Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Vườn Thượng uyển (kỳ 1)

Lê Anh Hoài

Lê Anh Hoài là một nghệ sĩ giàu năng lượng sáng tạo (Phùng Gia Thế), là người thực hành hậu hiện đại một cách tự nhiên, như nó cần phải thế (Văn Giá), một cây bút đa tài (La Khắc Hòa).

Vì thế chăng, mà trên cái nền chung của dòng văn học nghệ thuật hiện nay, Lê Anh Hoài dường như đã vượt thoát mọi khuôn khổ, mọi vùng an toàn. Và, luôn nằm ở ngoại vi.

Tác phẩm của Lê Anh Hoài, ở bất cứ thể loại nào cũng là sự gây hấn, không gây tranh cãi thì chí ít, cũng mém gây tranh cãi.

Và chắc rằng, Vườn Thượng uyển cũng không phải là một ngoại lệ.

Văn Việt

clip_image002

*Vườn Thượng uyển/ NXB Bolac/2021

Giá bán: 15 USD /13.50 Euro.

HIỆN THỰC THẬM PHỒN Ở VƯỜN THƯỢNG UYỂN

Một góc nhìn về tiểu thuyết Vườn Thượng uyển Bolac xuất bản, quý 3-2021 của Lê Anh Hoài

Inrasara

Khởi đầu bằng châm ngôn: “Thành phố nghệ thuật - hành xử nghệ sĩ” với lời hiệu triệu: “Hãy tăng tốc!” Tăng tốc sáng tạo, tăng tốc làm nghệ sĩ với hành xử nghệ sĩ và thái độ nghệ sĩ trong một thành phố nghệ thuật. Thế thôi, sáng mở mắt, gần nửa thành phố đăng kí trở thành nhà văn ở đó đến phân nửa làm nghệ sĩ tạo hình

Tạo hình bản thân chuyển thể từ đầu trọc, đầu đinh sang tóc xanh um lởm chởm, gồ ghề hay quăn xoắn sao cũng được miễn phải khác người, phải là mình

Nghệ sĩ dù tự phong họa sĩ đích thực hay tự nhận thằng nghệ hoang dã, chuẩn đầu tiên và cuối cùng là cần hành xử đậm chất nghệ sĩ, từ vẻ dửng dưng hay lạnh lùng cao đạo qua thái độ khiêm tốn cao đạo, cả cao đạo trước đồng tiền, như khinh tiền dù rất thèm tiền cho đến bất cần đời dù rất cần đời với những tuyên ngôn bạt mạng thằng này không thèm đọc sách, bởi “tác phẩm sẽ nói lên tất cả

chính là nghệ sĩ đích thực của…

Vườn Thượng uyển

ở đó trung tâm giáo dục và đào tạo văn học nghệ thuật thường xuyên được mở ra, báo văn nghệ các loài cùng nhà phê bình nghệ thuật với đạo quân ngôn từ độc ác, luận án tiến sĩ cho và về nghệ thuật, dân áp phe và đám cò, an ninh và cảnh sát nghệ thuật, rồi khi món du lịch nghệ thuật ra đời, nó còn tòi ra bộ phận công an nghệ thuật đặc trách du lịch, hội nghệ thuật và hội đồng giám khảo cho đủ thể loại kéo theo sự tăng cường biên chế, quán phở quán bia quán cà phê ôm cấp tập mọc lên phụng sự cộng đồng nghệ thuật, ngày thơ ra đời hoành tráng khiến đám viết văn xuôi nóng ruột kiến nghị hội nhà văn cần sớm thành lập ngày văn tạo điều kiện thả câu văn hay lên trời, diễn văn và tham luận, hội nghị và hội thảo, bàn tròn sang trọng hay trình diễn bạt mạng

từ một [châm ngôn] hiện thực dường mơ hồ nẩy sinh và bật ra mênh mông hiện thực khác làm trương nở và trương nở không ma nào níu lại được

