Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (33)

Thụy Khuê

Hoàng Đạo: Công dân giáo dục

Loạt bài Công dân giáo dục, in trên Ngày Nay, từ số 160 (6-5-39) đến số 196 (13-1-40), cả thảy 36 bài, viết về những đề tài sau đây:

Mấy lời nói đầu; Thế nào là một nước; Quyền sống của mỗi nước; Lòng yêu nước; Nước Nam; Quốc thể; Hiến pháp; Nhân quyền; Tự do cá nhân; Ý nghiã cuộc cách mệnh Pháp; Bản tuyên cáo Nhân Quyền và Dân Quyền; Lời bàn thêm về từng điều trong bản tuyên cáo; Tự do tư tưởng; Tự do ngôn luận; Tự do hội họp, tự do lập hội; Tự do chính trị; Tự do ở Đông Dương; Bình đẳng; Quyền hữu sản; Chính thể Đông Pháp (hai bài); Thuộc địa và xứ bảo hộ; Nam Kỳ (hai bài); Trung, Bắc Kỳ (ba bài); Cao Miên và Ai Lao; Thị xã; Làng xã (bốn bài). Nghiã vụ công dân (ba bài)[1].

Mười chín bài đầu, có mục đích giáo dục công dân về nhân quyền và dân quyền, như đã được xác định trong bản tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng Pháp 1789. Sáu bài nối tiếp trình bày cách cai trị ở Đông Pháp, và bài cuối viết về nghiã vụ công dân.

Đây là một chương trình giáo dục quy mô về nhân quyền và dân quyền, đối người Việt, năm 1939 là những bài học vỡ lòng về quyền công dân và quyền làm người.

Chương trình Giáo dục công dân này, sẽ được Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo Dục trong chính phủ Trần Trọng Kim, đưa vào học đường, năm 1945.

Ở đây ta thử tìm hiểu xem Hoàng Đạo đã muốn "giáo dục công dân" như thế nào, năm 1939?

Trước tiên, ông viết:

"Ý tưởng công dân là một ý tưởng mới. Cùng với những ý tưởng khác, có sức mạnh vô cùng, ý tưởng tự do, bình đẳng, nhân đạo, công lý. Ý tưởng công dân vì một tình cờ trong lịch sử đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ trước. Rồi từ đấy, mỗi ngày qua là những ý tưởng ấy lại thêm mạnh, thêm sâu, khiến cho ngày nay, ở trên sự đổ nát của xã hội cũ, ta thấy nhóm lên một bình minh mới, chiếu ánh sáng văn minh đến khắp mọi nơi" (Mấy lời nói đầu, Ngày Nay số 160, 6-5-39).

Những quyền công dân này, cho đến lúc bấy giờ, người Việt chưa biết đến. Bởi vì, ngày trước, nước ta không có công dân mà chỉ có thần dân. Dân, hồi đó không có quyền gì cả. Dân hồi đó chỉ là những kẻ vị thành niên, dù tóc bạc răng long cũng vậy, đặt dưới quyền cai quản của bề trên: Làm con, phải chịu dưới quyền của cha chú; làm dân trong làng, phải chịu sự cai quan của các bô lão, các bậc đàn anh; làm dân một nước, phải cúi đầu tuân lệnh quan, vua. Ý tưởng "quan là cha mẹ dân" tồn tại như một nguyên lý chắc nịch, miên viễn.

Rồi đột nhiên văn hoá thái tây đến cùng với súng thần công. Dân tộc Việt Nam bắt đầu tìm hiểu những nguyên tắc của văn minh Tây phương để học hỏi. Đầu tiên là Phan Châu Trinh và phong trào Duy Tân (1906-1908), phong trào Đông Kinh Nghiã Thục (1907-1908), các nhà nho đã tiếp cận những nguyên tắc văn minh này qua Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, và họ đã thấy con người có giá trị; khái niệm thần dân bắt đầu chuyển sang khái niệm công dân: họ đã nói đến dân quyền, và đưa ra con đường đổi mới: Khai dân trí (nâng cao dân trí, bỏ lối học từ chương, học chữ quốc ngữ, học khoa học...), Chấn dân khí (làm cho mọi người thức tỉnh, tố cáo bóc lột, tham nhũng...), Hậu dân sinh (khuyến khích học nghề, lập hội buôn...). Nhưng tất cả những đường lối cải cách xã hội này chưa đụng đến vấn đề cội rễ là nhân quyền (quyền làm người) từ đó phát sinh hai yếu tố chủ chốt: tự dodân chủ.

Tiếp đến là sự tranh đấu của nhóm Ngũ Long ở Pháp, phát động năm 1919 và tiếp tục ở Sài Gòn, cùng với nhóm Đệ Tứ, nhưng họ viết báo bằng tiếng Pháp, nên không đến được với số đông quần chúng, mặc dù Nguyễn An Ninh đã từng trình bày vấn đề dân chủ từ nguồn cội J.J Rousseau (1712-1778) và Montesquieu (1689-1755).

Đến năm 1939, đại đa số quần chúng vẫn chưa hiểu thế nào là nhân quyền tự do, dân chủ, ngay cả đến bây giờ, nhiều người vẫn còn viết "con dân" thay vì "công dân", đó là nội dung hai chữ thần dân được sống lại trong tinh thần phục tòng, coi một chính phủ như cha mẹ dân; vì chưa thực sự hiểu rằng: Người công dân một nước dân chủ là người trưởng thành, trừ cha mẹ mình, không là con ai cả.

Vì vậy, Hoàng Đạo, sau khi đã viết xong hai loạt bài về Các đảng phái chính trị, và Vấn đề cần lao, ông phải "xử lý" vấn đề tự do dân chủ, vì ông cho rằng: "muốn đạt được mục đích ấy, cần phải xong một điều kiện cốt yếu là làm thế nào cho mọi người dân hiểu biết quyền lợi, nghiã vụ của mình". (Ngày Nay số 160).

Vì thế Hoàng Đạo viết loạt bài Công dân giáo dục, để dọn đường cho cuộc cách mạng giành độc lập, bằng cách "dạy" cho người Việt những khái niệm cơ bản về quyền sống độc lập, tự do, dân chủ. Nhưng độc lập là gì? Nếu ta chưa hiểu: thế nào là một nước?

