Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 17)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Chống lũ tháng Tám - Chống hạn Đông - Xuân

Vụ Đông Xuân 1975-1976 rồi cũng qua với thành quả: Diện tích được mở rộng, năng suất-sản lượng cao hơn năm trước, nhờ chủ trương từ trên “tập trung khôi phục sản xuất”, thuận lợi về thời tiết, phù sa sau mùa nước để lại và nhờ vật tư còn trong dân ít nhiều. Nhưng vụ Hè Thu thế nào? Cũng cần lưu ý: Khái niệm “Vụ Đông - Xuân”, “Vụ Hè - Thu” và “Chống lũ tháng Tám” không biết xuất xứ, nhưng là lần đầu mới được dùng ở đây do từ trên và cũng chỉ mới từ sau năm 1975.

Do mùa mưa và thông lệ dân gian có câu: “Tháng Bảy nước nhảy lên đồng”, Huyện ủy chỉ đạo: Tranh thủ thời gian xuống giống sớm, nhất là vùng đất cao, đất ở gần bờ rào phải làm hết. Tháng Bảy âm lịch tức tháng Tám dương lịch, nước bắt đầu lên. Dân đồng bằng sông Cửu Long quen gọi thời gian nước ngập đồng bốn tháng hàng năm là “mùa nước”, “mùa nước nổi”. Nước đang lên chưa đạt đỉnh, gọi là “nước lên”; nước ngập sâu hơn các năm, gọi là “nước lớn”; hay thành thiên tai, gọi là “nước lụt”. Cách gọi ấy nghe cũng hình dung được mức độ ngập sâu như thế nào và ở thời điểm nào. Nhưng nghe bình thường và cũng “hiền”. Chỉ có sau 1975, Trung ương và cán bộ miền Bắc vào gọi là “lũ”, nói theo mà không suy nghĩ đúng sai, lợi hại thế nào và “lũ tháng Tám”, gọi riết thành quen, thậm chí thổi phồng nó thành “hung dữ” từ đó và hệ quả tiêu cực cũng có từ đó: Than khóc, xin cho… mà dân Nam Bộ xưa nay chưa từng có! Những khi như vậy, Chánh quyền tỏ ra “quan tâm” đến dân, Trung ương “quan tâm” địa phương nhiều hơn; năm nào cũng vậy, trở thành điệp khúc. Dân Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi và cha mẹ hay đùm bọc con cháu nên sanh tệ, ít chịu lao động cực nhọc hay chăm chỉ học hành như dân miền ngoài, nay bồi thêm cách lãnh đạo “dân túy” càng tệ hơn, hậu quả dài lâu sẽ nặng nề hơn!

