Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

“Làm thế nào để đọc một bài thơ” của /theo kiểu Lê Vĩnh Tài…

Lê Hồ Quang

Cách đọc một bài thơ – đó có phải là điều đang làm bạn bối rối? Nếu vậy, bạn sẽ không đơn độc khi đọc bài (thơ) này. Bởi Làm thế nào để đọc một bài thơ… đích thực là bài hướng dẫn sự/ cách đọc thơ. Một sự chỉ dẫn cặn kẽ, lớp lang và đầy thấu hiểu, cảm thông với nỗi bối rối/ rối bời của bạn.

 

PHẦN 1. CHỈ DẪN LÍ THUYẾT VỀ CÁCH ĐỌC THƠ

Tác giả đã chia nội dung bài (thơ) này thành hai phần. Ta tạm gọi phần 1 là phần hướng dẫn lí thuyết, với tiêu đề dưới dạng một câu hỏi tu từ giàu sức gợi dẫn (hoặc cũng có thể hiểu như một lời cảm thán, do kết thúc không phải dấu hỏi mà là dấu ba chấm) – Làm thế nào để đọc một bài thơ… Phần 2 là phần dành để thực hành – Một ví dụ để bạn thực hành. Thật trực quan, sinh động!

Sau đây là một số chỉ dẫn quan trọng về cách đọc thơ do tác giả đề xuất.

Chỉ dẫn thứ nhất – soạn lại tâm thế đọc

đầu tiên, hãy quên đi mọi thứ bạn đã học

rằng thơ là khó hiểu

rằng nó không dành cho những người như bạn

Cái biết của lý trí đôi khi làm hại bạn, nó làm bạn trở nên cứng nhắc, giáo điều. Bạn chỉ tin vào những mô hình đã được công nhận, những con đường đã được vạch sẵn. Bạn đánh mất khả năng hồn nhiên. Khi đứng trước một bông hoa, tư duy nệ phân tích khiến bạn chỉ nhìn thấy hỗn hợp thân-cánh-nhụy-hương, bạn không biết bông hoa đích thực như-nó-là, đã mất (Vườn thức một mùi hoa đi vắng – Lê Đạt). Đấy là một cảnh báo nghiêm túc khi bạn chỉ chực cầm cây kéo giáo điều để cắt/ đọc một bài thơ: hãy quên đi mọi thứ bạn đã học… Không phải quên đi kiến thức mà quên đi định kiến. Những định kiến phổ biến, chẳng hạn “thơ khó hiểu” (thực ra, thơ nào chẳng khó hiểu với người đọc mang sẵn tâm thế không dành cho thơ?), định kiến phân loại/ phân biệt thơ (cao nhã/ dung tục; trí thức/ bình dân; lãng mạn/ hiện đại/ hậu hiện đại…), chẳng hạn định kiến giới hạn đọc (loại thơ này không dành cho tôi, hoặc, nói cách cách khác, cao ngạo hơn, tôi không đọc dạng-gọi-là-thơ này)…

Đọc thơ cũng đòi hỏi một tâm thế đặc thù – tâm thế tiếp nhận sản phẩm sáng tạo. Nghĩa là một sản phẩm mới, khác với những gì bạn đã từng đọc/ tiếp nhận. Điều này không chỉ đúng với thơ hiện đại hay hậu hiện đại, mà với thơ nói chung. Nếu đều là lần tiếp xúc đầu tiên, ai bảo thơ trung đại là dễ đọc/ cảm hơn thơ hiện đại/ hậu hiện đại?  Hãy khởi động một cách đọc mới, với một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, hồn nhiên, cởi mở…

