Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Sài Gòn – Những ngày phong thành (53)

THÔNG TIN:

*Đề xuất 25.000 shipper được hoạt động liên quận, huyện TP.HCM

https://zingnews.vn/de-xuat-25000-shipper-duoc-hoat-dong-lien-quan-huyen-tphcm-post1256324.html

*Lại cho shipper giao hàng tại quận huyện 'vùng đỏ' của TP.HCM

https://tuoitre.vn/lai-cho-shipper-giao-hang-tai-quan-huyen-vung-do-cua-tp-hcm-2021082815545666.htm

*TP.HCM: Các shipper được hoạt động ở mọi địa bàn, phải xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày

https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-cac-shipper-duoc-hoat-dong-o-moi-dia-ban-phai-xet-nghiem-covid-19-moi-ngay-1441428.html

*Người dân TP Thủ Đức 'đi chợ' trên Grab sẽ nhận đồ sau 2 ngày

https://zingnews.vn/nguoi-dan-tp-thu-duc-di-cho-tren-grab-se-nhan-do-sau-2-ngay-post1256481.html

*Lái xe ôm được hỗ trợ 3 triệu đồng, lao động thất nghiệp được 1,2 triệu

https://tuoitre.vn/lai-xe-om-duoc-ho-tro-3-trieu-dong-lao-dong-that-nghiep-duoc-1-2-trieu-20210828171746648.htm

*Tiêm ngừa covid-19 với vắc xin Pfizer Biontech với tất cả phụ nữ mang thai (>13 tuần) và đang cho con bú khi đến khám tại bệnh viện Hùng Vương.

https://www.facebook.com/hungvuonghospital/posts/1302603440156740

*TP.HCM: Từ ngày 29.8, thêm 3 nhóm trường hợp lưu thông không cần giấy đi đường

https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-tu-ngay-298-co-3-nhom-truong-hop-luu-thong-khong-can-giay-di-duong-1441384.html

*Chủ tịch nước gửi thư động viên vợ con chủ quán cơm thiện nguyện Cường Béo

https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-gui-thu-dong-vien-vo-con-chu-quan-com-thien-nguyen-cuong-beo-20210828175814631.htm

 

 

TẠI SAO TỈ LỆ TỬ VONG Ở VIỆT NAM CAO? (*)

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Điều làm tôi sốc trong trận dịch này là tỉ lệ tử vong ở VN cao hơn các nước trong vùng. Cao hơn cả Campuchia!

Tính đến nay, con số tử vong liên quan đến covid ở VN đã vượt con số 10,000. Dĩ nhiên con số đó chưa đủ và sẽ còn tăng. Tính đơn giản trên số ca nhiễm thì tỉ lệ tử vong là 2.45%. Con số này cao hơn Thái Lan (0.94%), Mã Lai (0.93%), Phi Luật Tân (1.71%), Campuchea (2.03%), và cả Ấn Độ (1.34%). Biểu đồ dưới đây cho thấy điều đó.

Tại sao tỉ lệ tử vong covid ở VN cao? Đây là câu hỏi làm tôi suy nghĩ mãi, nhưng hôm nay thì có câu trả lời từ anh Võ Xuân Sơn [1]:

"Thì đúng, y tế Việt nam rất tệ. Tệ đến mức mà gần 2 năm dịch, khi dịch bùng phát thiếu máy thở trầm trọng. Chẳng riêng gì máy thở, cái gì cũng thiếu. đến nỗi mà bao nhiêu bác sĩ phải dùng uy tín, mối quan hệ cá nhân, để kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Mọi thứ cho thấy, nền y tế này hoàn toàn không được chuẩn bị gì cho trường hợp dịch bùng phát.

[...]

Tuy nhiên, những gì nó thể hiện qua vụ dịch lần này cho thấy còn tệ hơn mức yếu kém của nó. Nó bị quá nhiều thứ chi phối, nó không được độc lập, nó bị sự ngạo nghễ của những lãnh đạo đè nén nó, nó bị tư duy che giấu sự yếu kém không cho ngóc đầu.

Ban đầu, các vị lãnh đạo tưởng rằng, họ và hệ thống y tế công có thể ngạo nghễ chiến thắng dịch. Họ gạt hẳn y tế tư nhân ra. Đến khi nhận thấy hệ thống công không thể đảm đương nổi, thì kêu gọi hệ thống y tế tư nhân phục vụ không công. Khi một vài cơ sở y tế tư nhân đề nghị cho họ làm việc thu tiền thì không cho, thậm chí bắt phạt các cơ sở y tế tư nhân làm dịch vụ tư vấn theo dõi F0 có thu tiền rõ ràng, minh bạch. Cái tư tưởng miễn phí bằng tiền của dân nó kéo lùi y tế. Cho nên, lấy mẫu, chích vaccine cứ là cái ổ lây nhiễm.

Khi các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị, kể cả trang thiết bị bảo hộ, bác sĩ lên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ, thì bị yêu cầu gỡ bài. Họ coi trọng cái sĩ diện hão, không muốn ai biết là họ đã không chuẩn bị, bất chấp sự phơi nhiễm của nhân viên y tế. Đối xử với nhân viên y tế như vậy thì lấy tư cách gì mà đòi hỏi y tế phải thế này thế khác.

Khi người dân bị nhiễm ở nhà trở nặng gọi khắp các nơi mà không nhận được sự trợ giúp, thì không ai dám công khai chuyện đó. Đến khi mạng xã hội tràn ngập thông tin, thì các cá nhân và các tổ chức tự phát tổ chức cứu giúp những người dân đang bị bỏ rơi. Vừa mới điều được mấy ngàn chiến sĩ quân y để lập được cái hệ thống Trạm y tế lưu động và Đội phản ứng nhanh, chưa biết hoạt động hiệu quả như thế nào, đã bày trò coi thường “các tổ chức nhỏ lẻ”, cấm đoán họ, bắt họ ở nhà.

Tất cả những điều đó đóng góp vào cái tỉ lệ tử vong cao chất ngất."

Các bạn có thể đọc cái note của anh ấy [1] sẽ rõ hơn và đau hơn.

___

[1] https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2110812299075885

clip_image002

Số ca nhiễm (trục hoành) và số ca tử vong (trục tung) của ~200 nước trên thế giới.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

BỘ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG

FB Cao Xuan Minh

Cán bộ cấp xã phường luôn có hạn, chưa kể dính F0 nữa.

Nếu lo test đại trà thì chậm chích ngừa, nếu lo rau củ quả gạo mắm thì bỏ chích ngừa.

Cái nào giờ là ưu tiên nhất để cứu dân? Chích ngừa.

Xã phường là thành trì địa phương nhưng không thể 3 đầu 6 tay. Dân y tế chích ngừa nhưng điều phối dân, vòng trong vòng ngoài là xã phường.

Trong quản trị cần biết việc nào ưu tiên 1. Không thể làm tất cả tại 1 thời điểm.

Hãy nhìn Campuchia, họ đã thong thả sau khi chích ngừa cho dân.

https://dr.zapps.vn/bo-y-te-hoa-toc-yeu-cau-thuc-hien...

clip_image004

STRATEGY VÀ MANAGEMENT

FB Xuân Sơn Võ

Tôi là một bác sĩ được đào tạo vào cái thời bao cấp, bế quan tỏa cảng. Thời đó gần như không có tài liệu y khoa mới nào từ nước ngoài được đưa về Việt Nam. Hầu hết sách vở là từ các thầy cô trong nước, viết theo kiểu Việt Nam, tuần tự từ bệnh sinh, triệu chứng, rồi điều trị…

Khi bắt đầu tiếp xúc với các tài liệu nước ngoài, tôi bắt đầu làm quen với quản trị, chiến lược, kiểu như Management, Strategy. Ban đầu tôi rất bỡ ngỡ. Bịnh với tật, làm gì mà Management, Strategy, nghe sao mà đao to búa lớn. Cho đến khi ra nước ngoài học với các thầy lớn, tôi mới biết, họ gần như rất ít chú ý đến việc huấn luyện về kĩ thuật, mà chú ý đặc biệt đến Management, đến Strategy. Khi đã có nền tảng về Management, về Strategy, thì việc tiếp cận kĩ thuật chỉ còn là việc nhỏ.

