Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Thế lực thù địch (kỳ 4)

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

4

Đúng cái lúc nháo nhào gây cấn của đám tang, y bỗng nhận ra Quỳnh Thy. Nàng đến muộn và tỏ ra có lỗi với mọi người. Trong bộ đồ đen rất hợp với làn da trắng, càng buồn càng tôn vẻ đài các sang trọng. Đi cùng nàng là một người đàn ông cao gầy, mái tóc bồng bềnh lẫn những sợi bạc. Đó là Luật sư Vũ Duy, mới ở tù ra.

Cặp vợ chồng họ dường như là những khách viếng cuối cùng, trước khi lễ di quan tiến hành. Không tiện bộc lộ tình cảm nhiều, chị em Quỳnh, Mai ôm lấy nhau khóc thầm, còn Duy chỉ siết mạnh bàn tay Viễn, thay cho mọi lời an ủi.

Y chờ đợi, chờ đến thắt lòng, một ánh mắt của Quỳnh. Chỉ một ánh mắt của nàng thôi, y sẽ được thanh thản, được hóa giải, tựa như ánh mắt Đức Mẹ đồng trinh, ban cho con chiên một ơn phước ngập tràn. Cái mảnh giấy Mai Thy dúi vào tay y lúc gặp nhau trước nhà xác bệnh viện, vẫn còn trong túi áo y. “Chị Quỳnh em nhờ anh làm cách nào đưa chú Việt về chịu tang thầy em. Anh Viễn và gia đình sẽ mãi mãi biết ơn anh”. Rất có thể mảnh giấy ấy chẳng dính líu gì đến Quỳnh, mà chỉ là ý muốn của Mai hoặc Viễn. Nhưng đó là mệnh lệnh tối cao. Với Quỳnh, nếu nàng bảo nhảy vào lửa, y cũng không từ. Và y đã làm tất cả để Việt được về chịu tang bố. Y biết, Việt đang cải tạo giam giữ tại trại T7. Tội Việt có liên quan đến tàng trữ và vận chuyển ma túy, lẽ ra phải tù bẩy năm, nhưng y đã làm mọi cách để Việt không thành án, chỉ phải giam giữ cải tạo. Đưa Việt kịp về chịu tang ông Ngô Nhãn, không có ‎ý kiến của anh Chín, và không phải là y, chỉ có trời mới làm được.

Thấy ánh mắt Quỳnh dừng ở vành mũ rơm và cây gậy chưa có chủ vẫn đặt cạnh ban thờ bài vị người quá cố, tim y bỗng giật thót. Y cũng đang đợi Ngô Việt. Y đã làm tất cả từ khi nhận được chỉ thị của nàng. Một giờ trước, y nhận thông tin Việt đã được áp tải về đến ga Nội Bài.

Y đến bên Quỳnh, chờ một ánh mắt. Rất muốn nói với nàng rằng Ngô Việt đang trên đường về, nhưng nàng chỉ nhìn đi đâu đó. Hình như Quỳnh cố tình lảng tránh y. Những nỗi đau mà y đã gây cho nàng, suốt bao năm, vẫn còn tấy thương.

- Chúc mừng anh đã trở về - Y chủ động bắt tay Vũ Duy - Bận quá, chưa đến thăm anh được. Hình như sức khỏe anh còn tốt hơn mấy năm trước.

- Tôi khỏe hơn mà - Duy nháy mắt với y - Tôi phải cảm ơn nhà tù của chúng ta. Một ngày ở tù sướng hơn nghìn thu ở ngoài, đấy ạ.

Vẫn giọng điệu hóm hỉnh đầy giễu cợt ấy. Vẫn ánh mắt ma mãnh như nhìn thấu tim gan người đối thoại, Duy còn sắc sảo lợi hại hơn cả ngày xưa.

***

Cái ngày xưa ấy, gần hai mươi năm, mà có lúc tưởng như xa lắc. Ngày ấy y yêu Quỳnh Thy đến thề non hẹn biển. Hai cặp tình nhân,Y và nàng, Ngô Viễn và Mai Thy như đôi cặp bài trùng lý tưởng nhất thế gian.

Hai chị em nhà ấy thật lạ. Tuy hai nhưng mà một. Khác nhau ở vẻ bề ngoài, Quỳnh cao mảnh, đoan trang, quý phái, Mai mỡ màng, đậm đà, nhưng lại nhí nhảnh, tinh quái ngầm. Sự khác biệt bên ngoài không làm họ đối nghịch những phẩm cách bên trong, cứ như giữa hai người là một chiếc bình thông nhau như trong định luật của Pascal. Nhưng về độ thật thà, thơ ngây, có lẽ cô chị vẫn nhỉnh hơn. Lần nào đi chơi với y về, Mai cũng bắt nọn Quỳnh, buộc nàng thật thà khai báo, nhưng đố Quỳnh biết được mẩu tin gì về tình yêu của Mai và Viễn. Khi biết tin y sẽ chuyển đến làm việc ở một vài tờ báo với danh nghĩa vừa là nhà báo vừa là người của an ninh cài cắm, Mai đã cực lực phản đối. “Thà trắng phớ là một Giave, quân hàm phù hiệu hẳn hoi, cho thanh thiên bạch nhật thiên hạ đều biết. Đằng này giả vờ làm nhà báo để dò la, thám thính, cái kiểu lập lờ hai mặt ấy mà chị chấp nhật được, thì em thực sự Lu-thơ-kinh đấy - Mai đã nói thẳng với Quỳnh, trước mặt Viễn - Cả anh Viễn nữa, anh nghĩ gì về ông anh cọc chèo tương lai, khi ông ấy nẫng tay trên người mà anh đang thầm yêu trộm nhớ nhưng chưa kịp thổ lộ?”