mặc cho khu cải tạo văn nghệ sĩ thành phố được dựng lên lùa cả mớ nghệ sĩ thành phố học tập chính sách nghệ thuật vừa ban hành, ngoài kia nghệ sĩ thành phố vẫn hạ quyết tâm đột phát trong nghệ thuật để có những tác phẩm nghệ thuật để đời xộc thẳng vào lòng người thành phố

trung tâm các nhà khoa học thành phố mọc lên bàn cãi và tranh luận để đi đến kết luận: nghệ thuật thành phố chuyển động với tốc độ ánh sáng, sắp bắt kịp và khả năng vượt mặt thế giới trong tương lai không xa

khóa đào tạo họa sĩ ngắn ngày, lớp luyện viết văn cấp tốc, thông báo tuyển sinh văn học nghệ thuật sáng chiều tối thu gom công dân thành phố vào vòng xoáy nghệ thuật lớp tiếp lớp đút túi thẻ hội viên của nhiều hội, quân nhân hưu trí hay con gái nhà lành, chị Việt kiều sồn sồn rửng mỡ hay anh sinh viên dân tộc thiểu số ra trường thất nghiệp, thứ trưởng hưu non hay công nhân mất sức

đã nghệ sĩ thì thiên tài, đã là nghệ sĩ thì không cần học, không cần biết tình hình biển đảo ngoài kia thế nào, đời sống dân tộc vùng sâu miền xa ra sao, không gì cả ngoài nhãn mác nghệ sĩ ta và tên tuổi ta, kiểu tóc cùng cách hất đầu ta hay thái độ khinh bạc của ta, giai thoại ta và huyền thoại ta

nghệ sĩ bất cần làm nghệ thuật mà chỉ lo chăm chút giai thoại về mình nhằm tạo dựng huyền thoại cho và quanh mình, càng lâm li bi thiết với càng bí hiểm càng tốt

Những con ngài bay lượn ngày càng nhiều xung quanh những ngọn đèn. Chúng thích ánh sáng trắng, trong thứ ánh sáng này những vũ điệu giao hoan của chúng thăng hoa kì diệu. Thật tuyệt vời nếu chỉ có chúng và chúng tôi – những thằng nghệ sĩ vô vọng múa những khúc điệu lạc loài xung quanh thứ ánh sáng được gọi là nghệ thuật

Vườn Thượng uyển hạ sinh và chấp chứa toàn đám điên-giả nghệ sĩgiả-điên nghệ sĩ cả trước hay sau cái mốc 3110, một cái mốc cũng rất ư là… huyền thoại.

2. Đó là thứ hiện thực thậm phồn hyper-reality ở cái Vườn Thượng uyển.

Khởi từ châm ngôn: “Thành phố nghệ thuật - hành xử nghệ sĩ”, hiện thực ấy làm trùng trùng duyên khởi tạo nên bát ngát nghiệp chướng cho loài sinh linh điên khùng mang danh nghệ sĩ trong thành phố được định hướng đầy ảo tưởng ngu muội.

Thành phố thu gom vô số bát nháo vừa cổ hủ vừa thời thượng đời sống nghệ sĩ Việt hôm nay. Từ món phổ quát “buồn và cô đơn” sang “trung thực đến tận cùng” hay “nghệ sĩ đương đại đồng hành tuổi trẻ” hoặc “sản phẩm nghệ thuật cũng là món hàng hóa” cho chí khẩu vị riêng theo kiểu: “Cài then em bằng cây chốt của riêng anh”.

Vườn Thượng uyển, tiểu thuyết ngắn đựng chứa cả kho ngôn từ tinh lọc lột trần các ngõ ngách thế giới nghệ thuật Việt đương thời ở đó không gì khác ngoài sự nông cạn, hời hợt, hèn nhát và tự huyễn thảm hại.

Lê Anh Hoài sống giữa thế giới mông muội đó, thức nhận nó, cười và tự cười. Đó cũng là cách một nghệ sĩ khởi động cho hành động hủy phá với ý hướng tạo dựng nghệ thuật khác.

