Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 26)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Đọc báo Nhân Dân, thấy giới thiệu cây keo tai tượng trồng ở Thanh Hóa, tôi điện thoại hỏi, được anh Tám Liễng, Chi cục trưởng Kiểm lâm bảo mình đang có mấy cây to chỗ đất anh Mười Sủng trồng mấy năm trước, tha hồ lấy hạt. Tôi mừng quá đến nơi xem và chủ trương cho nhân giống và liên hệ mua thêm để phủ nhanh “lớp áo” cho đồi trọc, trước khi tái trồng lại các giống cây danh mộc bản địa mới có khả năng sống nổi. Còn đất đồng trồng rừng tràm dưới đồng thì qui hoạch thủy lợi và chia lô, mỗi lô 9 ha, 1/3 diện tích cho người trồng rừng làm lúa tăng vụ để “lấy ngắn nuôi dài”. Cây bạch đàn từng được Sở Lâm nghiệp trồng thử trên đất ruộng phèn ngập nước ở Tri Tôn và thấy kết quả qua vài năm đầu, tôi từng ủng hộ và hy vọng là cứu tinh cho công tác trồng rừng, nhưng khi về Sở Nông nghiệp tôi đi thăm ruộng bạch đàn Bình Minh và Lương An Trà, thấy khi cây được hai ba tuổi, nước ngập, gió lay tàng long gốc, ngả nghiêng, cong queo và sựng lại không lớn, tôi thấy nó giống “râu bị ngột nước” nên cấm trồng vì không kinh tế và cấm trồng trên đất có 15 độ dốc trở lên vì làm xói mòn và bạc màu đất. Chỉ cho trồng quanh nhà và bờ kinh để nhanh có gỗ (rất tốt) làm nhà cho dân nghèo. Công ty tư nhân trồng rừng bạch đàn duy nhất ra đời lúc ấy của chị Ân cũng bị phá sản, càng củng cố quyết tâm tôi loại bỏ cây bạch đàn khỏi dự án khôi phục rừng.

clip_image002

Cây sao nhỏ (trong tay) nhờ cây Keo tai tượng (lớn, phía sau lưng)

mọc nhanh che chở, đã đủ sức sống và cây keo sẽ được thu hoạch dần.

Rừng tràm trồng phải 7-8 năm mới thu hoạch, cấp cho dân cũng không ai dám nhận, vì nhận sẽ không tiền ăn hàng ngày mà rừng cháy là… thiếu nợ. Rừng Trà Sư trên 800 ha là rừng phòng hộ, đăng ký Công ước Ramsa do Chi cục Kiểm lâm trực tiếp quản lý. Rừng tràm Bình Minh 900 ha là rừng kinh tế, tôi và anh Tám Liễng là đồng tác giả thiết kế mô hình thủy lợi chống cháy và chánh sách giao khoán cho dân. Thực hiện được như hôm nay rất gian nan, hết dân đến cán bộ muốn phá ra làm lúa, có cán bộ huyện gặp tôi còn nói cạnh khóe: “Ông sinh thái!”. Rừng tràm xã Vĩnh Mỹ (Châu Đốc) gần 100 ha, giao cho khoảng mươi hộ dân trồng. Tôi bàn anh Tám Liễng trích nguồn vốn Kiểm lâm mua bò rồi công bố giao rừng, giao bò cho dân nghèo, nhưng mời Ủy ban thị xã Châu Đốc không ai đến dự; chỉ có tôi, anh Tám Liễng và Ban ấp! Rồi đùng một cái, Viện Kiểm sát tỉnh đi “kiểm sát chung” ngành Kiểm lâm, chủ yếu là các công trình trồng rừng trên núi, cấp bò cho dân nghèo, công tác phòng chống cháy rừng mùa khô trên núi, v.v. do tôi chủ trương, hành đến mức anh Tám Liễng chửi thề. Vậy mà sau này, nhiều người kể công giữ lại rừng Trà Sư và họ cũng xẻ banh 60 ha khu rừng thực nghiệm Bình Minh mà tôi cấp sổ đỏ cho Chi cục Kiểm lâm, chia cho cá nhân lúc tôi qua làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Riêng ở Vĩnh Gia, còn sót khoảng 200 ha rừng tràm chồi tái sinh do Huyện đội Tri Tôn giữ, nhưng năm nào cũng cháy, có đề nghị làm lúa. Tôi nhận được hàng đống đơn xin cấp đất, tôi biết họ xin để làm gì nên tôi kêu Chí Trung hỏi có trồng tràm hết đất ấy nổi không, tôi cấp hết cho? Chí Trung lúc này mới nghỉ chức Giám đốc Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh ra làm ăn, cô Thủy vợ Trung cũng là cán bộ lâm nghiệp được tỉnh đưa đi học ở nước ngoài về nghề rừng. Tôi giao cho Trung hết và nhận lại ở dư luận lời vu cáo: “Bảy Nhị cấp đất và nhận lại của Chí Trung 450 triệu đồng”?!

