Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Người đàn bà ngồi đan – Ý Nhi

Lê Hồ Quang

NGƯỜI ĐÀN BÀ NGỒI ĐAN

Ý Nhi

Giữa chiều lạnh

Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ

Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã

Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời

Vội vã như thể đó là lần sau chót.

 

Không thở dài

không mỉm cười

Chị đang giữ kín đau thương

Hay là hạnh phúc

Lòng chị đang tràn đầy niềm tin

Hay là ngờ vực.

 

Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên

Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt

Hay sau buổi chia ly

Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu

Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng.

 

Giữa chiều lạnh

Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ

Dưới chân chị

Cuộn len như quả cầu xanh

Đang lăn những vòng chậm rãi. [*]

(1-1984)

Đọc thơ Ý Nhi, tôi thường nghĩ đến hình ảnh Người đàn bà ngồi đan. Sao vừa gần lại vừa xa. Vừa sôi nổi nồng nàn vừa lạnh lùng khép kín. Có cái gì đơn độc mà kiêu hãnh trong dáng vẻ người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ, trong chiều lạnh, dưới chân, cuộn len như quả cầu xanh/ đang lăn những vòng chậm rãi

Người đàn bà ngồi đan trong bài thơ cùng tên của Ý Nhi là ai? Ta không biết. Nhà thơ cũng không nói. Nhà thơ chỉ lặng lẽ “trình bày” trước chúng ta một khung cảnh (dường như) khách quan. Việc của chúng ta là men theo những mô tả - chỉ dẫn, bắt đầu thả lỏng trí tưởng tượng và liên tưởng. Hãy đọc chậm lại các chi tiết:

- Thời gian: giữa chiều lạnh;

-  Không gian: bên cửa sổ;

- Con người: một người đàn bà ngồi đan, vừa nhẫn nại vừa vội vã, không thở dài, không mỉm cười, không một lần nào ngẩng nhìn lên…;

- Đồ vật: dưới chân chị/ cuộn len như quả cầu xanh/ đang lăn những vòng chậm rãi...

Im lặng đến bất thường. Người đàn bà lặng lẽ ngồi đan, chỉ đôi tay và cuộn len chuyển động một cách nhịp nhàng, đơn điệu. Phần cơ thể còn lại dường như bất động. Không gian xung quanh con người chừng như cũng ngưng đọng trong im lặng và cả (có lẽ) bóng tối của buổi chiều. Chi tiết mô tả được giản lược, nhằm hướng độc giả tập trung vào tính chất đơn nhất, sáng rõ của hình tượng.

Nhưng hình ảnh càng lộ sáng càng gợi vùng mờ; càng ổn định càng gợi bất ổn; càng lặng lẽ càng gây “ngờ vực”. Đã thế, thay vì thổ lộ trực tiếp cảm xúc, suy nghĩ hoặc đưa ra nhận xét mang tính “chốt hạ” về đối tượng, tác giả chỉ liên tiếp đặt ra những câu hỏi đầy hồ nghi: Chị đang giữ kín đau thương/ Hay là hạnh phúc/ Lòng chị đang tràn đầy niềm tin/ Hay là là ngờ vực/… chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt/ Hay sau buổi chia ly/ Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu/ trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng?...

Bằng cách đặt ra những câu hỏi/ tình huống giả định trái ngược (đang/ hay là), tác giả đã tạo nên vô số hình ảnh chuyển động mờ chồng lên người đàn bà ngồi đan. Chuyển động của hình thể. Chuyển động của tâm trạng, suy tưởng. Đối tượng mô tả giờ đây không còn là cái bóng im lặng bên cửa sổ, trong chiều lạnh. Những câu hỏi đã kích hoạt vô số liên tưởng trái chiều (và hoàn toàn có khả năng là sự thật như nhau) của cảnh ngộ, số phận, xúc cảm.

Nhưng việc đặt câu hỏi không nhằm tìm kiếm câu trả lời. Mục đích của nó là nhằm nêu lên một tình huống đời sống “có vấn đề”. Đó là một tình huống giả định, hàm chứa vô số khả năng xảy ra, và bởi vậy, câu trả lời theo kiểu loại trừ YES/ NO sẽ chỉ bộc lộ cách nhìn hời hợt, phiến diện. Rõ ràng, nhà thơ không muốn (và chị biết rõ là cũng không thể) đóng vai “người biết tuốt” trước biết bao tình huống phức tạp của cuộc đời mà người đàn bà ngồi đan kia chỉ là một ví dụ. Bởi vì nhiều khi, vì quá tự tin, ta thường thâu tóm cuộc đời vào một số quy luật chung nhất, và bằng những kết luận như đinh đóng cột, ta tin chắc rằng đã nắm được bản chất của nó trong lòng bàn tay. Người đàn bà ngồi đan là một lời nhắc khẽ, rằng thông minh thôi là chưa đủ. Cuộc đời không chỉ là những quy luật giản ước hay niềm tin được đóng gói và những gì ta nhìn không hẳn là những gì ta thấy. Chỉ khi cố gắng bước ra khỏi định kiến và thói quen đơn giản hóa, ta mới có thể nhìn thấy một hiện thực khác, bề bộn, đầy nghịch lý và không dễ giản ước. Nhưng có lẽ, đó mới chính là đời sống của con người.

Nhận ra nghịch lí ngay cả trong những gì đã thành phổ biến, được xem là logic tất yếu, dường như là một đặc điểm tư duy của nhà thơ này. Tuy nhiên, Ý Nhi không cực đoan. Dù nhạy cảm và giàu rung động, xúc cảm trong thơ Ý Nhi thường được tiết chế, nhằm đảm bảo sự mạch lạc, tỉnh táo trong cái nhìn về đời sống.