Ba xã vùng O mà tôi phụ trách có chung một cánh đồng trên 1.200 ha, bao bọc bởi con lộ đá và bảy cây cầu, nhưng diện tích lúa Đông - Xuân cũng chỉ mới hơn phân nửa vì thủy lợi chưa có, còn Hè - Thu thì bỏ hoang vì sợ ngập, chỉ có làm đất bờ rào được một ít không đáng kể để làm giống cho vụ Đông - Xuân tới. Nhớ những năm ở trên đất Campuchia, thấy nông dân Campuchia ở ven sông Hậu (tỉnh Kandal) trồng bắp vàng, đến khi thu hoạch xong mới phá đập cho nước tràn vào ngập đồng. Lần đầu tiên, chúng tôi bị bất ngờ vào ban đêm, phải leo lên đọt cây lộc vừng chờ sáng, tưởng đâu nước lụt bất chừng, vì trời không có mưa, sáng ra gặp dân mới biết. Và tháng 9.1975, nhân chuyến tham quan miền Bắc, thấy ngoài đó đắp đê mà từ lâu sách vở đã nói. Đi khảo sát cánh đồng ba xã, tôi đề xuất với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Ba (Bảy Tạo) là cho đắp bảy con đập tại bảy con mương thì sản xuất Hè - Thu ăn chắc, không bỏ đất. Bí thư là người năng động, luôn xốc tới, thích đề xuất mới nên dễ dàng chấp thuận đề nghị của tôi. Nhưng cái khó về thuyết phục nội bộ và dân ba xã, nhất là Tân Hòa, vì bảy miệng kinh rạch thì Tân Hòa hết năm rồi, mà xã này tôi trực tiếp chỉ đạo hàng ngày nên cũng là một thuận lợi. Cái chính, ai cũng nghĩ rằng nước từ dưới đất lên, còn mưa từ trên xuống nữa, rồi làm sao? Tôi giải thích cũng không thấm vào đâu. Cuối cùng đành “ra lệnh”. Thời này, “lệnh” còn “linh” lắm. Tôi nói: “Bà con nào thấy không chắc ăn, cho Chánh quyền mượn đất cho người nghèo làm. Còn nước nếu ngập như cô bác nói, tôi sẽ uống hết!”. Dân lúc này mà nghe Chánh quyền “mượn” cái gì, nhất là đất và nhà là sợ quýnh lên hết. Nên rồi ai cũng sản xuất, có người xuống giống mà không bón phân hoặc bón ít cho có chừng. Có người phản ứng, nói râm ran vắng mặt: “Mấy ông Việt Cộng này bẻ nạng chống trời”, “Có ăn, để trên lưng tôi nấu”. Trong nội bộ, anh Trần Chí Điệc, Ba Điệc, Bí thư, cán bộ Nhà in tỉnh từ trong kháng chiến tôi xin về, Nguyễn Ngọc Niêm (Sáu Niêm), Xã đội trưởng, cán bộ Trà Vinh tăng cường, rất ủng hộ tôi; anh Tư Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp - Lương thực tỏ ra do dự, gia đình thím Út Dùng là cốt cán Cách mạng nằm vùng, chú đang làm Chủ tịch Ủy ban xã, còn thím đang là Hội trưởng Phụ nữ xã mà cũng tỏ vẻ chưa an tâm với chủ trương của tôi. Nhưng rồi cũng không ai bỏ đất, trừ vùng trũng Rạch Dầu ở ấp Hậu Giang chạy qua chân giồng Cà Dâm không sản xuất được.

Tôi rất sợ cái mới làm lần đầu mà thất bại sẽ “có noi” và mất uy tín nên tính toán, cân nhắc chi ly như làm toán đố hồi học Tiểu học. Tôi chỉ đạo mỗi nhà phải dự trữ 1m3 đất khô, mỗi cục đất khối vuông có cạnh hai tấc (20cm) để dễ khuân vác, bảo quản sao cho khô ráo; mỗi con đập bao nhiêu mét khối tương ứng với bao nhiêu hộ ở gần hai bên bờ mương, khi có lệnh, tự dùng phương tiện xe lôi, xe đẩy, xuồng, ghe chở đến nơi qui định và tự quăng xuống theo hướng dẫn của ấp và xã. Trước khi xuống đất mấy ngày, tôi cho Nông hội, Du kích, Thanh niên đi xin tre và cây vườn tạp của dân để xóc rượng, dùng mê bồ chận đất để rồi bà con quăng đất vào giữa. Dân mình thật tích cực và sáng tạo. Tôi không ngờ bà con lấy đất làm đúng theo qui cách, để dưới sàn nhà hoặc lấy đồ che mưa cẩn thận. Có người phải bơi xuồng qua tận huyện Châu Phú để “xin đất” chở về. Sau này, tôi bị mấy anh bên Châu Phú tố tôi “xúi dân qua lấy trộm đất bờ kinh” mà họ mới quăng lên để về đắp đập. Đến khi thu hoạch xong vụ lúa Hè - Thu 1976, những người nói thách gặp tôi giả lả và bắt đầu thân quen. Phong trào đắp đê, đắp đập chống lũ tháng Tám toàn huyện rồi toàn tỉnh bắt đầu từ đó. Đồng chí Bảy Tạo, sau này, có lần thấy tôi có tâm sự, ông mời đến an ủi động viên; ông nhắc đến sự đóng góp của tôi vào việc vận động giác ngộ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, vạch mặt bọn giáo gian, đưa chúng đi cải tạo; sáng kiến đề xuất lãnh giáo viên là sĩ quan biệt phái từ trại cải tạo về dạy học và lần này tôi vừa là người đề xuất, vừa là người tổ chức thực hiện thành công chủ trương đắp đê, đập chống lũ tháng Tám…, như là một hình thức khen tặng. Tôi cảm thấy cũng ấm lòng và cảm ơn ông về sự công tâm khách quan của người lãnh đạo lúc này.