Anh Tám Liễng là một cán bộ kháng chiến từ hồi chống Pháp, tận tâm, tận lực và cũng rất trí tuệ trong nhiệm vụ công tác, tánh tình cương trực và cởi mở. Tôi rất quý anh và tôi cũng rất buồn là không được cấp trên chuẩn phong Anh hùng lao động cho Chi cục Kiểm lâm An Giang và cá nhân anh về thành tích trồng và bảo vệ rừng. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và nhất là nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên đặc trách Chương trình 327 của Chánh phủ, mấy lần về thăm để tổng kết nhân ra toàn quốc, rất khen ngợi An Giang, đặc biệt là khen “cách đối xử” với cây bạch đàn mà ở Quân khu 9 có ông từng xem nó là “Cây tỷ phú”. Hôm dự hội nghị ở Quân khu 9, anh Sáu Phú, Thiếu tướng, Phó tư lệnh nói với tôi: “Ông nói, ông cấm trồng bạch đàn dưới đất ruộng ở tỉnh ông thế nào giùm tôi; ông Ba - Tư lệnh của tôi mê nó quá trời; vốn Trung ương cho trồng rừng tràm, ổng đổ vô đó hết rồi bấm máy tính lời tiền tỷ!”. Có lần, đọc báo Lao Động, thấy mẩu tin ngắn của Ngô Hoàng Giang là tỉnh Phú Yên được cấp 16 tỷ đồng trồng rừng, mới giải ngân gần phân nửa nhưng sử dụng sai mục đích (xây nhà, sắm xe...). Tôi cắt bài báo, gởi kèm thư viết tay cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chánh trị, nguyên Phó Thủ tướng đang làm cố vấn (phái viên) của Thủ tướng về Chương trình trồng rừng. Tôi so bì: “An Giang làm tốt như anh thấy mà chỉ được Trung ương cấp có 2 tỷ, còn …”. Được thư tôi, anh Vân, thơ ký, trợ lý cho anh Nguyên điện vào: “Cụ đọc thư anh rồi, sẽ cắt gởi thêm cho An Giang 1 tỷ”. Rừng ở An Giang phục hồi được là do chánh sách, công tác quản lý mà đặc biệt là do đời sống người dân có khá lên mới dứt nạn “lâm tặc”.

Hơn 20 năm sau, 2013, xem tivi, đọc báo, thấy rừng đước ở các tỉnh ven biển miền Tây bị chặt phá và biển “ăn đất” mũi Cà Mau nhanh quá mà theo Giám đốc quản lý rừng Quốc gia nói “do dân nghèo” là đúng quá rồi. Cũng theo báo chí gần đây, hiện ở Cà Mau, Bạc Liêu, mỗi tỉnh đang có hàng vạn dân không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân ở giữa ruột rừng U Minh... sống như “Rô-bin-xơn”, vậy không phá rừng đốt củi hầm than thì làm gì để sống? Ở ngoài miền Trung, miền Bắc đang bị “lâm tặc”, “sa tặc”, “vàng tặc”... phá nát rừng và núi, cũng do hoàn cảnh. Kẻ có quyền và có tiền phá cách khác, mà lại “có công”, dân “bần cùng” phá vậy cũng là vừa! Tại biên giới đoạn Cầu Treo, nhìn rừng bên phía Việt Nam không còn, thậm chí sâu vô lãnh thổ Lào nhiều kí lô mét, rừng cũng bị phá để lại dấu vết lam nham như hình thù “con chó vện” do lâm tặc xuyên biên giới. Năm 2004, sắp kết thúc nhiệm kỳ Ủy ban, tôi đi một vòng xuyên Việt để rồi “hạ cánh”, thấy tình trạng rừng Trường Sơn, Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc bị phá, tôi vô cùng chua xót và thầm oán trách Chánh quyền ta làm công tác bảo vệ rừng quá tồi. Ngay như chuyện trồng rừng làm một nói mười, mới chết. Ở Hà Nội, hình như có nhiều người có vị trí lãnh đạo không tin lãnh đạo địa phương, hay nói đúng ra là không tin dân Nam Bộ này có hiểu biết để chấp hành chủ trương của các ổng. Mà cũng đúng vậy, những chủ trương “trời ơi” như những việc sau Giải phóng ta làm chỉ có nhắm mắt tin Đảng mà làm thôi, nên mới như vậy đấy! Nên mới có “Đổi Mới” là gần như trở lại cũ vậy!

