Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Văn thơ Hà Sĩ Phu

Bùi Minh Quốc [1]

clip_image002

Những cây thông ào vào Tỉnh ủy

Xin đừng đốn chúng tôi

 

Đó là hai câu kết bài thơ “Những cây thông kêu” của Thanh Thảo đăng trên tạp chí Langbian số 1 tháng 10-1987, vừa phát hành mấy ngày đã gây chấn động. Chấn động ở phía những con người cảm thấy thân phận mình giống với thân phận cây thông. Cùng với Thanh Thảo, có một thi nhân, khi ấy còn kín tiếng, đã phát hiện một thảm kịch khác, rùng rợn hơn nhiều, của thông – không phải những cây thông kêu, mà những cây thông... reo!

Thông reo?

Vâng, thông reo. “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Đẹp thay, hiên ngang thay, sung sướng thay, cái cây thông reo của cụ Nguyễn Công Trứ.

Nhưng chuyện nói ở đây chẳng phải thế đâu, dù cũng nói về thông reo. Loại thông này vốn được người ta trồng làm hàng rào quanh ngôi biệt thự cao sang, nối nhau bằng sợi kẽm gai buộc hững hờ lỏng lẻo. Lúc đầu thì chẳng có chuyện chi, thông cứ hồn nhiên, cứ vô tư mà lớn. Nhưng thông càng lớn, vòng kẽm gai càng trở nên chặt khít, nó cứ thít mãi vào, rồi lặn hẳn vào mình thông. Thông càng cao, sợi kẽm gai cũng được nâng cao theo, và cái khoảng trống dưới chân rào càng rộng thoáng cho kẻ trộm thoải mái vô ra.

Trời xanh, gió lộng, gió dục thông reo. Gió càng lộng, thông càng reo thì sợi dây kẽm gai nằm lẫn trong da thịt tâm can, càng giằng xé, càng gây những cơn buốt nhói, buốt nhói khôn cùng. Ôi, liệu trên đời này có cái vẻ ngoài nào cao đẹp hiên ngang cho bằng cây thông đang reo đó, mà bên trong phải

Ngọn gió lao xao

Kẽm rung, buốt vào tới tủy

Du khách vô tình

Cứ nghĩ

Thông reo.

Thơ Việt nam xưa nay đã nói nhiều về thông. Nhưng cái thảm cảnh vô tiền khoáng hậu nêu trên của thông thì bây giờ tôi mới gặp. Cảnh Prométhée bị xiềng trong thần thoại xa xưa bên trời Tây xem ra chẳng thấm gì. Thông ở đất nước tôi, thời tôi, bị hành hạ tinh vi hơn nhiều.

Đấy là cây thông trong thơ Hà Sĩ Phu.

Vâng, Hà Sĩ Phu. Con người thơ kín tiếng hồi đó, từ 1988 đã được bạn đọc trong và ngoài nước biết đến ngày càng rộng rãi, trước hết qua những bài triết luận, chính luận “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ” (1988), “Suy nghĩ của một công dân” (1990), “Chia tay Ý thức hệ” (1995). Hồ hởi hưởng ứng chủ trương đổi mới tư duy, Hà Sĩ Phu thẳng thắn chĩa bút vào hòn đá tảng của những tư duy cũ kỹ đè nặng đầu óc hàng tỷ con người trên 1/8 địa cầu. Bút chọi đá, đá sủi bọt, bút nhọn hoắt.

Là nhà Sinh học, Hà Sĩ Phu là con người của khoa học, đã đành. Nhưng trước khi là nhà triết luận, chính luận, Hà Sĩ Phu đã là con người của văn chương, của thơ, nhạc. Tôi từng có may mắn được nghe ông tự đệm ghi-ta và hát cho nghe bằng giọng:

clip_image004

Ôi mùa Thu cũ cứ thơ ngây

Cứ thắm như tà áo vẫn bay

Cứ ngát hương cau, mềm bóng liễu

Nhưng không trở lại thế gian này.

(Mùa Thu không trở lại – 1983)

Ai mà chẳng luyến tiếc cái quá vãng rất đẹp như cái mùa Thu cũ thơ ngây ấy. Nhưng nỗi luyến tiếc ở Hà Sĩ Phu nó da diết lắm, bởi ông phải sống cái hiện tại quá đỗi ngao ngán.