Hết chống lũ tháng Tám.1976, đến lo chống hạn Đông - Xuân 1976-1977. Cái giồng Cà Dâm giữa đồng Tân Hòa như thách thức. Đất bị bỏ hóa từ lâu, cả hai trăm héc ta, vì trồng rẫy không có nước tưới; sản xuất lúa mùa, một công chỉ được năm hoặc ba giạ, dân bó tay. Tôi nghiên cứu thực địa nhiều lần và quyết định đào một con kinh từ ấp Mỹ Hóa II thọc vào giữa vùng đất gò làm đường nước nổi từ gò cao tỏa ra. Bàn bạc trong Chi bộ nhất trí; ra ba đoàn thể, nói nghe lơi xịch; ra dân thì… cũng lại nói “bẻ nạng chống trời”; bởi đào là mất đất của dân, không có bồi thường như sau này, là huy động lao động nghĩa vụ bắt buộc. Hôm khởi công, tôi cho máy cày mở vạt vừa cho thẳng đường, vừa kéo bớt lớp đất cứng trên mặt, để dễ đào; bởi lúc này có kỹ sư, kỹ sãi gì đâu. Mình phải đóng hết các vai. Thấy chủ máy cày sợ bị chủ đất làm khó, tôi và đồng chí Sáu Niêm, Xã đội trưởng ngồi trên máy cày mở vạt xong, mới thôi. Chú Sáu Thế, Trưởng Nông hội xã Tân Hòa rất năng nổ và rất ủng hộ tôi, nhất là đi vận động máy cày, đo đạc cắm cọc tiêu... nên con kinh đào rất nhanh. Việc mướn người nghèo đi lao động công ích, tôi cũng phát hiện từ thực hiện công trình này, nhưng không thể ngăn chặn được, vì họ đồng thuận. Ngay cả việc đi nghĩa vụ quân sự, sau này, tôi cũng phát hiện có trường hợp tương tự, nhưng dễ chấn chỉnh hơn vì khó ém nhẹm lâu dài.

Vụ Hè - Thu 1977, diện tích tăng nhanh nhờ chuyển vụ hết đất giồng Cà Dâm và nhờ yên tâm với kết quả đắp đập ngăn lũ tháng Tám năm trước. Từ đó, Phú Tân nhân ra mô hình sản xuất Hè - Thu trở thành chánh vụ. Phú Tân tự hào vì đã góp phần cho tỉnh kinh nghiệm chống lũ tháng Tám thành công, cũng như Chợ Mới năm 1978 có mô hình 200 héc ta ở xã Kiến An sản xuất lúa, màu vụ ba ngay trong mùa nước nổi, làm cơ sở cho huyện năm 1995 xây dựng mô hình các tiểu vùng sản xuất lúa vụ ba trong toàn huyện Chợ Mới và cũng là tiền đề cho tỉnh có Đề án 31 ra đời năm 2002, để rồi năm năm sau trở thành mùa sản xuất chính, không còn “bốn tháng nông nhàn” mà còn bội thu “Văn hóa mùa nước nổi”. Thời gian trôi qua, từng thế hệ người nhìn “thành quả” hay” “hệ quả” của những việc làm đã qua thế nào, là tùy. Nhưng những gì đã kể ra đây là sự thật! Khác với “sự thật” mà một số tài liệu, kỷ yếu, kể cả Địa chí đã xuất bản.

Sau này, có những năm lúa rớt giá liên tục hoặc khi có nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu – Nước biển dâng” không ít người lên án “sản xuất vụ 3” và “Chương trình đê bao khép kín”... Nhưng không thấy nói ai là “thủ phạm”. Song tôi mạnh dạn phản biện: “Nếu nói công-tội của chương trình này tôi là người có đủ công và tội từ năm 1976 đến nay. Ở gần rừng mà không biết làm gì thì người dân chỉ có thể làm tiều phu hoặc “lâm tặc”; hết rừng thì “Đi biển hồn treo cột buồm” chơi chớ biết làm gì? Còn ở An Giang hay nhiều tỉnh Tây Nam Bộ không làm ruộng thì biết làm gì? Nói như anh Lê Thành Nhung, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh với Bí thư Tỉnh ủy trong thời bao cấp, khi bàn việc cấm xe lôi, xe đạp “ôm”: “Không ai thích làm trâu đâu”. Lỗi này nếu có không phải là do họ!

clip_image002

clip_image004

Bài trên Báo Giao thông Xuân Đinh Dậu của nhà báo Lục Tùng, chứng minh ngược lại “dư luận” và cả Địa chí An Giang đã xuất bản.