Mãi sau này, khi Quỳnh và y chia tay nhau, Mai mới nói lại điều ấy với y. Nói như nhổ vào mặt y, thẳng thừng, cay độc. Đắng lắm mà y không thể nào thanh minh được. Chính y cũng tin như định mệnh đã sắp đặt rằng sẽ có đám cưới hai chị em ruột với hai thằng bạn cùng quê diễn ra cùng thời điểm, cùng địa điểm, mà cả hai cặp tình nhân đều dệt ước mộng này từ những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Nhưng sự đời luôn là một bài toán biến số có n nghiệm. Đến khi yên ổn nghề nghiệp rồi, sau tiểu đăng khoa sẽ đến đại đăng khoa, thì vấn đề hôn nhân với y trở nên cực kỳ nan giải. Cơ quan y, thậm chí lãnh đạo Tổng cục, trực tiếp can thiệp vào cuộc hôn nhân của y. Chủ nghĩa lý lịch vẫn như ngày xưa, cứ như còn đang trong thời kỳ Cải cách Ruộng đất. Phải trong sạch ba đời. Càng chức vụ cao, vị trí quan trọng, làm trong lĩnh vực tuyên giáo… càng phải rà soát kỹ. Lí lịch gia đình Quỳnh Thy lại quá phức tạp. Cụ nội nàng là quan triều Nguyễn, có khuynh hướng hòa hảo với Pháp để khai mở dân trí. Bố đẻ nàng, dịch giả, nhà báo Phạm Thanh Lâm, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, từng là Đại tá, Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Chiến tranh, sau bị bắt giam vì tội chống Đảng. Ông là dịch giả nhiều tác phẩm triết học và văn học của Jean Paul Sartre và Albert Camus.

Hồi y yêu Quỳnh, ông bố vợ tương lai từng nói với Viễn và y: Tính từ vụ Nhân văn Giai phẩm, trong số hơn một trăm nhà hoạt động dân chủ tiêu biểu của nước Việt Nam thời hiện đại, có hai nhà dân chủ khai sáng mà lịch sử sẽ phải vinh danh, đó là giáo sư Hoàng Minh Chính và trung tướng Trần Độ. Tầm vóc của họ đã vượt quá tầm thời đại. Họ là hai Con Người viết hoa thời cộng sản.

Cảm phục nhân cách và trí tuệ của Hoàng Minh Chính, dịch giả Phạm Thanh Lâm đã tự nguyện là người học trò, người cộng sự trung thành của ông, và đã bị liên đới, bị tù không án và quản thúc sáu năm. Khi mãn hạn, ông tiếp tục tham gia ban biên tập tạp chí Tổ Quốc, một tạp chí cổ xúy dân chủ, không được phép lưu hành.

Vào năm thứ ba đại học báo chí, để chuẩn bị cho luận văn “Vai trò của báo chí trong việc chống lại quá trình tự diễn biến”, y đã nhờ Viễn đưa tới gặp ông Hoàng Minh Chính. Trước khi đi, Viễn đã thao thao về ông ta, như một mẫu người cộng sản đích thực:

