Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Cố sự tân luận – thiên hạ trục lộc

THÔNG TIN:

故事新論-, 天下逐鹿 (Bàn luận chuyện cũ - Thiên hạ đuổi bắt hươu)

Trần Gia Ninh

(Khá dài, ai rỗi, thích lịch sử và tò mò thì hẵng đọc)

Sắp đến ngày 19/8 và 2/9, có người bạn viết lách hỏi mỗ: “Cách mạng tháng Tám giống như cuộc cách mạng nhung, đúng không?”. Vâng, đúng là Cách mạng tháng Tám không đổ máu, nhưng chỉ là lúc khởi đầu đầu thôi, nó không được dàn xếp nhanh chóng như Cách mạng nhung Tiệp Khắc, mà kéo dài đến 30 năm và đổ không ít máu mới xong. Đúng hơn, nó giống hình ảnh của câu chuyện xưa chép trong Sử ký Tư Mã Thiên: Tần thất kì lộc, thiên hạ cộng trục chi 秦失其鹿, 天下共逐之 (Triều Tần mất con hươu, cả thiên hạ cùng đuổi theo bắt).

Đời sau thường dùng làm điển tích THIÊN HẠ TRỤC LỘC 天下逐鹿. Truyện chép:

“Trước lúc bị hành hình, Hàn Tín bi phẫn nói rằng:

- Ta hối hận không nghe theo kế của Khoái Thông, để đến nỗi chết dưới tay đàn bà.

Lưu Bang sau khi nghe, lập tức hạ lệnh tróc nã Khoái Thông. Không ngờ Khoái Thông khẳng khái nói với Lưu Bang:

- Lúc đầu, khi pháp độ triều Tần bại hoại, chính quyền rệu rã, sáu nước Sơn Đông đại loạn, nhất thời chư hầu nổi dậy. Lúc đó giống như triều Tần mất đi con hươu, người trong thiên hạ đều đuổi theo bắt, kết quả là người nào có bản lĩnh cao cường, hành động nhanh chóng sẽ bắt được con hươu này. Thần lúc đó chỉ biết có Hàn Tín mà không biết bệ hạ, huống chi người muốn đoạt thiên hạ rất đông, chỉ là lực lượng không đủ mà thôi. Lẽ nào bệ hạ muốn giết hết họ?

Lưu Bang nghe qua, không nói lời nào liền thả Khoái Thông” (Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史记 - 淮阴侯列传).

Từ tháng 3 năm 1945, Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn do khoảng trống về quyền lực chính trị quá lớn. Người Nhật đang lo chống đỡ các đòn tấn công của quân đội đồng minh Anh-Mỹ. Cả chính phủ của Trần Trọng Kim lẫn triều đình của Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự và uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Đó là lúc con hươu quyền lực sổng chuồng, thiên hạ đuổi bắt. Quần hùng đủ mặt anh hào, thử điểm mặt những chủ chốt xem sao:

Việt Quốc, Việt Cách, Việt Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm… Thời 45-46 là khởi đầu thời “thiên hạ trục lộc”, đáng tiếc là 30 năm sau mới tóm gọn được hươu. Cũng giống như trong lịch sử hơn hai ngàn năm trước, những hào kiệt này đều từng là hoặc là tiền bối, hoặc là chiến hữu, bạn bè, hoặc giúp nhau lúc hoạn nạn, hoặc tôn trọng nhau và không ai giết hại ai cả, không như Lưu Bang giết Hạng Vũ, Bành Việt, Anh Bố, Hàn Tín… và các chiến hữu của mình.

Nguyễn Hải Thần (1879-1959) người Hà Đông là chí sĩ yêu nước từ thời theo Đông Du của Phan Bội Châu còn sót lại. Ông đã học tại trường Chấn Vũ (Tokyo, Nhật Bản) cùng lớp với Tưởng Giới Thạch. Về Trung Quốc, Nguyễn Hải Thần vào Trường Võ bị Hoàng Phố và trở thành giảng viên môn chính trị tại trường này. Ông còn nổi tiếng với nghề thầy bói. Tháng 10 năm 1942 tại Liễu Châu (Trung Hoa), Nguyễn Hải Thần cùng với Nghiêm Kế Tổ, và chiến hữu sáng lập Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Cách. Cuối tháng 8/1945, Việt Cách về nước theo 200.000 quân Trung Hoa Dân quốc do các tướng Lư Hán, Tiêu Văn chỉ huy sang với danh nghĩa giải giới quân đội Nhật. Khi đó thì ở Việt Nam, Nhật đã đầu hàng Đồng minh (15/8). Chính phủ Trần Trọng Kim (do Nhật dựng lên) từ chức, Khâm sai Phan Kế Toại nhượng bộ. Hồ Chí Minh về Hà Nội lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 28-8 và ra mắt ngày 2-9-45 tuyên bố nước Việt Nam thống nhất (ba kỳ), thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ gồm đa số là Việt Minh. Việt Minh là do Hồ Chí Minh thành lập.