Minh Tú

Trong khi vợ tôi về Long Xuyên ở nhà ba má tôi đang ở đậu với Nhà in, nay là trụ sở Hội đồng nhân dân tỉnh, để chuẩn bị sanh con, ở cơ quan tôi bị bệnh sốt rét rừng tái phát, mê sảng, nói nhảm, anh em đưa tôi lên Trạm xá huyện; thấy không êm, tôi nhờ chú Ba Dừa mượn tắc ráng có em Lẹ cùng đi, chiều ngày 15 tháng 12 năm 1976, đưa tôi xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tôi có nhược điểm từ nhỏ, khi bệnh rất sợ chết, nên mới chủ động xin chuyển viện. Trời xẩm tối, đến nơi và nhập viện, tôi dặn Lẹ đừng cho vợ tôi hay, sợ ảnh hưởng sanh nở, nhưng rồi vợ tôi cũng hay, lọ mọ đến nuôi tôi. Rạng sáng 17.12.1976, vợ tôi râm ran chuyển dạ. Tôi hối vợ tôi đi “xe đạp ôm” về cho nhanh, nhưng vì tiết kiệm nên đi bộ, mà khi sanh rồi tôi mới biết. Vợ tôi đi rồi, và tôi cũng an tâm đã cắt được cữ trong ngày hôm qua, nên xin xuất viện trong buổi sáng. Về nhà, biết anh Tư dùng xe máy chở vợ tôi xuống Nhà Bảo sanh An Bình, phường Mỹ Phước do chị Tám Trung, nữ hộ sinh, người quen thân trong kháng chiến đỡ cho.

Khoảng 10 giờ, chị Tư tôi từ nhà bảo sanh về báo tin: “Sanh rồi” và cười cười, một hồi mới nói “con gái”. Tội nghiệp, ba tôi đang mỏi mòn trông đứa cháu nội trai đích tôn, vì đứa con trai đầu lòng của anh tôi chết khi mới tròn tháng hồi 1965 ở kinh Tám Ngàn. Nghe vậy, ông quăng cái mác trên tay đang vót nan qua một bên, thở dài: “Tao hết ham rồi!”. Tôi mừng vì có con, nhưng xót xa, thương cha mẹ già mong có cháu trai trông coi hương hỏa! Khi đặt tên con để làm khai sanh, tôi lúng túng không biết, nhưng thấy sanh nó vào buổi sáng (9 giờ) nên đặt tên Sáng – Nguyễn Minh Sáng. Thật buồn cười, tôi thường kể chuyện tiếu lâm: Những người mang nặng đẻ đau đến chín tháng mười ngày, mà khi sinh con, thấy nó là trai, lại đặt tên Đực, tên Cu, tên C., hoặc gái thì Cái, Gái, L., v.v. Bây giờ đến tôi cũng vậy! Mấy hôm sau, tôi về Sa Đéc báo tin mừng, nghe ông nội vợ tôi nói: Tên Sáng trùng tên ai đó trong dòng họ, nên về nhà, chị Tư tôi nói: Đặt nó tên Minh Tú đi. Tôi thấy có lý, không “buổi sáng” thì “sao sáng” cũng tốt. Còn ba tôi, sau hai lần đặt tên cho thằng con trai anh Tư tôi tên Minh Tân và con trai đứa em thứ Tám của tôi tên Minh Đức, do ba má tôi nuôi, nhưng cả hai đều chết bệnh sau đầy tháng hoặc lúc hơn thôi nôi trong chiến tranh, nên ông không giành đặt tên cháu. Tôi trở về Phú Tân, một mình lo việc cơ quan. Hôm hội nghị Huyện ủy, chú Ba Trừ (Bí thư xã Hiệp Xương) đi họp đem cho cả chục ký cá lóc, nói là: “Để vợ mầy ăn, sau khi sanh”. Dân Nam bộ có thói quen chỉ ăn cá lóc, cá trê vàng lúc sau sanh hoặc trong và sau khi hết bệnh vì nó lành tính. Tôi rất cảm động, vì ở nơi đây tôi đâu có bà con thân thuộc, mà cử chỉ của chú như ruột rà; từ đó, tôi xem chú như người nhà.

image

Minh Tú 6 tháng rưỡi và 1 tuổi.

