Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Vé trở về (kỳ 6)

Tiểu thuyết Liêu Thái

Một cách viết riêng từ góc nhìn của một công dân Việt lớn lên/trưởng thành sau-hòa-bình 1975 (tác giả sinh năm 1976).

Người cầm bút trẻ (so với những người đã-trưởng-thành trước 1975) nhìn nhận/nhìn xuyên-qua cuộc chiến ấy dưới lăng kính nào/màu gì? Quá khứ đã không thể thay đổi (dù có thể bị bóp méo/ám sát), tương lai chưa biết ra sao (dù có bao nhiêu dự tưởng/dự đoán/dự phần… vừa mơ hồ phi lý vừa thực dụng ngang nhiên tới mức tàn bạo), chỉ hiện tại là nhà văn có quyền dòm vào/góp-tiếng, cho dù chưa chắc đã được ai nghe/biết/quan tâm…

Xin giới thiệu với các bạn tiểu thuyết Vé trở về của Liêu Thái, tác giả thường được biết tới như một nhà thơ…

Văn Việt

12. Giấy khai sinh

Lần đầu tiên trong đời, Rô nghe nhắc tới mấy chữ “giấy khai sinh” cho Rô. Từ nhỏ, Rô chưa bao giờ được ai đi khai sinh. Mẹ Rô hình như bận bịu quá nên không để ý tới chuyện này. Mà có lẽ cha ruột của Rô đã chết từ lâu, mẹ ruột của Rô cũng đã đi đâu đó biền biệt, mẹ của Rô bây giờ là dì ruột của Rô thôi. Mẹ thì không bao giờ nghe mẹ nuôi, tức dì Ba của Rô, và các dì hay ông ngoại và cậu nhắc tới. Nhiều lúc Rô cũng muốn hỏi thăm về mẹ nhưng không được. Trong trí nhớ mang máng của Rô, hình như mẹ cao ráo hơn mẹ nuôi một chút thì phải, hồi đó Rô chừng ba tuổi, có lần mẹ về thăm Rô. Bban đầu, Rô thấy lạ và sợ, một lúc sau, Rô lại thích thú mỗi khi đến gần mẹ và khi được mẹ ẵm, hình như có một luồng hơi ấm và mùi mồ hôi thơm quấn lấy Rô, Rô thích thú ngồi vào lòng mẹ, Rô không muốn rời mẹ. Lúc mẹ đi, Rô ôm chặt lấy chân, không cho mẹ đi. Hình như mẹ cười nhưng nước mắt mẹ ngân ngấn. Và lúc ấy, mẹ nuôi, tức dì Ba, bắt Rô gọi mẹ bằng dì Hai, dì Hai Ngọ, và Rô phải thả chân ra để dì Hai đi. Rô cứ ôm ghì lấy chân mẹ không muốn rời…

Lần ấy cũng là lần gặp đầu tiên và duy nhất của Rô với mẹ. Mãi sau này, Rô không biết mẹ ở đâu. Và hình như cũng chẳng còn ai nhắc tới mẹ, không ai cho Rô biết đó là mẹ. Nhưng càng về sau, Rô càng tin rằng dì Hai chính là mẹ của mình. Nếu có hối hận hay ray rứt điều gì, có lẽ Rô hối hận duy nhất một điều trong cuộc đời này, là tại sao lúc ấy Rô không ôm ghì lấy chân mẹ, không cho mẹ rời bỏ Rô nữa. Và nghĩ tới đây, tự dưng Rô thấy buồn,tủi thân, tại sao mẹ lại nỡ gỡ tay Rô ra rồi đi!

Rô hơi giật mình vì tiếng rơi độp nghe rất rõ của giọt nước mắt lên giấy. Rô đang tập viết và tập đánh vần. Việc này là việc của những đứa trẻ lên sáu nhưng mãi đến bây giờ Rô mới có được. Nó cũng giống như việc rơi nước mắt hay khóc nhè là chuyện của những đứa trẻ lên ba, thế nhưng mãi đến giờ Rô mới có được. Hình như đây là lần đầu tiên Rô cảm nhận được trong nước mắt ấm, ngoài vị mặn nó có thêm chút ngòn ngọt, không mặn chát như những lần Rô khóc một mình sau khi bị cậu Út đánh tơi tả, bầm dập. Nhưng hình như, việc bị đánh không đau bằng những câu nguyền rủa “Mày là thứ đế quốc nạ dòng”, mấy chữ ấy khó hiểu quá, đế quốc là gì, rồi thêm nạ dòng nữa, là sao?!

“Con đừng buồn, cuộc sống là vậy, sẽ có lúc phải ngồi khóc một mình, bố từng như vậy trong đời nên bố hiểu được con!”. Ông Luân đặt bàn tay lên vai Rô, nhẹ mà ấm áp, câu nói của ông cắt ngang dòng hồi tưởng của Rô về mẹ. Rô tiếp tục cặm cụi viết. Rô cũng không hiểu vì sao ông Luân, tức bố của Rô bây giờ lại đọc được ý nghĩ của Rô.

*

Lần đầu tiên biết thành phố Sài Gòn là gì, nó rộng lớn cỡ nào, mà hơn hết là lần đầu tiên nghe mùi nước hoa thơm nức của mấy người Mỹ tóc dài, cô nào mắt cũng xanh nâu và sâu thăm thẳm như giếng làng mùa hạ. Họ dắt Rô đi thử máu, họ hỏi Rô bằng thứ tiếng Việt bập bẹ, thi thoảng họ hỏi vài câu tiếng Anh và Rô cũng trả lời bập bẹ. Sau đó họ hỏi Rô làm sao lại biết tiếng Anh và cha mẹ có ngược đãi với Rô không? Những vết lằn trên tay và lưng Rô do đâu mà có. Rô kể, đương nhiên là không kể thật rồi, vì cha mẹ của Rô bây giờ là ông bà Luân, mà họ thì không ném Rô về nhà ngoại để Rô bị đánh mỗi ngày, bữa đói bữa no như trước, họ đối đãi với Rô tốt như con của họ. Rô nói rằng đây là những tháng ngày Rô ở gầm cầu, bị đám lưu manh đánh cho bầm dập và chính ông bà Luân thấy tội nghiệp nên dắt về nuôi, họ nuôi Rô được hơn mười năm hay hơn vậy, Rô không nhớ rõ lắm… (nhưng trên thực tế thì chỉ vài tháng thôi! Rô hiểu mình phải làm gì). Cô người Mỹ tóc vàng gật gù, ghi ghi chép chép gì đó. Và bên một căn phòng khác, ông Luân cũng đang nói chuyện với một nhóm đàn ông Mỹ khác, sau đó họ bắt tay và ông Luân đưa Rô ra về.