Tôi không rõ về chính trị, quản trị quốc gia thì thế nào, nhưng cũng có cảm giác là các nhà quản lí đất nước này bị thiếu kiến thức về Management, về Strategy, đến mức mà ngay cả cái định hướng XHCN là gì mà nhiều ông còn không nói cho rõ ràng được, nhưng cả nước vẫn cứ phải định hướng theo cái không rõ ràng ấy.

Bây giờ chống dịch cũng vậy. Những gì đang xảy ra ở TPHCM cho thấy, từ khi thành phố ra tay chống dịch dưới sự chỉ đạo của trung ương, cho đến khi trung ương can thiệp mạnh vào quyền chỉ đạo, tất cả đều thiếu một chiến lược chống dịch rõ ràng, thiếu một đường lối cụ thể, thiếu qui trình quản trị chống dịch rõ ràng, nhất quán.

Các sách lược đưa ra đều manh mún, giật gấu vá vai. Công tâm mà nói, thì khi thành phố có nhiều quyền chủ động, các chính sách dù có nhiều sai sót, nhưng vẫn khá hơn khi trung ương quyết liệt can thiệp. Khi đó, vẫn còn chút đồng bộ, và có chỗ để người dân ra tay giúp nhau, bù đắp vào các khiếm khuyết của chính quyền.

Càng về sau, càng có nhiều sự quyết liệt, thì các chính sách đưa ra càng trở nên vô lí, bất khả thi, để đến mức phải thay đổi liên tục. Và từ đó mà các chính sách, sách lược cứ như là cái mà trong ngành Phẫu thuật Thần kinh gọi là “thị trường hình ống”. Tức là người ta chỉ nhìn được trong một phạm vi rất hẹp, như nhìn qua cái ống dài, không thấy được các mối liên quan, các tác động xung quanh, giống như những con ngựa đang bị bịt mắt, không cho nhìn rộng ra xung quanh.

Mấy ngày nay, rất nhiều gia đình quen với tôi, dù phòng thủ rất kĩ, nhưng cả nhà đã bị nhiễm. Cứ như là có ai đó bơm virus vào mọi ngõ ngách, mọi khe cửa, để những gia đình gần như tách biệt hẳn với thế giới vẫn bị nhiễm. Hầu như nhà nào cũng không thể lí giải, họ có thể nhiễm từ đâu. Đó là dấu hiệu của dịch đã lên đến đỉnh điểm.

Hi vọng rằng vài tuần nữa, chúng ta sẽ bước qua đỉnh dịch. Dù là đỉnh dịch do khống chế, hay đỉnh dịch tự nhiên, thì chúng ta vẫn có thể hi vọng, hết tháng Chín này, chúng ta sẽ không còn bị cấm đoán. Khi đó dù có sống lay lắt vẫn còn hơn bây giờ. Khi đó, sẽ không còn những người phải chết tức tưởi vì thiếu phương tiện cấp cứu, vì không biết làm sao để đến được bệnh viện, vì bình oxy không được phép mang đến nhà…

Khi đó, ai muốn kể công lao, khoe tài tình cũng được. Miễn là những thứ làm bộc lộ khả năng lãnh đạo thật của bộ máy không còn nữa, để chúng ta lại cùng nhau tin tưởng và tung hô sự tài tình, sáng suốt.

clip_image006

RƠI RỤNG

FB Xuân Sơn Võ

Một tổ chức “nhỏ lẻ”, từng cung cấp bao nhiêu thiết bị bảo hộ, bao nhiêu phần ăn cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch, đã quyết định rút quân sau khi cố gắng làm hết các công việc đã nhận lãnh sự ủy thác từ bà con.

Hôm nay, một trong số hiếm hoi những người của chúng tôi được công an cấp giấy đi đường, để vận chuyển oxy đến cho người bệnh, đã chính thức phải cất giấy đi đường, vì kết quả thử test nhanh định kì cho ra 2 vạch. Mấy ngày tới, đội ngũ vận chuyển oxy tới nhà người bệnh này của chúng tôi có thể sẽ rơi rụng dần. Tất cả chúng tôi đều ý thức được khá rõ ràng, đây là công việc phơi nhiễm nặng.

Nếu không có người vận chuyển đến nhà, người bệnh có thể gọi các Trạm y tế lưu động, các Tổ phản ứng nhanh. Nếu không được thì có thể tự đến cở sở của chúng tôi ở 722 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 để lấy bình oxy, hoặc nhờ tổ dân phố cho người đi lấy. Tuy nhiên, nếu đội ngũ vận chuyển oxy đi nạp bình và đội ngũ giao nhận bình oxy tại chỗ mà bị nhiễm, thì nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sẽ cao hơn rất nhiều.

Tất nhiên, vì là tổ chức “nhỏ lẻ”, nên công an sẽ không cấp thêm giấy đi đường. Chúng tôi sẽ cố gắng hoạt động trong khả năng của mình. Tôi xin khẳng định, tất cả chúng tôi, không ai muốn ra đường, không ai muốn phơi nhiễm, không ai muốn mình bị 2 vạch cả. Bản thân tôi cũng đang rất cần dành thời gian và sức lực cho gia đình tôi, cho gia đình các bạn bè tôi, vào lúc họ đang rất cần đến tôi.

Vì hôm nay là ngày nghỉ, sáng thứ Hai này tôi sẽ khóa tài khoản. Một phần là đóng góp cũng đã gần đủ số lượng cần thiết, một phần là sợ rằng chúng tôi sẽ không thể đáp ứng kì vọng của các nhà hảo tâm.

clip_image008

clip_image010

CHỐNG DỊCH THÁNG 8 RECAP:

BIẾN THẤT BẠI TẬP THỂ THÀNH LỖI LẦM ĐỊA PHƯƠNG

FB Tan Trung Nguyen Quoc

Nhiều “mũi dùi” hiện nay nhắm trực diện vào chính quyền địa phương với hàng loạt các chức danh lãnh đạo thành phố bị thay thế, trong khi chức danh phường xã thì bị chấn chỉnh bởi cấp trên và bị chửi bới bởi người dân. Điều này được phản ánh thêm phần nào trong các chiến dịch tuyên truyền về quân đội, lẫn quá trình vi hành của Thủ tướng vào trung tâm dịch.

Mình xin chỉ ra vài góc nhìn để bạn đọc có thể suy nghĩ thêm về vai trò và trách nhiệm giữa bài toán Trung ương và Địa phương hiện nay:

1) “MỤC TIÊU KÉP”

Yêu cầu bắt buộc thành phố Hồ Chí Minh phải đạt chỉ tiêu kép (vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế) là của Trung ương, không phải của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.

Cho đến tận giữa tháng 7 năm nay, trong thời điểm các nhà nghiên cứu đều biết dịch đã mất kiểm soát tại trung tâm kinh tế của cả nước, phía Chính phủ và các cơ quan trung ương vẫn nhất quyết không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, hay chấp nhận cho các đầu tài kinh tế Đông Nam Bộ giảm thu ngân sách hay giảm chỉ tiêu…

Điều này chắc chắn có những tác động tiêu cực đến tâm lý và chính sách chống dịch của chính quyền địa phương.

Nguồn: [https://dangcongsan.vn/.../kien-quyet-kien-tri-thuc-hien...]

