Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Mênh mông chật chội… (23)

Lại Nguyên Ân

VỀ CÔNG TÁC TƯ LIỆU VÀ VĂN BẢN

TRONG VIỆC XUẤT BẢN VÀ NGHIÊN CỨU

DI SẢN CỦA NGÒI BÚT VŨ TRỌNG PHỤNG

Tham luận tại hội thảo “Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng” do Viện Văn học tổ chức nhân 90 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng, Hà Nội, 15 và 16/10/2003

Cách đây mấy năm, trên Tạp chí Văn học, tôi có nêu một nhận xét cho rằng đối với văn học chữ quốc ngữ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, công tác văn bản học còn chưa được đặt thành một nội dung công việc nghiêm túc, cả trong hoạt động xuất bản lẫn trong nghiên cứu văn học.

Hôm nay xin trở lại đề tài này và đề cập cụ thể trường hợp tác gia Vũ Trọng Phụng (1912-1939).

Có thể nói di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng là đối tượng xuất bản và tái bản kể ngay từ khi ông mất, nhưng di sản ấy và tác giả của nó chỉ trở thành đối tượng nghiên cứu từ giữa và cuối những năm 50 thế kỷ XX. Đó là khi các đề tài về “văn học công khai 1930-1945” hoặc “văn học tiền chiến”, “nhà văn tiền chiến” trở thành đề tài thực sự không thể bỏ qua trong giảng dạy văn học sử Việt Nam ở các bậc trung học, đại học, trong nội dung nghiên cứu bàn luận của các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội, trong hoạt động văn nghệ, báo chí.

Chúng ta không quên rằng di sản của Vũ Trọng Phụng có khoảng 30 năm (1957-1983 hoặc 1957-1987) bị cấm tái bản ở miền Bắc, những vẫn phải ghi nhận rằng việc nắm tài liệu về sáng tác của ông và dư luận về ông, ở các nhà nghiên cứu chuyên tâm (ví dụ ở miền Bắc như các nhà nghiên cứu Văn Tâm, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, v.v.), có thể nói cũng ở tình trạng tương đương việc nắm tư liệu sáng tác và dư luận về các tác gia cùng thời khác (như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, v.v.).

Việc nắm thông tin về di sản sáng tác của Vũ Trọng Phụng thông qua sưu tầm, xuất bản

Một đặc điểm của công tác nghiên cứu ở miền Bắc (giới giảng viên đại học, giới nghiên cứa ở các viện nghiên cứu) những năm 1960-80 là chú trọng bàn luận, suy diễn, quy kết chứ không chú trọng đo đếm, thống kê, thích chạy theo những nhận xét định tính chứ ít đếm xỉa đến các thao tác định lượng, các nhà nghiên cứu thường bằng lòng với một lượng thông tin vừa phải, không quá ít nhưng cũng không đòi hỏi sự tìm tòi thống kê triệt để.

Dạng thức tập hợp tác phẩm được xem là đủ dùng cho hầu hết nhẵn ai quan tâm đến một tác gia nào đó, cũng là dạng thức tập hợp tác phẩm được xem như bước tiến đáng kể của ngành xuất bản và giới nghiên cứu − là những tuyển tập dành cho các nhà văn được coi là tiêu biểu của văn học hiện đại (thế kỷ XX).

Dạng thức tuyển tập này được tổ chức biên soạn một cách chính quy, có một hội đồng mang tính quốc gia với thẩm quyền quyết định tác gia nào được làm tuyển tập và thẩm quyền duyệt cơ cấu các cuốn sách tuyển cụ thể. Ở dạng sách tổng kết chính quy này của thời kỳ bao cấp, tác gia Vũ Trọng Phụng đã không có mặt và điều này là dễ hiểu. Song bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng gồm 3 tập, Nxb. Văn Học xuất bản trong năm 1987, được coi là mở đầu và đánh dấu một thời kỳ mới khi di sản của Vũ Trọng Phụng lại được về với công chúng, − chính là bộ tuyển tuân thủ hầu hết quy chuẩn quy phạm của loại tuyển tập tác gia được ấn định trong thời bao cấp. Bộ tuyển này đã được in lại 4-5 lần, đồng thời với việc các tác phẩm lẻ của Vũ Trọng Phụng được in thành sách riêng. 12 năm sau, bộ sách mang tên Toàn tập Vũ Trọng Phụng gồm 5 tập, cũng dựa vào bộ tuyển 3 tập nói trên cộng với các kết quả sưu tầm xuất bản lẻ tẻ khác. Có thể dừng lại ở nội dung bộ sách 5 tập này để xem đó như kết quả một chặng sưu tầm, thống kê di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng.

