Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Nuôi Sẹo (kỳ 2)

Triều Sơn

CHƯƠNG II

NUÔI SẸO đến làm mõ làng Ngò từ năm nào, ít người biết và nhớ rõ. Chỉ còn một số người biết rằng gã đến làng “từ hồi còn mồ-ma ông lý Thinh”. Những trai trẻ trong làng, ngoài phố cũng như những người mới đến đây, xưa nay vẫn thấy đình Ngò, chùa Ngò, con đường sắt, cây đa Mâm Xôi, Nuôi Sẹo, văn-miếu hàng huyện, cái cầu sắt ở đầu phố v.v... Nuôi Sẹo từ lâu đã thuộc vào phong cảnh làng Ngò, phố huyện. Đối với mọi người ở đây, Nuôi Sẹo là một sự đã rồi. Tuy vậy, không phải là người ta không biết đến Nuôi Sẹo. Trái lại, khi cần hỏi đến mặt gã, dáng đi, công-việc, cách- thức sinh-sống, bạn-bè của gã, ai cũng có một vài câu để góp chuyện. Nhất là những người mới đến đây lần đầu, không ai tránh được cái tật tò-mò muốn nhìn mặt, muốn biết mặt Nuôi Sẹo. Về điểm này, mấy người lái lợn ở Hà- Nội tới mua lợn, các cô gái ở xa đến buôn gạo, buôn mạ, cũng như mấy người nghèo đói ở vùng Thái-Bình đến xin ở mướn, làm tá điền cho cụ tuần Đan, hay ông giáo Dậu mới đổi ở tỉnh về. Thành ra người mới cũng như người cũ không thèm chú ý đến Nuôi Sẹo, coi gã thuộc vào phong cảnh phố, làng, thì họ đã nhập-tâm từ đáng đi, quần áo, nét mặt, cách sinh sống của Nuôi Sẹo.

Người ta biết nhất là cái sẹo ở trên mặt gã.

Hỏi người trong làng, ngoài phố tên thần-hoàng làng Ngò là gì, ở chùa Ngò có bao nhiều ông bụt, cái cầu sắt ở đầu phố dài độ bao nhiêu thước thì người ta có thể không biết chứ hỏi đến cái mặt Nuôi Sẹo và cái sẹo ở trên mặt này thì già trẻ, lớn, bé ai cũng biết hết.

Trên mặt Nuôi Sẹo, cái sẹo nằm sóng-soải vắt ngang bên phía tay phải, chạy dài suốt từ mang tai cho đến mép. Ông giáo Dậu ở trường huyện, trong buổi dạy về địa-dư đã ví Biển-Hồ ở Cao-Miên như một cái sẹo trên mặt Nuôi-Sẹo; học trò cười ồ. Và, trong bài địa-dư ấy, chúng nhớ kỹ nhất là cái sẹo. Cái sẹo chia má tay phải Nuôi Sẹo ra làm hai khu-vực rõ rệt: khu trên có cái gò má nhô ra như một trái đồi, khu dưới có cái xương hàm nổi lên như một bờ ruộng.

Đứng giữa hai khu vực ấy, cái sẹo ra vẻ một chướng-ngại- vật làm cho phong cảnh gập-ghềnh má bên này khác hẳn phong-cảnh bằng phẳng vô-vị má bên kia. Bên cạnh cái sẹo là đôi môi thêu-lều tưởng chừng như bao nhiêu thịt ở mặt rút về tập-trung để mà rung-rinh ở nơi đấy, một vùng phì- nhiêu nhất của mặt; đôi môi này lại lộn ngược lại ra điều như bất cần đời mà chìa cái mặt trái đo-đỏ, tim-tím của nó ra, nên để hở-hếch hai hàm răng bừa, cải mả, đứng chen chúc nhau một cách rất vô-chính-phủ, trên hai cái nền lợi thiếu chỗ cho rằng đứng thẳng hàng.