2) TÍNH TRÌNH DIỄN CỦA VIỆC ĐƯA QUÂN ĐỘI VÀO “CAN THIỆP”

Các phường xã và ban ngành tại thành phố Hồ Chí Minh ai cũng biết là việc đưa quân đội vào thành phố Hồ Chí Minh để lo cho việc phân phối thực phẩm sẽ không thành công, hay chí ít, không tạo nên giá trị đột phá nào cho chuỗi cung ứng ngành hàng bán lẻ của thành phố.

Thất bại ra sao thì có lẽ không phải do mình tự nhận định, mà thể hiện trên báo chí chính thống lẫn nỗ lực lập thêm một đội “shipper tình nguyện” khác của thành phố.

Theo nhiều ghi nhận từ các cán bộ địa phương, mỗi phường chỉ được tăng cường thêm chừng… 10 quân nhân. Điều này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ các tác vụ quan trọng nhất như tiếp nhận đơn từ phía dân cư, mua hàng hóa, sắp xếp kế hoạch phân bổ hàng hóa… đều do hệ thống cán bộ địa phương tiếp tục tự lo liệu.

Phần việc “lộ thiên”, dễ nhìn thấy, dễ chụp ảnh, dễ lấy cảm tình quần chúng, bao gồm vận chuyển tới nhà dân và phân phát, thì lại do quân nhân đảm nhiệm (thậm chí cả việc này cũng cần đến các cán bộ thổ địa dẫn đường, hướng dẫn giao cho hộ nào).

Cùng với rất nhiều các trách nhiệm khác của hệ thống địa phương, từ tiếp tục rà soát và quản lý các điểm có ghi nhận dịch bệnh, COVID-testing, Oxi ATM … sự xuất hiện của quân đội tại thành phố Hồ Chí Minh không tạo nên giá trị nào đáng kể cho quá trình chống dịch ngoài giá trị tuyên truyền (mà mình thừa nhận là cực kỳ thành công với các chị em xiêm áo sẵn sàng lấy chồng / cùng với các câu chuyện “dễ thương” như quân nhân chụp ảnh trước các sản phẩm băng vệ sinh).

Ngoài ra, việc phân bổ quân nhân cũng ít có tính toán đến tính chất dân cư và phổ dân cư của thành phố. Phường Nguyễn Thái Bình hay phường Bến Thành, vốn ít người ở và nhiều trụ sở làm việc, lại nhận số lượng quân nhân không quá khác biệt với những phường thuộc các quận rất đông dân cư khó khăn như Bình Tân hay Quận 8…

Sau chỉ ba ngày, hiệu quả và bản chất thật sự của quá trình can thiệp có thể đã rõ ràng, mà cả bộ máy chính quyền lẫn người dân thành phố Hồ Chí Minh đều có thể cảm nhận được.

Quá trình tuyên truyền có lẽ tạo thêm tính chính danh và lòng tin cho chính quyền trung ương, nhưng rõ ràng nó không giảm tải được công việc cho hệ thống chính trị cơ sở.

Đấy là chưa xét đến thực tế rất nhiều cán bộ địa phương bị huy động vào hàng loạt các chiến dịch chống dịch từ A đến Z mà không hề biết rằng chế độ hỗ trợ cho họ là ra sao.

[Nguồn:

https://www.vietnamplus.vn/ra-mat-doi-shipper.../736620.vnp

https://thesaigontimes.vn/don-hang-di-cho-ho-dang-don.../...]

3) “VI HÀNH”

Hình ảnh vi hành của Thủ tướng Chính phủ đến một số nhà dân kiểm tra, rồi “phát hiện” sự chậm trễ của hệ thống đường dây nóng, rồi tổng đài 1022 đều quá tải… khiến ông nhanh chóng chỉ điểm trách nhiệm của… chủ tịch phường rằng tại sao không thông tin sâu sát đến người dân (?!).

[Nguồn: https://vnexpress.net/thu-tuong-kiem-tra-duong-day-nong-o...]

Hình ảnh này mình thừa nhận là cần thiết về mặt an dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhưng chỉ điểm lỗi của hệ thống đường dây nóng là lỗi địa phương có hợp lý hay không?

Thử tìm kiếm trên hệ thống văn bản pháp luật lẫn văn bản quản lý hành chính trên các hệ thống hiện nay với từ khóa “Đường dây nóng” + “COVID”, toàn bộ các văn bản mà mình có thể tiếp cận đều là văn bản do UBND các địa phương tự ban hành. Không hề có một nỗ lực lập pháp nào từ Trung ương về đường dây nóng của COVID.

Nói cách khác, các đường dây nóng cấp phường, cấp huyện, cấp tỉnh… đều là các nỗ lực hành chính địa phương mà không có một khung pháp lý tiêu chuẩn, cũng như chế độ chi phí, ngân sách nào cụ thể để họ hoạt động, và quan trọng hơn là mở rộng hoạt động ra sao.

P.S: Mình đồng tình với luận điểm là thời gian chống dịch thì cần phải tập trung, phải thống nhất. Nhưng khi các chính sách thống nhất không nhắm đến giải quyết vấn đề, mà lại có tính đổ lỗi, tính phân biệt ranh giới, và không thừa nhận thất bại chung, vài tiếng nói cần được cất lên.

"ANH BỘ ĐỘI ĐI CHỢ GIÚP DÂN" Ở ĐÂU NHỈ?

FB Vu Thi Phuong Anh

Thề có ông mặt trời chứng giám, từ ngày 23 đến nay là gần một tuần, tôi chưa thấy một anh bộ đội giúp dân nào đi ngang qua khu nhà tôi cả. Mà chỗ tôi là khu bình dân, nhiều người lao động nghèo chứ không phải giàu có gì.

Thật.

PS: Tôi chỉ hỏi vì thắc mắc thôi, chứ không mong mỏi hoặc đề nghị được anh bộ đội đi chợ hộ đâu ạ. Ngược lại, tôi mong chính quyền nhanh chóng cho phép hệ thống phân phối chuyên nghiệp của SG sớm hoạt động bình thường trở lại.

Đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười quanh câu chuyện đi chợ hộ này từ ngày 23 đến giờ rồi ạ.

ĐI CHỢ HỘ CHO GẦN 2 TRIỆU 200 NGÀN HỘ DÂN TPHCM?

FB Vu Kim Hanh

Trang FB của Tung Hoang (chủ tịch TP Thủ Đức) hôm qua có đưa tin: Tp. Thủ Đức phối hợp cùng Grab để đi chợ và mua giúp hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân.

Trong đầu tôi bỗng bật nhanh khúc phim “đi chợ hộ” (nghề phân phối tôi cũng có biết và cũng thường tổ chức huấn luyện cho DN nhỏ mà).

-Chỉ hai ngày sau “quyết định giãn cách nghiêm ngặt 238” đã thấy Thời báo KT Sài Gòn đăng: còn quá ít đơn đặt hàng đi chợ hộ và cần thêm combo y tế. Vâng, đến lúc đó, chỉ có 3 đến 4% số hộ dân TP gửi đơn nhờ đi chợ. Phản ánh đầu tiên là: giá hàng siêu thị còn cao, tổ chức combo chưa phù hợp và thiếu thuốc.

Đến hôm nay, sau 5 ngày thì đơn đặt hàng đi chợ hộ đã tăng như chỉ đạo, thì đây là tựa nhỏ (tóm nội dung) của 2 bài báo tiêu biểu: “Hàng chục vấn đề phát sinh khi triển khai “đi chợ hộ”, đặt combo hàng hóa khiến nhiều người dân cũng như hệ thống phân phối bối rối, lúng túng”. Và: “Không đơn giản như kế hoạch, việc đi chợ hộ ở TPHCM đang tắc từ đầu vào lẫn đầu ra. Lượng đơn đặt hàng đang dồn ứ tại các siêu thị ngày một nhiều bởi nhân lực vận chuyển đang rất hạn chế và việc phối hợp với các địa phương vẫn còn rối”.