Năm 1984, năm Tý, ngồi trong căn nhà ổ chuột, ông viết bài “Gửi bác chuột chủ nhà:

Bác là Chuột, tôi là Người

Người, Chuột xưa nay vốn cách vời

Thời thế đẩy tôi chui ổ bác

Ta đành thương lượng với nhau thôi.

Những câu thơ tả thực ngồn ngộn chi tiết, dồn nén một giọng cười cay đắng, pha lẫn tiếng rên xiết não lòng của người nghệ sĩ trí thức:

Nào ta thương lượng với nhau thôi

Sát nóc trên cao bác chiếm rồi

Còn chỗ dưới sàn, xin với bác

Bảo đàn con cháu bác thương tôi.

Đàn con cháu bác chẳng thương tôi

Có chiếc ghi-ta chúng gặm rồi

Gạo sỏi chúng còn pha cứt chuột

Sách quý gia truyền cắn tả tơi

Cơm áo ừ thì trót tả tơi

Dây điện làm sao bác cắn hoài?

Vẫn biết bác không cần ánh sáng

Tôi viết làm sao lúc tối trời?

Cuộc thương lượng đúng hơn là cuộc xin xỏ, bất thành. Điều xin xỏ cuối cùng, rất đơn giản, rất đương nhiên, chỉ là xin bác Tý, chủ nhà, đứng tên cho cái ổ chung này, cho đúng với thực trạng, cũng bị từ chối. Quái nhỉ? Chỉ xin có mỗi tí ti thế mà cái nhà bác Tý ấy cũng không cho? Tại bác ta ngu? Không đâu. Dân gian chỉ nói “ngu như chó”, “ngu như lợn”, chưa ai nói “ngu như chuột” bao giờ! Ngược lại cơ. Bác Tý đáp lại sự xin xỏ của chàng nghệ sĩ trí thức bằng một cái “nhe răng”. Chỉ lẳng lặng nhe răng thôi, chứ chẳng thèm buông một tiếng “chít chít” gọi là.

Cái ổ chung này bác ngự trên

Phận tôi dưới bác đã dần quen

Thôi bác đứng tên cho phải nhẽ

Thấy bác nhe răng, biết bác... phiền!

Con mắt tinh đời, con tim nhạy cảm của Hà Sĩ Phu, chỉ qua một cái “nhe răng” thoáng lóe lên như tia chớp kia đã nhìn thấu tim đen bác Tý: té ra là bác tối kỵ cái “thói” cứ phải gọi sự vật bằng đúng tên của nó, cái “thói” mà đám trí thức muôn đời cứ đòi hỏi và đam mê. Ừ, tao là chuột, tao làm chủ nhà này thật đấy, nhưng không được gọi đây là “nhà ổ chuột”! Mày bị khốn khổ, mày bị giày vò nhưng chủ hộ thì mày cứ phải đứng tên! Và thế là cuộc “xin xỏ” kết thúc.

Hỡi ôi, cả một xã hội đã xuống cấp, nhem nhếch như cái nhà ổ chuột kia, trong đó văn hóa, văn chương, nghệ thuật bị gặm nhấm, bị cắn xé loạn xị mà không được gọi đúng tên, mà cứ phải dán cái tên hoa mỹ?

Với năm khổ thơ vừa ngậm ngùi vừa trào lộng, Hà Sĩ Phu đã lật tẩy trước toàn nhân loại một thứ “văn hóa” rất đặc chủng đã từng tràn ngập trên 1/8 địa cầu, cái “văn hóa” vỏ một đằng ruột một nẻo, thứ văn hóa mà mà các chế độ Liên Xô và Đông Âu đã dùng để tự vệ nhưng thực ra là tự diệt, để phút chốc rơi vào bãi thải của lịch sử, không thể cứu vãn.

Trào phúng, trữ tình và nhào quyện cả hai, đó là thơ Hà Sĩ Phu. Trữ tình thấm thía trong nỗi luyến tiếc một mùa thu tuyệt vời không bao giờ trở lại. Trào phúng đến cay độc trước những thói đời đểu cáng ti tiện, trước lũ “đĩ điếm” nhà nghề:

Nghề tui đánh đĩ bằng môi

Cốt dân sướng lỗ... tai thôi, cần gì

Giữa tường treo ảnh A-Quy

Nghề ni phải lấy ông ni làm thày

Em ơi chị dạy câu này:

Đĩ Tàu mao ít, đĩ Tây mao nhiều!

Hãy xem ông vịnh con cua:

Cậu chỉ bò mà được tiếng ngang

Có gạch thì sao cứ ở hang

Đã sang sắc đỏ là đi đứt

Màu mỡ khoe chi cái nước... hàng?