Hình ảnh những người phụ nữ đan len, cuộn thuốc lá, hay bóc lạc thuê… và vô số những công việc tay chân lam lũ để cải thiện cải thiện kinh tế gia đình có lẽ không xa lạ gì với những người Việt Nam từng sống qua thời hậu chiến. Đấy có thể là chính những người phụ nữ cùng thế hệ với Ý Nhi, và cũng, rất có thể, là hình ảnh của chính tác giả, trong một hoạt động “ngày thường”. Ta có thể dễ dàng thấy sự khác biệt ở đề tài và hình tượng thơ này so với những sáng tác thơ thời chống Mỹ trước đó (chủ yếu viết về đề tài chiến tranh, trong đó, hình tượng phụ nữ thường được mô tả như những người anh hùng, với những phẩm chất phi thường, gắn liền đặc thù thời chiến). Sự thay đổi này không phải ngẫu nhiên. Nó gắn liền với quan niệm về cái hàng ngày, cái đời thường như một đối tượng thẩm mỹ (một thay đổi có tính bước ngoặt trong quan niệm của nhiều nhà văn Việt Nam giai đoạn hậu chiến và tiền Đổi mới), và gắn liền nhu cầu nghĩ khác, viết khác của tác giả (vốn cũng thuộc thế hệ chống Mỹ).

Thơ Ý Nhi chặt chẽ, kiệm lời, giàu triết lí. Càng về sau, tính triết lý trong thơ chị càng lặn sâu hơn vào xúc cảm, hình tượng. Ở đó, dưới những hình ảnh, câu chữ giản dị, thấm đượm nỗi âu lo, lòng trắc ẩn.

Có thể nói, người đàn bà ngồi đan là một phẩm tính độc đáo của thơ Ý Nhi đã được hình tượng hóa. Việc chọn điểm nhìn mô tả từ bên ngoài cho phép nhà thơ có được khoảng gián cách cần thiết với cảm xúc chủ quan và tập trung hơn vào việc mô tả, suy ngẫm. Điều này khiến Người đàn bà ngồi đan hiện lên với đủ đặc điểm hình thể, diện mạo, hành động… mà dường như vẫn “bảo lưu” nguyên vẹn nỗi u uẩn, niềm cô độc. Ở đây, ta nhận ra nhu cầu nhận thức sự thật, một cảm hứng mạnh mẽ trong sáng tác của Ý Nhi. Ta cũng nhận ra trái tim nhiều bất an và âu lo của chị, từng bộc lộ trong nhiều bài thơ khác:

Tôi không sao tránh được lo âu trước mỗi độ thu

trước chiếc lá chợt ánh vàng

trước ngọn gió may

và đường chân trời xám bạc

nỗi lo âu vốn có trong mỗi niềm hạnh phúc

(Mùa thu)

Đôi lần

em nhìn tán cây mà ứa nước mắt

vì màu xanh

Đôi lần

em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt

vì sự trong trẻo

Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ

vì bông hoa trắng như hạt lệ

vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè

(Vườn - 1)

Tựa như một hình ảnh trong gương, Người đàn bà ngồi đan là sự phản chiếu tính cách và nội tâm của cái tôi trữ tình. Giản dị, sáng tỏ và trầm lặng, con người ấy bình thản đón đợi và chấp nhận: Không chờ đợi sự tha thứ cho lỗi lầm/ Không chờ đợi lời an ủi cho nỗi khổ/ Không chờ đợi niềm vui nồng nhiệt/ Tôi mong được yên tĩnh cùng miền đất cũ (Về Thái Nguyên)… Hình tượng Người đàn bà ngồi đan, một cách rất tự nhiên, cũng gợi nhắc đến hình tượng những Người đàn bà Viết/ sáng tạo trong thơ Ý Nhi, những nữ nghệ sĩ, với vẻ đẹp “không tàn lụi trong oán hờn”:

Người từng bị đày ải

người từng được dâng tặng

người từng bị nhục mạ

người từng được tôn vinh

người không tàn lụi trong oán hờn

không tan trong nước mắt

ôi người đàn bà mảnh mai trong tấm áo đen

người từng qua cõi này chăng.

(Trước chân dung Akhmatova)

Nếu so sánh với giọng tráng ca quen thuộc của thơ Cách mạng, vẫn còn vang vọng khá mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1975 - 1985, giọng “nói nhỏ”, mang tính tự vấn của người đàn bà ngồi đan quả thực có ý nghĩa đặc biệt, cả về phương diện nhận thức lẫn thi pháp.

Sự khác biệt trong cái nhìn nghệ thuật và bút pháp thể hiện đã khẳng định vị thế riêng của Ý Nhi trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhưng tôi nghĩ, việc tìm tòi những lối viết, kỹ thuật viết tân kì, hiện đại không phải là chủ đích của Ý Nhi. Lắng nghe đời sống từ những rung động sâu kín, lặng lẽ, phát hiện những vẻ đẹp tuyệt vời nở hoa ngay trên vực thẳm của nỗi lo âu, sự bất an, ngay trong mỗi “ngày thường” hằng sống và cố gắng diễn tả tất cả những điều đó - cái đẹp, sự rung động, nỗi khao khát, cả nỗi bất an, sợ hãi… - bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên nhất có thể, đấy mới là cái đích sáng tạo thực sự của tác giả này.

Vinh, 7/2020


[*] Ý Nhi (2000), Thơ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.