Thế nào là một nước?

Đầu tiên là khái niệm về nước: Thế nào là một nước? Sau khi đã duyệt qua những hình thức nước khác nhau trên thế giới, Hoàng Đạo rút ra định nghĩa: "Ta có thể bảo rằng một nước là một số đông người sống chung đã lâu đời trên một khoảng đất, cùng nhau nói một thứ tiếng và cùng chung một văn hoá". Ông cho biết định nghiã này chỉ có tính cách tương đối, bởi vì có những trường hợp vượt ra ngoài quy tắc ấy (có nước nói hai hay nhiều thứ tiếng, v.v.), nhưng đó là ba nguyên tắc cơ bản để xác định thế nào là một nước; chủ đích của ông chỉ muốn cho người Việt thấy sự đa dạng của các nước trên thế giới để mở rộng tầm nhìn ra một thế giới ngoài luỹ tre xanh của làng mình. Bài này dẫn đến bài Quyền sống của mỗi nước, trên Ngày Nay số 162 (20-5-39), và đây, mới bắt đầu cuộc tranh đấu, Hoàng Đạo viết:

"Cũng như một người, nước có quyền sống. Sống, đối với "nước" có nghiã rộng như đối với người. Sống, không phải là chỉ ăn, và uống. Sống, còn có nghiã là có đủ tự do để tự quyết lấy vận mệnh của mình, tự vạch lấy đường đi, tự đạt lấy mục đích đã định. Sống, nghiã là được tự lập, hoàn toàn tự lập". (Ngày Nay số 162)

Những lời mạnh mẽ này xác định quyền tự chủ của một nước là quyền tối thượng, không thể chối cãi được:

"Cái quyền ấy, trên trường quốc tế người ta đã công nhận là một nguyên tắc bất khả xâm phạm.(...) Ngay từ hồi Đại cách mệnh Pháp, ta đã thấy người ta bàn đến và công bố rồi. Những nhà cách mệnh Pháp hôm 22-5-1790, đã ưng chuẩn một bản đề nghị tuyên cáo rằng: "Nước Pháp nhất định không gây một cuộc chiến tranh nào mà mục đích là để chiếm đất nước người và không bao giờ dùng võ lực để phá hoại sự tự do của một dân tộc khác".

Hơn nữa, năm 1790, lại còn tuyên bố thêm rằng dân tộc Pháp sẽ cứu giúp những dân tộc nào muốn mưu đoạt lại sự tự do đã mất. Năm 1795, một bản tuyên ngôn khác còn rõ ràng hơn: "Các dân tộc đều có quyền độc lập và tự do. Không kể số dân nhiều ít và đất đai rộng hẹp, quyền tự chủ ấy, không thể đem bán chác được. Mỗi dân tộc đều có quyền tổ chức và thay đổi hình thể của chính phủ mình. Không nước nào có quyền lạm xen vào công việc cai trị của một nước khác". (Ngày Nay số 162)

Với những lời đanh thép này, Hoàng Đạo nhắc lại cho người Pháp thực dân biết rằng: Quyền sống của một nước, cũng như quyền của một người, đã được quốc tế công nhận là bất khả xâm rồi. Chính nước Pháp cũng đã ghi rõ trên giấy trắng mực đen, trong bản tuyên ngôn ngày 22-5-1790 và cam kết rằng: "Nước Pháp nhất định không gây một cuộc chiến tranh nào mà mục đích là để chiếm đất nước người và không bao giờ dùng võ lực để phá hoại sự tự do của một dân tộc khác". Và Pháp còn liên tiếp tuyên bố những tư tưởng siêu việt khác như: giúp những dân tộc khác đoạt lại tự do đã mất (1790), mọi dân tộc đều có quyền độc lập tự do (1795); nhưng những tư tưởng siêu việt ấy bị người ta quên đi, người ta coi như chưa từng có bao giờ. Rồi người ta nghĩ ra một tư tưởng "siêu việt" khác về thuộc địa, dựa trên lập luận này: Sau đại chiến thứ nhất, Đức thua trận, chính ra các thuộc địa của Đức phải được tự trị; mặc dù các cường quốc đồng minh không muốn thế, nhưng họ cũng không thể muối mặt trắng trợn chia nhau, nên Tổng thống Mỹ Wilson bèn nghĩ ra cái trò "uỷ quyền": những nước còn "non yếu", chưa đủ "khả năng tự trị" sẽ được hội Quốc liên "uỷ quyền cho các nước đàn anh dìu dắt" cho đến lúc "khôn lớn". Thừa dịp này, các chế độ ủy quyền, các chế độ bảo hộ, hay thuộc địa, từ đây, sẽ mượn bộ mặt "nhân bản" của người anh dìu dắt người em, trên con đường tiến bộ. (Ngày Nay số 162).

Sau khi đã chỉ ra bộ mặt thật của các vị "đàn anh uỷ quyền", Hoàng Đạo quay về với dân tộc mình, và lần này, ông đề nghị một cách hiểu mới về lòng yêu nước.

Lòng yêu nước

Theo Hoàng Đạo, "lòng yêu nước là một tính tình chung cho mọi người, hầu như một thiên tính. (...) Nhưng nếu ai ai cũng cũng đều yêu nước, không phải là ai ai cũng yêu nước như nhau" (Ngày Nay, số 163, 27-5-39). Ban đầu là "tình yêu nước thô sơ" nhưng rất mạnh của người dân quê, tình yêu của họ là tình yêu quê cha đất tổ, yêu mồ mả, gắn bó với luỹ tre xanh, với làng xã và những tập tục. Kẻ nào đi nơi khác kiếm ăn bị gọi một cách khinh bỉ là kẻ "bỏ làng". Những người ở nơi khác đến lập nghiệp cũng bị coi rẻ là kẻ "ngụ cư". Người làng không đi xa, không biết đến những miền khác trên đất nước, thậm chí có kẻ coi Nam Kỳ là nước Sài Gòn, Hà Nội là nước Bắc Kỳ! (Ngày Nay số 163).

Với những người đã từng đi ra ngoài ranh giới làng xã, tình yêu nước của họ rộng hơn, họ có thể yêu bất cứ mảnh đất nào trên quê hương đất nước họ, Hoàng Đạo viết:

"Tình yêu ấy sâu xa hơn, khi người ta đã có một quan niệm rộng rãi về tổ quốc. Lịch sử dạy người ta rõ nguồn gốc của nước, nên khi đọc đến sử ký nước nhà, người ta thấy lòng yêu nước mạnh mẽ hơn, là vì người ta nhận rõ hơn cái tinh thần đoàn kết dân một nước; những nỗi đau khổ chung, những nỗi hoan hỷ hay đắc thắng chung, đó là một cái gia tài kỷ niệm có năng lực làm cho người ta cảm thấy rõ sự liên lạc mật thiết của mình với người cùng nước. Và ý tưởng ái quốc đã mạnh mẽ rành rọt khi nào trong một nước có những câu ca dao như câu:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng". (Ngày Nay số 163)

Lòng yêu nước, sẽ còn được nâng cao hơn nhờ sự hiểu biết lịch sử, sẽ thanh cao hơn nhờ sự suy nghĩ:

"Lúc đó, người ta có thể yêu tổ quốc, vì tổ quốc, theo đuổi một mục đích cao thượng, vì nước là nơi xuất sản ra những tư tưởng siêu việt, hay vì nước, noi theo cái lý tưởng tự do. (...)

Lòng yêu nước của người nước này, không trái ngược, đối chọi với lòng yêu nước của người nước kia (...) Ta yêu nước ta nhưng không vì thế mà nước người kém nước ta được. Nếu mỗi nước có một lý tưởng riêng, một điệu đàn riêng, thì cả thế giới có một cuộc hoà nhạc lớn, không có tiếng đàn nào ngang giây hết". (Ngày Nay số 163)

Những lời trên đây để tách biệt lập luận cực đoan của những nước phát-xít: coi dân tộc mình là trên hết, coi quốc gia của mình là độc nhất vô nhị. Sự tôn thờ quốc gia của mình, đưa con người đến chỗ thiên lệch, hiểu sai chệch lòng yêu nước, dẫn đến những hậu quả khôn lường:

"Quốc gia chủ nghiã chính là một chủ nghiã đã làm thiên lòng yêu nước đi vậy (...) Chủ nghiã quốc gia, vì làm thiên lệch lòng ái quốc, vì quá tôn nước mình, hóa ra khinh rẻ nước người, và là cái mầm của sự chiến tranh nước này với nước kia, cái mầm của sự lấn áp nước yếu của nước khoẻ, cái mầm của chủ nghiã đế quốc (...) Chủ nghiã đế quốc, xem như vậy, đã đặt nền tảng trên sự tự cao tự đại, trên một sự kiêu căng không bờ bến. Và cùng với chủ nghiã quốc gia, chủ nghiã đế quốc đã đưa và sẽ đưa nhân loại đến sự nô lệ, sự tàn phá, đến sự diệt vong.

Làm thiên lệch lòng yêu nước có hại như vậy. Ví thế ta cần phải rõ thế nào là yêu nước một cách chính đáng, cao thượng." Hoàng Đạo nhắc lại lời Montesquieu: "Tôi yêu tổ quốc, không những vì tôi sinh ra ở đấy, mà lại còn vì nước tôi là một phần của cái tổ quốc lớn là thế giới." (Ngày Nay 163).

Sau khi đã quảng bá lòng yêu nước mới, nằm trong tình yêu nhân loại, Hoàng Đạo bàn đến một khái niệm hoàn toàn mới mẻ với người Việt, năm 1939, nhưng đã trở thành quen thuộc với thế giới bên ngoài, là Hiến pháp. Một khái niệm mà khi bàn về chính thể dân chủ và các quyền công dân, không thể bỏ qua.

Hiến pháp

Hoàng Đạo định nghiã: "Người ta gọi là hiến pháp những điều lệ, những đạo luật trọng đại định rõ chính quyền, chính thể của một nước và cách tổ chức chính phủ trong nước". (Ngày Nay số 167, 24-6-39)

Nói một cách lý tưởng, thì con người phải được hoàn toàn độc lập, tự do. Nhưng vì cùng sống chung trong một xã hội, cho nên "giới hạn của sự độc lập, tự do của người này là sự độc lập tự do của người kia". Có nghiã là anh muốn làm gì thì làm, miễn là không đụng chạm tới tự do, độc lập của người khác và sự tự do, độc lập của anh cần phải thoả hợp với quyền sống của nước nữa. (Ngày Nay số 167). Nhưng những "giới hạn" cũng như "quyền hạn" ấy, được ghi ở đâu, để người dân có thể tìm thấy mà đọc, mà biết: -Hiến pháp.

"Hiến pháp không phải tự nhiên mà có. Lấy lịch sử mà xét, thì không bao giớ ta thấy có một số người thoả thuận cùng nhau để lập thành một nước và để ký một bản hiến pháp tổ chức chính phủ trong nước. Thường là chính phủ lấy cường quyền để tự lập, thế rổi dần dần người ta quên sự ức hiếp ban đầu và người ta quen chịu đựng thế lực của chính phủ (...)

Ở những nước quân chủ chuyên chế, thì tự nhiên không có hiến pháp. Bao nhiêu quyền chính đều ở tay một người: ông vua, dân chúng chỉ biết phục tòng. Đó là nguồn của những sự lạm quyền, của mọi sự áp chế, và vì thế, chính thể ấy không trường cửu được" (Ngày Nay, số 167).

Người dân quen với sự chịu đựng thế lực chính quyền cho đến khi những ý tưởng về công lý, nhân quyền, xuất hiện cùng với sự tôn trọng con người; lúc bấy giờ người ta mới thấy cần phải hỏi ý kiến mọi người về việc cải tổ chính thể ở trong nước, và dần dần hiến pháp mới ra đời:

"Cho nên nhiều nước quân chủ, như nước Anh, đã khéo tùy nghi cải cách cho hợp thời, và đã bỏ chế độ chuyên chế, đặt hiến pháp để dân trong nước được dự vào chính quyền". (Ngày Nay số 167).

Nước Anh là nước quân chủ đầu tiên đã đi con đường lập hiến.

"Hiến pháp có thể là một bản điều lệ rõ ràng, có thể do tục lệ, do những khế ước vua ký với dân mà sinh ra", mục đích để tổ chức chính phủ thế nào cho công quyền của dân chúng được bảo đảm, khỏi sinh chuyện áp chế. Vì vậy, trong hiến pháp, điều cần thiết là sự phân quyền phải rõ ràng.

Nguyên tắc phân quyền

Phân quyền là gì? Nhà tư tưởng Pháp Montesquieu, thế kỷ XVIII, sau khi phân tích hiến pháp Anh, đã đưa ra nguyên tắc phân quyền, ông nhận định rằng:

"Trong mỗi nước có ba chính quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Nếu cả ba thứ quyền ấy đều ở trong tay một người, hay trong tay một số người, thì trong nước sẽ có sự áp chế. Thí dụ như dưới chính thể quân chủ chuyên chế, [vua] vừa làm ra luật, lại tự thi hành luật của mình, rồi có việc án tụng về luật ấy, lại chính mình có quyền nghị xử." (Ngày Nay số 167)

Tức là vua có quyền tự do quá trớn, muốn giam ai thì giam, muốn giết ai thì giết.

Tuy nhiên, ba quyền ấy không phải là hoàn toàn cách biệt hẳn với nhau mà có liên hệ mật thiết với nhau.

Ở Pháp, quyền lập pháp ở trong tay nghị viện (hạ nghị viện và thượng nghị viện). Quyền hành pháp ở trong tay ông Thống lĩnh (Tổng thống, trong chế độ tổng thống chế, do toàn dân bầu lên, hoặc Thủ Tướng, trong chế độ đại nghị, do các dân biểu bầu lên). Còn quyền tư pháp ở trong tay những vị quan toà, độc lập với giới lập pháp và hành pháp. (Ngày Nay số 167)

Nhân quyền

Nếu hiến pháp Anh Mỹ chỉ nói đến quyền lợi của người dân Anh Mỹ, thì bản tuyên ngôn của Cách mạng Pháp 1789, đã nói đến nhân quyền chung cho cả nhân loại:

"Không như hiến pháp Anh hay hiến pháp Mỹ, chỉ nói dến quyền riêng của công dân Anh và Mỹ, bản tuyên ngôn của Pháp đã hiển minh quyền chung của cả nhân loại, không kể gì chủng tộc, không kể gì thời đại. Nhân quyền, theo bản tuyên ngôn ấy, là những quyền người ta sinh ra đã có rồi và không bao giờ mất được" (Nhân quyền, Ngày Nay số 168, 1-7-39)).

Những quyền tự nhiên và bất diệt ấy, là những quyền gì?

Bản tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1789, điều 1, ghi: "người ta sinh ra là được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Điều 2, kể: "quyền tự do, quyền có tài sản, quyền được sống yên ổn, quyền phản kháng sự áp chế".

Bốn năm sau, trong bản tuyên ngôn 1793 của Cách mạng Pháp, điều thứ 21, ghi thêm: quyền được làm việc, và quyền được cứu trợ.

Trong bản hiến pháp mới của Nga Sô-viết, những quyền nền tảng của công dân là: "quyền có việc làm, quyền được nghỉ, quyền được bảo hiểm cho tuổi già, sự bình đẳng giữa đàn ông và đán bà, sự bình đẳng giữa các chủng tộc, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình (điều 118 đến 125)." (Ngày Nay số 168).

Trong số những nhân quyền kể trên, quan trọng nhất là quyền tự do, và tự do cũng bị hiểu lầm nhiều nhất. Theo nghiã đen: tự do là muốn làm gì thì làm, không ai ngăn cản được. Nhưng một sự tự do tuyết đối như vậy không thể có. Vì bên cạnh tự do của người này còn có tự do của người kia.

Vậy sự tự do của ta bị giới hạn trong sự không được phương hại đến tự do của người khác, và phải phù hợp với sự sống còn của xã hội nữa, tức là phải tuân theo những quy luật chung của xã hội, hay luật pháp. Tóm lại: tự do nhưng không được làm những điều mà luật pháp cấm.

Sau khi đã khoanh tròn vấn đề tự do trong nghiã pháp lý rồi, Hoàng Đạo mới định nghiã tự do:

"Tự do là quyền làm hết mọi việc không có phương hại đến người khác và xã hội. Đó là nghiã của sự tự do, theo tờ tuyên ngôn của Đại Cách Mệnh Pháp. Giới hạn của tự do người này, chính là tự do của người khác, và giới hạn ấy, chỉ có một đạo luật, do toàn thể xã hội ưng chuẩn, mới có thể định được, cho nên "tất cả mọi điều mà luật không cấm là không ai ngăn không cho làm được, và không ai có thể bị buộc phải làm những điều mà luật không bắt làm." (Ngày Nay số 168)

Nhưng tự do lại có nhiều thứ, mà đứng đầu là tự do cá nhân.

Tự do cá nhân

Tự do cá nhân tức là sự tự do về thân thể: thân thể của ta, ta muốn làm gì thì làm, muốn đem đến đâu tùy ý. Nhưng thực tế không hẳn như vậy, Hoàng Đạo viết:

"Tự do cá nhân cũng như nhiều quyền tự do khác, là kết quả của nhiều thế kỷ tranh đấu kịch liệt" (Ngày Nay số 169, 8-7-39).

Từ thời cổ đại, phong kiến... dưới các chế độ nô lệ, con người không có quyền muốn làm gì thân thể của mình thì làm.

"Đến thế kỷ XVIII, ý tưởng ấy [tự do cá nhân] rõ rệt và có sức mạnh lạ thường. Các nước văn minh đều bắt đầu quý trọng "con người", và Đại Cách Mệnh Pháp, nối liền sau cuộc vận động độc lập bên Mỹ[2], đã coi tự do cá nhân là một nguyên tắc bất khả xâm phạm.

Đêm hôm 4-8-1789, dân Pháp đã tuyên bố một cách long trọng bãi bỏ và cấm ngặt sự nô lệ, bất cứ hình thể ra sao (...).

Bắt đầu từ đấy, sự nô lệ thành ra trái với luân lý, và tự do cá nhân thấy rõ là quyền chủ nhân của ta đối với thân thể của ta, đối với các bộ phận của ta. Bắt đầu từ đấy, công dân có quyền đi, ở, làm gì tùy sở thích, ngoài những trường hợp định rõ trong Hiến Pháp." (Ngày Nay số 169)

Nhưng tuyên bố chưa đủ, về mặt thực hành, còn phải làm thế nào cho mọi người kính trọng cái quyền tự do cá nhân đó, kể cả chính quyền:

"Tìm cách bảo đảm cho tự do cá nhân, tức là phải tìm cách bảo hộ cho mọi người, khỏi bị bắt, giam hoặc làm tội một cách vô lý. Nghiã là phải tổ chức luật tố tụng làm sao cho hợp công lý, hợp với tự do cá nhân".

Muốn đạt được mục đích ấy, thì ít nhất phải có ba điều kiện:

1- Quan toà phải độc lập, không là thuộc hạ của chính phủ.

2- Quan toà phải có trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, không thể vượt qua được.

3- Bị cáo phải được bênh vực một cách cặn kẽ.

Nước Anh là nước đầu tiên đã nhận thấy tự do cá nhân là quyền của con người. (Ngày Nay số 169).

Tới đây, ta mới thấy sự khôn khéo của Hoàng Đạo trong chiến thuật tranh đấu: sau khi đã trình bày cho độc giả thấy rõ những khái niệm chính trong vấn đề tự do dân chủ; ông nhân danh ngày kỷ niệm vụ phá ngục Bastille, cho in trên Ngày Nay số 170 (15-7-39), bài Ý nghiã cuộc cách mệnh Pháp để giải thích nguồn cội xã hội và tư tưởng của cuộc cách mệnh này: sự nổi dậy của toàn bộ các thành phần dân chúng, từ giới tư bản đến quần chúng lầm than, vì họ đã ý thức được quyền làm người, quyền công dân. Hoàng Đạo kể lại ý thức ấy đã nảy sinh ở những nhà tư tưởng lớn của Pháp, trong những hoàn cảnh như thế nào. Đồng thời ông cho in Bản tuyên cáo Nhân Quyền và Dân Quyền gồm XVII khoản, phát xuất từ cách mạng 1789, dựa trên lý thuyết của các triết gia: Voltaire, Rousseau, Diderot, Montesquieu, để qui định và giải thích quyền lợi của con người và của công dân.

Ý nghiã cuộc cách mệnh Pháp

Hoàng Đạo cho rằng người Việt lúc đó không mấy ai để ý đến ngày phá ngục Bastille ở Pháp, là lầm. Thực ra ngày đó là một biểu tượng thiêng liêng, không riêng gì đối với người Pháp, mà còn đối với tất cả những dân nô lệ trên thế giới. Những người làm nên cuộc cách mệnh này, không chỉ riêng cho dân Pháp mà họ đã nghĩ đến toàn thể nhân loại:

"Cái đặc điểm của cuộc Đại-cách-mệnh Pháp, là những nhà anh hùng làm cuộc cách mệnh ấy, đã nghĩ đến toàn thể nhân loại, là những nguyên tắc tốt đẹp họ đã nêu cao không phải chỉ để thực hành cho một dân tộc, một giống người, mà là để chung cho hết thảy mọi người, không phân biệt gì da vàng, da trắng hay da đen, không phân biệt gì dân tộc độc lập hay là dân thuộc địa.

Vì lẽ ấy, chúng ta có nghiã vụ và có quyền coi sự kỷ niệm cuộc cách mệnh lớn lao kia là của chúng ta, một phần tử của nhân loại". (Ngày Nay, số 170).

Trở lại lịch sử thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến đã đến lúc suy tàn, nhưng bọn vua quan, quý tộc và giáo sĩ vẫn nắm cứng quyền lợi của họ, không chịu buông ra, trong khi dân chúng sống điêu đứng trong đói rét khốn cùng. Những triết gia, trí thức, đã đem lại luồng tư tưởng mới làm náo động lòng dân:

"Montesquieu phát minh ra thuyết phân quyền để phá đổ sự chuyên chế; Rousseau nêu lên chủ nghiã dân quyền và mở một xã hội bình đẳng và đạo đức đến tột điểm. Diderot, Voltaire, d'Alambert và nhiều người khác, tán dương lòng tin vào khoa học và lẽ phải, nêu cao ý tưởng bình đẳng và tự do (...)

Lòng nhân đạo, hào hiệp ấy, chí hướng cao siêu ấy, lý tưởng đẹp đẽ ấy, hun đúc lại trong tờ tuyên ngôn nhân quyền ngày 26- 8- 1789, đại để đặt nền tảng lên mấy điều này:

1- Người ta sinh ra sống trong tự do và bình đẳng.

2- Mục đích của xã hội là để gìn giữ và bảo vệ nhân quyền.

3- Quốc dân là chúa tể trong nước." (Ngày Nay số 170).

clip_image002

Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền trên Ngày Nay số 170

clip_image004

Tuyên ngôn nhân quyền

Bản tuyên ngôn nhân quyền

Bản tuyên ngôn nhân quyền được đóng khung và in trọn 17 điều khoản trên Ngày Nay số 170 có lẽ là bản đầu tiên được dịch sang tiếng Việt, ở ngoài Bắc (trong Nam đã có bản
dịch của Tân Nam Tử, 1926, tư liệu Hoàng Dũng) với lời giới thiệu của N.N. nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

"Chống lại các điều bất công, các việc áp bức của chính thể quân chủ, Hội-nghị Hiến-pháp năm 1789, dựa theo lý thuyết của những nhà văn có tư tưởng cách mệnh như Voltaire, Rousseau, Diderot, Montesquieu, đã soạn một bản tuyên cáo trong đó có 17 điều khoản, qui định và giải thích về quyền lợi của người và của công dân (...)

Bản tuyên cáo nhân quyền và dân quyền không phải chỉ định riêng quyền của dân Pháp. Đó là ý nguyện chung cho các dân tộc trên thế giới, những nguyên tắc có thể thích hợp với người Pháp cũng như với người Đức, làm phương châm cho dân da trắng cũng như dân da đen".

Không ai vào đấy nữa: Chính Hoàng Đạo đã dịch bản tuyên ngôn nhân quyền sang tiếng Việt. Chúng tôi xin tóm tắt những ý chính của từng điều khoản sau đây:

1- Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi.

2- Mục đích của xã hội là bảo đảm: quyền tự do, quyền sở hữu, quyền sống an toàn và quyền kháng cự sự áp chế.

3- Chủ quyền là ở quốc dân.

4- Quyền tự do là quyền được làm những gì không hại đến người khác.

5- Pháp luật chỉ có quyền cấm những điều làm hại người khác. Những gì luật pháp không cấm đều làm được.

6- Luật tức là điều phát biểu ý chí chung cho mọi người.

7- Không ai có thể bị bắt nếu không phạm luật.

8- Điều luật phải được dựng đặt từ trước khi xảy ra tội phạm.

9- Người bị bắt nào cũng được coi là vô tội trước khi bị kết án.

10- Không ai phải lo ngại về tư tưởng của mình, miễn là sự biểu lộ tư tưởng ấy không gây trở ngại đến trật tự công chúng do pháp luật quy định.

11- Công dân nào cũng có quyền tự do ngôn luận, tự do trước tác, tự do ấn loát, trừ khi lạm dụng quyền tự do ấy, thì phải chịu trách nhiệm theo luật pháp đã quy định.

12- Binh lực được đặt ra để bảo vệ quyền lợi chung cho mọi người, chứ không riêng cho những người giữ binh lực ấy.

13- Phải đặt thuế công, tuỳ theo năng lực từng người.

14- Người dân có quyền, hoặc nhờ đại biểu, tham gia việc tổ chức thuế má.

15- Xã hội có quyền hỏi đến chức năng của bất cứ công chức nào.

16- Một xã hội mà quyền hạn của người dân không được bảo vệ và quyền chính không phân biệt, là xã hội không có hiến pháp.

17- Quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng, không được xâm phạm.

Sự công bố Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền trên Ngày Nay số 170 của Hoàng Đạo là một mũi tên bắn trúng ba đích:

- Từ nay, người Việt đã biết thế nào là nhân quyềndân quyền rồi đó. Họ không thế chối cãi là không biết được. Nhất là những người cai trị.

- Từ nay, người Pháp thực dân nên nhớ lại: chính tổ tiên họ đã làm ra bản tuyên ngôn nhân quyền, vậy nếu họ tiếp tục dầy xéo nó trên đất thuộc địa này, tức là họ giày xéo lên tổ tiên họ.

- Bản Tuyên ngôn nhân quyền, không chỉ dành riêng cho dân tộc Pháp mà còn cho cả nhân loại, cho nên tất cả những dân tộc bị đàn áp đều có thể vịn vào để đứng lên.

Những điểm chính trong bản tuyên ngôn nhân quyền

Trong bốn số báo kế tiếp, Hoàng Đạo triển khai những quyền chính của người công dân được ghi trong bản tuyên ngôn nhân quyền; là Tự do tư tưởng, số 171 (22-7-39); Tự do ngôn luận, số 172 (29-7-39); Tự do hội họp, tự do lập hội, số 173 (5-8-39); Tự do chính trị, số 174 (12-8-39).

Tự do tư tưởng (Ngày Nay, số 171) Hoàng Đạo nhắc lại luận điểm ông đã viết trong bài Tự do cá nhân trên Ngày Nay 169:

"Tự do cá nhân là tự do của thân thể con người. Nhưng ngoài thân thể, còn có tinh thần. Tự do tư tưởng chính là sự tự do của người ta về mặt tinh thần vậy".

Tự do tư tưởng không chỉ có nghiã là con người muốn nghĩ gì thì cứ việc nghĩ trong óc, mà còn phải có quyền được phát biểu ý nghĩ ấy ra, quyền phổ biến nó, miễn là ý nghĩ ấy không làm hại người khác, theo quy định của pháp luật. Tự do tư tưởng bao gồm nhiều thứ tự do khác, như tự do tôn giáo, tự do giáo dục, tự do ngôn luận, tự do sáng tác, tự do ấn loát, tự do hội họp,... được bảo đảm trong điều 10 và điều 11 của bản Tuyên ngôn nhân quyền. Trong bài viết này, Hoàng Đạo nhấn mạnh đến quyền tự do tôn giáo và nhất là quyền tự do giáo dục, tức là quyền được học hỏi, để mở mang trí óc con người.

Tự do ngôn luận, (Ngày Nay số 172), Hoàng Đạo cho rằng: quyền tự do tư tưởng chỉ là mộng tưởng nếu cái tư tưởng ấy không được quyền truyền bá. Xưa nay người ta vẫn "sợ" cái quyền này, vì thế những chính thể độc tài, thường tìm cách triệt bỏ tự do ngôn luận.

"Tuy nhiên, sức mạnh của ý tưởng tự do lớn đến nỗi ngay ở những nước chuyên chế hay độc tài, chính phủ cũng không dám nói trắng trợn ra rằng tự do ngôn luận là một cái nạn chung, nên triệt bỏ. Họ thường dựa vào sự vọng dụng [lạm dụng] quyền tự do ngôn luận để [đóng] khuôn tư tưởng dân chúng vào nơi họ muốn." (Ngày Nay số 172).

Vì vậy, bản tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp tuyên bố rằng: Làm người, ai cũng có quyền nói, viết, in, trong sự tự do, miễn là phải chịu trách nhiệm khi có sự vọng dụng sự tự do ấy, trước pháp luật. (Ngày Nay số 172).

Hoàng Đạo viết:

"Nguyên tắc ấy là nguyên tắc những nước dân chủ đều tôn kính khi đặt ra luật để tổ chức chế độ báo chí. Xuất bản báo chí sẽ được hoàn toàn tự do, miễn là có người chịu trách nhiệm về những bài viết có thể phương hại đến danh dự người khác hay đến pháp luật" (Ngày Nay số 172).

Tóm lại, không cần một sự đề phòng nào khác ngoài việc thiết lập "những đạo luật phạt những sự vọng dụng [lạm dụng] có thể xảy ra.

Một thí dụ: nước Pháp. Đạo luật ngày 29-7-1881 về chế độ báo chí đã theo đúng nguyên tắc ấy. (... ) Mở hàng sách, mở nhà in được tự do. Những giấy in để cho công chúng đọc chỉ cần biên tên và trụ sở của người in. Báo chí xuất bản không cần xin phép ai, chỉ cần có một tờ khai tên tờ báo, tên và chỗ ở của viên quản lý nhà in, đệ ra phòng biện lý. Mỗi tờ báo cũng cần biên tên của quản lý và nhà báo phải đệ một bản ra phòng biện lý và một bản ra nha đốc lý. Những phương sách ấy không có tính cách đề phòng, mà chỉ cốt để định rõ người nào phải chịu trách nhiệm đối với pháp luật, nếu có xảy ra sự vọng dụng.

Những sự vọng dụng ấy cần phải định rõ từng khoản, một là để nhà báo biết đường mà tránh, hai là để cho hợp với một nguyên tắc rất hay của luật pháp: không có tội gì mà không có luật định. Thí dụ như những sự phỉ báng hay mạ lỵ, xui gịuc phạm pháp, làm bại hoại phong hoá, v.v... được định rõ trong đạo luật 1882". (Ngày Nay số 172).

Nhưng đó là chuyện xảy ra ở nước Pháp.

Tự do chính trị (Ngày Nay số 174), bài này có tính cách tổng kết; sau khi đã bàn riêng đến hai vấn đề tự do cá nhântự do tư tưởng, nằm trong địa hạt thể xác và tinh thần của con người, Hoàng Đạo viết bài Tự do chính trị:

Trong bản tuyên ngôn nhân quyền có bao nhiêu quyền tự do dân chủ được xác định là quyền bất diệt của con người, nhưng nếu không có quyền tự do chính trị, thì những quyền ấy sẽ bị tiêu diệt.

Vậy, "Tự do chính trị là gì? Là mọi người công dân đều có quyền tham dự vào việc nước; tham dự vào việc lập pháp, tham dự vào việc định đoạt sổ chi thu chung. Sự tham dự ấy, mục đích là để cho công dân có quyền đặt ra luật pháp giữ gìn bảo vệ cho các quyền tự do dân chủ." (Ngày Nay số 174)

Quyền tự do chính trị, cũng là quyền thống trị đất nước, là quyền của mọi người: mỗi công dân đều có quyền tham dự vào quyền thống trị này. Sự tham dự được ghi rõ trong điều 3 và điều 16 của bản tuyên ngôn nhân quyền: Chủ quyền là ở quốc dân một xã hội dân chủ phải có hiến pháp. Vậy dân được quyền tham dự vào những việc gì? Quan trọng nhất là: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thời kỳ quân chủ, các quyền này trong tay vua, người dân thời đó, không phải là công dân mà là thần dân, tức là một thứ trẻ vị thành niên, không có tự do và trách nhiệm.

Một khi dân đã trở thành chủ nhân của quyền thống trị này, thì họ không thể khước từ hay trao lại cho ai, hoặc cho một tay độc tài, cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được, mà dân được quyền lấy lại, dù phải dùng võ lực, cũng là hợp lý.

Người dân chỉ có hai cách tham dự vào chính trị: Một là, người dân tự mình đứng ra lập pháp, nhưng trường hợp này chỉ có thể áp dụng ở nước rất nhỏ và dân chúng có trình độ cao, như nước Thụy Sĩ. Hai là, người dân bầu người thay mặt mình, đó là trường hợp chung của các nước lớn, từ đó phát xuất chế độ nghị viện và sự phổ thông đầu phiếu. (Ngày Nay số 174)

Bình đẳng, Ngày Nay số 177 (2-9-39). Quyền bình đẳng là quyền đi đôi với tự do trong bản tuyên ngôn nhân quyền. Nhưng bình đẳng là khái niệm gây nhiều tranh cãi, bởi có người cho rằng: con người không thể bình đẳng được.

Vậy bình đẳng là gì?

Phe chống, hiểu bình đẳng theo nghiã tuyệt đối: hai người phải ngang hàng về đủ mọi mặt tinh thần cũng như vật chất, sự bình đẳng này không thể đứng vững được. Bởi vì con người khác nhau cả về vật chất lẫn tinh thần: có người yếu, người khoẻ, kẻ giàu, người nghèo, người ngu, kẻ khôn, người hiền, kẻ ác, không ai giống ai.

Nhưng tất cả mọi người đều giống nhau ở một điểm: ai nấy đều là người.

"Là người cả, đấy là nền tảng của sự bình đẳng vậy".

Theo bản tuyên ngôn nhân quyền, người ta sinh ra tự do, và bình đẳng về quyền lợi, tức là bình đẳng về chính trị, về thuế khoá, về pháp luật, về kinh tế... ai ai cũng được đối xử như nhau, trên tất cả các phương diện này.

Quyền hữu sản, Ngày Nay số 178 (9-9-39). Trong bản tuyên ngôn nhân quyền, hai quyền: tự dobình đẳng, được ghi trong điều 1. Điều 2 ghi thêm: quyền sở hữu, và điều 17: Quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng, không được xâm phạm. Người ta chỉ có thể xâm phạm vào quyền ấy, vì lợi ích chung, sau khi đã bồi thường cho sở hữu chủ, một cách chính đáng.

"Vậy quyền hữu sản là gì?

Là một quyền tối đích trên mọi tài sản, là quyền dùng và lạm dụng tài sản của mình. Cốt nhất là quyền lạm dụng: vì rằng người đi thuê nhà có thể dùng được cái nhà mình thuê tuy không phải là chủ nhà; người vay mượn có thể có thể dùng được món tiền mình vay, tuy không phải là chủ nhân món tiến ấy, chỉ có chủ nhân mới có quyền vứt tiền ra ngoài cửa số hay để hoang một thửa ruộng, mà không ai nói gì được". (Ngày Nay số 178).

Một cái quyền to tát như vậy cần phải bàn đến nơi đến chốn: Những người bênh vực quyền ấy đều cho rằng quyền ấy do cần lao mà ra. Chính Giáo Hoàng Léon XIII cũng đã giải nghiã theo ý ấy: quyền hữu sản là "quyền của người đối với đồ vật do tự thân làm ra".

Hoàng Đạo bác bỏ lập luận ấy, ông cho rằng:

"Giải nghiã như vậy không hợp với sự thực. Vì không lúc nào ta thấy sự cần lao sinh ra quyền hữu sản cả. Một người thợ không có một thứ quyền nào đối với đồ vật do tay họ chế tạo ra. Chỉ có ông chủ, người đã trả công cho họ, là có quyền chủ nhân đối với những đồ vật ấy (...) Hiện giờ thực tế, ta chỉ thấy tài sản truyền từ người này sang người khác, hoặc vì bán chác, hoặc là thừa tự. Nhưng nếu đi ngược mãi vào lịch sử, người ta sẽ thấy hai lối lập thành tài sản: Một là lấy cường quyền mà cướp lấy, hai là đến giữ lấy trước mọi ngưòi. Cả hai lối ấy đếu không đủ sức mạnh để làm nền tảng chắc chắn cho quyền hữu sản." (Quyền hữu sản, Ngày Nay số 178).

Bài này chứng tỏ lập trường chống tư bản, tư hữu của Hoàng Đạo, lập luận của ông dẫn tới chỗ: Nếu quyền hữu sản được coi là quyền tự nhiên của con người, thì phải làm sao cho tất cả mọi người đều hữu sản, mà ngày nay số người vô sản lại hằng hà sa số. Ở các nước tư bản như Anh, Pháp, quyền hữu sản là quyền rất lớn, rất mạnh, với hai đặc điểm: một là, người hữu sản có quyền tự do dùng tài sản theo sở thích và hai là, cái quyền ấy còn mãi mãi với tài sản.

Quyền hữu sản, không những được ghi trong bản tuyên ngôn nhân quyền, mà còn được coi là nền tảng của xã hội, nhưng Hoàng Đạo vẫn chống lại, ông viết:

"Song cái nền tảng xã hội ấy, lại là nguyên nhân của nhiều sự nhiễu loạn sâu xa và không sao tránh được". Câu này như một lời đe dọa xã hội tư bản, cho nên bài viết đã bị kiểm duyệt hết đoạn còn lại. Ta có thể hiểu rằng, ở đây, Hoàng Đạo đã để lộ rõ tư tưởng cần lao chống lại tư bản của ông, ở thời điểm đó, bị coi là lập luận cộng sản.

Tự do ở Đông Dương: Sau khi đã trình bày phần cốt lõi trong loạt bài Công dân giáo dục, chúng tôi muốn khoanh tròn ý chính của Hoàng Đạo:

Trên thế giới lúc đó, nhiều nước đã sống dưới chế độ dân chủ với những quyền lợi được ghi trong bản tuyên ngôn (quốc tế) nhân quyền, còn Đông Dương thì sao?

Hoàng Đạo trả lời:

"Lòng ao ước tự do là lòng ao ước chung cho cả nhân loại, nhưng không phải cứ ao ước mà được, thử hỏi xem Đông Dương sống trong tình trạng tự do như thế nào?

Đông Dương hiện nay sống dưới chế độ thuộc địa, chế độ chỉ dụ. Nghiã là, đối với toàn thể các xứ Đông Dương, ông tổng thống nước Pháp giữ quyền lập pháp ở trong tay".

Nhưng điều tệ nhất là toàn thể Đông Dương không có một cái hiến pháp nào:

"Không có hiến pháp, đó chắc chắn là nguyên nhân của chế độ không tự do ở Đông Dương vậy (...) Sự thật bắt ta phải tuyên bố rằng, dân Đông Dương không được hưởng những quyền tự do mà chính nước Pháp, nước đỡ đầu cho Đông Dương, đã từng tuyên ngôn là quyền bất diệt của nhân loại". (Tự do ở Đông Dương, Ngày Nay số 176, 26-8-39).

Những lời tuyệt vọng này Hoàng Đạo viết cuối tháng 8-1939 và ngày 1-9-1939, Hiller xâm chiếm Ba Lan, thế chiến thứ hai thực sự bắt đầu. Ở Việt Nam, gọng kìm thực dân khép lại, tự do bị vây khổn hơn nữa và người Việt yêu nước không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc đi làm cách mạng.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Mấy lời nói đầu, Ngày Nay số 160 (6-5-39); Thế nào là một nước, số 161 (13-5-39); Quyền sống của mỗi nước, số 162 (20-5-39); Lòng yêu nước, 163 (27-5-39); Nước Nam, số 165 (10-6-39); Quốc thể, số 166 (17-6-39); Hiến pháp, số 167 (24-6-39); Nhân quyền, số 168 (1-7-39); Tự do cá nhân, số 169 (8-7-39); Ý nghiã cuộc cách mệnh Pháp; Bản tuyên cáo Nhân Quyền và Dân Quyền; Lời bàn thêm về từng điều trong bản tuyên cáo, số 170 (15-7-39); Tự do tư tưởng, số 171 (22-7-39); Tự do ngôn luận, số 172 (29-7-39); Tự do hội họp, tự do lập hội, số 173 (5-8-39); Tự do chính trị số 174 (12-8-39); Tự do ở Đông Dương, số 176 (26-8-39); Bình đẳng, số 177 (2-9-39); Quyền hữu sản, số 178 (9-9-39); Chính thể Đông Pháp, số 179 (16-9-39) và số 180 (23-9-39); Thuộc địa và xứ bảo hộ, số 181 (30-9-39); Nam Kỳ, số 182 (7-10-39) và số 183 (14-10-39); Trung, Bắc Kỳ, số 184 (21-10-39), số 185 (28-10-39 và số 186 (4-11-39); Cao Miên và Ai Lao, số 187 (11-11-39); Thị xã, số 188 (18-11-39); Làng xã, số 189 (25-11-39), số 190 (2-12-39), số 191 (9-12-39), số 192 (16-12-39) và số 193 (23-12-39); Nghiã vụ công dân, số 194 (30-12-39), số 195 (6-1-40) và số 196 (13-1-40).

[2] Hiến pháp Hoa Kỳ được thiết lập ngày 17- 9-1787, đuợc các tiểu bang lần lượt phê chuẩn năm 1787-88, và được áp dụng ngày 4-3-1789. Cách mạng Pháp khởi động ngày 5-5-1789, phá ngục Bastille ngày 14-7-1789.