Về cơ quan, tôi nghĩ ngay đến việc làm thêm kiếm tiền nuôi con. Tôi mua một con heo vừa mới tách bầy của ông Quí Nhược (Bí thư xã Phú Hưng) và nhờ chú Ba Dừa cho mượn hai công đất sản xuất vụ Đông - Xuân 1976-1977 và rồi chú cho mượn giống, vốn và đứng ra làm giùm luôn, như làm cho con trong nhà vậy. Lúa vụ đầu trúng nên rất ham. Đến vụ Hè-Thu 1977, ông Hai Tỷ cho mượn năm công đất khu vực giồng Cà Dâm, tôi trả đất cho chú Ba và cho anh Quốc mượn lại hai trong năm công tôi mới mượn của ông Hai Tỷ, để anh có tiền chuẩn bị rước vợ và con ở miền Bắc vào định cư. Ông Hai Tỷ là trung nông; nghe tôi hỏi nượn đất, ông rất mừng, vì chia bớt mức bình quân nhân khẩu để giữ đất cho ông. Hồi ấy, chưa có việc mượn đất rồi lấy luôn như sau này có luật đất đai, nhằm “giữ nguyên thành quả cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp” mà người ta hay bội ước. Vả lại, đất này nằm trên giồng Cà Dâm, bỏ hóa vì không nước tưới làm lúa thần nông, tôi vừa chỉ đạo đào bằng tay con kinh từ ấp Mỹ Hóa II vào đưa nước lên phục hóa, nên họ cũng dễ dàng cho mình mượn để kiến thiết mặt bằng ban đầu giúp họ. Thật tình mà nói, chú Ba Dừa là người làm giúp tôi và cả anh Quốc, tôi chỉ làm cỏ, cấy dặm và… mướn người gặt đập thủ công. Năm ấy, trúng mùa, nên rất ham. Ngày nghỉ, tôi vào ruộng; có bữa vợ tôi cùng đi. Minh Tú mới hơn bảy tháng tuổi được gởi cho các em trong cơ quan trông coi. Có hôm mắc mưa, những đám mưa đầu mùa đường cộ lầy lội, đến nửa đêm chúng tôi mới về đến nhà. Còn khi thu hoạch, chở lúa về đến bờ kinh ấp Mỹ Hóa II để mướn xe lôi thùng gắn đầu kéo Honda 67 chở về cơ quan phơi. Xe này do dân ta cải tiến, chở cả tấn một chuyến, nghe nói chuyên gia Nhật Bản thấy mà lắc đầu thán phục, hay ngán cho nước liều của dân ta, không rõ!

Có hôm, giữa trưa, xuồng lúa của vợ chồng tôi vừa cặp bờ, gặp chú Sáu Cai, Phó Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, chỗ quen thân với tôi lúc ông làm Đảng ủy Liên cơ trong kháng chiến và ông Trung Hòa, chủ trại cưa Châu Đốc, cả hai đều quen thân với bên vợ tôi như người nhà, riêng ông Trung Hòa còn là chỗ ông nội vợ và vợ tôi lúc còn hợp pháp hay tới nhà ông thu thuế cho Cách mạng. Hai ông đến thăm chúng tôi ở cơ quan, nghe nói chúng tôi đi làm ruộng nên nhờ anh em cơ quan dẫn vào tìm. Ông Trung Hòa không ngờ tụi tôi vất vả vậy. Ông nói với vợ tôi: “Con ơi, hòa bình rồi mà sao cực vậy, thôi nghỉ về nhà làm ăn đi, có gì tao tiếp với”. Càng dài về sau này, tôi càng thấm thía: Dân nào mà không tốt với Cách mạng. Chỉ có ta mới chia nhân dân ra thành thứ hạng mà đối xử, nhất là sau khi Cách mạng thành công như từng xảy ra, cho đến bây giờ!

