Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Đọc Hồi Ký của Hồ Ngọc Bảo: Trăng Dương Tử I & II

Phan Tấn Hải

bia sach Ho Ngoc Bao 1

 

Tác giả Hồ Ngọc Bảo không có ý làm văn chương. Anh viết về cuộc đời của anh, cũng gần như cuộc đời của rất nhiều người dân mình. Anh kể từ chuyện thời thơ ấu ở Quảng Ngãi, chứng kiến những cuộc thanh toán Quốc-Cộng trong làng, được cha gửi vào học ở chủng viện Kontum, thi Tú Tài xong là vào Sài Gòn học bậc đại học, trải qua nhiều gian nan sau 1975, cùng với vợ và con nhỏ đi đường bộ vượt biên sang Lào nhưng bị bắt giữa rừng, vào tù, tới khi ra tù là buôn chợ trời rồi về làm ở nông trường, chuyển sang một hãng sành sứ, may gặp cơ hội vượt biên sang Canada định cư, làm việc ở hãng xưởng Canada, tới khi tóc bạc trắng xóa thì ngồi viết lại đời mình. Không phải là hồi ký về một cá nhân, nhưng là từ kinh nghiệm và cái nhìn của một người có cơ duyên trải qua nhiều diễn biến lịch sử. Viết không vì một lợi ích cá nhân nào hết. Chỉ muốn kể cho người hữu duyên đọc, vì trong lòng có lời muốn nói. Nơi đây, ghi Hồ Ngọc Bảo là cho gọn, đúng ra, tên tác giả nơi bìa sách là Chí Tâm Hồ Ngọc Bảo. Tuy là kể chuyện đời anh, nhưng cũng là một phần lịch sử quê nhà, nơi của những xung đột như dường bất tận, cả ngoài đời và trong lòng người.

Tác phẩm là một bộ sách hai tập, nhan đề đầy đủ của hai tập là:

. Mây tức Trăng Dương Tử I, dày 472 trang

. Trăng tức Trăng Dương Tử II, dày 476 trang.

Tác phẩm không phải thuần túy truyện, nhưng nhiều đoạn được viết rất là văn, đầy những xúc cảm. Đây là chuyện kể về một đời người bình thường như rất nhiều người ở quê mình. Đồng thời ghi lại những suy nghĩ, những thắc mắc. Không bận tâm nhiều siêu hình, cho dù Hồ Ngọc Bảo từng vào dòng tu Công Giáo ở Kontum từ thời rất trẻ. Tác giả bận tâm nhiều về dòng lịch sử Việt, suy nghĩ từ những chuyện xa xưa như Hai Trưng Nữ Vương, như Triệu Đà… cho tới thời cận đại như cuộc chiến Quốc-Cộng. Không phải cuộc chiến của lý luận phức tạp, nhưng là từ mắt nhìn của cậu bé từ những năm tiểu học đã thấy tranh chấp cụ thể, những màn xử bắn, truy sát trong những ngôi làng Quảng Ngãi của tác giả. Và hai phía những người cầm súng đó là những người cậu bé quen biết cụ thể.

Mở đầu sách, là lời tác giả thưa với cha mẹ, trong đó anh viết, "Nay con có vật nhỏ nầy dâng lên cha mẹ, ước mong cha mẹ, trong những lúc nhàn du nơi trăng thanh gió mát chốn quê nhà, cha mẹ nhìn đến nó cho vơi phần nào nỗi buồn. Được như thế con mới cảm thấy đôi chút nhẹ lòng." Thời đất nước chiến chinh là thế. Dân tộc mình hình như ai cũng thế, ai cũng có những nỗi buồn mà khuất núi vẫn chưa nguôi. Thân phụ anh là người của Đảng Nhân Xã.

Hồ Ngọc Bảo sinh ra tại nơi cũng có nhiều tiền định: trong một gia đình Công Giáo sùng đạo, trong một Xóm Bàu 100% theo Công Giáo, trong một Quảng Ngãi phân ly gay gắt Quốc-Cộng. Giọng văn Hồ Ngọc Bảo như dường không chủ ý làm văn chương, nhưng cách kể về chuyện đời thường lại rất sinh động, lôi cuốn, tự nhiên đã có chất văn học trong phong cách kể của anh.

Tác giả kể: "Xóm Bàu là một xóm 100% Công Giáo. Người trong xóm đều làm nghề nông, một số rất ít có làm nghề phụ nhưng không xuất sắc lắm chẳng hạn như ông Phẩm làm nghề thợ mộc, ông Điển làm nghề thợ hồ, ông Kỉnh làm nghề hớt tóc và bà Tư làm nghề đỡ đẻ. Ông Lợi, ông Ngoạn có nghề nấu đường, ông Vân làm thợ phụ. Sau nầy ông Lợi chết thì ông Vân thay thế. Sở dĩ tôi nói không xuất sắc lắm vì trừ những chuyện lặt vặt, còn ngoài ra những việc lớn, dân trong xóm phải đi nhờ những đám thợ từ các nơi khác, như ông ngoại tôi khi làm lại nhà mới, ông thuê đám thợ của ông Tồ ở Đề An." (Tập I, trang 53-54)

Hay như khi kể về thời thơ ấu nghịch ngợm trong nhà thờ: "Tôi chưa bao giờ được biết trong họ đạo có một văn tự nào quy định ai có thẩm quyền gì, nhưng thông thường tôi thấy các ông biện hoặc đôi khi bà biện có quyền cú hoặc phát vào đít chúng tôi mỗi khi chúng tôi phạm lỗi ở nhà thờ. Những lỗi mà chúng tôi thường phạm phải là: giỡn cợt, nói chuyện hay ngủ gục trong nhà thờ, không ở trong nhà thờ mà trốn ra ngoài chơi. Có khi chúng tôi ra khỏi nhà thờ không phải vì biếng nhác mà vì ra cho đỡ buồn ngủ. Có một điều lúc đó tôi thấy lạ lắm là ở trong nhà thờ thì mở mắt không ra, nhưng hễ bước ra ngoài là tỉnh táo ngay. Có khi chúng tôi chạy xuống ghè nước nhà ông từ rửa mặt cho hết buồn ngủ rồi trở vô nhà thờ, nhưng cứ hễ ngồi xuống là con mắt lại muốn thiếp lại. Chúng tôi cho rằng chúng tôi bị ma quỷ cám dỗ. Đó cũng là tôi nghe các bậc người lớn nói như thế." (Tập I, trang 62)

