Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 74)

Hoàng Hưng

741. Idiot savant: Nhà thông thái ngốc nghếch

Một người thiểu năng về trí tuệ nhưng có thể thể hiện trình độ cao trong một lĩnh vực hạn hẹp nào đó về vận hành trí tuệ, như nhớ được khối thông tin lớn, trình diễn âm nhạc hay nghệ thuật, tính toán ngày tháng trong quá khứ hay tương lai.

742. Ill-defined problem: Vấn đề khó xác định

(trong nghiên cứu về giải quyết vấn đề) Bất kì vấn đề nào trong đó chỗ khởi sự vấn đề, các thao tác được phép, và tình trạng của mục tiêu không được chuyên biệt hoá rõ ràng, hoặc không thấy được sự tồn tại một giải pháp duy nhất. Một ví dụ tiêu biểu là vấn đề dân số quá đông. Cũng gọi là ill-structured problem (vấn đề được cấu trúc tồi).

743. Illness anxiety disorder: Rối loạn lo bệnh tật

Thuật ngữ chỉ rối loạn có đặc trưng là mối bận tâm rõ rệt quá mức, kéo dài trong ít nhất 6 tháng, về khả năng có hay mắc một bệnh nặng, với những triệu chứng nhẹ hay tối thiểu về cơ thể (phân biệt với somatic symtom disorder: rối loạn triệu chứng cơ thể), lo âu thái quá về sức khoẻ, và những hoạt động cực đoan về sức khoẻ như thường xuyên kiểm tra các triệu chứng hoặc ngược lại, sợ sệt tránh trớ khám sức khoẻ y tế.

744. Illusion: Giả giác/ Ảo tưởng

Theo định nghĩa hẹp, là giác tri (tri giác) sai (giả giác) hay quan niệm sai (ảo tưởng) về một vật, một hình ảnh, sự kiện, trải nghiệm hay vấn đề kích thích, hay để chỉ một kích thích sinh ra một tri giác sai hay một quan niệm sai; nói tổng quát, là bất kì kích thích nào làm sai lạc, lừa dối hay rối rắm tâm trí, hay là trải nghiệm do kích thích ấy sinh ra. Các giả giác có thể xuất hiện thông qua bất kì phương thức cảm quan nào, nhưng nổi bật nhất là các giả thính giác, giả xúc giác và trên hết là giả thị giác. Các ảo tưởng (về quan niệm) gọi là cognitive illusions (ảo tưởng về nhận thức). Các ảo tưởng về nhận diện và kí ức như hội chứng Capgras, déjà vu, và những chứng loạn trí nhớ (paramnesia) khác cũng thường được gọi là illusions nhưng bị tránh dùng trong các văn bản cẩn trọng.

745. Illusion of control: Ảo tưởng kiểm soát

Niềm tin rằng mình có sự kiểm soát các sự kiện thực ra là do cơ may quyết định. Chẳng hạn, chọn một con số “hên” (may mắn) khi mua xổ số hay cố gắng gieo xúc sắc theo cách nào đó khi chơi bài bạc. Nhà Tâm lý học người Anh Susan J. Blackmore (1951-) và một đồng nghiệp vào năm 1985 đã cung cấp bằng chứng cho thấy điều này xảy ra đặc biệt ở những người quá tin vào giác tri (tri giác) ngoại cảm. Khái niệm ảo tưởng kiểm soát được đưa vào và đặt tên vào năm 1975 trong một bài viết của nhà Tâm lý học Mĩ Ellen J. Langer (1947-) trên Journal of Personality and Social Psychology (Tập san Nhân cách và Tâm lý học Xã hội), bà cũng là người đầu tiên nghiên cứu hiện tượng này trong thực nghiệm. Nghiên cứu của Langer và những người khác gợi ý rằng nó xảy ra thường nhất trong những tình huống tương tự những công việc đòi hỏi kĩ năng, có vẻ quen thuộc, cho phép sự tự do lựa chọn, liên quan đến việc cạnh tranh với người có vẻ không có năng lực, bao gồm việc biết trước kết quả mong muốn và nhấn mạnh tầm quan trọng của thành công. Cũng có bằng chứng cho thấy tâm trạng đau buồn trầm cảm sẽ làm giảm ảo tưởng kiểm soát.