-Tôi lật lại folder riêng mà tôi lưu tôi lưu đúng ngày 23/8 để nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu huấn luyện về bán lẻ - phân phối sau dịch. Đọc lại thấy cũng sinh động vui vui, tôi post lên đây các bạn đọc chơi.

-Hai người bạn tôi quen có đề cập trên một trang FB về việc GRAB tình nguyện giúp việc đi chợ hộ như sau (các ý kiến, tôi đều ghi nguyên văn, không ghi tên người có ý kiến vì coi như ghi nhận từ một diễn đàn công cộng):

Ý kiến 1. “Grab đề xuất hỗ trợ miễn phí công việc này cho các đơn vị quân đội bằng nền tảng công nghệ và lực lượng shipper.

Grab đã gửi đề xuất cho TP.HCM. Grab không đặt vấn đề thay thế các bộ phận mua hộ của chính quyền ở các phường, mà xin làm chân làm tay cho họ trong việc mua hộ, để công việc hiệu quả hơn khi có ứng dụng công nghệ và lực lượng chuyên nghiệp. đây là đề xuất hỗ trợ MIỄN PHÍ của Grab, như một hoạt động thiện nguyện giúp thành phố chứ không phải kinh doanh

Sau khi có các phản ứng không đồng tình thì bạn tôi viết tiếp:

Người ta thấy các bộ phận mua hộ làm việc vất vả thì đề xuất được giúp. Nếu không cần thì nói cám ơn, chúng tôi không cần. Cho nên nói, nên cấm Grab hay "cấm Grab là đúng" nghe rất buồn cười. Chả ai lại bảo người đề xuất giúp mình là TÔI CẤM ANH GIÚP cả. Ngớ ngẩn, sorry.

Ý kiến 2. Các bạn ơi, mình dân quản lý kinh tế nên tin vào hiệu quả bàn tay vô hình của thị trường, miễn Nhà nước biêt kiến tạo. Vấn đề là chúng ta không có được sự kiến tạo. Dân nghèo và shipper đang chết đói, tại sao không cho họ tiêm nhanh và để họ làm chuyên môn. Cái gì cũng cần chuyên nghiệp. Shipper, Grab, Tiki, Now có cầm súng dọa "tàu lạ" đâu!

Và đây là những ý kiến không đồng thuận với đề xuất công ty dịch vụ xin giúp miễn phí.

-“Việc này, tôi nghĩ có mấy vấn đề. Thứ nhất là kỷ luật. Thứ hai, là vướng luật cạnh tranh. Thứ ba là sự tin tưởng. vấn đề cốt lõi của TP bây giờ nằm ở cảm xúc của người dân, chứ không chỉ ở hiệu quả của công việc đi chợ hộ.

Người dân TP có thể vì thương và tin yêu bộ đội mà chấp hành nghiêm túc hơn, và sẵn sàng tha thứ cho các chiến sĩ khi có gì sơ suất. Nhưng với nhân viên Grab thì không chắc. Chưa kể có khi còn bị những thế lực cạnh tranh quấy phá”.

-“Quân đội không chỉ mua hộ dân thực phẩm, mà còn cấp miễn phí túi quà cho những gia đình khó khăn. Để thực hiện cùng lúc 2 công việc ấy họ đã tổ chức ra 336 đội... bám sát dân theo địa lý, làm sao grab làm được. Đâu chỉ có mua hộ, họ còn làm nhiệm vụ phát túi thực phẩm cho những gia đình khó khăn, không có tiền mua. Thử hỏi ai được tin cậy và làm tốt việc này hơn quân đội” (xin chêm một ý ở đây: Sài Gòn có hằng hà tổ chức thiện nguyện giúp dân nghèo vì thương nhau, vì muốn chia sẻ, họ làm mọi thứ “êm” lắm, đọc đến đây cũng hơi “chạnh lòng, dù chỉ nhẹ thôi, tôi tin chính các anh bộ đội không nghĩ thế)

-“Quan trọng là đề cao tính kỉ luật quân đội: mọi người phải nghiêm túc cách ly người với người, việc sinh hoạt hàng ngày sẽ có người lo. Quyết tâm như vậy mới thắng được Covid. Riêng niềm tin phát túi lương thực thực phẩm miễn phí cho dân nghèo thì quân đội có niềm tin cao nhất, grab, shipper không ai tin giao làm việc này cả.

Thế chả nhẽ tồn tại 1 đội làm 2 việc riêng.

Bạn nói bạn là dân kinh tế, bạn tính hiệu quả và chi phí 2 cách làm đi”.

-“Nên nhớ nhé, không ai chết đói cả vì lương thực, thực phẩm được cung cấp đến nhà từng ngày ( khỏi phải đi chợ). Chỉ là thiếu rượu và mồi thôi. Vì thế mới mong mọi người chia sẻ chịu khổ thêm 2 tuần để giải quyết triệt để dịch bệnh này”.

Hết trích.

...Và thực tế đang cho chúng ta thấy: có những ý kiến không chú ý khía cạnh chuyên nghiệp trong quản lý chuỗi cung ứng, một việc tưởng bình thường: đi chợ thôi mà. Thú thật là thấy các em, cháu bộ đội trẻ, chăm, tận tụy bị lúng túng, tôi có hỏi anh giám đốc vận hành Trung tâm BSA hiện nay, nguyên là giám đốc vận hành cả chuỗi siêu thị Auchan là: hay để tôi qua xin các anh lãnh đạo quận 3 để cho mình làm vài buổi huấn luyện bộ đội về chuyện chuyên môn đi siêu thị và phân phát hàng nhé. Tôi được trả lời: cô liên lạc được là cháu sẵn sàng, bài chỉ là tuồng bụng. Nhưng cần nhân sự chuyên môn, học vài buổi không thay được nhân viên siêu thị và shipper chuyên nghiệp cô ơi. Mà không biết có được phép không cô...

Nay thấy anh chủ tịch TP Thủ Đức “xử” nhanh. Thủ Đức gồm 3 quận, còn trăm thứ việc cấp bách hơn mà nếu cứ lo xử kiện việc "đi chợ hộ" thì bộ máy chính quyền chắc còn mệt.

Xin chúc mừng anh.

XOAY NHƯ ĐÈN CÙ, VÌ SAO?

FB Hậu Kc Nguyễn

1. Vì sao Giấy phép đi đường thay đổi liên tục, “giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp” (theo báo Tuổi trẻ) mà không phải là Sở Giao thông hay Sở Công thương – hai cơ quan quan trọng trong việc tham mưu cho UBNDTP về lưu thông và cung cấp hàng hóa trong/ngoài thành phố. Tình trạng này làm cho nơi cần người cần thì không kịp nhận mẫu giấy mới, không có giấy thì không thể đi đâu, trở ngai cho nhiều việc nhiều người. Mà có cần phải in mới, in đẹp để tốn kém thêm như vậy ko?

2. Việc đi chợ giùm:

Xin khẳng định ngay tôi vô cùng quý trọng bộ đội cũng như các anh chị công tác tại phường đã không quản ngại nguy hiểm, kể cả sự phức tạp nữa, để lo bữa ăn cho người dân. Nhưng đây là lực lượng mua bán và vận chuyển hàng hóa không chuyên nghiệp, có năng lực làm công việc khác phù hợp và hiệu quả hơn, sử dụng vào việc này rất phí phạm, có nguy cơ lây bệnh cao, làm giảm sức “chiến đấu” khi cần thiết. Cũng phải nói rằng, chuyện đi chợ nếu không có những chỉ thị “đùng một cái” thì dân đâu có bất chấp nguy hiểm để xếp hàng mua thực phẩm. Cho nên chỉ cần hàng hóa được lưu thông và tương đối đầy đủ, thì việc chợ búa đâu có gì phức tạp, sao biện pháp cứ phải “xoay như đèn cù”?

