Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 61)

Hoàng Hưng

611. Flight into fantasy: (sự) Trốn chạy vào phóng tưởng

Một phản ứng phòng vệ trong đó cá nhân có những suy nghĩ và bức xúc khó chịu rút vào phóng tưởng (như thông qua các giấc mơ ngày) như cách tránh làm hại chính mình hay người khác vì hành động bởi bức xúc. Theo cách này họ có thể duy trì sự kiểm soát các bức xúc của mình.

612. Flight into health: (sự) Trốn chạy vào tình trạng khoẻ mạnh

(trong Phân tâm học) Lời người bệnh tuyên bố đột ngột là mình đã hoàn toàn bình phục và không cần trợ giúp nữa, được diễn giải như một phản ứng phòng vệ đối với liệu pháp tâm lí. Thuật ngữ dựa trên khái niệm gốc “flight into illness” (trốn chạy vào tình trạng bệnh tật)

613. Flight into illness: (sự) Trốn chạy vào tình trạng đau ốm

Một toan tính thoát ra khỏi những tình cảm hay xung đột không thể chấp nhận bằng cách phát triển các triệu chứng bệnh thần kinh, tâm bệnh hay thân-tâm bệnh. Thuật ngữ này bắt nguồn từ phân tâm học: Sigmund Freud (1856-1939) nói đến tình trạng “trốn chạy vào tâm bệnh” (flight into psychosis) vào năm 1894, rồi tình trạng “trốn chạy vào tình trạng bệnh thần kinh” (flight into neurotic illness) vào năm 1908, và cuối cùng, “trốn chạy vào tình trạng đau ốm” (flight into illness) vào năm 1909.

614. Flight into history: (sự) Trốn chạy vào lịch sử

(trong liệu pháp tâm lí và tham vấn) Xu hướng trú ngụ cực đoan trong quá khứ, được diễn giải như một phản ứng phòng vệ đối với nỗi đau và sự bối rối gợi ra bởi hiện tại. Thuật ngữ được đặt theo hình mẫu của “flight into illness”.

615. Flight into reality: (sự) Trốn chạy khỏi thực tại

Một phản ứng phòng vệ bao hàm việc rút lui vào tình trạng không hoạt động, tách biệt, hay phóng tưởng, như một sự phòng vệ vô thức chống lại các tình huống gây lo âu. Có thể biểu hiện thành một số hành vi phòng vệ, như hợp lí hoá, mơ ngày, hay lạm dụng chất gây nghiện. Có thể bao gồm sự rút vào hành vi mang tính tâm bệnh như cách tránh né các vấn đề có thực hay tưởng tượng. Cũng gọi là retreat from reality (rút lui khỏi thực tại).

616. Flight into reality: (sự) Trốn chạy vào thực tại

Một phản ứng phòng vệ trong đó một cá nhân trở nên quá vướng víu vào hoạt động và làm việc như biện pháp vô thức để tránh né những tình huống đe doạ hay những suy tưởng hay cảm thức đau đớn.

617. Flooding: (sự) Tràn ngập

Một kỹ thuật liệu pháp hành vi (behaviour therapy) dùng để chữa trị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lí, chứng ám sợ, và những rối loạn lo âu khác, bằng cách cho người bệnh đối mặt cao độ với tình huống gây lo âu cho đến khi sự lo âu giảm bớt.

618. Foot-in-the-door technique: Kĩ thuật thò-một-chân-vào-cửa

Một kĩ thuật khơi gợi sự chiều ý bằng cách thoạt tiên đưa ra một yêu cầu nhỏ trong yêu cầu lớn mà mình mong muốn, để người được yêu cầu dễ chấp nhận. Kĩ thuật được giới thiệu và đặt tên vào năm 1966 bởi các nhà Tâm lý học Mĩ Jonathan L. Freedman (1937-) và Scott Cameron Fraser (1943-), các ông tường thuật một thí nghiệm thực địa: đến thăm nhà các bà chủ nhà, một số bà được hỏi có bằng lòng cho dán một phù hiệu rất nhỏ trên cửa kính nhà hay xe hơi kêu gọi giữ gìn vẻ đẹp của California hay không, một số khác được đề nghị kí tên vào một kiến nghị về vấn đề như thế; 2 tuần sau, một người khác, được cho là từ một tổ chức khác, đến hỏi những bà chủ nhà ấy xem họ có bằng lòng cho chôn một tấm biển Lái xe cẩn trọng trong vườn nhà hay không. Trong nhóm đối chứng đã không được đưa ra đề nghị nhỏ lúc đầu, chỉ có 17% bằng lòng, trong khi 55% trong số có sự “thò-một-chân-vào-cửa” bằng lòng.

619. Forced compliance: (sự) Chiều ý ép uổng.

Nhân nhượng áp lực xã hội để đưa ra một phát biểu hay hành xử theo cách xung đột với thái độ của bản thân. Theo thuyết bất hoà thức nhận (cognitive dissonance), hành vi như trên có xu hướng giảm bớt sự bất hoà giữa hai thức nhận Thái độ của tôi là X Thái độ của tôi là chống X. Thức nhận thứ hai được cắm chốt trong ứng xử và không dễ thay đổi một khi phát biểu đã được nói lên hay hành động đã thực hiện, nhưng thức nhận đầu tiên có thể và thường thay đổi. Thuyết bất hoà thức nhận tiên đoán và đã được nghiên cứu xác nhận, rằng sự thay đổi thái độ có xu hướng nhiều nhất khi việc biện minh cho hành vi phản thái độ là nhỏ nhất – chẳng hạn khi người ta được lợi ít ỏi về mặt tài chính cho việc đó.

620. Foreclosure: (sự) Chặn trước

(trong phân tâm học) Cơ chế phòng vệ được nhận dạng đầu tiên năm 1956 bởi nhà phân tâm học Pháp Jacques Lacan, liên quan đến việc trục xuất một cái biểu thị căn bản, như thể dương vật là cái biểu thị căn bản của phức cảm bị thiến (castration complex), khỏi vũ trụ của một người. Nó có thể là cơ chế phòng vệ chuyên biệt của tâm bệnh và khác với sự dồn nén trong chừng mực cái biểu thị bị chặn trước không tích nhập vào vô thức của người ấy và không tái xuất từ bên trong như một triệu chứng bệnh thần kinh mà có thể trở lại dưới hình thức một ảo giác tâm bệnh. Ý tưởng này có thể là từ một bài viết năm 1894 của Sigmund Freud (1956-1939) trong sách “Các bệnh tâm-thần kinh về phòng vệ”: “Tuy nhiên, có một loại phòng vệ mạnh mẽ và thành công hơn. Ở đây, cái tôi bác bỏ ý nghĩ không thích đáng cùng với hiệu ứng của nó và hành xử như thể ý nghĩ ấy chưa hề xảy ra với cái tôi”.