Dù thế nào đi nữa, hãy viết với nụ cười, Henri Miller đã nói như thế!

Núi Đá Trắng, chiều mưa gió 13-12-2018

Lê Anh Hoài

Vườn thượng uyển

Tiểu thuyết

Thành phố nghệ thuật - hành xử nghệ sĩ

Hàm nhìn xuống những lô nhô bên dưới. Bà nội trợ, ông xe ôm, chàng tiếp thị, nàng thủ kho. Những khuôn mặt ánh lên thứ ánh sáng nghệ thuật lờ nhờ giả trá, không phải từ bên trong tỏa ra, mà từ bên ngoài. Từ những lời kêu gọi, từ viễn cảnh của một thành phố nghệ thuật, từ viễn cảnh của vinh quang nghệ sĩ. Những cánh môi mở he hé gợi tình, những bờ môi nứt nẻ mở xòe, những hốc mõm đen tối, những chiếc răng nanh nhọn và những chiếc răng cửa vàng nhơ khấp khểnh.

Hàm biết họ đến đây, như một công việc, dĩ nhiên. Trong họ có một con người bị cưỡng bức, nhưng sau sự cưỡng bức, họ bước tới chỗ bị thuyết phục, và thấy hấp dẫn thực sự. Tại sao không? Thoạt đầu là một vụ hiếp dâm, sau đó là thông dâm.

Hàm đang giảng ở trung tâm đào tạo văn nghệ sĩ thành phố. Loại nổi tiếng như anh dĩ nhiên trung tâm phải mời. Mỗi khóa kéo dài hai tháng. Thành phố đang thúc giục đào tạo nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Hàm mỉa mai nghĩ, chế tạo mì ăn liền cũng chỉ đến thế mà thôi.

Đám học viên cặm cụi ở bên dưới. Hàm tự thư giãn trong khi đám học viên hiện nguyên hình gà mái vẹo mỏ, gà trống thọt, gà con sã cánh, chó xồm răng to, chó phốc mắt tròn, dê cái vú sệ, trâu mắt đỏ… Những con vật có nghệ thuật của chúng không? Câu trả lời của con người là không. Nhưng nhỡ đâu? Voi vẽ tranh trừu tượng. Hải cẩu múa. Đỉa xếp hình.

“Thưa nhà văn, ông vừa nói, người sáng tác chật vật khi phải định vị chính mình. Điều đó có nghĩa là gì, phải chăng là một sự hoang mang, thiếu tin tưởng? Tôi quyết định chọn việc làm thơ, và tôi chỉ làm thơ, thơ lục bát, đậm hồn dân tộc. Tôi không hoang mang, ngoại trừ việc tôi hiểu mình còn thiếu nhiều những kỹ năng cần thiết. Như việc gieo vần hoặc học những từ mới. Vì vậy, tôi ở đây!”

Người vừa đứng lên hỏi, ông ta trạc ngoại tứ tuần, trên đỉnh đầu tóc lưa thưa và nhiều sợi dựng đứng cả lên, kiểu như kinh ngạc, hoặc giận dữ. Một con hươu cao cổ đói khát. Nhưng lời lẽ của ông ta lễ phép, thậm chí kiểu cách. Thứ kiểu cách hiện đang thịnh hành ở thành phố này. Không biết theo cách nào, rất nhanh, cư dân thành phố học được cách nói năng và thậm chí, cách biểu cảm cơ thể rất, rất nghệ sĩ. Đúng hơn, nó là một quy ước ngầm được cư dân thành phố vô thức dán nhãn. Vì vậy, có thể nói đó là kiểu cách nghệ sĩ của thành phố này. Sau thời điểm của câu chuyện này, chỉ khoảng nửa năm, thành phố bắt đầu một chiến dịch PR cung cách đó như một đặc sản thu hút du lịch. Dĩ nhiên, Hàm đã tư vấn cho thị trưởng ý này. “Thành phố nghệ thuật - hành xử nghệ sĩ”. Một slogan ngắn gọn, cuốn hút. Nó không chỉ khơi gợi đối với du khách, nó tiếp tục hướng dẫn cư dân thành phố. Thị trưởng rất khen ngợi.

