Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Nuôi Sẹo (kỳ 1)

Chúng tôi xin đăng lại Nuôi Sẹo của Triều Sơn một tác phẩm đăng dang dở trên nguyệt san Tình Thương của Sinh viên Y Khoa Sài Gòn, qua 29 số báo, khởi từ số 1 năm 1964, để hiến cho người đọc một tư liệu quý về một tác giả cho đến nay vẫn ít được biết đến.

Xin cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư đã có nhã ý gửi tặng cho Văn Việt bản đánh máy lại tiểu thuyết Nuôi Sẹo của Triều Sơn.

Văn Việt

Lời kêu gọi đã được chúng tôi đáp ứng

Cách đây 52 năm, trên tạp chí Văn số 34 chủ đề Truy niệm Triều Sơn phát hành ngày 15-5-1965 có đăng lời kêu gọi thành lập một ủy ban sưu tầm và tập trung bài vở sáng tác và bản thảo của nhà văn Triều Sơn:
loikeugoi

Mặt khác, Damau.org vào ngày 20-1-2010 cũng kêu gọi sưu tập những trang sách tiểu thuyết Nuôi Sẹo của Triều Sơn:

“Ngay từ số báo đầu tiên, Tình Thương đã cho khởi đăng cuốn tiểu thuyết xã hội của nhà văn Triều Sơn. Triều Sơn là bút hiệu của Bùi Văn Sinh (sinh năm 1921; mất năm 1954 lúc chỉ mới 33 tuổi).  Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ 1946, mọi người phân tán, Triều Sơn thì dấn thân đi làm thợ mỏ than Hòn Gai một thời gian trước khi vào Sài Gòn làm báo và viết sách. Con Đường Văn Nghệ Mới là một cuốn biên khảo do nhà xuất bản Minh Tân (Paris) phát hành vào đầu thập niên 1950. Riêng tiểu thuyết Nuôi Sẹo vào thời điểm Tình Thương xuất hiện vẫn còn ở dạng bản thảo, báo Tình Thương đăng chưa hết thì bị đình bản và bản thảo duy nhất viết tay ấy thì nay đã bị thất lạc. Hiện giờ, chúng tôi chỉ mới sưu tập được một chương VIII duy nhất từ Tình Thương số 9.  Hy vọng qua Da Màu, với những số báo Tình Thương còn tìm thấy, từng trang sách tiểu thuyết Nuôi Sẹo sẽ được nối kết lại – cho dù chỉ còn là một tác phẩm dở dang nhưng đó vẫn là một mảng văn học độc nhất vô nhị của một thời kỳ biến động nhất của đất nước.”

Nay tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã làm được phần nào việc này. Qua thư viện đại học Cornell, tòa soạn đã mượn được  những sách báo có liên hệ đến tác giả Triều Sơn. Đặc biệt là 29 số báo Tình Thương đã đăng 12 chương tiểu thuyết Nuôi Sẹo trước khi bị đình bản và tạp chí Văn số 34, với những luận thuyết về văn học, văn và thơ.

Tòa soạn đã ra công đánh máy và đăng lại toàn bộ 12 chương Nuôi Sẹo cũng như những luận thuyết về văn học rất quí hiếm này trong Thư Quán Bản Thảo số 77 phát hành tháng 11 năm 2017 số đặc biệt chủ đề  nhà văn Triều Sơn.

Trần Hoài Thư

image

 

triều sơn

(trích từ nguyệt san Tình Thương)

nuôi sẹo

THƯ QUÁN BẢN THẢO SƯU TẬP

từ các số báo TÌNH THƯƠNG – Nguyệt san của Sinh viên Y Khoa Sài Gòn (1964-1967)

 

Lời giới thiệu của nguyệt san Tình Thương

Nuôi Sẹo là một tác phẩm mà nhiều nhà văn Việt-Nam tìm đọc từ hơn mười năm nay. Cuốn truyện đã không thể xuất bản được ở miền Bắc, Сộng Sản. Nó cũng không thể ra đời được ở miền Nam dưới chế độ cũ, độc tài. Tác giả là Triều Sơn, một sinh viên đã rời mái trường để đi làm cách mạng, đã làm đủ nghề, đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới. Và Triều-Sơn đã chết ở Ba Lê khi Nuôi sẹo sửa được gần xong tập đầu mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu ở đây.

Nhưng vài dòng ngắn ngủi này không thể đủ để các bạn, nhất là các bạn trẻ, biết rõ Triều-Sơn và Nuôi Sẹo. Bởi vậy chúng tôi xin nhường chỗ cho Trần Ngọc, một người bạn thiết của Triều-Sơn viết “kỷ niệm về Triều-Sơn”. Trần Ngọc đã gặp lại Triều-Sơn ở Ba Lê sau 15 năm xa cách và đã làm quen với Nuôi Sẹo ở đó. Triều Sơn đã sống những ngày sau cùng của chàng với Trần Ngọc.

Cuộc tao ngộ đó đã là cái nhân cho sự ra mắt của Nuôi Sẹo ở đây.

Và chúng tôi xin ghi đậm một nét chân thành cám ơn Trần Ngọc [một bút danh của giáo sư Trần Ngọc Ninh – Văn Việt], người đã cho chúng tôi cái hân hạnh đón chào Nuôi Sẹo. (LTS Tình Thương)

(trích từ nguyệt san Tình Thương số 1 tháng 1-1964)

TRẦN-NGỌC

MƯỜI LĂM NĂM ẤY

Kỷ Niệm về TRIỀU-SƠN

Tôi không biết làm thế nào để nhìn thấy trong một người trẻ tuổi cái mầm của tài năng.