Trở lại chuyện đào kinh dẫn nước lên núi, hàng chục con kinh cùng được qui hoạch chung quanh núi, dẫn nước từ nguồn kinh Vĩnh Tế, Cần Thảo, Trà Sư, Tám Ngàn, Kinh 14, Ninh Phước, v.v. Trong đó, kinh Tân Lập lấy nước Vĩnh Tế vào Lê Trì tại (chùa) Wat-lân, là khởi đầu làm thí điểm. Tôi và anh Tư Hiếu, Giám đốc Sở Thủy lợi đi thực địa không biết bao lần, vì các chủ phương tiện thi công ngại khó đào. Các con kinh còn lại: Ba Tháng Hai, An Nông, Soài Du, Mỹ Á, Lương Phi, An Tức, Ô Lâm... cũng lần lượt được thi công. Đào kinh trên vùng cao thật gian nan, đất toàn cát, sỏi, gan gà và đá. Phương tiện cơ giới bị “ê răng”, có chỗ chào thua phải dùng bộc phá. Đang làm, có một số dư luận: Nếu đào kinh kiều này, đất sẽ bị tuột thủy cấp. Đồng chí Chủ tịch lo lắng hỏi tôi, tôi trình bày theo kiểu hình tượng: Trồng cây trên núi để giữ nước; nước tưới ruộng cải thiện độ ẩm và giảm nhiệt, tác động lên núi tốt cây. Sự cộng hưởng này sẽ tạo ra màu xanh và màu xanh sẽ khôi phục thủy cấp. Anh Võ Tòng Xuân cũng nói với tôi: “Anh đào kinh cụt vào chân núi sẽ làm tụt thủy cấp”. Tôi nói: “Tình trạng hiện nay thủy cấp đâu còn để tuột!”. Thế rồi công trình vẫn tiếp tục và thành công đúng như tôi tính: Có nước thì có cây, có cây là giữ được nước và cải thiện khí hậu (nhiệt độ) thì gieo trồng thuận lợi, đời sống tốt lên. Đời sống tốt lên thì ai phá rừng? Từ khi có Quyết định 275/QĐ-UB ngày 23/6/1992 của tỉnh và Quyết định 327 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/9/1992 đến nay (nội dung hai Quyết định đều giống nhau), qua hơn 20 năm dân Bảy Núi không còn phá rừng để kiếm cơm nữa và mưa nhiều núi cũng không thấy núi bị sạt lở nữa. Vậy là tôi “qui hoạch” theo kiểu “tính rợ” đã thành công!

clip_image004

Đang thi công đường nước nổi Trạm bơm Chau Kim Sêng (Châu Lăng)

Các con kinh như những mũi tên nước bắn vào chân các núi. Nước đến đâu dân phục hóa, chuyển vụ hai bên, giáp tay nhau thành vành đai xanh. Nhưng phần còn lại sát chân núi, mặt ruộng có cao trình trên dưới 10m so mặt biển thì lại là vành đai trắng viền quanh chân các núi mà anh em nông nghiệp gọi là vùng “sa mạc hóa”. Tôi bàn với anh em thủy lợi khảo sát làm trạm bơm đưa nước lên cao. Trạm đầu tiên là Lê Trì, tiếp đến là Soài Du, Châu Lăng, Lương Phi, v.v. Đó là những công trình do tỉnh đầu tư, nhưng trạm ở xã Châu Lăng thì tôi động viên Chau Kim Sêng đang Phó Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư bằng tư cách gia đình, Ngân hàng hỗ trợ cho vay ưu đãi vì muốn “xã hội hóa” nhưng cái chính là muốn cán bộ dân tộc hướng dẫn người dân tộc chuyển dịch cơ cấu trồng trọt sẽ thuận lợi hơn, và thu phí thủy lợi cũng tiện hơn. Riêng Trạm 3/2 là công trình có vốn của Trung ương. Sau nhiều lần đưa các đồng chí Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi khảo sát, cuối cùng tôi phải cam kết công trình 3/2 chỉ làm lúa trung mùa 1 vụ, còn mùa nắng trồng màu – nói theo bây giờ là “Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp”. Anh Tạn nghe vậy mới quyết định cho làm. Toàn bộ các công trình trạm bơm đưa nước lên cao đều phục vụ cho đất của đồng bào dân tộc Khơ-me. Tốn kém rất nhiều, riêng 3/2 tốn đến trên 100 tỷ, chuyển nước từ kinh Vĩnh Tế, theo kinh 3/2 lên Trạm bơm (dương) + hơn 10 mét, đưa nước về tỉnh lộ Nhà Bàn - Tri Tôn giáp đồng kinh Trà Sư, phục vụ cho hơn 1.000 ha, nhưng phát huy hiệu quả rất chậm. Phải trên dưới 10 năm bà con dân tộc mới từ từ làm theo hướng dẫn, tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống trên phạm vi toàn vùng. Cùng với toàn bộ hệ thống nông thôn thuộc chương trình nông thôn của tỉnh, Chương trình 135, 134 đã phủ lưới giao thông nhựa về tất cả các phum, sóc.

Công trình thủy lợi vùng cao Bảy Núi thành công mỹ mãn về mặt kinh tế - xã hội. Nhưng về mặt kỹ thuật và môi trường lại là một bài học khoa học - thực tiễn, bởi nó không tụt thủy cấp như nói mà còn góp phần khôi phục thủy cấp, cải thiện khí hậu tiểu vùng. Không ai tưởng tượng được, một vùng đất “bán sơn địa” bị “sa mạc hóa” nay đã đổi thay bằng màu xanh cây lúa Đông Xuân, rau màu mùa nghịch (mùa khô) và màu xanh của rừng mới khôi phục trên các núi từng bị trọc. Đến đây tôi thấy tôi đúng!