-Tao phải nói cho mày biết sơ lược con người mà mày sắp đến gặp. Ông Hoàng Minh Chính tên thật là Trần Ngọc Nghiêm. Sinh trưởng trong một gia đình nho học ở Nam Định. Năm 1936, mới mười bốn tuổi đã tham gia phong trào dân chủ bình dân, viết báo, in truyền đơn, áp phích chống thực dân đế quốc. Năm 1940 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Bị Pháp bắt đưa đi tù Sơn La, rồi tổ chức vượt ngục trước ngày cướp chính quyền. Tháng 12 năm 1946 được giao thành lập Đội quyết tử quân, với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đội quân này đã đột kích sân bay Gia Lâm áp Tết năm 1947, gây chấn động cả nước. Sau đó, ông được cử làm Tổng thư ký‎ Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam. Những năm 1957 - 1960 được cử đi học trường Đảng cao cấp Liên Xô. Về nước, được giữ các chức vụ: Thứ trưởng Giáo Dục, Phó giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng viện Triết học… Từ năm 1964, chỉ vì không tán thành Nghị quyết IX, không chấp nhận đường lối thân Trung Quốc mà bị ông Lê Đức Thọ khép tội Xét lại, bị tù 5 năm, rồi sau đó, từ năm 1981, tiếp tục bị tù 6 năm. Lần bị bỏ tù thứ ba, 12 tháng, là việc kiến nghị đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp. Đây là lần duy nhất ông được đem ra xử tại tòa. Bản cáo trạng ngày 8 tháng 11 năm 1995 ghi: “Ngày 26 tháng 11 năm 1993, Trần Ngọc Nghiêm mang 12 loại tài liệu (trong đó có tài liệu đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp đã được Quốc hội nước CHXHCNVN cơ quan đại diện cho ý‎ chí của nhân dân thông qua ngày 15-4-1992), đi photo để phát tán thì bị công an phường Lê Đại Hành quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phát hiện, lập biên bản thu giữ. Từ năm 1994 và trong những tháng đầu năm 1995, Trần Ngọc Nghiêm đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để trả lời phỏng vấn người nước ngoài, như Italia, Pháp, Hoa Kỳ, Ba Lan, đều được ghi lại trên băng cassette…” Cuộc đời ông Hoàng Minh Chính là một chuỗi năm tháng chiến đấu không mệt mỏi vì một nước Việt độc lập, tự do, dân chủ. Hoàng Minh Chính đã một lần thuộc biên chế nhà tù Thực dân Pháp, ba lần nhà tù Cộng sản, tổng cộng hơn 20 năm tù đày và quản thúc.

Lần đầu tiên gặp Hoàng Minh Chính, y cảm thấy chờn chợn. Vầng trán cao, gương mặt khắc khổ, đặc biệt đôi mắt rất sáng khi nói chuyện cứ nhìn xoáy vào người đối diện. Ở con người này ẩn chứa sự bung phá ngoài khuôn khổ. Với một quá khứ lẫy lừng như thế, giống như Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Trần Độ, Văn Cao, những người đồng hương Nam Định, Thái Bình…, các ông chỉ cần ngậm miệng ăn tiền, rung đùi mà hưởng phú quý suốt đời, rồi bàn giao cho con cháu. Bao nhiêu năm tù đày nhà tù thực dân đế quốc rồi, hà cớ gì lại muốn chui đầu vào rọ? Nghe ông Hoàng Minh Chính nói, y càng nhận ra cái sự “tự diễn biến” của ông đang đi rất xa.

Một lần khác, khi y và Quỳnh đi chơi đâu đó về, thấy dịch giả Phạm Thanh Lâm đang tiếp chuyện ông Hoàng Minh Chính và mấy người bạn. Quỳnh nháy mắt và dắt y vào gian trong để leo cầu thang lên căn phòng của hai chị em nàng. Hôm ấy, mấy ông già đang bàn nhau một câu chuyện tày đình: Ông Hoàng Minh Chính sẽ viết đơn xin khôi phục lại Đảng Dân Chủ mà ông từng là Tổng thư ký. Nhân dịp này bọn ông, những trí thức từng tham gia cách mạng từ trước năm 1945, sẽ ký chung lá đơn đề nghị bỏ điều 4 ra khỏi Hiến pháp. “Chúng ta sẽ không nhắm mắt nổi, sẽ có tội với Cụ Hồ và các bậc tiền bối cách mạng khi chúng ta xuống gặp họ dưới ấy - giọng ông Hoàng Minh Chính nghẹn ngào - Già rồi, ai cũng phải chết, nhưng chúng ta không thể buông xuôi để bọn tiếm quyền cuộc cách mạng này tọa hưởng kỳ thành, giả vờ giương cao lá cờ đỏ sao vàng để bán nước cho Đại Hán, để tham nhũng quyền lực, chính sách, đất đai, cộng sản… Chúng đâu còn là đảng Cộng Sản? Chúng là một nhóm lợi ích. Chúng cấm tự do báo chỉ vì sợ báo chí nói lên sự thật. Chúng cấm lập hội vì sợ phải chia sẻ quyền lực, cấm biểu tình vì sợ tiếng nói phản biện, sợ dân chúng lật đổ ngai vàng cộng sản…”

Chỉ nghe những lời sang sảng từ dưới nhà vọng lên mà mồ hôi y đã vã ra như tắm. Chân y run không đứng vững khi Quỳnh kéo tay y: “Chuồn thôi anh”.

Với lý lịch nhà Quỳnh đen kịt như thế, buộc y đứng trước sự lựa chọn: Hoặc cưới Quỳnh và ra khỏi ngành, hoặc là ở lại ngành và chia tay nàng.

***

Cuộc chia tay với Quỳnh còn khó hơn cuộc đoạn tuyệt của con nghiện với ma túy. Mấy tháng trời y lẩn trốn, khóa máy, thay sim điện thoại để Quỳnh không tìm thấy. Y vật vã với chính mình. Có những ngày y muốn chết. Y đi lang thang vô định ở bãi sông. Khẩu K54 đã lên nòng. Chỉ đưa lên thái dương và ấn cò. Y đã viết sẵn một lá thư tuyệt mệnh. Cho Quỳnh. Xin nàng nghìn lần tha thứ cho sự hèn nhát của y.