Tôi bắt đầu quen Triều-Sơn khi vào lớp Toán Chuyên khoa, năm 1939. Tôi còn nhớ Triều Sơn nói với tôi, khi hai người vào ngồi cùng một ghế:

- Có anh em cũ thì học cả Toán cho vui, nhưng tôi học Triết cũng thích.

“Anh em cũ” là hai anh bạn khác, cùng học với Triều-Sơn những năm về trước ở trường Bưởi nhưng ngay từ buổi đầu ấy, tôi cũng đã là “anh em cũ” của Triều-Sơn.

Năm ấy Triều-Sơn mười tám tuổi, người to lớn, má đầy, mặt trắng nổi lốm đốm những mụn nhỏ của thiếu niên, tóc thưa và chải lật về đằng sau, mình đóng một cái áo the đen. Cả lớp chỉ có hai chúng tôi mặc ta, nhưng có lẽ đấy là hai điểm độc nhất giống nhau.

Triều Sơn thích đọc Triết hơn Toán, và tôi thích học Toán hơn Triết. Thực ra thì Triều Sơn đã tiến sâu vào Triết học từ khá lâu rồi; khi mới học năm thứ ba Trung học phổ thông, anh đã đọc hết Kant, Fichte và Hegel; ảnh hưởng của Triết học Đức sau này còn sâu xa hơn nữa vào anh, qua Marx, qua Husserl, nhưng Triều-Sơn không phải là người của một dòng tư tưởng, và anh đã học cả Triết lý cận đại của Âu châu lẫn triết lý cổ Phật-Lão của Á đông. Hơn nữa, Triều-Sơn ngay từ lúc ấy đã có một cái công phu suy- nghĩ sau này sẽ đưa tư tưởng của anh vượt lên trên những lý thuyết vụn vặt của các môn phái. Tuy vậy mà trong lớp, không có dấu hiệu gì tỏ ra rằng Triều-Sơn đã hiểu biết nhiều như thế; số điểm của anh chỉ vào hạng trung bình, kể cả về triết học: có lẽ cái mầm vẫn còn thu hình trong hạt, hoặc giả những ý nghĩ đã có chút đặc sắc của Triều Sơn không hợp với cách học trọng hư văn trong các trường chăng?

Sau khi đậu Trung học, mỗi người chúng tôi theo một ngả đường. Triều-Sơn, người không thích Toán, lại vào lớp Toán học đại cương. Nhưng Triều-Sơn không học Toán vì Toán; suốt ngày, tôi gặp anh ở thư viện, đọc về triết lý của toán học; những sách của Whitehead, của Bertrand Russell, của Hamilton được giũ bụi thời gian và ăn sâu vào óc của người sinh viên trẻ tuổi. Hồi ấy anh chỉ nói chuyện về (vô cùng), về (số giả), về cách luận lý trong toán học, về căn bản của sự hiểu biết. Kết quả là cuối năm, sau khi thi hỏng, Triều-Sơn bỏ học nhưng hài lòng vì đã lấp được một lỗ hổng trong tư tưởng.

Trong ít lâu, tôi không gặp Triều-Sơn nữa. Thời kỳ này mới chính là thời kỳ nảy nở của tài năng. Cái gì đã làm cho cái mầm nảy lá, đục đất và vươn lên trời xanh? Sau này, khi Triều-Sơn viết “Con đường văn nghệ mới”, anh sẽ nhấn mạnh về điểm phải gần dân chúng; văn nghệ sĩ nào xa dân chúng sẽ cằn cỗi, hoặc trụy lạc tinh thần; đi vào quần- chúng, sống với đại chúng, hòa nhịp sống của mình vào đời sống chung, phải là phương châm của văn nghệ sĩ tiền phong. Đấy là một lời khuyên sống: quần chúng đã rèn luyện tài năng của Triều-Sơn, đã nuôi tinh-thần của Triều- Sơn, đã nung đúc tư tưởng của Triều-Sơn. Anh lăn mình vào cách mạng, làm thợ ở mỏ than Hòn gay, làm hành chính ở Hải dương, dạy học ở Phú thọ, làm phu ở dưới tàu, lưu lạc qua Quảng đông để chung-đụng với người dân Trung hoa mới, ở Hồngkông, Tích lan, đi Phi châu làm thợ nguội, rồi về Pháp, sống νới anh em lính thợ ở Mạcxây, Bocđô và Balê. Và tôi gặp lại Triều-Sơn ở Balê.

