Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Bộ máy quan liêu (11)

Ludwig von Mises

Phạm Nguyên Trường dịch

Chương 6

Hậu quả về tâm lý của quá trình quan liêu hóa

1. Phong trào thanh niên Đức

Các nhà trí thức quay lưng lại với triết lý của Horatio Alger[1]. Nhưng, Alger là người thành công nhất trong việc nhấn mạnh đặc thù của xã hội tư bản – Chủ nghĩa tư bản là hệ thống, trong đó, tất cả mọi người đều có cơ hội làm giàu; nó mang tới cho mọi người những cơ hội vô cùng vô tận. Tất nhiên, không phải ai cũng gặp may. Rất ít người trở thành triệu phú. Nhưng mọi người đều biết phải hết sức cố gắng và chỉ có cố gắng thì mới thành công. Mọi con đường đều rộng mở trước các bạn trẻ thông minh. Người thanh niên lạc quan khi nhận thức được sức mạnh của chính mình. Anh ta tự tin và tràn đầy hy vọng. Còn khi già dặn hơn và nhận ra rằng nhiều dự định của mình không trở thành hiện thực, anh ta không có lý do để tuyệt vọng. Con anh ta sẽ bắt đầu cuộc đua một lần nữa và anh ta không thấy bất kỳ lý do nào để con mình không thành công ở nơi mà chính mình đã thất bại. Cuộc đời thật đáng sống vì đầy hứa hẹn.

Ở Mĩ, tất cả điều này đều đúng theo nghĩa đen. Ở châu Âu cũ vẫn còn những hạn chế xuất phát từ ancien regime (chế độ cũ – tiếng Pháp). Ngay cả trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của chủ nghĩa tự do, giới quý tộc và quan chức cũng đã từng đấu tranh nhằm giữ đặc quyền đặc lợi của mình. Nhưng ở Mĩ không có tàn dư của thời Trung cố. Theo nghĩa này, đây là quốc gia non trẻ, và là đất nước tự do Ở đây không có những quy định về nghề nghiệp cũng như bang hội. Thomas Alva Edison và Henry Ford[2] đã không phải vượt qua những trở ngại do các chính phủ thiển cận và một dư luận hẹp hòi dựng lên.

Trong những điều kiện như thế, thế hệ đang lớn được tinh thần của những người tiên phong thúc đẩy. Họ được sinh ra trong xã hội đang vươn lên, và họ nhận thức được rằng nhiệm vụ của mình là đóng góp công sức nhằm cải thiện điều kiện sống của con người. Họ sẽ thay đổi thế giới, sẽ định hình thế giới tư tưởng của riêng mình. Họ không có thời giờ để làm những việc vô ích, tương lai là của họ và họ phải chuẩn bị đón nhận những điều tuyệt vời đang chờ đợi mình. Họ không nói về việc mình còn trẻ, không nói về quyền của thanh niên; họ hành động như những người trẻ tuổi phải hành động. Họ không khoe khoang về “sự năng động” của mình; họ năng động và họ không cần nhấn mạnh phẩm chất này. Họ không thách thức thế hệ cũ bằng những câu chuyện đầy kiêu căng. Họ muốn thắng thế hệ trước bằng hành động của mình.

Nhưng khi ngọn triều quan liêu hóa tăng lên thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Việc làm trong văn phòng chính phủ không cho người ta cơ hội thể hiện phẩm chất và tài năng cá nhân. Quy định cứng nhắc giết chết sáng kiến. Chàng thanh niên không có chút ảo tưởng nào về tương lai của mình. Anh ta biết cái gì đang chờ đợi mình trong tương lai. Anh ta sẽ làm việc trong một trong số rất nhiều văn phòng, anh ta sẽ là bánh răng trong cỗ máy khổng lồ, nói chung, là hoạt động theo lối cơ khí. Công việc quan liêu hàng ngày sẽ làm tê liệt đầu óc và trói chân trói tay anh ta. Địa vị của anh ta khá an toàn. Nhưng là kiểu an toàn chẳng khác gì tù nhân trong bốn bức tường trại giam. Anh ta sẽ không bao giờ được tự do quyết định và định hình số phận của chính mình. Anh ta sẽ mãi mãi là người được những người khác chăm sóc. Anh ta sẽ không bao giờ trở thành người đàn ông thực sự dựa vào sức mạnh của chính mình. Anh ta rùng mình khi nhìn thấy những tòa nhà văn phòng khổng lồ, nơi anh ta sẽ tự chôn sống mình.

Trong mười năm trước Thế chiến I, Đức, đất nước đi xa nhất trên con đường quan liêu hóa, đã chứng kiến hiện tượng mà cho đến lúc đó chưa ai từng nghe nói tới: Phong trào thanh niên. Những nhóm thanh niên, cả nam lẫn nữ, lôi thôi lếch thếch, ồn ào và bỏ học, lang thang khắp nơi. Họ dùng những từ ngữ khoa trương để loan báo Tin Lành về thời đại hoàng kim. Họ nói rằng tất cả các thế hệ trước đều ngu ngốc; chính sự bất lực của các thế hệ trước đã làm cho trái đất trở thành địa ngục. Nhưng thế hệ đang lên không muốn chịu đựng chính quyền trong tay những lão già, không muốn chịu đựng quyền lực của những lão già hết hơi và ngu dốt nữa. Từ nay, những chàng trai trẻ thông tuệ sẽ nắm quyền. Họ sẽ phá hủy tất cả những thứ già nua và vô dụng, họ sẽ vứt bỏ tất cả những thứ mà cha mẹ họ từng yêu quý, họ sẽ thay thế các giá trị và ý thức xưa cũ và sai lầm của nền văn minh tư sản bằng những giá trị và hệ tư tưởng chân chính và thực sự mới mẻ; và họ sẽ dựng lên xã hội mới của những người khổng lồ và siêu nhân.

Ngôn ngữ bốc đồng của những thanh thiếu niên này là bức bình phong rẻ tiền, che đậy sự kiện là họ chẳng có bất kỳ tư tưởng và chương trình hành động rõ ràng nào. Họ chẳng có gì để nói ngoài mấy câu sau đây: Chúng tôi là thanh niên và do đó, chúng tôi là những người được chọn; chúng tôi có tài vì chúng tôi là thanh niên; chúng tôi là những người mang tương lai tới đây; chúng tôi là kẻ thù không đội trời chung với giai cấp tư sản thối nát và bọn người chỉ nghĩ tới vật chất. Và nếu có người không sợ mà hỏi về kế hoạch của họ, thì họ chỉ biết một câu trả lời: Các nhà lãnh đạo của chúng tôi sẽ giải quyết mọi vấn đề.