Nhưng rồi y nghĩ lại. Chết vì tình là đại hèn nhát. Tìm cách khác đi. Hay là y ra khỏi ngành? Khối anh tuột xích đấy thôi. Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một ví dụ. Bạn học cùng khóa với toàn tướng tá, có vị đang ngấp nghé ghế bộ trưởng. Bố Vinh là ông Nguyễn Hữu Khiếu, từng ủy viên trung ương, đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô, cả nhà cách mạng nòi, chỉ cần ngoan ngoãn một chút, Vinh còn trên cả tướng. Thế mà rồi đang trung tá, sắp thăng thượng tá, thậm chí đại tá, chẳng ai chèn ép, Nguyễn Hữu Vinh tự nguyện xin ra khỏi ngành, lập một công ty thám tử để kiếm sống, rồi “tự diễn biến”, tự lập một Website Ba Sàm lừng lẫy.

Không dám nói với ai, nhưng trong thâm tâm, Ba Sàm là thần tượng của y về nhân cách, lẽ sống. Y đã chép trong sổ tay cả một đoạn dài về tâm sự của Ba Sàm, trong chính trang mạng Thông tấn xã vỉa hè, với một tựa đề rất hóm hỉnh: TỰ DIỄN BIẾN:

… “Bao nhiêu năm sống giữa chốn “cung đình”, “nằm trong chăn”, hưởng sung sướng nhất những khi người dân khốn khổ nhất, ngộ ra bao điều phi lý, bao nghịch cảnh.

Gần 30 năm, từ thơ ấu cho tới khi bước vào đời, thành “người của đảng”, BS được sống cùng gia đình trong một ngôi biệt thự của nhà nước giữa phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, nơi mấy năm nay ông Thủ Tướng đương nhiệm đang ở.

Khi người dân miền Bắc hầu như không biết đến hương vị bơ, sữa, thì mỗi sáng hắn tản bộ vài bước qua số 2 Hoàng Diệu, kế bên dinh thự của TBT Lê Duẩn, để mua những chai sữa tươi còn nóng hổi, những thỏi bơ, pa-tê, ổ bánh mì thơm phức.

Hàng tuần, cứ tối thứ Tư và thứ Bảy, hắn cùng đám trẻ con ông cháu cha lại được tụ tập xem phim ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân cùng người lớn, là các ông trong BCT, BCHTW như Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng.

Kỷ niệm duy nhất với Bác Hồ là một tối Trung thu khi hắn lên 5. Trẻ con mấy cơ quan Đảng tập trung trong hội trường số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Cả lũ được chụp ảnh chung với Bác, hắn được đứng bên. Sắp chụp thì bị mẹ định lôi xuống, xin phép chải lại mớ tóc bù xù. Bác gạt đi, bảo: “Không cần đâu! Cứ để thế cho nó tự nhiên”. Vậy là ấn tượng chút ít về Bác Hồ qua cái vụ đó. Bác mất, bố hắn tập trung cả nhà lại thông báo. Có mỗi ông anh thứ hai khóc.

Những chuyện chính trị của người lớn, sách, tài liệu của giới lãnh đạo ít ai được tiếp xúc, tuy còn nhỏ, nhưng tò mò, hắn cũng được nghe lỏm, đọc lén không ít. Ví như món “Tài liệu tham khảo đặc biệt” của TTXVN, mà lâu nay đăng lại trên Blog này, đã có từ khi hắn biết chữ. Vẫn thứ giấy đen thui, vẫn màu mực, lối trình bày đó. Nội dung vẫn là đăng lại, dịch chọn lọc từ đài, báo nước ngoài. Những năm 1960, loại này có chữ “Mật-Không phổ biến”, chỉ cấp bộ thứ trưởng trở lên được cung cấp, sau này thêm cấp vụ, cục. Rồi khoảng cuối 1990 thì bán tự do. Dù thế nào thì những tài liệu này cũng đã giúp hắn “tự diễn biến” kha khá trong bao nhiêu năm “theo đảng”.

Những thông tin ít nhiều về chế độ cộng sản kỳ quái của Mao cũng đến dần. Các đàn anh đàn chị học trường thiếu sinh quân sơ tán ở Quế Lâm, Trung Quốc về kể cho nghe những cảnh chém giết lẫn nhau giữa các phe phái. Ghê rợn!

Còn bên kia đường, nơi nay là trụ sở Viện Quản lý kinh tế TW và các dinh thự công vụ lần lượt cho các vị TBT, BCT ở, là toàn bộ các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc. Tối tối lại vọng ra những bài sặc mùi sùng bái cá nhân Mao, như Đông phương hồng, Ra khơi nhờ tay lái vững.

Hình như tất cả những thứ đó cứ tích tụ dần một thái độ căm ghét chế độ Mao ngu muội, tàn ác, lờ mờ cảm giác về chính xã hội mà hắn đang sống. Một hôm, thó trong tủ sách của bố cuốn “Bàn về mâu thuẫn” của Mao, dở ra, hắn nhổ vào mặt Mao một bãi nước bọt, cho bõ ghét.