Hai dự án tranh cãi

Chín năm làm Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, tôi thật sự cọ xát tình hình và công việc. Bàn bạc, tranh cãi để thống nhất chủ trương. Việc va chạm cá nhân không tránh khỏi. Nhưng có hai dự án do Ủy ban, hơn nữa là của Tỉnh ủy quyết định, gây nhiều tranh cãi mà mũi nhọn tập trung vào tôi, vì tôi là người đề xuất và tổ chức, điều hành thực hiện.

Dự án thứ nhất: Trồng bắp thu trái non, trồng đậu nành rau và xây dựng nhà máy đông lạnh rau quả xuất khẩu. Trong lúc đó, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu… là vật tư chủ yếu cho sản xuất không còn độc quyền nhà nước, thị trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Đầu năm 1993, đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chánh Sở Nông nghiệp tình cờ gặp mối làm ăn, muốn đầu tư nhà máy đông lạnh rau quả xuất khẩu. Thấy Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp thuộc Sở mà Giám đốc là Huỳnh Quang Đấu, cũng là bạn của Tâm, đang lúng túng trong việc chuyển hướng hoạt động của Công ty sang ngành hàng mới, Tâm giới thiệu và hai bên ráp mối nhau. Đồng chí Đấu trực tiếp báo cáo với Ủy ban và với Chủ tịch Nguyễn Hữu Khánh, đều được đồng ý. Vậy là dự án vừa viết, vừa đưa thiết bị từ Đài Loan về lắp ráp tại kho vật tư của Công ty ở phường Bình Khánh. Việc trồng đậu nành lấy trái tươi và trồng bắp thu trái non lần đầu tiên, quá mới mẻ mà Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc đã đi trước rồi. Hạt giống phải nhập hoàn toàn. Lúc thu hoạch trái đậu phải no hột, màu xanh, không có vết sâu cắn. Còn bắp trái non, cỡ bằng ngón tay út là thu hoạch, lột vỏ. Tất cả đều phải hấp chín, đông lạnh xuất khẩu cho các nhà hàng để ăn tươi hoặc chế biến bữa ăn cao cấp. Nghe dễ vậy mà triển khai ra dân, bắt đầu từ Châu Phú, phải trầy trật năm đến bảy năm. Thời gian ấy trải hai đời Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nhiều người không dám công kích Ủy ban, mà tập trung công kích đồng chí Đấu. Tội nghiệp cho đồng chí phải gồng lưng ra chịu. Có lần một đồng chí lãnh đạo ở Kế hoạch hỏi trỏng: “Đầu tư kiểu gì vậy?”. Nghe anh em báo lại, anh Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch tỉnh nổi nóng: “Đầu tư kiểu vậy đó, chứ kiểu gì”. Có lần, trước Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi giải thích: “Người ta cho mượn máy móc, thiết bị, làm ra sản phẩm bán cho người ta, sau năm năm họ cho luôn, bởi đây là nhà máy cũ, ở Đài Loan cạnh tranh không nổi nên chuyển ra nước ngoài, nếu ta chê thì trả họ, Lâm Đồng sẽ “rinh” đi liền. Mua bán gì mà lỗ lã. Còn hiệu quả gì… khi mà thất nghiệp đang xếp hàng mà mình thì... không tạo được công ăn việc làm gì cho họ”. Không hiểu mắc mớ gì mà lâu lâu lại rộ lên một lần về đồng chí Đấu, chung quanh đậu, bắp… hết hột với lột vỏ, hết mua đậu trễ đến bán giống trễ, v.v. Khi về hưu rồi, tôi mới có thông tin là ở bên “Nhà Đỏ” có người hay kiếm chuyện! Đồng chí Đấu rất kiên trì, đưa cán bộ tỉnh, huyện, xã và nông dân đi xem Đài Loan, Thái Lan làm sao có lời. Vậy mà khi về vẫn đâu vào đấy, dự án vùng nguyên liệu triển khai còn chậm hơn ốc bươu vàng ăn lúa. Thị trường hai loại này rất rộng và hút khách. Kế đến, Công ty có đơn hàng làm nước quả cô đặc, trái cây đóng hộp. Nhà máy lắp thêm dây chuyền mới. Năm 2000, phải đầu tư xây dựng nhà máy mới ở xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới. Đầu năm 2001, đưa vào hoạt động. Khi tôi về lại Ủy ban làm Chủ tịch cũng là lúc nhà máy Mỹ Luông không có nguyên liệu; huyện, xã và có cả cán bộ ngành tỉnh “hưởng ứng cự nự” đồng chí Đấu đủ điều, kể cả vấn đề nước thải, như Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật, nhà máy thuốc sâu Bình Đức chưa xây mà đơn thưa nó “hôi nồng nặc”. Thật là hết biết! Tôi xuống tận nơi khảo sát, mời lãnh đạo Đảng, chánh quyền, ngành nông nghiệp huyện, xã, hợp tác xã và nông dân dự họp tại nhà máy để nghe. Vẫn cái điệp khúc cũ. Có nông dân còn nói kiểu trên trời: “Tôi trồng “bắp cạp” bán, còn lời hơn nhiều”. Tôi giận quá, ráng dằn: “Tỉnh đầu tư nhà máy ở đây là bởi mấy lý do: Chợ Mới đất trồng màu tốt nhất; dân đông nhất và cũng có học vấn cao nhất tỉnh; nhà máy đặt tại nơi thuận lợi nhất và về Sài Gòn không qua phà nào cả. Đầu tư nhà máy là để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển dịch lao động, cho dân có việc làm. Còn nói như bà con thì... nhà máy này thừa, tỉnh sẽ dời đi nơi khác”. Nghe tôi “hơi nóng”, hội nghị làm thinh. Tôi phá tan không khí căng thẳng bằng giọng pha trò: “Nếu trồng các thứ khác có hiệu quả hơn trồng bắp thu trái non, bà con cứ trồng. Ai ép bà con, tôi sẽ kỷ luật. Nhưng có một kinh nghiệm mà tôi biết, nhất là trên cồn Bình Hòa (Châu Thành) về củ sắn, củ cải cứ năm lời, năm lỗ, thậm chí bỏ luôn không thu hoạch, nên bà con cần nhớ: trồng bắp cạp, nếu muốn tăng diện tích lên gấp đôi, khi nào thấy người ta có bốn hàm răng thì mới tăng được. Không nên thấy người ta ăn khoai, mình vác mai mà chạy!”. Tôi hay nói pha trò rồi đột ngột nghiêm túc: “Tôi hỏi thật, nãy giờ, bà con nói cái gì nghe cũng hay; vậy tại sao làm nông dân mấy đời rồi mà bà con còn nghèo hoài vậy? Nhà nước lo cho dân thoát nghèo nên bàn bạc với nhau thấu đáo để làm ăn đổi đời mà bà con nói cái gì cũng hay hơn tôi hết”. Rồi tôi hỏi tiếp: “Có ai đi Thái Lan chưa?”. Có người lên tiếng, tôi hỏi: “Tại sao Thái Lan trồng bán rẻ hơn mình mà có lời?”. Anh nông dân đáp: “Họ lời là vì lấy cây, vỏ bắp nuôi bò, phân bò ủ biogas và làm phân bón”. Tôi hỏi lại: “Vậy sao ta không bắt chước?”. Tôi có thói quen là nói thẳng, nói ngay tại chỗ, tại câu hỏi đặt ra chớ không vòng vo. Và vì tôi thật lòng với mọi người, dân ai cũng biết nên không cần màu mè mà cũng không mất lòng. Dự án “bắp-bò” bắt đầu thành công từ sau cuộc họp đó. Bài học về “dân trí” và ý nghĩa của nó mà cụ Phan Châu Trinh chủ trương, xét từ kết quả kinh tế - xã hội đầu tư Trạm bơm 3/2 và nhà máy rau quả của ANTESCO như vừa kể là bằng chứng tuy nhỏ nhưng đầy đủ ý nghĩa của nó.