Nhiệm vụ của thế hệ mới bao giờ cũng là gây men cho thay đổi. Nhưng đặc điểm của phong trào thanh niên là họ không có tư tưởng hay kế hoạch mới. Họ gọi hành động của mình là phong trào thanh niên chính vì không có cương lĩnh để có thể dùng làm tên gọi cho những nỗ lực đang được thực hiện. Trên thực tế, họ hoàn toàn ủng hộ cương lĩnh của cha anh mình. Họ không phản đối xu hướng tiến tới chính phủ toàn trí toàn năng và quan liêu hóa. Chủ nghĩa cấp tiến cách mạng của họ chỉ là thái độ hỗn láo của giai đoạn chuyển tiếp giữa thời niên thiếu và tuổi trưởng thành mà thôi; đó là hiện tượng của tuổi dậy thì kéo dài. Không có bất kỳ nội dung mang tính ý thức hệ nào.

Những người đứng đầu phong trào thanh niên là những kẻ bị rối loạn thần kinh chức năng. Nhiều người trong số đó khổ sở vì tính dục bệnh hoạn, hoặc là trác táng hay đồng tính luyến ái. Không có người nào có thành tích xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động hoặc có bất kỳ đóng góp nào cho tiến bộ của con người. Tên tuổi của họ đã bị người đời quên từ lâu; dấu vết duy nhất mà họ để lại là một số cuốn sách và mấy tập thơ rao giảng về sự đồi trụy. Nhưng đệ tử của họ thì lại khác. Họ chỉ có một mục đích duy nhất: Kiếm việc làm trong các văn phòng của chính phủ càng nhanh càng tốt. Những người không bị giết trong các cuộc chiến tranh và cuộc cách mạng hiện nay là những quan chức mô phạm và nhút nhát trong biết bao nhiêu văn phòng Zwangswirtschaft (nền kinh tế bị kiểm soát) của Đức. Họ là những người nô lệ ngoan ngoãn và chung thành của Hitler. Nhưng cũng sẽ là những tay sai ngoan ngoãn và trung thành với người kế vị Hitler, dù hắn ta là người Đức, người theo chủ nghĩa dân tộc hay con rối của Stalin thì cũng thế.

Từ Đức, phong trào thanh niên lan sang những nước khác. Chủ nghĩa phát xít Ý giả trang là phong trào thanh niên. Bài hát của đảng phát xít, Giovinezza (Thanh niên – đảng ca của phát xít Ý), là bài thánh ca của thanh niên. Vị lãnh tụ hài hước của nó đã ngoài năm mươi tuổi mà vẫn khoe khoang về thể lực trẻ trung của mình và tìm cách che giấu tuổi tác như một quý bà đỏng đảnh. Nhưng mối quan tâm duy nhất của đảng viên bình thường là có việc làm trong văn phòng chính phủ. Trong giai đoạn chiến tranh Ethiopia[3] người viết những dòng này đã hỏi một số sinh viên tốt nghiệp một trong những trường đại học lớn của Ý giải thích về lòng hận thù của họ với Pháp và Anh. Câu trả lời làm người ta phải ngạc nhiên: “Ý”, họ nói, “không cung cấp đủ cơ hội cho giới trí thức trong nước. Chúng tôi muốn chiếm các thuộc địa của Anh và Pháp để có chỗ làm trong chính quyền của những vùng lãnh thổ này, hiện nay, đấy là công việc do các quan chức Anh và Pháp nắm”.

Phong trào thanh niên là biểu hiện của thái độ bất an của thanh niên trước viễn cảnh ảm đạm mà xu hướng ép vào kỉ luật có thể cung cấp cho họ. Nhưng đó là cuộc nổi loạn vờ vịt, chắc chắn sẽ thất bại, vì nó không dám chiến đấu một cách nghiêm túc nhằm chống lại mối đe dọa của những biện pháp kiểm soát toàn diện của chính phủ và chế độ toàn trị. Những kẻ bạo loạn giả vờ ồn ào kia là những người bất lực vì chính họ là tù binh của những tín điều toàn trị. Họ suốt ngày lảm nhảm những ngôn từ có tính khiêu khích và hát những bài có tính kích động, nhưng cái họ muốn trước hết là công việc trong văn phòng chính phủ.

Hiện nay, trong các nước tiên phong nhất trên còn đườg dẫn tới chế độ toàn trị, phong trào thanh niên đã chết hẳn rồi. Ở Nga, ở Đức, và ở Ý trẻ em và thanh thiếu niên đã gắn bó vững chắc vào bộ máy kiểm soát tất cả các mặt của đời sống do nhà nước quản lý. Ngay từ tuổi ấu thơ, trẻ em đã là thành viên của các tổ chức chính trị. Tất cả công dân, ngay từ khi sinh ra đến khi chết, đều là đối tượng của bộ máy của hệ thống độc đảng, phải tuân theo mà không được hỏi. Không có hiệp hội hay những cuộc gặp gỡ “riêng tư” nào. Bộ máy chính thức không chấp nhận cạnh tranh. Ý thức hệ chính thức không khoan dung bất đồng chính kiến. Đó là hiện thực của địa đàng quan liêu.