Dựa vào các thống kê của Nguyễn Đăng Mạnh (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1996, tr.58-61), của Nguyễn Hoành Khung (trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 29B, Hà Nội: Nxb. KHXH, 1997, tr. 8-10), chúng tôi với tư cách biên tập viên đã đưa vào cuối bộ Toàn tập Vũ Trọng Phụng 5 tập một danh mục tác phẩm mà chúng ta có thể xem là kết quả sưu tầm của giới nghiên cứu về di sản ngòi bút Vũ Trọng Phụng tính đến năm 1999.

Theo đó, di sản ấy bao gồm:

− Tiểu thuyết: 8 tác phẩm (tp) có văn bản, 1 tp mới biết nhan đề, chưa tìm thấy văn bản (Quý phái)

− Phóng sự dài: 5 tp. có văn bản, 2 tp. mới biết nhan đề, chưa tìm được văn bản (Dân biểu và dân biểu, Vẽ nhọ bôi hề)

− Truyện ngắn: 20 tp. có văn bản, 7tp. chỉ mới biết nhan đề, chưa tìm thấy văn bản (Chống nạng lên đường, Quyền làm bố, Cuộc vui ít có, Hai hộp xì gà, Sư cụ triết lý, Mơ ngày Tết, Lỡ lời)

− Kịch bản (dài, ngắn): 6tp. có văn bản, 1 tp. chỉ biết nhan đề, chưa tìm thấy văn bản (Tài tử).

− Dịch thuật: 1 tp; 1 tp. (tồn nghi) chỉ biết nhan đề (Ngày cuối cùng của người tử tù, dịch V.Hugo).

− Bình luận, tạp văn: 7 tp. có văn bản, 8 tp. chỉ biết nhan đề, chưa có văn bản (Một người công dân, Những việc đáng ghi trong năm Bính Tý; Đông Dương sửa soạn chống Nhật; Về một cuốn sách nói xấu người An nam, Hai nhà xuất bản Tân Dân và Đời Nay...; Chung quanh việc Khái Hưng bị tố cáo ăn cắp văn, Thư ngỏ gửi Phan Trần Chúc; Bênh vực ông Bertrand...).

Sau sự "tổng kết" mà thực ra vẫn là sơ kết nói trên, việc nghiên cứu sưu tầm di sản ngòi bút Vũ Trọng Phụng lại được nối tiếp ngay một cách bất ngờ, được "đầu têu” bởi một nhà Việt Nam học nước ngoài là Peter Zinoman.

Xin nêu 3 đầu việc:

1/ Kết quả sưu tầm thêm của Zinoman dẫn đến việc tập hợp thành cuốn Vẽ nhọ bôi hề (Hà Nội, Nxb. Hội nhà văn, 2000);

2/ Kết quả sưu tầm thêm của tôi − Lại Nguyên Ân, cuối năm 2000, dẫn đến việc tập hợp thành cuốn Chống nạng lên đường (Hà Nội: Nxb. Hội nhà văn 2001);

3/ Những sưu tầm của P. Zinoman và Lại Nguyên Ân hồi tháng Năm và Sáu, 2002 chưa công bố.

Với kết quả sưu tầm của Peter Zinoman cuối 1999 và được tập hợp thành cuốn Vẽ nhọ bôi hề (Hà Nội, Nxb. Hội nhà văn, 2000), chúng ta biết thêm 23 tp. thuộc di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng:

− 2 phóng sự (1 tp đã biết tên là Vẽ nhọ bôi hề nhưng chưa có văn bản; 1 tp được thấy lại lần đầu là Hải Phòng 1934);

− 1 hài kịch ngắn, lần đầu thấy lại: Chín đầu một lúc;

− 10 truyện ngắn;

− 10 bài báo.