Rõ mồn một là con cua nhé.Cơ mà ngẫm kỹ thì cũng chả hẳn chỉ là con cua đâu. Cũng chả phải là chơi chữ chơi màu bông phèng. Mỗi chữ mỗi màu của ông đều chất chứa nông nỗi thế sự. Chữ đối chữ. Nghĩa đối nghĩa.

Tầng nghĩa trên. Tầng nghĩa dưới. Tầng dưới nữa. Ông đưa người đọc cảm khoái từ cung bậc này đến cung bậc khác, quắc quáy thật.

Và tự ông cũng đã thốt lên kinh ngạc khi dấn sâu vào sự kỳ lạ của tiếng Việt, trong sự tương ứng rất kỳ lạ với những nghịch lý quái đản của cuộc đời:

Kẻ không thấy DIỆN

Dân BẦN nên rất TIỆN

CÔNG thì rất NÔNG

Biết TỤNG không biết KIỆN!

Càng LỎI lại càng LEN

Chưa CHÍNH đã đòi CHUYÊN

Tưởng có TIỀN TIẾN

Nghĩ TỔ mình là TIÊN

NGUY BIẾN thì NGỤY BIỆN!

Lớp lớp chữ và nghĩa. Các cặp từ quen thuộc được chẻ đôi ra, lộ ra thêm nhiều nghĩa mới! Cứ đối nhau chan chát. Đọc thấy sướng. Tôi đã nhiều lần vỗ đùi đôm đốp một mình khi vào thăm vườn câu đối của Hà Sĩ Phu.

NGỘ CÓ NGỘ KHÔNG, NGỘ KHÔNG NGỘ, NGỘ KHÔNG LÀ KHỈ!

Chỉ với 3 chữ NGỘ, CÓ, KHÔNG, nhấn đi đảo lại luyến láy đến là thần tình, rồi kết bằng chữ KHỈ. Mới đọc tưởng chỉ có chuyện Khỉ, chuyện Ngộ Không thời xưa bên Tàu. Đọc lại, thấy hiện ra chuyện Người, Người Việt Đại Cồ thế kỷ 20-21, hiện Cái vế xuất đối ảo diệu này có nhiều tầng nghĩa. Tôi chỉ xin tạm bày tỏ cách hiểu của mình về một tầng nghĩa thôi. Hạt nhân của vế xuất đối là chữ NGỘ. Ngộ có 4 nghĩa: 1/ngộ = ta (tao, tớ, mỗ); 2/ ngộ = giác ngộ; 3/ngộ = điên điên dại dại; 4/ngộ = hoặc (hoặc thế này hoặc thế kia, ngộ nhỡ). Ngộ có = tao có. Có gì? Có thể có nhiều thứ lắm, nhưng vốn máu thực dụng, tôi phải nghĩ ngay “có” ở đây là “có của”. Và tôi thấy hiện ra một anh chàng khật khưỡng, nói như thanh minh, như dọa dẫm thiên hạ:

- Tao có của đấy (hữu sản), mà tao cũng đếch có đâu (vô sản), tao chẳng khùng chẳng dại đâu, tao cũng chẳng phải là khỉ đâu!

Đây đích thị là giọng điệu của nhân vật trung tâm trong cái “dòng văn hóa” nói một đằng làm một nẻo, vỏ đỏ tim đen rồi. Càng ra sức thanh minh rằng mình không phải là khỉ thì càng bộc lộ rõ cái trò khỉ, trò xiếc, có có không không, tay này không tay này có, rồi lại tay này có tay này không, vô vô hữu hữu ...

Khi đặc san Văn nghệ số Xuân con Khỉ 1992 đăng vế xuất đối này, và một tờ báo Paris cũng đăng, thì liền được hưởng ứng rất tấp nập, nhiều vế đối xuất hiện.

Xin dẫn vài vế:

- BỒ NHÌN BỒ TÁT, BỒ TÁT BỒ, BỒ TÁT CŨNG YÊU!

- LA HẦU LA HÁN, LA HÁN LA: LA HÁN PHẢI LỪA!

- ĐỒ CHƠI ĐỒ HỌA, ĐỒ HỌA ĐỒ, ĐỒ HỌA LÁ NHO!

