Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Nhật ký chiến tranh (kỳ 27)

Vương Trí Nhàn

HÀ NỘI CUỐI 73

6/9

Từ Quảng Trị trở về Hà Nội. Cảm thấy như một con tàu đang đi, bị chững lại. Đấy, cái nơi mà ta ao ước trở về – tức Hà Nội – chỉ có như thế. Tôi vừa thấy đây là nơi chứa tất cả quá khứ tương lai, vừa thấy như bắt gặp một thứ thực tại lạ lùng chả có gì liên quan đến không gian và thời gian mà mình đã biết.

Dạo này, tôi sinh ra cầu an. Tôi sợ phải nghe những chuyện trái tai. Nhiều người nhắc tôi chuyện nọ chuyện kia, tôi cứ gạt đi. Nghĩ bụng, tất cả là do chiến tranh. Sau này, người ta sẽ bảo đó là cuộc chiến tranh cuối cùng, cũng là cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc. Nó kéo chúng ta lùi lại đến phần tư thế kỷ.

Xuân Sách: Sau mười mấy năm chiến đấu, điều rút lại là có hai nước Việt Nam. Đó là điều cả chúng ta lẫn nhiều nước khác trên thế giới cùng khẳng định.

Có nước nào như ở Việt Nam, lý tưởng là đồng nghĩa với ảo tưởng mơ ước hão, và thực tế là đồng nghĩa với thực dụng, hèn kém.

11/9

Bế tắc, ở đâu cũng thấy cái chữ ấy. Bế tắc tức là thiếu niềm tin, tức không biết hành động ra sao, tức là vô vọng. Không phải cứ chịu ngồi là tích lũy vốn sống được đâu. Tích lũy làm sao, khi không tính được cái gì là giá trị, cái gì không. Biết rằng từ nay trở đi chỉ có thể là còn xấu hơn, không thể khá được, nhưng vẫn hồi hộp không biết rồi mọi thứ sẽ xấu đến mức nào nữa.

Trở lại bình thường ư? Mất vài năm. Có khi hơn, hàng chục năm nữa.

Thì cứ lấy thân phận mình ra là đủ hiểu. Khốn khổ thân tôi, lúc thời thế đang lên, mọi người đang vui – những năm 58-64 –, tôi sống trong nỗi bơ vơ không biết đặt hy vọng vào đâu. Bây giờ tôi vừa nhập được vào đời, thì đời sống lại đã xoay sang hướng tàn tạ. Tôi ngoi lên không kịp.

Nguyễn Khải:

– Viết về cái gì bây giờ? Chỉ có cách trở lại những giá trị cơ bản. Đánh thức trong mỗi người bình thường cái tình cảm lương tri trong cuộc sống. Ví như lâu nay tuyên truyền ta cứ nói dân ta không biết sợ gì hết. Có phải thế không? Chúng ta không sợ B52, không sợ súng đạn, nhưng chúng ta sợ nhau. Người nọ ghen ghét thù hằn người kia, cấp dưới sợ cấp trên mà thực ra sợ quyền lực, sợ những giá trị kinh tế.

– Dạo này chỉ trông ảnh thôi, thấy mấy ông to, ông nào ông ấy cũng có vẻ cha già dân tộc. Hết cả sáng suốt với nhạy bén thì làm sao hy vọng.

– Năm 1957 đi Festival về qua Trung Quốc, thấy cán bộ thanh niên nó trẻ lắm, bí thư thành đoàn 23-24, tiếp khách nước ngoài lại còn nói đùa nói bỡn. Không biết bao giờ người mình có được những bộ mặt sinh động như vậy.

Cái khó nhất bây giờ là công tác tổ chức – ông Vũ Cao nói.

Những gì là động lực của vận động lịch sử hôm qua, đến hôm nay thành ra lực cản. Sẽ là không đủ nếu chỉ nói đến vai trò của tuyên truyền chính trị. Chính hệ thống tổ chức đang đè nặng lên chúng ta, kìm hãm chúng ta! Không thay đổi những cái ấy đi, thỉ mọi lời kêu gọi chắc chỉ là chuyện vớ vẩn.

14/9

Vẫn bị ám ảnh vì chuyến đi Quảng Trị. Lần đầu tiên xa Hà Nội những hai tháng, mà lại trong hoàn cảnh thời bình – tôi cảm thấy đã xa lâu lắm.

Về đây mới có những buổi tối, tôi đi dưới những bóng cây. Cảm giác có một không gian trong lành quanh mình.

Sau cơn mưa, mọi thứ hằn rõ lên, nguyên vẹn trong cung cách của mình, và màn đêm giống như một đại dương lớn lao, vô tận mà mình đang ở dưới đáy. Sống trong cái đêm bao la này, người ta có thể yên tâm, đi lại, nghỉ ngơi, suy nghĩ.

Đặt bên cạnh những ban đêm u tối của các vùng Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… thì đêm Hà Nội đâm ra có cái vẻ rộn rã mà xưa nay tôi không nhận ra. Ngồi ở trong cái phòng con, nhiều buổi tôi lặng đi vì cuộc sống ở ngoài kia. Một đám 13-14 nối nhau trên đường, cùng reo vui vì một chuyện gì đó. Tiếng hai người bạn trẻ chuyện trò, có khi lại có cả tiếng một anh chàng nào nhiều khuya rất muộn còn huýt sáo.

Sau cơn mưa, trời đất trong hơn, mọi thứ tiếng động nghe vang hơn và ấm hơn, và lạ chưa tôi nhìn thấy thì trong bóng đêm cả những lùm cây cũng xanh hơn. Những ngày mưa qua đi, lá sấu óng ả hơn, nắng chiều làm cho màu xanh của lá ấm lên trong cái sắc vàng bền bỉ và vững chãi.

Kể ra, so với thời chiến, tức khi phải đi sơ tán cuối 1972 về trước, bây giờ tôi đã có một Hà Nội khác, Hà Nội bình thường trở lại. Nhưng cũng lập tức, phải hiểu là chiến tranh theo sát Hà Nội nó không buông tha Hà Nội cho đến lúc này. Sự thanh lịch, hào hoa, tất cả đều còn cả. Nhưng lại không phải là của cái thời bình hôm qua. Chỉ còn là cái gì nửa vời, pha tạp.

Có thể nói chung gì về tâm trạng mọi người sau tám tháng hoà bình?

Tôi ngồi tôi đọc lại một ít ý nghĩ, và thấy có lẽ vẫn có thể rút ra được một ít điều tốt đẹp nào đó, mà tôi chưa thấu. Đó trước tiên là một cái gì như niềm mong mỏi – mong mỏi hạnh phúc sẽ đến, mong mỏi đời sống ổn định.

Bài Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn của Vũ, tôi chép vào trong sổ đã lâu, thỉnh thoảng lại mang ra đọc lại, thích nhất là đoạn cuối:

Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi

Đường xa bom phá tàu không về

Lênh đênh ai hát ngoài song cửa

Bài ca thanh bình năm cũ

“Hoa lá quên giờ tàn

Mây trắng bay tìm đàn”

Ngày xưa yên ấm quá

Trẻ hát đồng dao trên phố

Con trai xách điếu đi cày

Con gái quang liềm gặt lúa

Bao giờ hết khổ người ơi

Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi

Lòng như vầng trăng khuyết
Chém giữa trời khôn nguôi

Thanh bình, cái chữ ấy, nghe êm đẹp quá, vì gắn với thanh bình, là đoàn tụ, là hy vọng.

Cái không thể mất được, là hy vọng.

26/9

Mợ Tâm: Nhà như nhà mợ (năm người lớn) ngày phải ba đồng thức ăn mới đủ ăn. Lại mấy cơn bão dúi dụi.

Phương Thảo: Ngày trước, lương như Thảo là ăn thoải mái, tiêu cũng thoải mái. Bây giờ chỉ được phần ăn. Tiền chi cho công việc, những việc lương thiện, thật không có. Mật ít ruồi nhiều. 
Còn như ở nhà máy của Thảo ư? Sau mấy năm đi học, về chỉ thấy như cũ. Với lại toàn thấy những chuyện không ra sao. Bây giờ người ta làm bậy theo kiểu mặt dày mày dạn, trâng tráo mà làm, không cần dấm dúi. Tức người ta không biết sợ là gì nữa.

Mấy năm vừa trải, cái chính là mình thấy giá trị của dân có học. Chả còn lạ gì những người hò hét, có khi họ lại không bằng những người mang tiếng công chức như mình.

Tôi hay nghĩ về những cái mất, cái còn của Hà Nội. Cái gì mất đi? Nhiều lắm, mất đi cả nhiều mặt tốt. Nhưng tôi cũng tin là vẫn còn lại một cái gì đó. Và nếu như một cái gì vừa mới biến động đã mất, thì cái của mất ấy, chắc cũng là vô duyên, và cũng chẳng đáng tiếc lắm.

Cái cuộc đời này là gì vậy? Tôi nghĩ thật thú vị, những cũng thật là xa lạ. Ngồi trên phòng nghe những âm thanh đường phố, cứ nao nao cả người. Muốn đi ra với đời. Nhưng làm sao để đi chơi được, tôi còn phải làm việc. Đi chơi với tôi là quá phung phí thời gian, tôi có nhiều thời gian đâu mà rải mành mành ra như vậy.

Và điều này, quan trọng nhất – đôi khi đi chơi, như bị lấm bùn vào mặt, lại khó chịu thêm. Hà Nội còn nhếch nhác quá.

Người ta trả lại cho tôi một Hà Nội, nhưng nó không hoàn toàn như tôi mong muốn. Cũng như người ta chỉ cho tôi một tố chất thông minh vừa phải, một ít sự nhạy cảm nghệ sĩ vừa phải, để rồi làm một nghệ sĩ thực thụ thì không nổi, trở về với đời thường không xong.

Tôi không tiêu hoá được cách sống gọi là tùy nghi đang diễn ra chung quanh. “Dạ dày” tôi kém.

Tôi vẫn không cảm thấy tôi nhập được vào cái phía buông thả mới nẩy nòi này của Hà Nội – lý do có lúc ở phía Hà Nội, nhưng có lúc ở phía tôi, khổ chưa!

Thế còn những người như Thảo? Họ nghĩ sao về Hà Nội? Họ còn thuộc Hà Nội ngày xưa hơn cả tôi nữa. Tôi muốn hỏi vậy vì cảm thấy Thảo còn giữ được chút gì đó như là chất sang trọng quý phái. Có lẽ một phần vì Thảo không quan hệ rộng, Thảo không bị những xô đẩy của cuộc sống, Thảo không bị cả cuộc đời này hành hạ.

Về mặt con người, trong khi cũng tự nhiên, thoải mái, và có thể nói như là dễ dàng với mọi người, Thảo lại có gì trong sáng và nhuần nhị hơn so với Xuân Quỳnh. Thảo đô thị hơn.

3/10

Cùng Tính đến chơi Thảo. Một ngôi biệt thự cũ trong ngõ Hạ Hồi nay đã tàn tạ khi phải sống theo nhịp thời chiến.

Mỗi lần gọi cổng, chúng tôi phải từ dưới đường réo lên. Bù lại, khi lọt vào cái phòng chật hẹp nhưng ngăn nắp của nữ chủ nhân, chúng tôi cảm thấy như chiến tranh đã ở phía ngoài.

Một lần, chúng tôi chứng kiến cảnh một cháu nhỏ của Thảo ba bốn tuổi gì đó ngồi chơi giữa phòng cô. Chơi truyền nước. Cháu cứ rót nước từ ấm ra bốn cái chén nhỏ, rồi lại đổ ngược vào. Một niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt cháu khi nhận ra rằng mình không đánh rớt ra ngoài chút nước nào.

Hôm nay chúng tôi ngồi bàn về đợt B52 mười tháng trước. Thảo kể:

– Nhớ mãi năm ngoái có chục hoa cúc lạ. Mua đúng hôm Hà Nội bị B52. Đẹp chưa từng có. Mười ngày sau về, lá héo, mà từng vồng cúc vẫn chắc, khoẻ.

Ngày nào mua hoa, là ngày vất vả nhất. Chạy khắp nơi, lên đầu Hàng Lược, ra chợ Đồng Xuân, rồi mới ra các cửa hàng mậu dịch. Bao nhiêu cũng mua.

Ngày đi học, bao giờ áo cũng phải là một ít nước hoa. Mẹ chiều, đi xa về, đun cho ít nước tắm, rồi giục đi chơi nhà các bạn. Cụ ông cũng chiều, cũng giục đi. Chính tính cụ ông rất giống tính Thảo. Cái tự do hôm nay, là điều sẽ không chịu đổi lấy một cái gì khác, trừ trường hợp thật tự nguyện.

Hoa sữa – thứ hoa của đường phố. Hoa của trên cao, cho người ta đứng dưới mà cảm thấy cả một trời ướp hương. Hoa của mọi nhà, có khi phố mình không hoa những vẫn là có hoa từ những phố khác phảng phất đưa tới.

13/10
Gần mười tháng sau chiến tranh. Thời gian đang qua là những hoàng hôn của một ngày nóng nực đến điên cuồng. Tôi biết rằng có thể phải qua đêm tối kinh khủng nữa, rồi ngày hôm sau yên lành mới tới.
Những người sống sót sau chiến tranh là những người phải sống đến hai ba cuộc đời. Phải sống cho mình, và phải sống cho những người đã chết. Phải sống bù vào những gì người chết vì không có mặt nên không làm được. Vì ta còn đây nên phải oằn lưng gánh vác, trong khi chính ta cũng yếu đuối, mà lòng đầy dục vọng. Chiến tranh đẩy lùi xã hội lại, trong khi những yêu cầu ghê gớm của con người thì vồng mãi lên.
15/10
Một thanh niên như bạn tôi, Trần Đức Kiểm, vừa đi bộ đội về. Tôi cảm thấy xa lạ với Kiểm, xa lạ ở hai điều này:
1/ Nó sống nhiều mặt hơn, lan man, dài rạc; tôi chỉ sống một hai mặt cho kỹ lưỡng.
2/ Nhưng nhìn chung, hoá ra nó lại là phía thực dụng của tôi. Tôi ráo riết, cuồng nhiệt trong khi đó nhiều thanh niên ít tuổi hơn tôi mà sống dềnh dàng quá. Họ lì ra, chậm trễ. Phải vì xã hội không hứa hẹn với họ một điều tốt đẹp nào?
Kiểm là hình ảnh của tôi ngày hôm qua, Kiểm là tất cả những gì văn học có thể mang lại cho những người thường (nền văn học này và những người thường này, cố nhiên!). Nhưng Kiểm cũng không thể giữ được cái đó, trong cuộc đời quá nhiều phiền tạp.
Nhàn: Về đây, ông thấy ai thông cảm với ông hơn cả.
Kiểm: Không có ai cả. Ông Niệm cũng nhạt. Tôi chỉ nhớ một lần tôi đi dự đám cưới, tự nhiên lại gặp một thằng bộ đội, hai đứa nói chuyện với nhau rất lâu.
20/10
Mùa đông đến sớm. Những buổi chiều Hà Nội âm u, mặt đất nhớp nháp vì mưa phùn, những nền đá hoa cũng nhớp nháp, một ít hơi dầu, những con ruồi mùa đông sinh ra kỳ quái mò mẫm đây đó. Cứ chìm đắm vào cái đám này xem, rồi người ta cũng không thể nào giẫy ra nổi, người ta cũng mù xám mà chết theo mất. Tôi nhớ những mùa đông ở nông thôn. Dẫu sao nó cũng còn những cánh đồng miên man. Dẫu sao nó còn sinh lực.
24/10
Hà Nội không thể đứng riêng rẽ. Những ngày vừa qua mưa ghê mưa gớm, chúng tôi không chỉ khổ vì đi lại, mà còn vì những nơi đang đói kém tràn tới. Trưa ra chỗ Hàng Lược, gặp bao nhiêu người gồng gánh lũ lượt. Tận Thanh Hoá ra. Theo tàu hoả tới ga Hàng Cỏ, rồi sang tàu điện lên đây, để ra bến xe Long Biên, ngược lên mạn Bắc Ninh Bắc Giang tìm cách kiếm ăn. Cái tiếng Thanh Hoá trộn không lẫn.
Duật kể ở Thanh Hoá, trẻ con cầm con gà giơ lên ngang đầu như dân Lào, miệng lắp bắp đổi gạo, đổi gạo. Một cậu khác kể, ngoài ga, thỉnh thoảng người ta tức cửa hàng cơm phở mậu dịch, bán cơm nắm, hai hào một nắm.
Có một cái gì như một thứ chia sẻ chung. Lại có một cái gì như Hà Nội bị xâm lấn, và điều đó là không thể khác.
2/11
Một kẻ mà mỗi buổi sáng lại xét lại bước đi của mình trong đời sống – kẻ đó không phải là người biết sống, biết làm việc. Mà tôi đang là vậy.
Dẫu sao thì cuộc đời cũng vẫn phải đi thành vệt, vẫn phải có những nền nếp. Những nền nếp cần phải luôn luôn được kiểm tra lại, nhưng trước hết, anh phải cho nó thành những nền nếp, để biết mà tính.
Có một quy luật tiền bạc, chi phối người Việt Nam ở nước ngoài: càng xa nước, anh lại càng cảm thấy nước mình nghèo nước người ta giàu. Và anh lại càng tự cho phép nhặt nhạnh vơ vét, để làm lưng vốn khi quay về.
Nỗi sợ khi trở về nước, như một nỗi sợ phải xuống địa ngục. Do đó, mỗi đồng tiền anh cầm đều có thêm quyền lực đối với anh. Anh không dám “động” tới nó.
Còn như là về công việc viết lách của bọn tôi. Không biết chừng càng đọc nước ngoài, anh càng cảm thấy xa lạ. Hoặc họ là văn học, hoặc mình là văn học. Họ thì đúng hơn.
Và càng làm việc, càng viết, anh càng cảm thấy là mình viết quá ít, càng hậm hụi viết thêm. Cái chuyện bất lực trong cuộc đời là một lẽ đương nhiên. Vấn đề không phải là anh vượt qua mọi sự bất lực đó. Vấn đề chỉ là cố vượt qua ở từng nơi, từng chỗ. Và có người vượt được nhiều, có người vượt được ít.
4/11
Một khía cạnh khốn khổ của Hà Nội. Nơi đây, sự năng động – đặc tính tưởng chỉ có ở cái mới – thường khi nó lại rơi vào những người lạc hậu nhất.
Đi trên đường phố, hỏi ai nhếch nhác nhất, chắc phải kể những người đi xe bò. Nhưng về nhà, ai ăn sang nhất, lại có lẽ là những người xe bò. Ở nhà của mình, họ nghe nhạc, đón những đĩa hát mới nhất – họ văn minh, lịch sự, theo như họ nghĩ.
Những ngày cuối năm 1973 này, Hà Nội vẫn là một sự chờ đợi. Mãi không thấy bắt đầu một cái gì mới. Mọi chuyện cứ dề dà, đến mức không chịu được.
Hà Nội là thành phố của rất nhiều con người cô đơn. Hà Nội là thành phố của những ý đồ hèn hạ, những cuộc mưu sinh rách nát. Và bây giờ Hà Nội là thành phố của cướp bóc, cướp giật ban ngày, dí dao vào mạng sườn, cướp xe đạp, cướp mũ cối của những người lính đi qua đường. Tại sao ư? Tại vì cả xã hội lâu nay chỉ khuyến khích người đi đánh nhau. Yêu nước, chiến đấu thì cũng là đánh nhau chứ còn là gì khác? Mà đánh nhau là đặc tính thường trực của người nghèo. Được xã hội thức tỉnh, sau thời gian lao ra hành động, đến lúc quay về nhìn vào mình, người ta nhận thấy mình vẫn nghèo quá. So với yêu cầu và hiểu biết thì nghèo khó lúc này là không được phép.
Mất mùa khoảng 50%. Nhiều tỉnh đói. Cuộc vật lộn sinh sống ở xã hội này đôi khi mang lại những màu sắc cổ điển nhất. Là vật lộn cho mỗi miếng ăn. Làm sao mà còn dám đòi hỏi cái nọ cái kia? Làm sao mà còn tính chuyện hưởng thụ.
Nhàn: Những người như tôi, có lẽ chỉ thích hợp với hoàn cảnh thời bình.
Lê Đường Phong: Thế bây giờ thời chiến hay thời bình?
Nhàn: Thời chiến chứ. Đúng hơn là thời loạn. Còn phải coi là thời loạn vài năm nữa, cho đến bao giờ xã hội bình ổn.
Đã có những lúc, tôi nghĩ đây là một thời đại suy vi. Đây là những ngày tàn của một thể chế không thể tự đổi mới. Tương lai nào sẽ đến với một xã hội già cỗi như thế này, ao tù nước đọng như thế này?