Với kết quả sưu tầm thêm của tôi (Lại Nguyên Ân) tháng 10/2000 và được tập hợp thành cuốn Chống nạng lên đường (Hà Nội: Nxb. Hội nhà văn 2001), chúng ta biết thêm 21 tp. thuộc di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng:

− 1 bài ca gồm 2 lời Kẻ điNgười ở theo 2 điệu Vọng cổ hoài lang và Tây Thi (đăng Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.62 (24/ 7/ 1930)

− 9 truyện ngắn (thuộc chùm truyện ngắn đăng trong các mục “Chuyện Ngọ báo”, “Câu chuyện thứ hai”, “Mặt trái đời” trên Hà thành Ngọ báo 1931-1932)

− 2 hài kịch ngắn;

− Đoạn cuối gồm 2 kỳ của phóng sự Vẽ nhọ bôi hề (kỳ III, IV).

− 6 tiểu luận đồng thời là dịch phẩm

− 1 phần văn bản của tiểu thuyết Quý phái (do nhà thơ Anh Chi cung cấp, nhân việc sưu tầm tạp chí Tiểu thuyết thứ năm (1934 - 38).

Một điểm đáng chú ý ở lần sưu tầm này là từ chỗ nghi vấn tôi đã đi đến khẳng định bút danh Phụng Hoàng của Vũ Trọng Phụng trong 5 bài tiểu luận dịch hoặc phỏng dịch Maupassant và một vài nhà văn Pháp khác, đăng Ngọ báo cuối 1931 đầu 1932. Từ lúc đăng báo và in sách (cuối 2001) đến nay, sự khẳng định này chưa gặp phải ý kiến hoài nghi hay phản đối nào, cũng chưa có ý kiến nào tỏ rõ đồng tình trên mặt báo.

Về những kết quả sưu tầm mới của Peter Zinoman và tôi tại Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 7/2002.

Về phần tôi:

− Tôi tìm thấy dịch phẩm Trước giờ lên máy chém ký hiệu TVQG Hà Nội: M. 9899 do Dịch thuật tùng thư ấn hành, nhà in Lê Cường in ở Hà Nội 1936, dịch giả không phải là Vũ Trọng Phụng mà là Nguyễn Văn Kiện (hoặc Kiên). Vì vậy đây không phải dịch phẩm của Vũ Trọng Phụng như nghi vấn của một số nhà nghiên cứu.

− Ông Nguyễn An Kiều, con trai hoạ sĩ Nam Sơn (1890- 1973) cho tôi bản chụp truyện ngắn Anh em họ của Vũ Trọng Phụng in trong sách Chơi xuân năm Ất Hợi (1935) của nhà sách Nam Ký. Đây chính là một dị bản xuất hiện sớm của một truyện ngắn mà sau này Vũ Trọng Phụng sẽ đưa in trên Đông Dương tạp chí (số 14 ngày 14/8/1937) với nhan đề Lòng tự ái (đã tìm thấy và đưa vào bộ 5 tập mang tên Toàn tập Vũ Trọng Phụng).

− Khoảng cuối tháng 7/2002, tôi may mắn tìm thấy 2 tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đăng Hà thành Ngọ báo tháng 10/1930, đó là truyện Uyên ương (Ngọ báo số 955, ra ngày 13 và 14/10/1930) và tiểu luận Nghề diễn kịch nên chấn hưng (Ngọ báo, s. 965, ra 25/10/1930). 2 tác phẩm này cùng với bài ca 2 lời Kẻ điNgười ở trên Phụ nữ tân văn (Sài Gòn tháng 7/1930) hợp thành những tác phẩm thuộc loại xuất hiện sớm nhất trên báo chí của Vũ Trọng Phụng mà chúng ta hiện đã tìm thấy.

Về phần Peter Zinoman, từ mùa hè 2001 đến mùa hè 2002, anh dành khá nhiều thời gian vào đọc tại các thư viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đã tìm thêm hàng chục tài liệu mới xung quanh tác gia Vũ Trọng Phụng. Những tài liệu này Peter Zinoman đã hào phóng tặng cho nhiều nhà nghiên cứu và bạn văn ở Việt Nam trong đó có tôi. Tôi kiểm lại sơ sơ các tư liệu này, thấy rằng về mặt liên quan đến di sản ngòi bút Vũ Trọng Phụng, lần này P. Zinoman tìm thêm được khoảng vài chục bài, trong đó có những tài liệu có thể tin chắc thuộc về ngòi bút Vũ Trọng Phụng, số còn lại buộc phải coi là tồn nghi. Xin nói ngay, khoảng gần một chục bài báo thuộc loại tồn nghi này đều có bút danh T.H (= Thiên Hư?) và đều là văn chương trào phúng, đăng trên tờ Vịt đực Ích hữu.

