Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Ngày Về

Vũ Thư Hiên

1

Tôi yêu lắm bài “Ngày Về” của Hoàng Giác.

Thế mà ở cùng một thành phố mà tôi lại không được gặp ông lấy một lần, để được bắt tay ông một cái, để được nhìn vào mắt ông mà nói một lời câm rằng tôi yêu lắm lắm bài hát ấy.

Người với người gặp nhau là ở cái duyên. Tôi không được gặp Hoàng Giác là do không có duyên, tệ thế.

“Ngày Về” được người nghe đón nhận ngay lập tức khi nó ra đời, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Các đoàn Tuyên truyền Xung phong khi lang thang ở ”hậu phương”, tức vùng không bị Pháp chiếm đóng, bao giờ cũng dùng nó làm “bài tủ” để diễn đạt nỗi lòng người chiến sĩ xa nhà.

Ấy là vào giai đoạn biên giới với Trung Quốc chưa thông thương, các bậc đạo cao đức trọng lãnh đạo cuộc kháng chiến chưa kịp húp cả cặn món tạp pí lù mao-ít để cấm những bài hát như thế, dè bỉu gọi chúng là nhạc vàng. Vàng ở đây dính với cờ hiệu có bệnh tả trên những con tàu đại dương chứ không phải cái kim loại quý chính các vị cũng yêu mến.

Trong những năm xa xưa tôi mới chỉ thích nó. Chứ để yêu nó, để thấy nó là bài hát nói thay lòng mình, là tâm sự của mình, thì phải đến khi chính mình bị rơi vào hoàn cảnh không thể biết khi nào mới được trở về với mái ấm gia đình.

Những người từng ở tù nhiều năm như tôi đều mơ có một ngày được “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”.

Trong tù, nhiều hơn bất cứ bài hát nào khác, Ngày Về được người tù hát ở mọi lúc mọi nơi. Nó vẳng tới tai tôi trong phòng thẩm vấn, nó vang lên giữa chiều nắng quái đầm đìa mồ hôi hay trong cái lạnh căm căm của ngày lao động khổ sai, trong xà lim biệt giam – chân trong cùm, tay trong xích. Lần nào cũng như lần nào, bài hát làm tôi xúc động. So với các danh ca chuyên nghiệp, những ca sĩ tù đủ mọi giọng, từ nam trầm tới nam cao, hay là giọng vịt đực, giọng ống bơ rỉ, tất thảy đều giàu nhạc cảm khi họ cất tiếng hát tác phẩm để đời của Hoàng Giác.

Liên quan tới cái ước mơ ấy, tôi phải nhắc tới một đạo luật do Ban Thường vụ Quốc Hội ban hành, do chính ông vua mất ngai Trường Chinh ký, là luật “tập trung cải tạo”. Tân vương Lê Duẩn tỏ ra không hẹp hòi với kẻ ngã ngựa.

Luật này được ban hành năm 1961 dưới hình thức nghị quyết của Quốc Hội chứ không phải sắc lệnh do chủ tịch nước ký, như thường lệ. Theo cái nghị quyết này Bộ Công an (hay Bộ Nội vụ, một tên gọi khác của nó) được trao toàn quyền thi hành: bất cứ công dân nào mà nó coi là “có hại cho an ninh xã hội” là a lê hấp tống vào tù. Người tù loại này ở trong các “trại cải tạo” ít nhất ba năm, gọi là một lệnh. Hết ba năm mà chưa “cải tạo tốt” thì ở thêm một lệnh ba năm nữa, cứ thế kéo dài. Không mấy người được trở về sau một lệnh. Người ở ba bốn lệnh là bình thường, ở năm sáu bảy lệnh cũng không phải chuyện lạ. Người tù có án biết ngày nào họ sẽ ra tù. Người tù “tập trung cải tạo” chỉ có thể mơ về cái ngày ấy. Xem ra cái nghị quyết này không chỉ có ích ở miền Bắc. Sau cuộc xâm chiếm miền Nam thành công, Lê Duẩn còn đem cái luật bất nhân ấy dùng cho những người bại trận. Những người tù “tập trung cải tạo” nay được ở chung với những chiến binh đã buông súng.

Nhưng không phải mọi người tù đều có tâm trạng mong ngày trở về.

Có những người không mong, hay nói cho đúng, không thèm quan tâm cái sự tù cũng như ân sủng của kẻ có quyền bỏ tù sẽ cho họ trở về một ngày nào đó. Những người này thuộc về lớp nhân quần có một niềm tin không gì lay chuyển nổi ở Thượng Đế. Với họ, sự ở tù là do ý Chúa, là thử thách Đúc Tin mà họ được Chúa trao cho.