………………….

“Chiến tranh phá hoại”- tức những năm Mỹ ném bom miền Bắc đã đem BS rời chốn “lầu son gác tía” để tới với cuộc sống bần hàn của người nông dân; điều tưởng như sự thiệt thòi, mà sau này càng ngày hắn càng thấy may mắn, tự hào, khi không được như các anh chị và bọn trẻ trong khu, người học trường thiếu sinh quân, đứa thì “trốn” sơ tán bằng cách tạm lánh ra học các trường ở ngoại thành Hà Nội.

Chăn trâu cắt cỏ, giã gạo, xay lúa, nuôi gà vịt … cũng biết mùi cả.

Có những điều kỳ lạ mà có lẽ không sách báo nào viết ra, nhưng để lại cho hắn những ấn tượng và dấu hỏi khó giải.

1975. Về quê ngoại, Huế. Quá nhiều điều làm BS kinh ngạc, từ đời sống “phồn vinh giả tạo” được cán bộ, bộ đội, trong đó có cả hắn, cuống cuồng rinh ra Bắc, cho tới thái độ chính trị của người dân. Câu cửa miệng chua xót: “Miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ”. Hắn còn thay mặt gia đình nhận một khoản tiền các cậu, dì bán mảnh ruộng cuối cùng của ông ngoại chia cho.

Lạ là khác với những gì hắn vẫn được tuyên truyền, sao trong đó người ta toàn gọi Ngô Đình Diệm là “ông” với thái độ kính nể? Rồi cao điểm là trong một cuộc cãi vã với thằng hàng xóm để bênh vực chế độ XHCN tươi đẹp, hắn đã bị bẽ mặt. Không thể tin được câu chuyện lần đầu tiên nghe, như tiếng sét ngang tai, về vụ thảm sát Mậu Thân 1968. Hỏi bà dì, hóa ra có thật. Sau này, tất cả những gì tương tự nghe được lúc đó càng rõ hơn.

……………………

Khi ra làm việc, trong nhiều năm liền hắn được tiếp xúc hàng ngày với các cựu sĩ quan, quan chức trong chế độ Sài Gòn bị giam giữ để gọi là “học tập cải tạo” trong khắp các trại từ Nam chí Bắc, ăn dầm nằm dề những Vĩnh Quang, Ba Sao, Trại 5 Thanh Hóa, Trại 2 Nghệ An, Bình Điền, Z30D … đủ cả. Nhiều điều mà trong chiến tranh hắn nghe được qua đài báo, sách vở về họ hoàn toàn trái ngược với những con người thật hắn thấy. Không thể kể hết, mà chỉ tóm lược bằng hình ảnh trớ trêu: những cán bộ chiến sĩ cảnh sát nghèo khó, ít học, quá thiếu hiểu biết lại đang “giáo dục, cải tạo” cho nhiều kẻ thù cũ không những được học hành cẩn thận, mà còn có nền tảng văn hóa, nhân cách đáng nể. Bao nhiêu con người với những bộ óc tài ba đã bị phung phí. Thế nhưng tất cả họ phải chịu cùng cảnh “ông tù, cháu tội”. Tiếc là các “ông” không dám, không biết học hỏi từ các “cháu”. Riêng “ông” BS thì không sợ, tranh thủ mọi nơi mọi lúc, tâm niệm học lóm được càng nhiều càng tốt.

Suốt 10 năm liền, trước và tiếp sau thời phát động “Đổi mới”, do điều kiện công việc, hắn được tiếp xúc hàng ngày với nhiều thương gia, trí thức người Việt ở nước ngoài trở về. Với một xã hội vẫn còn khép kín thì đó quả là cả một “thế giới” khác, họ đã đem theo những thông tin, lối sống, cách tư duy khác hẳn với một chế độ “bao cấp” cả về kinh tế lẫn tư tưởng mà hắn đang sống.

…………………

Hắn được “mở mắt” thêm nhiều nữa, đương nhiên, nói như các bác tuyên giáo “kiên định lập trường”, hắn “tự diễn biến”. Rồi thêm một thứ “diễn biến” khác là hắn đã liều bỏ không biết bao thời gian và tiền túi để lọ mọ học tiếng Anh và vi tính từ lúc mọi người còn coi là thứ xa lạ.

Có lẽ vì vậy mà chỉ vài năm sau khi thành “người của đảng”, hắn đã muốn đảng phải đổi … màu”.

Những dòng ghi chép của Ba Sàm nguy hiểm quá, phải xé ngay, không nên để lại dấu vết.

Nhưng Ba Sàm khiến y hoang mang. Người trong chăn thì muốn chui ra. Còn y lại thích chui đầu vào…

Y quyết định xin ra khỏi ngành để cưới Quỳnh.

Đang định làm đơn, thì có điện của anh Chín: “Anh muốn em về làm trợ lý cho anh. Anh rất cần em lúc này. Suy nghĩ rồi đến chỗ anh, ta bàn”.