Thực ra thì giữa quãng, tôi còn gặp Triều-Sơn vài ba lần khác, - thời gian vội vàng của một cuộc lên bộ, - nhưng cũng không có gì đáng kể. Một bữa thì anh mới ở ngoài Khu vào, và nói chuyện về những thắc mắc tinh thần mà duy vật lịch sử không giải quyết nổi; một bữa khác, anh bàn luận về quan niệm của Trang tử về tự do; một bữa nữa, phê bình văn nghệ, và nói chuyện về sự trụy lạc của người trí thức bị khoa cử đưa đến một con đường danh lợi dễ dàng xa cách hẳn với đời sống của người dân cần lao. Rồi Triều Sơn vào Sàigòn làm báo, giũa ngòi bút trong những truyện ngắn, trong những bài thơ tự do (dưới tên là Ninh Huy), hay thơ trào lộng (dưới tên Thang Thang), hoặc tranh luận về Nghệ thuật, về Triết lý hay về những vấn đề xã hội. Trong khoảng này, anh viết bản kịch thơ Giặc Cờ đen kể sự thức tỉnh của một tâm hồn thấm nhuần Phật học trước sự đau khổ hiện tại của cả dân tộc. Giặc Cờ đen có một cấu tạo rất cổ điển; Triều-Sơn đã khéo phù hợp cách dệt những bi kịch Hy lạp vào xã hội của Việt nam và dùng lời thơ cổ phong, khi âm-u, khi thâm trầm, khi dồn dập, để tả tâm tình của các nhân vật. Tuy thế sau này, Triều-Sơn có nói rằng về phương diện thơ thì Giặc Cờ đen chỉ được có vài câu là anh vừa ý; về phương diện kịch thì sự thành công chắc chắn hơn, nếu anh có thì giờ để thực hiện sự ra mắt của vở kịch trên sân khấu.

Nhưng lúc ấy Triều-Sơn còn ôm trong người cái mộng lớn về Nuôi Sẹo.

Nuôi Sẹo là gì? - Tôi gặp lại Triều-Sơn trong một căn phòng nhỏ hẹp, méo mó, chật sách, than và giấy ở phố Bièvre, quận năm Balê, và cũng làm quen với Nuôi Sẹo ở đó. Nuôi Sẹo là nhân vật chính của một tiểu thuyết dài về xã hội Việt nam trong buổi cuối cùng của thời thuộc Pháp. Làm mõ làng, chuyên nghề đòi nợ thuê và chôn người, Nuôi Sẹo là một con sâu bọ trong cái xã hội có tôn ti trật tự của một làng Bắc-Việt, Triều-Sơn đã muốn nhờ con mắt của Nuôi Sẹo để tả cái xã hội phong kiến ấy, rồi lại nhờ con người của Nuôi Sẹo để mở hé một cái quan niệm về cuộc đời.

Đây không phải là một chuyện dễ. Một bức họa đồ sộ đòi hỏi công phu và thì giờ rất nhiều: Triều-Sơn để vào đó năm, sáu năm của anh, lúc nào cũng cặp chặt tập bản thảo trong người, từ Khu ra Hà nội, và trong tất cả những chặng đường luân lạc của anh; xúc than nuôi lò cả ngày, buổi chiều tối lại trút bộ áo xanh của người phu tàu ra để chữa một hai câu văn; hoặc là nằm ở Yiễm-Yiễm thư trang, sửa lại vài đoạn chưa được vừa ý. Lúc nào trong đầu óc anh cũng có Nuôi Sẹo; Nuôi Sẹo chưa ra đời mà làng văn Việt nam đã biết cả hình dáng của gã, các nhà xuất bản đã tranh nhau đỡ đầu cho gã, đã có nhà văn Pháp hẹn với tác giả để dịch truyện gã sang tiếng Pháp, đã có họa sĩ đi tìm tài liệu để vẽ lại vài cảnh trong cuộc đời gã. Triều-Sơn cứ đắn đo, sửa chữa xóa bỏ, thêm thắt, và để vào đấy tất cả cái sức khỏe của anh, cho đến ngày không cầm được bút nữa. Nhưng bức họa xã hội không phải là cái khổ tâm chính của Triều-Sơn. Cái khổ tâm của Triều-Sơn là Nuôi Sẹo, là con người Nuôi Sẹo, là tâm lý Nuôi Sẹo. Một bữa tôi nói chuyện với Triều-Sơn về sự cấu tạo nhân vật trong tiểu thuyết.

NGỌC:

- Cái liên lạc giữa tác giả và nhân vật như thế nào?

TRIỀU-SƠN:

- Người mới viết truyện hay lấy tâm lý của chính mình ra mà truyền cho nhân vật; nhưng một nhân vật còn cuống rốn thì sống trong truyện thế nào được?

NGỌC:

- Anh có tin rằng Nuôi Sẹo sống không?

TRIỀU-SƠN:

- Đối với tôi, Nuôi Sẹo sống chứ; mình tạo ra nó, tưởng rằng muốn bắt nó thế nào nó cũng phải chịu; mới đầu thì thế thực, nhưng rồi có lúc nó cưỡng lại mình, mà mình phải nhịn nó...

Thỉnh thoảng tôi đi uống nước với Triều Sơn ở khu Saint- Germain-des-Prés, - khu văn nghệ của Balê, - có một cái quán càfê, cửa sơn màu đỏ hung, nhỏ nhắn và ấm áp, lúc nào cũng đông khách; khi nào vào đấy thì Triều-Sơn ngồi hằng giờ không đứng dậy, với một chén suc-cu-la bốn mươi lăm quan. Tại sao Triều-Sơn thích cái quán ấy, tôi không biết. Ở Balê, anh có giao thiệp với các văn sĩ Pháp, - Vercors, Marcel Aymé, Jean-Paul Sartre; có lẽ vì sự gặp gỡ của anh với những nhà văn ấy thường dùng cái khung cảnh của quán này. Cũng có lẽ rằng Triều Sơn hay tới họp ở hội Triết học cũng ở khu ấy, - đã có lần anh tới diễn giảng ở hội, - và khi ra về quen rẽ vào quán đó. Ngồi đấy với Triều-Sơn, tôi đã được nghe anh nói cho nghe về những vấn đề trong Nuôi Sẹo.