“Thưa nhà văn, ông từng nhấn mạnh ông là người viết. Chắc là ông hiểu được việc làm thơ thiêng liêng như thế nào. Trước thơ, tôi thấy mình nhỏ bé. Ông nghĩ sao?” - Hươu cao cổ tiếp tục, vẫn theo cách lễ phép, tuy nhiên, lời lẽ của ông ta như một kiểu lục vấn và thậm chí, đe dọa. Hàm nghĩ có lẽ ông ta ở trong cái gọi là thanh tra nghệ thuật. Lớp học này kiểu gì chẳng có một nhân viên thanh tra như vậy. Mà cũng có thể không hẳn ông ta là thanh tra chính hiệu, cơ quan thanh tra có rất nhiều những cộng tác viên thân thiết sẵn sàng hợp tác.

Thơ thiêng liêng hay tản văn thiêng liêng? Hay tiểu thuyết thiêng liêng? Hay tất cả chỉ là một trò chơi? Hàm nghe tiếng nổ lách tách đâu đó trong đầu, anh nở một nụ cười nghề nghiệp. Nhiều năm tiếp cận với thứ gọi là “công chúng nghệ thuật” đã cho anh một số kinh nghiệm. Với những câu hỏi kiểu thế này, Hàm biết không có cách nào để giải đáp. Thậm chí để hình dung được một phần bóng dáng của vấn đề cũng không. Anh mở miệng và tự động, trong lời nói của anh có những âm sắc tha thiết, thậm chí chân tình:

“Lục bát! Tuyệt vời! Hồn dân tộc. Rất tuyệt vời! Gieo vần là một kỹ thuật của thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng. Cái này không hề khó. Vốn từ cũng không phải là quyết định. Có nhà thơ chỉ cần 500 từ đã tạo ra một gia tài lục bát vĩ đại.”

Hươu cao cổ lúc lắc cái đầu nhỏ. Mặt hươu giãn nở. Mõm hươu hé ra. Môi hươu run lên. Hàm hạ giọng:

“Người sáng tác không thể không xác định vị thế công dân của mình. Công dân ở đây không chỉ là công dân thành phố của chúng ta - một thành phố nghệ thuật vinh quang và tự hào, mà còn là công dân đất nước. Công dân toàn cầu!”

Câu cuối cùng, mặc dù vẫn trong âm lượng không lớn và không nâng tone, nhưng nội lực thật đáng nể. Hươu cao cổ gật gật cái cổ dài, đầu y ngúc ngoắc, mắt đánh sang hai bên tự hào. Y ngồi xuống xác lập một dáng ngồi tin tưởng.

Một ngỗng cái giơ cánh. Và không cần Hàm đồng ý, đứng vụt dậy, the thé làm duyên:

“Thưa nhà văn, lần trước ông có nói: xung năng tình dục là một động lực trong sáng tác?! Em thì thấy rằng, xung năng này nếu nó sung (mỉm cười khoái cảm vì cách chơi chữ của mình) thì cuộc sống thật là vui vẻ (cười ra tiếng, trong lớp bắt đầu những tiếng cười cố nén). Nhưng nhà văn có thể nói rõ hơn cho em, vì sao và cách nào? Việc giường chiếu lại là động lực của sáng tác?”

Lúc này thì cả lớp bắt đầu ồn ào, nổi lên tiếng cười và những lời bình luận. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu Hàm như tia chớp, “Mình cần phải làm lại những bài giảng, không thể đưa vào những vấn đề khiến đám ô hợp này rối loạn”. Nhưng cùng lúc, anh đã mỉm cười rất tươi, rất cởi mở, hòa chung không khí:

“Dĩ nhiên, khi chúng ta ở trên giường, tôi đề nghị chúng ta dừng sáng tác lại. Nhưng rõ ràng có một mối liên hệ giữa sức khỏe tình dục và độ khỏe trong sáng tác. Miễn là, các bạn cần chuyển từ giường sang bàn làm việc. Chăm chỉ lao động sẽ gặt hái được thành công!”

