Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 62)

Hoàng Hưng

621. Focal attention: (sự) Chú ý tập trung

Sự chú ý tập trung vào kích thích chuyên biệt trong khi bỏ qua những kích thích khác. Thông tin nằm trong phạm vi chú ý (attention span) được coi là ở trong sự chú ý tập trung. Nhiều nghiên cứu được dành để xác định dung lượng thông tin tập trung và hiểu được nó tương tác ra sao với các hệ kí ức khác nhau sau khi dung lượng của nó đã hết.

622. Focusing: (sự) Tập trung chú ý

(trong liệu pháp tâm lí thực nghiệm (Experiental Psychological Therapy) Một liệu trình trong đó người chữa trị hướng dẫn người bệnh tập trung chú ý lặng lẽ vào trải nghiệm trên cơ thể về một vấn đề hay triệu chứng theo một cách thư giãn và không phán xét, thường là trong khi nhắm mắt. Sau đó người bệnh mời gọi tâm trí mình khai thác một cách trực giác xem vấn đề ấy là gì, mà không toan tính phân tích hay kiểm soát các diễn trình suy tư. Phương pháp được tin là dẫn người bệnh tới những cảm nhận sâu hơn và sự thấu hiểu lớn hơn và bình an với vấn đề hay triệu chứng. [được phát triển bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Áo Eugene T. Gendlin (1926-)]

623. Folk psychology: Tâm lý học dân gian

- Kiến thức hằng ngày, theo lẽ thường, ẩn tàng, khiến cho ta có thể dự đoán hay giải thích hành vi của người khác (và của bản thân) bằng sự tham chiếu những trạng thái tâm lí liên quan. Mặc dù sự hiểu như thế được chấp nhận phần nhiều ở Tâm lý học xã hội và cá nhân, có những người thấy nó là ảo giác hay huyền hoặc, không có giá trị khoa học. Trong thuyết Eliminativism (Loại trừ), thuật ngữ “folk psychology” được dùng theo lối mỉa mai đối với mọi ngôn ngữ giải thích tham chiếu các trạng thái tâm lí, như niềm tin và chủ đích, hơn là các trạng thái sinh học.

- Một nhánh trong hệ thống Tâm lý học của Wilhem Wundt, tin rằng một sự hiểu về các tiến trình tâm trí cao cấp có thể được diễn dịch từ việc nghiên cứu những sản phẩm văn hoá như ngôn ngữ, lịch sử, huyền thoại, nghệ thuật, và phong tục… Như thế, nó là tiền thân lịch sử của Tâm lý học văn hoá (Cultural Psychology) hiện đại.

624. Food addiction: (tật chứng) Nghiện ăn uống

Rối loạn về ăn uống có đặc trưng là quá bận tâm với hình ảnh cơ thể và cân nặng của bản thân, những suy nghĩ ám ảnh về thực phẩm, dùng thức ăn như nguồn khoái cảm, và bị thôi thúc phải ăn uống. Thêm nữa, cá nhân mắc tật chứng có thể trải nghiệm những triệu chứng cai nghiện trong thời kì cố gắng giảm ăn hay nhịn một số kiểu thực phẩm.

625. Forensic psychology: Tâm lý học pháp lí

Một lĩnh vực Tâm lý học ứng dụng dành cho những khía cạnh tâm lí của các tiến trình pháp lí tại toà án. Thuật ngữ ngày càng được áp dụng cho cả Tâm lý học tội phạm (criminological psychology), mặc dù sự phái sinh của từ forensic gợi ra một nghĩa hạn chế hơn.

626. Formal operation: Thao tác hình thức (logic)

(trong thuyết phát triển thức nhận của nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) Giai đoạn phát triển bắt đầu từ khoảng 12 tuổi khi đứa trẻ trở nên thành thạo vận dụng những biểu trưng nội tâm của các khái niệm trừu tượng cũng như của các vật cụ thể.

627. Formal thought disorder: Rối loạn tư duy hình thức (logic)

Một kiểu rối loạn tư duy có đặc trưng là sự phá vỡ hình thức hay cấu trúc của tư duy. Ví dụ như sự sai trật (derailment) hay tiếp cận hời hợt (tangentiality). Nên phân biệt với Rối loạn tư duy (Thought Disorder) là rối loạn về nội dung tư duy.

628. Forward association: (sự) Liên kết tới

Sự liên kết học được giữa một kích thích và một kích thích khác hay một đáp ứng xảy ra sau đó về thời gian.

629. Four goals of education: Bốn mục tiêu giáo dục

Đam mê học, đam mê sống, đam mê một xã hội rộng lớn hơn, và ý chí phát triển những khía cạnh độc đáo của nhân cách riêng. [theo phát biểu của nhà giáo dục Mĩ Marilyn Whwerry].

630. Free association: (sự) Liên tưởng tự do

Một kĩ thuật phân tâm học trong đó người bệnh được khuyến khích kể lại với nhà phân tích mọi suy nghĩ, cảm nhận, ước muốn, cảm giác, kí ức, và hình ảnh hiện ra trong óc, bất kể chúng có thể có vẻ gây bối rối hay vụn vặt. Được thiết kế để làm mất khả năng xảy ra sự kiểm duyệt thứ hai (second censorship) giữa cái tiền ý thức (preconscious) và ý thức, do đó phơi bày những sự phòng vệ vô thức thông qua sự kiểm duyệt đầu tiên (first censorship) giữa cái vô thức và cái tiền ý thức. Sigmund Freud (1856-1939) bộc lộ trong bài “Ghi chú về tiền sử của kĩ thuật phân tích” (A Note on the Prehistory of the Technique of Analysis) năm 1920, rằng ông đã chịu ảnh hưởng bởi nhà văn châm biếm Ludwig Borne (1786-1837), ông này khuyến cáo một hình thức viết văn bắt đầu bằng việc viết ra mọi thứ hiện lên trong óc, nhằm tránh sự tự kiểm duyệt và gia tăng tính nguyên gốc. Việc phát triển kĩ thuật này có công của Frau (Bà) Emmy von N, một trong những người bệnh đầu tiên của Freud, như ông kể lại vào năm 1895 trong sách Các nghiên cứu về bệnh Hysteria (Studies on Hysteria) mà ông là đồng tác giả, bà đã yêu cầu ông “đừng cứ hỏi bà chuyện này hay chuyện kia từ đâu ra, mà để bà kể cho nghe những gì bà phải kể”, và khi bà theo liệu trình ấy, lời bà thành ra chứa đựng “một sự tái tạo hoàn toàn những kí ức và ấn tượng mới vốn tác động đến bà kể từ lần trò chuyện mới nhất, và thường dẫn đến, theo một cách hoàn toàn bất ngờ, những hồi tưởng bệnh căn mà bà tự mình giải toả không cần ai yêu cầu”. Cùng khoảng thời gian ấy (1904) và độc lập với Freud, Carl Jung (1875-1961) giới thiệu “đo nghiệm liên tưởng từ ngữ” (word-association test) của ông, cũng chịu ảnh hưởng của việc phát triển kĩ thuật liên tưởng tự do.