Có một truyện ngắn đã biết tên, là Cuộc vui ít được Zinoman tìm thấy văn bản, ngoài ra hầu hết là những tác phẩm chưa biết tên. Peter Zinoman tìm thấy ở tờ tuần báo Chuyện đời xuất bản ở Hải Phòng của Vũ Trọng Phụng nhan đề Một hành vi bất lương trong nghề phóng sự và điều tra. (P. Zinoman đã cung cấp cho tôi và tôi đã giới thiệu bài báo này trên Tiền phong chủ nhật nhân ngày nhà báo Việt Nam năm 2001).

Anh cũng tìm thấy trên tuần báo Bắc Hà xuất bản ở Hà Nội 1937 một bài nhà báo Lê Thanh (1913- 44) phỏng vấn Vũ Trọng Phụng và bài viết phúc đáp của Vũ Trọng Phụng sau khi đọc bản in báo bài phỏng vấn ấy (hai tư liệu này đã đăng trên tạp chí Tia sáng). Ngoài ra có 2 bài báo Vũ Trọng Phụng đăng trên Tiểu thuyết thứ năm về các vấn đề xã hội. Một bài khác ký Ngọc Quy: Vũ Trọng Phụng (không rõ hai tác giả viết chung hay một bút danh khác của ông?) đăng Văn học tạp chí 1935 (được P. Zinoman sưu tầm gián tiếp từ tờ Văn học ở Sài Gòn 1965) nhan đề Một bài học cho ông chủ Ngọ báo về nghề làm báo. Cũng thuộc loại sưu tầm qua tài liệu gián tiếp là một đoạn của bài viết Nghề cạo giấy của Vũ Trọng Phụng đăng trên tờ Tân thiếu niên (khoảng năm 1932?) viết về Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, được nhà văn Nguyễn Đình Lạp trích dẫn trong đoạn mở đầu thiên phóng sự Cường hào của ông đăng trên tờ tuần báo Quốc gia số 2 (16/ 9/1938).

Trở lên tôi đã điểm qua tình hình nắm thông tin và văn bản thuộc di sản ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Chưa ai có thể nói rằng chúng ta đã biết hết mọi tác phẩm Vũ Trọng Phụng đã viết ra in ra tuy những gì chúng ta chưa biết là hữu hạn và không thật nhiều. Chúng ta có thể hy vọng sẽ nắm bắt tốt hơn do những chuyển động trong các bộ môn nghiên cứu lịch sử báo chí, xuất bản, cũng như do việc chú trọng hơn đến công tác tư liệu trong nghiên cứu văn học.

Khía cạnh văn bản học đối với các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng bốc lộ trong hoạt động xuất bản

Như tôi đã có dịp đề cập, các vấn đề mang tính văn bản học đối với các tác phẩm văn học quốc ngữ thường mới chỉ nảy sinh trong hoạt động biên tập xuất bản, khi các tác phẩm của thời kỳ đã qua được tái bản cho nhu cầu đọc của công chúng hôm nay.

Đối với các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, có thể thấy có một số vấn đề văn bản học dưới đây.

Thứ nhất, tình trạng dị bản qua các lần in khác nhau. Thật ra loại thường gặp nhất là loại dị bản nảy sinh ngẫu nhiên do lỗi in sai vốn phát sinh tự nhiên qua các lần in lại (Quy luật tính dị bản trong tác phẩm in là: mỗi lần in là một lần nảy sinh dị bản). Thực trạng này xưa kia là bình thường, hiện nay và từ nay có thể trở nên nghiêm trọng, do sự thiếu nghiêm túc, cẩn trọng của các giới tham gia sản xuất sách. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi cho là thực sự mang tính dị bản là sự chênh lệch giữa các bản in của cùng một tác phẩm ngay trong sinh thời tác giả: giữa bản đăng báo và bản in sách, hoặc giữa các văn bản in báo khác nhau của cùng một tác phẩm với nhan đề khác nhau. Có lẽ trường hợp điển hình, sẽ cần xử lý kỹ, là tiểu thuyết Giông tố. Người ta từng biết ở quá trình đăng tải trên báo, tác phẩm đã bị dừng lại, bị đổi nhan đề để đăng tiếp, rồi khôi phục nhan đề ban đầu để in sách. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung có lẽ là những người đầu tiên nêu nhận xét về sự khác biệt giữa một số đoạn trong bản in thành sách với bản đăng báo, ví dụ lược đi một số đoạn trong lời Hải Vân nói với Tú Anh trước lúc lên thuyền vượt biển. Hiện tại bản in Giông tố năm 1937 của nhà xuất bản Văn Thanh chưa tìm lại được; các sưu tập Hà Nội báo từng đăng Giông tốThị Mịch cũng rất hiếm, ngay ở các thư viện lớn. Các bản in Giông tố hiện hành đều lấy theo bản in của nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội, 1956, chắc hẳn bản này cũng có những dị bản.