Cũng là lần đầu được đi máy bay, Rô không thấy vui mà chỉ thấy buồn, một nỗi buồn khó tả, Rô thấy nhớ mẹ, một nỗi nhớ mơ hồ, cũng khó nói, Rô nhớ mùi mồ hôi của mẹ, người mẹ mà Rô chỉ được một lần duy nhất trong đời ôm lấy chân mẹ và gọi bằng dì Hai. Nhưng mẹ đã rời đi. Hình như khi đủ ăn, khi có đủ thời gian để suy nghĩ thì người ta mới có thời gian để hồi tưởng. Mà trả giá cho việc để hồi tưởng này, đôi khi phải có số phận hơi đặc biệt một tí trong một thứ bối cảnh cũng đặc biệt một tí. Chứ có hàng ngàn đứa trẻ khác sống lây lất đầu đường xó chợ, chúng là con của những người lính miền Nam Cộng hòa, cha của chúng ngồi trong trại cải tạo, mẹ của chúng đã bỏ nhà đi biệt và chúng như những con chó hoang hay mèo hoang, đói khổ, giành giật từng miếng ăn và sống kiếp bụi đời nhưng chúng có được ai phỏng vấn, chúng có được ai mua về làm con nuôi đâu!

Nghĩ tới chuyện mình được mua về làm con nuôi, tự dưng Rô ráo hoảnh và thấy tự tin. Bởi ngày xưa, lúc còn ở nhà ngoại, Rô thích lão Kính, lão này buôn khoai mì, hay cho Rô cái bánh ít bột mì hoặc cho nắm bắp ngào đường. Hình như chỉ có lão là hay để ý tới Rô, hay cho Rô thức ăn. Và cái câu nói của lão khi nhìn thấy vết lằn thành sẹo trên tay của Rô khiến Rô nhớ mãi: “Buôn bán thì phải có lãi con ạ. Ta mua cây khoai mì phải kiếm lãi trên nó, người khác nhận nuôi một con người, không chừng cũng vậy, đừng buồn! Cái vết sẹo này, con biết giữ làm vốn, nó cũng sẽ sinh lãi cho con!”. Hình như cũng từ bữa đó, nhà ngoại của Rô không bán khoai mì cho lão Kính nữa. Nhưng thi thoảng, lão cũng lén cho quà Rô. Và sau đó thì Rô cũng không dám nhận quà của lão Kính vì sợ những trận đòn của cậu Út, cậu cấm Rô nhận bất cứ thứ gì của lão Kính.

Ông Luân đã mua Rô từ tay mẹ nuôi của Rô. Rô ban đầu còn hơi nghi ngại và mơ hồ không biết mình có nghĩ đúng hay không. Nhưng rồi trong một lần Rô đang ngồi học bài, lão Niên lại mò tới. Rô muốn điếng hồn vì sự xuất hiện của lão. Thời còn sống với mẹ, điều làm Rô sợ nhất và chẳng thiết sống nữa chính là lão Niên. Lão không từ bất kỳ thủ đoạn hay sự tàn nhẫn nào với Rô, nhiều lúc Rô tự hỏi không biết kiếp nào đó Rô có từng nợ nần gì với lão hay không mà lão lại hành hạ Rô đến mức khủng khiếp như vậy.Thà đánh đập hay cho ăn bữa đói bữa no như ông ngoại và cậu Út, thậm chí mắng sa sả như cậu Út, Rô vẫn không thấy đáng sợ bằng lão này. Thế nhưng hôm nay lão đến nhà ông bà Luân để làm gì.

“Tôi đến đây để dắt con trai tôi về” – lão nói.

“Con trai anh là đứa nào?”.

“Anh hỏi hay nhỉ, là thằng Lai chứ đứa nào nữa!”.

“Nó là con của chúng tôi, có giấy tờ hẳn hoi, tôi không biết anh dựa vào đâu để nói nó là con trai anh?”.

“Tôi nuôi nó từ nhỏ, tôi là người chăm bẵm cho nó…”.

“Ủa, anh nói vậy sao tôi thấy lúc tôi đưa nó về đây, anh ở đâu, chỉ thấy ông ngoại với mẹ và cậu út chứ có thấy anh đâu?”.

“Vấn đề này không quan trọng, tôi là cha nó, tôi phải đưa nó về!”.

Nói xong, lão toan đứng dậy vào kéo tay Rô về. Rô hơi khiếp đảm nhưng lần này Rô quyết tâm không theo lão về. Chỗ nhà của lão là một cái địa ngục. Rô nghĩ vậy và đứng thủ thế, dõng dạc quát: “Ông, ông đã đuổi tôi đi, giờ ông còn dắt tôi về làm chi? Về để đi giữ bò, bị ông đánh đập sao?!”.

“Mày là thằng con mất dạy, tao phải trị mày!”. Nói xong, lão rút khẩu súng ngắn ra chĩa thẳng về phía Rô. Không khí chùng xuống như có ai đó đang truyền qua một tia điện và mọi người bị điện giật đứng đông cứng. Ông Luân không nói gì, lặng lẽ đi xuống nhà dưới, mọi thứ vẫn diễn ra trong im lặng. Lão Niên đến trói tay Rô, sau một lúc không có động tĩnh gì, lão cất súng. Lúc này ông Luân lại xuất hiện ở cửa ra vào, bịt mất đường thoát của lão Niên. Ông và một người công an nữa đang chĩa súng vào lão Niên. Lão đứng trời trồng một lúc rồi hỏi ông Luân: “Ông muốn gì?”.

Ông Luân chìa một xấp tiền về phía lão Niên: “Đây, coi như tôi trả công cho anh, tôi biết thứ anh cần là nó chứ không phải là thằng Rô. Vợ anh cũng đã lấy tiền của tôi, giờ đến lượt anh. Nhưng tôi cảnh báo lần cuối, anh mà còn xuất hiện thì đừng trách tôi dữ. Vợ anh lấy của tôi ba lượng vàng, giờ anh hai triệu, tương đương với một lượng nữa. Đủ rồi nghe!”.

Nói xong, ông Luân nhét tiền vào túi lão Niên và đẩy lão ra khỏi nhà. Điều làm Rô thấy lạ là người công an cũng không bắt lão Niên vì tội mang súng đe dọa người khác. À, mà dân cùng ngành với nhau thì có bắt về rồi lại thả, không bắt, có khi được mời đi uống rượu, lại hay!

Giờ Rô mới hiểu rằng bố Luân đã mua Rô về nuôi, giá tiền là ba lượng vàng, thêm một lượng hòa giải với lão Niên là bốn lượng. Một số tiền lớn khủng khiếp trong lúc mọi người đói kém, thiếu ăn thiếu mặc.