2. Số phận của thế hệ lớn lên trong môi trường quan liêu

Phong trào thanh niên là cuộc nổi dậy vô ích và chết yểu của tuổi trẻ nhằm chống lại những đe dọa của quá trình quan liêu hóa. Phong trào thất bại vì không tấn công nguyên nhân của tai họa – xu hướng dẫn tới xã hội hóa. Trên thực tế, đấy chỉ là biểu hiện của tình trạng bất an, mà không có bất kỳ ý tưởng rõ ràng và kế hoạch cụ thể nào. Những thanh thiếu niên nổi loạn này đã ăn phải bùa mê thuốc lú của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà đơn giản là chính họ cũng không biết mình muốn gì

Rõ ràng là tuổi trẻ là nạn nhân đầu tiên của xu hướng quan liêu hóa. Thanh niên bị tước đoạt, họ không còn bất kỳ cơ hội nào trong việc định hình số phận của chính mình. Họ không còn cơ hội nào. Trên thực tế, họ là “thế hệ lạc lối”, vì họ không có cái quyền quý giá nhất của thế hệ đang trưởng thành: Đóng góp một cái gì đó mới vào kho tàng xưa cũ của nền văn minh. Khẩu hiệu: Nhân loại đã đạt đến giai đoạn trưởng thành đã giết chết họ. Không còn gì để thay đổi và không còn gì để cải thiện thì sao gọi là tuổi trẻ? Thanh niên gì mà triển vọng duy nhất là bắt đầu với nấc thang thấp nhất của bộ máy quan liêu và từ từ bò lên, lúc nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc do các thủ trưởng già nua lập ra? Nhìn từ quan điểm của họ, quan liêu hóa có nghĩa là buộc người trẻ khuất phục người già. Có nghĩa là trở lại hệ thống đẳng cấp.

Xã hội trong tất cả các nước và các nền văn minh – trong thời đại trước khi chủ nghĩa tự do hiện đại và con đẻ của nó, chủ nghĩa tư bản, cất lên tiếng nói của mình – đều được xây dựng trên cơ sở địa vị. Dân tộc bị chia thành các đẳng cấp. Có những đẳng cấp đặc quyền đặc lợi như hoàng gia và quý tộc, và những đẳng cấp bị tước đọat như nông nô và nô lệ. Một người được sinh ra trong một đẳng cấp nào đó, thì sẽ sống suốt đời trong đẳng cấp đó và truyền lại đẳng cấp của mình cho con. Người được sinh ra trong đẳng cấp thấp thì sẽ chẳng bao giờ vươn tới được địa vị dành riêng cho những người có đặc quyền đặc lợi. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử như thế và làm cho tất cả người đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, hầu như tất cả mọi người đều được quyền tự do cạnh tranh để giành lấy bất kì địa vị nào trong cộng đồng.

Chủ nghĩa Marx trình bày một cách giải thích khác về thành quả của chủ nghĩa tự do. Giáo lý chính của Karl Marx là học thuyết về cuộc xung đột không thể hòa giải giữa các giai cấp kinh tế. Xã hội tư bản bị chia thành các giai cấp có lợi ích đối kháng với nhau. Do đó, cuộc đấu tranh giai cấp là không thể tránh khỏi. Đấu tranh giai cấp sẽ chỉ biến mất trong xã hội không có giai cấp trong tương lai, đấy là chủ nghĩa xã hội.

Sự kiện đáng chú ý nhất về học thuyết này là nó chưa bao giờ được giải thích một cách rõ ràng Trong Tuyên ngôn Cộng sản, những ví dụ được sử dụng để minh họa cho đấu tranh giai cấp được lấy từ xung đột giữa các đẳng cấp. Sau đó, Marx thêm vào rằng, xã hội tư sản hiện đại đã tạo ra các giai cấp mới. Nhưng ông chưa bao giờ nói giai cấp là gì và ông ta nghĩ gì khi nói về các giai cấp và mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp và liên kết giai cấp với đẳng cấp. Tất cả những bài viết của ông ta đều xoay những thuật ngữ không bao giờ được định nghĩa này. Mặc dù là người không hề mệt mỏi trong việc xuất bản sách và bài viết đầy những định nghĩa phức tạp và tỉ mỉ theo lối kinh viện, Marx chưa bao giờ tìm cách giải thích bằng ngôn ngữ rõ ràng: Đặc điểm của giai cấp kinh tế là gì? Khi ông ta chết, ba mươi lăm năm sau khi xuất bản Tuyên ngôn Cộng sản, ông để lại bản thảo tập ba chuyên luận quan trọng nhất của mình – Tư bản luận – còn đang viết dở. Và, đặc biệt đáng chú ý là, bản thảo bị gián đoạn ngay ở chỗ Marx trình bày giải thích khái niệm cơ bản này của triết thuyết của ông[4]. Cả Marx lẫn những đồ đệ của Marx đều không thể cho chúng ta biết giai cấp xã hội là gì[5], chứ chưa nói đến các giai cấp xã hội có thực sự có vai trò trong cơ cấu mà học thuyết này đã giao cho họ hay không.

Tất nhiên, theo logic mà nói, có thể phân loại các hiện tượng theo bất kỳ đặc điểm nào mà ta chọn. Vấn đề chỉ là phân loại dựa trên cơ sở những đặc điểm được chọn có hữu ích cho việc nghiên cứu sâu hơn, có giúp làm rõ và mở mang kiến ​​thức của chúng ta hay không. Cho nên, vấn đề không phải các giai cấp mà Marx nói tới có thực sự tồn tại hay không, mà là, liệu những giai cấp này có thực sự quan trọng như Marx gán cho họ hay không. Marx không đưa ra được định nghĩa chính xác về khái niệm giai cấp xã hội, ông sử dụng nó này trong tất cả các trước tác một cách lỏng lẻo và mơ hồ, vì định nghĩa rõ ràng sẽ làm lộ ra rằng đấy là khái niệm vô ích và chẳng có giá trị gì trong việc xử lí các vấn đề kinh tế và xã hội và liên kết nó với các đẳng cấp xã hội là vô lý.

Tính chất đặc biệt của đẳng cấp là sự khép kín của nó. Các giai cấp xã hội, mà Marx minh họa bằng cách gọi tư sản, doanh nhân và những người làm công ăn lương là những giai cấp khác nhau lại có đặc điểm là khá linh hoạt. Thành phần của các giai cấp khác nhau liên tục thay đổi. Con em của những người mà thời của Marx từng là doanh nhân hiện nay đang ở đâu? Tổ tiên của các doanh nhân cùng thời với Marx có nguồn gốc từ đâu? Trong xã hội tư bản hiện đại, tất cả mọi người đều có thể vươn lên bất cứ vị trí nào. Chúng ta có thể gọi các thượng nghị sĩ Mỹ là một giai cấp mà không vi phạm bất kì nguyên tắc logic nào. Nhưng liên kết họ với đẳng cấp quý tộc cha truyền con nối là sai, mặc dù một số thượng nghị sĩ có thể là hậu duệ của những thượng nghị sĩ trước kia.