Vì sao không tổ chức bán hàng lưu động đến từng khu phố, từng hẻm bằng những xe bán tải hoặc xe bus nhỏ, các hộ gia đình mua theo phiếu hẹn ngày/giờ, đồng thời thực hiện giãn cách và các biện pháp 5K khác? Thậm chí, như ở nhiều nước khác, đóng cửa siêu thị, cửa hàng, chợ lớn, nhưng có thể cho mở các cửa hàng nhỏ bán bách hóa, thức ăn mang về, cũng thực hiện đúng 5K... Hiện nay dồn toàn bộ việc cung cấp thực phẩm (chủ yếu, sau đó là lương thực và 1 số mặt hàng thiết yếu khác) lên vai quân đội và cán bộ phường, tạo nên “tình trạng quá tải các đơn hàng ở siêu thị” đồng thời nhiều nơi dân phải chờ 2, 3 ngày hoặc hơn mới nhận được hàng mua giùm.

3. Những ngày trước lực lượng sipper chuyên nghiệp đã giải quyết việc lưu thông khá tốt, ngay cả khi chỉ cho giao hàng trong nội quận. Vậy vì sao không tiếp tục phương án này – có thể giảm bớt số lượng – mà lại chấm dứt ngay. Để rồi phải thành lập Đội hình tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận và phân phối hàng hóa đến người dân khó khăn (gọi tắt là đội shipper tình nguyện). Theo đó, đội shipper tình nguyện với số lượng 700 thành viên gồm: sinh viên, thanh niên tình nguyện, tài xế các hãng xe công nghệ... (tin từ báo Thanh Niên). Tức là thay thế đội ngũ có sẵn bằng một đội ngũ khác, chắc chắn tổ chức và vận hành không linh hoạt và hiệu quả như trước.

4. "Nhiều phường ở TP.HCM phản ánh có tình trạng người dân nhờ cán bộ đi chợ hộ. Khi hàng giao đến thì không nhận mà nói là đặt thử xem có thật không".

Thông tin này được ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ trong Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 26/8 (tin từ Zing). Xin hỏi lại: việc này có thật hay không? Nếu có đề nghị nêu tên người “bom hàng” và đề nghị địa phương xử lý, vì đây là “hành vi cản trở người thi hành công vụ”. Nếu không có việc này thì ai phản ánh sai có bị phạt như việc “phao tin giả” hay không, vì đã tạo nên những dư luận không tốt về người dân TPHCM?

5. Việc Sở Nội vụ đề xuất việc cán bộ công chức đi lại trong những ngày này phải mặc “đồng phục nhận diện” là một việc làm hoàn toàn không cần thiết, tốn kém, gây phiền phức cho các cơ quan đơn vị. Bởi vì đã có giấy đi đường (hoặc giấy phép, giấy công tác, thẻ công chức, thậm chí cả tin nhắn trong điện thoại nếu có việc đột xuất...). Lại thêm một kiểu “thừa giấy vẽ voi”!

Đây là những giải pháp “đúng mà không trúng” vì sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu, sửa đâu sai đó, đâu đó sửa sai... Không biết nơi nào và TẠI SAO lại tham mưu cho chính quyền những “giải pháp” như trên góp phần làm cho tình hình thành phố đã rối càng thêm rối?

BÀ CON KÉO LÊN UỶ BAN HỎI GÓI CỨU TRỢ (*)

Theo FB Phan Nguyễn Trường An

Bà Điểm Hóc Môn, Tp Hcm chiều nay.…

(*) Nhan đề của Văn Việt.

PHÚT "NGHE MƯA" CỦA BÁC SĨ BỆNH VIỆN HỒI SỨC COVID

Bác sĩ Trần Nam Chung – Sức khoẻ & Đời sống, 28-08-2021

SKĐS - Ngoài trời đang mưa to và trong lòng tôi giai điệu lại vang lên hùng tráng "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi"

Giữa Sài Gòn, tôi nhận ra bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư

Chiều tối nay tan làm, bước ra cổng bệnh viện Hồi sức Covid, nơi chúng tôi đang miệt mài chiến đấu với đại dịch COVID, với từng ca bệnh hóc búa, gió chợt thổi mạnh, một cảm giác thật khác lạ, mọi giác quan dường như bừng tỉnh. Chị bạn đồng nghiệp kêu to "Ôi, mát quá" và nhảy chân sáo ra xe.

clip_image012

Mưa Sài Gòn qua ô cửa kính

‏Quả thật, cả ngày trời làm việc hối hả trong buồng bệnh, chúng tôi chỉ biết tập trung hết sức với những ca bệnh phức tạp, hết ca này có diễn biến bất thường, đến ca khác chuyển độ nặng cần phải xử trí mà không còn thời gian để nghĩ đến cái không khí "đặc trưng" của trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID nặng và nguy kịch nữa, nơi mà bầu không khí hối hả và ngột ngạt mà đậm đặc loại virus khủng - COVID-19

Ở ngoài kia, mọi người đều sẽ trở nên căng thẳng, thậm chí là hoang mang khi biết nơi này, nơi kia ở gần nơi mình sinh sống hay làm việc, có phát hiện ca F0 hay F1, và rồi tự hỏi, mình đang là F mấy, liệu mình có đã tiếp xúc với người ta không nhỉ?... Còn ở đây, chúng tôi không còn khái niệm F nữa, không còn khái niệm căng thẳng hay vất vả, không còn cảm giác về thời gian, không biết hôm nay là thứ mấy nữa, "trung tâm COVID" mà.‏

‏Ở đâu đó vang lên lời ca mà thoảng như lời trách móc, dìu dặt mà tha thiết của ca sĩ Thái Thanh: ‏

"Em không nghe rừng thu‏

‏Lá thu kêu xào xạc"

clip_image014

Mưa ở Sài Gòn

‏Tôi nhận ra bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Ô hay, sao mà khéo thế, "lá thu kêu xào xạc" rồi đấy ư? Chúng tôi quả thật đã quên nhiều thứ, quên mất đã hơn một tháng xa nhà rồi, quên đi sự căng thẳng, khó nhọc và biết bao kế hoạch, dự định của chính mình. Và cũng quên đi là thu đã về. Lòng chợt nhớ da diết mùa thu Hà Nội, nhớ cây cơm nguội vàng với cây bàng lá đỏ, nhớ ‏‏hương hoa sữa dịu dàng mà bịn rịn, chiếc lá vàng chao cánh, nhớ những cung đường ta từng rong ruổi, ôi nhớ. Và tôi bỗng muốn hát lại với lời khác "Em nghe chăng mùa thu".‏

‏Lại thấy nhạc sĩ Trần Long Ẩn thật tài tình khi viết bài hát "Trên mảnh đất tình người": ‏

‏Vượt ngàn dặm xa người đến đây với mảnh đất này ‏

‏Đâu biết cuộc đời ngày mai ra sao

‏Và bây‏‏ giờ đây, trên mảnh đất này, chúng tôi đang từng giây từng phút căng mình bên những bệnh nhân nguy kịch. Chúng tôi những chiến sĩ áo trắng với tâm nguyện được đóng góp sức mình cho công cuộc chống lại đại dịch bạo tàn, nguy hiểm, mong được mang tâm và sức của mình cùng các đồng nghiệp giành lại sự sống cho những người bệnh đang rơi vào vòng hiểm nguy, là chốt chặn cuối cùng trong cuộc chiến không cân sức này, với niềm tin và hy vọng về ngày giông tố tan đi, rồi giây phút sum họp của mỗi người bệnh, của mỗi gia đình và người dân "trên mảnh đất tình người" này sẽ đến.

clip_image016

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Những giọt mưa bắt đầu rơi lách tách trên kính xe

Chúng tôi vào tâm dịch, chấp nhận gian khó, hiểm nguy, bởi chúng tôi biết cuộc sống của người dân thành phố đang lâm vào hiểm nguy, các đồng nghiệp của chúng tôi đang dần kiệt sức. Và chúng tôi thấu hiểu một chân lý hiển nhiên rằng "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai". Đại dịch bùng phát rồi, nếu chúng ta không sớm kiểm soát thì tấn thảm kịch đã và đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới sẽ hiển hiện.