Xin lấy một ví dụ ngắn.

Nếu ta đọc lại bài Dâm hay không dâm của Nhất Chi Mai (Ngày nay, Hà Nội, s. 51, 21/3/1937) in lại trong 13 năm tranh luận văn học do Thanh Lãng sưu tầm (tập 3, Tp. HCM: Nxb Văn học và Hội NCGGVH, tr. 494-496) sẽ thấy Nhất Chi Mai viết rõ: “Những lối tả Thị Mịch trong khi chửa nằm nghiêng để hiến ái tình cho bạn […] mà không gọi là khiêu dâm thì còn gọi là gì nữa?" Chi tiết nằm nghiêng này quả là không thấy ở đoạn cuối chương XXII tiểu thuyết Giông tố bản in hiện hành. Tôi có xem lại trên bản vi phim (microfilm) Hà Nội báo và thấy có chi tiết đó dù chỉ gồm vài chữ, không rõ nó đã bị biên tập gạch bỏ từ lúc nào: từ bản của Nxb Văn Thanh 1937 hay của Nxb Văn Nghệ 1956?

Gần đây xuất hiện các cuốn sách “Giông tố” - Tác phẩm và dư luận, “Số đỏ”- Tác phẩm và dư luận, trong đó người ta in các bài nghiên cứu, phê bình các tác phẩm này bên cạnh toàn bộ tác phẩm, nhưng các soạn giả và nhà xuất bản lại bỏ qua vấn đề các dị bản, nhất là Giông tố.

Thứ hai, tình trạng dị bản liên quan đến việc xác định tác phẩm. Người nghiên cứu sưu tầm sẽ phải coi là những dị bản của cùng một tác phẩm hay là những tác phẩm khác nhau của Vũ Trọng Phụng? Ví dụ, khi nhà văn vừa qua đời, các bạn văn của ông đã cho đăng báo các đoạn của một bản thảo chưa công bố, đặt tên cho các đoạn đó là: Bắt vích, Đoạn tuyệt, Ăn mừng. Những năm 1990, một số người sưu tầm mặc nhiên coi đó như những truyện ngắn, tồn tại song song với truyện vừa Người tù được tha mà hai chương còn lại tựu trung cũng chỉ gồm các đoạn kể trên. Vậy, nếu trong một tổng quan về sáng tác của Vũ Trọng Phụng, khi đã kể truyện vừa Người tù được tha thì phải coi là không có 3 truyện ngắn trên hay ngược lại?

Nếu đối chiếu các sáng tác của cùng tác gia Vũ Trọng Phụng với nhau, người nghiên cứu sẽ thấy một số truyện ngắn độc lập, về sau sẽ được tác giả sử dụng lại ít nhiều trong một số truyện dài. Hai cụ lang Tỳ lang Phế của Cuộc vui ít có, viên cảnh sát có tên “thầy Chín Tư” trong truyện ngắn Rửa hờn, rồi sẽ đi vào thế giới của Số đỏ. Cô Tiết Hằng của truyện ngắn Cái hàng rào sẽ giữ nguyên tên gọi để đi vào câu chuyện của Dứt tình. Tuy nhiên, đây là những sáng tác độc lập với nhau. Nhà nghiên cứu vẫn nên thống kê các truyện ngắn này song song với các tiểu thuyết Số đỏ, Dứt tình.

Trong khi đó, khi đối chiếu các truyện ngắn Anh em họ (sách Chơi xuân năm Ất Hợi (1935) với Lòng tự ái (Đông Dương tạp chí, s.14 ngày 14/8/1937), hoặc đối chiếu truyện ngắn Tình là giây oan (Phụ nữ thời đàm, tập mới, s.24 ngày 20/5/1934) với truyện ngắn Một con chó hay chim chuột (Đông Dương tạp chí, s. 20 ngày 25/9/1937), ta sẽ thấy đó là trường hợp hai dị bản với hai nhan đề khác nhau của cùng một tác phẩm.

