Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Thư Chủ bút tạp chí Triết học & Tư tưởng, số 6, tháng 10, 2021

Dương Ngọc Dũng

1635185538367blob

Rất vui mừng được tái ngộ cùng quý vị độc giả của Tạp chí Triết học và Tư tưởng (TCT). Trong số 6 xuất bản tháng 10 này, (tapchitriet.com) chúng tôi có vinh dự giới thiệu những bài viết mới sau đây.

Mở đầu là bài Hành trình vào triết học: Sự quyến rũ của khái niệm “ị…ngoài bô” của tác giả Nguyễn Hoài Vân. Thật quá sốc khi đọc ngay câu đầu tiên: “Một ông thầy tâm lý trị liệu của tôi tuyên bố, giữa bữa ăn: có hai loại người, loại thứ nhất lúc bé tí luôn sợ ị không đúng chỗ và không đúng lúc, loại thứ hai, lúc bé chuyên làm việc ấy.” Có lẽ đây là bài đầu tiên về triết lý của “cái khoái lạc thứ tư” của nhân loại. Đặc biệt là khái niệm “ị ngoài bô” được tác giả diễn giải một cách vô cùng thú vị và sinh động. Sau những truyện kể có tính cách hoài niệm cá nhân, tác giả đột ngột kết thúc bằng một giai thoại Thiền. Không biết có phải ý tác giả muốn nói “ị ngoài bô” chính là “Tao không lễ thằng nào cả!”. Xin mời độc giả tự phán xét.

Bài thứ hai là Sơ thảo tư tưởng Ken Wilber của tác giả Dương Ngọc Dũng, người đã dịch trọn vẹn tác phẩm A Brief History of Everything của Ken Wilber và đang chờ được xuất bản. Tác giả đã chọn những phiến đoạn hay nhất trong cuốn sách của Ken Wilber để đưa vào bài viết này. Rất mong một ngày không xa độc giả sẽ có cơ hội đọc trọn vẹn toàn bộ bản dịch để có một cái nhìn đầy đủ hơn về Ken Wilber, người đã tổng hợp truyền thống triết học duy tâm Đức (Schelling và Hegel) vào thần nghiệm phương Đông và khoa tâm lý học siêu cá nhân (transpersonal psychology) của phương Tây một cách hài hòa và tinh tế.

Bài thứ ba của tác giả Trần Văn Đoàn, Giáo dục Việt Nam - Cách mạng hay cải cách? dựa trên kinh nghiệm đúc kết từ thực tế suy tư và giảng dạy tại Đài Loan của tác giả, vô cùng bổ ích cho những người có quan tâm đến tiền đồ giáo dục Việt Nam. Vừa là một bài nghiên cứu có giá trị học thuật, bài viết còn chứa chất những ưu tư đau đớn về những mặt tối của nền giáo dục Việt, sau bao năm vẫn dậm chân tại chỗ với những cuộc cải cách sơ cứu ngoài da, chắp vá, không đi vào căn cơ nền tảng là một nền triết lý giáo dục toàn diện. GS. Kim Định trước 1975 đã viết một tác phẩm Triết lý giáo dục, được xây dựng trên tinh thần Việt Nho, tuy mỏng nhưng cũng mang chở cùng một tâm trạng của tác giả họ Trần ngày nay. Quan điểm của Trần Văn Đoàn thẳng thắn và quyết liệt: “Thay vì chỉ trình bày cải cách giáo dục Đài Loan, tôi tập trung vào vấn nạn chính của giáo dục: không có mục đích, thiếu mục đích, sai mục đích, lạc hướng mục đích giáo dục. Tôi nhấn mạnh đến việc cách mạng thực sự phải bắt đầu với sự tìm ra mục đích chính, và tùy theo mục đích là sự cập nhật phương thế, phương pháp, phương tiện, công cụ, v.v. Lối nhìn của tôi đi ngược lại với những gì Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đương theo đuổi (2013), đó là một loại cải lương, chưa phải cải cách, đừng nói đến cách mạng. Cải lương là làm tốt hơn như thay đổi phương thế, phong phú thêm giáo khoa, nâng cấp kỹ thuật, dùng phương tiện, công cụ hiệu quả hơn… điều mà quan chức Bộ cho là ‘đổi mới’.”