Thế giới thời thơ ấu của tác giả cũng là hình ảnh các chú lính Việt Minh vào nhà dân ở: "Số là hồi đó trong xóm, nói cho đúng hơn là mấy nhà chung quanh, vì thế giới của tôi chỉ mới có bây lớn, bộ đội họ tới ở trong nhà dân. Họ về đó 2 đợt khác nhau, cách nhau một thời gian khá xa. Tôi phân biệt 2 đợt nhờ 2 cái ghế và 2 người y tá. Đợt đầu các chú lính Việt Minh dùng cái ghế xếp thấp, cỡ 3 tấc bề cao, tôi có thể tự ngồi lên được và người y tá có vẻ "dơ bẩn" vì có một lần tôi được một chú bộ đội dẫn đến nhà bếp tập thể và tôi đã thấy chú y tá, quần áo mặt mũi dính đầy lọ nghẹ. Đợt hai họ cũng dùng cái ghế xếp nhưng cao hơn, chừng 7 tấc, tôi muốn ngồi phải nhờ người khác bồng để lên. Cùng với đợt nầy là người y tá rất sạch sẽ, hay mặc quần sọt áo sơ mi trắng đầu tóc chải láng o. Tôi chỉ thấy chú ở dơ có một lần: lần đó chú đến chích thuốc cho cô tôi, tôi thấy ở mỗi nhượng cẳng của chú có một đường đất đen nhỏ. Tôi hay theo xin ống tiêm để chơi. Đó là đồ chơi văn minh đầu tiên đó!" (Tập I, trang 64-65)

Cuộc chiến Quốc-Cộng đã được tác giả nhìn thấy bằng người thực, việc thực ngay trong xóm, quanh nhà cậu bé: "Sau khi anh Toàn bị giết an ninh xã khám phá ra một hầm bí mật của Cộng Sản trong nhà một người ở thôn Hòa Vinh. Tôi có đến nơi xem ngôi nhà đó vì tò mò: nhà gạch, lợp ngói, có cây ăn trái rất đẹp. Qua điều tra, an ninh biết được trong thời gian anh Toàn hoạt động, gia đình anh tiếp tế đều đặn cho anh. Địa điểm gặp gỡ là một ngôi nhà rất vắng vẻ ở phía nam của Xóm Bàu, ngay trên đường chúng tôi đi học phải đi ngang qua, bên cạnh cái mương nước, chỉ có hai nhà ở cạnh nhau. Từ núi Đình Cương mà cứ đi thẳng về hướng đông đến ngôi nhà nầy chỉ gặp toàn là gò nổng và đồng trống hoang vu không có người ở và từ thôn Đề An đi theo hướng tây để đến ngôi nhà nầy cũng là đồng trống, vì thế cho dù có liên lạc ban ngày cũng khó bị phát hiện chứ đừng có nói là ban đêm." (Tập I, trang 94).

Cuộc chiến là trải nghiệm thực đối với gia đình tác giả. Thân phụ của Hồ Ngọc Bảo bị VC bắt trong trận Mậu Thân 1968, nhưng được cho về sớm vì lúc đó chưa có chức vụ gì trong chính quyền Đệ Nhị Cộng Hòa. Tác giả cũng ghi lại những hình ảnh một thời ký ức về thân phụ, khi trở thành Dân Biểu Hồ Ngọc Cẩn.

"Hú vía là Cộng Sản không chiếm được Quảng Ngãi lâu, chứ nếu không thì cha tôi chắc chắn không giữ được tính mạng, mà tỉnh Quảng Ngãi sẽ là một Huế thứ hai, có khi còn hơn thế nữa. Năm 1971 cha tôi ra ứng cử quốc hội với dấu hiệu “Mẹ Bồng Con”, chống Cộng Sản muốn đưa dân ta vào vòng nô lệ và bảo vệ chính quyền quốc gia tự do. Cha tôi cũng ủng hộ ông Đinh Rói, đại diện người Thượng." (Tập I, trang 117)

Được nhiều phiếu thứ nhì chỉ sau cựu Trung Tướng Phó Thủ Tướng Trần Văn Đôn, thân phụ của tác giả Hồ Ngọc Bảo đắc cử Dân Biểu, đồng thời cũng lo việc đạo với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Công Giáo Hạt Quảng Ngãi (Tập I, trang 117). Tác giả cho biết rằng trong thời gian làm việc ở Quốc Hội, "cha tôi ở trong khối Độc Lập và giữ các chức vụ sau đây: Phó Chủ Tịch Ủy Ban Phát Triển Nông Thôn, Đệ Nhị Phó Tổng Thư Ký và năm cuối cùng, Chủ tịch Tiểu Ban Chính Trị Ủy Ban Liên Hiệp Nghị Sĩ Á Châu Chi Hội Việt Nam." (Tập I, trang 118-119)

Tuổi thơ của tác giả là một thế giới rất trong lành của một nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Hồ Ngọc Bảo chỉ nhìn thấy những hình ảnh rất mực thánh thiện, cho tới khi lớn lên mới thấy từ từ những mặt trái.