Tất nhiên đây là ý kiến của tôi. Những người sưu tầm và biên soạn khác có thể có những lý lẽ khác và sự lựa chọn khác.

Việc nắm dư luận phê bình về Vũ Trọng Phụng thể hiện qua những hình dung và miêu tả “lịch sử vấn đề”

Nếu nhìn lại việc nắm tài liệu dư luận phê bình về sáng tác của Vũ Trọng Phụng tính đến năm 1957 chẳng hạn, ta sẽ thấy tình hình ở mỗi nhà nghiên cứu một khác, nhưng nét chung là nắm tư liệu theo trí nhớ riêng về đời sống văn học và báo chí trước đó 15-20 năm. Đối với những nhà phê bình nghiên cứu như Văn Tân, Vũ Đức Phúc, đến thời gian những năm 1950-1970, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và tác giả đã quá cố của chúng vẫn như đang còn là những khách thể văn học đương đại cho nên cần đem lá bùa phê phán yểm trừ những tác hại của chúng.

“Hồ sơ Vũ Trọng Phụng”, nhất là ở miền Bắc, bị đông cứng lại, dậm chân tại chỗ suốt gần 30 năm, nhưng đến khi có cơ hội chuyển động, nó lại dễ lệch đi theo kiểu “hậu bao cấp”, tức là ít đào sâu thêm đồng thời tuyệt đối hóa những gì đã biết.

Đi vào cụ thể, có thể nêu những cuốn tập hợp dư luận phê bình nghiên cứu như Vũ Trọng Phụng, hôm qua và hôm nay (Trần Hữu Tá tập hợp, Tp. HCM, 1992), Vũ Trọng Phụng - tài năng và sự thật (Lại Nguyên Ân tập hợp, Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1992), Vũ Trọng Phụng - con người và tác phẩm (Nguyễn Hoành Khung và Lại Nguyên Ân tập hợp, Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1994) đã giúp hình dung một “lịch sử vấn đề” trong nghiên cứu và phê bình về Vũ Trọng Phụng, từ đương thời ông cho đến hiện tại. Cố nhiên mỗi dung lượng tài liệu, với cách chọn lựa có điểm nhấn riêng, tạo ra một cách hình dung ít nhiều khác biệt về tiến trình và các thời điểm quan trọng của dư luận phê bình nghiên cứu. Tuy vậy, tính đến đầu những năm 1990, có thể lấy cách hình dung và mô tả của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung trong bài Nhìn lại và suy nghĩ xung quanh một “vụ án” văn học (đọc tại hội thảo kỷ niệm Vũ Trọng Phụng năm 1989, in lại như lời bạt cho sưu tập tư liệu Vũ Trọng Phụng - con người và tác phẩm, Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1994, sau này được tác giả chuyển thành Lịch sử vấn đề Vũ Trọng Phụng trong sách Văn học Việt Nam 1930-1945, Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1999) làm đại diện cho cách “sơ kết” của khá đông người trong giới phê bình nghiên cứu. Hai thời điểm, hai khía cạnh mà sự sơ kết này nhấn vào là:

− Trước 1945, dư luận nêu và phê phán việc miêu tả "cái dâm" trong văn chương Vũ Trọng Phụng, trong khi tác giả tự bảo vệ mình đã nhấn mạnh định hướng "tả chân xã hội", định hướng tố cáo xã hội của ngòi bút mình;

− Từ giữa những năm 1950 ở miền Bắc, dư luận chính thống ngả về phía cho rằng di sản văn học của Vũ Trọng Phụng bênh vực tầng lớp trên, mạt sát tầng lớp dưới, nói xấu cách mạng và người cách mạng. Nói riêng, cách sơ kết này cũng quy ý chí riêng của một quan chức chính trị đương thời là Hoàng Văn Hoan như là lý do ngăn cấm việc in lại tác phẩm của Vũ Trọng Phụng từ sau 1957 đến 1983 hoặc 1987.