Thật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Các bạn đối của Hà Sĩ Phu dù ở phương trời nào cũng bắt đúng ngay cái làn sóng thâm ý ông phát ra. Những con chữ sắc bén luyến láy tài tình của họ cùng ông tiếp tục lật tẩy cái “thói hư tật xấu” giả văn hóa, giả khoa học, giả đạo đức, hư thực nhập nhằng. Ví dụ câu “BỒ NHÌN BỒ TÁT…” thì Bồ-nhìn và Bồ-Tát là 2 danh từ kép nhưng từng chữ Bồ-nhìn và tát lại có nghĩa riêng, Yêu vừa là động từ vừa là Yêu quái, một sự đa nghĩa thú vị.

Xuân Nhâm Tuất 1982, Hà Sĩ Phu bắt đầu trình làng đôi câu đối:

- Này thì có Đối cho ra Tết!

- Đấy rồi không Pháo cũng vào Xuân!

Đón Xuân mà sao nghe cái giọng cứ bực bõ thế nào ấy!

Đúng là bực, bực bởi nghèo. Ngày thường, nghèo đã khổ. Tết nghèo càng khổ gấp bội. Đến bánh pháo cũng chẳng có, chỉ còn mỗi nước làm câu đối cho nó ra cái Tết. Nhưng tôi đồ rằng dưới cái vẻ bực dọc bề ngoài vì nghèo kia ẩn chứa chính nỗi bực dọc của văn chương chữ nghĩa. Bực vì cái cảnh câu đối nhan nhản trên báo Tết nhưng câu nào cũng nhạt thếch, một trăm câu cũng không ra khỏi cái công thức “mừng đảng mừng xuân”, sáo mòn cả nội dung lẫn hình thức. Cho nên ông bật ra một lời “khai chiến”, thách đố với văn chương: Này thì có đối cho ra Tết! (chứ như câu đối của các người thì sao mà “ra Tết” được?).

Chẳng biết ông có nghĩ như thế thật không, chỉ biết rằng từ cái mùa xuân Nhâm Tuất ấy trở đi, Tết nào chẳng hạn Tết 1983, năm CHÓ sang năm LỢN:

- CHO đói đã đi RỒI (DỒI), sang gọi láng GIỀNG vui một MẺ!

- LỢN no đang béo MỠ, cũng như ai DĂM chữ học HÀNH!

(Người miền Bắc thường phát âm chữ rồi = dồi, chữ răm = dăm).

Nói chuyện CHÓ mà có DỒI, có GIỀNG, có MẺ, nói chuyện LỢN mà có MỠ với RĂM HÀNH thì thú biết mấy. Thế nhưng lại có cả chuyện no đói, học hành. Thời ấy ai đói, ai no? Gần như toàn dân đói, chỉ mấy vị phiếu A phiếu B mới được no, no đến phị mỡ. Ông viết thế, có gửi cho báo, giả dụ may gặp được tay biên tập viên nào khoái lối chơi chữ của ông mà trình lên tổng biên tập, thì chắc anh ta sẽ bị hạch: “Lập trường đồng chí thế nào, nhận thức đồng chí thế nào mà lại đưa duyệt loại văn phản động thế này? Đứa nào làm câu đối này là nó ám chỉ lãnh đạo ngu như lợn, có học hành mấy cũng chỉ được dăm chữ, đồng chí có hiểu không? Phải xem lại địa chỉ nó rồi báo cho bên An ninh văn hóa truy lý lịch nó, không chừng lại mò ra ổ sản xuất chuyện tiếu lâm chống chế độ!”.

Mãi đến sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hô “cởi trói”, Hà Sĩ Phu mới có thơ văn câu đối đăng báo.

Tạp chí Langbian số 2-1998 đăng:

- Lắm việc phải LÀM NGAY, MÈO sắp đi rồi, thôi bỏ thói LÀM NHƯ MÈO MỬA!

- Bao điều cần NÓI THẬT, RỒNG đang tới đó, nhưng tránh trò NÓI TỰA RỒNG LEO!

Tạp chí Đất Quảng xuân Canh Ngọ 1990 đăng:

- Cửa công khai, khai rộng thế kia, bọn phủ định lấy chi mà phủ?

- Nền dân chủ, chủ đầy ra đấy, lũ mưu đồ thôi hết đường mưu!

Tuổi trẻ Chủ nhật xuân Tân Mùi 1991:

- Hết khoe một thời, NGỌ ngoạy lắm cũng ra vành móng NGỰA!

- Còn xuất DƯƠNG mấy độ, MÙI mẽ chi mà vểnh sợi râu DÊ?