Chuyến lúa cuối cùng hôm ấy ráng cho dứt điểm nên chở khẳm mà trời chuyển mưa, nên mới hơn bảy giờ là tối mịt. Xuồng cặp theo kinh ra lộ, vợ tôi bơi mũi, tôi chống lái. Gặp du kích trong ruộng kêu lại xét. Nói là du kích chớ không biết ai, sợ nhất là “du côn”, vì đây là địa bàn hoạt động của các đảng cướp “Cua Vàng”, “Cánh Buồm Đen” một thời gần thôi. Do đó, tôi rất cảnh giác với mấy ông hay xưng là “du kích”. Khẩu ru-lô nòng ngắn 5 viên lúc nào tôi cũng mang theo bên mình, nên cũng thấy yên tâm. Tôi năn nỉ hết lời, không dám xưng danh tánh, may mà họ cho đi. Đi được là mừng rồi, không cần biết họ thiệt hay giả nữa.

Tôi suốt lúa xong, đến lượt máy qua suốt cho ruộng anh Quốc. Lúa ra hạt hứng không kịp, vợ anh Quốc ham quá, cứ suýt xoa vì chưa từng thấy lúa trúng như vậy (5 tấn/ha/vụ Hè -Thu). Tội nghiệp chị Quốc, sau vụ lúa sanh bệnh và qua đời tại bệnh viện tỉnh, để lại cháu Tỵ – nhỏ hơn con gái tôi một tuổi. Sau này, mỗi khi thấy lúa trúng mùa, trúng giá, bà con nông dân vui, tôi nhớ lại hình ảnh vợ anh Quốc mừng khi bưng thúng lúa đổ vào bao mà không dứt nụ cười. Nụ cười tuy không làm tươi lên bức tranh u ám một thời thuở nào nhưng vẫn là một kỷ niệm se lòng khi nhớ về ngày ấy!

Trước đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, tôi được dự kiến làm Ủy viên Thường vụ Huyện ủy; tại Đại hội tỉnh vòng 2 lần I của tỉnh tháng 4.1977, tôi lại được đại biểu giới thiệu ứng cử Tỉnh ủy, nhưng vì lý do được Tỉnh cử đi học hai năm nên không ứng cử ở cả hai cấp Đại hội. Ngày chuẩn bị lên đường, tôi phát hiện thấy “nốt ruồi son” tại màng tang bên trái của Minh Tú có xu hướng lớn nhanh, từ bằng đầu tăm xỉa răng lúc đầy tháng mà ai cũng trầm trồ là tốt, qua tám tháng, nay bằng đầu đũa ăn cơm. Đi hỏi hết các bác sĩ quen thân từ trong kháng chiến, không ai biết nó là gì. Tôi không an tâm, nên lưỡng lự, nhưng vợ tôi kiên quyết: “Anh phải đi học, để con ở nhà em lo”. Khi quyết định đi, tôi định bán xe Honda để trả mấy trăm tiền nợ. Người mua xe đến xem, vợ tôi cũng kiên quyết không chịu bán, với lý lẽ quá hợp tình: “Nợ để ở nhà em lo, phòng khi Minh Tú ốm đau, có xe mượn mấy anh em nó chở mẹ con em đi bệnh viện sẽ chủ động hơn”. Hồi ấy xe Honda hiếm lắm và việc đi lại rất trần thân vì thiếu xe đò. Chiếc xe này là tiền truy lãnh lương của hai vợ chồng tôi sau Giải phóng, nhờ ăn cơm của dân mà còn dư, mua lại “xe ôm” chạy đưa khách của chú Nghĩa em anh Ba Lợi và trả chiếc Honda 67 lại cho Huyện.

image

Minh Tú 2 tuổi.