Hình dung như trên cố nhiên không khác so với thực tế diễn biến của đời sống văn hóa văn nghệ. Tuy nhiên với các thư mục nghiên cứu ở cuối các cuốn sách về Vũ Trọng Phụng, nhất là cuốn Vũ Trọng Phụng - về tác gia và tác phẩm (Hà Nội, "Giáo dục", 2000; Nguyễn Ngọc Thiện và Hà Công Tài soạn), người ta thấy diện dư luận báo chí được bao quát chưa đủ rộng, trong khi những gì đã biết lại có nguy cơ bị tuyệt đối hóa, dễ trở thành khuôn tư liệu, khuôn “lịch sử vấn đề” làm sẵn cho những ai từ nay trở đi sẽ viết các thứ luận án nghiên cứu về văn nghiệp Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi có dịp tham khảo một số luận án bậc Tiến sỹ Việt Nam lưu tại Thư viện Quốc gia, thấy rằng những người làm các công trình nghiên cứu ở bậc chuyên môn cao nhất này, khi khảo riêng về văn nghiệp Vũ Trọng Phụng, lại hầu như bằng lòng hoàn toàn với nguồn tư liệu và lịch sử vấn đề như đã nêu trên, bằng lòng và hoàn toàn tin cậy vào các bản tái bản tác phẩm Vũ Trọng Phụng từ những năm 1990, không cần tính đến trạng thái dị bản của việc ấn loát, càng không cần xúc tiếp với không khí của dư luận thực đương thời vẫn còn tiềm tàng trong các kho sách báo cũ.

Trở lại với những tư liệu báo chí cũ mà Peter Zinoman tìm được hồi vừa rồi. Bên cạnh những tài liệu về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Zinoman còn tìm thấy vài chục bài báo lớn nhỏ viết về Vũ Trọng Phụng và các tác phẩm của ông, đăng trên các báo ngoài Bắc hoặc trong Nam những năm 1930, một số khác đăng trên báo chí trong Nam những năm 1960. Những tư liệu này đều chưa hề thấy trong các cuốn sách tập hợp dư luận phê bình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đã xuất bản của giới sưu tầm chúng ta. Có những bài viết về Không một tiếng vang của Lê Tràng Kiều (Tân thiếu niên, 1934), về Kỹ nghệ lấy Tây của Lãng Tử (Báo Phóng sự 1938), của Mai Xuân Nhân (Tràng An, 1936); về Số đỏ của Lê Thanh (Phụ nữ, 1938), của Hồ Xanh (Công thương báo, 1938); về Giông tố của Nguyễn Lương Ngọc (Tinh hoa, 1937), của Đông Chi (Điện tín, Sài Gòn, 1937), của Lệ Chi (Anh niên, 1937), của Xuân Sa (Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư, 1938).

Loạt bài trên Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư và cả trên tờ Nữ lưu nữa như ta sẽ thấy các trích dẫn dưới đây cho thấy một số cây bút ở Sài Gòn hồi 1937-38 tiếp nhận tiểu thuyết Giông tố theo một hướng hơi khác dư luận ngoài Bắc. Nếu Nguyễn Lương Ngọc trên Tinh hoa ở Hà Nội chỉ bàn về kỹ thuật bố cục tiểu thuyết của họ Vũ trong Giông tố mà Nguyễn Lương Ngọc đánh giá khá thấp, thì trên tờ báo nói trên ở Sài Gòn, Xuân Sa nhân tác phẩm này nhận xét về Văn chương và giai cấp: Lần thứ nhất trong văn học Việt Nam, cuốn Giông tố của Vũ Trọng Phụng bày tỏ xung đột của hai giai cấp. Còn tác giả Đông Chi trên tờ Điện tín thì lấy của nhà văn. Cũng trên tờ Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư, Vũ Trọng Phụng đã trả lời một chất vấn của Xuân Sa.

Nguyên là trong bài của mình, Xuân Sa khen Vũ Trọng Phụng đã xây dựng nhân vật Hải Vân như là “đại biểu cho giai cấp vô sản”, “đã biết giác ngộ, đã biết để cái quốc tế bao la trên cái quốc gia hẹp hòi”. Nhưng nhà phê bình Xuân Sa lấy làm tiếc cho nhà văn vì đã để cho nhân vật này dặn Tú Anh: "Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác, có tim có óc mà ích kỷ, mà tham sinh úy tử, mà rồi cứu cánh là một cuộc đời trưởng giả sống như chó như lợn, vì kim tiền vì ái tình vì vật chất vì hư danh thì mới đáng lo cho “giống nòi”. Theo Xuân Sa, câu nói này có thể thuộc về những chí sỹ “đại quốc gia” như Ngô Đức Kế hay Phan Bội Châu. Điều đáng tiếc, theo Xuân Sa, là nhà văn Vũ Trọng Phụng “lại bắt một người có óc quốc tế như ông già Hải Vân phải dùng hai tiếng giống nòi làm khẩu hiệu để tranh đấu”. Vẫn theo Xuân Sa, “đã là quốc tế thì không còn phân biệt giống nòi nữa, vì óc giống nòi là tiêu biểu của óc quốc gia hủ bại. Nếu ông Phụng biết lấy hai tiếng giai cấp để thay cho hai tiếng giống nói ấy thì ông sẽ không phạm vào một cái mâu thuẫn nguy hiểm” và “cuốn Giông tố sẽ thêm giá trị nếu trong truyện, “tinh thần giai cấp” được biếu lộ một cách rõ rệt hơn.