Ngỗng cái liếc mắt đưa tình, giọng the thé có pha thêm âm hưởng cồn cào nhung nhớ:

“Dạ, nhà văn nói rất đúng ạ. Chăm chỉ lao động, chăm chỉ lên giường, gặt hái thành công! Em rất mong lúc nào nhà văn chỉ giáo thêm cho em ạ.”

Cả lớp ồ lên, có thêm những bình luận tục tĩu, kiểu tục tĩu cũng rất nghệ sĩ, rất đặc trưng của thành phố này. Thành phố sản sinh ra cả một hệ từ lóng riêng và những từ tục tĩu chiếm số lượng áp đảo.

Hàm giữ nguyên vẻ mặt tươi vui, viên mãn dù trong anh đang trào ngược lên một thứ buồn nôn.

Thế hệ sau 3110

Thành phố lưu truyền rất nhiều câu chuyện tiếu lâm nghệ sĩ. Một câu chuyện khá nổi tiếng:

“Chàng và nàng gặp nhau trong môi trường nghệ thuật. Họ nhanh chóng lên giường với nhau. Sau lần đầu tiên, nàng hỏi: Anh thấy thế nào? Chàng đáp: Em rất chuyên nghiệp! Nàng: Dạ, anh quá khen, em thuộc thế hệ sau 3110.”

Những vị thánh tông đồ

Buổi khai mạc triển lãm nhóm của chúng tôi diễn ra thật thuận lợi. Có lẽ phải dùng từ trời cho vì khi tất cả vào giai đoạn cao trào thì trời bỗng đổ mưa to. Tiếng mưa rào rào trên mái tôn át cả tiếng nói gần tạo một âm hưởng đặc biệt như âm hưởng thường có trong những quán bia hơi. Nơi sự phấn khích được tạo nên bởi số đông tầm thường nhưng luôn hàm chứa những điều vĩ đại của lịch sử.

Gian nhà kho bẩn thỉu rộng mênh mông bỗng biến thành một lâu đài nghệ thuật. Ít ra đó là điều mà công chúng thấy. Gọi là công chúng nhưng thực ra, sau luật 3110, tất cả họ đã biến thành nghệ sĩ mọi loại hình, dĩ nhiên không hiếm họa sĩ. Và không chỉ công chúng, chính chúng tôi, những người không lạ gì căn nhà kho, nơi chúng tôi làm việc không khác gì công nhân những ngày qua, cũng cảm thấy nó đã lột xác, như con nhộng xấu xí lột xác thành con bướm lộng lẫy. Chỉ cách đây một ngày, những mảng tường cáu bẩn bụi và ngấm nước vẫn ngạo nghễ phô ra vẻ hoang tàn. Một trong số chúng tôi muốn biến nó thành màu trắng hoặc ít nhất là màu vàng - một cái màu khá trung tính phù hợp với việc làm nền, nhưng mọi phép thử đều vô hiệu. Muốn vậy, phải cạo tường và vôi ve sơn phết công phu trong vài ngày. Rồi bỗng tôi hét lên sảng khoái:

- Sao lại không cho nó đen sì đi hả?!

Vài tiếng rú lên tán thưởng. Sự việc chuyển hướng bất ngờ. Tất cả những cái lạ lùng nhất bao giờ cũng cuốn hút nghệ sĩ nhất. Ừ, sao lại không treo tranh lên một bức tường màu đen chứ?!