Báo Phụ nữ thành phố Hồ chí Minh Tết Quý Dậu 1993:

- THÂN tàn chưa hết trò con KHỈ!

- DẬU nát còn che đám cỏ GÀ!

... ... ...

Có một thời tưởng như Câu đối Việt Nam đã chết, tôi muốn nói loại câu đối được viết từ cõi lòng chân thật của người cầm bút. Nhưng không, câu đối Việt Nam không chết. Cùng với hàng loạt những văn chương bác học, tuy không được đăng nhưng người ta vẫn thích thú truyền khẩu cho nhau. Ví dụ cái vế xuất đối sau đây:

Bác bôi tôi không bằng tôi bôi bác!

của nhà thơ Tú Sót tung ra thì nhà thơ Hữu Loan liền ứng đối:

Mày ăn dân hết nước dân ăn mày!

và Hà Sĩ Phu đối tiếp:

Nhà vô địch cứ sợ địch vô nhà!

Tiếp nhận nguồn sữa từ câu đối truyền thống của các nhà nho Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Cao Bá Quát..., từ kho tàng Folklore hiện đại, hấp thụ cả tư duy khoa học khúc triết và sắc bén nữa, câu đối của Hà Sĩ Phu có một sức phê phán đặc biệt mạnh và sâu, dồn nén trong một nghệ thuật ngôn từ điêu luyện. Và tôi tin rằng một vị trí xứng đáng trong văn chương Việt Nam, trong câu đối Việt Nam đã dành sẵn chỗ, dù những tác phẩm ấy chưa được in đầy đủ.

*

Tháng 9 năm 1990, báo Văn nghệ đăng một bài của Hà Sĩ Phu. Không phải thơ hay câu đối. Mà văn xuôi, dài cả trang báo. Một bài phân tích bình luận văn chương, nhan đề “Thằng Bờm”.

Bạn hữu khá ngạc nhiên và mừng cho ông. Những tưởng sau khi bài “Dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ” thì chẳng báo nào dám đăng bài của ông nữa. Luận về bài ca dao “Thằng Bờm” thì đã có khá nhiều ý kiến, có cả phim nữa. Bờm khôn? Bờm dại? Bờm là ai? Cái cười của Bờm chứa đựng thông điệp gì? Cái cười ngu đần hay minh triết? Ý kiến khác nhau, không ngã ngũ rành mạch.

Hà Sĩ Phu đem đến một cách tiếp cận mới, một khám phá, độc đáo và thuyết phục: toàn bài ca dao là một phép thử.

... “Bờm ở đây tuy là một con người thực, nhưng trong chuỗi phép thử của Phú ông Bờm đóng vai một thực thể khách quan, chỉ trả lời phép thử bằng cách gật hay lắc theo kiểu ngôn ngữ nhị phân của máy tính...

...“Tư duy của bài Thằng Bờm về bản chất là tư duy triết, tư duy lôgich, tư duy toán và tư duy thực nghiệm. Trong các khoa học thực nghiệm, chỉ những yếu tố cần đem thử mới được thay đổi còn những yếu tố khác phải giữ hằng định. Ở đây cũng thế, trong chuỗi phép thử của Phú ông chỉ những vật đem thử là thay đổi, còn hành động thử là "gạ đổi" thì lặp đi lặp lại như một quy trình, một hằng số thí nghiệm...”

Từ kết quả của phép thử, Hà Sĩ Phu phát hiện ra rằng hai cách xưng hô “Ông” và “Thằng” (Phú ông, Thằng Bờm) là chỉ dấu của một vấn đề xã hội mấy nghìn năm qua và còn tồn tại chưa biết đến bao giờ: vấn đề sở hữu, vấn đề thống trị và bị trị, lãnh đạo và bị lãnh đạo, cai quản và bị cai quản. Hai cực thống trị và bị trị cũng tất yếu như nhiều hiện tượng tự nhiên “như thanh nam châm phải có cực nam và cực bắc. Ghét cái cực bắc mà chặt nó đi thì tại chỗ chặt sẽ sinh cực bắc mới”… “Trong một cộng đồng toàn Phú ông thì sẽ có Phú ông thất thế mà thành Bờm mới, trong một cộng đồng toàn Bờm thì sẽ có Bờm khôn ngoan hơn mà thành Phú ông mới.