Rất tiếc hiện nay chưa tìm thấy toàn văn bài trả lời của Vũ Trọng Phụng mà Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư xác nhận: “Trên mặt báo nầy kỳ trước, ông Vũ Trọng Phụng đã trả lời cho ông Xuân Sa về bài phê bình cuốn tiểu thuyết Giông tố mà ông Phụng là tác giả". Tuy nhiên ở bài Trả lời cho Vũ Trọng Phụng (mà văn bản đã tìm được) của Xuân Sa cũng có có một số câu trích từ bài trả lời của nhà văn họ Vũ.

Theo lời thuật của Xuân Sa thì Vũ Trọng Phụng cho là Xuân Sa đã bị “những danh từ điêu trá của văn chương huyễn hoặc, đã quên sự thật ở đời và quên cả địa vị nhân vật trong cuốn truyện” mà mình phê bình. Nhắc lại sự phân tích Giông tố của Xuân Sa, Vũ Trọng Phụng viết: “Đấy, như vậy thì ngòi bút tả chân của tôi là tuyệt đối, ông Xuân Sa ạ. Bắt Tú Anh tranh đấu cho vô sản cũng như Hải Vân, như thế còn có nghĩa gì?" Ông viết tiếp: “Tôi cực lực phản đối ông Xuân Sa và báo Nữ lưu trong việc bắt buộc tôi phải đổi chữ giống nòi ra là giai cấp, và kết ông bạn Xuân Sa vào tội “chuyên chế, định có một cử chỉ độc tài trong văn chương”. Đi vào thực chất của vấn đề đằng sau chuyện câu chữ này, Vũ Trọng Phụng viết: “Nhưng sự thật thì thế nào? Những nhà cách mạng quốc tế của chúng ta có quả thật đã quên cả giống nòi như ý muốn của ông Xuân Sa không? Này, ông Xuân Sa, nếu tự quên giống nòi rồi thì sao một lãnh tụ Đông Dương cộng sản đảng lại có tên: Nguyễn Ái Quốc?”.

Câu trả lời này mà Xuân Sa tìm cách giễu cợt cái logic hình thức của nó (“Nầy, ông Phụng, tại sao trong Nam Kỳ có một nhà cách mạng vào tù ra khám luôn mà lại có tên Nguyễn An Ninh?”) thực ra cho thấy một mẫn cảm rất chính xác của Vũ Trọng Phụng trên một vấn đề vốn là bất cập về lý luận đối với ông: vấn đề nội dung dân tộc trong phong trào cộng sản phương Đông mà nếu chỉ thuần túy tiếp nhận lý luận, người ta sẽ ngả theo lý giải như Xuân Sa.

Trên đây là một ví dụ rút ra từ tư liệu dư luận báo chí đương thời. Chúng tôi mong rằng các nhà nghiên cứu trẻ khi đi vào những đề tài mà các bậc thầy đã đi qua, vẫn nên cố gắng xúc tiếp trực tiếp với tư liệu gốc. Với những xúc tiếp như thế dẫu không tìm ra những gì các thầy chưa thấy, các bạn vẫn được thêm một cái gì đó rất lớn, rất đắc dụng − có lẽ đó là sự hình dung về bóng dáng thực, gương mặt thực của đời sống văn học đã lùi vào quá khứ.

Trở lại vấn đề chung về công tác tư liệu và văn bản trong nghiên cứu cũng như trong xuất bản đối với di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng, tôi nghĩ, hoạt động của các giới sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản của chúng ta vẫn chưa tương xứng với tầm mức một tác gia đang trở thành tác gia kinh điển của văn học tiếng Việt, văn học Việt Nam. Với di sản của tác gia này, vẫn còn rất nhiều việc trông chờ ở nỗ lực của chúng ta.

Hà Nội, 10 tháng 10 năm 2002