Màu đen rất dễ dùng và khi bôi lên tường, nó nhanh chóng lấn át tất cả, đồng hóa tất cả thành nó. Thằng họa sĩ trẻ nhất trong nhóm hào hứng nhất dù sau này những bức tranh toàn màu xanh các sắc độ của nó thực tế bị lút đi trên nền đen vô sắc tăm tối, nhưng đó là chuyện sau này. Về sau, khi nó tỏ ra buồn rầu, tôi đã phải nói, rằng đừng có cố nghĩ màu xanh thì nổi bật với màu vàng. Và những gì nịnh mắt cũng nên vứt đi dần dần.

Thực ra, công chúng luôn muốn được nịnh mắt. Còn tôi, thực ra tôi bịp thằng cu. Cũng hơi dở, vì tất cả tranh trong triển lãm đều không khung bo gì hết.

Tuy nhiên, nền đen tỏ ra phù hợp với trang phục sặc sỡ của đám đông hơn mọi màu khác. Và, khả năng hút tất cả ánh sáng vào mà không nhả ra lấy một giọt khiến cho không gian rộng ra “đến vô cùng” - theo cách nói của Hàm nhà văn. Và, sự khác lạ của nó đang góp phần đẩy sự phấn khích của công chúng lên cao. Máy ảnh chớp đèn lia lịa và có tới hai đài truyền hình đang hoạt động hết công suất. Đó là chưa kể tới bọn nhà báo dùng chữ, đang trà trộn trong đám đông ra sức ngắm nghía bình phẩm và ghi chép.

Cũng chỉ mới cách đây hai giờ đồng hồ, tôi còn cùng một thằng trong nhóm khệ nệ vác về đây những chiếc quạt công nghiệp mà chúng tôi mượn ở nhiều nơi hòng chia cắt cái oi bức đặc quánh của buổi chiều tháng Bảy đang cố thủ trong gian nhà kho nơi chúng tôi làm triển lãm. Sự thực thì những chiếc quạt cao hai mét này cũng chỉ phả gió đi được chừng năm mét rồi tắt lịm và chúng có tác dụng tâm lý nhiều hơn. Để mang chúng về, hai thằng chúng tôi - thằng quần cụt thằng cởi trần chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng - phải đi lên phố mấy lượt và giữa lúc đó, nếu một công chúng nghệ thuật nào nhìn thấy chúng tôi, họ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì thấy hình ảnh hai thằng phu tầm thường đang hì hục mang vác, loại lao động dưới phổ thông có thu nhập dưới năm mươi nghìn đồng một ngày đang ngoi ngóp trong dòng sông người của thành phố hỗn độn này.

Nếu có ai đó đã nhìn thấy chúng tôi lúc đó, giờ cũng không thể nhận ra vì trong không gian đầy những tranh và tượng, ánh đèn flash và máy quay phim cùng sự thăng hoa tập thể, chúng tôi đã trở thành những vị thánh tông đồ phục vụ cho một tay chúa nghệ thuật thần bí đang ngự trị trên nơi cao vời.

Có phải ánh hào quang ấy đã khiến nghệ sĩ làm việc - những công việc dị mọ, âm thầm rất ít người hiểu, thậm chí là không biết đến, để một ngày kia vụt dậy, sáng lòa? Đây là câu hỏi chính tôi không trả lời nổi. Tôi chỉ biết rằng nếu quả thật như vậy thì đó là chi phí quá đắt cho một món hàng rất ít công dụng.

Thủ đoạn của bọn sống bằng chữ nghĩa

Hiện giờ tôi hào hứng thực sự. Tôi như con bò tót say không khí của đấu trường không cần biết rằng mình sẽ chết.

Tác phẩm của tôi là một đống những mũi tên sắt rỉ được đặt trên cọc, phía dưới tòa ra ba chân vững chãi. Các mũi tên thẳng, cong lên, cong xuống, vòng tròn, dựng đứng chỉ thiên hoặc chỉ thẳng xuống đất, được sắp đặt thành nhóm tỏa ra nhiều hướng. Góc tường dành cho tôi dựng lên một tấm sắt, cũng rỉ thậm tệ, thủng lỗ chỗ và sần sùi. Theo gợi ý của Hàm nhà văn, tôi đề nghị bọn trong nhóm sử dụng những mũi tên của tôi làm vật đề tên tác phẩm của họ. Và thế là trong phòng triển lãm đầy những mũi tên chỉ ngang dọc. Thực tế, tác phẩm của tôi có mặt trong khắp gian phòng triển lãm có mặt tác phẩm của chín nghệ sĩ.