Đó là thời điểm anh Chín vừa thăng hàm. Chỉ cần một sao nữa, chân thứ trưởng chắc trong tầm tay. Anh Chín lên, sẽ kéo y lên. Một câu của anh Chín, làm xoay chuyển hẳn cuộc đời y.

Y quay ngoắt một trăm tám mươi độ.

Thế rồi Cao Thu Loan ào đến như một cơn bão. Loan gặp y đúng hôm hai đứa cùng đến chỗ anh Chín. Định mệnh chăng? Không phải. Đấy là sự sắp đặt của tổ chức. Anh Chín và các đồng chí trong cơ quan đã sắp đặt giúp y, đưa đến cho y một người đẹp để xóa đi một giai nhân.

***

Cuộc chia tay lần cuối, y đã vào vai Sở Khanh trên cả tuyệt vời.

- Em còn nhớ lần chúng mình xem phim Người thứ 41 không? - Y đã nói với Quỳnh trong buổi trưa hai đứa nằm với nhau ở khách sạn Bông Trang bên hồ Đại Lải - Khi trên hoang đảo chỉ còn nữ Hồng quân Maryutka và trung úy Bạch vệ Govorukhin thì họ là cặp tình nhân hạnh phúc nhất thế gian. Không có gì chia lìa được họ, kể cả ông trời, kể cả động đất, núi lửa, sóng thần. Họ dâng hiến cho nhau đến tận cùng. Họ chỉ biết có nhau…

- Cho đến khi con tàu trắng hiện ra ở đường chân trời - Quỳnh như đọc được ‎y nghĩ của y, tiếp câu chuyện - Govorukhin biết chính xác đó là con tàu của phe Bạch vệ chứ không phải của Hồng quân…

- Và họ đã trở về hiện thực, một hiện thực trần trụi, đau đớn. Khi chàng trung úy Bạch vệ muốn chạy ra với con tàu thì con người giai cấp trong nàng Maryutka vụt hiện. Thế rồi súng đã nổ. Người nữ Hồng quân thà giết người tình chứ không thể phản bội lý‎ tưởng…

- Và bây giờ anh cũng vậy… Anh phải đi theo tiếng gọi l‎ý tưởng của anh - Quỳnh cười chua chát nhưng nước mắt lại tràn trên má.

Suốt từ đó, Quỳnh hoàn toàn vô cảm. Thực ra, lúc y đưa Quỳnh đến đây, nàng đã lầm tưởng tình yêu của nàng còn có cơ vớt vát. Nhưng khi y nhắc đến Người thứ 41 thì hết thật rồi. Nàng phó mặc. Nàng bất cần. Còn y thì rõ ràng là một kẻ thực dụng và tận hưởng. Nghĩ đến tấm thân ngà ngọc, kiệt tác của tạo hóa mà khó khăn lắm, sau bao lần y giận dỗi, dằn hắt, cầu xin… nàng mới tự nguyện dâng hiến cho y, thì từ hôm nay, không, có thể từ sau hôm nay, sẽ vĩnh viễn không thuộc về y nữa. Y bỗng thấy nuối tiếc một cách xa xót, đau đớn. Và, y hối hả chiếm hữu, tận hưởng đến cùng kiệt. Y như con kền kền đang rỉa xác con mồi giữa thảo nguyên, trong khi vẳng từ trên cao, lao xao một đàn kền kền lạ đang kéo đến. Không. Không thể giành phần cho kẻ khác, khi chỉ còn một lần này…

Cuộc “tát ao” vớt vát ấy, là sự đốn mạt nhất của y mà suốt bao năm sau y không dám nhìn mặt Quỳnh.

***

Những ngày sau, nhiều việc xảy ra dồn dập quá. Y theo đoàn doanh nhân do một vị thứ trưởng bộ Thương Mại dẫn đầu, có Thu Loan làm phiên dịch, bay sang Nga để tìm kiếm đầu tư.

Sau này, nghe Viễn và Mai Thy nói, những ngày ấy mọi người tưởng Quỳnh Thy mắc bệnh tâm thần. Quỳnh đi lang thang suốt đêm. Đi suốt cả tuần. Mẹ và Mai đi trình báo công an và nhờ người đăng thông báo trên đài, trên tivi.

Nhưng rồi, Quỳnh Thy cũng trở về nhà. Cùng về với nàng có một anh chàng tiếng tăm đang nổi như cồn trong giới truyền thông: Luật sư Vũ Duy, người đang cùng với Trần Huỳnh Duy Thức và hai người bạn của anh ta đang làm những việc động trời.

Vũ Duy là ai?

Đã quyết định dứt bỏ Quỳnh Thy rồi, nhưng khi thấy một gã trai khác đang muốn thế chỗ mình, y không chịu nổi.

Và y không phải tốn công tìm kiếm. Hồ sơ an ninh đã cho y biết tất cả.