13. Đà Nẵng

Tự dưng, y thấy thèm tuổi thơ, thành phố ấy bây giờ đã xa lạ, hiện đại và rực rỡ, chộn rộn, nhộn nhịp, không còn một Đà Nẵng của bến cảng có nhiều than. Nơi đường Bạch Đằng nhìn ra sông Hàn, có một cái bến gần chợ Hàn, có những chuyến tàu viễn dương neo đậu ở khu vực gần trước thư viện cổ, nơi mà cách đó không xa là cửa hàng hoa rau quả bao cấp của nhà nước.Và dường như thời đó, Đà Nẵng chỉ có hai trục đường chính, một trục đường của những quan chức thời Việt Nam Cộng Hòa sống trước 1975 chạy dọc theo bờ sông Hàn, song song với đường Bạch Đằng, Trần Phú, tức đường Phan Châu Trinh bây giờ và một đường nữa nằm cắt vuông góc với các con đường kia, có cảm giác như nó chạy thẳng từ miền Nam ra đâm thẳng xuống sông Hàn, đường Hùng Vương. Đường này nối với Lý Thái Tổ, đến ngã ba Cai Lang thì giáp đường Cầu Vồng và Điện Biên Phủ, đường Điện Biên Phủ lúc đó còn là quốc lộ 1A, từ miền Nam ra, đến ngã ba Hòa Khánh, nếu rẽ trái thì ra Huế, đi thẳng thì vào thành phố. Ở ngã ba Điện Biên Phủ - Hòa Khánh là điểm hội tụ bụi đời nhiều bậc nhất thành phố trong cả hai chế độ. Đĩ điếm, cướp giật, trộm cắp, xì ke ma túy đều quần tụ nơi đây, đêm đêm kéo ra đường đóng vai xe thồ, sau này là xe ôm, để cướp bóc. Từ ngã ba Điện Biên Phủ đi tới chừng một cây số là Công viên 29 tháng 3, nơi đây vốn là bãi rác trước 1975, sau này, thanh niên xung phong đào hồ, thả cá và trồng cây thành công viên, đặt tên 29 tháng 3 để kỷ niệm ngày quân giải phóng vào thành phố Đà Nẵng.

Trước công viên vẫn còn khu đất trống, nơi đây gái điếm hoạt động thâu đêm. Họ đặt những cái giường tre tạm bợ trong vườn tràm và ra đứng ngoài đường đón khách. Thường thì giá một dù có thể mua được ba bát gạo, bằng một ngày lao động của nông dân. Hầu hết các băng đảng cũ và mới như người dơi, cột cờ đều đổ xô về đây làm ăn. Rừng cây chưa đầy một cây số vuông trở thành điểm hoạt náo về đêm, một thế giới khác. Thử tưởng tượng có một rừng toàn cướp giật, đĩ điếm hoạt động huyên náo bên cạnh một khu nhà thờ cũ. Sau này, nhà nước cải tạo, xóa sổ khu rừng và mở khu phố ẩm thực, siêu thị Bài Thơ và chợ đầu mối. Các băng đảng bắt đầu làm ăn theo kiểu khác, cũng quanh quẩn đây chứ không đi đâu xa, đến thời ông Thanh chủ tịch thì tự giải tán, một phần vì già, một phần vì hết đất làm ăn. Giang hồ hay kháo nhau rằng khi một đại ca của mọi đại ca lên nắm quyền, thì các đại ca tự rút là khôn nhất.

Những năm 1980, thành Phố Đà Nẵng nếu đi vào ban trưa chỉ nghe toàn mùi cá kho dưa, đến ngã năm Phan Châu Trinh – Hoàng Diệu – Trần Bình Trọng và Trần Quốc Toản, thì nhiều khu nhà lầu tô đá rửa còn sót lại từ trước gần như vắng người. Chỉ có hai khách sạn Phương Đông và Thái Bình Dương là đèn đuốc sáng choang, nơi có những ông bà Liên Xô khệnh khạng say sau khi nốc đầy bia ở nhà hàng Phương Đông. Thường thì những đứa trẻ quê như y, khi ra Đà Nẵng vẫn thích nhất là đến khu vực này chơi, ngắm những ông bà Liên Xô và thỉnh thoảng được mang một tờ họa báo Liên Xô in bằng giấy bóng, trên đó có hình những đường phố sang trọng, những chiếc xe Volga, những đoàn tàu du lịch… Có một thế giới khác trong những họa báo Liên Xô in hình màu và giấy bóng. Tụi trẻ thành phố hay trẻ quê đều dùng những tờ báo này để bọc vở. Ngoài việc kiếm những tờ báo này, bọn trẻ còn lân la đến gần nhà hàng Phương Đông để xin cho được vài vỏ lon coca cola và vỏ lon bia. Nhưng thứ này mang về mài vào đá để bay đi phần nắp, sau đó mài giũa cho nhẵn miệng rồi làm ly uống nước. Ở thành phố thì có nhiều loại ly hơn và vẫn dùng ly này để uống nước trong gia đình với nhau, ly thủy tinh chỉ dùng để mời khách. Ngược lại, ở quê thì nhà nào khá giả một chút mới có vài ba cái ly bằng vỏ lon cộng với bộ ly thời trước để lại. Nhà nghèo thường dùng gáo dừa mài nhẵn, tra cán tre và cứ cầm gáo múc thẳng nước trong ảng mà uống chứ cũng chẳng cần đun sôi hay diệt khuẩn gì. Thường thì trẻ quê lem luốc, khỏe mạnh, nhưng bụng đứa nào đứa nấy óc ách đầy giun sán. Đó là những năm 1980 của thế kỷ trước. Những năm mà đám trẻ con lai như Rô thường lang thang ở bến xe liên tỉnh và bến xe buýt thành phố, đêm tới lại chui gầm cầu ống cống mà ngủ, có nhiều trận đánh nhau đến toét đầu chảy máu để giành một chỗ ngủ.