Dự án thứ hai là nhà máy tinh bột khoai mì. Khởi động dự án từ 1991, lúc đồng chí Ba Thơ, Giám đốc Công ty Nông sản - Thực phẩm AFIEX còn sống, sau khi bỏ vùng kênh 13 - Tà Đảnh “chạy” vào ấp Lương An Trà, xã Lương Phi huyện Tri Tôn. Đây là vùng đất hoang mà An Giang và Kiên Giang tranh chấp quyền quản lý. Nơi đây nước phèn dữ lắm, đến rắn, chuột còn phải bỏ đi, chứ đừng nói gì đến cá, chim, cò... mà một thời sung túc, phong phú. Sau hai năm trồng thử loại mì đắng của Thái Lan và lập dự án, tôi báo cáo đề xuất với Ủy ban và Tỉnh ủy xây dựng nhà máy và trồng mì cải tạo đất không thể trồng gì được; điều chuyển dân cư, nhất là dân nghèo và giải quyết việc làm cho mấy trăm hộ dân Việt kiều về đây sống vất vả từ sau 1975. Còn một lý do tôi không nói ra, là tạo sự quản lý hiệu quả để Chánh phủ dễ giải quyết tranh chấp cái ranh tỉnh. Khi thông qua dự án, những năm 1995, giá tinh bột thế giới đến 290 USD/tấn. Tôi cho anh em hạch toán giá 190 USD mà thôi, nhưng vẫn có lời. Ủy ban, Tỉnh ủy đều nhất trí. Anh Ba Đức lúc này là Chủ tịch Ủy ban tỉnh có nói: “Coi chừng trồng mì đến khi đất hết phèn, lúa có giá, dân bỏ nhà máy mà trồng lúa”. Tôi nói: “Đất của dự án không cấp cá nhân, chỉ giao khoán mà thôi. Vả lại, Công ty có bộ phận nông trường, trực tiếp sản xuất trên 1.000/4.500 ha đất của nông trường thì chủ động rồi. Còn khắc phục nước ngập thì đắp đê bao, khắc phục thời vụ đông ken quá thì triển khai lên đất triền núi hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên khoảng 1.000 ha. Mọi việc đều theo như dự kiến của dự án. Nhưng xui cho mình, khi khánh thành nhà máy, giá bột thế giới còn 190 USD/tấn, rồi tụt dần trong năm còn 140 USD/tấn kéo dài mấy năm. Vậy là hỏng kế hoạch. Ngân sách tỉnh phải bù lỗ liên tục. Vậy là... bắt đầu nổi lên dư luận: “Nhà máy này là tác phẩm của Bảy Nhị”, “Bảy Nhị ép Công ty”. Tôi phải giải trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh mấy lần, nhưng tình hình không cải thiện. Có người còn thắc mắc: Đắp đê bao lớn quá, dân đi qua lại té lên té xuống! Trời đất! Anh Mười Minh là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh kêu tôi cấp giấy đỏ cho dân. Tôi nói: Chừng nào giải thể nhà máy mới làm việc đó.