Hồ Chí Minh là tên gọi mới của Nguyễn Ái Quốc, ông không theo con đường thất bại của hai cụ Phan mà đi tìm con đường khác sang Âu Mỹ Nga học hỏi, về Trung Hoa gây dựng tổ chức, rồi về Cao Bằng lập ra Việt Minh (gọi tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội – chỉ thay chữ “cách mệnh” của Việt Cách bằng chữ “độc lập”) năm 1941 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Năm 1944, Việt Minh đã tổ chức quân đội ở Cao Bằng gọi là Việt Nam (Tuyên Truyền) Giải phóng quân.

Việt Cách đã giúp Việt Minh khi hoạn nạn lúc còn trứng nước: Tướng Trương Phát Khuê (lãnh tụ Trung Hoa Quốc dân đảng ở Lưỡng Quảng) bắt cầm tù Hồ Chí Minh khi ông sang Trung Quốc (1942-1943). Hồ Chí Minh chỉ được tha nhờ lời xin đặc xá của ông Nguyễn Hải Thần.

Vũ Hồng Khanh (1898-1993), quê ở Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, xuất thân giáo làng, là một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng. Khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông trốn sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động chống Pháp. Ông liên kết với Nguyễn Hải Thần lập ra tại Liễu Châu năm 1942 Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách). Tháng 5 năm 1945, tại Trùng Khánh (Trung Quốc), Việt Nam Quốc dân Đảng liên minh với Đại Việt Quốc dân đảng (Trương Tử Anh) và Đại Việt Dân Chính đảng (Nguyễn Tường Tam) thành một tổ chức mới, là Đại Việt Quốc dân đảng. Ngày 1 tháng 9 năm 1945, ông từ Côn Minh về nước qua ngả Mường Khương, vào Lào Cai.

Do cần phải hợp tác để đối phó với Việt Minh ngày 15 tháng 12 năm 1945 các đảng phái chống Việt Minh đã thống nhất thành lập một lực lượng gọi là Mặt trận Quốc dân Đảng Việt Nam. Vũ Hồng Khanh giữ chức Bí thư trưởng tổ chức này. Đó là Việt Quốc.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946 ông tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến và đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội (sau đổi là Ủy ban Kháng chiến). Ông cùng Hồ Chí Minh đã ký với Jean Sainteny Hiệp định sơ bộ 1946. Hiệp định này cho Pháp vào nhưng đẩy được Tưởng về nước.

Nguyễn Hải Thần thì chống Việt Minh quá quắt khiến Tiêu Văn chỉ huy quân Quốc dân đảng Trung Hoa phải giảng hoà ép Hải Thần phải hợp tác. Ngày 23/12/1945, tướng Tiêu Văn tổ chức một cuộc họp hòa giải các bên để thành lập chính phủ liên hiệp. Cuối cùng các bên đạt được một thỏa thuận được tuyên bố là mang tính pháp lý (viết bằng chữ Hán) theo đó các ghế bộ trưởng trong chính phủ sẽ phân chia như sau: Việt Minh 2 bộ trưởng, Đảng Dân chủ Việt Nam (cũng tham gia Việt Minh) 2 bộ trưởng, Việt Quốc 2 bộ trưởng, Việt Cách 2 bộ trưởng, phi đảng phái 2 bộ trưởng. Thỏa thuận này không sử dụng tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì Việt Quốc không đồng ý với tên này. Cuộc bầu cử quốc hội được hoãn 2 tuần. Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần chấp nhận để Hồ Chí Minh tiếp tục làm Chủ tịch nước lâm thời. Quốc hội sẽ quyết định quốc kỳ và quốc huy. Hai đảng này cũng không được tham gia vào cơ quan chỉ huy và tham mưu của quân đội. Việt Quốc sẽ được 50 ghế còn Việt Cách 20 ghế trong Quốc hội mà không phải tranh cử. Điều này khẳng định với nhiều người rằng hai đảng phái này không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại địa phương.

Hồ Chí Minh sang Pháp từ tháng 5 đến tháng 10/1946. Ở nhà các phe phái đánh nhau dữ dội kể cả bằng súng đạn, không ai chịu ai, đỉnh điểm là vụ nhà số 7 phố Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946. Quân Tàu Tưởng đã rút hết không còn chỗ dựa nữa, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam… bỏ nước trốn sang Trung Quốc.

Hồ Chí Minh từ Pháp trở về, ngày 31/10/46 bị Quốc hội chất vấn về chuyện này, Hồ Chí Minh trả lời: “Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và ông nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh. Các ông ấy bây giờ không có mặt ở đây. Lúc nước nhà đang gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào mới trao cho người ấy công việc lớn. Thế mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải tự hỏi lương tâm thế nào. Trả lời thế là đủ. Những người bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ sức mà gánh nổi. Nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại mà trở về thì chúng ta cũng hoan nghênh”.

Hải Thần ở Hongkong, không tham chính nữa, lấy vợ trẻ mới và chết tại đó năm 1959 thọ 80 tuổi.

Bảo Đại cầm đầu phái đoàn chính phủ sang Trùng Khánh thì ở lại không về.