"Lúc còn rất nhỏ, trong khối óc và con mắt ngây thơ của tôi, Xóm Bàu là một xóm rất thánh thiện. Tôi không hề nghe hoặc thấy ai giết ai, ít khi nghe chuyện trộm cắp, ít khi nghe ai nói tục tĩu. Mọi người đều đi đọc kinh tối thường xuyên và ngày chủ nhật thì người lớn ai ai cũng đều đi lễ. Trong nhà thờ, các bà các ông hay đi rầy la bọn nhỏ chúng tôi khi chúng tôi nghịch ngợm, và khi họ trở về chỗ, tôi thấy họ vừa đi vừa khoanh tay nhắm mắt, đầu hơi cúi và nghiêng sang một bên có vẻ thành khẩn lắm. Chuyện trai gái, gian dâm ngoại tình tôi cũng không nghe. Nói tóm lại đó là một thế giới rất trong lành... Sau nầy khi tôi lớn lên, tôi mới biết nó không hoàn toàn đúng như những gì tôi biết được khi tôi còn nhỏ; ở đó cũng có chửa hoang, có gái bỏ nhà theo trai (người địa phương nói là đi “Đồng Nai Gia Định” hay là “đi hoang”), có chủ lấy vợ của người ở." (Tập I, trang 129-130)

Tác giả Hồ Ngọc Bảo không có ý làm văn học. Anh chỉ kể những gì anh nhớ và cảm xúc. Khi kể về trận lụt 1964 ở Quảng Ngãi, anh nhìn thấy một mảng đùi thiếu nữ khi cô này xắn quần lên khiêng các ghè đường lên cao cho khỏi bị nước lụt. Hồ Ngọc Bảo mô tả mảng đùi con gái Quảng Ngãi đó là "một kỳ quan của tạo hóa, hấp dẫn vô bờ bến... đệ nhất danh thắng của thế giới" và về sau, anh nhận ra đùi các thiếu nữ Sài Gòn đen hơn. Tác giả viết:

"Đến năm 1964 lại xảy ra một trận lụt lớn nữa. Lần này chúng tôi không phải tản cư vì sau trận lụt lần trước, ông ngoại tôi phá nhà cũ và làm nhà mới; ông lấy kinh nghiệm trận lụt trước, ông đắp cái nền nhà mới cao hơn cái chấn nước lụt lần trước. Bà con xung quanh đều tụ lại đó tránh lụt, nhà rất đông đảo, đối với tui là vui vẻ lắm. Lần nầy tôi đã lớn, mẹ tôi không còn cấm đoán việc tôi chơi nước nữa. Lụt qua ngày thứ hai, theo ý mẹ tôi là hết nước bạc, tôi và cậu Tám tôi đóng bè, chèo đi chơi và chèo lên tuốt lên đám mía của ông ngoại tôi ở trên Thổ để bẻ mía ăn; nhờ đó mà tôi đã thấy được một kỳ quan của tạo hóa, hấp dẫn vô bờ bến: trên đường về chúng tôi gặp mấy người lớn đương lội trên đường, dáng điệu rất hấp tấp vội vã lo âu; gặp chúng tôi họ mừng như bắt được của. Họ nói đường của họ đang được chứa trong mấy cái ghè ở dưới thấp, nếu không mang được lên cao sẽ bị ngập nước hết và công lao cả năm của họ sẽ thành công cốc. Nghe thế chúng tôi vội theo họ. Khi vào nhà tôi thấy cô con gái lớn của họ, học trên tôi một lớp, cũng đương lây quây ở đó. Cô nầy tôi nghe thiên hạ xì xầm là đẹp nhất quận. Cô đang bận bộ đồ lụa trắng. Tuy tôi học cùng trường với cô nhưng tôi chưa khi nào thấy được phần thân thể trên bàn chân của cô. Hôm nay chắc là vạn bất đắc dĩ cho nên cô phải xăn quần lên. Khi chúng tôi khiêng ghè đường thì cô cũng tới phụ và đứng gần tôi. Tôi vô tình nhìn ngang qua và tôi đã trông thấy được một thắng cảnh. Da thịt con gái nông thôn, con nhà giàu, cả thân thể của họ được che đậy kỹ lưỡng quanh năm ngày tháng, không hề tiếp xúc bụi trần. Cũng may là tôi còn nhỏ lắm, chỉ thưởng thức cái kỳ diệu đó bằng con mắt nghệ thuật chứ chưa nhuốm mùi tục lụy. Đây là đệ nhất danh thắng của thế giới. Chỉ tiếc là cái danh thắng nầy nó tàn phai với thời gian, chứ nếu không nó nhất định sẻ được liệt vào hàng “di sản vật thể của nhân loại”. Tôi vẫn lấy cái mảng mịn màng trắng ngần hơi phơn phớt hồng điểm thêm lông tơ óng ả nầy làm chuẩn, hễ có dịp là tôi lại mang nó ra để so sánh với mấy cái khác. Đùi của các cô Sàigòn, mà tôi thấy được, hầu hết đều đen đen, bị cái nóng nung người đốt, bụi bặm khói xe làm ô nhiễm." (Tập I, trang 197-198)

Thế rồi, tác giả đi tu để thành linh mục. Hồ Ngọc Bảo kể: "Hè 1959 là một cái mốc trong cuộc đời tôi. Tôi vừa học xong lớp nhì bậc tiểu học và đã được cha mẹ tôi đồng ý cho đi tu làm linh mục tại Tiểu Chủng Viện Thừa Sai Kontum. Cha tôi quen biết một vị linh mục mà cha tôi thán phục tư cách, là cha Chế Nguyên Khoa, cho nên cha tôi cũng mong tôi trở nên như thế, riêng tôi, lý do sâu xa nhất có lẽ là được đi xa, thỏa mãn óc tò mò, được đi đến những chân trời xa lạ là thích rồi." (Tập I, trang 219)

Đã vào trường dòng tu thì đời sống gian nan, nhiều kỷ luật. Đã có lúc Hồ Ngọc Bảo xin bỏ dòng, năn nỉ tới mức bà mẹ đồng ý đã tính thuê người lên Kontum dẫn con về, nhưng ông bố không chịu, rầy bà mẹ, để con ở lại mà học, mà tu. Một trường hợp tương tự cho một nữ sinh Xóm Bàu vào dòng nữ tu Quy Nhơn. Hồ Ngọc Bảo kể chuyện ba mẹ cô bày mưu cứu cô ra khỏi dòng tu:

"Phe nữ cũng có một trường hợp như chúng tôi, cô nữ tu nầy cũng người Xóm Bàu, cô đẹp lắm. Cô đi tu trường sơ ở Quy Nhơn và cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi. Cô biên thư về gia đình, được một cái là cha mẹ cô nhất trí, bèn cử một ông chú giả cách vào thăm cháu. Sau khi ông chú tiết lộ mục đích cho cháu, thống nhất chiến thuật: “tam thập lục kế tẩu vi thượng sách”, hai chú cháu bèn đến từ giã mẹ bề trên và mẹ bề trên lịch sự tiễn người chú đến tận cổng, có cô cháu đi bên cạnh, để tránh bị nghi ngờ, cô đi tay không. Vừa đến cổng là hai chú cháu co giò chạy, leo lên xích lô đã đợi sẵn trước cổng. Anh xích lô cong lưng đạp chạy tuốt. Mẹ bề trên mãi một lúc mới hoàn hồn, mới hiểu việc gì đang xảy ra: có người "cướp ngục", thốt lên một tiếng lớn: “Giêsu Maria Giuse lạy Chúa tôi”, rồi vội hai tay túm vạt trước cái áo dòng đen, dở cao lên, như chuẩn bị nhảy dây, mở hết tốc lực, chạy nước rút đuổi theo vừa la, vừa khóc, vừa kêu Chúa, kêu Mẹ inh ỏi, khiến những gia đình hai bên đường vừa ngạc nhiên vừa buồn cười! Cô nầy thoát thân được là phải: vì cô chính là chủ nhân của cái đùi mê hồn mà tôi đã vô tình chiêm ngưỡng và đâu đó Trời đã sắp sẵn cho nó một chủ nhân rồi; trời đã sinh ra của báu thì phải để cho người hưởng dùng chứ!" (Tập I, trang 221- 222)

Rồi tới một lúc, chàng thanh niên tu sinh tự biết là không thể giữ mình cho trong sạch để làm Linh mục được. Thế là quyết định từ bỏ con đường tu làm linh mục. Tác giả kể: "Kể từ dạo tôi biết niềm hoan lạc nhất trần đời có liên hệ đến người nữ, tuy ra sao thì chưa rõ ràng lắm, tôi cảm thấy ý định làm linh mục bị lung lay tận gốc rễ. Trận chiến nầy tôi có thể cầm cự được ngày một ngày hai, một đôi tháng, cùng lắm là đôi năm, nhưng không thể suốt đời. Một ngày nào đó tôi sẽ bại trận. Thà làm cha thiệt còn hơn là làm cha nầy rồi lại cha kia! Chỉ làm cha nầy thì thiệt thòi quá nhưng nhảy sang cha kia nữa thì không ổn." (Tập I, trang 367)

Thế là tác giả vào Sài Gòn, sống đời sinh viên, sau khi thi đậu Tú Tài 2. Chàng tuổi trẻ Hồ Ngọc Bảo say mê sống với các thư viện và các khuôn viên đại học. Tác giả kể: "Sau khi đậu TT2, tôi hân hoan bước vào ngưỡng cửa cao hơn của cuộc đời, có thể nói là vùng trời mơ ước. Tôi chọn Luật Khoa và tôi say mê từng giờ phút với các thư viện ở Sàigon. Khi bên Luật Khoa chưa nhận đơn, tôi ghi học ở Đại Học Vạn Hạnh phân khoa Khoa Học Xã Hội. Từ đó Sàigòn là quê hương thứ 4 của tôi. Quảng Ngãi, Kontum, Đàlạt và nay là Sàigòn. Sàigòn đối với tôi như một khu rừng thiên nhiên tuyệt đẹp, có suối trong có hồ đẹp, tôi đắm mình vào nó mỗi ngày." (Tập I, trang 373)

Chàng sinh viên Hồ Ngọc Bảo học kiểu gì tại Sài Gòn? Tác giả kể lại: "Cả bên Luật lẫn bên Vạn Hạnh tôi đều rất ít đến giảng đường, trừ những ngày tháng đầu bên Vạn Hạnh. Bên Luật tôi đến đôi lần vào đầu năm nghe giáo sư diễn giảng và tôi so sánh với trong cua, trong sách, tôi thấy giáo sư chỉ tóm tắt những gì đã có trong cua, tôi bèn bỏ không đến giảng đường nữa; chỉ thỉnh thoảng ghé lại hỏi han có thêm hoặc bỏ bớt phần nào, hoặc có khi thấy vài cô xinh xinh thì ghé thêm đôi lần để ngắm và do đó cũng có vài mối tình thoáng qua." (Tập I, trang 377)

Lúc đó là thời chiến. Để chuẩn bị cho chiến trường, sinh viên phải học Quân Sự Học Đường trong các tháng hè. Tác giả Hồ Ngọc Bảo kể lại: "Nếu như khi còn ở trung học, chúng tôi chỉ học cơ bản thao diễn, thì ở bậc đại học chúng tôi được huấn luyện để có thể ra trận chiến đấu như một người lính, cũng học bản đồ, la bàn, bắn súng, bò dưới hỏa lực với súng đại liên bắn lên trời, vượt chướng ngại, đánh cận chiến bằng lưỡi lê “đâm, bồi, hồi, thủ, sát”… Chỉ là buổi tối sinh viên khỏi phải sinh hoạt. Ở bãi về là nghỉ. Kết quả cụ thể theo tôi thấy được là sự chịu đựng: những ngày đầu đi từ bảã “Một” về là nghe ứ hơi, nhưng gần ngày cuối khóa đi từ bãi mười bốn về thấy khỏe re, đến hôm di hành, đi một vòng rất xa với ba lô, dĩ nhiên là rỗng, mà khi về lại đến sam tôi không thấy mệt, tôi cũng lấy làm ngạc nhiên." (Tập I, trang 388)

Hoàn tất Cử Nhân bên Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, Hồ Ngọc Bảo thi vào Quốc Gia Hành Chánh. Tác giả kể: "Tôi đậu Cử Nhân ban Công Pháp vào năm 1973 và đậu vào truờng Quốc Gia Hành Chánh năm 1974 mà tôi cũng không cần thi môn Pháp Văn để lấy điểm vớt, một cách trường chiếu cố cho lớp sĩ tử cũ, ảnh hưởng văn hóa Pháp, trong khóa chuyển tiếp đầu tiên thi bằng Anh Ngữ. (Trong kỳ thi nầy, anh Tùng đưa cho tôi quyển “Trường hợp Điển Hình”, tài liệu nầy giúp ích cho tôi rất nhiều). Tôi nhớ sau đó tôi đi vào văn phòng Quốc Hội với cha tôi; một vị Giám Đốc gặp cha tôi chào hỏi và hai người nói chuyện, nhân đó cha tôi giới thiệu tôi. Đây là niềm vui lớn của cha tôi." (Tập I, trang 398-399)

Khi Miền Nam sụp đổ, Hồ Ngọc Bảo kể về ngôi trường Quốc Gia Hành Chánh: "Rồi đến những ngày sau 30 - 04 - 75. Hai sinh viên QGHC tiếp thu trường, một là anh tên H. Đốc Sự 18, anh nầy phát âm tiếng “tổ” ra tiếng “tố”, anh thứ hai là anh N. ban Cao Học Xã Hội khoá 9, chính anh N. ký giấy chứng nhận tôi tham gia sinh hoạt và có dấu đỏ đàng hoàng. (Cái dấu đỏ nầy đã cứu tôi trong một trường hợp, một hôm trên đường từ Sài gòn về Hố Nai, tôi mang theo cái xe đạp mini của Hương. Tôi bị chận lại bởi một nhân dân ba mươi, anh đòi tôi trình giấy tờ xe đạp. Tôi không có. Anh giữ tôi lại. Tôi ung dung ngồi đó. Sau một lúc lâu anh hỏi tôi: “Chú có mang giấy tờ gì không?" Tôi đưa giấy có dấu đỏ có chữ ký của anh N. "Cán bộ" cho tôi đi)." (Tập I, trang 415)

Đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Thân phụ đi cải tạo. Tác giả Hồ Ngọc Bảo rời bỏ Sài Gòn, dẫn vợ con về Đồng Nai làm rẫy. Những địa danh lạ dần dần quen thuộc, như Sông Buông, Sông Mây. Tuy nhiên chính phủ mới vẫn luôn luôn kiểm soát nông dân. Tác giả ghi nhận:

"Như tôi đã từng nghĩ, thôi thì chấp nhận cuộc đổi thay miễn sao nước mình khá ra là được, không xấu hổ với các lân bang. Tuy nhiên từ ngày tôi không còn sinh hoạt ở trường QGHC nữa và trở về đia phương, tôi thấy muốn chấp nhận xã hội mới không phải dễ như tôi tưởng. Tôi vốn ít ưa đám đông ồn ào, đi uống cà phê với hai bạn mà thêm một người nữa thành bốn thì tôi đã thấy khó chịu rồi, mà trong xã hội nầy làm sao tránh khỏi: đảng Cộng Sản đang muốn cải tạo toàn dân, biến người thành ra vừa ngựa vừa két, vừa bò mà Đảng gọi là người mới CSCN, tất cả đều phải nói như thế nầy: "đảng ta là đỉnh cao trí tuệ loài người... ...Thôi thì là họp nào nông hội, tôi là nông dân, nào thanh niên, tôi 24 tuổi. Làm ngoài rẫy về, tắm rửa xong, đang nằm nghỉ ngơi với vợ con lại bị dựng dậy tập nghe, tập nói. Tôi có thể chấp nhận làm thinh, ai nói gì thì nói nhưng Lê Duẩn lại muốn tôi nói như vẹt thì hạ nhân cách tôi xuống như vẹt thì tôi làm sao chịu được. Mà trong xã hội nầy mà không vừa lừa vừa vẹt thì không được vì như thế thì làm sao nặn ra bọn "đỉnh cao". Ù lì là bị Tôn Thất Lành chém ngay! Do đó ý định vượt biên trốn bọn nầy lại nảy nở. Để cho ý định nầy thêm vững chắc tôi bèn sử dụng sách “qua cầu rút ván”, bỏ không dự bất cứ thứ họp gì, coi như một phần tử bất hợp pháp trong xã hội vậy." (Tập I, trang 445-446)

Làm rẫy cũng đó, sống không nổi, tác giả Hồ Ngọc Bảo đưa vợ và em trai về Sài Gòn tá túc cậu mợ Dần, và học nghề buôn chợ trời quần áo cũ. Vậy là thêm nghề mới.

Tác giả kể: "Chúng tôi mang theo số quần áo định bán và ra đường Hàm Nghi xem thử. Chúng tôi đi dạo quanh khu Chợ Cũ để thăm dò. Thấy ai bán hoặc mua món gì chúng tôi dừng lại lén nhìn thử, nghe thử, xem họ mở đầu câu chuyện ra sao, coi thứ hàng nào bán được, tốt xấu lẽ nào. Xem giá cả đại khái dựa vào những tiêu chuẩn nào và nhất là coi họ trả giá cách nào, khen chê ra sao. Sau một hồi quan sát và nắm được đại khái chúng tôi mới bắt đầu ra nghề. Chúng tôi cũng làm như mọi người: một số đồ được vắt trên cánh tay trái, để ngang trước ngực; tay phải cầm một hai món giơ giơ ra trước, vừa đi vừa giũ giũ nhẹ món đồ, lâu lâu thì nói: “quần áo cũ bán rẻ đây”! Ban đầu thì thiệt ngượng miệng, nhìn nhau cười nhưng rồi cũng quen dần. Tôi vừa bán vừa chăm chú học thêm nghề. Trong ngày hôm đó tôi bán được hết số áo quần đem theo. Tóm lại tôi học được một nghề mới." (Tập I, trang 450-451)

Gặp lại hai bạn cũ là Vinh và Tân, vợ chồng Hồ Ngọc Bảo và hai bạn này bàn kế vượt biên đi đường bộ, vượt biên giới Kontum về hướng Tây. Họ chuẩn bị lương khô, mua dây dù và la bàn. Phải mua thuốc dưỡng thai, vì vợ tác giả mới chớm có thai, dự kiến đi đường bộ vượt biên là sẽ rất gian nan. Vượt biên đường bộ còn phải dẫn theo bé Nam Phương nữa, đứa con còn rất nhỏ của vợ chồng tác giả. Họ đi xe lửa từ Sài Gòn tới Phan Thiết, từ đây đi xe đò về Nha Trang, rồi đi xe đò lên Ban Mê Thuột, rồi đi xe đò tới Pleiku, rồi Kontum, địa đầu Tây Nguyên. Tác giả vào thăm trường cũ, nơi anh đã lìa bỏ đời tu sĩ từ năm 1966 để ra đời thường, gặp bạn học cũ bấy giờ đã lên chức Thầy, được một số linh mục trong trường nồng hậu tiếp đón. Hồ Ngọc Bảo không dám tiết lộ ý định vượt biên đường bộ.

Về sau, tác giả được kể rằng, khi nghe tin vợ chồng Hồ Ngọc Bảo bị bắt ở biên giới đường bộ, thì Đức Cha Lộc nói với bạn học kia của tác giả, “Sao nó ngu thế, nó không chịu nói để ta nói người Thượng đưa nó đi!” (Tập I, trang 471)

Nhưng núi rừng biên giới cũng là đầy những biên phòng, bộ đội, dân làng xã hội chủ nghĩa. Nguyên nhóm đi bộ băng rừng, gập ghềnh đủ mọi gian nan, ăn uống dè sẻn, tới ngày thứ 17 thì bị bắt. Công an đưa cả nhóm – hai bạn Vinh và Tân, rồi Hồ Ngọc Bảo và vợ, và bé Nam Phương còn rất nhỏ, có khi phải ẵm bồng – lên xe chở về Pleiku giam.

Tác giả Hồ Ngọc Bảo ghi lại sau khi xe công an chở cả nhóm về giam ở Pleiku: "Hồi tưởng lại tôi vẫn nhận thấy mình có nhiều cái may lắm. Xe đến Pleiku thì trời đã tối, chúng tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ. Một anh công an tướng tá to con, bụng bự, ăn mặc xuềnh xoàng, áo màu cứt ngựa bỏ ngoài, quần kaki vàng, bước vào. Sau nầy tôi được biết anh tên là Hùng, Trại Phó. Anh vừa nhìn sơ qua chúng tôi là bắt đầu chửi, tiếng anh rất to và luận điệu cũng càng lúc càng tăng phần nặng nề. Khi nghe anh chửi, tôi chẳng thấy giận anh một tí nào mà còn cảm thấy thương thương nữa. Nào là tôi không biết thương vợ thương con, nào là tôi hồ đồ, nào là tôi thiếu suy nghĩ rồi cuối cùng anh chửi tôi ngu xuẩn, nếu cách mạng không bắt được anh chị, thì cả nhà anh đã bỏ xác trong rừng rồi. Từ góc nhìn của anh thì anh chửi cũng là khá đúng. Tôi chẳng trả lời anh ta tiếng nào, và cũng biết rằng không nên trả lời, cứ lặng thinh ngồi nghe anh một cách dửng dưng." (Tập II, trang 67)

Vợ của tác giả, tức là Hương, và cháu Nam Phương được nhà tù thả cho về sớm. Nhưng câu chuyện đầy huyền bí, được tiên báo vì gặp ma. Trại giam có huyền thoại rằng, có thiếu nữ tên Đào, khoảng 17 tuổi, con gái của một Thiếu Tá QLVNCH, khi bị bắt vào trại giam đã treo cổ tự tử. Từ đó, thỉnh thoảng cô Đào hiện ra, cả ban ngày. Nhiều người không tin ma, thách thức, thì bị cô xuất hiện, hù dọa tới kinh hoàng, có người té xỉu. Tác giả ghi lại chuyện cô Đào hiện ra cho cô Hương thấy.

"Một buổi trưa Hương đang thiu thiu chợt Hương thấy một cô gái rất trẻ đẹp, tóc xõa ngang vai nhưng khuôn mặt trắng xanh, đang ngồi trên cái bệ che mưa của cái cửa sổ, dáng đìệu rất ung dung nhàn nhã, hai chân đong đưa. Hương khiếp quá nhắm mắt lại, nhưng khi mở ra vẫn thấy cô ngồi đó. Em sợ quá, bồng con chạy ra nhà ăn và kể lại những gì minh vừa thấy cho mấy chị bạn. Mấy chị đó liền ôm vợ tôi mừng rỡ nói:

- Vậy là mai chị sẽ được thả về. Đó là cách cô Đào cổ báo tin cho chị đó. Cổ cho người nào thấy cổ tức là cách cô báo tin. Cô đã báo tin như thế cho nhiều người rồi và cô đã báo là không khi nào sai.

Quả thực hôm sau đó là vợ con tôi được trả về với gia đình. Khi chúng tôi ra đi thì vợ tôi đã mang thai cỡ 7 tháng, lặn lội trong rừng hết 17 ngày 17 đêm, bị giam giữ hai tháng. Ngày ra tù cũng suýt soát ngày sinh nở của vợ tôi. Cùng về với vợ con tôi còn có mấy chị trang lứa, người Sàigòn..." (Tập II, trang 78)

Hai tháng sau đó, Hồ Ngọc Bảo được chở từ Pleiku về giam ở trại Phan Đăng Lưu, Sài Gòn. Nơi đây, tác giả ở tù chung buồng với nhà văn Duyên Anh, và một số người nổi tiếng khác, kể cả một số người Hoa ở Chợ Lớn có thế lực trong nhiều ngành kinh doanh. Và rồi đưa vào giam ở nhà tù Chí Hòa, nơi khét tiếng là địa ngục trần gian. Chuyện trong tù thì đói là bình thường, bệnh là bình thường, chết cũng là bình thường. Tác giả ở Chí Hòa chừng một năm thì được chở ra trại Z30C Hàm Tân. Chuyện trong tù thì cũng đủ thứ gian nan. Rồi tác giả được thả về, rời trại Z30C. Bấy giờ, vợ chồng Hồ Ngọc Bảo đã về nơi có địa danh là Ông Quế ở Đồng Nai để làm rẫy. Vùng này đồng không, heo hút ven rừng cao su. Chuyện ma hiện ra là bình thường. Một lần, Kim Chi là em của Hương nằm ngủ thì thấy một bà già hiện ra, lay lay chân và cho số đề. Vậy mà trúng, dĩ nhiên trúng ít, vì họ không có dư tiền mua nhiều, mà cũng không đủ lòng tin để dám chịu mất tiền nếu thua.

Tác giả Hồ Ngọc Bảo làm đủ mọi thứ có thể để mưu sinh, như đi đập lúa thuê, đi hái đậu thuê. Rồi đi buôn lậu, vì thời đó cái gì mua bán ngoài luồng đều là buôn lậu. Hai vợ chồng tác giả đi buôn khoai mì khô, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng… Cứ để lên xe đạp chở ra khỏi nông trường Ông Quế đưa về bán ở Dầu Giây kiếm lời, nếu thồ về được Sài Gòn bán thì có lời nhiều hơn. Thế rồi do cơ duyên, tác giả được bạn kéo vào nhà máy Quốc Doanh Sành Sứ Biên Hòa ở ngã ba Sài Gòn - Vũng Tàu. Nhà máy này đang tê liệt vì chủ cũ đã vượt biên, nhân sự phục hồi nhà máy này chỉ khoảng gần mươi người, hầu hết là cựu sĩ quan QLVNCH. Vấn đề là, làm sao cho nhà máy hồi phục, với người Tư Lệnh nhà máy này là Đỗ Hữu Ngữ, nguyên Đại Úy giảng viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, và gia đình anh Ngữ là gia đình sành sứ lớn ở Biên Hòa. Tác giả Hồ Ngọc Bảo nhận nhiệm vụ ngồi chơi, vì không có việc nào cụ thể trong khi nhà máy đóng cửa, nên xin ra, để khi nào có việc thì vào làm, liền được bổ nhiệm vào chức Trưởng Phòng Cung Tiêu. Tội nghiệp cho cái nhà máy chưa chạy lại này.

Trong một cơ duyên, tác giả nghe tin Đức Cha Kontum xuống thăm Sài Gòn, nên mới tới Tòa Giám Mục thăm ngài, nhưng lúc đó ngài vừa đi vắng. Thế rồi, đang đứng xớ rớ thì gặp bạn học cũ: "Trời nóng quá tôi không muốn vào nhà mà đứng xớ rớ ở ngã ba Duy Tân - Hiền Vương hóng mát. Bất chợt tôi thấy Nguyễn Bá Tùng chạy xe Honda đi qua, tôi kêu lên. Tùng ngừng xe, quay lại nhìn và khi nhận ra tôi thì cũng mừng lắm, hoác miệng ra cười, Tùng trán cao, miệng rất rộng, răng rất đều đẹp, mũi nở nang chỉ hơi khuyết ở cặp mắt. Tùng rủ tôi cà phê cà pháo ngay, tôi được hưởng thêm mấy điếu thuốc có cán, hình như Milot, loại thuốc tôi chưa hề thấy." (Tập II, trang 297)

Anh bạn này đang đóng ghe, rủ tác giả Hồ Ngọc Bảo vượt biên qua đường biển. Lần thứ nhất, thất bại. Lần thứ nhì, thành công. Sau khi trải qua nhiều gian nan, rồi cũng phải thành công. Tác giả Hồ Ngọc Bảo kể lại giây phút ngồi nơi mũi ghe ra biển, khi biết là qua được các hiểm nguy ven bờ biển Phước Hải, Bà Rịa.

"Khi đã cảm thấy đủ an toàn, tôi ra ngồi ở mũi tàu nhìn lại Việt Nam. Trời trong xanh gió thổi nhẹ, tôi chỉ còn thấy núi mờ mờ, vui mừng khôn tả nhưng không khỏi có chút ngậm ngùi; nơi đó còn cha mẹ, ba mạ vợ con và tất cả các em tôi, nơi đã cưu mang tôi khôn lớn, đã cho tôi một giấc mộng tuổi xuân đẹp, nhưng bây giờ nơi đó đã trở thành một mảnh đất tối tăm, lại bị thêm một áng mây mù rất hung tàn che phủ. Nhìn quanh mình chỉ thấy sóng nhấp nhô lấp lánh ánh sáng ban mai, đẹp khôn tả. Có một điều rất lạ là nước biển tím như nước mùng tơi, tôi không dám tin nơi mắt mình cố nhìn cho chắc, nước có màu tím mùng tơi thiệt. Tôi cũng thấy một con rùa nổi lên to cỡ hơn cái mâm cơm." (Tập II, trang 310-311)

Chiếc ghe vào đảo Kuku của Nam Dương (Indonesia), rồi chuyển sang đảo Galang, nơi có trại tỵ nạn lớn do chính phủ Nam Dương dựng lên, làm nơi để Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ phỏng vấn, làm thủ tục cho định cư. Tác giả kể lại thời kỳ ở đảo.

"Tôi ở Galang bốn tháng thì được phái đoàn Canada nhận. Trong thời gian ớ̉ đó cô bạn đã chăm chút cho tôi, khi đã thân nhau hơn, cứ hai ngày thì cô trao cho tôi một gói thuốc Hope, vị giống thuốc Salem của Mỹ, của quý nhất trên đảo đối với tôi, ăn no thuốc cỡi. Sau khi nghỉ trưa, tôi ra suối tắm cô đi với tôi, và sáng chiều đi thư viện học thêm tiếng Anh hoặc đọc sách với tôi. Có hôm đang học, cô nhìn tôi gương mặt cô như cười, đẩy một mảnh giấy nhỏ sang tôi, trên đó có mấy chữ:”
- Ngồi ngó hoài học không vô mô.
Tôi bỏ ngang bữa học, dẫn cô đi chơi.
Cơm chiều xong thì tôi và hai chị em đi dạo lanh quanh, khi thì lên nhà thờ, một Tin Lành, một Công Giáo, có khi lên chùa, có khi vào Galang Hai, có khi coi đá banh
..." (Tập II, trang 350)

Tới đây, bộ sách còn khoảng gần 200 trang nữa là kết thúc. Người viết xin trân trọng giới thiệu bộ sách hai tập này. Còn rất nhiều chuyện kể trong sách chưa ghi lại trong bài này. Người viết cũng tránh kể nhiều chi tiết trong sách về các lý luận của tác giả, vì lý luận chính trị hiển nhiên là khô khan, trong khi các chuyện kể luôn luôn là hấp dẫn. Độc giả sẽ tìm thấy trong sách này những đời sống thường nhật trong Xóm Bàu, nơi 100% cư dân là tín đồ Công Giáo, cũng như sẽ thấy các tranh chấp Quốc-Cộng ở Quảng Ngãi, sẽ tìm thấy các chi tiết trong đời sống của tu sinh trong nhà dòng Kontum, những chuyện băng rừng từ Kontum qua đường bộ vượt biên tới 17 ngày mới bị bắt, chuyện trong tù từ Chí Hòa tới Z30C, chuyện Nông Trường Ông Quế, chuyện hồi phục nhà máy sành sứ đang bị tê liệt, và rất nhiều hình ảnh dày đặc trong hồi ký Hồ Ngọc Bảo nhưng không được ghi chi tiết trong bài giới thiệu này. Thí dụ, về anh bạn học Nguyễn Bá Tùng, người sau này hoạt động Mạng Lưới Nhân Quyền VN. Cũng như Hồ Ngọc Bảo kể về cơ duyên gặp và trở thành bạn thân với Phan Tấn Hải, người sau này trở thành một nhà báo Quận Cam.

Cũng cần ghi chú nơi đây: có vài đoạn thơ trích lại trong sách, tác giả Hồ Ngọc Bảo ghi là của Phan Tấn Hải, thực ra là ghi nhầm, vì đó là thơ của Đinh Hữu Hiền, một nhà thơ lúc đó còn ở VN. Các câu thơ này như sau:

Cơm không no mà nói chuyện thiên đường
Áo không ấm mà xiểm gièm địa ngục
Ai dám bảo thế nầy là hạnh phúc
Hãy trả tôi về địa ngục những ngày xưa
. (Tập II, trang 240)

Cũng cần ghi nhận rằng, những lý luận của tác giả Hồ Ngọc Bảo về Văn Hóa Tàu, Văn Hóa Tây… có thể dẫn tới tranh cãi bất đồng từ rất nhiều người. Nhưng muôn đời là thế, khi lý luận về triết lý, tôn giáo, văn hóa, chính trị, xã hội… thì không thể nào đồng ý nhau hoàn toàn. Hai tập Trăng Dương Tử này rất nên đọc, để hiểu về Xóm Bàu, về Quảng Ngãi, về xung đột tôn giáo Miền Trung, về tuổi trẻ trong một dòng tu Công Giáo, về không khí đại học ở Vạn Hạnh, Luật Khoa trước 1975, rồi những phương pháp học và thi ở Trường Quốc Gia Hành Chánh… Và rất nhiều nữa.

clip_image002

Tác giả Hồ Ngọc Bảo có tiểu sử tự kể như sau.

- Sinh ngày 17-03-1949, theo giấy Thế Vì Khai Sinh.

- Khoảng năm 1964, thì thay đổi ngày sinh thành 24-08-1952.

- Năm 1959, cha mẹ gởi cho đi tu tại Kontum.

- Từ giã cuộc đời tu sinh năm 1969.

- Năm 1969 theo chương trình Đại Học tại Sàigòn, năm đầu học hai nơi, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội bên Đại Học Vạn Hạnh và Luật Khoa tại Sàigòn.

- Từ năm thứ Hai trở đi chỉ còn học ở bên Luật và tốt nghiệp Ban Công Pháp năm năm 1974.

- Trúng tuyển vào Quốc Gia Hành Chánh Ban Hành Chánh khóa 9 năm 1973 và bị dở dang sau 30-04-1975.

- Vượt biên cùng vợ con bằng đường bộ và bị bắt tại huyện Sa Thầy vào ngày 22-12-1975, vợ và con gái được trả về địa phương sau hai tháng. Riêng tác giả bị đưa về giam tại trại Phan Đăng Lưu.

- Ở Phan Đăng Lưu độ khoảng chín tháng thì bị đưa sang Chí Hòa khoảng trước Giáng Sinh 1976.

- Trước Giáng Sinh năm 1976 thì bị đưa đi lao động khổ sai tại Z30C, Hàm Tân, Thuận Hải.

- Khoảng cuối tháng 12-1980 được thả.

- Từ đầu năm 1981 về làm rẫy tại vùng Kinh Tế Mới Ông Quế, Long Khánh.

- Sau hơn hai năm thì đầu hàng cuộc sống nông dân và làm phu cạo mủ cho nông trường Bình Lộc.

- Năm 1983 thì về làm ở nhà máy Quốc Doanh Sành Sứ Biên Hòa được sáu tháng thì vượt biên.

- Bên xứ người, làm lao động tại các nhà máy từ ngày 06-04-1984.

- Đến đầu năm 2014 thì hãng cho tôi về hưu non.

Cần liên lạc, hay tìm mua, xin gửi email về: Hồ Ngọc Bảo - baoho@live.ca