Cái sẹo hình thoi, trường gấp độ bốn lần khoát. Thường thường, nó mầu nâu xẫm, nổi lên trên nền mặt mầu da lươn. Mùa hè nó đỏ ửng, bóng nhoáng như da tủ chè; mùa đông, nó xám xịt như mào gà chết rét. Thực ra, nó thay đổi hình sắc luôn luôn. Có lúc đang tươi màu gạch non, nó xuống màu máu cá, qua màu cánh gián lại ngả sang màu mai cua. Có lúc nó xìu xuống ra chiều ủ-rũ, có lúc rãn căng nhầy lên giần-giật, có lúc chun ngắn lại, có lúc vươn thẳng ra. Có khi nó hiên-ngang như một chiến-lũy biên thùy, có khi lại rầu- rầu buồn thiu như mới bị thất tình. Thậm chí, có khi nó mất cả cái hình thoi cố-hữu của nó.

Còn về lai-lịch cái sẹo, những người tò-mò nhất của làng, phố cũng không được biết rõ. Có người nói: Nuôi Sẹo ngày xưa đánh nhau với một anh hàng phở; anh này nhân cơn tức vì chuyện vợ đánh ghen, trong lúc đang thái bánh phở, cầm luôn con dao mới sáng loáng chém vào mặt Nuôi Sẹo. Người khác chủ-trương: Nuôi Sẹo trèo cây sung ngã, bị cái cọc tre một thước ba-mươi phân đâm thẳng vào mặt. Cũng có người lôi đến cả một dã-sử oai-hùng vai chính là Nuôi Sẹo: một đêm gã đi đánh cướp, bị tên cướp dùng chiên đánh vào mặt, vết thương sau được nắm lá thuốc dấu của một anh thuốc ế rịt, khỏi.

Đó là những giả-thuyết thông-hành nhất. Nhưng có một số người đã bài-bác: dao phở chém không thể để lại di-tích dài rộng chiếm một phần tư cái má; cướp đâm làm gì có đòn nào lại khéo tạo ra được một cái sẹo hình thoi gọn-ghẻ thế; còn cọc đâm thì không sao có thể để lại cái kỷ-niệm trường gấp bốn lần khoát như thế này. Chung-qui, giả thuyết chỉ là thuyết giả. Và, những người thận trọng lời nói đều cho rằng bí mật vẹn toàn bí mật; các giả thuyết chỉ có giá-trị những chuyện đồn nhảm chung quanh một nhân-vật nổi tiếng mà thôi.

Có người đã mang chuyện này ra hỏi thẳng Nuôi Sẹo, gã chỉ cười nhạt, lảng đi. Gã cho rằng gã đã là Nuôi Sẹo thì dĩ nhiên phải có cái sẹo ở mặt, vì lẽ nếu chẳng có cái sẹo thì sao gã còn là Nuôi Sẹo được. Gã đã có cái sẹo thì tất nhiên tên gã là Nuôi Sẹo, mà tên đã là Nuôi Sẹo thì tất-nhiên phải có cái sẹo. Rõ như ban ngày thế mà người ta cứ phải tìm-kiếm, hỏi-han mãi. Lần-thẩn quá, Nuôi Sẹo nghĩ.

Chức dịch trong làng có bất-cứ việc gì cần báo cho người làng biết, là Nuôi Sẹo phải cầm mõ đi rao: mời các cụ đi họp việc làng; gọi tráng-đinh đi phu sửa đường, đắp đê; gọi dân làng đóng thuế vào vụ thuế; mời mọi người ra đình nghe quan hiểu-dụ... Những lúc này, Nuôi Sẹo một tay cầm mõ gốc tre đực, một tay cầm cái dùi tre. Đến đầu xóm nào, gã cốc-cốc ba hồi thì chó trong xóm đổ dồn hết ra đường để sủa; trẻ con, người lớn nghe thấy tiếng mõ lẫn tiếng chó sủa chạy xô ra cổng nghe-ngóng. “ Ki... ki... ki... ki... kính mơ... mơ... mời...” Gã rao lắp bắp, líu lưỡi. Người làng nghe quen, hiểu ngay gã muốn nói gì. Trẻ con chỉ trỏ cười và nhại gã “ki... ki...”. Khi Nuôi Sẹo cầm mõ thất thểu đi xóm khác thì vài con chó con gâu gâu sủa vòng theo, chúng đã chạy về báo cho cha, anh biết.

Nuôi Sẹo bận việc nhất vào những lúc làng có việc đình đám, hội hè: gã phải quét dọn ngoài đình, hầu-hạ các ông đàn anh, gánh phần làng theo tuần tráng đem đi biếu. Bù vào chỗ đó, hầu hạ xong, gã được chễm chệ – cầm như cụ tiên chỉ – một mình một mâm ở góc đình mà không ai tranh-giành gì với gã.