Chúng tôi đã nhấn mạnh sự kiện là lực lượng ẩn danh hoạt động trên thị trường liên tục xác định ai sẽ là doanh nhân và ai sẽ là tư sản. Người tiêu dùng bỏ phiếu, có thể nói như thế, bầu ra những người xứng đáng giữ những vị trí cao trong quá trình thiết lập cơ cấu kinh tế quốc gia.

Bây giờ, trong chủ nghĩa xã hội, sẽ không có doanh nhân cũng chẳng có tư sản. Theo nghĩa này, cụ thể là, cái mà Marx gọi là giai cấp sẽ không còn, ông đã đúng khi gọi chủ nghĩa xã hội là xã hội phi giai cấp. Nhưng sẽ chẳng giúp ích gì cho quá trình nghiên cứu xã hội. Sẽ có những khác biệt khác trong việc thực hiện các chức năng xã hội mà chúng ta có thể gọi là các giai cấp với những lời biện hộ vững chắc chẳng khác gì Marx. Trong chủ nghĩa xã hội sẽ có những người ban hành mệnh lệnh và những người phải chấp hành những mệnh lệnh này một cách vô điều kiện; sẽ có những người lập kế hoạch và những người thực thi kế hoạch.

Sự kiện có giá trị duy nhất là, trong chủ nghĩa tư bản, tất cả mọi người đều là người tạo dựng tương lai của chính mình. Chàng thanh niên mong muốn cải thiện số phận của mình phải dựa vào sức mạnh và nỗ lực của anh ta. Lá phiếu của người tiêu dùng sẽ quyết định, mà không cần quan tâm tới cá nhân mỗi người. Người ta coi trọng thành tích của ứng viên, mà không quan tâm tới cá nhân anh ta. Công việc hoàn thành mĩ mãn và dịch vụ chu đáo là phương tiện duy nhất dẫn tới thành công.

Trong chủ nghĩa xã hội, ngược lại, người mới bắt đầu phải làm cho những người có địa vị xã hội hài lòng. Họ không thích những người mới có nhiều năng lực. (Các doanh nhân đã thành đạt cũng không thích những người như thế; nhưng, vì người tiêu dùng là thượng đế, họ không thể ngăn chặn cạnh tranh). Trong bộ máy quan liêu của chủ nghĩa xã hội, muốn thăng quan tiến chức thì phải được cấp trên ưu ái, thành tích không quan trọng. Người trẻ phụ thuộc hoàn toàn sự ưu ái của những người già. Thế hệ đang lên nằm trong tay những kẻ già nua.

Phủ nhận sự kiện này là việc làm vô ích. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, không có giai cấp theo cách hiểu của Marx. Nhưng có xung đột không thể hòa giải giữa những người ủng hộ Stalin và Hitler và những người không ủng hộ hai ông này. Và hoàn toàn có thể thông cảm với nhà độc tài ưu ái những người cùng quan điểm với mình và ca ngợi hoạt động của mình hơn là những người không cùng quan điểm và không ca ngợi mình.

Phát xít Ý biến bài hát tụng ca tuổi trẻ thành đảng ca của mình và những người xã hội chủ nghĩa Áo dạy trẻ em hát: “Chúng tôi còn trẻ và thế là tốt”. Thanh niên trong chế độ quản lý quan liêu không phải là tốt. Thanh niên trong hệ thống này chỉ có một quyền duy nhất là ngoan ngoãn, phục tùng và vâng lời. Ở đó không có chỗ cho những người đổi mới ngang ngạnh, không có chỗ cho những người có tư tưởng riêng.

Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng của giới trẻ. Đây là cuộc khủng hoảng của tiến bộ và văn minh. Nhân loại sẽ diệt vong khi thanh niên bị tước đoạt cơ hội tái định hình xã hội theo cách của mình.

3. Chế độ giám hộ độc tài và tiến bộ

Chính phủ gia trưởng đươc lãnh đạo bởi một nhóm những người cao quý và khôn ngoan, bởi những người tinh hoa trong số các quan chức bàn giấy cao quý, có thể tuyên bố có người ủng hộ kiệt xuất: Plato.

Theo Plato, nhà nước lý tưởng và hoàn hảo là nhà nước được cai trị bởi các nhà triết học không nghĩ tới lợi ích của bản thân mình. Họ là những quan tòa không thể mua chuộc và những người quản lý không thiên vị, là những người tuân thủ nghiêm ngặt những điều luật bất biến của công lý. Đây là điểm đặc biệt của triết lý của Plato: Hoàn toàn không quan tâm tới quá trình tiến hóa của các điều kiện kinh tế xã hội và những thay đổi trong tư tưởng của nhân loại về mục đích và phương tiện. Có một mô hình vĩnh cửu về nhà nước tối hảo và mọi sai lệch của điều kiện thực tế so với mô hình này thì chỉ là tham nhũng và suy thoái. Vấn đề chỉ đơn giản là lập ra một xã hội hoàn hảo và sau đó giữ để không xảy ra bất kỳ thay đổi nào, vì thay đổi chính là suy thoái. Các thiết chế kinh tế và xã hội là bất biến. Khái niệm về tiến bộ trong kiến ​​thức, trong quy trình công nghệ, trong phương pháp kinh doanh và trong tổ chức xã hội là những khái niệm xa lạ với đầu óc của Plato. Và tất cả những người không tưởng sau này, những người đưa ra bản thiết kế thiên đường trên cõi thế theo mô hình của Plato cũng tin rằng công việc của con người là vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.