Đến đầu năm 2004, dân Khơ-me Bảy Núi, nhất là xã Văn Giáo, bắt đầu ham trồng mì, đất vùng dự án rỏ phèn, năng suất mì củ tăng dần và bắt đầu có lãi, nhưng giá bột vẫn còn sụt sịt ở mức 150 USD/tấn. Tôi biết mình sắp nghỉ hưu, nhà máy sẽ gặp khó khăn. Tôi quyết định bán nhà máy. Tất nhiên, khi làm dự án xây dựng và khi chủ trương giải thể nhà máy, tôi đều có báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, được sự nhất trí cao. Ngay năm ấy, giá bột trở lại 290 USD/tấn. Thật là “trời phụ lòng người”! Nếu còn, năm 2004, nhà máy lời ít nhất cũng 1 triệu USD. Nhà máy bán đi, sinh khí của một vùng mới khởi sắc bỗng chùng xuống. Anh em báo lại, nếu bán hết tài sản, đất đai do nông trường bỏ vốn đầu tư, có lời chớ không lỗ mà còn dư (lãi) rất nhiều. Nhưng nghe đâu, Sở Tài chính làm tham mưu: Tiền bán đất không được tính, vì theo luật, giao đất nông nghiệp cho dân là không thu tiền. Vậy tiền thu được từ bán đất gọi là tiền gì, còn Công ty bỏ vốn đầu tư biến đất hoang phèn thành đất thuộc là đi làm giùm cho Sở Tài chính hả?! Thật là: “Ngựa đua dưới nước/tàu chạy trên bờ…”, “sáo nói sáo nghe”. Hôm nghỉ làm Chủ tịch, tôi ghé thăm số anh em còn nán lại để giải quyết nốt hậu quả. Nhìn dãy chuồng bò từng có cả ngàn con, nhìn cánh đồng hoang nay bạt ngàn lúa và rẫy, rừng trồng; nhà cửa sung túc, điện nước đủ đầy, đường láng nhựa, trường học, trạm xá, chợ, v.v. trong tôi trào lên niềm xúc động đến nghẹn ngào không thể nào kềm chế được! Dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội rõ rệt, mà không hiểu sao khi nói kinh tế, người ta quên cái “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” mà ai cũng đã thuộc lòng nghị quyết của Đảng và nói như sáo!? Mị dân hết chỗ nói!

clip_image006

Kinh phèn - “Nước đỏ phèn nắng bốc mùi tanh”

