minh Thới của ty giáo huấn Nam Kỳ lúc ấy toan thực hiện) lại chứa đựng cái mầm mà nếu được nảy nở thì nó sẽ dẫn đến chỗ chia rẽ ngôn ngữ, chia rẽ dân tộc. Các nhà báo như Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá cảm nhận rất rõ cái mầm đầy nguy cơ ấy cho nên trước sau họ đều nhấn mạnh việc “hiệp nhứt” ngôn ngữ. Trong bài thảo luận thêm với ông Nguyễn Văn Sâm, ký giả Diệp Văn Kỳ

“tiếc cho ông hội đồng Sâm sao lại cũng vô ý thức mà nghĩ lầm rằng vấn đề sách giáo khoa không có quan hệ chi đến sự tiếng An Nam hiệp nhứt. Ông Sâm không chịu hiểu cho rõ, chớ đã biết muốn cho tiếng An Nam hiệp nhứt thì cần phải có nhiều phương pháp khác, chẳng phải chỉ một mình chi sách giáo khoa. Song sách giáo khoa là một cái phương pháp rất cần yếu rất giản tiện cho sự hiệp nhứt; sách giáo khoa là một cái bước đầu mà chúng ta phải do theo đó đặng đi lên con đường hiệp nhứt”.

Ông Kỳ xác định lại với ông Sâm: đặt vấn đề “hiệp nhứt” không phải với giọng nói mà là với văn tự. Về giọng nói thì tiếng Việt không chỉ có ba mà thực ra có rất nhiều, cũng như ở nhiều ngôn ngữ khác. “Hiệp nhứt ngôn ngữ văn tự”, theo ông Kỳ, phải được tiến hành nhiều cách, phải làm sao tạo được một số quy tắc định lệ chung cho cả ba kỳ. Ông nhắc tới đề xuất của tuần báo Phụ nữ tân văn (16.1.1930) nhóm toàn quốc đại hội nghị (congrès national) bàn chuyện này, − coi như một cách. Cũng có thể theo cách làm từ điển, đặt văn phạm…

“Hiệp nhứt tức là đem những chỗ đại đồng tiểu dị của ba kỳ nhồi trộn cân lường mà làm thành ra một cái quy tắc, định lệ cho tất cả mười mấy triệu anh em một nòi giống dùng chung, cho tiếng nói cuả ông cha mình ngày xưa thật có phần thống nhứt, tức là có giá trị thêm”.

Sau bài của Diệp Văn Kỳ, Thần chung đăng bài của Cử nhân Tây học Hồ Đắc Thăng trong 2 kỳ báo, dường như muốn từ đây đi dần tới kết thúc cuộc thảo luận. Ông Thăng nhắc lại rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Sâm tại phiên họp hội đồng quản hạt ngày 14.9.1929 đã được Thần chung tường thuật trong số báo ra ngày 27.9.1929. Ông tán thành các ý kiến khẳng định tiếng Việt là thống nhất. Ông lưu ý rằng nếu đi theo lối “Nam dùng sách Nam, Bắc dùng sách Bắc” thì một trăm năm sau Nam Bắc sẽ không hiểu nhau, sẽ coi sách vở của nhau như ngoại ngữ, như văn hoá phẩm ngoại quốc. Ông nhắc lại rằng vừa năm 1928 ở nghị viện nước Bỉ xảy ra cãi lộn lớn về ngôn ngữ. Nói đến việc thầy thuốc Zamenhof chế ra tiếng Esperanto dùng chung cho nhiều dân tộc, ông Thăng liên hệ đến việc của ta: vậy thì hà tất trên 20 triệu người Việt lại phải cần tách ra hai thứ tiếng để phát triển riêng!

“Thôi xin anh em trong nước từ Nam Trung chí Bắc hãy bình tâm […] Và trong lúc ban uỷ viên Dương Minh Thới hiệp cùng các ông ở Bắc thuộc nha học chánh đương đi dạo Hồ Tây hóng mát cho khoẻ người đặng sáng vô lo việc, thì trên 20 triệu người An Nam nằm co ở nhà cũng nên cùng một lúc với các ổng mà nhớ đến chuyện đời xưa cái tháp Babel đã thuật trong sách Cựu ước chơi. Nghĩ chuyện cũng thú. Đức chúa Trời cũng lắm nghiệt, con cháu ông Noe cũng tức giận mà cũng buồn cười. Người đọc sử mà trong lòng đã nức ra bao nhiêu là nỗi bất bình thương tâm, hà tất phải là người đã đóng vai tuồng trong sử.”

Với việc nhắc đến truyền thuyết về tháp Babel, lời cảnh báo “chia rẽ ngôn ngữ sẽ dẫn đến chia rẽ dân tộc” được láy lại, bởi đó chính là ý tưởng chủ yếu mà những người chủ trương tờ Thần chung muốn nhắc nhở dư luận công chúng, nhân cuộc thảo luận này.