Lý tưởng của Plato về chính quyền của giới tinh hoa đã được Giáo hội Công giáo biến thành hiện thực. Tổ chức của Giáo hội Công giáo La Mã sau công đồng Phản Cải cách Trident (giai đoạn 1545 – 1563, ND) là bộ máy quan liêu hoàn hảo. Giáo hội giải quyết thành công vấn đề tế nhị nhất của tất cả các chính phủ phi dân chủ: Quy trình lựa chọn những chức sắc cao cấp nhất. Hầu như chàng trai nào cũng có thể vươn lên tới địa vị cao nhất trong Giáo hội. Các linh mục ở địa phương cố gắng tạo điều kiện cho những thanh niên thông minh nhất trong giáo xứ của mình được học tập; những chàng trai này được đào tạo trong chủng viện; sau khi được phong chức, sự nghiệp trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào tính cách, nhiệt huyết và trí tuệ của họ. Nhiều giáo sĩ cao cấp là con em các gia đình quý tộc và giàu có. Nhưng họ giành được địa vị không phải do nguồn gốc xuất thân. Họ phải cạnh tranh, gần như bình đẳng, với con em nông dân, công nhân, và nông nô nghèo khó. Các vị Hồng y, những người lãnh đạo tu viện và các giáo viên của các trường đại học thần học là những người xuất chúng. Ngay cả ở những nước tiên tiến nhất, họ cũng là những đối thủ ngang tầm của các học giả, các nhà triết học, các nhà khoa học và chính khách sáng giá nhất.

Các tác giả của tất cả những mô hình xã hội chủ nghĩa không tưởng hiện đại đều coi đây là ví dụ tuyệt vời, nên theo. Ví dụ này được thể hiện rõ nhất trong trước tác của những người xã hội chủ nghĩa tiền bối: Bá tước Henri de Saint-Simon và Auguste Comte[6]. Nhưng về cơ bản mô hình của họ tương tự như hầu hết mô hình những người cầm bút xã hội chủ nghĩa khác, mặc dù, vì những lý do mà ai cũng biết, họ không nói rằng Nhà thờ là mẫu mực. Trước Giáo hội Công giáo, không có hệ thống phân cấp nào hoàn hảo đến như thế.

Tuy nhiên, coi Giáo hội là mẫu mực là sai. Vương quốc Kitô giáo mà Giáo hoàng và các vị Giám mục cai quản không chịu bất kỳ thay đổi nào. Giáo hội được xây dựng trên một học thuyết vĩnh cửu và bất biến. Tín điều được ấn định một lần và mãi mãi. Không có tiến bộ và tiến hóa. Chỉ có tuân theo luật lệ và giáo điều. Các phương pháp lựa chọn được Giáo hội chấp nhận cực kì hiệu quả trong việc quản lý những người bám chắc vào những bộ luật và quy định không thể tranh cãi và không thể thay đổi. Đấy là những pháp pháp hoàn hảo để lựa chọn của những người bảo vệ kho tàng giáo lý vĩnh cửu.

Nhưng, quản trị xã hội loài người và chính quyền dân sự thì lại khác. Con người có đặc quyền quý giá nhất là phấn đấu không ngừng nhằm cải tiến và chiến đấu bằng phương pháp đã được cải tiến nhằm chống lại những trở ngại mà thiên nhiên tạo ra trên đường đời cùa mình. Sự thôi thúc nội tâm này đã biến hậu duệ của những người sống trong hang động thô sơ thành những người tương đối văn minh của thời đại chúng ta Nhưng loài người chưa đạt đến tình trạng hoàn hảo, không thể tiến bộ hơn được nữa. Những lực lượng tạo ra nền văn minh hiện nay của chúng ta vẫn còn sống. Nếu không bị hệ thống tổ chức xã hội cứng nhắc trói chân trói tay thì người ta còn tiến lên và thực hiện được nhiều cải tiến hơn nữa. Nguyên tắc chọn lọc mà Giáo hội Công giáo dùng để lựa chọn những người đứng đầu trong tương lai là sự sùng kính không lay chuyển đối với tín điều và giáo lý của nó. Giáo hội không tìm kiếm những người đổi mới và các nhà cải cách, không tìm kiếm những người mở đường cho những tư tưởng mới trái ngược hoàn toàn với những tư tưởng cũ. Đây chính là cái mà các quan chức hàng đầu, do những kẻ cai trị già nua và đã được thử thách bổ nhiệm, có thể giữ gìn. Hệ thống quan liêu không thể làm được hơn thế. Nhưng chính chủ nghĩa bảo thủ cứng rằn này làm cho các phương pháp quan liêu hoàn toàn không phù hợp trong việc quản trị các vấn đề xã hội và kinh tế.

Quan liêu chắc chắn là phải cứng nhắc vì nó liên quan đến tuân thủ luật lệ và quy trình sẵn có. Nhưng, trong đời sống xã hội, cứng nhắc chẳng khác gì hóa đá và chết. Một sự kiện đầy ý nghĩa là ổn định và an toàn là khẩu hiệu được các “nhà cải cách” ngày nay thích thú nhất. Nếu người nguyên thủy áp dụng nguyên tắc ổn định, thì họ sẽ không bao giờ được an toàn; và đã bị những con thú săn mồi và vi khuẩn xóa sổ từ rất lâu rồi.

Những đồ đệ người Đức của Marx đưa ra châm ngôn: Nếu chủ nghĩa xã hội trái với bản chất của con người, thì bản chất con người phải thay đổi. Họ không hiểu được rằng nếu bản chất của con người thay đổi, thì anh ta không còn là người nữa. Trong hệ thống quan liêu triệt để, cả quan chức lẫn thần dân của họ sẽ không còn là những con người thực sự nữa.

4. Lựa chọn nhà độc tài

Tất cả những người ủng hộ chính quyền của những bạo chúa cao quý đã ngây thơ giả định rằng không thể có bất kỳ nghi ngờ nào về việc ai hay hay nhóm người nào là người cai trị cao quý và tất cả mọi người sẽ tự nguyện phục tùng quyền lực của nhà độc tài hay tầng lớp quý tộc siêu phàm này. Họ không nhận thức được rằng nhiều người và nhóm người có thể đòi quyền lực cho bản thân mình. Nếu đa số không được dùng là phiếu của mình quyết định ứng cử viên nào sẽ nắm quyền, thì nguyên tắc lựa chọn duy nhất là nội chiến. Thay thế cho nguyên tắc lựa chọn dân chủ, thông qua các cuộc bầu cử, là những vụ tranh đoạt quyền lực của những kẻ gian hùng tàn nhẫn.