“Dự án Lương An Trà” là niềm kiêu hãnh trong đời tôi nhưng cũng là nỗi hận cuối đời mà tôi mang theo mãi mãi. Bởi cùng với tôi là đồng chí Ba Thơ (Vũ Hồng Quang), bạn tôi, là người thực hiện ý tưởng của tôi, có công đầu cực khổ và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tỉnh ủy, Ủy ban cùng tôi. Ba Thơ mất sớm, hai bàn tay trắng, không có một cục đất nào, cũng như tôi còn sống mà cũng không có tấc đất nào trong vùng dự án này, ấy vậy mà họ bu vào kiếm chuyện để làm gì, trong khi họ lãnh đất hoặc bao chiếm để bán, cho thuê, người ít cũng 3 héc-ta, người nhiều đến mấy chục héc-ta. Số này khai hoang sau cùng, nên ông Sáu Dân khi còn làm Thủ tướng đi kiểm tra, nhờ cán bộ tỉnh dẫn lạc đường mà ông phát hiện còn đất hoang, làm cho Bí thư Ba Đức bị quê! Nhưng có người có công trực tiếp hơn cực khổ hơn chúng tôi là Ngô Vi Nghĩa cùng anh em Công ty AFIEX được phân công vào đây, từ chỗ không điện, không đường, không nước sạch, v.v. sinh hoạt như thời kháng chiến hoặc như nông dân đi khai hoang. Từ đồng cỏ hoang, anh em xây dựng nên nông trường, nhà máy, chợ… suốt hơn 15 năm, một lớp người hy sinh tuổi thanh xuân cho vùng đất này, nhiều nữ kỹ sư bám trụ suốt ở đây cho đến “ế chồng”. Họ tốt quá! Còn Ngô Vi Nghĩa có mặt từ đầu cho đến ngày giải thể, mà nếu như ai thì chắc bị tai tiếng, khiếu nại đầy trời. Tôi không bao giờ quên ơn anh em, đặc biệt là Ngô Vi Nghĩa lo cho anh em ở nhà máy, nông trường thật chu đáo; lo cho nông dân không ai bị thiệt thòi. Đây là điều tôi rất an ủi. Tôi rất hài lòng và biết ơn Ngô Vi Nghĩa, một con người quân tử! Thỉnh thoảng, nhắc về Ngô Vi Nghĩa, tôi không quên tự ái thầm: Số là hồi những năm 1985, tôi làm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, một hôm, anh Hai Hồng, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang đến làm việc tại Long Xuyên, anh đặt vấn đề xin Nghĩa, đang là cán bộ Ban Tuyển sinh tỉnh An Giang về làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Kiên Giang. Tôi chưa quen Nghĩa, chỉ biết qua danh sách có lý lịch trích ngang. Tôi mừng quá, biết tỉnh mình có cán bộ tốt, nhưng tôi không cho. Báo lại tập thể Ban, tôi nói: “Ngu sao cho, không để cán bộ tốt mà dùng”. Tôi không ngờ, hai lần tôi tạo cơ hội cho Nghĩa phát triển đều bị phá đám, không thực hiện được. Đó là lần đề bạt Nghĩa làm Giám đốc Trung tâm Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh, chỗ anh Tư Cầu, Tỉnh ủy viên dự khuyết nghỉ hưu, đâu năm 1990-1991. Nghĩa làm Giám đốc không lâu thì có kẻ phá đám. Kẻ phá chính là người sau khi bị kỷ luật ở huyện tôi xin về, nên tôi cũng bị mang tiếng là bao che, phe cánh. Nhưng tôi có nói trước: “Về làm phó, anh Tư Cầu nghỉ cũng vẫn làm phó”, vì tôi thấy cậu ta chưa có tố chất người đứng đầu nên đã nói trước rồi. Vậy mà vẫn ganh với Nghĩa chớ không phải với tôi, mà hại Nghĩa và đi thưa rồi vu cáo cả tôi. Lần thứ hai, đề bạt Nghĩa từ Giám đốc dự án Nhà máy tinh bột khoai mì Lương An Trà lên làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông Thuỷ sản (AFIEX), kiêm Giám đốc Nhà máy tinh bột. Nghĩa hoàn thành xuất sắc, cái không may là ở thị trường; nhưng khi giải thể, Nghĩa xử lý dứt “cù” mà không có “cặn”, âu cũng là hiếm! Nghĩa có “số” làm trưởng, chớ không làm phó được. Tôi nghĩ, có khi cái rủi ro của Nghĩa, từ năng lực bản thân phát ra cũng nên. Cái mùi quyền lực gây ra ganh tị, làm băng hoại đạo đức con người còn ghê gớm hơn thế nữa, mà tôi và Nghĩa là nạn nhân! Bây giờ, mỗi lần nhớ tới Ngô Vi Nghĩa và luyến tiếc dự án Nhà máy tinh bột, tôi mắc cỡ thầm trong bụng và cảm thấy như có lỗi với Nghĩa và anh em chung dự án với Nghĩa!

Cơ chế tổ chức này mà tôi cũng là người có góp phần trách nhiệm nên tôi biết, nó được xây dựng trên cái nền “Văn hóa tiểu nông” với những “Nhân tài tiểu học” lãnh đạo như tôi và một đội ngũ “Quốc doanh” đi tiên phong “Đổi mới”, nó không thể dung nạp được người tài, nên càng lúc càng trượt dài xuống hàng “Tiểu quốc”!

clip_image008

Mì trồng khảo nghiệm

clip_image010

Ngô Vi Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Afiex, Giám đốc Xí nghiệp bột mì Lương An

Trà cho ông Bảy Nhị xem mì trồng trên ruộng đất phèn của Xí nghiệp đã có củ.

clip_image012

Lúa mùa của Nông trường AFIEX

clip_image014

Trồng mì trên đất rạ lúa mùa nổi.