Về giá trị các nhân vật trong truyện, TRIỀU-SƠN: “Những nhân vật phụ đặt những vấn đề rất kềnh càng. Ở một đầu này, nhân vật phụ chỉ là những cái bóng không hồn: đó là trường hợp những tiểu thuyết tâm lý, thí dụ tiểu thuyết của Paul Bourget. Ở một đầu kia, trái lại, nhân vật phụ rất sống và che lấp cả đời sống của nhân vật chính: trường hợp những truyện họa đồ xã hội (roman-fresque sociale). Ở giữa hai kỹ thuật ấy là Dickens: Dickens tả nhân vật phụ với những nét quá đáng, thành những hoạt họa cực kỳ linh động, nhưng giữ nguyên tính nết của nhân vật phụ từ đầu đến cuối truyện, trong khi nhân vật chính vẫn sống và tính tình nảy nở ra được. Trong cái thế giới của làng Ngò, sự nảy nở của Nuôi Sẹo cũng chạm phải sự sống của những nhân vật phụ: nhưng trừ một vài nhân vật chỉ được phác họa thôi, còn những nhân vật phụ khác cũng biến đổi tính nết trong khi sống, Trong đời sống thường, đấy là một điều không thể tránh được; tại sao trong truyện lại bắt họ ngừng đọng?”.

Về cách tả tâm tính nhân vật, TRIỀU-SƠN: “Nuôi Sẹo đái trên đường xe lửa. Đấy là một thói quen của gã. Nhưng ngay một cử chỉ tưởng là hoàn toàn thói quen, cũng có những lý do thầm kín. Hôm ấy trời mưa, Nuôi Sẹo không có việc gì làm để kiếm chác ít tiền, đi ra ga để đón tàu. Nuôi Sẹo nghĩ đến thằng hủi Tấn, không những đã được cái lò gạch hoang, lại còn tranh việc đòi nợ thuê của gã. Cái tấm tức của gã trước sự bất công của các đàn anh trong làng, cùng họ với thằng hủi, biểu lộ ra trong cái cử chỉ đái trên đường xe lửa, - con đường đưa đến trung tâm sinh hoạt của làng. Nuôi Sẹo ra ga, giữa đường nhìn thấy mấy cái xe tay ướt-át, ì ạch, rồi thấy mấy người ăn mày nằm ngủ trong cái điếm trống, mưa gió lùa vào. Ngoài sân ga, một người khách đợi tàu đang ngồi ăn bún cạnh một chồng hàng, Nuôi Sẹo đói, đứng nhìn bát bún, nhìn người khách ném cái xương thừa cho con chó. Bị bà hàng đuổi, mà tàu lại chậm chưa đến, Nuôi Sẹo lủi thủi đi về; bụng đói, môi lạnh cứng, lên giọng mần tuồng không được, gã lại đái lần thứ hai trên đường sắt. Lần đái này cũng như ý muốn mần tuồng, là một cách thổ lộ cái uất ức tối tăm trong người. Một cái cử chỉ thường cũng có thể có nghĩa lý, mà sự nảy nở của tâm tính có thể ở trong những cử chỉ ấy hơn là trong ý nghĩ, Nuôi Sẹo đái trên đường sắt còn là một triết lý bập bẹ; cái tôi hiện tại của Nuôi Sẹo tự phát lộ ra trước cái cảnh vô lý và mâu thuẫn của cuộc đời. Nhưng mà tất cả những cái ấy chỉ âm thầm, cho đến cuối truyện. Nuôi Sẹo là một con người hèn hạ trong bậc thang xã hội, đơn giản trong tâm tính và không có ý tưởng gì bao giờ; nhưng chuyện Nuôi Sẹo sẽ cho mọi người thấy rằng, ngay cả ở một con người thấp kém như thế, cũng có một nhân sinh quan. Khi Nuôi Sẹo cảm mờ mờ thấy cái nhân sinh quan ấy là lúc gã chết, - bị chém vì tình nghi dính vào một phong trào cách mạng.

Triều-Sơn có rất nhiều thắc mắc về kỹ thuật viết văn, mà anh gọi là nghề văn. Anh hay nhắc đến những văn sĩ trong nước, không chịu để ý học nghề. Người dân cày, muốn cho lúa tốt, cũng phải biết xem cái lưỡi cày, biết buộc con bò, biết cách đẩy cái cày cho luống sâu và thẳng, biết lúc thuận tiện để làm việc vân vân. Đấy là cái phần người ta gọi là nghề. Có thiên tài cũng cần phải biết nghề, nữa là không có tài gì cả, Triều-Sơn nói. Anh đắn đo về sự nên chia chương hay không chia chương; anh học những cách để tạo nên cái thời gian của tiểu thuyết; anh suy nghĩ trong cách gọi một nhân vật ở ngôi thứ ba; anh khổ công tìm một chữ cho thực đúng hằng mấy ngày không quên: “Phải đặt hết tâm hồn mình vào mỗi chữ, dùng một chữ cũng như chơi một canh bạc”.