Thế kỷ II sau C.N., người ta đã dùng nguyên tắc “lãnh tụ”[7] được soạn thảo một cách công phu để cai trị đế chế La Mã. Hoàng đế là người tài năng và xuất chúng nhất. Hoàng đế không truyền ngôi cho người nhà mà chọn người mà ông ta coi là phù hợp nhất làm người kế vị mình. Hệ thống này đã cung cấp cho Đế chế bốn ông vua vĩ đại liên tiếp nhau: Trajan, Hadrian, Antoninus Pius và Marcus Aurelius[8]. Nhưng sau đó là thời kì của những pháp quan, nội chiến thường xuyên, vô chính phủ, và suy tàn nhanh chóng. Chính quyền của những kẻ xấu xa nhất đã thế chỗ cho chính quyền của những người tốt nhất. Những ông tướng đầy tham vọng, được lính đánh thuê ủng hộ, cướp được quyền lực và cai trị cho đến khi bị một kẻ gian hùng khác đánh bại. Phản bội, nổi loạn và giết người trở thành nguyên tắc lựa chọn. Các nhà sử học lên án Marcus Aurelius, vị hoàng đế vĩ đại cuối cùng. Họ nói rằng ông này có tội, vì đã bỏ thông lệ do những người đi trước đặt ra, không chọn người thích hợp nhất mà lại đưa người con trai bất tài là Commondus lên ngôi[9]. Tuy nhiên, hệ thống mà chỉ vì lỗi của một người đã bị phá hủy thì đấy là hệ thống không ra gì, thậm chí, đấy là lỗi khó tha thứ và khó hiểu hơn là lỗi của người cha đánh giá quá cao tính cách và năng lực của con ông ta. Sự thật là hệ thống “lãnh tụ” như thế chắc chắn sẽ dẫn tới những cuộc nội chiến thường trực mỗi khi có mấy ứng viên đòi quyền lãnh đạo tối cao.

Tất cả các nhà độc tài hiện nay đều chiếm được quyền lực bằng họng súng. Sau đó họ phải bảo vệ quyền lực của mình trước khát vọng của đối thủ. Ngôn ngữ chính trị đã tạo ra thuật ngữ đặc biệt để chỉ những hành động như thế: Thanh trừng. Những người kế thừa những nhà độc tài này sẽ vươn lên nắm quyền bằng các phương pháp tương tự và cũng sẽ tàn nhẫn và nhẫn tâm như thế để giữ quyền lực. Nền tảng sâu xa nhất của hệ thống quan liêu bao trùm lên tất cả là bạo lực. Sự ổn định mà người ta cho rằng nó sẽ mang lại cho người dân hóa ra lại là tình trạng hỗn loạn của cuộc nội chiến không bao giờ dứt.

5. Ý thức phê phán không còn

Những người xã hội chủ nghĩa khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản đang suy đồi, không phù hợp với phẩm giá của con người, nó làm suy yếu khả năng trí tuệ con người và phá hoại sự toàn vẹn đạo đức của con người. Họ bảo rằng, trong chủ nghĩa tư bản, tất cả mọi người đều phải coi đồng bào của mình là đối thủ cạnh tranh với mình. Vì thế, bản năng bẩm sinh của con người là nhân từ và tình bằng hữu đã biến thành lòng thù hận và tàn nhẫn trong cuộc tranh giành cho cá nhân mình, còn tất cả những người khác thì phải trả giá. Chủ nghĩa xã hội sẽ khôi phục những đức tính tốt trong bản chất con người. Tình nhân ái, tình huynh đệ và tình đồng chí sẽ là những đặc điểm của con người trong tương lai. Nhưng trước hết phải diệt trừ hiện tượng tệ hại nhất: Cạnh tranh.

Tuy nhiên, không bao giờ có thể diệt trừ được cạnh tranh. Vì luôn luôn có những vị trí mà người ta đánh giá cao hơn vị trí khác, và mọi người sẽ tìm cách leo lên vị trí đó và tìm cách loại bỏ đối thủ của mình. Gọi là ganh đua hay cạnh tranh không phải là quan trọng. Dù sao mặc lòng, phải có biện pháp nào đó để quyết định một người nào đó có được giao công việc mà anh ta đang muốn hay không. Vấn đề chỉ là cạnh tranh như thế nào mà thôi.

Những hình thức cạnh tranh khác nhau của chủ nghĩa tư bản là để vượt qua những người khác trên thị trường bằng cách cung cấp cho người tiêu cùng những món hàng tốt hơn và rẻ hơn. Những hình thức quan liêu khác nhau là những âm mưu khác nhau trong “cung đình” của những kẻ đang có quyền.

Xu nịnh, bợ đỡ, đê tiện, luồn cúi là hiện tượng thường ngày trong cung đình của những kẻ cai trị chuyên chế. Nhưng, ít nhất, ở đó cũng luôn luôn có một vài người không sợ nói sự thật với bạo chúa. Thời đại của chúng ta thì khác. Chính trị gia và những người cầm bút thi đua với nhau trong việc tâng bốc người nắm chủ quyền – “con người bình thường”. Họ không mạo hiểm trong việc làm người dân mất lòng bằng cách thể hiện những ý tưởng không được ưa chuộng. Các triều thần của Louis XIV không bao giờ đi xa như một số người hiện nay trong việc ca ngợi lãnh tụ và những người ủng hộ họ – quần chúng. Dường như những người đương thời với chúng ta đã đánh mất hết lương tri lương năng và tinh thần tự phê bình.

Tại một đại hội đảng Cộng sản Liên Xô, một nhà văn tên là Avdeenko[10] hướng về phía Stalin với những từ ngữ như sau: “Nhiều thế kỷ sẽ qua đi và các thế hệ cộng sản của tương lai sẽ coi chúng ta là những người hạnh phúc nhất trong số những người từng sống trên hành tinh này, vì chúng ta đã thấy Stalin-lãnh tụ vĩ đại, Stalin-nhà hiền triết, một con người bình thường, dễ thương, đang mỉm cười. Khi tôi thấy Stalin, thậm chí ở khá xa, tôi run lên trước sức mạnh, khả năng quyến rũ và sự vĩ đại của ông. Tôi muốn hát, muốn hét lên, hú lên vì hạnh phúc và hân hoan”[11]. Một quan chức hướng về phía cấp trên, người quyết định con đường hoạn lộ của anh ta, ngôn từ của anh ta chẳng những không có thơ mà còn quá nhiều lời tâng bốc.