Bài kế tiếp của tác giả Nguyễn Quang Hưng, “Kitô giáo và địa chính trị mới ở Đông Á”. Như chính tác giả tóm tắt: “Bài viết làm rõ vai trò của Kitô giáo đối với thiết lập trật tự thế giới mới liên quan tới Việt Nam có một vài so sánh với bán đảo Triều Tiên, trên hai khía cạnh: 1/ Góp phần chấm dứt chế độ quân chủ Khổng giáo, là một tác nhân trong việc kiến tạo nhà nước nửa thế tục và thế tục giai đoạn thuộc địa và hậu thuộc địa; 2/ Góp phần hình thành tầng lớp trí thức mới và tầng lớp tinh tú (elite) trong xã hội Việt Nam từ thời thuộc địa đến nay.” Là một trí thức được đào tạo tại miền Bắc, tác giả gây ngạc nhiên cho người đọc (cụ thể là tôi) khi trình bày một cái nhìn hết sức tích cực đối với vai trò của Công Giáo (mà tác giả gọi là Ki Tô Giáo) trong diễn trình lịch sử Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Những trí thức Phật tử sẽ có một cái nhìn ngược lại. Đáng tiếc là tác giả quên mất yếu tố “địa chính trị” như đã hứa hẹn trong tựa đề của bài viết. Hầu như tôi không thấy tác giả nói gì về yếu tố này trong khu vực Đông Á. Rất mong được tác giả minh định rõ hơn trong bài viết số tới!

Bài viết kế tiếp của tác giả Nguyễn Nam lại đưa người đọc vào một thế giới khác hẳn. Hãy để chính tác giả nói về nội dung chính của bài viết “Thiên hạ vi công”: “Bài viết tập trung khảo sát một tập hợp văn bản về luận thuyết luân lý mới, chủ yếu dựa trên giá các trị đạo đức Nho giáo đã được điều chỉnh nhằm đáp ứng hiệu quả hơn với những chuyển biến chính trị, xã hội, văn hóa đặc thù của Đông Á trong tiếp xúc với phương Tây. Phát khởi từ Nhật Bản và được định danh là rinrigaku 倫理學 (luân lý học), luận thuyết này được lưu truyền sang Trung Quốc rồi đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Dựa trên tiếp cận so sánh và liên ngành, bài viết xem xét lại sự chuyển hoán văn hóa (transculturation) của luận thuyết luân lý qua trường hợp sách Tân đính luân lý giáo khoa thư 新訂倫理教科書 do Đông Kinh Nghĩa Thục xuất bản năm 1907. Nghiên cứu trường hợp này là cơ sở để hiểu rõ hơn sự phát triển của tư tưởng luân lý ở Việt Nam trong những thập niên 1920 và 1930 tiếp theo sau đó.” (Chúng tôi nhấn mạnh, DND). Có lẽ tại Việt Nam không ai đủ điều kiện hơn về mặt học thuật như Nguyễn Nam để trình bày vấn đề này, một vấn đề đòi hỏi năng lực ngữ văn Đông Á và góc độ tiếp cận từ phương pháp luận Tây phương. Tác giả đã so sánh sách Tân đính (Việt Nam) với Luân lý giáo khoa phạm bản (Trung Quốc), và Chūgaku rinrishō (Nhật Bản) một cách cẩn trọng từ kết cấu đến nội dung. Nghiên cứu về Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây (1975) tại miền Nam chỉ thu gom vào một cuốn khảo luận cùng tên của cố học giả Nguyễn Hiến Lê (không thấy tác giả Nguyễn Nam ghi nhận) và công trình Đông Kinh Nghĩa Thục và Phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX của Chương Thâu, một học giả miền Bắc [có trong thư mục tham khảo). Nhưng cả hai học giả, Nguyễn Hiến Lê và Chương Thâu, đều nghiên cứu phong trào này từ góc độ lịch sử là chính, chỉ nói sơ qua về phần tư tưởng. Bài viết của Nguyễn Nam trái ngược hẳn với bài của Nguyễn Hoài Vân. Trong khi bài của Nguyễn Hoài Vân mang tính bông đùa, nghịch ngợm, thiếu sự bổ sung của các công trình học thuật (có lẽ tác giả vẫn đang…ị ngoài bô khi viết bài) thì bài viết của Nguyễn Nam quá nặng chất học thuật, khảo cứu, khiến người đọc bị chìm trong rất nhiều chi tiết, rất quý giá về phương diện khảo tả văn bản, nhưng lại mất đi tầm nhìn về bức tranh tổng thể nên cuối cùng chúng ta vẫn chỉ nhìn thấy, một cách thấp thoáng, cái gọi là “tư tưởng luân lý của Việt Nam vào những thập niên 20 và 30.”