Cuộc thảo luận đến đây đã đến hồi kết, nhưng có lẽ vì những người chủ trì báo Thần chung muốn cho vấn đề mình nêu ra có một chiều sâu nhất định nên tiếp đó đã cho đăng liền 10 kỳ báo bài Chữ Quốc ngữ đối với dân ta của tác giả Phan Thứ Khanh (Thần chung từ số ra ngày 16&17.2.1930 đến số ra ngày 28.2.1930).(1) Bài này tuy không trực tiếp gắn với cuộc thảo luận nhưng hẳn không nằm ngoài dụng ý của toà soạn.

Tác giả Phan Thứ Khanh chỉ nhắc lại sơ qua, − mà cũng không chính xác cho lắm − lai lịch chữ quốc ngữ, từ Alexandre de Rhodes đến Trương Vĩnh Ký, nhưng ông nêu rõ những tác dụng tích cực của chữ Quốc ngữ từ khi nó được đưa vào sử dụng trong đời sống xã hội người Việt. Một là bằng thứ chữ dễ học dễ dùng này có thể duy trì và bồi bổ cái “hồn quốc sử”, vì nếu đã dịch sử cũ hoặc biên chép sử bằng thứ chữ này “thì một đứa con nít 8-9 tuổi đã có thể đọc mà biết được quân Mông Cổ qua quấy quá nước ta thế nào, ông Trần Hưng Đạo đánh đuổi chúng nó thế nào…”, v.v.. Hai là bằng thứ chữ này có thể mở mang về sách vở báo chí, “phần đông dân trong nước biết đến sách đến báo thành thử bao nhiêu cái tư tưởng chính trị kinh tế khoa học nung đúc ra cái văn minh hiện kim ta có thể lãnh hội được ít nhiều, phần riêng cá nhân thì rộng bề kiến thức, phần chung xã hội thì cái trình độ có lên được một đôi bực…”. Ba là dân thường có thể dùng thứ chữ này vào đời sống hằng ngày của mình, trước hết là việc đơn từ, thư tín, sổ sách; “chị bán hàng xén ngoài chợ”, “con ở coi hàng tạp hoá trong nhà” cũng có thể dùng nó để biên chép sổ sách mua bán công nợ…; rồi trong việc đơn từ khiếu kiện đến cửa quan, thứ chữ này cũng thuận tiện cho thường dân, khi mà tính đến lúc này hầu hết công sở trong cả nước, chỉ trừ miền Trung, đều đã dùng chữ Quốc ngữ (đồng thời với chữ Pháp và chữ Hán) trong giao dịch với dân. Bốn là chính việc chữ Quốc ngữ được dùng rộng rãi trong đời sống đã đặt ra các vấn đề về “quốc âm” và “quốc văn”:

“Thấy quốc âm thiếu thốn nên càng ngày quốc dân càng đặt thêm chữ mới và lo vun đắp lấy nền quốc văn. Nếu không có chữ Quốc ngữ thì dân ta chưa dễ đã sốt sắng với quốc gia như vậy”

Về “quốc âm” (tức là tiếng Việt nói chung xét về mặt ngôn ngữ), Phan Thứ Khanh cho rằng vấn đề trầm trọng lúc này là tình trạng “thiếu tiếng”, tức là vốn từ tiếng Việt đã có tính đến lúc này tỏ ra quá nghèo nàn. Con đường khắc phục, theo ông, là phải “đặt thêm tiếng (formation des néologismes) và mượn tiếng nước ngoài (emprunt étrangers)”, trong đó, muốn cho những tiếng mới được thông dụng thì “phải nhờ phần đông trong nước thừa nhận, mà bình dân trong nước nhiều hơn, vậy nên tiếng bình dân đặt ra thường thường dễ lưu hành”; còn lại, việc “mượn tiếng”, nhất là về khoa học, triết học, văn chương…thì “duy những người có học mới có thể tham chước tiếng nước nầy tiếng nước khác nổi mà đặt ra những tiếng mới cho dễ nghe dễ hiểu rồi đem sáp nhập vào quốc âm ta”. Nói chung là vậy nhưng tác giả cũng lưu ý rằng chính bình dân do giao tiếp với người nước ngoài cũng đã và sẽ mượn thêm được những tiếng mới (như bia, bí-tết, ca-cao, bù-lon,…). Trên hướng phát triển, tác giả cho rằng ta nên theo tiếng Pháp mà phiên âm tên riêng (ví dụ tên Abraham nên phiên là A-bơ-ra-ham, cạnh đó chua dạng tên riêng viết theo chữ Pháp); đồng thời, để đặt chữ mới thì ta nên mượn chữ Hán, ví dụ tham khảo chữ Hán mà dịch “acide lactique” là “nhũ toan”, dịch chữ “chevaux” là “mã lực”, đều rất hay. Tác giả lưu ý công chúng đừng lầm theo định kiến của một đôi người tân học về chữ Hán, ngược lại, “ta nên mượn chữ Hán mà vun đắp qua cho quốc âm ta, nhứt là hiện thời cách đặt những danh từ mới về khoa học, kỹ nghệ, v.v. ta nên mượn ở chữ Hán là hơn cả.”