Hồi đó, bến xe buýt thành phố nằm ngay trước nhà hát Trưng Vương bây giờ, mùa nắng thì bụi bẩn, mùa mưa thì nhếch nhác sình đất. Những thương binh của chế độ cũ hay chống nạng ra đây đứng xin ăn. Những đứa trẻ lai thì quanh quẩn trong bến xe để gặp người hiền hậu thì ngửa tay xin vài đồng, gặp người dữ tợn thì lén móc túi. Và hình như các thương binh chế độ cũ cũng không thương gì bọn trẻ lang thang, bởi chúng không chỉ hay quấy phá họ mà đôi khi, chúng làm cho họ tổn thương, họ thấy thân phận bị hắt hủi ra khỏi lề xã hội của họ thông qua chúng. Giữa chúng và họ đều có điểm giống nhau là bị hất khỏi đời sống bình thường của một con người. Nên họ luôn tạo ra ranh giới khắt khe giữa họ và chúng. Bởi chúng là những đứa lạc loài, không có gốc gác, không mang dòng máu Lạc Hồng như họ. Và hơn hết, chúng là những đứa trẻ bất đắc dĩ, được sinh ra bởi một giây phút sơ ý hay chủ quan nào đó, một sự phối ngẫu giữa hãnh tiến, khinh bạc và cam chịu, chấp nhận. Chúng như ấn chứng của sự cẩu thả và đồi trụy của một đám đàn bà Việt mê tiền, mê sắc dục. Nhưng cũng có những người đàn bà Việt bị gia đình đẩy vào con đường này và khi đứa con ra đời, họ quyết giữ để nuôi nấng, để hy vọng một ngày nào đó chúng được trưởng thành. Nhưng đôi khi, chúng cũng là bằng chứng của một nền y học nhân bản thời chiến tranh, chống phá thai và hạn chế nó đến mức thấp nhất. Có thể nói rằng thành phố Đà Nẵng tuy không lớn bằng Sài Gòn, nhưng đây là thành phố có căn cứ quân sự của Mỹ và có sân bay quân sự dã chiến Nước Mặn do lực lượng đồng minh để lại, có bến cảng lớn, nước sâu như Tiên Sa, nên hầu hết mọi thứ giao thoa hay giao hợp giữa người Việt với người ngoại quốc đều diễn ra tại đây. Và hình như lượng con rơi, con lai do quân đồng minh để lại ở thành phố này cũng nhiều nhất nhì đất nước.

Có một điều y lấy làm lạ là cái thành phố qua hai chế độ này, mà nói chính xác là qua ba chế độ, từ Pháp cho đến cộng hòa và bây giờ là cộng sản, dường như con lai rất nhiều, nhưng hầu như không thấy con lai Tàu và con lai Liên Xô. Thời đói khổ, đàn ông Liên Xô sang chảnh, giàu có qua đây làm chuyên gia, chuyên viên rồi ở khách sạn hạng sang, nhưng nếu muốn chơi gái thì cũng lén lút ra ngoài rừng dương bờ biển hoặc rừng tràm trước công viên 29 tháng 3 mà ngã giá chứ không có bất kỳ cô chân dài nào theo họ. Mà hình như nếu có con lai cũng chỉ có vài đứa con cha Việt mẹ Liên Xô chứ không ngược lại. Nó khác hoàn toàn so với trước 1975, đàn bà Việt chạy theo đàn ông Mỹ để kiếm ăn và vô tình đẻ con, thả chúng đi lang thang mọi hang cùng ngõ hẻm. Y thấy vậy. Và hình như Đà Nẵng cũng là một trong các thành phố nhiều người Hoa sinh sống nhất nước. Thế nhưng tỉ lệ con rơi của người Hoa gần như không thấy. Cũng dễ hiểu, vì có những người Hoa tuy ở đậu trên đất Việt nhưng họ luôn nhìn người Việt bằng con mắt khinh thị, họ xem người Việt như những kẻ nô lệ chứ không phải chủ nhà. Mãi đến năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, hầu hết người Hoa đều bỏ Việt Nam về nước theo tinh thần của Mao Trạch Đông. Những căn nhà của họ để lại trên thành phố được nhà nước trưng thu và bán phân phối cho các cán bộ. Sau này, có một số người quay trở lại Việt Nam tham quan, du lịch, họ đã chỉ cho con cháu của họ căn nhà cũ và nói rằng đây là quê hương, là nhà của mình, đã bị bọn Việt Nam cướp mất.

Trường hợp mẹ thằng Duy là điển hình. Nhà mụ ở gần khách sạn nhà hàng Phương Đông, mụ bỏ về nước năm 1979, mụ thề phải trị cho được bọn dân Việt một khi sang trở lại. Và trong lần du lịch gần đây nhất, mụ dắt mấy đứa cháu nội, con của thằng Duy tới thăm nhà cũ, mụ đã chỉ căn nhà và nói với mấy đứa cháu đây là căn nhà bị người Việt cướp mất. Mấy đứa cháu chỉ trố mắt nhìn, và mụ khuyên các cháu mụ cố gắng quay lại Việt Nam khi có cơ hội và bằng mọi giá phải lấy lại căn nhà, lấy lại đất đai.

Lúc mụ nói, Kim, con gái của Khanh đang làm hướng dẫn viên du lịch, nó phiên dịch cho đoàn khách có mụ này. Vậy là nó chửi thẳng vào mặt mụ rằng “Người Minh Hương và Phúc Kiến là những đoàn lưu dân, sang Việt Nam tá túc và sau đó sáp nhập thành con dân Việt Nam. Bà cần phải biết điều, cần phải dạy cho con cháu của mình lòng biết ơn, chí ít là biết ơn Việt Nam đã giúp cho ông bà cha mẹ của chúng có đất sống và có thể học hành, tiếp tục phát triển thành tài như mọi người. Bởi do bà ham hố chính trị, nghe theo lời của lão Mao hiếu chiến và nham hiểm nên đã bỏ nhà về lại Trung Hoa, về bên đó gặp nhiều khó khăn thì quay ra thù Việt Nam, đó là thứ tâm lý ăn cháo đá bát, và bà không có bất kỳ tư cách gì để nói rằng người Việt đã cướp nhà của bà. Việt Nam đã cho bà lưu trú và bà ra đi không một tiếng cảm ơn, giờ bà còn ăn nói hồ đồ, tráo trở, bà chỉ xứng đáng được trục xuất ngay tức khắc và không đủ tư cách đặt chân lên đất Việt Nam…”.

Không biết sau đó mụ có bị chính quyền trục xuất hay không nhưng rõ ràng là cô Kim bị trục xuất khỏi công ty du lịch vĩnh viễn, vì lý do xúc phạm đến công dân của một nước anh em. Khanh nghe chuyện này thì không nói không rằng, mượn tiền bạn bè để mở tiệc mừng cho con gái trưởng thành.