Bài viết kế tiếp cũng đến từ tác giả Nguyễn Hoài Vân. Vẫn phong cách tài tử trong viết lách, tác giả cung cấp cho chúng ta một trình bày ngắn gọn về quan điểm mỹ học của Hegel. Tôi ước gì được nhìn thấy nhiều chú thích học thuật hơn trong bài viết của tác giả đối với một triết gia đã có quá nhiều người nghiên cứu như Hegel. Trước đây tại miền bắc học giả Phan Ngọc là người đầu tiên dịch tác phẩm Mỹ học của Hegel từ tiếng Nga và công bố việc lý giải của mình (đã bị Phạm Thị Hoài phê bình tan nát!) còn trong miền Nam thì hình như chẳng ai đủ can đảm và đủ sức động chạm đến tác phẩm khổng lồ này, do vậy bài viết của Nguyễn Hoài Vân, mặc dù chưa đáp ứng hết kỳ vọng của TCT, vẫn là một nỗ lực đáng ca ngợi để giới thiệu triết lý mỹ học của Hegel đến với bạn đọc Việt Nam.

Bài viết kế tiếp, Giới thiệu sơ lược về tư tưởng Lý Đông A, của tác giả Tạ Dzu, nối tiếp công trình của Phạm Đăng Hàm trong một phiên bản trình bày ngắn gọn hơn. Tạ Dzu nhấn mạnh mối quan hệ giữa tư tưởng Lý Đông A và các học thuyết phương Tây hiện đại: “Lý thuyết Hệ thống (Systems Theory), Phân tích Hệ thống (Systems Analysis) và Cơ cấu luận (Structuralism and Functionalism) là những khám phá của khoa học hiện đại, phù hợp với Học thuyết Bản Vị của Lý tiên sinh.” Có lẽ trọng tâm của tư tưởng này nằm ở nhận định sau đây của Tạ Dzu: “Ngày nay, ai cũng nhận ra rằng nhân loại là một, dân tộc là nhiều. Hiểu cách khác thì nhân (loại) là gốc của dân (tộc). Cả nhân và dân đều dựa vào tự nhiên, cải biến nhiên mà sống nên ‘ba tầng’ nhiên, nhân, dân có liên hệ mật thiết với nhau, không thể vì tư kỷ khai thác thiên nhiên quá mức gây nguy hại cho môi trường sống chung của loài người; hoặc chỉ biết mình, dân mình mà xây hết đập này đến đập khác dẫn đến hạ nguồn bị cạn nước. Cho nên hiến pháp mỗi quốc gia phải nêu bật được cương thường (nguyên lý sống, không phải tam cương ngũ thường) của cả nhân loại, không chỉ là giao kèo giữa nhà nước với nhân dân. Nếu không thấy được sự nhất quán giữa duy nhiên, duy nhân và duy dân (gọi tắt là nhiên, nhân, dân) thì không đưa dân về được với nhân, dân hoà vào nhân khiến dân luôn tranh chấp, khó kiến tạo được một cộng đồng nhân loại vui sống bên nhau trong một môi trường lành mạnh.” Không khó để nhận ra những khát vọng duy tân chính trị trong bài viết của tác giả. Cũng là cơ hội để chúng ta suy tư lại những học thuyết của tiền nhân, vốn vô cùng hiếm hoi trong lịch sử tư tưởng Việt: Lý Đông A, Nguyễn Mạnh Côn, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn An Ninh, Trần Đức Thảo…