“Viết tức là vấn đề quốc văn vậy. Ta phải rán sức vun tưới cho nền quốc văn càng ngày càng tốt đẹp”. Trong ý thức tác giả, “quốc văn là cái nguyên khí của một nước một dân tộc”, “quốc văn tức là cái trí tuệ, cái tư tưởng, cái cảm giác, cái tánh tình của một dân tộc đúc ra”. Tác giả nêu 4 lĩnh vực (1/ Báo chí; 2/ Sách luận thuyết; 3/ Tiểu thuyết và kịch bản; 4/ Thơ ca) đang hoặc sẽ là chủ đạo trên hướng phát triển của nền quốc văn mới, gắn với chữ Quốc ngữ.

Cuối cùng, giống như hầu hết các học giả ở “ngoại vi” luôn mơ tưởng sự xuất hiện một tổ chức chính danh chính thống để giải quyết “dứt điểm” các vấn đề ở lĩnh vực mình đang bàn, Phan Thứ Khanh nói đến sự cần thiết của việc thành lập một viện hàn lâm, “để làm tiêu biểu và bồi bổ cho nền văn học nước nhà”, rồi cái viện đáng mong chờ ấy sẽ đứng ra làm một bộ “Việt âm tự điển”, “góp nhặt cả tiếng nói trong ba kỳ, thích nghĩa rõ ràng và thu nhặt những tiếng của dân ta hoặc mượn ở nước ngoài hoặc đặt mới, tiếng nào thích hợp dễ nghe dễ hiểu thì nhận vào, rồi ấn hành mà ban bố quyển tự điển ấy ra để làm tiêu biểu cho quốc dân cùng các nhà văn sĩ viết theo đó nói theo đó…”! Đằng sau niềm tin ngây thơ này, − niềm tin đặt vào cái cơ chế học thuật hàn lâm quan liêu khi đó thậm chí còn chưa hình thành, − dẫu sao chúng ta cũng đọc được một mong muốn chân thành của tác giả: mong có những chuẩn mực làm cơ sở cho sự phát triển của tiếng Việt, của văn học tiếng Việt.

***

Trở lên là câu chuyện về cuộc thảo luận trên một tờ báo ở Sài Gòn hồi 1929-30, khởi lên từ ý kiến của một vài dân biểu và viên chức, muốn đề nghị soạn sách giáo khoa dạy tiếng Việt dùng riêng cho trẻ em Nam Kỳ; ý kiến ấy bị phần đông dư luận báo chí và giáo giới phản đối vì người ta lập tức nhận ra ý kiến ấy rất phù hợp với đường lối “chia để trị” của thực dân; hơn nữa ý kiến ấy cũng dựa vào sự lầm tưởng và thổi phồng quá đáng những khác biệt về phương ngữ bên trong một ngôn ngữ duy nhất. Từ việc bàn thảo về sách giáo khoa tiếng Việt cho trẻ em, người ta chạm trán với thực tế những khác biệt về phương ngữ, người ta nhận thấy có không ít vấn đề đã và đang đặt ra với tiếng Việt, − ngôn ngữ mẹ đẻ của người Việt – trong đời sống đương thời và tương lai…

***

Xung quanh những vận động của giới trí thức dân tộc trước năm 1945 liên quan đến việc sử dụng và phổ biến chữ Quốc ngữ, giới sử học của ta lâu nay thường chỉ nêu độc một sự kiện hầu như duy nhất là Hội truyền bá Quốc ngữ 1938. Đó chỉ là do thiếu tư liệu, thiếu chuyên gia…hay là do dấu vết một tư duy độc tôn in bóng vào sử học? Nhân giới thiệu chùm tài liệu dường như chưa nhà nghiên cứu sử cận đại nào động tới trên đây, tôi muốn lưu ý bạn đọc rằng: trong bức tranh mà các nhà nghiên cứu sử học đã phác vẽ về một quá khứ chưa xa, vẫn còn không ít những “vệt trắng”.

15.9.2003 sửa và bổ sung, 30.8.2006

−−−−−-

(1) Bài Chữ Quốc ngữ đối với dân ta của Phan Thứ Khanh, hiện tôi đã gửi cho một vài bạn làm báo, và nay đang được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Đất Quảng (Quảng Nam) từ giữa năm 2006.

−−−−−

٠ Bài này đã đăng tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, s. 152 (tháng 11.2003), và s. 153 (tháng 12.2003).