Chỉ dẫn thứ hai “chống ẩn dụ” 

bạn cũng đừng tìm hiểu ý nghĩa của các ẩn dụ

những bài thơ hay nhất tự nó sẽ cười đùa ngay với bạn

Ẩn dụ là một cái bẫy. Bạn luôn có nhu cầu giải thích. Bài thơ này nói cái gì? Nói bằng cách nào? Nghĩa đen và nghĩa bóng của nó nhảy nhót. Bạn tin bài thơ được cấu tạo bằng ẩn dụ và bằng cách giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng, bạn có thể nhốt thế giới vào túi của mình. Nghĩa của bài thơ, do đó, chỉ nằm trong/ ở các ẩn dụ bóng bẩy, đa nghĩa. Ngoài ra không còn gì nữa. Nhưng đó là một nguy cơ, thậm chí, một hiểm họa đối với cách đọc. “Một bài thơ hay nhất” có khi tự nó lột trần mọi xống áo ẩn dụ mĩ lệ màu mè. Nó tin vào vẻ đẹp phơi lộ trần trụi của đề tài, hình tượng, ngôn từ, “tự nó sẽ cười đùa” vào nỗi khó nhọc diễn giải của bạn. Nhưng vì tác giả đã nhắc nhở “đừng tìm hiểu ý nghĩa của các ẩn dụ”, có lẽ ta nên dừng lại đây.

Chỉ dẫn thứ ba cần dũng cảm

nhưng đọc thơ cũng cần có lòng dũng cảm

vì bạn sẽ phải nhảy từ vực sâu này sang đỉnh núi cao vút bên kia

Chỉ dẫn này vừa tồn tại song hành vừa là hệ quả kéo theo của hai chỉ dẫn nói trên. Chẳng phải để quên được “mọi thứ bạn đã học”, từ bỏ thói quen “tìm hiểu ý nghĩa của ẩn dụ”, cũng đồng nghĩa với việc bạn phải biết từ bỏ quá khứ, truyền thống, nhãn quan và tư duy vốn có? Trút bỏ tất cả những định kiến ràng buộc, được hình thành trong lịch sử tồn tại của bạn, là cái níu giữ, nhưng cũng là điểm tựa, niềm an ủi, chỗ nương náu trước mọi bất trắc, là một phần của chính bạn, cái đã làm nên bạn, để chơ vơ đối diện với thực tại đầy nguy hiểm – “vì bạn sẽ phải nhảy từ vực sâu này sang đỉnh núi cao vút bên kia”, chẳng phải là một đòi hỏi quá khó khăn với bất kì ai hay sao? 

Chỉ dẫn thứ 4 đọc hồn nhiên

Có lẽ đây là chỉ dẫn cuối cùng (trong bài, nhưng nếu cần, ta vẫn có thể nối thêm các chỉ dẫn, vì sự thật là, trên thế giới này, đâu có thiếu gì các công trình dạy đọc thơ…). Đọc hồn nhiên, nghĩa là, trong một tình huống ví dụ:

nếu thơ yêu cầu bạn đầu hàng

thì bạn cứ nằm

chàng hảng

Bạn hẵng khoan nhăn mặt. Hãy thuận theo thơ theo cách nó muốn. Đừng cố gắng giải thích bài thơ, đừng cố gắng nắn nghĩa bài thơ. Nếu bất lực trong việc diễn giải bài thơ, hãy nói về sự bất lực của bạn. Nếu có thể, thay vì giải thích bài thơ, hãy để bài thơ giải thích bạn, theo cách của nó. Như một cuộc chơi vui vẻ. Vui vẻ và hồn nhiên. Được giải thoát nỗi ám ảnh về phương pháp, kĩ thuật đọc thơ, thậm chí bạn: 

…cũng không để ý

đến lời hướng dẫn này

xin chúc mừng

bây giờ bạn đã biết đọc thơ...

PHẦN 2. MỘT VÍ DỤ ĐỂ BẠN THỰC HÀNH

Nhưng bạn đã biết đọc thơ thật chưa? Người viết hẳn đã thấy sự lúng túng của bạn. Giữ lời hứa, anh ta sẽ lấy một ví dụ để thực hành đọc giúp bạn.

Bài được dẫn ra làm ví dụ có tên Viết cho người, của chính Lê Vĩnh Tài. Nó được viết theo thể sáu chữ nhịp nhàng, với kỹ thuật lặp từ điêu luyện. Có thể hình dung “chưa” là từ khóa của bài, nó có mặt trong tất cả các dòng thơ. “Chưa” là những gì thuộc tương lai chưa tới. Nhưng “chưa” cũng là nỗi băn khoăn, thắc thỏm về một hiện tại chưa hoàn thành và một tương lai bất định. Chữ “chưa” thật giàu sức gợi và ám ảnh!

Nhưng tác giả đã ân cần nhắc nhở:  “Bạn có thể thêm dấu hỏi vào, để trọng âm vút lên ở cuối câu tạo ra nhạc điệu mới, vui tai hơn.” Với nhắc nhở này, tốt nhất ta nên nhanh chóng thoát ra khỏi tâm trạng hoài cảm thổn thức mênh mông mà thế giới chữ “chưa” đã mang lại. Cũng ân cần và kịp thời như vậy, tác giả nhanh nhẹn cắt bỏ chữ “chưa” trong các dòng. Bây giờ ta đã có một văn bản “Viết cho người” thể năm chữ.

Đây thực là một văn bản trọn vẹn. Ta cảm thấy ở dị bản “Viết cho người” thể sáu chữ có hơi rườm rà. Thực có thế. Phải, nên cắt bỏ bớt chữa thừa. Văn bản năm chữ mới thực là văn bản cần thiết. Gọn, giàu xúc cảm và độ dư ba…

Nhưng hành trình ấy chưa hoàn tất. Theo một cách thức từ tốn không thể kháng cự, từ văn bản thơ năm chữ mà ta vừa tấm tắc, tác giả tiếp cắt dần xuống thành văn bản thơ theo thể bốn chữ, rồi ba chữ, hai chữ và… một chữ. Với kĩ thuật cắt tỉa điêu luyện, tổng số chữ trong toàn bài từ 84 chữ giảm dần xuống còn 70 chữ, rồi 56 chữ, rồi 42, rồi còn… 14 chữ. Điều thú vị là ở thể nào, bài thơ/ văn bản cũng trưng ra vẻ mặt hợp lí của nó. Ít nhất, ta hoàn toàn vẫn có thể giải thích và tiếp tục cảm động một cách xứng đáng.

Hành trình này kết thúc chưa? Chưa! Bạn hoàn toàn có thể cắt tiếp, “và khi không còn chữ nào, bạn có thấy nước mắt lăn ấm hai bên má không? Nếu có, là bạn đã đọc xong một bài thơ…

Đúng vậy. Bạn đã đọc xong bài thơ.

Tác giả nhìn thấy vẻ ngơ ngác và ngờ vực trên gương mặt bạn. Nhưng anh ta đã xong việc của mình.

PHẦN 3: VIỆC CÒN LẠI LÀ CỦA TÔI VÀ BẠN

Đúng! Việc còn lại là của tôi và bạn, những người đọc khăng khăng đòi sự đọc phải đi đến sự hiểu. Chú mục vào việc tìm hiểu nội dung bài thơ nói gì, một khi tên bài là Làm thế nào để đọc một bài thơ, ta nhất định sẽ bám lấy nó, nhằm tìm kiếm câu trả lời đúng/ hợp lí nhất. Nhưng thay vì một kết thúc viên mãn, kiểu độc giả và nhà thơ gặp gỡ nhau trong niềm đồng cảm da diết, cái ta có ở đây chỉ là một kết thúc khá… chưng hửng. “Nước mắt lăn ấm hai bên má”, có lẽ, không chỉ do độc giả quá xúc động mà có khi, ngược lại.   

Vì chỉ đến lúc ấy (hoặc có khi sớm hơn, tùy người), độc giả đã nhận ra một sự thật. Anh ta đã bị đánh lừa. Bị gài bẫy. Một cách ngoạn mục.

Sự thật là tác giả đâu có ý định “chỉ đường” theo kiểu độc giả say mê và thật thà đòi hỏi. Làm thế nào để đọc một bài thơ..., xét từ cách thức trình bày đi từ định hướng lí thuyết đến thực hành đọc thơ, thực chất, là sự giễu nhại lối đọc/ phê bình thơ trường quy có tính phổ quát, phổ biến. Bài thơ là nhại (bao gồm nhại phong cách phê bình, nhại mô hình phê bình, nhại diễn ngôn, giọng điệu phê bình, nhại thao tác, kĩ thuật phê bình…), và cùng với nhại là giễu. Giễu lộ liễu. Giễu không thương tiếc.

Bằng cách mô phỏng hình thức trình bày của các công trình nghiên cứu trường quy (thường có các đề mục khái quát, hệ thống luận đề, luận điểm triển khai theo trật tự logic), lối diễn đạt có tính áp đặt, khuyến cáo (hãy quên đi mọi thứ bạn đã đọc, bạn hãy khởi động, đừng tìm hiểu ý nghĩa của các ẩn dụ…), Làm thế nào để đọc một bài thơ... giễu nhại tính chất trịnh trọng của những công trình mang tham vọng mô hình hóa, độc tôn hóa cách đọc.

Bài thơ mở đầu thật đạo mạo, khả kính, nghiêm trang. Nhưng chỉ được vài dòng, thơ đã đổi giọng trửng giỡn, đùa cợt, tỉnh bơ, tỉnh rụi, tỉnh như ruồi. Tính giễu nhại đậm đặc trong giọng điệu:

đầu tiên, hãy quên đi mọi thứ bạn đã học

rằng thơ là khó hiểu

rằng nó không dành cho những người như bạn

bạn hãy khởi động

như khởi động những hiểu lầm

ngày em bỏ bạn ra đi...

Độc giả bỡ ngỡ vừa mới kịp nhập vào hứng thú diễn giải thì đã bị dồn ép rời khỏi suy tưởng cao nhã, hàn lâm để đối mặt với một tình huống “thơ và đời” trời ơi đất hỡi:

nếu thơ yêu cầu bạn đầu hàng

thì bạn cứ nằm

chàng hảng

Chưa kịp hết sốc trước tình huống và lời đề nghị khiếm nhã, độc giả tiếp tục bị buộc chuyển hướng quan tâm sang phía khác. Tác giả tỉnh bơ đề nghị độc giả quên đi khuyến cáo của chính anh ta với họ, ngay trước đó, để có thể:

... không để ý

đến lời hướng dẫn này

Cũng tương tự, trong phần thực hành đọc, ví dụ được chọn là một văn bản khá thuần lãng mạn. Nhưng dấu hiệu “phản lãng mạn” đã xuất hiện ngay trong những chỉ dẫn (ra vẻ) khách quan, vô tư, hàm chứa giễu cợt, đủ sức làm tiêu ma mọi rưng rưng xúc cảm (nếu có):

- Bạn có thể thêm dấu hỏi vào, để trọng âm vút lên ở cuối câu tạo ra nhạc điệu mới, vui tai hơn. Sau đó bạn tiếp tục đọc văn bản khi chỉ còn 5 chữ.

- Bạn sẽ thấy chỉ cần có 4 chữ

- Rồi 3 chữ

- 2 chữ

- Cuối cùng, 1 chữ

- và khi không còn chữ nào, bạn có thấy nước mắt lăn ấm hai bên má không? Nếu có, là bạn đã đọc xong một bài thơ…

Việc “chế tạo thơ ca” (Phan Nhiên Hạo) được tác giả mô tả như một quá trình cắt ghép thuần túy thao tác kĩ thuật và hoàn toàn có thể ý thức một cách thản nhiên, tỉnh táo. Đây rõ ràng là sự giễu cợt đối với cái nhìn thiêng hóa, thần thánh hóa bản chất của hoạt động làm thơ, làm nghệ thuật. Việc tác giả cố tình trình bày kỹ thuật viết/ đọc thơ theo lối thủ công hóa cho thấy thái độ châm biếm đối với cả lối viết lẫn lối đọc một chiều, suy diễn, áp đặt. Một mũi tên trúng nhiều đích.

Một cách bao quát, Làm thế nào để đọc một bài thơ... là sự giễu nhại những diễn ngôn hàn lâm, cao đạo, nhưng thực chất hết sức hẹp hòi, về bản chất thơ; giễu nhại những giọng điệu phê bình thơ “to và lớn”. Và giễu nhại luôn chính cách đọc của một số độc giả đang đọc sự cắt nghĩa việc đọc của mình… (Dĩ nhiên, sự giễu nhại này cũng không bỏ qua tư cách người viết, như đã nói trên). Phê phán tham vọng toàn trị trong cách đọc, trình bày nó dưới hình thức (có vẻ) thuyết phục và đáng tin cậy nhất của nó, thủ pháp giễu nhại đã đưa đối tượng đến cái đích mong muốn: hạ bệ, chối bỏ, chôn vùi nó. Hoặc nói theo cách khác, nhẹ nhõm và “khoái hoạt” (Inrasara) – quên nó đi, ngay và luôn!

