Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Dân Việt Nam: Một khối nhân quần đang ở tuổi thiếu niên

Nguyễn Hữu Liêm

Năm 1916 Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết bài thơ ngắn “Bính Thìn Xuân Cảm,” trong đó có hai câu lừng danh, Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Hơn 100 năm sau, cho đến ngày hôm nay, 2021, nhìn vào con người, chính thể và văn hóa Việt Nam tổng quan, chúng ta nên tự vấn, Nước và Dân ta đã hết trẻ con chưa?

Theo tôi, câu trả lời là Chưa. Dân ta, như là một khối nhân loại trên trường tiến hóa tâm thức, vẫn còn mang nặng bản chất trẻ con. Dù có trưởng thành lên chút ít, nhưng tựu chung thì Việt Nam vẫn còn đang ở trong giai thời thiếu niên, và chưa thực sự trưởng thành.

Từ bản sắc Sử tính sợ hãi ‘the unknown’

Từ trong chiều dài Sử tính Việt, mặc cảm tự ty của một tâm thức nô lệ của dân tộc này đã biến hóa ra thành nhiều dạng thức mà bản chất vẫn là phủ định, tiêu cực. Lòng hận thù và sợ hãi ngoại bang là động cơ chính cho lòng yêu nước, rồi thành chủ nghĩa yêu nước, thứ dừng lại ở ý thức hệ quốc gia – rồi trở thành một tôn giáo, một giáo điều. Những lễ lạt ‘về cội nguồn’ ngày càng rầm rộ gần đây là một bằng chứng.

Tổ quốc trở thành thần linh – một sự hình thành ý thức dân tộc gần giống như là của dân Do Thái khi họ tự coi nòi giống họ, đất nước họ, là con và của riêng của Chúa Trời.

Có hai hình thái chủ nhân, masters, của dân Việt vốn phát xuất từ tâm thức nô lệ. Về địa lý chính trị thì ông chủ là Trung Hoa; về sinh mệnh và biến cố thì chủ thể là số Trời. Tinh hoa Sử tính Việt là của một năng ý phủ định và vươn thoát hai ông chủ khắc nghiệt đó nhằm kiến tạo cho chính mình một Sử Mệnh mới.

Qua chiều dài Sử tính khắc nghiệt đó, và vì mang tâm thức thuần phủ định trong lòng yêu nước – đối với ngoại bang – Sử tính Việt thiếu hẳn đi một năng ý tích cực và tự tin cần thiết. Tính tích cực nội tại này là thiết yếu vốn đòi hỏi mỗi con dân Việt phải tự mình chuyển hóa chính mình, đứng dậy mà trưởng thành và lớn lao lên trên cơ bản cá nhân – để từ đó xây dựng quốc gia trên nền tảng định chế đại thể và giá trị nội tại cho nhu cầu bảo vệ tổ quốc đồng thời đưa đất nước lên đến một tầm mức tiến hoá cao hơn theo nhịp trống thời đại.

Sự khiếm khuyết của một bản sắc tích cực trong năng thức Việt đã tạo ra một lịch sử hiện thân cho khuyết điểm này. Điều nặng nề là tâm ý Việt vừa sợ và vừa thần phục Trung Hoa – và sau này cũng như thế đối với Pháp và các cường quốc Âu Mỹ. Ta luôn đối đãi với Trung Quốc và Âu Mỹ với một tâm thức nô lệ – vừa tự ty mặc cảm đồng thời hãnh diện bất khuất, vừa thần phục nhưng ghét bỏ.

Từ mặc cảm tự ty và bất an, cái Ta của người Việt, khi đặt trước Văn minh Trung Hoa, nhìn ra đại dương ta thấy nó là một giới hạn. Trong khi đó, người Tây Âu cũng nhìn ra đại dương và đã thấy nó là cơ hội. Vì cái Ta dân tộc này, nước nhược tiểu, chưa bao giờ có khả năng lớn mạnh đủ để thử thách cơn sóng lớn của biển khơi, để đứng ngang hàng với các cường quốc khác.

Cũng đã có vài lần trong chiến sử, các hạm đội của hải quân Việt Nam đã chứng tỏ một sức mạnh ấn tượng – như thời Nguyễn Ánh – nhưng tất cả cũng chỉ vừa đủ cho nhu cầu chiến tranh ngắn hạn, chứ chưa hề là hiện thân cho một ý chí thử thách đại dương và làm chủ lãnh hải.

Cho đến sau 1975, từ cao trào vượt biển tỵ nạn thì lần đầu dân Việt mới ít nhiều vượt qua tâm lý sợ hãi và tiêu cực đối với đại dương. Nhưng nên nhớ rằng, phần lớn người Việt vượt biển lúc đó đã biết hành trình sẽ đến nơi nào – chứ không như người Tây Âu nhiều thế kỷ trước, khi lên tàu bước ra khơi họ – dân TâyBan Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan... đã không biết là đại dương như thế nào và sẽ đi về đâu. Thử thách cái không biết đến, the unknown, vẫn là sức mạnh của người Tây Âu. Cho ý chí và tinh thần thử thách tương lai thì dân Việt vẫn còn yếu kém.

Thiếu sáng tạo và lười biếng về tư duy

Tiếp theo, từ trong tâm thức tiêu cực và chấp nhận, văn hóa Việt gần như hoàn toàn là một văn hóa trích mượn – a derivative culture. Nó thể hiện tâm chất bất an và thiếu tự tin. Do đó, họ vừa cực đoan và vừa nhu nhược. Như tôi thấy trong cộng đồng người Việt ở Mỹ rất nhiều vụ việc hễ người khác xúc phạm người Việt thì chúng ta phản ứng mạnh mẽ cao độ. Nhưng chỉ cần một thế hệ, hầu hết con cháu ta đã từ bỏ, hoặc không màng gì đến những bản sắc văn hóa Việt.

Dân Việt nói chung rất thiếu tự tin về nguồn gốc dân tộc mình. Không như dân Ấn Độ hay gốc Hoa ở Mỹ đến mấy thế hệ vẫn còn sử dụng một cách tốt và hãnh diện ngôn ngữ, y phục, phong hóa tập thể trong cộng đồng họ. Trong khi đó, chỉ cần hai thập niên thì người Việt gần như từ bỏ hết bản sắc gốc gác của họ. Từ ngôn ngữ, cách đặt tên cho con, từ cách nhuộm tóc hoe vàng cho đến cung cách văn hóa tập thể, cái Ta của người Việt ở hải ngoại là hiện thân của hai mặt tiêu cực từ một tâm thức bất an và nô lệ đó. Tất cả đều có nguồn gốc từ Sử tính Việt như đã trình bày ở trên.

Hãy nhìn vào thế giới tri thức. Người cầm bút Việt Nam hầu như chỉ có làm được ba chuyện: làm thơ, viết truyện ngắn, và dịch thuật sách ngoại ngữ. Ngay cả về văn chương, văn sĩ Việt vẫn không có khả năng viết chuyện dài, hay trường thiên tiểu thuyết. Trí thức Việt không có ý chí đại thể lớn lao về năng lực tri thức. Họ không có đủ tự tin – dù rất có thể là về khả năng thì họ có đủ – để sáng tạo lý thuyết, triết học cho mình.

Hơn nữa, trí thức Việt mang bệnh lười biếng suy nghĩ sáng tạo. Họ nỗ lực cao độ – nhưng phải dựa vào một nội dung có sẵn. Vì vậy, họ chỉ thích dịch sách mà thôi. Vì công việc phiên dịch, chuyển ngữ, họ không cần suy nghĩ về khái niệm, về ý tưởng, về cấu trúc bố cục cho sách. Họ ưa tranh luận về câu văn, cụm từ nào đó có dịch cho đúng với ý nghĩa theo văn bản tiếng ngoại quốc hay không. Họ không bàn đến ý nghĩa của khái niệm hay lý thuyết. Họ chỉ muốn tranh cãi về những tiểu tiết – the trivial facts – vốn chỉ là vay mượn.