Tôi không thích viết về chính trị. Cái tạng tôi vốn thế. Nhưng không thể không đụng tới nó khi nói về ước mơ của những người tù không có án.

Ngày về của tôi đến đột ngột.

Một buổi sáng như mọi buổi sáng, tù tập họp ở sân trại để đi lao động thì bất ngờ được nghỉ làm để nghe lệnh tha.

Mặt những người tù “tập trung cải tạo” lâu năm sáng bừng, tiếng rì rầm lan khắp sân trại.

Mấy cái bàn được bày ra từ sáng sớm, trên đó là những tập hồ sơ dày cộm. Cán bộ trại mặt mũi nghiêm trang, lăng xăng đi lại.

Những người tù chưa lâu, mới ở có một lệnh hoặc hai lệnh, thì ngán ngẩm ngồi thừ – còn lâu mới tới lượt họ.

Người của ban giám thị trại lần lượt đọc tên từng phạm nhân được tha gồm các mục: tên, tuổi, nguyên quán, trú quán, can tội, án phạt (nếu có án), số tù vv… Gọi đến tên ai thì người đó dạ to một tiếng, đứng vụt lên, bỏ cái nón mê rách xuống, cắp nó trước bụng, mắt tràn trề hy vọng ngước nhìn các thiên thần màu hoàng thổ, chờ đợi các vị thay mặt thượng đế chính quyền tuyên đọc ân sủng.

Tôi hoàn toàn dửng dưng.

Cảnh này chẳng phải chuyện đặc biệt. Có năm tha ít thì người ta không bày vẽ dềnh dàng, cho “trật tự trại”gọi tù nhân lên văn phòng nhận giấy tha rồi cho cút.

Tôi dửng dưng vì tôi thuộc thứ tù không giống ai. Không phải mình tôi biết điều này. Những bạn tù của tôi cũng biết. Mọi người đều có số tù, tôi thì không. Khi một đội trưởng ở trại Tân Lập lải nhải đòi tôi phải nói cho anh ta biết số tù để ghi vào sổ đội thì tôi phát bực, mới phát ra một con số chợt đến trong đầu: 111. Số tù ngẫu hứng ấy rồi được cả các “quản giáo”, tên chữ của chức cai tù, mặc nhiên thừa nhận.

Từ lúc tôi bị bắt vào Hoả Lò rồi chuyển qua mấy trại cho tới khi lên trại Phong Quang, tôi đã được nghe đủ thứ lời giải thích cái sự tù của tôi. Khi thì người ta bảo tôi được đặt trong chế độ tạm giữ thuộc một vụ án “xử lý nội bộ”, tôi khai báo xong thì cho về. Khi thì họ doạ tôi sẽ chuyển tôi sang dạng tập trung cải tạo nếu tôi không ngoan ngoãn khai báo. Khai báo ở đây là tố cáo những người có ý nghĩ không chịu giống đường lối của đảng. Đó là cách đảng cộng sản xử lý những người bị bỏ tù trong cái vụ án có tên dài thòng là: “Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Thế tất tôi chỉ là tù của đảng cộng sản, không xứng với bất cứ tội danh nào của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Nói tóm lại, dạng gì thì dạng, tôi đã ở tù tới năm thứ chín.

Buổi đọc lệnh tha kết thúc.

Các cán bộ sắp xếp giấy tờ đứng lên. Sân trại như bị một cơn lũ quét, phút chốc vắng tanh. Tôi đang trên đường trở về phòng giam thì bỗng nghe người ta xướng tên tôi.

Tôi dừng bước, nghĩ mình nghe nhầm. Nhưng không phải. Tên tôi được xướng lên một lần nữa, rõ hơn.

Viên phó giám thị, một anh chàng xương xẩu, mặt quắt xám xịt, quần áo lúc nào cũng bảnh choẹ, ra dáng người đại diện của nhà nước hơn bất kỳ “quản giáo” nào khác, oai vệ đưa tay vẫy tôi:

- Phải, là anh!

Tôi đứng sững, nhìn y.

Khác các lệnh tha được đọc trước đó, sau phần tên, tuổi, nguyên quán, trú quán… mà y đọc bằng giọng trịnh trọng tôi không thấy có mục can tội, án phạt, không có cả số tù.

Tôi kể dài dòng văn tự ngày tôi được ra tù để những người quan tâm đến những chi tiết biết nó diễn ra như thế nào. Cũng là tiện dịp cung cấp cho tên lãnh tụ lưu manh của một tổ chức nguỵ dân chủ ở Paris, kẻ không mệt mỏi tố cáo tôi là tình báo cộng sản, có thêm mắm muối cho vào vở khổ nhục kế, trong đó tôi là nhân vật chính.