Chúng tôi lên đường vì chúng tôi có niềm tin mãnh liệt là với sự đồng lòng của mọi người dân, rồi đại dịch sẽ được kiểm soát, bệnh nhân COVID sẽ lại được trở về với gia đình, trẻ em sẽ lại được tới trường và cuộc sống bình yên sẽ trở lại. Chúng tôi muốn nhắn nhủ với mọi người dân trên mảnh đất này về điều đó, muốn nhắn nhủ với gia đình, với những người yêu thương ở quê nhà rằng "rồi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về".‏

‏Chúng tôi đã yên vị trên chiếc xe buýt đưa đón dành riêng cho các nhân viên y tế bệnh viện Hồi sức COVID, chợt không ai bảo ai, mọi người đều yên lặng. Xe vẫn đứng ở ngoài đường, chưa chạy vì vẫn còn chờ những đồng nghiệp khác của chúng tôi chưa bàn giao ca xong.

clip_image018

Một hình ảnh Sài Gòn ngày chưa COVID - mưu sinh ngày mưa...

Ngoài kia bóng đêm đang lan tỏa, chỉ còn nhìn thấy cảnh vật xung quanh qua những ánh sáng phản chiếu từ phía chân trời. Có lẽ, mọi người đã thấm mệt sau một ngày dài căng thẳng quần quật. Nay khi nhịp điệu được dừng lại, mọi người có lẽ tranh thủ hít chút không khí trong lành và dường như chợt phát hiện ra là mình gần như kiệt sức cần phải để cho cơ thể chùng lại. Hay còn vì cảm xúc mà cơn gió mát bất chợt kia mang lại, thật khó phân biệt chính xác.‏

‏Những giọt mưa bắt đầu rơi lách tách trên kính xe và ngoài kia, gió không còn chỉ thổi mạnh, nhìn các ngọn cây to xung quanh bệnh viện bị gió thổi tung lên, rạp cả xuống và không còn có giây phút nào dừng lại, tôi nghe thấy tiếng gió rít qua các cành lá. Mưa dông sầm sập đến.‏

‏"Chị muốn ra tắm mưa lắm rồi đấy", vẫn chị đồng nghiệp đó phá tan bầu không khí yên lặng. Và dường như để đáp lời, anh bạn đồng nghiệp trẻ trong đoàn lên tiếng:"Chắc chị muốn gột rửa tâm hồn". Chúng tôi cùng phá lên cười.

Tôi biết, đó không chỉ là mong muốn của mình chị, tất cả các anh chị em trong đoàn đều cùng cảm giác đó. Chỉ là cảm giác của chị ấy nhạy bén hơn, cảm xúc mạnh mẽ hơn, trực giác của phụ nữ trong các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng họ có ưu thế hơn.

Chúng tôi đều mong muốn được gột rửa sạch hết tất cả bụi bặm đời thường, hết tất cả bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt và ô nhiễm, hết tất cả COVI và những hệ lụy của nó. Chúng tôi muốn bầu trời kia xanh trở lại. Rồi ta lại có thể đắm mình trong khung cảnh "Mùa thu vàng" của Isaac Levitan, hay "Mùa thu ở Argenteuil" của Claude Monet để rồi hồi tưởng về những ngày tháng học hành vất vả nhưng đầy hứng thú bên những cây cầu ở Mannheim. Và vẫn còn đó lời hứa đưa gia đình đi thăm thú những nơi đẹp như tranh vẽ ấy, nơi con người được tự do lao động, học tập và yêu thương.‏

Tất cả chúng ta đều mong muốn gột rửa sạch hết những bụi bẩn COVID này. Ngoài trời đang mưa to và trong lòng tôi giai điệu lại vang lên hùng tráng "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi".‏

Sài Gòn, một chiều mưa mùa COVID!

MỘT NGÀY TRONG BỆNH VIỆN CẤP CỨU BỆNH NHÂN COVID

FB Quan Thế Dân

Sáng 7 giờ giao ban, không khí căng thẳng. Trưởng khoa nhăn nhó: sao ca này để mất, hôm qua đã diễn biến tốt lên rồi cơ mà. Kíp trực mệt mỏi: bệnh nhân suy hô hấp nặng lên từ chiều, bọn em cố gắng kéo không được, đến đêm thì ngừng tim. Không một ai nói gì thêm nữa. Căn bệnh quái ác. Chợt có tiếng bộ đàm léo nhéo từ buồng bệnh: Cấp cứu, bệnh nhân giường số 7 ngừng tim. Tất cả cùng quay phắt nhìn lên màn hình, qua camera thấy nhân viê y tế đang hì hục ép tim. Mấy nhân viên đang giao ban đứng vụt dậy, đi mặc đồ bảo hộ để vào hỗ trợ. Buổi giao ban lại tiếp tục, liệt kê các bệnh nhân nặng, nguy kịch, rồi nhanh chóng kết thúc, mọi người đứng dậy, hối hả ai vào việc nấy. Trái với không khí im phắc của lúc giao ban, lúc này căn phòng hành chính, tổng hành dinh của khoa ồn như cái chợ. Tiếng người gọi nhau, cãi nhau, hỏi nhau vội vã, ồn ào. Đủ cả tiếng 3 miền, giọng bắc rõ ràng, giọng trung nặng, giọng nam thanh thanh, đúng là nhân viên cả nước về đây. Rồi mọi người tản ra mỗi người mỗi góc đứng tỷ mỉ mặc bộ đồ bảo hộ PPE. Mặc bảo hộ thì không được vội và thật cẩn thận vì tiếp xúc với môi trường cực kỳ độc hại. Bộ bảo hộ này có nhiều món, phải mặc rồi sát khuẩn từng bước, từng bước để cuối cùng thành một cây trắng trắng toát, kín mít. Cuối cùng thì cũng đã mặc xong, chúng tôi chậm chạp tiến vào vùng nguy hiểm, nơi bệnh nhân đang chờ chúng tôi từng phút.

Nói để mọi người biết, phòng bệnh nhân nằm là vùng đỏ, vùng cách ly tuyệt đối, nguy hiểm nhất, bên ngoài là vùng chuyển tiếp gọi là vùng vàng, cuối cùng cứ điểm an toàn của nhân viên y tế là phòng giao ban là vùng xanh. Giao thông giữa vùng xanh và vùng đỏ riêng biệt, không trộn lẫn. Từ vùng xanh đi vào vùng đỏ phải mặc đồ bảo hộ an toàn, còn từ vùng đỏ đi ra phải cởi bỏ đồ bảo hộ ở vùng vàng và khử trùng toàn thân kỹ lưỡng trước khi vào vùng xanh. Về lý thuyết là thế nhưng nguy cơ bị lây nhiễm luôn trực chờ.

