Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Trăm năm bến cũ, người tình già ơi!

Lưu Trọng Văn

Mùa đông 2005 gã rủ nhạc sĩ Phạm Duy đi coi Lễ hội Hoa Đà Lạt, ông hứng lắm. Khi đến Blao, nghỉ trưa, ông leo lên bàn gỗ ở ngôi nhà cổ, vắt chân nằm. Không rõ ông có chợp mắt tẹo nào không nhưng gã thấy bàn chân của ông rung rung.

Gã lò dò đến, ông cười:

- Lâu lắm rồi tôi mới được nằm trên bàn gỗ cậu ạ. Cái lưng sướng quá, đếch ngủ được. Cứ mở mắt nhìn trần nhà, cột kèo gỗ, thấy tia nắng xuyên qua khe ngói vỡ. 30 năm phiêu dạt xứ người, tôi cứ ngỡ mình vừa mơ. Tôi bấu bẹn tôi, cậu ạ, thấy đau. Hoá ra thật.

Tôi kể cậu nghe chuyện này chưa nhỉ? Nếu kể rồi thì tôi cứ kể lại. Vừa rồi tôi đi miền Tây, qua bắc sông Hậu, một con bé bán vé số cho tôi cái cặp tóc. Tôi muốn khóc cậu ạ, khi nhìn thấy cái kẹp tóc ba lá chỉ ở Việt Nam mình đám con gái, đàn bà mới kẹp. Cái kẹp tóc loé sáng khi các cô các bà đi dưới nắng. Một cánh chim giời làm ổ trên mớ tóc đen. Tôi làm ngay bài hát "Cái kẹp tóc" có câu:

"Sau nhiều tang thương dâu bể

Qua bao vật đổi sao dời

Quê hương mình vẫn là nơi

Để tìm về lẽ sống mà thôi.

Mình tìm ra chính mình thôi".

Câu chuyện trên đã hơn 16 năm rồi.

Đêm qua, trong ngôi nhà gỗ giữa cánh đồng Nà Ủn, bản Lướt, chả biết duyên cớ gì gã nằm mơ thấy Phạm Duy. Ông đi với gã trên một con đường mòn. Ông trỏ tay bên phải rồi nói: bà vợ tôi về nhà rồi, tôi với cậu kiếm chỗ ngồi chơi đi. Gã dẫn ông vào ngôi chùa bên trái, tìm chỗ trống trên sân chùa. Chỗ nào cũng có các bà nhà quê đội khăn tổ quạ ngồi. Gã thấy một chỗ trống, kéo ông lại. Trên chỗ trống ấy có một đôi guốc mộc. Ông đập vai gã chỉ đôi guốc mộc, thế là tỉnh mắt. Chỉ có tiếng gió từ rặng núi Đại Bàng ào trên mái gỗ pơ mu và ngoài song cửa giăng đã về già nằm teo tóp co ro như đứa trẻ.

Sáng nay lên mạng, đọc facebook của nhà thơ Hoàng Hưng. Hoàng Hưng nhắc Phạm Duy đúng hôm nay ngày 5.10 tròn 100 tuổi. Gã giật thốt, đêm qua ông về...

Trong bài tưởng nhớ Phạm Duy, Hoàng Hưng viết:

"Cuối đời, nhạc sĩ về Việt Nam nhiều lần do cảm hứng “dụ khị” từ một bài thơ của Lưu Trọng Văn. Từ đó ông có nhiều ca khúc phổ thơ của các nhà thơ trong nước, tập hợp thành album Hương ca."

Rồi Hoàng Hưng ghi lại tâm sự của Phạm Duy ở album Hương ca ấy:

“Hương ca khởi sự bởi một bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Văn, con trai của người bạn cũ mà tôi rất yêu quý là Lưu Trọng Lư, đăng trên báo Tuổi trẻ ở Saigon vào năm 1994, với nhan đề "Về thôi" đề tặng: người tình già.

Về thôi!

Người tình già ơi!

Thôn nữ Chị đã qua cầu, thóc lép

Thôn nữ Em, trăng đầy, tuột khỏi chồi tay

Thôn nữ Út lơ đễnh lên đòng, nào biết

Khúc tình xưa, xưa ấy, xưa rồi...

. . . . . . .

Về thôi!

Làm gì có trăm năm mà đợi

Là gì có kiếp sau mà chờ

Đất Mẹ - Đất Nàng

Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng

Lót ổ

Mười chín năm bến cũ

Người tình già ơi! Nhớ không?

(14/X/94)

Mùa Thu năm 1994, khi bài thơ này được thi sĩ gửi từ Saigon tới Thị Trấn Giữa Đàng cho tôi, thì nó gợi trong tôi một câu ca dao cũ:

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa...

Câu ca dao này đã từng là kỷ niệm cho nhiều cuộc tình xa xưa của tôi trên những con đò trên dòng Hương. Kể từ ngày xuất ngoại, xấp xỉ 30 năm rồi, tôi xa quê hương, xa Huế... Rất nhiều khi tôi có ý nghĩ trở về thăm quê cũ, trở về Huế, Saigon và Hà Nội... nhưng tôi cứ băn khoăn, ngại ngùng, lưỡng lự... Giờ đây Lưu Trọng Văn dùng những câu thơ:

Làm gì có trăm năm mà đợi

Làm gì có kiếp sau mà chờ...

...đi kèm với những câu:

Con chuồn chuồn không lùng nhùng trong mạng nhện

Con bướm vàng nằm xoài dưới chân ai...

...để gọi một người trong nòi tình thì – dù tôi không còn cái thú soạn ca khúc nữa – tôi đã muốn phổ nhạc nó ngay.

Bài thơ của Lưu Trọng Văn còn nhắc tôi rằng: đã nhiều năm rồi tôi cứ ngồi khoanh tay chờ đợi một cái gì đó, giống như nhân vật trong một vở kịch nổi danh của Samuel Beckett En attendant Godot! Hơn nữa, theo tinh thần của câu ca dao kể trên, tôi còn thấy nếu cứ ngồi chờ đợi một con đò xa xưa thì, sau ba thế hệ làm nghề đưa đò, chắc chắn o đò nào cũng đã đi mô mất rồi!

Thế là tôi không ngần ngại gì nữa, vào đầu năm 2000, tôi đáp máy bay về Việt Nam, có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu...

Và sau dăm bẩy lần về thăm quê hương, tôi quyết định sáng tác một serie mười ca khúc mới, gọi là Mười Bài Hương Ca.”

Gã phải nói lại một lần nữa cho rõ rằng, sự thật chẳng hề do lời gọi "về thôi"của gã mà Phạm Duy trở về đâu. Với tác giả "Tình ca" thực chất là "Tình Tổ quốc ca" với tuyên ngôn: "Tôi yêu tiếng nước tôi, nước ơi!" thì, sự trở về của ông là tất yếu, là đương nhiên.

"Quê hương mình vẫn là nơi

Để tìm về lẽ sống mà thôi.

Mình tìm ra chính mình thôi".

Với Phạm Duy, có bao giờ ông không là chính mình đâu.

Không có mô tả.

Không có mô tả.

Không có mô tả.