Bài kế tiếp của tác giả Nguyễn Xuân Xanh động chạm đến một chủ đề quan trọng, Khoa học và tôn giáo. Sự kình chống giữa hai hệ diễn ngôn này ngày nay được thể hiện rất rõ trong nhóm vô thần mới tại Anh, Mỹ, bao gồm Richard Dawkins, Sam Harris, Christopher Hitchens. Tác giả đã chỉ ra một cách chính xác rằng “Sau Galilei và Darwin, chúng ta hay nghĩ khoa học và tôn giáo là những phạm trù xung đột nhau. Nhưng trong thế kỷ 17, thế kỷ của cách mạng khoa học, tình hình khác hẳn. Trừ một số ít, đại đa số các nhà khoa học hàng đầu, đặc biệt những nhà khoa học ở Anh, nhìn thấy một sự hài hòa giữa khoa học và tôn giáo. Châu Âu vốn là thế giới của Kitô giáo, của những con người rất mộ đạo. Họ mộ đạo, và tò mò, yêu thích khám phá khoa học cùng một lúc. Họ xem khám phá khoa học là khám phá tác phẩm của Chúa và để vinh danh Chúa.” Có lẽ đây là bài viết công phu nhất về chủ đề này bằng Việt ngữ cho đến nay. Chúng ta vẫn thường gặp những người tự xưng là vô thần (theo họ “vô thần” tức là “tiến bộ,” “khoa học,”) và có những luận điệu chống đối, xuyên tạc tôn giáo hết sức thiển cận và chúng ta cũng thường gặp những người bênh vực tôn giáo của họ một cách cực đoan. Bài viết của Nguyễn Xuân Xanh phần nào sẽ góp vào việc xóa tan những ngộ nhận xoay quanh việc chọn lựa một lập trường nào đó trong sự đối lập này.

Bài viết kế tiếp của tác giả Tôn Thất Thông, Thời đại Khai Sáng, vốn không phải là một chuyên luận về triết học Khai Minh thế kỷ 18 tại Châu Âu. Mục tiêu giáo dục chính trị của tác giả có thể thấy rõ trong câu sau đây: “Đấy là những giá trị tinh thần vô cùng cần thiết cho thanh niên và trí thức trong mọi quốc gia, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Khi thanh niên trí thức thờ ơ vô cảm với các diễn biến xảy ra hàng ngày, khi họ không cảm thấy hân hoan với những thành quả mà xã hội đang hưởng, khi họ không đau lòng vì những bất cập lâu ngày không xóa bỏ được, khi họ sợ hãi không dám lên tiếng binh vực lẽ phải, khi ấy quốc gia đã mất năng lực tự điều chỉnh vốn dĩ rất cần thiết để không ngừng cải cách đưa xã hội đến tiến bộ hùng cường. Trong trường hợp đó, khi một sai lầm lớn xảy ra hoặc khi bị tấn công từ bên ngoài, thì quốc gia sẽ suy tàn. (Có guồng máy chính trị nào mà không một lần sai lầm? Và có lân bang nào không uy hiếp chúng ta khi họ có điều kiện?)” Đọc hết bài viết của tác giả tôi có cảm giác nên đổi tựa đề “Thời đại Khai Sáng” thành “Có một thời đại Khai Sáng cho tương lai Việt Nam?” thì có lẽ phù hợp hơn với nội dung được trình bày.