Chúng tôi tiến vào buồng bệnh. Mặc đồ bảo hộ xong mọi cử động đều rất vướng víu, kính bảo hộ mờ hơi nước, hơi thở khó khăn. Chúng tôi tỏa ra thăm khám người bệnh, động viên họ cố gắng chịu đựng. Người bệnh ai cũng bị cái khó thở dày vò, lại thêm nỗi lo lắng hoảng loạn khi chứng kiến người cùng phòng mình trở nặng rồi không qua khỏi. Chính sự lo lắng hốt hoảng đó lại làm người bệnh thở gấp, càng thiếu oxi hơn. Nhiều bệnh nhân biết nghe lời bác sĩ, nằm sấp tập thở đều, không lo lắng không than vãn, thì phần nhiều dần dần tốt lên. Còn những ai luôn than vãn thì phần nhiều trở nặng. Nhưng làm sao chúng tôi có thể giải thích tâm sự cặn kẽ với bệnh nhân như bình thường được. Nói nhiều ở đây là cấm kỵ, vì tăng nguy cơ bị lây bệnh. Chúng tôi phải tập thở nhẹ nhàng, không hít sâu, không gắng sức đột ngột để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm. Nói vậy thôi, khi có bệnh nhân đột ngột diễn biến xấu là chúng tôi quên hết, cái bản năng nghề nghiệp nổi lên, lao vào cấp cứu đến tụt cả đồ bảo hộ. Những ai bị hở bảo hộ lập tức bị đuổi ra khử trùng lại và thay bộ bảo hộ khác ngay.

Môi trường nguy hiểm cùng đồ bảo hộ kín bưng khiến chúng tôi làm việc rất khó khăn. Điều dưỡng lấy ven khó, các em mọi ngày lấy ven siêu thế mà nay có khi 2 đến 3 lần mới được, vì mang mấy đôi găng nên cảm giác ngón tay giảm. Bác sĩ khám bệnh cũng khó, không thể dùng ống nghe được, hỏi bệnh cũng thật ngắn gọn, nên lúc này năng lực quan sát là quan trọng số 1. Nhìn kiểu thở nhẹ nhàng hay khó nhọc, hay nặng hơn nữa là nghịch thường, nhìn nét mặt, mồ hôi, màu da, đỏ gay hay tím tái... chúng tôi đánh giá được mức độ tiến triển của bệnh. Rồi đo SpO2, quan sát lượng oxi tiêu thụ, chúng tôi phác dần ra kế hoạch cho thuốc ngày hôm nay. Bệnh nhân nặng đa phần là béo phì. Không kể tuổi tác, cứ béo phì là dễ trở nặng và dễ tử vong. Hình như mô mỡ trong cơ thể là kho chứa cytokin hay sao ấy, nên nhiễm virus Sarc Covi2 là rất dễ bùng phát thành cơn bão cytokin. Nhìn những người bệnh thở khó nhọc, lớp mỡ bụng nặng nề phập phồng mà tôi đâm ám ảnh, đến bữa tự giác ăn giảm cơm hẳn đi để chống béo phì.

Rồi chúng tôi, cả điều dưỡng và bác sĩ đi đổ bô phân nước tiểu cho bệnh nhân. Họ không thể rời khỏi giường vì đi xa khỏi nguồn oxi là họ ngã ngay. Đi lấy nước cho bệnh nhân uống. Bệnh nhân khó thở thở gấp nên mất nước rất dữ, ngày uống vài lít nước. Những người nặng vừa tự uống được nước thì còn đỡ, nhưng cũng rất khó khăn còn những người nặng thở oxi mass che kín mặt thì có khi thiếu nước trầm trọng, khô hết cả người. Nhân viên y tế rất thiếu, không thể đủ để mà đứng cạnh phục vụ từng người bệnh. Giá mà lúc này có lực lượng tình nguyện được huấn luyện rồi cùng phục vụ đơn giản cho bệnh nhân thì tốt quá. Thời gian qua mau, người bệnh nặng được xử trí, người nhẹ hơn đang phục hồi, chúng tôi thấy yên tâm, mặc cho mồ hôi lúc này đang ướt đầm toàn thân. Đã đến lúc chuẩn bị quay ra vùng xanh để ghi chép bệnh án, thì lại có tiếng xôn xao ở phòng bên, có bệnh nhân diễn biến nặng, tất cả lại nhẹ nhàng kéo máy móc lướt về hướng đó, xúm vào cấp cứu... sau mấy phút bệnh nhân lại có nhịp tim trở lại, lại gắn vào máy thở tiếp. Các đồng nghiệp ai nấy mồ hôi vã ra như tắm nhưng ai cũng rạng rỡ cười sau tấm kính chắn, chúng tôi lại một lần nữa chiến thắng trong việc tranh giữ lại sinh mạng người bệnh.

Đến trưa chúng tôi mới ra đến vùng vàng chuyển tiếp, thận trọng cởi bỏ bộ đồ bảo hộ đang bám đầy virus rồi nhanh chóng đi tắm rửa khử trùng toàn thân, thay quần áo mới để quay về vùng xanh ghi chép bệnh án, cho thuốc, trực trên màn hình camera. Tốp kế tiếp lại lặng lẽ lệt sệt bước vào vùng đỏ. Cuộc chiến đấu của chúng tôi cứ thế, đang tiếp diễn...

Có thể là hình ảnh về 8 người và mọi người đang đứng

Phòng chỉ huy của ICU, nơi tập trung bệnh nhân nặng nhất bệnh viện

Có thể là hình ảnh về màn hình và trong nhà

Hệ thống camera theo dõi

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và trong nhà

Ở phòng giao ban khoa khác

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Đây sau khi mặc đồ bảo hộ xong nhìn mọi vật đều như thế này

NỮ DIỄN VIÊN TỰ NGUYỆN VÀO PHỤC VỤ BỆNH NHÂN FO

FB Nguyễn Quang Vinh

Tôi đang viết về em, diễn viên Huỳnh Ly của ekip chúng tôi.

Một diễn viên nhỏ bé, mắt luôn cười, chân luôn đi, vào nhiều loại vai và cũng là diễn viên kịch nói hiếm hoi của nước nhà từng ra nước ngoài diễn ở nhiều nước.

Em vừa tham gia với tôi một vai trong chương trình sân khấu thực cảnh Hội An Show. Và chuẩn bị cho vai nữ y tá Pháp trong chương trình cuối năm " Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người con của Làng".

Ly diễn giỏi, cảm diễn, cảm nhân vật chính xác, điều độ diễn xuất chuyên nghiệp, dễ chịu và chân thực.

Mùa dịch, Sài Gòn phong tỏa, em tình nguyện xin làm Shipper, có giấy thông hành, đi khắp mọi ngõ ngách giúp đỡ, hỗ trợ người khó khăn bằng những đồng tiền góp lại của bạn bè, người thân.

Rồi vắng đi mấy ngày, không thấy nhắn tin.

Nay thì chính thức em đã phục vụ tự nguyện trong bệnh viện thu dung F0.

Em tự nguyện "thành FO" để phục vụ chăm sóc bệnh nhân F0.

Bạn bè choáng váng, lo lắng.

Rồi em nhắn cho tôi, zậy đó, zậy đó, zậy đó anh Zinh.

Zậy đó là em tự nguyện.

Zậy đó là em tự chấp nhận nguy hiểm để phục vụ bệnh nhân.

Em làm tôi xúc động.

Chỉ cầu mong 2 chữ bình an.

Thương mến và ngưỡng mộ một diễn viên, một nghệ sĩ biết lựa chọn "hy sinh" vì cộng đồng để chờ ngày bình yên phục vụ cộng đồng bằng vai diễn.

Tôi tự hào có 1 diễn viên như em.

Nhưng phải cẩn trọng Huỳnh Ly.

Mong em an lành tuyệt đối,.

Thương yêu "một F0" quả cảm của Ekip.