Trong những ngày đám làng hay khi tư-gia trong làng, ngoài phố có việc hiếu, hỷ, Nuôi Sẹo đặc-biệt hoạt-động trong việc giết lợn, trâu, bò.

Người ta không biết gã bắt đầu chọc tiết lợn tự bao giờ nhưng ai cũng phải nhận là gã chọc tiết thạo. “Nó giết lợn như người ta cắt cổ con gà”, ông trương Nghê thường khen Nuôi Sẹo. Con vật nằm trên chõng tre, chìa cổ trên cái chậu sành chỉ kêu được nửa tiếng “éc” khi lưỡi dao bầu của Nuôi Sẹo tiến vào cổ nó, làm toé xuống chậu một suối máu ngầu bọt. Trâu bò để thịt, Nuôi Sẹo chỉ cầm búa nhọn quai một cái vào gáy, tức thì con vật quệnh-quạng rồi lăn đùng ra. Ai cũng nhận đó là cả một nghệ thuật tinh-vi, phải bao nhiêu năm kinh-nghiệm mới có được. Lão Hai Thuôn chuyên nghiệp giết lợn, trâu, bò để bán chợ, cũng phải chịu là Nuôi Sẹo thành-thạo.

Ngoài việc giết lợn, trâu, bò, người làng còn thường nhờ Nuôi Sẹo mổ chó giúp. Thỉnh-thoảng người ta lại thấy gã đi trên đường làng, kéo theo sau một con chó vừa lết bốn chân, vừa sủa oang oang, và gậm cái dóng tre ở đầu xích, trong lúc chó quanh đó sủa rầm rĩ. Nuôi Sẹo đập chết con chó, mổ, làm lòng, thui cho đến lúc miệng nó nhăn cả hai hàm răng nhọn-hoắt, da nó vàng đều màu mật mía, bắt đầu nứt nẻ để hở thịt trắng, gã mới thôi. Tất cả các công việc này, gã làm gọn ghẻ, như người đàn bà ngồi dệt trên khung cửi.

Nuôi Sẹo còn giúp việc chôn người, cải mả. Gia đình nào trong làng, ngoài phố có người chết, đều phải gọi Nuôi Sẹo để gã mang cuốc, mai, thuổng, đi đào cho cái huyệt. Đến khi áo quan đã được đặt vào huyệt rồi, người đi đưa đám vứt vài hòn đất lên, còn công-việc lấp huyệt, đắp mồ cũng lại là việc của Nuôi Sẹo. Những nhà nghèo có người chết không thuê được đòn làng hay đón hội-thiện ngoài phố, phải nhờ gã để gã gọi thêm người đem áo quan đi chôn. Trẻ con nhà nghèo chết, Nuôi Sẹo chỉ việc vác cái áo quan nhỏ trên vai, chân đi dậm thuổng mà người nhà đứa trẻ chết phải im khóc để chạy, hay chạy đến quên khóc mới theo kịp gã. Còn nhà nghèo hơn nữa, không có tiền mua áo quan, phải bó chiếu: xác lớn thì Nuôi Sẹo và một người nữa cùng vác, xác nhỏ thì Nuôi Sẹo vác một mình hay cặp nách, đem đi vùi quấy-quá ngoài đồng. Ở tha ma làng, có khi trẻ chăn trâu để trâu quấy phá, rúi mạnh vào các mả mới làm trơ xác chết lên, người ta vẫn phải gọi Nuôi Sẹo ra chôn lại.