14. Thần tượng

Khanh vẫn luôn hỏi về nàng, rốt cuộc nàng là ai? Vì đứa con gái đầu lòng của anh giống hệt nàng chứ không giống mẹ nó, từ gương mặt đến mái tóc, ánh mắt, dáng đi… Dường như điều đáng sợ nhất trong anh cũng nằm ở chỗ con gái anh. Anh bắt gặp nàng bất kỳ nơi nào trong ngôi nhà nhỏ của mình mỗi khi con gái anh xuất hiện. Liệu có sự hóa thân nào đó trong cuộc đời hay nói nôm na là đầu thai? Vì theo lý giải của khoa học, thì một người nào đó sinh ra mà giống một thần tượng nào đó như Chúa Jesus, Phật Thích Ca hay các Thánh thần, Bồ tát, các nghệ sĩ lớn… là do trong quá trình mang bầu, người mẹ luôn nghĩ đến thần tượng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến dung mạo của đứa bé khi ra đời. Nhưng ở đây, người mang bầu là vợ anh, và cô chưa bao giờ biết về nàng, anh cũng chưa bao giờ kể cho vợ nghe câu chuyện giữa anh và nàng. Mà nếu có kể thì không tài nào cô có thể hình dung được gương mặt của nàng, bởi chính anh cũng mờ nhòa về điều đó. Bởi nàng đẹp sắc cạnh và trắc ẩn, mỗi nét của nàng đều quyến rũ, huyền nhiệm. Nhưng để nhớ từng nét thì dễ, mà ghép tất cả các nét đẹp này thành một gương mặt thì vô cùng khó. Thường thì có lúc anh nhớ tới sóng mũi dọc dừa, lúc thì anh nhớ tới ánh mắt, lúc anh lại nhớ cái cằm nhỏ chẻ mờ… Anh không tài nào gắn mọi nét vào một bức chân dung. Đã vậy thì làm sao vợ anh có thể nghiệm ra được gương mặt của nàng mà nghĩ tới.

Nhưng điều làm anh nhớ nhất và hơi ớn lạnh là giây phút giao thừa trong trại giam. Nhớ nhất, có lẽ là lúc anh và vợ nhận quyết định ly hôn. Lúc đó, anh lan man nghĩ về chiều ba mươi Tết.

*

Khanh đã nhiều lần nhớ và kể trong câu chuyện dông dài này, anh ra những ngôi mộ phía sau trại giam để thắp nhang, ngồi trò chuyện và thổn thức về thân phận con người, về số kiếp. Mọi thứ đều im lặng, câm nín, chỉ có gió, lá rừng và cỏ trên mộ bắt đầu xanh, chúng trò chuyện với anh.

Anh tìm lá khô củi khô và đốt, sưởi ấm những thân phận dưới lòng đất kia, anh biết được một số người, còn một số người anh có thể chưa từng gặp mặt mà cũng không cùng thời với anh. Có người từng là cướp, có người là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, có người là quân cán bị tố từng gây tội ác, có người ở trại qua hai chế độ, ốm yếu, gầy nhom, khi giải phóng về thì không đủ sức để vượt ngục nên lại được tiếp quản với biệt danh “ăn hại”. Họ thiếu lương thực, thiếu sức lực, thiếu cả vợ con trong tâm tưởng, bởi đâu đó trên mặt đất này, có thể vợ con của họ đang lênh đênh trên đại dương, may mắn thì vào tới trại tị nạn, không may mắn thì gặp cướp biển, và mọi chuyện coi như xong. Cũng có trường hợp vợ con đã rời bỏ họ khi chế độ Việt Nam Cộng hòa còn mạnh, nghĩa là họ bị thương, vào bệnh viện nằm, bác sĩ người Việt chẩn đoán phải cưa chân, cô vợ nghe vậy cắp nón quay ra, đi biền biệt, may sao khi đưa lên tàu hải quân Mỹ để cứu chữa, người đó không bị cưa chân mà chỉ phẫu thuật, và bác sĩ cảnh báo nếu trong vòng ba tháng mà có quan hệ nam nữ thì vết mỗ sẽ hoại thư. Lại cười, rằng trong cái buồn cũng có cái vui, vì nếu như có vợ bên cạnh mà ba tháng không làm gì thì e rằng quá khó, mà làm gì đó thì bay cái chân, coi như Thượng Đế cũng công bằng, được chân thì mất vợ, được vợ thì mất chân, vậy thôi. Thế nhưng chưa đầy hai năm, chân đi còn chưa kịp thẳng, ăn tiền thương binh còn chưa bám răng thì đùng một cái giải phóng về, mọi thứ nháo nhác lên cả. Người này lại phải khăn gói lên trại cùng đồng đội, vì có ai đó đã chơi ác, tố anh từng gây tội ác, mà anh có cố lục trí nhớ cũng chẳng thể tìm ra mình từng ác với ai. Khanh và anh gặp nhau chỗ này, anh biết tên Khanh nhưng Khanh mới biết tên anh lúc anh sắp lìa đời sau hai năm trong trại. Tính Khanh là vậy, có thể biết mọi thứ nhưng có thể chẳng biết gì cả.

“Anh đang nói chuyện với anh ấy?” – nàng hỏi.

“Ừ, anh chỉ muốn hỏi rằng những ngày cuối của cuộc đời, anh ấy nghĩ gì?”.

“Anh ấy nghĩ rằng sinh ra và chết đi như một cái búng móng tay, chẳng còn gì là quan trọng. Dường như thời cuộc và duyên nợ chỉ là bóng khói…”.

“Làm sao em biết anh ấy nghĩ vậy?”.

“Em suy đoán vậy, vì em cũng từng nghĩ vậy. Hồi đó, em là một cô thanh niên xung phong không xinh đẹp nhưng trắng trẻo và trong trẻo nữa, chỉ nghĩ đến lý tưởng cứu nước. Thế rồi…”.

“Thế rồi sao?”.

“Kẻ phá trinh em là cấp trên của em, dưới giao thông hào. Hắn đã làm vậy với nhiều bạn của em. Sau đó, để che giấu tội lỗi, hắn đẩy tụi em ra chiến trường Đông Bắc, và tụi em bị bọn Tàu hãm hiếp, bắt cởi quần áo để diễn trò cho chúng xem. Có nhiều bạn đã cắn lưỡi tự tử, còn em thì không!”.

“Lúc đó em nghĩ gì?”.

“Em nghĩ rằng mình đã diễn trò quá lâu trên cái sân khấu lý tưởng của mình, giờ diễn thêm một chút để sống được giờ nào quý giờ đó. Sự sống quý lắm, vì em còn chưa kịp ăn món cải ngồng xào tỏi của mẹ. Món này hồi nhỏ em không ăn được, cho đến khi lớn lên, nhìn màu hoa vàng miên man và tinh khôi của nó, nhất là những buổi sáng lạnh, tư dưng em nghĩ đến món ăn, thật là phàm tục phải không anh?”.

“À, bình thường thôi mà!”.