Tôi biết Triều-Sơn đã xét lại tất cả văn phạm Việt nam và có những ý rất đặc sắc về văn phạm. Anh không lùi khi thấy những điểm cần phải bổ khuyết cho nghề được tinh vi. Khi dùng đến một chữ không chắc chắn về chính tả, Triều-Sơn lại xem lại các tự điển, và tuy đã cẩn thận, nhưng vẫn lo là bỏ sót nhiều chữ viết sai. Thích triết học như anh, mà phải nhịn không giở đến một cuốn triết lý trong hằng tháng, để khỏi tiêm nhiễm cách viết trừu tượng của các triết gia; trái lại anh đọc và phân tích, bút chì trong tay, những tiểu thuyết anh coi là đã mở đường cho Nuôi Sẹo: Pickwick phiêu lưu ký của Dickens, Đông Kysôt của Cervantès, Những linh hồn chết của Gogol, vân vân.

Lỗ Tấn có lẽ là một trong những tác giả có nhiều ảnh hưởng nhất trong văn chương của Triều-Sơn. Anh phục cách hành văn của Lỗ Tấn. TRIỀU-SƠN: “Phải làm sao đi tới sự tiết kiệm chữ như Lỗ Tấn. Jules Renard bủn xỉn lời quá, nếu không có tài thì đi đến chỗ tiêu nghệ thuật mất. Lỗ Tấn nho học thâm, thành ra khi viết lời văn cô đặc lại, không có một chữ thừa, không có một chữ hỏng”.

Vì cớ ấy mà Triều Sơn sửa đi chữa lại Nuôi Sẹo năm sáu lần, vẫn chưa chịu cho in. Tập đầu, lúc mới viết xong, dài 900 trang, đúc lại còn có 400 trang, Triều Sơn vẫn chưa cho là đủ. “Còn dài quá, 300 trang thôi”, anh nói. Các bạn thì sợ là rút quá sẽ thành khô. Nhưng Triều Sơn chỉ hứa lần này chữa nữa là “lần cuối cùng”, rồi sẽ đưa cho tất cả các bạn xem lại và phê-bình, - và rồi chữa theo những lời phê bình ấy nữa thôi, trước khi in. Anh nói: “Xong đây, tôi sẽ ghi những kinh nghiệm học nghề của tôi lại, thành một quyển “Tôi tập viết văn”. Nhưng Nuôi Sẹo cũng chưa xong hẳn, công việc còn dở dang thì bệnh nặng phát ra và anh phải bỏ dở mãi mãi.

Triều-Sơn còn để lại một tập truyện dài bằng thơ lục bát, vài truyện ngắn, mấy bài thơ, một cuốn triết học nhập môn viết nửa chừng, và bản thảo của những thư từ bàn luận về triết học và xã hội học với mấy giáo sư ở Collège de France và Sorbonne (Jean Wahl, Gürwitch). Nuôi Sẹo đã sửa gần xong tập đầu, tập thứ hai còn là một đống bản thảo hỗn độn. Còn tất cả những hẹn hò khác, anh mang đi, chôn sâu ở dưới một mảnh đất của Balê...

TRẦN–NGỌC

CHƯƠNG I

Làng Ngò tên tự là Ngọc-Dương, thuộc tổng An-Định, huyện An-Giang là làng sở tại của huyện. Tất cả làng có độ dăm ba trăm nóc nhà ở chạy dài theo đường xe lửa Hà-Nội Hải-Phòng. Dân làng phần nhiều làm ruộng mò cua, đánh cá, bắt ốc, đan rổ rá bán; một số làm thuê, ở mướn cho các nhà buôn ngoài phố An-Giang, phía bên kia đường sắt.

Làng Ngò không có một bờ rào tre xanh bao bọc chung quanh như những làng khác trong vùng quê này. Con sông Ngò chảy trong cánh đồng bằng phẳng như ôm ghì lấy nó mà đầy ép vào con đường sắt. Phía đường sắt, những mái nhà tranh ở chòi ra tới gần bờ đá; phía sông, hàng rào tre đã thưa lại bị dứt ra từng quãng dài nên người đi bên kia sông có thể trông thấy đình Ngò và những nhà gianh lụp-xụp trên bờ sông; chỉ phía đông giáp giới với đồng Ngò là có một bờ rào tre khá dầy.

Con đường chính của làng là đường đê của sông Ngò, một đầu bám vào đường sắt, một đầu chạy thẳng ra cổng đông. Nó chia làng ra hai khu vực rõ-rệt: một khu cao, - tất cả các nhà giầu trong làng đều ở trong khu này -, một khu thấp thoai-thoải xuống tận bờ sông, nhà ở khu này hầu hết là nhà gianh, đều bị ngập vào mùa nước lớn. Mỗi khu vực chia ra làm nhiều xóm: khu trên có xóm bà Chánh Tạ, xóm cụ Tuần, xóm bà đồng Mi, xóm Miếu, xóm Giêng; khu dưới có xóm Đá, xóm đình, xóm chùa. Rất nhiều ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, ngoặt ngoẹo nối liền các xóm này với đường cái làng.

Ngoài đình chùa và miếu làng ra, tất cả chỉ có độ chục nhà gạch; còn hầu hết là những nhà gianh. Xóm nào cũng có những ao tù. Tất cả làng chỉ có một cái giếng xây ở giữa làng nằm cạnh đường cái làng.

Người làng phần nhiều là người hai họ Nguyễn và Đoàn. Họ Nguyễn là họ lập ra làng lại là họ có nhiều người giầu có thế lực. Những nhà gạch trong làng phần nhiều thuộc người họ này. Trái lại, họ Đoàn mới đền nhập-tịch được hai ba đời là họ vừa ít người lại vừa lép-vế, vừa nghèo. Những gia-đình này xưa nay vẫn chui-rúc với nhau lúc-nhúc trong các căn nhà gianh ở những nơi ẩm-thấp nhất.