Sự thực là, sự nhập vai người chỉ dẫn, đồng cảm, chia sẻ quá sâu của tác giả khiến độc giả – là ta – cũng quên đi cảm giác đang bị giễu cợt, săm soi. Ta húc đầu vào lý thuyết về thơ ca, về bản chất thơ, về phương pháp đọc thơ, hăng say diễn giải, phân tích, bình tán, hăng hái như chú bò tót húc vào tấm vải đỏ, quên bẵng đi việc tác giả vẫn đang đứng đó, lặng lẽ quan sát, với vẻ ân cần, khiêm nhu đầy tinh quái.

Quả tình không thoải mái gì khi phát hiện ra đối tượng bị bài thơ biếm giễu không chỉ là những thứ “ngoài ta”, mà là chính ta, kẻ đang đọc thơ với tất cả sự tin tưởng nhiệt thành. Nhưng về điều này, thẳng thắn mà nói, lỗi cũng nằm ở độc giả. Ngoài cảm xúc và sự nhiệt thành, anh ta cần trang bị thêm “phương tiện”, “công cụ” để thâm nhập vào thế giới thơ hậu hiện đại: tinh thần dân chủ và tiếng cười giải thiêng.   

Làm thế nào để đọc một bài thơ... có phải là thơ không? Phải, nó là thơ theo quan niệm của Lê Vĩnh Tài. Hoặc nói cách khác, nó là thơ nhưng không phải là loại/ kiểu thơ ta vẫn quen đọc. Thay vì là một văn bản hàm súc, trau chuốt, nhịp nhàng, du dương, nó có thể dài dòng, rườm rà, thậm chí rối rắm. Thay vì văn bản độc nhất, nó có thể là một tổ hợp văn bản. Thay vì những mênh mang, hanh hao, hoang hoải, nó có thể trần trụi, thô bạo, tếu táo, thẳng thừng, bất nhã. Thay vì những xúc cảm tình ái, nó có thể nói về cách làm thơ hoặc cách “chúng tôi không làm thơ” (Lý Đợi). Thay vì chiều chuộng xúc cảm của độc giả, nó gây hấn, đùa giỡn, thách thức với xúc cảm thẩm mĩ của độc giả và bằng việc gây ra những cú sốc nhiều khi khá tàn nhẫn, nó buộc độc giả phải nhận thức lại, tỉnh táo hơn, rạch ròi hơn, nhiều vấn đề của đời sống.

Làm thế nào để đọc một bài thơ... có hay không? Tôi nghĩ đây là một bài thơ hay. Dĩ nhiên, cái hay của nó rất khác thơ lãng mạn hay thơ hiện đại. Nó hay theo kiểu hậu hiện đại. Nó hay trong cái không khí dân chủ được tạo ra. Ở đó, bài thơ mời gọi người đọc tham gia sự đọc với sự chủ động tối đa. Không có sự phân chia cao thấp mặc định giữa nhà thơ và độc giả/ nhà phê bình. Đó là một trò chơi bình đẳng, nhưng nếu muốn tham gia và có vị thế bình đẳng, anh phải nắm được luật chơi. Ngay cả khi phát hiện bị “gài bẫy”, bị “mắc lừa”, anh hoàn toàn không phải kẻ thua cuộc. Nhận thức về một loại hình thơ mới với những nguyên tắc thẩm mĩ mới là phần thưởng chia đều cho tất cả những ai biết can đảm rũ bỏ định kiến, đủ mạnh mẽ và cởi mở để nhập cuộc sáng tạo, đồng sáng tạo. Ta có thể hình dung “gài bẫy” và “mắc lừa” như là cách nói về một trò chơi không kém phần thú vị, đòi hỏi sự tham gia tự nguyện, nhiệt thành và hiểu biết của cả hai phía người chơi – nhà thơ và độc giả của mình.

Vậy nên:

hãy quên đi mọi thứ bạn đã học

rằng thơ là khó hiểu

rằng nó không dành cho những người như bạn

Hãy “quên đi mọi thứ bạn đã học” để có thể học lại mọi thứ. Kể cả thơ và cách đọc thơ. 

Vinh, 7/5/2021

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỌC MỘT BÀI THƠ...

                                  

Lê Vĩnh Tài

 

đầu tiên, hãy quên đi mọi thứ bạn đã học

rằng thơ là khó hiểu

rằng nó không dành cho những người như bạn

bạn hãy khởi động

như khởi động những hiểu lầm

ngày em bỏ bạn ra đi...

 

bạn cũng đừng tìm hiểu ý nghĩa của các ẩn dụ

những bài thơ hay nhất tự nó sẽ cười đùa ngay với bạn

nhưng đọc thơ cũng cần có lòng dũng cảm

vì bạn sẽ phải nhảy từ vực sâu này sang đỉnh núi cao vút bên kia

 

nếu thơ yêu cầu bạn đầu hàng

thì bạn cứ nằm

chàng hảng

 

một ngày nào đó, bài thơ mở ra trong mắt của bạn

giống như bình minh

mở ra một ánh nắng mặt trời

 

đến khi bạn có thể thuộc tên 3 nhà thơ việt nam

mà không trùng tên với inrasara, bùi chát, đinh thị như thúy

và thậm chí cũng không để ý

đến lời hướng dẫn này

xin chúc mừng

bây giờ bạn đã biết đọc thơ...

 

MỘT VÍ DỤ ĐỂ BẠN THỰC HÀNH:

 

Bạn đọc bài thơ 6 chữ:

 

ngày tháng đã chiêm bao chưa

quay lưng còn chưa gì nữa

dốc vẫn con dốc chưa dài

đi về chưa trong cõi nhớ

 

chưa đốt điếu thuốc đầu ngày

khói vẫn chưa làn khói trắng

lặng lẽ như mây bay chưa

ta ngồi như chưa câm lặng

 

tít tắp một nụ chưa cười

xa thành xa chưa thăm thẳm

nước mắt hòn đá lăn chưa

đêm thành đêm chưa thức trắng

 

đã xa thành chưa thăm thẳm

người đã thành mù khơi chưa

 

Bạn có thể thêm dấu hỏi vào, để trọng âm vút lên ở cuối câu tạo ra nhạc điệu mới, vui tai hơn. Sau đó bạn tiếp tục đọc văn bản khi chỉ còn 5 chữ:

 

ngày tháng đã chiêm bao

quay lưng còn gì nữa

dốc vẫn con dốc dài

đi về trong cõi nhớ

 

đốt điếu thuốc đầu ngày

khói vẫn làn khói trắng

lặng lẽ như mây bay

ta ngồi như câm lặng

 

tít tắp một nụ cười

xa thành xa thăm thẳm

nước mắt hòn đá lăn

đêm thành đêm thức trắng

 

xa đã thành thăm thẳm

người đã thành mù khơi

 

Bạn sẽ thấy chỉ cần có 4 chữ:

 

ngày tháng chiêm bao

quay lưng gì nữa

vẫn con dốc dài

về trong cõi nhớ

 

điếu thuốc đầu ngày

vẫn làn khói trắng

lặng lẽ mây bay

ta ngồi câm lặng

 

tít tắp nụ cười

xa thành thăm thẳm

nước mắt đá lăn

đêm thành thức trắng

 

xa thành thăm thẳm

người thành mù khơi

 

Rồi 3 chữ:

 

đã chiêm bao

còn gì nữa

con dốc dài

trong cõi nhớ

 

đốt đầu ngày

làn khói trắng

như mây bay

như câm lặng

 

tít tắp nụ

xa đã thành

hòn đá lăn

đêm thức trắng

 

xa đã thành

người mù khơi

 

2 chữ:

 

ngày tháng

quay lưng

dốc dài

cõi nhớ

 

đầu ngày

khói trắng

lặng lẽ

ta ngồi

 

nụ cười

thăm thẳm

đá lăn

 

thành đêm

xa đã

người thành

 

cuối cùng, 1 chữ:

 

ngày

quay

dốc

nhớ

 

đốt

khói

mây

câm

 

nụ

xa

mắt

trắng

 

đã

và khi không còn chữ nào, bạn có thấy nước mắt lăn ấm hai bên má không? Nếu có, là bạn đã đọc xong một bài thơ…

Nguồn: FB Thơ Hiện thời Plus