Tôi rời trại Phong Quang ngày 7 tháng Chín năm 1976, sau 9 năm bị giam cầm.

Cuộc giã biệt đời tù của tôi, trái với hình dung thông thường, diễn ra không êm ả.

Chuyện là thế này.

Theo lệ, người tù ra trại (tức là được tha, mãn hạn hoặc không có hạn để mà mãn) phải viết một bản nhận tội, một bản cam đoan không tái phạm, không tiết lộ bí mật của trại giam. Bản nhận tội, bản cam đoan đã được soạn sẵn thành mẫu, chỉ việc chép lại, ký tên, là xong.

Tù được tha làm thủ tục ấy cái roẹt, nộp Ban Giám thị rồi cuốn xéo. Không ai nấn ná thêm một phút.

Không hiểu sao vào đúng cái thời khắc sung sướng nhất đời tù của bất cứ ai tôi lại nổi điên, nhất định không chịu làm cái việc đối với mọi người chỉ có giá trị hình thức.

Tôi nói với những cán bộ bàn giấy của trại giam rằng tôi sẵn sàng ở tù thêm, ở bao lâu nữa cũng được, nhưng tôi sẽ chờ cho tới khi việc giam giữ tôi được làm cho sáng tỏ. Tôi nói: tôi không có tội. Mà đã không có tội thì không thể ký nhận tội được.

Nhùng nhằng một hồi, người ta hỏi nhau, người ta chụm đầu lại bàn tán, rồi chạy đi thỉnh thị cấp trên.

Viên phó giám thị chạy đến, gãi đầu suy nghĩ, rồi rủ tôi về phòng anh uống trà.

Đó là một anh công an đã đứng tuổi, tốt bụng, dễ thương, được tù mến.

- Chúng tôi chẳng qua chỉ là thủ kho thôi, anh ơi! Lệnh trên bảo nhập thì chúng tôi cho hàng vào, lệnh trên bảo xuất thì tôi cho hàng ra – anh phân trần, giọng phiền não – Trên lệnh xuống bảo xuất mà anh không chịu ra thì rồi khổ mấy thằng tôi. Ai biết được các ông ấy tính cái gì, chỉ biết mình mà không thực hiện được việc các ông ấy bảo thì rồi ra không yên được với các ông ấy – sẽ có hỏi han, kiểm điểm, rắc rối lắm.

Tôi nhìn anh, ái ngại. Tôi thông cảm hoàn cảnh khó xử của anh. Anh là người đối xử với tôi tử tế. Mấy hôm trước chính anh chạy vào trại ra hiệu gọi tôi ra một chỗ vắng rồi thì thào báo có tin đồn Mao Trạch Đông sắp chết:

- Anh được về đến nơi rồi! – anh nói, giọng hồ hởi – Mao chết là xong hết".

Tôi cười, bảo:

- Chớ vội mừng. Con cháu Mao còn đông lắm!

Trà thuốc xong, chúng tôi thỏa thuận với nhau: thôi thì mỗi bên nhân nhượng một ít. Tôi không viết bản nhận tội nữa, tôi mặc, anh làm thế nào thì làm, tự anh phải xoay xỏa, tìm cách mà chống đỡ với trên. Đổi lại, tôi phải nhận tờ Lệnh Tạm Tha, trong đó tội của tôi được ghi rõ "phản động chống chế độ".

Phó giám thị dỗ dành:

- Anh đi đường phải có giấy tờ. Không có là lôi thôi lắm. Trại không có thứ giấy nào khác để cấp cho anh, trại không có quyền. Thôi thì cứ cầm lấy tờ tạm tha, thủ tục nó thế. Rồi anh còn cần đến nó để làm thủ tục hộ khẩu nữa cơ đấy.

Nhà nước muốn người được ra tù phải luôn nhớ rằng anh ta chỉ được tạm tha thôi, anh mà vớ vẩn là sẽ bị tống lại vào tù ngay tức khắc, không oong đơ gì hết.

Cái Lệnh Tạm Tha ấy tôi giữ được hơn một tuần. Anh công an khu vực, lại cũng một anh chàng đẹp trai và dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự, đến thăm tôi, đòi xem. Xem xong anh ta nhét luôn vào xà-cột, bảo để làm chứng từ cho việc nhập hộ khẩu sau này.