Em nhắn tin: Em ổn, anh Zinh nhe. Như sống thời sinh viên. Ngủ ghế bố, ngủ sớm, dậy sớm, ăn cơm hộp, quét nhà, lau nhà, giặt đồ, chăm bệnh nhân, dọn vệ sinh,…

P/s: Vai diễn của Ly trong HỘI AN SHOW/

 

clip_image020

clip_image022

clip_image024

clip_image026

clip_image028

NHỮNG BÔNG HOA THIỆN NGUYỆN

Trinh Vương thiện nguyện – TGP Sài Gòn, 27/08/2021

clip_image030

TGPSG -- Mùa dịch Covid đã thành mùa nở rộ những bông hoa thiện nguyện tươi thắm tình người của dân tộc Việt Nam...

Đi “thiện nguyện Covid” mà tim tôi cứ rộn ràng hồi hộp như đi hành hương Đất Thánh vậy. Hồi hộp từ phút đăng ký đến suốt thời gian chờ đợi. Hồi hộp cả đêm với giấc ngủ chập chờn trước ngày lên đường vì cứ nằm mơ thấy xe chạy qua không đón mình nên hụt hẫng, lạc lõng, lo lắng…

Và vẫn còn hồi hôp như thế cho đến khi nhìn thấy chiếc xe Phương Trang từ từ dừng lại đón chúng tôi. Bác tài mời nhóm chúng tôi lên xe với nụ cười tươi rói và những câu nói thân thiện của người Quảng Nam. Hóa ra bác cũng là một thiện nguyện viên; khi chở đoàn thiện nguyện từ Quảng Nam vào Sài Gòn, bác tình nguyện ở lại làm tài xế thiện nguyện luôn. Mùa dịch Covid đã thành mùa nở rộ những bông hoa thiện nguyện tươi thắm tình người của dân tộc Việt Nam.

Hơn 3 tháng nay, tôi không ra khỏi nhà, nên khi được xe Phương Trang chở đi dạo quanh thành phố để đón thêm nhiều nhóm thiện nguyện khác nữa, sự hồi hộp trong tôi biến tan. Nhưng thay vào đó lại là cảm giác buồn buồn, nghèn nghẹn khi tận mắt chứng kiến thành phố Sài Gòn yêu quý đang 'bị thương' rất nặng. Vô số những chỗ bị ‘băng bó’ bằng dây phong tỏa, bằng hàng rào kẽm gai. Khác hẳn với những sáng chiều kẹt xe trước đây, đường phố bây giờ thật vắng lặng. Chỉ thấy bóng dáng một số shippers giao hàng, và các anh công an, bộ đội trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đang phục vụ tận tình tại các chốt kiểm dịch. Ai kể cho hết được những lao tâm mệt trí, những vất vả cực nhọc của các anh, cả ngày đứng dưới cái nắng cái mưa Sài Gòn để tìm cách đẩy lùi cơn đại dịch xa khỏi dân lành.

Các thiện nguyện viên đợt 4 đã tập trung về khách sạn Minh Tâm. Rất nhiều chuyện cười được ‘phát hiện’ khi gặp gỡ nhau. Nào là một thầy lên đường hồi hộp vội vã xỏ ngay đôi dép tổ ong ‘chiếc mẹ, chiếc con’. Một thầy khác bỏ quên đôi dép lành lặn ở nhà, để mang theo đôi dép lào ‘chó táp’. Vị khác xuống xe vẫn chưa hết hồi hộp nên đeo lộn luôn ba lô của bạn mình đi vào khách sạn. Những tiếng cười giòn tan đã làm tăng thêm nhiệt khí dấn thân phục vụ cho ngày mai khi đối diện với thực tế đậm nét khổ đau của các bệnh nhân Covid.

Rồi cũng thật ấm lòng khi nhận được tâm thư Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng gửi đến với lời mở đầu rất thân thương, dí dỏm:

"Xin gửi đến các cha và tu sĩ mới ‘nhập viện’ hôm qua. Tôi chào thăm các cha và anh chị em ngày đầu tiên trong sứ vụ mới. Đêm qua ngủ ngon không? Chắc cũng có hồi hộp. Cám ơn các cha và anh chị em đã hăng say lên đường để đến với các bệnh nhân Covid…"

Sự quan tâm của vị mục tử cũng là người cha tuyệt vời đã tiếp lửa thúc bách chúng tôi không ngại gian khó trong thời gian phục vụ.

Buổi tập huấn được tổ chức tại hội trường của bệnh viện. Thật xúc động khi mỗi thiện nguyện viên đón nhận một túi đồ với tấm thiệp đẹp đính kèm balô. Từng con chữ thân thương xoáy sâu vào trái tim tôi:

“Thank you! Thương gởi y bác sĩ: Trong những tháng vừa qua, cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đang gồng mình chiến đấu với virus Covid 19. Thật khó có thể miêu tả được những khó khăn mà chúng ta, những người con đất Việt, đang trải qua, nhất là đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Với mong muốn san sẻ một phần khó khăn với đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm trải qua, thương gửi đến các chiến sĩ áo trắng bộ quần áo y tế này, hy vọng sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh cho các y bác sĩ…

Kính chúc các chiến sĩ áo trắng của chúng ta luôn mạnh khóe, vững vàng chiến đấu. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

Xin trân trọng cám ơn và tri ân.”

Thương quá Việt Nam ơi! Đẹp quá nghĩa tình dân tộc mình! Hậu phương, tiền tuyến luôn có nhau, luôn cần nhau và luôn sát cánh bên nhau trong mọi biến cố vui buồn của đất nước.

…Thế rồi, sau một tuần, từ lạ lẫm, tôi đã quen thuộc dần với thao tác gói mình trong bộ áo bảo hộ mỗi khi đến ca trực trên khu lầu 7B của bệnh viện. Nhưng hình ảnh nhiều bệnh nhân rất mệt nằm thở oxy được các y bác sĩ tận tâm theo dõi từng giờ, từng giờ bất kể ngày đêm; hình ảnh của các nhân viên vệ sinh âm thầm miệt mài thu gom rác thải chất đống rất dễ lây nhiễm; hình ảnh những nhân viên chăm chút lau nhà khử khuẩn; những nhân viên mau lẹ tiếp chuyển oxy… tất cả những cảnh tượng ấy đều luôn mới đẹp và rất ấn tượng đối với tôi. Đại dịch Covid tại Sài Gòn sẽ không thể đẩy lùi nếu thiếu đi những con người quảng đại quên mình vì tha nhân như thế. Họ thật xứng đáng được mọi người trân trọng, tri ân và cảm phục sâu xa. Họ là đại ân nhân của mỗi chúng ta.

Có một hôm, sau khi trực ca 2, tôi xuống phòng ăn của bệnh viện lúc 9g30 tối. Cơm đã hết, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ được dán trên vách ngăn ở bàn cơm:

“Hãy ăn thật thong dong, Gạt bỏ mọi ưu phiền, Hậu phương sẽ mãi bên cạnh.”

Và một câu khác: “Mọi người ăn thật ngon,  Em hứa sẽ 5k thật tốt.”

Rồi một câu này nữa: “Biết ơn các Y Bác sĩ và các Chiến sĩ tuyến đầu thầm lặng”.

Đọc những lời này xong, tôi không còn thấy đói nữa. Tôi trở về phòng với một trái tim đầy cảm xúc và lên giường, mau lẹ đi vào giấc ngủ thật ngon, để sáng mai thức dậy lại bắt đầu một ngày mới phục vụ yêu thương như Chúa đã yêu thương.

TRANH Đỗ Trung Quân

Cảm ơn Hs Thành Chuơng đã gợi mở cho bức tranh này

Những ngày cả nước & Sài Gòn quá bi thảm vì dịch bệnh

Gửi niềm tin vào thượng đế!

Thượng đế che chở chúng ta!

Oil stick on canvas

50x70 Cm

clip_image032

TRANH Thăng Fly Comics

Sinh viên cao đẳng y tế Bạch Mai.

clip_image034

Văn Việt: Xem video liên quan: