Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Chữ “lê” trong bài thơ “Xuân áng tức cảnh” của Phan Khôi là chữ “lê” nào?

Phan Nam Sinh

Đọc Thi Viện thấy có chùm thơ chữ Hán hai bài thất ngôn bát cú luật Đường có tên là “Xuân Áng tức cảnh” (春 盎 即 景) của Phan Khôi, lấy trong “Tuyển tập thơ Hán Việt” của cụ Đông Xuyên, Nhà Xuất bản Cảo Thơm, Sài Gòn, năm 1975.

Câu thứ sáu của bài I thấy in là 飯 裹 驅 黎 趁 曉 烟, phiên âm là “phạn khỏa khu lê sấn hiểu yên”, được cụ Đông Xuyên dịch thơ là “Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới”.

Như vậy, chữ “lê” đó có nghĩa là “con trâu”. Nhưng nếu là “con trâu” thì sao lại in là 黎 mà không in là 犂? Đó là điều tôi băn khoăn bấy lâu nay và đã tự đặt vấn đề để tìm hiểu.

Tra “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, rồi “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu, thấy chữ “lê” (黎) ấy có 3 nghĩa nhưng không có nghĩa nào là “con trâu”.

Tra tới “Hán Việt từ điển” của Trần Văn Chánh, thấy chữ “lê” (黎) có đến 8 nghĩa nhưng vẫn không có nghĩa nào là “con trâu”.

Tra sang “Cổ đại Hán ngữ từ điển” (古 代 汉 语 词 典) của Nhà Xuất bản “Thương vụ ấn thư quán” (商 务 印 书 馆) thấy chữ 黎 đó có 5 nghĩa nhưng vẫn chẳng có nghĩa nào là “con trâu”.

Với chữ “lê” (犂), ngoài bốn cuốn từ điển trên, tôi còn tra thêm “Hán Việt từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng và được kết quả như sau:

“Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh có 3 nghĩa, không có nghĩa nào là “con trâu”; “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu có 6 nghĩa, trong đó nghĩa thứ 4 được chú là “con trâu lang lổ”.

“Hán Việt từ điển” của Trần Văn Chánh có 3 nghĩa nhưng không có nghĩa nào là “con trâu”.

“Hán Việt từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng có 3 nghĩa, trong đó nghĩa thứ 3 được chú là “có đốm đen, khoang đen”, tiếp còn đưa thí dụ “lê ngưu”, được giải nghĩa là “con bò khoang, loang lổ vàng đen”.

Trong khi đó, chữ 犂 trong “Cổ đại Hán ngữ từ điển" (古 代 汉 语 词 典) của Nhà Xuất bản Thương vụ ấn thư quán (商 务 印 书 馆) có tới 6 nghĩa cả thảy; nghĩa thứ 3 được chú là “tạp sắc” (杂 色) và lấy thí dụ 7 chữ trong thiên “Ung dã” (雍 也) sách “Luận ngữ” (論 語) là “lê ngưu chi tử tinh thả giác” (犂 牛 之 子 騂 且 角), được dịch giả cuốn “Luận ngữ” là Đoàn Trung Còn dịch sang tiếng Việt là “con bò tơ, con của con bò lang, sắc lông nó đỏ và sừng nó đều đặn, tốt đẹp”.

Tuy chữ “lê” (犂) có người dịch là “con trâu lang”, có người dịch là “con bò lang” nhưng chung quy đều là con vật dùng để kéo cày. Còn chữ “lê” (黎) là “họ Lê” như Lê Đại Hành (黎 大 行), là “số đông” như “lê dân” (黎 民), là “màu đen” như “lê ngưu” (黎 牛) là “con trâu đen”, chưa bao giờ thấy có nghĩa là “con trâu” cả!

Từ những gì tra cứu được, tôi ngờ rằng chữ “lê” trong câu “Phạn khỏa khu lê sấn hiểu yên” mà cụ Đông Xuyên dịch là “Khói sớm, đùm cơm, trâu đuổi tới” trong bài “Xuân Áng tức cảnh” (春 盎 即 景) của Phan Khôi phải là chữ “lê” (犂), mà không thể là chữ “lê” (黎) được!

Nếu điều tôi nói trên là đúng thì ai nhầm?

Trong tay tôi hiện không có cuốn “Tuyển tập thơ Hán Việt” của Đông Xuyên. Năm 1965, khi làm thư mục cho những gì của Phan Khôi để lại cũng không thấy có dấu tích gì của bài “Xuân Áng tức cảnh” nên không thể biết ai nhầm. Cụ Phan Khôi nhầm, cụ Đông Xuyên nhầm, hay Thi Viện nhầm?

Theo tôi, cụ Phan Khôi, cụ Đông Xuyên đều là các bậc túc nho nên rất ít có khả năng các cụ nhầm. Vậy rất có thể, khi đưa lên mạng, Thi Viện nhầm cũng nên?

1-7-2021