Hoàng Minh Chính tiếc mãi: "Bằng ấy anh em, mỗi mình cậu nắm được tờ giấy quý như thế làm bằng mà để xổng mất. Tài liệu lịch sử đấy!"

Đó là nguyên văn trích trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày viết xong hơn ba mươi năm về trước.

Hoàng Minh Chính tiếc là phải – đúng là chỉ mình tôi có tờ Lệnh Tạm Tha, anh em khác trong vụ án chỉ được công an đọc cho nghe chứ không cho giữ. Họ đều được đưa ra khỏi trại giam, bỏ lên xe đưa thẳng tới nơi bắt buộc cư trú và lao động chứ không được về nhà. Nó là bằng chứng chúng tôi từng bị đảng cộng sản bỏ tù. Các thế hệ sau sẽ không tìm đâu ra một bằng chứng văn bản học. Nhưng nếu nhà cầm quyền đã quyết không muốn chúng tôi giữ nó thì họ chẳng thiếu gì cách.

Do lằng nhằng việc giấy tờ, tôi thành ra là người cuối cùng cuốn xéo khỏi trại.

Tôi còn ra chậm hơn nữa vì anh em tù tự giác đã chờ tôi ở bên ngoài văn phòng trại bắt tôi phải nán lại ăn một bữa tươi với anh em gọi là tiệc chia tay. Tiệc có gà béo, có rượu sắn đổi chác với dân mấy làng gần đấy.

Những người chưa từng ở tù đã không ít lần chê tôi không tả chi tiết cái sự ở tù nó thế nào. Tôi phải nói ngay rằng tôi vốn không thích văn học tố khổ. Những tác phẩm kể lể cảnh khổ trong tù nhiều vô kể, cái nọ đầy đủ hơn cái kia, cái nọ tả hay hơn cái kia, nhưng không hiểu sao chúng không bao giờ hấp dẫn tôi. Tù là khổ rồi, khổ lắm, nhất là vào thời tôi, khi dân chúng ở bên ngoài nhà tù cũng khổ, ăn uống so với tù cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Tù có đói không? Có, và đói nhiều. Có rách không? Cũng có, nhưng không nhiều lắm. Cái khổ nhất của người tù là ở chỗ họ không biết ngày về.

Cái sự tù mù ấy mới là cái khổ nhất.

Trong tù cũng có một số người sống sướng hơn những người cùng cảnh. Ấy là tù “tự giác”, tù “nhà bếp”. Tù “tự giác” là những người tù được tin tưởng sẽ không trốn, theo nhận định của ban giám thị. Những người được cho làm tù “tự giác” phần nhiều là tù có án sắp mãn hạn, tù tập trung cải tạo không có gia đình hoặc quê quán ở quá xa để có thể trốn về, vân vân. Tù “tự giác” nghĩa là tù được làm việc bên ngoài trại mà không có lính áp giải. Nhờ thế, họ kiếm chác được nhiều thứ – trà trên đồi, thú trên rừng, cá dưới suối, chưa kể những đồ vật mua bán đổi chác với tù mới còn nhiều đồ mang theo, đem bán lại cho dân lấy tiền mua thịt, mua gà. Tôi dùng chữ linh đình để gọi bữa tiệc chia tay mà anh em “tự giác” dành cho tôi không phải là phóng đại, càng không phải bịa đặt.

Trung uý Bưởi phụ trách giáo dục trại bịn rịn tiễn tôi.

Chúng tôi có thời gian khá dài làm việc cùng nhau. Tôi đang làm ở đội xẻ gỗ thì bất ngờ được gọi lên làm “văn hoá trại” dưới quyền Bưởi. Không phải tự nhiên mà tôi được hưởng ân huệ ấy. Ông Lê Giản, nguyên tổng giám đốc Nha Công an thời kháng chiến chống Pháp, đồng chí cách mạng và là bạn thân của cha tôi, nói với ông Lê Hữu Qua, cục trưởng Cục Quản lý Trại giam là cán bộ cũ dưới quyền ông, nhờ ông tìm cách cho tôi được làm công việc không đến nỗi quá nặng nhọc.

Cái nước mình nó thế. Bên cạnh những quy định khe khắt đôi khi vẫn còn chỗ cho sự nể nang.

Tôi nhận công việc này có mà cả. Thứ nhất, tôi không làm “ăng ten” (chỉ điểm). Thứ hai, tôi sẽ không tuân lệnh các “quản giáo” trói cánh tiên tù, đánh tù.