Còn nhớ thời đầu kháng chiến có câu hò rất phổ biến: “Ai ngu như Bảo Đại/Ai dại như Nguyễn Hải Thần/ Mưu đem dân ta vào vòng nô lệ một lần thứ hai”.

Nguyễn Tường Tam lúc bỏ trốn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 1951 Tam về lại Việt Nam và tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị nữa. Thế nhưng năm 1960 ông thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, trước khi bị chính phủ Ngô Đình Diệm đem ra tòa xét xử, Nguyễn Tường Tam dùng thuốc độc tự tử đêm 8/7/1963 lúc đó Tam 57 tuổi.

Vũ Hồng Khanh sang Trung Quốc theo Quốc dân đảng Trung Hoa chiêu binh mãi mã. Năm 1949 Mao thắng Tưởng, dồn tàn quân Quốc dân đảng chạy về biên giới Việt Nam. Vũ Hồng Khanh cầm đầu chừng bảy đến tám ngàn tàn quân Quốc dân đảng tiến vào Việt Nam qua ngả Na Sầm, giữa Lạng Sơn và Cao Bằng. Khi quân trú phòng Pháp định tước vũ khí đoàn quân này, đụng độ nổ ra. Bị cả quân Pháp và Việt Minh vây đánh, mất chừng hai nghìn người, ngày 6 tháng 1 năm 1950, Vũ Hồng Khanh và số tàn quân còn lại hạ vũ khí đầu hàng quân Pháp. Khanh về cộng tác với Pháp, Bảo Đại và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau sự kiện năm 1975, Vũ Hồng Khanh theo lệnh chính quyền Cách mạng đi tập trung học tập cải tạo, dù ông đã 77 tuổi.

Năm 1986 ông được trả tự do và về sống tại quê nhà Vĩnh Tường và mất ở đó vào 1993 thọ 95 tuổi. Một tài liệu khác nói rằng đích thân Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn đã vào trại cải tạo đề nghị thả sớm Vũ Hồng Khanh vì năm 1943 ông có công can thiệp với tướng Trung Hoa Quốc dân Đảng Trương Phát Khuê thả Lý Thụy – bí danh của Hồ Chí Minh – tại Liễu Châu, Trung Quốc.

Nhân vật cuối cùng trong số quần hùng từ giã cõi đời là Bảo Đại, ông chết ở Paris năm 1997. Trong những phỏng vấn báo chí trước khi mất cũng như trong hồi ký “Con rồng An nam”, ông luôn luôn biểu lộ sự nể trọng đối với Hồ Chí Minh, đối thủ đã thắng ông và mọi kẻ chống đối dân tộc khác trong cuộc đua tranh “thiên hạ trục lộc”.

Một nhân vật cũng khá lý thú, tuy không phải là một quần hùng trục lộc vào thời 45-46 là Ngô Đình Diệm. Vào cuối năm 1945, Ngô Đình Diệm bị dân quân bắt ở Nam Trung Bộ, giải ra Hà Nội. Biết việc này, với tư cách Chủ tịch Chính phủ… ngày 15/1/1946, Hồ Chí Minh yêu cầu cho đưa Ngô Đình Diệm đến gặp tại Bắc Bộ phủ, thuyết phục ông Diệm đi với nhân dân, tham gia vào việc nước. Nhưng ông Diệm từ chối, tuyên bố “sẽ vẫn tiếp tục chống Pháp nhưng không thể đi với Việt Minh”. Nhiều cán bộ giúp việc quanh Hồ Chí Minh không đồng tình, cho rằng ông Diệm là người thân Nhật, rất nguy hiểm, Hồ Chí Minh nói: “Nếu ông ta thân Nhật thì Nhật đã tan tành rồi, còn chỗ nào mà thân nữa. Còn ông ta nói vẫn còn chống Pháp, nhưng không đi với Việt Minh, thì cứ thả ông ra, để ông ấy chống Pháp theo kiểu của ông ấy!”. Thế là Hồ Chí Minh đã lệnh thả Ngô Đình Diệm. Sử quan bình luận rằng, giá mà lúc ấy Hồ Chí Minh không biết Ngô Đình Diệm bị bắt, thì Ngô Đình Diệm đã bỏ xác dưới tay dân quân Quảng Ngãi rồi. Lịch sử Việt Nam có thể sẽ đi con đường ngắn và đỡ đổ máu hơn. Nhưng cuối cùng thì Ngô Đình Diệm đã phải trả giá vào 1963 do đệ tử của chính mình giết, không phải dưới tay của Việt Minh. Liệu có nên quy cho Hồ Chí Minh cái tội đã quá nhân từ và quân tử để sau này chuốc lấy hậu hoạ 30 năm?

Tiếc thay lịch sử không có chữ nếu.

Cuối cùng sau 30 năm thì Việt Minh đã bắt được hươu và giữ chặt cho đến khi nào… SỔNG CHUỒNG!

Chuyện “THIÊN HẠ TRỤC LỘC” tân bản đến đây là hết.