Bài kế tiếp của tác giả mới mà không mới, Lê Vĩnh Trương: Các học phái quản trị xã hội Trung Quốc cổ đại. Mới là vì lần đầu tiên cộng tác với TCT nhưng không mới với nhiều độc giả trong nước về những công trình viết về Trung Quốc có chất lượng thông tin và phê phán cao. Phần đầu viết về các triết gia thời Tiên Tần không có đóng góp thực sự mới lạ, nhưng phần sau đặc biệt có giá trị khi tác giả phân tích tư tưởng lý luận chính trị đương đại tại Trung Quốc, đặc biệt là nhân vật Vương Hỗ Ninh, một loại “Khổng Minh” thời nay của Tập Cận Bình. Vương Hỗ Ninh với tư cách là nhà lý luận chính trị nổi tiếng nhất hiện nay tại Trung Quốc chuyên sâu nghiên cứu các học thuyết pháp quyền từ Thomas Hobbes, John Locke, Montesquieu đến Jean Binin, Jacques Maritain để lập nên học thuyết Tân uy quyền (新威權主義, Neo-authotatianism). Tại Việt Nam chưa hề có một công trình nghiêm túc nào viết về học thuyết của Vương Hỗ Ninh nên bài viết này là một đóng góp quan trọng cho việc tìm hiểu tư tưởng chính trị Trung Quốc đương đại.

Bài kế tiếp của tác giả Nguyễn Hữu Liêm Tiền bạc, công nghệ điện toán và Ý chí Tự do, trích ra từ tác phẩm trong Phác thảo một Triết học về Lịch sử Thế giới (phần III, chương 42-46), một công trình triết học đồ sộ mà tôi đã bình điểm cách đây không lâu (2020). Thú thật tôi vô cùng cáu tiết với một văn phong ngập tràn lối viết hoa theo kiểu tiếng Đức của tác giả, cộng thêm rất nhiều từ Hán Việt hết sức cồng kềnh và nặng nề. Có lẽ tác giả muốn noi gương Hegel: “Một triết gia vĩ đại phải tra tấn hành hạ những người muốn hiểu ông ta.” Chưa biết Nguyễn Hữu Liêm trong tương lai có phải là Hegel của Việt Nam hay không nhưng chắc chắn những ai đọc sách của ông đều phải chấp nhận “bị tra tấn hành hạ.” Đây là câu dễ hiểu nhất trong bài:

472 – Từ đó – nói theo ngôn từ Thiên Chúa giáo – hiện kim là hóa thân Huyền nhiệm từ Chúa Trời hiện vào cõi ta như là kẻ khác – the Other – nhằm chuyển hóa Ý chí Tự do cho Ngã thể. Kẻ nào tin Ta – đồng Tiền – thay vì tin vào Ta – chúa Jesus – thì sẽ có sự Sống và sẽ tìm ra con Đường đến sự Thật. Tiền bạc có sức mạnh tác năng như phép thuật Huyền bí, còn hiệu năng hơn Huyền thoại, vì nó là Máu huyết của Ta vốn chứa đầy sức mạnh Thánh linh Mầu nhiệm. Nó có thể chuyển hóa ý chí, thay đổi nhân cách, phá hủy đạo lý, gây họa chiến tranh, lật đổ đế chế, hủy thể xã hội, triệt tiêu nhân cách, có thể biến đổi từ số Không của cõi Chết thành ra sự Sống ở cõi Thiên đàng.”

Nói theo danh từ của giới trẻ Việt Nam hiện nay, “Hiểu chết liền!” Hình như Nguyễn Hữu Liêm “từ trong Máu Huyết của Hữu Thể” cũng nỗ lực “bằng Ý Chí của Ngã Thể” tìm cách “Vô Thể Hóa những Tác Nhân nỗ lực chuyển hóa những Ngộ Giải của mình thành Kiến Giải.”

Rất mong người đọc được “tra tấn trong Khoái Lạc” khi đọc những bài viết trong số này.

Dương Ngọc Dũng

Chủ bút Tạp Chí Triết. (tapchitriet.com)

Giám đốc chương trình triết học Đại học Hoa Sen (HSU), HCM City.