Tại lễ kỉ niệm 60 năm ngày hoàng đế Francis Joseph lên ngôi, một nhân viên thống kê nào đó đã gán cho công trạng của vị hoàng đế khi nói rằng sau sáu mươi năm dưới vương triều của ngài, đất nước có nhiều ngàn dặm đường sắt, trong khi ban đầu có ít hơn hẳn, công chúng (và có thể là chính hoàng đế) chỉ đơn giản là cười thói nịnh hót này[12]. Nhưng không ai cười khi Chính phủ Liên Xô hào hứng khoe, tại Hội chợ thế giới Paris (1937) rằng, trong khi nước Nga Sa hoàng hoàn toàn không có máy kéo, thì một phần tư thế kỷ sau nước này đã mô phỏng được phát minh mới của Mĩ.

Trước đây không có ai tin rằng chế độ quân chủ chuyên chế gia trưởng của Marie Therese và cháu trai của bà, Francis[13], được biện hộ bằng sự kiện là Mozart, Haydn, Beethoven và Schubert đã sáng tác được những bản nhạc bất hủ. Nhưng bản giao hưởng của nhạc sĩ đương đại người Nga, có lẽ sẽ bị lãng quên sau một vài năm, lại được tuyên bố là bằng chứng về tính ưu việt của chế độ toàn trị Xô Viết.

Câu hỏi đặt ra là hệ thống kiểm soát quan liêu hay hệ thống kinh tế tự do hiệu quả hơn. Phải dùng lý luận kinh tế thì mới trả lời được câu hỏi này. Khẳng định đơn thuần sự kiện là thuốc lá do công ty độc quyền thuốc lá của Chính phủ Pháp sản xuất không tệ đến mức buộc người Pháp bỏ thuốc lá không phải là luận cứ ủng hộ hoạt động của chính phủ trong ngành sản xuất này. Sự kiện thuốc lá do công ty độc quyền của Chính phủ Hy Lạp sản xuất là niềm vui của người hút thuốc thì cũng thế. Đấy không phải là công lao của các quan chức Hy Lạp, chính điều kiện thiên nhiên và khí hậu của đất nước này làm cho thuốc lá do những người nông dân ở đây trồng thơm và ngon.

Tất cả người Đức đều cho rằng cốt lõi và bản chất của sự vật làm cho việc nhà nước phải quản lí các trường đại học, đường sắt, điện báo và điện thoại là đương nhiên. Đối với người Nga, ý tưởng cho rằng người ta có thể sống mà không cần hộ chiếu được cảnh sát cấp và xác thực là chuyện kì quặc. Trong điều kiện đã phát triển trong ba mươi năm qua, công dân của lục địa châu Âu đã trở thành chỉ còn là phụ tùng đi kèm với giấy tờ tùy thân của họ mà thôi. Ở nhiều quốc gia, đi ra ngoài mà không có những có giấy tờ tùy thân là nguy hiểm. Ở hầu hết các nước châu Âu, người ta không được ngủ qua đêm ở bất kỳ chỗ nào mà không báo cáo ngay cho cảnh sát và mọi thay đổi địa chỉ cũng phải báo cáo ngay lập tức[14].

Quy định ngặt nghèo như thế cũng đôi khi có ích. Đương nhiên là, chẳng có nhiều tác dụng trong đấu tranh chống tội phạm và tìm những kẻ phạm pháp. Một kẻ giết người đang lẩn trốn sẽ chẳng sợ gì mà không vi phạm pháp luật về khai báo tạm trú[15]. Khi bảo vệ hệ thống của mình, các quan chức thường hay dùng những từ có cánh. Họ hỏi công chúng, làm sao trẻ em nghèo bị bỏ rơi tìm được những ông bố bà mẹ vô đạo đức của chúng. Nhưng họ không nói rằng một thám tử thông minh có thể tìm được những ông bố bà mẹ kia. Hơn nữa, sự kiện là, trong xã hội có một số kẻ vô lại không thể được coi là lý do đầy đủ cho việc hạn chế tự do của đa số người tử tế.

Doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận dựa vào sự ủng hộ tự nguyện của công chúng. Doanh nghiệp không thể sống sót nếu không có nhiều khách hàng. Nhưng, các văn phòng thì lại buộc người ta phải làm “khách hàng quen thuộc” của mình. Văn phòng có nhiều người tới không phải là bằng chứng chứng tỏ rằng nó đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của người dân. Điều ấy chỉ chứng tỏ rằng nó can thiệp vào những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống của người dân.

Suy giảm ý thức phê phán là đe dọa nghiêm trọng đối với việc bảo tồn nền văn minh của chúng ta. Bọn bất tài vô tướng sẽ dễ dàng lừa dối nhân dân. Đáng chú ý là những người có học lại dễ tin hơn là những người ít học. Trí thức chứ không phải những người nhà quê là những người ủng hộ chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa phát xít nhiệt tình nhất. Giới trí thức không bao giờ nhạy bén đến mức có thể phát hiện được những mâu thuẫn rõ ràng trong tín điều của mình. Số người ngưỡng mộ chủ nghĩa phát xít không hề suy giảm, khi trong cùng một bài diễn văn, đoạn trước Mussolini ca ngợi người Ý, coi họ là những người đại diện lâu đời nhất của nền văn minh phương Tây, thì ngay đoạn sau, ông ta lại nói rằng họ là đại diện trẻ nhất trong các dân tộc văn minh. Không một người theo phái dân tộc chủ nghĩa nào ở Đức áy náy khi Hitler, một người tóc đen, khi Goering to béo và Goebbels, đi khập khiễng, ca ngợi những người Aryan anh hùng, cao dong dỏng, tóc vàng hoe là chủng tộc thượng đẳng. Không ngạc nhiên sao được khi hàng triệu người ở bên ngoài nước Nga tin tưởng tuyệt đối rằng chế độ Xô Viết là dân chủ, thậm chí dân chủ hơn cả Mĩ?

Chính vì không có tinh thần phê phán cho nên người ta mới có có thể nói với mọi người rằng họ sẽ là những người tự do trong hệ thống kiểm soát tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Người ta ngỡ rằng chế độ, trong đó, tất cả các phương tiện đều thuộc sở hữu nhà nước và chính phủ là người sử dụng lao động duy nhất là vương quốc của tự do. Họ không bao nghĩ đến khả năng là chính phủ toàn trí toàn năng không tưởng có thể nhắm tới những mục đích mà chính họ hoàn toàn không tán thành. Không nói ra, nhưng họ luôn luôn nghĩ rằng nhà độc tài sẽ làm đúng những điều mà người muốn ông ta làm.