clip_image016

Trồng trên đất không rạ

Hai dự án đầy tranh cãi mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương... từng đến thăm mấy lần và khen ghê lắm. Dự án thứ nhất nay lãi hằng năm cũng vài tỷ rồi cả vài chục tỷ đồng; có việc làm ổn định cho gần 1.000 công nhân, không kể lao động ngoài nhà máy. Dự án thứ hai, dù cho nhà máy bán đi nhưng An Giang thêm 9.000 ha đất từ Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho, từ hoang hoá, phèn nặng trở thành đất sản xuất 2-3 vụ/năm, lập thêm hai xã mới với gần một vạn dân. Đây là mồ hôi và cả nước mắt của hàng vạn con người. Nhưng không có ai tranh cãi. Chỉ có tôi và những người không đổ mồ hôi mới tranh cãi mà thôi. Vợ tôi là cán bộ kháng chiến, đang làm việc, quan hệ nhiều, nên nghe cũng đầy tai. Có lần, vợ tôi nói: “Người ta nói Đấu là cháu anh, nhưng dù là người dưng mà nó tốt, bị ăn hiếp, anh phải bảo vệ nó”. Tôi biết, Đấu có “nhược điểm” như tôi, giống “Mèo giữ kho gạo”. Có lần đồng chí Phó Bí thư trực nói thẳng: Nó là cháu tôi. Không lẽ, cái gì tôi làm, tôi đề xuất đều bị gây tranh cãi sao!? Có lần, vợ tôi nản lòng nói: “Sao anh khổ chi vậy? Ai hiểu anh mà anh làm? Anh làm cho ai?”. Tôi biết vợ tôi mủi lòng, nói lẫy. Những lúc tâm sự nặng nề, tôi lại nhớ Ba Thơ; phải Ba Thơ còn sống để giúp đỡ cho Nghĩa được nhiều hơn tôi, chúng tôi cũng ít bị cô độc và có lẽ sẽ ít bị ăn hiếp hơn!

clip_image018

Nhân nói về hai dự án gây tranh cãi, tôi nhớ lại hai dự án thành công trong lặng lẽ cũng trong trách nhiệm tôi. Đó là dự án Nhà máy Mía đường Thoại Sơn phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Chủ tịch Ba Đức rất quan tâm, được anh Nguyễn Công Tạn hết sức ủng hộ và giới thiệu anh Lang ở Viện Công nghiệp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp làm dự án. Khi dự án thông qua lần đầu tại Sở Nông nghiệp tính giá thành 1 kg đường là 8.000 đồng, trong khi thị trường khoảng 10-12 ngàn đồng. Tôi thấy meo quá nên thôi. Sở đã ứng trước tiền viết dự án hết đâu 80 triệu bằng 1/3, tôi nói với anh Lang: “Anh thông cảm, vùng nguyên liệu là đất ngập nước tuy không sâu lắm nhưng trồng mía chi phí rất cao, tôi sợ phát sinh nhiều khó khăn hơn sẽ khổ cả nông dân và nhà máy. Thôi anh và anh em cho dừng lại và kinh phí đã tạm ứng tôi sẽ cho quyết toán luôn, không thu hồi”. Dự án thứ hai là Nhà máy Gạch ceramic và nhà máy Xi măng An Giang của Công ty Xây lắp An Giang. Anh Út Tiến - Giám đốc Công ty Xây lắp là người đề xuất hai dự án này và cả dự án Lò gạch tuy-nen (tunnel) lên Ủy Ban. Lò gạch tuy-nen là chủ trương chung chuyển đổi công nghệ không phải bàn, vấn đề là nhập từ nước nào? Chúng tôi chọn của Ý. Còn hai dự án đề xuất tuy ra đời sau so các tỉnh phía Bắc, nhưng tôi thấy lợi thế của nhà máy ceramic là nguồn nguyên liệu chính là đá Ap-líc khai thác tại núi Dài nhỏ gần so với các nhà máy ở Thủ Đức họ xuống đây mua và chuyển về. Còn nhà máy xi măng thì chỉ chọn công đoạn cuối là nghiền clin-ke (clinker), tôi hỏi Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc vì anh đang chủ trì phát triển xi măng (lò đứng) ở phía Bắc, tôi tuy chưa có thông tin về kỹ thuật lò đứng nhưng biết tỉnh không có đá vôi nên nếu làm là thua. Anh Lộc thân tình nói với tôi: “Anh làm đi, nhập clin-ke của Hàn Quốc còn rẻ hơn của ta 5 USD/tấn cũng lời rồi”. Vả lại, thị trường cho vật liệu xây dựng như xi-măng, ngói, gạch xây và gạch lót ở Campuchia đang hút và ta có lợi thế gần hơn Thái Lan. Tôi yên tâm mà thay mặt Ủy ban duyệt chủ trương và chọn phương án triển khai hai nhà máy. Anh Út Tiến là thương binh nhưng rất nhiệt tình và làm ăn có hiệu quả, anh được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động về thành tích xây dựng và quản lý Công ty quá thành công, vượt qua hạn chế về học vấn và trình độ quản lý chuyên nghiệp cần có.

N.M.N.