Bưởi đồng ý. Không biết có phải do ban giám thị e ngại lời uỷ nhiệm của ông cục trưởng hay người ta cho rằng đề nghị của tôi là phải mà trong suốt thời gian làm “văn hoá trại” tôi không khi nào phải làm những việc mà “trật tự trại” hoặc “văn hoá trại’ thường phải làm.

Công tác giáo dục trong nhà tù cũng na ná công tác tuyên giáo ngoài nhà tù. Tuyên giáo là tên gọi tắt việc tuyên truyền và giáo dục nhằm bắt dân chúng tuân phục mọi đường lối chính sách của đảng.

Làm công tác tuyên giáo trong nhà tù dễ ợt – chỉ việc bắt tù vào khuôn vào phép, bắt tù tuân theo những quy định của trại. Không phải một mình Bưởi làm công việc này. Mọi cán bộ trại giam đều làm nó, nhưng bằng cách dễ hiểu hơn – phạt lao động, đánh bằng roi, trói “cánh tiên”, quỳ ngoài nắng, tống vào biệt giam. Bưởi hiền lành: không mấy khi anh trực tiếp thi hành kỷ luật tù như các “quản giáo” khác. Việc của anh là thỉnh thoảng đăng đàn diễn thuyết ở hội trường trại về chính sách nhân đạo trị bệnh cứu người của đảng. Anh nói, tù nghe, bằng hai tai cũng được, bằng một tai cũng xong, anh không quan tâm.

Chúng tôi nhanh chóng tìm được sự hợp tác. Bưởi xin ban giám thị cho tôi một phòng riêng gọi là “phòng văn hoá”, cho phép tôi được treo báo Nhân Dân và Văn Nghệ tuần tự trong các phòng giam cho tù đọc, tổ chức trường học trong trại. Thành tích lớn nhất mà chúng tôi đạt được là trại Phong Quang có sĩ số đỗ phổ thông cao nhất tỉnh Hoàng Liên Sơn, tham chiếu còn được Cục quản lý trại giam trao cờ luân lưu về bổ túc văn hoá.

Làm việc lâu với đám tù “vâng dạ ngoài mặt đấm c… sau lưng” anh hiểu rằng những người tù chẳng những không hề sợ hãi mà còn coi thường những biện pháp kỷ luật. Dần dà rồi anh cũng hiểu chỉ với lòng nhân ái anh mới có thể đi vào lãnh địa tâm hồn họ, mới có thể cảm hoá họ, giúp đỡ họ làm lại cuộc đời. Gần gụi những người tù, anh hiểu có rất nhiều vụ oan ức. Những người bị bắt liên quan tới tôn giáo hoặc viên chức chế độ cũ, chẳng hề làm gì nên tội. Họ bị rơi vào tù đơn thuần chỉ vì cái gọi là cảnh giác cách mạng, hoặc do tư thù. Tất nhiên, anh không nói ra miệng điều anh nghĩ, nhưng qua câu chuyện trao đổi tôi có thể đoán được anh nghĩ gì.

Tôi kéo Bưởi vào dự tiệc. Anh nói anh không được phép ngồi ăn cùng phạm nhân. Tôi bảo: anh ngồi bên tôi, tôi bây giờ là người tự do. Bưởi ngần ngừ rồi chặc lưỡi, ngồi vào chiếu. Chắc chắn đó là lần duy nhất anh phá lệ. Tiệc vui, có anh tham dự càng vui hơn, mọi cười nói ầm ầm.

Bưởi tiễn tôi rất xa, tới tận ranh giới đất của trại với đất của dân, cách trại cả cây số. Ranh giới là ranh giới quy ước, không cột mốc, không rào chắn.

Phút chia tay, Bưởi bỗng đổi cách xưng hô:

- Anh về nhé – Bưởi nắm chặt tay tôi – Em mừng cho anh. Nhưng em sẽ nhớ anh lắm đấy. Em không quên anh đã giúp em hiểu biết nhiều khi anh em mình làm việc với nhau.

Ấy là Bưởi nhắc chuyện tôi giúp Bưởi giải quyết những vụ xung đột xảy ra trong trại thuộc phần việc anh phụ trách. Không kể những lần tôi giúp Bưởi giải toả những thắc mắc về triết học mác-xít mà anh không hiểu khi học hàm thụ cao học công an. Tôi thận trọng khi giảng giải, nhưng khéo léo dẫn dụ Bưởi tới những suy nghĩ nên có.

Tôi ôm lấy Bưởi:

- Khi nào về Hà Nội, chú rảnh thì đến chơi với anh, địa chỉ anh chú có rồi. Anh rất vui được đón chú.

Bưởi rồi còn đến tôi nhiều lần. Anh trở thành người thân của tôi.