Giữa tiếng người như chợ vỡ, nổi lên tiếng bom nổ từ video art có những hình ảnh về chiến tranh và bạo lực sắc tộc, tôn giáo của một thằng người Pháp đẹp trai, cực kỳ dễ thương với cặp mắt to hàng mi cong và mớ tóc xoăn. Thằng cu đã quyết định trở thành cư dân thành phố và đây là triển lãm đầu tiên nó tham gia. Đó là nếu đứng ở phía ngoài phòng, vào trong, người ta lại thấy văng vẳng những đoạn nhạc vàng phát ra từ tác phẩm sắp đặt của một thằng em chuyên vẽ tĩnh vật rất nuột nà cổ điển. Tác phẩm gồm những chiếc loa treo lủng lẳng, mỗi loa trong một bao tải buộc dải lụa xanh. Thằng người dị hợm nó vẽ trên một tấm vải (phù hợp với việc làm rèm cửa nhiều hơn) đứng giữa một vòng dây thép gai, đang hò hét vào một cái loa nón có cần loa dài khủng khiếp. Bức tranh - nếu có thể gọi như thế được vẽ nhầy nhụa, phóng túng. Để làm tác phẩm này, nó phải đi kiếm hằng hà sa số những cái đầu ămply cũ rích và hàng đống loa cũng thuộc loại đồng nát. Nó làm tác phẩm khổ sở nhất, mấy ngày trèo leo giăng mắc trong căn nhà kho nóng chảy mỡ, đấu điện và dây loa cần mẫn không kém gì một người anh hùng xuất thân thợ điện lừng danh trong lịch sử cận đại của thành phố.

Giữa gian phòng triển lãm, sừng sững năm cái đầu Phật đặt trên bệ trắng tinh. Nói đúng, đó là bốn cái rưỡi vì trên một cái bệ chỉ là một nửa cái đầu bị cưa đôi. Đinh ghim văn phòng với những cái đuôi nhựa màu sặc sỡ cắm lởm chởm trên những đầu Phật và cái đầu cưa đôi thì đinh được đóng từ trong ra. Dãy đầu được sơn nhiều màu khác nhau lộng lẫy khác thường. Cái lộng lẫy của ô tô xe máy đồ xịn. Đống tượng phạm thượng này - như lời bình luận của một tờ báo sau này - của một thằng hiền như đất và không biết nói năng. Khi bị đẩy ra trước ống kính truyền hình nó run rẩy thở gấp nói không ra hơi khiến mấy con phóng viên truyền hình suýt phát cáu, nhưng chúng đã kìm lại và trên những gương mặt truyền thông chỉ còn sót lại vài nét khinh thường. Tuy nhiên, đó cũng là điều tốt vì nếu nó nói hết ra, đoạn phim cũng chẳng bao giờ được phát sóng.