Người trong làng, ngoài phố còn đồn câu chuyện sau đây: Năm ôn-dịch, “loạn âm” đã lâu, người ta chết như ngã rạ, xác chết chôn không kịp. Chùa làng Ngò có ba sư ông đều bị “quan ôn bắt lính đem đi”. Sư cụ giấu hai xác chết trong buồng, gọi Nuôi Sẹo đến chôn xác thứ ba nằm ở nhà tổ. Nuôi Sẹo vác xác này đi chôn giữa bao nhiêu mả mới. Quay về chùa, gã thấy một xác chết và sư cụ đứng bên nói: “Mày chôn thế nào không cẩn-thận để nó bò về đây chết lại. Phải chôn đền tao đi”. Nuôi Sẹo mang xác này đi chôn. Gã quay về chùa lại thấy một xác chết và sư cụ bấy giờ nổi sân- si, nghiến răng ken-két: “Mày chôn bậy-bạ thế nào để nó lại về chết ở đây nữa. Bá ngọ mày chôn đền lại mau lên không có mày chết bây giờ”. Nuôi Sẹo lại hùng-hục vác xác này đi chôn. Chôn xong, khi trở về, thấy một bóng đen lù-lù ở đầu một ruộng khoai, gã lẩm-bẩm cầu kinh: “Mẹ mẹ mẹ mẹ mẹ mày lạ lạ lại về, cò cò cò còn ngồ ngồi ỉa ở đây... đây”. Gã liền vác cuốc đập trúng đầu: bóng đen kêu thét lên, lăn quay ra. Nuôi Sẹo mang xác này đi chôn, miệng lầm bầm chửi: “Mẹ mẹ mẹ mày khôôôn quá. Tha thay quần áo mơơơới về, tư tư tưởng ông khô khô khòôông biết”. Nuôi Sẹo trở lại chùa lần này rất hài lòng thấy lão sư ông chết không trở về chết lại ở chùa nữa. Gã lĩnh tiền công bước ra thì trống điếm làng vừa điểm tàn canh, gà đã gáy ran khắp cả.

Thường thường người làng, phố vào vụ xuân đầu năm, hay cải mả cho ông bà, cha mẹ chôn đã được từ ba năm trở lên. Lúc ấy, người ta cần đến Nuôi Sẹo vì trong nghề này, gã cũng có biệt tài. Nhiều vụ cải mả khó khăn trong đồng ngập, Nuôi Sẹo phải lội xuống nước, mò từng cái xương một, để lên mô đất cao, xương đầu ra xương đầu, xương sườn ra xương sườn, xương bả vai ra xương bả vai... Gã chắp tất cả các xương vào cho được hình người, nhìn thấy đủ, gã mới chịu nhặt tất cả bỏ vào tiểu sành.

Nuôi Sẹo thích việc chôn người, cải mả lắm vì không những gã được tiền công, được ăn uống no, say, đem phần về, lại còn được “ngoại tài”. Số là mỗi đám ma, thế nào gã cũng cầy-nhầy, vò đầu, vò tai, xin được cái áo, cái quần rách hay mèng nhất cũng được đôi guốc cũ. Lão ba Đèn, quen thân với Nuôi Sẹo, gọi các thứ này là “quà của người chết”. Nhiều vụ cải mả nhà giầu, Nuôi Sẹo vớ được, trong đám xương, khuyên vàng, xà-tích, ống vòi bạc đem về cho Ba Đèn cầm đi bán. Ngoài ra trong lúc cải mả, thường-thường gã bắt được ở dưới huyệt những con cá trê béo vàng. Gã xâu lại, xách về để nấu với dưa chua.

Những hôm phiên chợ huyện, Nuôi Sẹo bận việc ở ngoài chợ.

Ngày xưa, khi chợ này chỉ lèo-tèo có vài cái quán gianh thì các chức dịch trong làng cho Nuôi Sẹo được tự do xin một xu, một trinh hay nắm gạo, mớ khoai của những người bán hàng, để trả công cho gã phải quét chợ sau khi chợ tan và cũng để đền công Nuôi Sẹo hầu-hạ làng không lương. Nhưng từ ngày cụ tuần Đan về làm tiên-chỉ làng, cụ lớn hô- hào quyên tiền để xây hai quán ngói, rồi bầy đặt ra những vé xanh đỏ để cho tuần đem dán vào các chồng hàng, các gánh hàng ngoài chợ mà lấy tiền bỏ vào quỹ làng, thì Nuôi Sẹo cũng mất cái khoản ngoại tài này. Tuy vậy, ngày phiên chợ, gã vẫn quanh-quẩn ở chợ đi lang-thang từ quán nọ sang quán kia xem có ai sai vặt thì làm, rồi xin vải đậu cháy, đẩn mía, củ khoai lang, miếng bánh đúc. Đến chiều khi chợ tan, gã vẫn phải cầm cái chổi dài tha-thẩn quét chợ như đã bao nhiêu năm về trước.