Chế độ nào cũng cần có công an. Nhưng phải là công an tốt.

Không phải chỉ mình Bưởi tỏ cảm tình với tôi.

Biết tôi được thả, mấy cán bộ khác trước kia có bề ngoài lạnh lùng bỗng nhiên tỏ ra lưu luyến, vỗ vai tôi, nắm chặt tay tôi mà lắc.

2

Trả công cho chín năm ở tù của tôi, trại phát cho tôi sáu chục đồng, gần bằng một tháng lương cán sự 3 tôi vẫn lĩnh trước khi bị bắt. Cầm mấy tờ bạc trong tay lại nhớ có lần ông bạn tù Tôn Thất Tần hỏi tôi: “Đồng bạc bây giờ trông nó thế nào hở ông?”. Cái ông “Jean Valjean gọi bằng cụ” này không một ngày bước ra ngoài nhà tù suốt 30 năm thỉnh thoảng lại bật ra một câu hỏi đến buồn cười.

Ga Lào Cai thời chiến không lớn hơn nhiều lắm so với một cái đình làng, nhưng là cuộc sống đã lâu không thấy – có hàng, có quán, có người đi kẻ lại nườm nượp. Tôi tự thưởng cho mình một cốc xi-rô (sirop), một thứ nước ngọt pha phẩm đỏ. Chẳng hiểu nó giá bao nhiêu, tôi đưa tờ tiền lớn chờ người bán hàng trả lại. Mới ở tù có 9 năm mà tôi cũng ngớ ngẩn không kém “Jean Valjean gọi bằng cụ”.

Tàu về tới Hà Nội vào buổi tối, tôi không thấy ga Hàng Cỏ, thấy người ta ra thì tôi ra theo.

Thì ra có một cái ga mới trước đó tôi không hề biết là ga Trần Quý Cáp. Lần mò từ phố Sinh Từ mà đi tôi tới nhà ông bạn tù vốn là cán bộ ngoại giao được tha mấy năm trước. Nghe tôi gọi, ông thức dậy mắt nhắm mắt mở đón tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau, vỗ lưng nhau đồm độp. Ông ngẩn ra, không tin ở mắt mình. Ông biết vụ án của chúng tôi, ông coi sự trở về đột ngột của tôi như một phép lạ. Tôi trân trân nhìn bàn trà được dọn ra, có ấm đun nước, có ấm sứ chén sứ hẳn hoi, nhớ đến cái ca sắt tráng men đun bằng giẻ quấn ni-lông với chén là ống nứa tép gọt.

Hai thằng cựu tù hàn huyên đủ mọi chuyện, cho tới gần sáng.

Tôi tính sẽ ra phố Tràng Thi cắt tóc cạo râu, tắm nước nóng ở một hiệu quen cái đã rồi mới về nhà. Tôi quyết định không về nhà ngay ban đêm. Tôi sợ sự xuất hiện của mình sẽ gây choáng váng cho mẹ tôi, vợ tôi và các con tôi. Tôi hình dung mình sẽ bước vào nhà trong bộ cánh đàng hoàng như thể vừa trở về từ một chuyến công tác xa. Anh em tù số chẵn, tức tù thường phạm, tiễn tôi bằng món quà sang trọng – áo sơ mi pô-pơ-lin Thuỵ Sĩ xanh nhạt đã tẩy sạch hai chữ CT (cải tạo) bị đóng bằng hắc ín, quần xi-mi-li xanh đậm. Đôi giày da theo tôi vào tù chín năm trước mà tôi không nỡ vứt đi ở dưới chân, chỉ tội không có tất. Hành lý của tôi chỉ có một cái túi vải buộc túm, trong đó có bộ cánh pi-gia-ma vá đi vá lại, cái thìa nhôm tù gò lấy làm kỷ niệm. Ra khỏi nhà tù có gì đâu mà mang.

Tôi chưa kịp thực hiện dự định trong đầu thì đã thấy em gái Thu Hoà và con gái lớn My Lan đèo nhau lên đón tôi về. Thì ra vợ ông bạn tù sốt ruột đã phóng xe tới nhà tôi báo tin mừng.

Khỏi phải tả niềm vui của cả nhà tôi như thế nào. Sau chín năm đằng đẵng nay mới có một ngày cả gia đình họp mặt đông đủ, không thiếu ai. Cha tôi được thả trước tôi bốn năm còn bị đi đầy biệt xứ ở Nam Định cuối cùng cũng đã được phép trở về Hà Nội.

Sau bữa cơm đoàn tụ, tôi ngồi vào bàn làm việc ngay buổi chiều hôm ấy.

Tôi không thể không làm việc khi nhìn thấy vợ tôi gầy còm, xanh mướt, các con tôi cũng lỏng khỏng loẻo khoẻo trong quần áo vá chằng với đụp. Tôi có việc làm ngay là nhờ anh Dương Tường, bạn tôi, chạy ngay đến Viện Thông tin khoa học xã hội tìm gặp chị Đỗ Thuý Hà nhận việc cho tôi làm: dịch tài liệu, làm tổng thuật các sách về chính trị, triết học, ngôn ngữ học…

Tôi vui. Bạn bè còn đấy, không quên mình. Người chưa là bạn nhưng biết mình, sẵn sàng giúp đỡ mình.

Công việc Đỗ Thuý Hà giao cho, tôi làm được. Nó thích hợp. Sau chín năm không được đọc sách, tôi say sưa được đằm mình trong biển kiến thức mới.

3

Khép lại câu chuyện ngày về của tôi trong Chuyện Nhà, tôi đưa vào đây đoạn con gái út của tôi viết về kỷ niệm với bố:

“Đêm Noel không đi đâu vì sợ kẹt xe, ở nhà ăn bánh và nghe mẹ kể chuyện.

Mẹ kể: Sáng Noel 1967, mẹ nấu xôi sắn cho bố ăn, món xôi ngon nhất của mẹ, ngay cả đến bây giờ vẫn là món tủ của mẹ. Bố ăn xong đến nhà bác bạn, thế rồi đi biền biệt chín năm không về.

Mẹ kể: Cả ngày Noel năm đó, rồi đêm Noel, rồi mấy ngày sau cho đến Tết Tây, cả nhà lùng sục khắp các bệnh viện, các nhà xác ở Hà Nội, lo lắng bố bị tai nạn mà người ta không tìm được người nhà. Nhưng cũng không thấy bố đâu.

Mẹ kể: Đúng tháng đó mẹ bắt đầu có con trong bụng mà không biết, bố cũng chưa biết là có con. Để rồi mẹ đẻ ra con bé ương bướng trần đời thế này.

Mẹ kể: Tới tận mấy tháng sau cũng không có tin gì của bố, cả nhà lờ mờ biết chuyện gì đã xảy ra với bố, nhưng đến cơ quan họ cũng trả lời chắc là bố bỏ đi không xin phép.

Mẹ kể: Noel năm đó lạnh lắm, bố đi chỉ mặc mỗi một cái áo bông khoác lên người. Sau này mới biết đến cái áo ấy cũng bị lột mất, cùng cành hoa hồng bạn bố cho, khi bố trên đường mang về cho mẹ ngày Giáng sinh.

Mẹ kể: Giáng sinh năm đó thật là buồn!

“Sinh nhật note:

Tặng bố mẹ Vũ Thư Hiên Vũ, Đặng Kim Ân với cả tình yêu!

Bố viết: "Nhớ ngày này con ra đời không có bố ở bên. Mong con cứng rắn như đã cứng rắn, không trông chờ mà tự tạo lấy niềm vui".

Mẹ viết: "Mẹ chúc mừng ngày con ra đời , ngày con mang thêm niềm vui và thêm cả ...gian truân cho mẹ ! Bây giờ thì mỉm cười được rồi, tất cả đã qua, do tự con cố gắng là chính..."

Nhớ lại những ngày xa xưa chỉ được nghe kể qua câu chuyện của bà, của mẹ, của các cô chú, nó suýt nữa thì đã không có mặt ở trên đời nếu bà nội không phát hiện ra mẹ uống thuốc bỏ nó mà vứt thuốc đi kịp thời.

Nó không hề giận mẹ, mẹ đã bị áp lực kinh khủng khi chồng bị tù, hai con còn nhỏ quá với một đứa bị bệnh bẩm sinh, nếu thêm một đứa nữa sẽ vô vàn khó khăn, chồng chất lên đôi vai gầy của mẹ.

Nhờ thế nó được sinh ra, sau thời gian ngang ngược trong bụng mẹ, nhất quyết không chui đầu xuống như những bào thai khác, sinh ra với một hình hài không lấy gì làm đẹp, y như cái tuổi khỉ của nó, với một cái tên hay nhưng buồn: HOÀI THU. Bà nội nó đặt tên cho nó, nếu theo ý nghĩa thường thì đơn giản chỉ là nhớ mùa thu năm ấy, tuy nhiên bà còn nói cho nó ý nghĩa sâu sa về cái tên của nó, về một thời gian không thể nào quên.

Và nó khóc, bắt đầu tỉnh dậy là nó khóc, khóc rỉ rả cho đến chiều tối, nổi tiếng cho đến bây giờ về khả năng khóc dai trong đại gia đình. Tuy nhiên biện minh cho việc khóc đấy, khi lớn lên nó được nghe nói rằng, trẻ con khóc nhiều khi bé là do mẹ buồn trong giai đoạn mang thai, vậy cho nên nó khóc không phải tại nó xấu tính, tại ông Trời thôi.

Nó vẫn còn một tí trí nhớ về thời gian ấy, nó mở mắt là đã không thấy mẹ nó rồi, nó bé tí, chẳng mấy khi được có mẹ ở bên, vì mẹ nó sáng sớm tinh mơ đã phải đạp xe tận Hà Đông, để đi làm nuôi 3 chị em nó. Thế là nó tủi thân, nó khóc, khóc thương cho cái thân nó, khóc chán rồi lại nhớ ra khóc tiếp, cứ ngày này qua ngày khác.

Lớn lên chút nữa, bắt đầu đi học, nó mới lờ mờ thấy sự khác biệt của nó và các bạn. Các bạn có bố, vậy bố nó đâu? Mẹ đưa cho nó xem ảnh của bố, toàn là ảnh xa xưa khi bố còn đang học ở Nga, và nó tự hào vì có một ông bố rất đẹp trai, nhưng đi công tác xa lắm, mãi chả về. Sau đó, cứ mỗi lần bạn bè hỏi nói bố nó đâu, nó vênh mặt nói bố tớ đi công tác nước ngoài, xa lắm nên không về được.

Nó cứ yên tâm sống yên bình với mẹ và gia đình to của nó, cả nội và ngoại ở bên, mà không biết cả nhà giấu nó, giấu mỗi lần đi thăm ông nội, thăm bố, chắt chiu từng đồng cho mỗi chuyến thăm tù, và của nả nhà nó cứ mỗi năm một mất dần đi. Nó chả hề có cảm giác là nhà nó đã khổ cực thế nào, khi vẫn được sống trong một biệt thự to ở trung tâm của Hà nội, nó vẫn được mẹ cố gắng cho anh chị em nó một cuộc sống bình thường nhất có thể, một tuổi thơ yên bình, cho dù vì thế mà mẹ nó càng ngày càng gầy, có được tí thức ăn nào nhường hết cho con, cho dù nó vẫn biết là nhà nó nghèo, khi mà được cô giáo tuyên dương trước lớp là nhà nghèo học giỏi, khi mà quần áo của nó vá chằng vá đụp, quần hoa đi học của nó sau khi vá mông đít thì được quay ngược lên để mặc đằng trước, kỷ niệm để lại là tấm hình hồi lớp 1 với cái quần thủng đít nhưng ở phía trước, trong ảnh chụp cùng cả lớp.

Cứ như thế nó sống với mẹ và anh chị em nó, cho đến một ngày, khi nó 8 tuổi, đi học về, nó thấy nhà có khách, một ông khách tóc bạc trắng, gầy gò, đen đủi.

Mẹ gọi nó lại và mẹ khóc nói với nó: bố của con đấy.

Ôi, nó không thể tin được, ông bố đẹp đẽ trong ảnh của nó đâu, chắc là mẹ nó nói dối nó đây mà, bố nó không thể là người đang ở trong nhà nó thế kia.

Nó lén mở ngăn kéo bàn, nơi tấm ảnh bố nó luôn được mẹ nó cất giữ, đem ra so sánh với người đàn ông già nua khắc khổ kia. Và nó nhất quyết không chịu gọi bố nó bằng bố, cho đến mãi bao lâu sau...

Thế là bố bắt đầu bước vào cuộc sống của bốn mẹ con, còn cả gia đình nó thì bước vào một khoảng thời gian thay đổi hoàn toàn khi có bố, vẫn đầy gian truân thử thách, nhưng quyết chí đương đầu”.

Thượng đế, hay số phận, không quá tệ với tôi.

Sau những cái chết lướt qua bên cạnh – trong chiến tranh, trong đời tù, tôi vẫn còn sống được tới hôm nay để có thể kể lại một đoạn đời với những khúc nhôi từng nếm trải cho con cháu và những người mà tôi yêu mến.

Thế đã là một may mắn hơn người.

Còn may mắn hơn nữa, tôi vẫn còn một gia đình toàn vẹn với người bạn đời chung thuỷ đi bên tôi bất kể mọi gian khó và những đứa con có hiếu, lương thiện, lớn lên trong tự lực.

Paris 2018