“Thế rồi em thèm ăn món này, nói mẹ cho em ăn nhưng chiều hôm đó em sốt li bì, mãi đến khi tỉnh dậy thì cả gia đình đã tản cư lên vùng ATK (chữ viết tắt của an toàn khu). Và cũng sau buổi đó, em được sung vào lực lượng thanh niên xung phong, đầy nhiệt huyết, mơ mộng, lý tưởng. Để rồi… vào Trung ra Bắc, lúc em bị chúng hãm hiếp, em chỉ nghĩ đến dĩa cải ngồng xào và chén cơm nóng có độn vài lát sắn khô, em sung sướng đến chảy nước miếng với hình ảnh này, bụng đói, vùng dưới nhức nhối. Chúng tưởng em thỏa hiệp và tới đỉnh nên cười sung sướng và cho em một dĩa cơm có vài lát sắn độn, vài hạt cơm trắng, một ít cải ngồng xào. Em được ăn món cải ngồng xào trong những ngày như vậy đó. Em cũng đã ứa nước mắt khi ăn…”.

“Nhưng sau này, sao em…?”.

“À, em chết vì chịu không nổi, vì kiệt quệ, mỗi ngày có đến hai chục, có khi hơn hai chục đứa thay nhau hãm hiếp em và em không biết mình chết lúc nào. Nhưng em nhớ, lúc em lìa xác, màu hoa cải ngồng đã kéo em đi, em đi mãi cho đến nơi này, vô tình có những vườn cải ngồng của cán bộ quản giáo trồng, thời tiết vùng núi miền Trung đến mùa lạnh hơi giống miền Bắc, họ mang hạt giống từ ngoài ấy vào. Và em ở lại đây cho đến nay…”.

Nghe câu chuyện của nàng, tự dưng Khanh thấy lồng ngực của mình trống và lạnh, đâu đó trong hai hốc mắt vốn đã khô cạn của anh, có thứ gì đó mặn và ấm tựa như nước mắt đã chảy xuống.

Anh không thấy gì ngoài nỗi xót xa, thương cảm và thấy rằng hình như sinh ra làm con người là để đón nhận một thứ tội lỗi gì đó với đồng loại, mà tội lỗi gì thì cũng rất mơ hồ, khó nói!

*

Rô cảm thấy mệt mỏi và không muốn gặp bất kỳ ai kể từ bữa được gặp mẹ ruột. Bởi dường như mọi sự đều có chút gì đó đổ sụp, rồi mất trọng lượng. Cái lần đầu tiên gặp gỡ sau hơn bốn mươi năm hắn không thể bên cạnh mẹ và cũng không nhận được tình yêu thương ấy, Rô nghĩ rằng mẹ sẽ khóc rất nhiều và bà nghẹn ngào nói không thành tiếng. Đường đi vòng vèo, chiếc Fortuner chạy băng qua con đèo Cổ Mã, đây là nơi mà trước khi Rô ra đời, các cô điếm Việt Nam tập trung ở đây để đợi khách mỗi đêm. Thường các cô đứng đây là kẻ hết thời son phấn, gần như thời son phấn của họ đã ném ở sở Mỹ, quán bar, và mọi thứ năng lượng có được họ dùng cho việc kiếm tiền gởi về gia đình, gởi cha mẹ, nuôi em út, xây nhà thờ họ, củng cố bộ mặt gia đình và đốt đời bằng ma túy hay rượu mạnh, thuốc lá. Thế nhưng đến khi tuổi trẻ lụi tàn, họ không những không được tộc họ đón về, chia sẻ hay thương cảm mà còn bị nguyền rủa với cái danh khá mỹ miều: “đĩ Mỹ”. Và bất kỳ cô gái nào bị gắn cái danh này thì không bao giờ có cơ hội trở lại, ngước mặt nhìn quê nhà, thậm chí không có cơ hội ghé về nhà. Nhất là trong thời đại xã hội chủ nghĩa, Mỹ là thứ sen đầm quốc tế, Mỹ xâm lược Việt Nam, Mỹ giết hại dân tộc Việt Nam, Mỹ giết người hàng loạt… Mỹ xấu xa đến độ trẻ con và người già chỉ cần nhắc tới đã bị quở trách, huống chi những cô từng ấp Mỹ hoặc để Mỹ ấp thì đương nhiên không bị xem là tội phạm, là kẻ bán nước cũng đã may mắn lắm rồi.

Tội phạm hả? Vì đã để lại một đám con lai, chúng phá phách và không chừng còn làm gián điệp cho quê cha đất tổ của chúng, tức nước Mỹ. Mẹ của Rô cũng không ngoại trừ, nghe đâu bà đã từng tới chùa để tu, nhưng rồi một sư cô trong chùa phát hiện thân thế của bà nên đã đuổi đi. Rồi bà từng đi lang thang xin ăn, đám ăn mày cũng phát hiện thân thế của bà nên không cho bà ở gầm cầu nữa. Bà lại tìm cách lên rừng trồng khoai mì nhưng không được bao lâu thì chính quyền phát giác, bởi có người từng là kỹ nữ trong các bar, giờ làm vợ của một cán bộ thôn của chế độ mới đã phát hiện ra bà, nên lại yêu cầu bà ra khỏi nơi cư trú để tránh liên lụy đến thực tại. Cuộc đời lang bạt kỳ hồ của bà cùng hai cô con gái lai Mỹ như một cái bóng. Bà có ba đứa con lai, nhưng bà chỉ giữ hai và để mất một đứa.

Nói là để mất nhưng thực ra bà để lại cho người em gái ruột, cũng là chủ quán bar mà ngày xưa bà từng phục vụ. Nơi đây, bà đã gặp những người lính Mỹ và họ đã để lại những giọt máu. Bà nhất quyết không đem cho hai đứa con gái, bởi bà tin rằng với nhan sắc của chúng, lớn lên chúng có thể kiếm được chén cơm, chế độ nào rồi cũng cần đàn bà, nhất là đàn bà hư hỏng. Mà đã là con người, nếu không may mắn kiếm cơm một cách nghiêm túc được thì cũng nên kiếm cơm một cách hư hỏng. Rõ ràng, hư hỏng mà để cho người ta biết mình hư hỏng thì tốt hơn rất nhiều so với việc đóng vai đạo đức nhưng trong lòng tối om ma mị. Bà nghĩ vậy và bám cầu, bám rừng, bám mặt đất mà qua ngày đoạn tháng.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng không yên, đùng một cái, Mỹ quốc có chính sách rước con lai. Các con của bà có cơ hội sang nước Mỹ, sống một đời sống khác. Nhưng muốn sang Mỹ thì phải có tiền để vào Sài Gòn mà nộp hồ sơ, rồi trả lời phỏng vấn gì gì đó. Bà thì đến cái ăn còn không đủ, lấy đâu ra tiền mà mơ đi Mỹ. Cuối cùng, cuộc đời rày đây mai đó của bà được thay thế bằng một căn nhà cấp bốn, đứng tên bà hẳn hoi. Nhưng bù vào đó, bà phải chấp nhận từ bỏ hai đứa con gái và xác nhận cho nó làm con nuôi của hai gia đình giàu có. Lúc này, bà bỗng dưng nghĩ đến đứa con trai biền biệt gần hai mươi năm nay. Nó là giọt máu do bà banh da xẻ thịt đẻ ra, bà cần phải đưa nó về. Nhưng, dì của nó, tức mẹ nuôi của nó đã tuyên bố, nếu bà bén mảng tới gần nó thì hậu quả khôn lường. Bà vốn rất rành tính khí đứa em gái của bà, nó bất thường, điên không ra điên nhưng bình thường cũng không ra bình thường.