Tôi đi học với tâm trạng nặng nề, thương vợ đơn chiếc xứ người mà con thì đang có “nốt son” ngày càng lớn nhưng không ai biết bịnh gì. Những tuần lễ đầu trên đất Hà Thành mà đầu óc tôi đâu đâu. Thương mấy chị có con nhỏ gởi lại nhà cũng nhớ con như tôi, mà khóc bỏ ăn; tôi vô cùng thông cảm. Nhận được thư đầu tiên của vợ sau khoảng một tháng, báo tin: Ở nhà, bà ngoại Minh Tú dẫn hai mẹ con lên Sài Gòn khám ở Bệnh viện Bình Dân; giáo sư Nguyễn Văn Út nói là bệnh bướu máu, khó trị, để lâu nó lan ra hết gương mặt như thỉnh thoảng có người mắc mà người ta hay nói là “cái bớt”. Ngay trong lớp tôi, cũng có một anh có cái bớt chiếm 10% gương mặt; hỏi ra, anh có đến giáo sư Út rồi, bó tay; còn con tôi rất hên, vì còn nhỏ và ông nói: Ni-tơ lỏng để trị còn lại của Bệnh viện sau Giải phóng đủ trị cho cháu đến hết hết bịnh, khoảng 2 năm. May quá! Tôi mừng, còn hy vọng; còn buồn, tủi thân vì cảm thấy lúc khó khăn mà không gánh vác trách nhiệm làm chồng, làm cha, là hèn. Càng nghĩ càng thương và quí vợ con hơn.

Ở nhà, cứ hai tuần, mẹ con Minh Tú đi Sài Gòn một lần, bằng cách nhờ em Lẹ lấy Honda đưa qua Chợ Mới, mua vé xe đò đi Sài Gòn, có bữa trễ xe đành chịu, phải ngủ lại nhà quen bên đó hoặc phải về rồi sáng sớm lại qua. Mỗi lần đi về đường xa, xe chật như nêm, Minh Tú ăn quà vặt hay bệnh, những lần sau vợ tôi không dám mua gì cho nó ăn, chỉ cho bú, vì vậy Minh Tú bú mẹ đến hơn hai tuổi mới thôi. Vậy mà thỉnh thoảng vợ tôi còn làm khô hoặc thịt chà bông gởi ra cho tôi. Nói về lương, những anh em được đề bạt sơ cấp Đảng như tôi, ở tỉnh công tác làm phó ty, ngành tỉnh đều có mức lương tối thiểu 105 đồng (Trung cấp đảng). Tôi về huyện, do huyện xếp ngạch trưởng phòng 73 đồng. Vợ tôi là cán sự nên 64 đồng. Vợ tôi thấy tôi bị thiệt thòi, nên hỏi sao tôi không lên tiếng? Tôi làm thinh chớ biết nói gì? Không hiểu sao, vài tháng sau đó, tôi được quyết định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy xếp lương tôi 83 đồng, trong khi lương Chủ tịch huyện 85 đồng, nhưng có bổng lộc khác kèm theo. Ông Bảy Tạo hỏi tôi có khiếu nại gì không mà được tỉnh điều chỉnh lương? Tôi nói: “Nếu khiếu nại thì không phải là 83 đồng”. Sau đó tôi mới biết: Chú Ba Sao về làm Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, nên mới có sự điều chỉnh này, vì Ban hầu hết là người miền Tây (T3) còn ông là cán bộ An Giang từ thời chống Pháp nên biết cán bộ An Giang rất rõ.

Hôm được thư vợ báo, biết bệnh của con, tôi lật đật kêu bán chiếc xe đạp mua của Thương nghiệp tỉnh mang theo làm chân, gởi tiền về nhà. Tôi chia tiền lương ra xài một phần, một phần gởi về cho vợ. Hôm về thăm nhà lần đầu nhân Tết Nguyên Đán Đinh Tỵ, tình cờ nhặt tờ giấy vụn, đọc thấy vợ tôi ghi: Lương vợ tháng 64 đồng, lương tôi lãnh tại trường gởi về 25/83 đồng; chi: Gởi về phụ với anh Tư nuôi ba má tôi 10 đồng, tiền chi cho Minh Tú và tính chung hết còn bằng không (0), tôi vô cùng xúc động. Nhân trước Tết, heo có giá, tôi kêu bán con heo mà tôi mua lúc sanh Minh Tú, tính ra tròn năm mà không được trăm ký; vợ tôi chạy vào buồng khóc, làm tôi chết điếng. Tội nghiệp, chú Ba Dừa dẫn lái đến bắt heo, lúc nhận tiền tôi trao qua trả ông vừa đúng số nợ mà tôi thiếu. Chú lấy 5 đồng gởi cho Minh Tú, làm tôi rất cảm động. Hồi ấy, 5 đồng có thể mua được một giạ gạo giá nhà nước. Thương chú là người nhân hậu, trọng tình nghĩa. Năm Lợi thỉnh thoảng gởi thơ thăm tôi và nhắc nhiều về chú Ba Dừa luôn giúp đỡ vợ con tôi ở nhà, nhất là giúp làm mấy công ruộng. Năm Lợi có nhận xét: “Anh đi rồi, tôi thấy chỉ có ông Ba Dừa là người thật tình thương và giúp đỡ anh tận tụy, thủy chung không ai bằng!”. Ông đúng là người tốt như chị Sáu Anh, Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ đầu tiên xã Hòa Hảo lúc mới giải phóng giới thiệu với tôi. Chị đưa tôi từ nhà anh Chín Sương ở chợ Mỹ Lương đến và gởi tôi ăn ngủ nhà chú sau lễ mừng chiến thắng 15.5. Anh Ba Thạo bên Tỉnh đội xuống công tác cũng tấp vào ở đây với tôi hết mấy tuần. Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng có buổi phát hình đầu tiên, tôi được xem ở đây cùng cả khu phố reo hò, vỗ tay.