Phố An-Giang chỉ cách biệt với làng Ngò bằng một con đường sắt. Dân phố, một số nhỏ là người làng, phần nhiều là người các nơi đến trú ngụ, buôn-bán, mở-mang công- nghệ. Có người lập-nghiệp đã trên vài chục năm. Ở đây có những hiệu khách tạp-hóa, lại có chợ Huyện, một tháng sáu phiên, là cái chợ lớn nhất cả vùng này.

Đường chính phố là một khúc của đường quan-lộ chạy dài theo đường sắt. Đến khoảng giữa phố, nó nở phình rộng - các hiệu khách lớn đều ở vào khoảng này - tách thêm ra hai ngành nhỏ, một ngành chạy về phía bắc, thẳng qua trước cổng huyện, tới bến đò làng Sen, một ngành theo hướng đình ra tới chợ Huyện. Ở một đầu phố là cái cầu sắt có đường xe lửa chạy trên, bắc qua con sông Ngò cắt ngang đầu phố. Ở đầu phố đằng kia là cái nhà ga xe lửa sừng-sững trước mấy nhà hàng cơm, hàng nước. Rồi đền dẫy nhà vẹo xiêu, bẩn-thỉu của những người cu-ly, trộm cắp, gái đĩ, những kẻ không nghề-nghiệp nhất-định. Cách xa độ nửa cây số là trường sơ-học của huyện-lỵ, ở bên đường cái quan, quay mặt ra đường sắt.

Vùng huyện An-Giang này là vùng sản xuất gạo vào bậc nhất tỉnh Hải-dương. Một năm hai mùa lúa, các hiệu khách mua gạo của dân quanh vùng, đóng những va-gông lớn nhỏ, chở đi bán các nơi. Ở các làng quê lân-cận, chỗ nào người ta cũng nghe thấy tiếng cối xay ù-ù, tiếng cối giã thình- thịch. Dân quê làm gạo bán, còn lấy cám để nuôi lợn. Thường thường nhà nào cũng có một chuồng lợn hay một vài con lợn thả rông nên vùng huyện An-Giang này cũng sản-xuất rất nhiều lợn. Mấy làng ở cuối huyện trên bờ sông Thái-Bình lại có nghề đánh cá. Vào những ngày phiên chợ, người ta có thể thấy ở sân ga cạnh những con lợn bị trói tròn như khoanh giò, những thúng đầy nghẹt cá: cá chép, cá mè, cá chắm... toàn cá tươi còn rãy còn ngáp, nằm phơi mình vẩy tròn, như còn lạnh hơi nước đáy sông.

Phố An-Giang chính là trung-tâm thương mại của vùng này. Người các làng đến đây để bán thóc, gạo, cá tôm, củi, vải... để mua những thứ cần dùng cho đời sống thường ngày như kim chỉ, dầu hỏa, muối, chén, bát đĩa, cầy cuốc, quần áo, giấy bút, mực. Đối với những người nhà quê ít ra tỉnh thì phố An-Giang lại là một thứ tỉnh nhỏ với những xe đạp, xe tay ếp-ếp, kính-coong, với những mái nhà ngói đứng khít- khịt, với hiệu khăn mũ, hiệu phở, hiệu xe đạp, với vài ba người mặc quần áo tây, với anh kẹo kéo rao liến-thoắng, người mua lông gà, lông vịt, đồng nát, thủy tinh... với tất cả cái không-khí náo-nhiệt riêng của nó. Suốt ngày người ta ra vào tấp-nập những hiệu khách tạp hóa. Những ngày phiên chợ, người đi chợ chuyện trò léo xéo, rì rầm từ lúc chưa nhìn rõ mặt người. Chợ họp ồn ào, lộn xộn, đông nghịt cho đến ba bốn giờ chiều mới vãn; người ở chợ ra về, kẻ đội người gánh, điểm lốm đốm cả những cánh đồng lúa chạy dài thẳng tắp tới các làng xa xa. Vào những giờ tàu, ga An- Giang lại là nơi náo-nhiệt nhất vì những xe tay, những hành khách, những người bắc-tê, hàng quà, ăn mày. Đường xe lửa chạy qua ga An-Giang là mạch máu chính của miền này, hàng đổ xuống hay mang đi các nơi không biết bao nhiêu là người, bao nhiêu là tấn hàng.

Phố An-Giang cũng là trung-tâm hành-chính của huyện nên người ta có thể thấy lẫn với những người quen thuộc làm ăn buôn-bán, những lính cơ, lính lệ, những lý dịch lên hầu quan hay ở huyện ra về. Đối với nhiều người nhà quê vùng này phố An-Giang cũng là một nơi chơi-bời phóng đãng. Anh trai làng có chút tiền có thể vào hiệu phở ăn vài bát hoặc buổi chiều thuê nửa giờ xe đạp để tập đi. Những lý- dịch nhân dịp lên hầu quan có thể tạt vào một đám bạc để đỏ đen. Rửng mỡ nữa, họ có thể vào chơi đánh trống, đú-đởn rồi ngủ liền qua đêm ở nhà cô đầu.

Đối với sinh-hoạt ngoài phố thì đời sống trong làng có vẻ giản dị và êm ái hơn nhiều.

Người làm đồng đi từ sáng sớm, cho đến tối mịt mới về. Những người ra buôn bán, làm lụng ngoài phố, thường cũng chỉ tạt về làng vào lúc bữa cơm. Một số người ở nhà xay lúa giã gạo, mải-mê làm việc ít khi ra tới ngoài ngõ. Có những cô gái không bận việc đồng, xay lúa giã gạo, thì tắm giặt, băm bèo, rửa ráy, giặt rũ ở bờ ao hoặc gánh nước ở giếng xây, ở bến sông đầu đình. Những ông già, bà già, không xốc vác được, ở nhà làm những việc nhẹ như chẻ lạt, cặp lại nong, nia, đan rỗ, rá hoặc giữ đứa cháu nhỏ. Thành ra ngoài đường ngõ làng thỉnh-thoảng người ta mới thấy mặt một vài ông hương-lý, vài người ăn mày tay bị, tay gậy đi lang-thang từ cổng này sang cổng kia, còn thì toàn là những trẻ con đùa nghịch, chạy nhảy lẫn với gà chó lợn thả rông lông- nhông. Làng phần nhiều ở trong cảnh yên tĩnh, thầm lặng chỉ thỉnh thoảng mới xao động bởi mấy tiếng trẻ kêu gọi nhau, cười nói, tiếng chó sủa trong ngõ, tiếng xay lúa ù-ù, tiếng chày giã gạo thình-thịch, tiếng xe lửa chạy rầm-rầm rung chuyển cả nền đất, bụi tre, tiếng người kẹo kéo bán rao, tiếng ông bà già gọi đứa cháu mải chơi...

II

Người vùng này khi nói chuyện về những nhân-vật giầu có thế lực nhất, thường kể trước hết đến cụ tuần Đan. Cụ lớn Nguyễn-văn-Đan làng Ngò là người theo Tây-học, trước ra làm quan giúp chính-phủ Bảo-hộ, lên mãi đến chức tuần- phủ, nay về hưu làm tiên chỉ làng. Cụ có cái ấp Tái, thuộc địa phận làng Phủ-Tái, đông giáp với làng Ngò và nhiều ruộng rải rác khắp trong huyện An-Giang này.

Sau cụ tuần Đan là ông hàn Phiên, chủ cái ấp Thanh-long ở cách làng Ngò năm cây số. Có xấp-xỉ ngang số ruộng của ông Hàn là nhà thờ Bôi: ấp Bôi do các cha, các cụ bên Đạo trông nom và giao cho các con chiên cầy-cấy.

Nói về chuyện những nhân-vật nổi tiếng, người ta thường nhận thấy tất cả có bốn người đáng kể. Thứ nhất là đốc Tít. Y là một tên tướng cướp lợi-hại, có nhiều bộ hạ quậy-phá cả vùng huyện An-Giang này lại sang khu phía Nam tỉnh Bắc-Ninh.

Thứ hai là cụ lớn Tuần Đan. Mặc dầu đã về hưu, cụ vẫn còn tiếng là một vị “dân chi phụ mẫu”.

Ba là ông Nghị Ngật bên làng Sen, ngày xưa lý-trưởng bá- hộ, con người đã phá mất một phần ba cái gia-tài kếch-sù để mua chức chủ-nhiệm, kiêm chủ-bút, kiêm giám-đốc một tờ nhật báo có tiếng là đứng-đắn ở xứ này, và chạy chân nghị viên trong Viện Dân-biểu.

Thứ tư là Nuôi Sẹo.

Nuôi Sẹo không phải là người giầu sang, thế-lực. Gã không hề ra làm cha mẹ dân. Gã cũng chưa bao giờ xén gia-tài của tổ-phụ để mua chân chủ-bút, chủ-nhiệm, giám-đốc báo hay chân nghị viên dân biểu. Ở vùng này, người tứ xứ đồn là vùng có ăn-học, Nuôi Sẹo vẫn là thằng dốt đặc cán mai cán tẩu, chẳng biết a, b, hay nhân chi sơ là gì cả. Ấy thế mà gã cũng nổi tiếng. Gã chỉ là thằng mõ làng Ngò.

Tuy nổi tiếng vào bậc thứ tư ở vùng này, Nuôi Sẹo lại bí mật vào bậc nhất. Số là: người làng phổ, kể cả đến người hàng tổng, hàng huyện qua lại chơi bời, làm ăn ở làng Ngò, phố huyện, nhiều kẻ lục-lọi hồi đến tên thật - tên tục, tên cúng cháo - hoặc giả cái lý-lịch của Nuôi Sẹo, thì tất cả mọi người, người già như ông tư-văn chỉ hàng huyện, người trí- thức như các ông thừa, ông lục, các ông giáo, thâm-nho như ông đồ Lung làng Ngò, đọc sách thánh-hiền vanh-vách, lầu thông kinh-Sử, thuộc lòng những Tam-Hoàng, Ngũ-Đế, Nghiêu Thuấn, Kiệt, Trụ cho đến nhà Minh, nhà Thanh... hết thẩy đều chịu câm như hến.

Người ta đồn rằng khi Nuôi Sẹo mới đến đây xin chân mõ làng, gã không mang theo thẻ, giấy khai-sinh, căn cước gì hết. Ông lý - hồi đó là ông lý Thinh - hỏi tên gã để biên vào sổ làng, gã trả lời vừa ngọng lại vừa lắp, ông lý chẳng biết nên biên là “Nuôi Sẹo” hay “Nuôi Xẹo”. Ông lý là người có chút nho học, nhất định chủ trương “danh có chính thì ngôn mới thuận” nên hai ba ngày sau, ông vẫn chưa biên tên thằng mõ mới. Nhưng cũng may là một buổi, khi ông đang băn-khoăn về vấn-đề danh-chính ngôn-thuận thì ông thấy bà lý, trong lúc sai thằng mõ mới làm giúp bà ít việc vặt, bà thưỡi mồm ra gọi “Nuôi Sẹo”, gã biết chạy đến, ông lý liền dựa theo lời của mẹ đĩ mà biên là “Nuôi Sẹo”. Thằng mõ làng chính-thức có tên là “Nuôi Sẹo” từ đây.

Vấn-đề tên đã giải quyết xong, ông lý liền hỏi đến tuổi gã. Gã lắc đầu. Ông lý chăm-chú nhìn mặt gã để đoán tuổi thì ông lấy làm lạ là cho gã hai mươi, ba mươi, hay bốn mươi lăm, năm mươi tuổi cũng được. Ông lý nói với vợ: “Mẹ cắp. Nhìn thằng này mà đoán tuổi còn khó hơn là đoán tuổi cây đa Mâm-Xôi”. Tức quá, ông lý giẫm chân, quát: “Đéo mẹ cái thằng này mày cầm tinh con gì?”. Nuôi Sẹo cúi mặt nhăn răng ra cười. Ông lý quát hỏi lần nữa. Gã trả lời không biết cầm tinh con lợn, con trâu hay con ngỗng. Ông lý phát cáu chửi cho gã một hồi, rồi nhìn gã, ông nhăn răng bật cười và chịu để trống cái khoản tuổi của Nuôi Sẹo.

Ông lý hỏi tiếp quê-quán gã, gã lắc đầu trả [lời] không biết. Ông sực nhớ hỏi gã để biên vào sổ làng và xem có thể nhờ đó mà tìm ra gốc-tích quê-quán gã chăng. Gã trả lời nghe đâu như họ “Nguyễn” đệm chữ “văn”. Vị chi trước sau là: Nguyễn-văn-Sẹo. Ông lý thất vọng thở đánh phào: “tưởng rằng họ Tôn-Thất hay họ quý-hóa hiếm-hoi gì, chứ cái họ “Nguyễn” đèo thêm chữ “văn”, ở cái nước bốn ngàn năm văn hiến này, chung-qui chẳng nói thêm gì cả. Ông lý hỏi đến cha mẹ gã, gã chỉ im lặng, lắc đầu. Giá-dĩ ở trên đất nước Đại-Nam mà nhận vào hàng ngũ con cháu Rồng Tiên, gã cũng không biết đường nhận!

Sau này, nhiều lần Nuôi Sẹo làm việc cho bà Bá Tĩnh, ông Bá nói với gã nửa đùa nửa thật: “Mày không có tên cúng cháo thì về sau chết đi, con cháu biết đằng nào mà cúng giỗ?”. Lúc ấy, Nuôi Sẹo mới nhận rõ là mình không có tên cúng cháo thật. Gã chẳng biết trả lời ông Bá thế nào. Gã tưởng tới cảnh sau này con cháu trai gái đều ngẩn ngơ trước bàn thờ, không biết khấn cha, ông ra sao, trong lúc gã ở Âm-Ty bị đói, rách, khổ-sở, kéo lê đây đó thân tàn ma dại, gã lại sờ-sợ. Nếu con cháu không biết đường khấn để kiếp sau lên làm người, vô phúc phải làm cái giống chó ăn cứt thì mới lại khổ. Nuôi Sẹo nghĩ vậy mà rùng mình. Ông Bá có lúc lại thêm: “Ông cho thì sau này tha hồ mà húp cháo lá đa”. Nuôi Sẹo tưởng đến cảnh cướp cháo thí, trở nên buồn dười-dượi. Những lúc này, gã muốn có ngay cuốn gia phả để đem cái tên cúng cháo của mình ra công-bố cho bà con trong làng, ngoài phố biết. Gã tin chắc là cuốn gia phả ấy thể nào cũng có tên cúng cháo của gã. Và nhất-định cha mẹ gã phải giữ gìn cuốn gia phả ấy cẩn-thận lắm. Nhưng phiền có điều là Nuôi Sẹo chẳng biết cha mẹ gã là ai và hiện giờ sống chết thế nào. Vì vậy, việc tìm cuốn gia phả mãi vẫn không xong. Và, câu chuyện tên cúng cháo cũng bị để đó, kéo dây-dưa ra mãi.

Gần đây có lần, ông Bá lại hỏi đùa gã: “Thế nào Nuôi Sẹo, mày đã tìm ra tên mày chưa?”. Nuôi Sẹo im lặng không trả lời. Rồi sờ lên cái Sẹo lớn ở trên mặt, gã nghĩ: “Lẩn thẩn quá. Mình đã có cái sẹo thì tất nhiên tên mình là Nuôi Sẹo rồi còn gì”. Mà tính đi tính lại, không có cái tên cúng cháo kia lại càng tốt. Chẳng là không có nó thì về cái khoản chửi nhau với ai, Nuôi Sẹo cũng đỡ lo. Nghĩ đến điểm lợi hại này, gã đưa bàn tay lên sờ cái sẹo, đầu lắc-lư, nhe hai hàm răng bừa, cải mả, khập-khễnh ra mà cười tủm, cái cười ngụ- ý “tôi hài lòng về tôi lắm”.