[1] Alger Horatio (1832-1899) – Nhà văn Công giáo người Mĩ, tác giả của những câu chuyện dạy về đạo đức dành cho thanh thiếu niên – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[2] Edison Thomas Alva (1847-1931) – tác giả của hơn 1.000 phát minh, cũng là người thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu-công nghiệp đầu tiên ở Hoa Kì. Henry Ford (1863-1947) – một trong những người sáng lập ngành công nghiệp ô tô Hoa Kì, tư tưởng gia của phương pháp sản xuất trên băng truyền. Cả hai đều xuất thân từ gia đình nghèo và không được học hành đến nơi đến chốn – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[3] Tháng 10 năm 1935, quân đội Ý tiến vào Ethiopia và tháng 6 năm 1936 thì chiếm được toàn bộ lãnh thổ nước này, chính phủ Ý tuyên bố sát nhập Ethiopia vào thuộc địa “Đông Phi của Ý” – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[4] Chương 52, Tập ba, Tư bản luận, nhan đề Các giai cấp. Câu hỏi gần nhất mà chúng ta phải trả lời, Marx viết,: “Cái gì tạo nên giai cấp ...” (K. Marx, F. Engels, Toàn tập, Tập 25, phần II, tr. 458 ). Nhưng sau bốn câu, bản thảo bị gián đoạn – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[5] Chỗ này Mises không hoàn toàn công bằng. Đúng là Marx và Engels không đưa ra định nghĩa về giai cấp, nhưng nhiều người biết định nghĩa về giai cấp do Lenin trình bày: “Người ta gọi giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng.” (Toàn tập, tập 39, tr. 15) – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[6] Henri de Saint-Simon (1760-1825) – theo thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng người Pháp. Theo Saint-Simon, trong một xã hội xã hội chủ nghĩa, hệ thống thứ bậc chỉ nên là thứ bậc về khả năng, các doanh nhân cũng tương tự như các quan chức, và quyền tôn giáo (khái niệm “Kitô đốc giáo mới”) là tác nhân bảo đảm cho việc tuân thủ các quy tắc của cộng đồng. Comte Auguste (1798-1857) – nhà xã hội học và triết học-thực chứng người Pháp, thời trẻ từng là học trò và thư ký của Saint-Simon, học được rất nhiều từ thày mình, và đặc biệt là, ý tưởng về nhu cầu phải có một “tôn giáo mới, đã được thanh lọc”. Lý tưởng về xã hội tương lai, được Comte trình bày chi tiết, bao gồm hệ thống phân cấp cứng nhắc với người đứng đầu cao nhất, tương tự như hệ thống cấp bậc của Công giáo do Giáo hoàng đứng đầu – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[7] Dịch thoát ý từ Führer (lãnh tụ – tiếng Đức, ND).

[8] Trajan Mark Ulpius (53-117, lên ngôi năm 98) đã giành được một loạt chiến thắng quân sự, mở rộng đáng kể biên giới của đế chế, xây dựng nhiều thành phố, đường xá và bến cảng. Adrian Publius Elius (36-138, lên ngôi năm 117) đã thực hiện những cuộc cải cách hành chính và luật pháp có ý nghĩa quan trọng, mà cụ thể là ông cho các dân tộc nằm trong đế chế được hưởng các quyền của luật pháp La Mã. Antoninus Pius (86-161, lên ngôi năm 138) đã ban hành luật pháp chống lại cách đối xử tàn bạo đối với nô lệ, củng cố biên giới của đế chế. Marcus Aurelius (121-180, lên ngôi năm 161) nổi tiếng vì lòng nhân đạo và nhân từ, nghiên cứu triết học, tác phẩm Alone with yourself của ông được nhiều người biết tới – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[9] Commodus Lucius Aelius Aurelius (161-192), lên ngôi năm 180, khi mới 15 tuổi, bị các cận thần giết hại – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[10] Avdeenko A. O. (1908) – tác giả cuốn sách Tôi yêu (1933), nổi tiếng thời đó, kể về việc cải tạo một đứa trẻ vô gia cư trong hợp tác xã ở Liên Xô. Tuy nhiên, những lời nịnh bợ đó không làm cho ông khỏi bị thất sủng, tuy những biện pháp trừng phạt là khá nhẹ nhàng. Ông này chưa từng phát biểu tại các đại hội đảng. L. Mises dẫn lại phát biểu của Avdeenko tại Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ nhất – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[11] Trích bởi W. H. Chamberlin, Collectivism, a False Utopia (Chủ nghĩa tập thể, một không tưởng sai lầm) (New York, 1937), tr. 43·

[12] Franz Joseph I (1830-1916) – Hoàng đế Áo và Vua của Hungary (từ năm 1848). Theo truyền thống Công giáo (từ thế kỷ 15), năm thánh là bội số của 25. Năm thánh kim cương là tên gọi chung cho lễ kỷ niệm 75 năm ngày hoàng đế lên ngôi – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[13] Maria Theresia (1717-1780) – từ năm 1740 là nữ đại công tước nước Áo, nữ hoàng Hungary và Bohemia. Triều đại của bà là giai đoạn củng cố chế độ chuyên chế, tăng cường tập quyền hóa, thành lập bộ máy hành chính quan liêu, v.v. Maria Theresa tiến hành chính sách giám hộ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Cháu nội của Maria Theresa, Franz (1768-1835) là hoàng đế Đức, tên là Franz II (1792-1804), và sau đó là hoàng đế Áo (từ năm 1804) – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[14] Hồ sơ của sở cảnh sát nhiều thành phố châu Âu cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thời gian lưu trú của tất cả cư dân hoặc du khách và thay đổi địa chỉ của họ trong 100 năm hoặc thậm chí 150 năm gần đây. Đây là kiến thức vô giá và được những người viết tiểu sử thường xuyên sử dụng.

[15] Người Mĩ dường như sẽ thấy kì quặc khi người ta đề nghị bồi thẩm đoàn trả lời hai câu hỏi như thế này: Thứ nhất, bị cáo có phạm tội giết nạn nhân hay không? Thứ hai, bị cáo có tội vì không thông báo về việc thay đổi địa chỉ của mình hay không?