746. Illusory correlation: Giả tương liên

Một sự tương liên biểu kiến nhưng không thực sự tồn tại trong dữ kiện được thẩm định. Trong chứng minh kinh điển về ảo tưởng vào năm 1957, các nhà Tâm lý học người Mĩ Loren James Chapman (1927-) và Jean Chapman (1929-) đã trình bày với các thầy thuốc có kinh nghiệm và sinh viên thông tin về một số người mắc tâm bệnh – mỗi người bệnh có các lời chẩn đoán bệnh và một bức hoạ do người bệnh vẽ một nhân vật. Sau đó các thầy thuốc và sinh viên ước lượng theo trí nhớ tần suất liên kết của những chẩn đoán (chẳng hạn: Người vẽ bức hoạ này nghi ngờ người khác) với các đặc trưng cụ thể của bức hoạ (chẳng hạn: những con mắt kì dị trong bức hoạ). Cả hai nhóm thẩm định đều đánh giá quá mức những sự trùng hợp khớp với các lí thuyết về nhân cách tiềm ẩn trong họ, và ảo tưởng này cực kì khó thay đổi, kể cả khi không hề có sự tương liên thật sự. Chẳng hạn, 91% số thầy thuốc có kinh nghiệm và 58% số sinh viên báo cáo rằng những con mắt kì dị liên kết với sự nghi ngờ, 80% thầy thuốc và 76% sinh viên báo cáo rằng những bờ vai rộng liên kết với sự lo lắng về nam tính. Các ảo tưởng giúp chống đỡ sự mê tín và định kiến, và thường được giải thích bằng sự suy đoán cảm tính sẵn có (available heuristic), sự trùng hợp có vẻ dễ xảy ra thì dễ nhớ hơn những sự trùng hợp khó xảy ra.

747. Imagery: (sự) Tượng hình

Hành động hay diễn trình hình thành các hình ảnh tâm trí mà không có sự kích thích các giác quan, hay các hình ảnh tâm trí được hình thành bởi kí ức và tưởng tượng, bao gồm không chỉ hình ảnh thị giác mà cả các hình ảnh từ những giác quan khác như thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Nhà Tâm lý học người Đức Wilhem Max Wundt (1832-1920) tin rằng các hình ảnh là một trong ba yếu tố căn bản của ý thức, cùng với các giác cảm (cảm giác - sensation) và cảm nhận (cảm thức - feeling).

748. Imago: Hình ảnh lí tưởng

(trong phân tâm học) Một hình ảnh lí tưởng của một người khác, như cha mẹ, hay một đối tượng bản năng, thu nhận được trong thời thơ ấu và được duy trì trong vô thức về sau. Khái niệm được đưa vào năm 1911 bởi Carl Gustav Jung (1875-1961), ông tin rằng một số imago phái sinh từ các cổ mẫu hơn là từ trải nghiệm cá nhân, và niềm tin này trở thành một khái niệm then chốt của môn Tâm lý học Phân tích của ông. Trong các bài viết của nhà Tâm lý học người Áo gốc Anh Melanic Klein (1882-1960), đó là bức tranh bị bóp méo một cách kì diệu của một vật thật.

749. Implicit association test: (sự) Đo nghiệm liên tưởng tiềm ẩn

Sự đo nghiệm các thái độ tiềm ẩn bằng cách liên kết đối tượng của thái độ với những từ dễ chịu hay khó chịu. Chẳng hạn, để đo định kiến tiềm ẩn đối với người da đen, người trả lời có thể được cho thấy những hình ảnh người da đen và người da trắng, xen với những từ dễ chịu (như sung sướng, bình an…) và khó chịu (như xấu xí…). Người trả lời được yêu cầu phản ứng nhanh hết mức có thể, khi một hình ảnh người da đen được cặp với một từ khó chịu và khi một hình ảnh người da trắng được cặp với một từ dễ chịu. Sau đó, việc cặp đôi được đảo ngược (người da đen với từ dễ chịu…). Người có thái độ tiềm ẩn không ưa người da đen sẽ phản ứng nhanh hơn ở lần cặp đôi đầu tiên. Đo nghiệm này được phát triển bởi nhà Tâm lý học người Mĩ Anthony Galt Greenwald (1939-) và hai nghiên cứu sinh sau đại học và được công bố trong Journal of Personality and Social Psychology (Tập san Nhân cách và Tâm lý học Xã hội) năm 1988. Cũng gọi là implicit attitude test (đo nghiệm thái độ tiềm ẩn).

750. Implicit learning: (sự) Học ngầm

Sự thu nhận được thông tin chủ yếu không do cố gắng có ý thức hay kiến thức rõ rệt về điều học được. Vế sau của định nghĩa còn bị tranh cãi vì khó đưa bằng chứng. Khái niệm được đưa vào năm 1967 bởi nhà Tâm lý học người Mĩ Arthur S. Reber (1940-) trong một bài viết trên Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior (Tập san Học qua ngôn từ và hành vi ngôn từ).