Ngày ấy, ở Sài Gòn đang nổi lên bộ ba trí thức trẻ: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định. Nếu Thức và Long là hai nhà kỹ trị, ngay từ ngày còn ngồi trên giảng đường Đại học Bách khoa Sài Gòn đã là những sinh viên xuất sắc, thần tượng của giới trẻ, thì Lê Công Định lại học trường Đại học Luật Sài Gòn. Là một luật sư trẻ có chính kiến và uy tín chuyên môn, vừa ra trường Định đã tham gia Đoàn luật sư thành phố, sau đó tu nghiệp ở Pháp và Mỹ. Họ kết thân với nhau thành bộ ba, rồi sau đó thêm Vũ Duy, đại học Luật Hà Nội, thành bộ tứ. Định và Duy gặp và thân nhau khi hai người cùng gặp nhau ở nhiều vụ án oan sai mà thủ ác là các nhóm lợi ích cấu kết với thế lực cầm quyền để cướp đất và hại người lương thiện. Trần Huỳnh Duy Thức kiếm sống từ việc sản xuất ống thụt cầu tiêu. Rồi mở cửa hàng đánh máy thuê, photocopy và bán đĩa mềm. Có chút vốn, Thức và Long lập một cửa hàng kinh doanh máy tính nhỏ. Nhờ tiếp cận thị trường, Thức đã nhập được công nghệ rồi nhập linh kiện rời, lắp ráp thủ công thành những chiếc máy vi tính mang nhãn hiệu Duy Việt. Sản phẩm máy tính cá nhân của Thức và Long đã chiếm lĩnh thị phần lớn không chỉ ở Sài Gòn mà đã lan ra Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Thế rồi cuộc khởi nghiệp của các nhà trí thức trẻ bật khởi khi Duy Việt đã tiên phong đưa vào thị trường Việt Nam công nghệ truy cập digital thay cho công nghệ analog. Đến giữa năm 2002, từ Sài Gòn, EIS.Inc Duy Việt đã vươn sang Singapore và San Jose, Hoa Kỳ. Họ mua lại được công ty Mligo Solution, rồi mua tiếp công ty Volp (giao thức internet), để rồi về Việt Nam thành lập Cty Global EIS và Cty OCI với hàng trăm nhà khoa học và nhân viên lành nghề. Tại Singapore, One-Connection của Trần Huỳnh Duy Thức nhanh chóng nổi lên thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên môi trường internet toàn cầu và đã ký được nhiều hợp đồng với nhiều hãng viễn thông quốc tế, như Mỹ, Nga, Malaysia… Báo chí trong nước tung hô EIS và OCI và coi là niềm tự hào của công nghệ thông tin Việt Nam. Kênh truyền hình Channel Asia phát đi thông điệp: “Qne-Connection từ Việt Nam thách thức các dịch vụ viễn thông truyền thống…” Khi ấy, Trần Huỳnh Duy Thức đã có tuyên bố cũng là tự trao sứ mệnh cho mình: “Tiến công mạnh mẽ vào thị trường công nghệ thông tin quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới”.

Bước khởi nghiệp ấy, nếu được khích lệ, được tự do phát triển, chắc chắn sẽ đưa công nghệ thông tin Việt Nam lên tầm thế giới, chẳng thua kém gì những Google, Facebook, YouTube sau này.