clip_image017

Chú Ba Dừa (bìa phải) cùng Ba tôi (bìa trái) đến Phú Tân thăm con và cháu nội (Minh Tú) khi tôi đi học

Qua chú Ba Dừa, tôi biết thêm về Đức Thầy, Tổ Đình và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, và biết thêm về tội ác của các “giáo hội” và các “đảng phái” đội lốt Hòa Hảo, kể cả các đảng cướp “Cua Vàng”, “Nhạn Trắng”, “Cánh Buồm Đen”… Hôm đấu tranh vạch sai lầm của họ trước dân, những lý lẽ, bằng chứng tôi đưa ra, họ hết chối, nhưng lại thì thầm nhau rủa tôi: “Ở trong rừng mà sao biết hết vậy?”. Thấy tôi tin chú, chú chân thành kể tôi nghe về cuộc đời của chú. Chú gốc gác ở Thạnh Mỹ Tây (Kinh 13) huyện Châu Phú. Hồi Đồng Khởi 1960, chú làm Trưởng ấp, bị Cách mạng – ông Năm Mới (Năm Lọp) Huyện ủy Châu Phú – bắt định đem giết; chú nghe được, nên ban đêm lộn sợi dây xích vuột khỏi cây gáo, mang cả sợi xích trốn được ra chợ Châu Long; bọn lính đem xe đến rước, nhưng rồi chú cũng bồng chống vợ con bỏ nhà, trốn chánh quyền Sài Gòn sở tại về đậu ghe ở bến Chợ Đình - Hòa Hảo mua bán dừa khô, ăn chay tu theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, sống như người “mai danh ẩn tích”, vì quá sợ bị nạn như vậy một lần nữa. Dân Chợ Đình không quen chú, nên gọi thứ (Ba) và gắn tên (trái) Dừa vào thành tục danh luôn. Dần dà, có vốn mua cái nền nhà này mà khi trước là bến nước chú đậu ghe, nay đất bồi ra cả trăm mét. Chú tham gia Ban Trị sự Thánh địa Hòa Hảo của Huỳnh Văn Nhiệm, giữ chức Ủy viên Xã hội - Từ thiện. Qua dò hỏi, tôi thấy chú rất thật tình khi nhận xét về gia đình của Đức Thầy (Tổ Đình), về các giáo hội Hòa Hảo của Lương Trọng Tường, Huỳnh Văn Nhiệm, Lê Quang Liêm và các đảng Dân Xã Hòa Hảo “Chữ Vạn”, “Ba Sao”, v.v. Chú tu và làm từ thiện vậy, mà bộ thấy chưa yên hay sao, chú còn cải tướng bằng cách hay nhổ tóc làm cho trán cao lên, bởi chiều cao và cái trán chú thuộc hàng thấp nhất trong những người bình thường mà chú cho là “yểu tướng”. Có lẽ, nhờ thành tâm và sống thanh thản nên cả hai ông bà đều sống thuộc hàng thọ ở xứ này. Ngày chú thím qua đời, vợ chồng tôi đều đi viếng với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ và biết ơn!

N.M.N.