Nó luôn lẩm nhẩm “Tao sẽ giết chúng mày” bằng tiếng Việt mỗi khi làm tình với một tay Mỹ nào đó. Và hậu quả là chính nó rên la, kêu ỏm tỏi như một con heo con bị bóp cổ. Và rồi nó thù hận. Nó thù hận Mỹ chả hiểu vì lý do gì, nhưng cứ mỗi khi làm tình xong, tay lính Mỹ xuất tinh thì nó đưa hai tay bụm lại hứng lấy tinh trùng của gã lính Mỹ, sau đó hắt vào một cái bô hoặc cái khăn nào đó. Nó bảo rằng bằng mọi giá, không cho tinh trùng của quân xâm lược rơi trên đất mẹ. Cái lập luận yêu nước đầy chất đĩ của nó đôi khi làm bà buồn cười nhưng cũng xót xa cho chính bà và nó. Xót xa vì điều gì thì không hiểu được. Nó cũng giống như bà, yêu nước nồng nàn và sẵn sàng xả thân. Nhưng xả thân theo cách của một con đĩ…

“Con chào mẹ, mẹ biết con không?”.

“Rô đây mà, hồi đó hai mắt con tròn như hai viên bi, con đẹp trai nhất ở đây”.

Nghe mẹ nói đến đây thì Rô không thể nói được gì thêm, hắn chỉ biết khóc. Hắn nghẹn ngào khóc và cố hít lấy mùi già trên người mẹ, hắn hôn mẹ túi bụi. Và sau đó hắn cũng không quên trong lúc mắt mũi kèm nhèm, lấy điện thoại ra để mở facebook, mở phát trực tiếp cảnh mẹ con hắn gặp nhau. Và đương nhiên, hắn cũng không quên động viên những đứa con lai đang lây lất không mẹ không cha trên đất Mỹ rằng “Bạn hãy cố gắng tìm, nhất định bạn sẽ được gặp cha mẹ. Bạn hãy cố gắng tìm, mẹ của bạn sẽ hiện ra trước mắt bạn. Bạn không được tuyệt vọng, bạn phải luôn hy vọng và phải có niềm tin…”.

Rô nổi tiếng trên truyền hình Mỹ, bởi Rô là người bóc mẽ đời sống con lai trên đất Việt. Rô đã kể thật với truyền hình Mỹ về đời sống đau khổ, khó khăn và thiếu thốn của bản thân khi sống với ông ngoại, bị cậu đánh đập, hành hạ ra sao. Đương nhiên, Rô không bao giờ nói ra chi tiết mẹ nuôi chính là dì ruột và càng không bao giờ nói rằng mẹ nuôi đã bán Rô để lấy vài lượng vàng.

“Mẹ có biết người này là ai không?”. Rô đưa tấm ảnh cha của mình ra cho mẹ xem.

“Ờ… ai vậy hè?”, bà nhìn bâng quơ.

*

Rô không thấy buồn vì mẹ hắn không nhận ra cha hắn. Điều này làm hắn miên man nghĩ đến một câu chuyện khác, câu chuyện đầu đời của hắn. Lúc đó ông ngoại hắn chừng năm mươi hay sáu mươi gì đó, còn cậu út hắn thì lớn hơn hắn vài tuổi. Ông ngoại và cậu út chẳng thân thiết gì nhau, nhưng họ có một điểm chung là rất ưa cái đầu phát video mà với họ, nó thuộc về thế giới thượng lưu. Thời đó, ăn còn không có, muốn coi ti vi thì phải đi coi nhờ, thỉnh thoảng các đoàn chiếu phim lưu động của trung tâm văn hóa huyện về chiếu phim ở các bãi đất trống hoặc sân phơi hợp tác xã. Trước khi chiếu, họ cho vũ trang chặt tre, rào thật kỹ khu vực chiếu để bán vé. Giá vé chừng một đồng cắc, tương đương với hai ký lúa. Người lớn thèm coi phim phải đi bán lúa để mua vé, còn con nít thì chui rào hoặc nhờ người lớn kẹp nách để đi theo. Đứa nào may mắn thì bảo vệ cho vào, đứa nào không may mắn thì bảo vệ đuổi ra, lại phải nghĩ chuyện tìm một cái lỗ chó chui nào đó để chui vào. Riêng ông ngoại và cậu út thì không bao giờ thèm coi phim kiểu này, họ tự thuê băng video để coi. Và đa phần hai người coi với nhau, Rô chỉ mong hợp tác xã chiếu phim để được coi.

Rô có biệt tài mà bạn bè hắn gọi là Rô cá trê, nghĩa là hắn vừa lì lại vừa lanh và độc. Thay vì như những đứa trẻ ngang lứa, hắn phải cố gắng tìm lỗ chó mà chui rào hoặc năn nỉ xin người lớn kẹp nách. Rô thì lượm một tờ giấy bằng cỡ tấm vé, nhúng nước chè cho vàng, sau đó cắt giống hình tấm vé và chờ khi người ta chen chúc nhau vào thì Rô cũng cầm hờ tờ vé của hắn trên tay rồi chen vào, đợi qua giáp cửa, nghĩa là sắp bước qua khu vực sân chiếu mới đưa tấm vé ra và luồn người nhanh vào bên trong. Đương nhiên bảo vệ cổng sẽ phát hiện vé giả và rượt theo Rô, hắn chạy ào vào khu vực chiếu phim và chạy vòng vòng giữa đám đông, sau đó ngồi thụp xuống chỗ nào đó, vừa ngồi thụp xuống vài giây thì hắn bắt đầu di chuyển ở tư thế ngồi sang một khu vực khác. Và hình như chưa bao giờ Rô thất bại trong chuyện xem phim chui ở sân hợp tác xã.