Nhưng bộ ba Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, không dừng lại ở việc phát triển công nghệ và làm giàu. Những năm lăn lộn với giới trẻ, với tầng lớp thợ thuyền bình dân, lại được tiếp cận với văn minh thế giới, họ nhận ra sự tụt hậu của Việt Nam là không thể tránh khỏi. Trong thời đại công nghệ 4.0, mọi nỗ lực phát triển xã hội sẽ chỉ là con số không, nếu chủ thuyết phát triển của Việt Nam vẫn là Chủ nghĩa Mác-Lênin sáo rỗng lỗi thời. Ẩn sau thứ chủ nghĩa ngoại lai độc hại ấy là những nhóm lợi ích khoác áo cộng sản để tham nhũng và đục khoét. Đủ mọi thứ tham nhũng, từ tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tham nhũng lòng tin, đến tham nhũng đất đai, của cải, tiền bạc, tài nguyên môi trường… Thể chế tham nhũng này càng được chống lưng và bảo vệ bởi thế lực Đại Hán muốn thâu tóm, xóa sổ Việt Nam và độc chiếm thế giới. Cứu cánh duy nhất giúp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh hiện thời là xóa bỏ chủ thuyết cộng sản, tạo một cuộc chấn hưng đất nước, một cuộc cách mạng toàn diện, thiết lập một Nhà nước pháp quyền, một nền Kinh tế thị trường và và một Xã hội dân sự. Đó chính là khát vọng của nhiều trí thức trẻ, mà tiêu biểu là Trần Huỳnh Duy Thức. Với bút danh Trần Đông Chấn, đêm đêm Thức viết trên blog của mình những tạp bút bàn về đủ mọi lĩnh vực kinh tế, đầu tư, chứng khoán, văn hóa, môi trường, quản lí‎ xã hội, đạo đức, lối sống… Anh vạch ra cái cơ chế mafia ở Việt Nam: “Họ không hình thành nên những phe nhóm riêng rẽ cụ thể nào cả, mà len lỏi có mặt ở tất cả mọi nơi, từ cơ quan đảng đến nhà nước, chính phủ đến quốc hội, trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính đến các doanh nghiệp. Cũng không có một thỏa thuận liên minh nào được cam kết nhưng bọn họ phối hợp hành động rất ăn ý và đồng bộ nhờ có một mục tiêu chung là trục lợi. Họ không thể hiện chính kiến riêng và luôn hoan nghênh tất cả các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, dự luật của quốc hội và các quyết định của chính quyền địa phương cho dù là chúng mang tính bảo thủ hay cấp tiến… Nhưng điều tồi tệ và nguy hại nhất ở đây chính là những kẻ cơ hội này đang được các thế lực nước ngoài hỗ trợ và nuôi dưỡng vì quan hệ cộng sinh và vì những kế hoạch dài hơn”. Quả là những đúc kết tinh tế và những cảnh báo vĩ mô. Rồi, với trách nhiệm chủ biên, Thức đã cùng hai người bạn viết chung cuốn sách lớn: CON ĐƯỜNG VIỆT NAM hơn nghìn trang, như một cương lĩnh mà họ muốn được Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân tranh luận, bàn thảo để tìm ra giải pháp tối ưu cho đường hướng chấn hưng nước Việt. “Làm sao để Việt Nam phát triển bền vững, nhanh chóng thành một nước dân chủ thịnh vượng? Làm sao lí tưởng “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” trở thành thực tế? Làm sao để Việt Nam không bị biến thành một dạng nô lệ kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa? Vì sao Việt Nam đã đổi mới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 23 năm qua nhưng vẫn còn là nước nghèo?..”. Cuốn sách toàn đặt ra những câu hỏi hiền lành, nghiêm túc, đầy trách nhiệm công dân, đầy trăn trở lo toan về tương lai dân tộc.

Người đồng hành phía bắc của Thức, Long, Định lúc này là Vũ Duy. Sau chuyến đi tu nghiệp ở Đại học Harvard, Hoa Kỳ với Lê Công Định, Duy cùng em trai Vũ Lợi về Hà Nội thành lập công ty Tin học Ứng dụng Lửa Việt, một thành viên của tập đoàn Duy Việt. Duy tham gia viết trên Blog Trần Đông Chấn nhiều bài về quyền con người, thể chế dân chủ, về tự do sáng tạo đối với trí thức. Nhưng khi bộ ba Thức – Long – Định chuẩn bị xuất bản công trình Giải pháp Con đường Việt Nam, với nhiều chuyên mục, từ đánh giá tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, phân tích hiện trạng xu thế khu vực và thế giới, đề ra những giải pháp, bước đi, những thay đổi cần thiết trong mọi lĩnh vực, ngõ hầu xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh theo con đường cải cách dân chủ và hội nhập, thì Vũ Duy lại tuyên bố đứng ngoài. Ba người bạn của Duy sinh trưởng ở phía Nam, vùng đất của “những người mang gươm đi mở cõi”, có tính cách phóng khoáng, khai phóng, lãng mạn, thậm chí bất cần đời. Duy sinh đẻ ở Bắc Hà, vùng đất căn bản của người Việt, với một nghìn năm Bắc thuộc và hơn một nghìn năm vật vã để tồn tại và phát triển, cái miền đất mà có người lãnh đạo hiện nay tự cho là “người miền Bắc,có lý luận(!)”Duy không tán thành cách đi của nhóm Trần Huỳnh Duy Thức. Đó là cái cách tự giơ đầu cho Đảng chặt. Mấy chục năm nay, từ khi chuyên chính vô sản thiết lập trên lãnh thổ này, không một tổ chức nào, một cá nhân nào manh nha muốn thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, muốn kiến lập một chủ thuyết mới (chứ đừng nói đến tổ chức mới), lại có thể tồn tại được quá ba ngày(!)

Quả nhiên, ngay sau khi công trình Giải pháp con đường Việt Nam vừa tung lên mạng, ngày 24 tháng 5 năm 2009, Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt. Tiếp đó, ngày 4 tháng 6, Lê Thăng Long bị bắt. Chín ngày sau, ngày 13 tháng 6, Lê Công Định bị bắt.

Có ai đó than trên facebook: Người ta đã phá tan những giấc mơ đẹp, những hoài bão lớn lao mà thánh thiện.

Bộ ba trí thức trẻ dấn thân ấy sau đó bị một án phạt rất nặng, mỗi người hơn chục năm tù. Phiên tòa phúc thẩm ngày 11 tháng 5 năm 2010, Trần Huỳnh Duy Thức đã bị kết án 16 năm tù và 5 năm quản chế, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự.

Vũ Duy có quý nhân phù trợ. Không hiểu sao chiếc còng số tám vẫn chưa đụng đến hắn?

H.M.T.