Khi ma chay, khao cưới và hội làng, đình đám đều không; cũng không gặp ngày phiên chợ, các nhà giầu trong làng ngoài phố thường mượn Nuôi Sẹo làm khách nợ. Những hôm này, gã mang một cái gậy tre đực, khoanh đen khoanh vàng (vì đã bị hơ lửa để uốn) đầu có cắm đinh bù loong. Những con nợ vô-phúc nhận ra ngay Nuôi Sẹo khi nhìn thấy đằng xa một thằng đầu tóc bù xù, bụi trắng xóa, quần áo rách như tổ đĩa, chân đi vòng kiềng, bước dậm thuổng cạnh cái gậy. Mới đầu họ cho con ra rình ngoài cổng xóm, xem có Nuôi Sẹo đến thì đóng cổng lại rồi trốn. Nhưng Nuôi Sẹo tới nơi cứ phá cổng, phá hàng rào mà vào trong nhà rồi ở lì đấy, lấy nồi, niêu, gạo để nấu cơm: lấy dưa, cà để ăn cơm. Gã sống như ở nhà mình, ra vẻ không vội đi. Chủ nhà cuối cùng không dám bỏ nhà để Nuôi Sẹo phá phách, phải đem vợ con về khất nợ với Nuôi Sẹo. Thành ra, sau này không ai đám bỏ nhà trốn gã hết.

Khi đòi nợ, Nuôi Sẹo bầy nhầy đi nhắc lại hàng trăm lần mỗi một câu: “gi gi giả đi” “gi giả đi”, luôn luôn điểm những “đe đe đe đe đéo đéo mẹ”. Vì gã cho việc gã chửi các con nợ cũng tự-nhiên, hợp-pháp như chuyện các đàn anh làng Ngò sai bảo, đánh mắng gã, trẻ con làng, phố trêu chọc gã, chó chạy theo gã sủa gâu gâu.

Đòi nợ “giả đi...” và chửi lắp-bắp, lem-bem chán miệng, Nuôi Sẹo lê ra ngồi ở đầu hè, lối cửa ra vào. Ngồi buồn, gã đứng đậy đi ra sục sạo trước nhà sau nhà. Lúc này, chó không tự ý sủa gâu-gâu Nuôi Sẹo cũng cầm gậy trêu cho chúng sủa ầm ĩ. Gã ra vườn phá bưởi, cam, nhãn, ổi,..., và nếu không có cây hoa-quả, gã phá cái bờ rào tre, bẻ vài cái măng non chơi.

Loanh-quanh chẳng mấy đã tới bữa cơm. Nuôi Sẹo ăn năm sáu bảy bát rồi quăng đũa, bát ra đó, nằm lăn quay, gối đầu lên bậc cửa ra vào, ngủ há hốc miệng, nước giãi chảy dòng dòng xuống mặt đất. Ngủ dậy, gã rụi mắt, vươn vai, vuốt cái sẹo rồi lại chơi lê-la, ra phá vườn, trêu chó, buồn buồn, gã lên giọng mần tuồng: “ ô ô ô mà mà mà mẫu hậ hạ ậậậu ơi là là là mâ mâ mâ mẫu hậu ơi, ây ây ây ây...”, một đoạn trong bản tuồng “San-Hậu” hát nhiều lần ở đình Ngò. Chó đã im tiếng, nghe thấy Nuôi Sẹo ca, lại gâu-gâu một hồi, chán miệng rồi lại thôi. Nuôi Sẹo đòi “giả đi”, chửi lắp-bắp lem-bem một thôi rồi lại ngủ; ngủ dậy, lại ăn, lại mần tuồng. Cứ thế suốt ngày, có khi tới ngày hôm sau, hôm sau nữa... Đến lúc con nợ trả xong nợ, chủ nợ gọi gã về hoặc làng có việc, tuần đến tận nơi lôi gã về, gã mới chịu nhả con nợ ra.

Tuy làm được nhiều việc như vậy mà có khi Nuôi Sẹo cũng thấy không có việc gì để làm. Lúc ấy, gã đi lang-thang khắp trong làng ngoài phố. Cứ trông cái dáng gã đi, người ta cũng biết ngay là gã rảnh-rang liền gọi gã và sai gã làm bất cứ việc gì: khuân vác, đẩy xe, thổi cái bễ, đập mấy nhát búa, kéo phụ súc gỗ, bắc lại cái cầu ao, sửa cái chuồng lợn, rửa vài vại đường, lăn mấy thùng rượu. Công việc xong, người ta cho gã dăm ba xu, một hào, cút rượu hay bát cơm nguội.