Cả một khoảng tuổi thơ dài coi phim chui, rồi sang tuổi thiếu niên thanh niên cũng coi phim chui chẳng để lại ấn tượng gì về các bộ phim đã coi. Vì với Rô, nó nhợt nhạt, sống sượng và hình như hơi lên gân dạy đời. Nhưng dù sao thì có coi cũng sướng hơn không có gì. Đặc biệt là ở cái tuổi ngấp nghé thanh niên, Rô cũng thích đi cùng với mấy thằng bạn lượn lờ vào khu vực có các ông già đứng coi phim để chọc ghẹo. Rô nhớ ông Bảy Tài, là một ông già có con cu như củ khoai, cả đời mặc quần đùi đi làm ruộng và chim chóc cứ tòn teng nhìn rất buồn cười, được cái lão rất khó tính và cục mịch và lại có bệnh mê gái nhưng hơi đần. Thường thì cứ có phim, Rô có đúng hai việc, tìm trước một cây gai bưởi, sau đó phải chui vào cho được trong sân, tìm cho được chỗ lão Bảy Tài đứng coi phim. Và đương nhiên là biết chỗ lão đứng coi để thỉnh thoảng tiến lại chọc một phát chứ không dại gì đứng lâu, bởi thằng Dung, con trai cả của lão to khỏe như trâu, hắn là khắc tinh của Rô, hắn làm trong lực lượng vũ trang, có súng, mang đi vòng vòng tìm đứa nào chui rào thì hù dọa, thậm chí đánh đập. Thôi thì con làm cha chịu vậy.

Lão Bảy Tài lại mê đứng sau lưng bọn con gái. Lão lùn, nhiều khi đứng tới mép tai mấy đứa con gái nhưng lão vẫn thích đứng sau để coi. Không chừng, lão đứng để nhìn tóc tai vai gáy của tụi nó chứ có coi phim gì. Cái chứng của mấy lão già thả rông cả đời mà vợ chết sớm, nhưng nghèo và xấu trai nên ôm phận hẩm hiu, nghĩ cũng tội. Nhưng Rô vẫn thích chọc vì hắn ghét cái tật hống hách của cha con lão. Làm vũ trang thì có thá gì mà hống hách, coi thiên hạ dưới mắt! Rô chờ những đoạn phim hấp dẫn thì đứng sau lưng lão, lấy cây gai bưởi ra, chích nhẹ vào mông lão. Theo phản ứng tự nhiên, lão ưỡn tới trước, chim của lão sẽ đụng vào phần đùi hoặc mông của đứa con gái đứng trước. Cứ mười giây thì Rô chích một phát. Lão Bảy Tài biết mình bị chích gai vào mông nhưng hình như lão nín nhịn, chịu đựng. Ban đầu thì lão chịu đựng, một lúc, thằng nhỏ của lão cứ va quẹt, chạm vào phần thịt mềm, êm ái của gái mới lớn, nó trở nên cứng đờ ra. Vậy là canh cho tới lúc này, Rô chích một phát thật mạnh vào đít lão, theo phản ứng tự nhiên, lão ưỡn mạnh về phía trước. Lúc này, tụi con gái la toáng lên, chửi lão già mà dê. Lão thì mặc quần đùi, có gì thì thấy nấy. Lúc đó, Rô lặng lẽ chui ra ngoài ngồi coi phim, cố bụm miệng nhịn cười. Thằng Dung vũ trang hăng nhất nghe các cô la làng thì ôm súng chạy tới (sau này Rô mới biết súng không có đạn, dùng để tập ngắm thôi) và pin đèn. Đương nhiên là nó gặp cha nó đang tả tơi vì bị chửi, tát…

Nhưng hình như cũng từ sau vụ lão Bảy Tài, Rô lại sinh sự, muốn khám phá một thứ gì đó. Thỉnh thoảng, thay vì chích kim vào mông lão Bảy Tài, Rô đi ngang một đứa con gái nào đó đang say sưa coi phim, vờ vô tình quẹt lưng bàn tay vào mông nó một phát nhẹ. Cái cảm giác mu bàn tay sạm nắng lượn ngang phần mông con gái mềm mềm, rồi lọt xuống kẽ đít, sau đó lại đi lên phần mông kế tiếp khiến cho Rô thích thú. Ban đầu thì lượn nhẹ, nhanh, dần dần, Rô cho tay nó lượn mạnh, thậm chí véo vào mông con gái rồi bỏ chạy. Và hình như cũng do lần coi phim lén mà Rô mới có tính này.

Lần đó, mọi người đã đi ngủ, riêng ông ngoại và cậu út vẫn nằm coi phim trước phòng khách, khuya, Rô nghe tiếng cười nói rõ to rồi nhỏ dần, tiếng nhạc xập xình, Rô lén mò ra xem, đương nhiên là đứng phía sau chỗ hai người nằm coi nên không ai thấy Rô. Hắn thấy một cô gái Việt Nam nhảy múa giữa đám lính Mỹ, cô này múa xoay quanh cái cột nhỏ, sau đó cô cởi bỏ dần áo quần bên ngoài, chỉ mặc quần lót, cặp vú rung lên mỗi khi nhảy múa. Còn mấy tay lính Mỹ càng lúc càng hăng lên, khui bia, rót rượu, hò hét la ó cổ động cho cô gái. Và cuối cùng, cô gái cởi nốt chiếc quần lót và nhảy múa, mãi cho đến lúc đám lính la ó thì cô bước về phía trước, quỳ hai chân xuống sàn nhảy và ưỡn người về phía sau. Rô nhìn thấy một tay lính Mỹ chồm lên, sờ soạng vào ngực cô gái và bắt đầu ngửi vào phần lông đen của cô, sau đó hắn bú vào chỗ kín, cô gái ưỡn người khó chịu, sung sướng, sau đó cô bắt đầu cởi áo của tay lính Mỹ, rồi cởi phec-ma-tuya của hắn, sau đó cô thò tay vào lôi của hắn ra và bắt đầu bú mớm. Hai bên làm trò này trước sự cổ vũ của đám lính, hò hét inh ỏi. Cuối cùng, tay lính Mỹ cũng nhét được phần của hắn vào chỗ cô gái. Coi đến đây, Rô thấy nóng ran người và có một thứ gì đó bắt đầu tuôn chảy bên dưới, cái cảm giác tê dại này lần đầu tiên có trong đời. Rô vừa thích thú vừa sợ hãi.

Và sau đó là những cô gái khác xuất hiện, đám lính Mỹ lại hò hét và chia mỗi tay một cô để làm tình. Mọi thứ cứ như đang chơi đá banh, rất tự nhiên và trần trụi. Sau này, đôi khi, Rô tự hỏi có phải đó là chiến tranh Việt Nam, những cô gái kia, trong hàng trăm hàng ngàn cô gái kia, có cô nào là mẹ của hắn không. Và trong hàng triệu con tinh trùng rơi vãi trên đất Việt, có bao nhiêu con mang thân phận vô loại như hắn.

Đôi khi hắn buồn và chỉ muốn giết một thứ gì đó để trả thù một thứ gì đó rất bâng quơ và cô đơn…