Có anh Bờm khi nắm được quyền, tự tin vào nhiệt tâm cách mạng của mình, tưởng có thể hăm hở giải bài toán nghìn đời về Sở hữu bằng một sắc lệnh, sắc luật, chẳng ngờ vấn đề sở hữu sau mấy chục năm công hữu hóa lại rối bời lên, kéo lùi xã hội vốn đã lạc hậu càng sa lầy trong lạc hậu, khiến bao nhiêu Bờm cũ càng “Bờm” hơn, tạo ra cơ man Bờm mới, tất cả được mang nhãn “chủ nhân ông”, và tạo ra rất nhiều Phú ông mới mang nhãn “đầy tớ”. Việc gỡ rối chưa biết sẽ thế nào.

Anh Bờm thời nay đã được Mác bảo cho biết rằng đời anh gian nan vì cha mẹ anh chẳng để lại cho anh cái gì sở hữu trong tay cả. Bình đẳng, dân quyền, nhân quyền gì gì cũng ở cái gốc 'hữu ' hay '' ấy mà ra.”

Và Hà Sĩ Phu mách cho Bờm một lối ra:

... “Giành được cái '' đã khó thì giữ được cái '' ấy còn khó hơn. Muốn phát huy được cái '' lại phải có cái Trí, chứ không thì lại như anh chàng ngốc nọ, đã '' ruộng, '' tiền hẳn hoi mà rồi bị mấy lão 'quân sư quạt mo' nó 'gđổi' để nhận lấy đàn vt trời, thì có kiện lên tận Thiên đình Trời cũng chẳng đền cho được.”

... “Bờm chỉ có một con đường, tiến tới phía trước để làm chủ đời mình, với cái Tâm trong sáng, cái Trí thông minh, giành lấy sức mạnh tổng hợp của cái “Hữu”và cái “Quyền” để trở thành Ông cho ra Ông, Ông cho đàng hoàng với đời, Chủ nhân thực sự có quyền Chủ nhân!

Phần báo Văn nghệ đăng bài Thằng Bờm kết thúc bằng bài ca dao mới “Vịnh thằng Bờm Đông Âu” như sau [2]:

Thằng Bờm có cái... giấy khen [3]

Phú ông gạ đổi mấy em nàng hầu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy hầu

Phú ông gạ đổi một xâu nhẫn vàng

Bờm rằng Bờm chẳng lấy vàng

Phú ông gạ đổi Thiên đàng tự do

Bờm rằng Bờm chẳng lấy do

Phú ông gạ đổi một kho Nhân quyền

Bờm rằng Bờm chẳng lấy quyền

Phú ông gạ đổi Đa nguyên, Bờm cười!

Tôi đồ rằng đây là một sáng tác của Bờm Việt Nam, để trả lời những gợi ý về con đường tiến tới, con đường Dân chủ-Nhân quyền mà Hà Sĩ Phu ở trên đã nêu ra với Bờm.

BMQ

[1] Trích trong http://hasiphu.com/images/SangTrang2.pdf

[2] Xem báo Văn nghệ tháng 9-1990

[3] Quần chúng dấn thân cho ĐCS cuối cùng chỉ được sở hữu mấy cái Giấy khen như chiếc quạt mo của Bờm vậy.

PH LC: NHỮNG CÂY THÔNG QUANH BIỆT THỰ - Thơ HÀ SĨ PHU

(viết cho những cây thông bị buộc kẽm gai quanh Dinh 2, Đà-Lạt)

clip_image006

Những cây thông đứng làm cọc rào

Ngậm kẽm gai ngập sâu đến tủy

Ứa giọt nhựa, quyện vào sắt rỉ

Đúc bê-tông bền cho những nỗi đau.

*

Vết thương

Ai chém thông đâu?

Thông càng lớn, càng ôm vào gai góc

Những vòng gai buộc lỏng ban đầu

Nhựa vẫn lên, sùi từng ụ lớn.

Mím cập môi sưng

trước vết thương

không bao giờ kín miệng.

Những cây thông tật nguyền

truyền nỗi khổ sang nhau.

Qua sợi kẽm gai đã rỉ từ lâu

Nay đóng vai: Sợi thần kinh

giỏi hơn vai Thủ phạm!

Nhựa vẫn lên, và thông vẫn lớn.

Vẫn xếp hàng, đưa dây kẽm lên cao!

Cái khoảng trống sát nơi mặt đất

Cứ cao thêm cho kẻ trộm chui vào!

Ngàn gió lao xao

Kẽm rung, xiết vào tới tủy.

Để khách vô tình cứ nghĩ…

Thông reo!

HÀ SĨ PHU Đà-Lạt (1987)