Biết sao, trong giới nghệ sĩ tạo hình, kẻ biết nói năng cho rành rẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, kẻ biết viết thì như sao giữa ban ngày. Không hiếm đứa khoe không đọc sách như một thiên bẩm. Không thiếu những đứa không biết mình đang vẽ gì cho rằng “tác phẩm sẽ nói lên tất cả”. Tuy nhiên, vào thời này, nghệ sĩ tạo hình lại thích và cùng lúc, bị buộc phải diễn giải. Đây là một khó khăn, một thử thách, nhưng cũng là điều khiến chúng tôi cảm thấy oai hơn. Tác phẩm tự nói? Có thể. Nhưng tác phẩm có tự nói giá của nó không? Chúng tôi sẽ định giá và bán chúng. Chúng tôi sẽ đặt tên và diễn giải ý nghĩa của chúng. Tại sao không? Điều này khá là kích thích. Thay cho việc đặt tên “Bốn củ cà rốt và xác con thỏ chết”, tại sao lại không đặt tên “Cái chết và cám dỗ”, hoặc “Định mệnh”, hoặc “Giới hạn”?? Hàm nhà văn đã bảo cho tôi điều này, với một diễn đạt cực kỳ rắc rối, viện dẫn những đoạn dài dòng của những tác giả còn sống, chết và sắp chết. Tôi không nhớ được nhiều lắm, nhưng trò khôn vặt này đã khiến tôi mở mắt. Trước sự nhơn nhơn và nhạo báng của tôi, Hàm chỉ trầm ngâm rất bề trên. Bên ngoài thì tôi chửi bới nó hết lời, nhưng bên trong, tôi thực sự kinh hãi trước sức mạnh của ngôn từ và thủ đoạn của bọn sống bằng chữ nghĩa.

Chính vì việc không muốn hay không thể diễn giải, nghệ sĩ tạo hình luôn là một đám khó hiểu, thần bí trước đám đông. Thời trước, khi thành phố đang trong tình trạng chiến tranh, toàn dân vàng mắt ăn gạo sổ, mì sợi và bo bo, nghệ sĩ gần với thánh thần. Còn giờ đây, trong thời bình, khi tất cả cư dân thành phố biến thành nghệ sĩ, hình ảnh của chúng tôi - những nghệ sĩ đích thực - trượt dần, tiến thẳng đến chỗ ma quỷ. Nghĩa là vẫn xa cách, biệt lập, nhưng ảo hình có vẻ đi dần đến chỗ đen tối.

Có thể chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi, những thằng họa sĩ, những thằng làm trình diễn và sắp đặt, vẽ trên da người, làm video, nghệ thuật ánh sáng, vân vân và mây mây luôn tạo ra dáng vẻ kỳ quái, bẩn bựa. Hoặc, trong cái đầu hay trong cơ thể thậm chí trong bìu dái chúng tôi đã có sẵn những thứ đó?! Chúng tôi không giống bọn kiếm ăn bằng chữ nghĩa luôn đạo mạo giả dối, cũng không giống bọn ca nhạc lòe loẹt đàng điếm, không giống bọn nào hết.

Khi bắt đầu thực hiện luật 3110, mọi công dân thành phố phải đi đăng ký loại hình nghệ thuật mà họ sẽ làm. Lúc đó, có đến phân nửa đăng ký trở thành nghệ sĩ tạo hình. Chẳng phải vẽ là hoạt động tự nhiên nhất của con người ngay từ khi là một đứa trẻ đó sao? Một đứa trẻ không thể làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc từ lúc ỉa đùn đái dầm, nhưng vẽ thì chắc chắn là có - dù đó chỉ là những mảng màu be bét hoặc những nét lộn xộn. Khi tôi chia sẻ điều này với Hàm nhà văn, hắn lạnh lùng “một đứa trẻ con bé tí đã biết diễn kịch, chúng bắt đầu với việc chơi đồ hàng và thậm chí còn biết tự mình đóng hai vai và đối thoại như đúng rồi. Vậy tại sao cư dân của thành phố chó chết này không đổ xô đi đăng ký làm diễn viên?” Quả thật, người đăng ký làm diễn viên không nhiều như đăng ký làm họa sĩ và nhà thơ. Tôi cứng họng. Hay là thân phận của thằng nghệ sĩ tạo hình có điểm hấp dẫn đám đông?

Triển lãm này, chúng tôi nhờ Hàm viết giới thiệu. Không hiểu sao, hắn viết những điều mà chúng tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi luôn chế nhạo những điều hắn viết, lúc chỉ có hai thằng với nhau. Hắn chỉ tủm tỉm rồi nhanh chóng trở lại vẻ lạnh lùng cao đạo.