Hoang tưởng văn hóa và giấc mơ cường quốc... buôn đất

Tâm ý Việt mang nội dung bất an của một dân tộc, vừa hãnh tiến nhưng đồng thời cũng không đủ tự tin về văn hóa của mình. Từ đó, vì thiếu chiều dày tích lũy giá trị của một nền văn minh có chiều sâu, trí thức Việt mang ý chí huyền thoại hóa lịch sử dân tộc và sáng tác ra những câu chuyện văn hóa Việt cổ đại huyễn hoặc để tự phong cho dân Việt là tác giả của những nguồn mạch văn hóa lớn – chứ không phải của Trung Quốc. Hai vị trí thức đáng kính gần đây, Kim Định và Lê Mạnh Thát, là biểu trưng cho năng ý huyền thoại hóa văn hóa Việt này.

Về chính trị địa lý thì giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, than ôi, vẫn mang điều hoang tưởng về khả thể cường quốc – một “tiểu Trung Hoa” theo mô hình xã hội chủ nghĩa mơ hồ, ‘vì lý tưởng XHCN’ bền hơn ở quê hương của nó. Họ thực ra bị chi phối bởi tầm nhìn ngắn hạn và thực dụng. Sự loay hoay giữ hoang tưởng vĩ cuồng cho quốc gia trung thành với ý thức hệ Marx-Lenin đã bị châu Âu đào thải đang gây mâu thuẫn trầm trọng với khả năng kinh tế và chính trị của thể chế cũng như của giới doanh nhân Việt.

Hãy nhìn đến nguồn gốc của sự giàu có của giới đại gia Việt – hầu hết, gần như tuyệt đối, là nhờ kinh doanh bất động sản.

Hãy thử đi ngang qua những khu chung cư cao tầng ở Hà Nội hay Sài Gòn, ta sẽ thấy một quang cảnh phát triển phố thị vô lý – và nhất là phản cảm, thiếu thẩm mỹ. Từ đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Sài Gòn, khi nhìn vào khu chung cư cao tầng Central Park, ta sẽ rùng mình bởi một cảnh tượng xây cất mang sắc thái hiếp đáp hồn người. Quang cảnh phố thị với những nhà cao tầng thiếu thẩm mỹ đã triệt tiêu cái đẹp của tâm hồn người phố thị.

Ở Sài Gòn hiện nay, hầu hết các dự án căn hộ cao cấp đều dành cho giới siêu giàu để họ đầu cơ với chính sách thuế khóa vô lý, phản tiến bộ – trong khi giới trung lưu (tương lai của dân chủ) và nghèo khó đang đối mặt với khủng hoảng gia cư trầm trọng.

Mặc cảm quốc tế và nhu cầu trưởng thành

Vậy hôm nay chúng ta đang ở đâu trên Trái Đất này?

Nhìn lại, ý chí Sử tính quốc gia đối với Trung Hoa, và sau là đứng trước Âu Mỹ, hệ thống chính trị Việt Nam muốn được coi trọng và công nhận một cách chính thức, nhưng ít đủ dũng cảm để tạo vị thế mà không cầu xin.

Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng Hán, Nguyên, Minh, Thanh các vua chúa Việt Nam phải cử sứ thần sang Trung Hoa để triều cống và xin được phong vương vị.

Về chiến thuật, dĩ nhiên, đó là công việc ngoại giao mềm mỏng, ổn định quan hệ quốc tế với đại cường để phục hồi và xây dựng sau chiến tranh.

Nguyễn Trãi là một trường hợp điển hình. Dù là tác giả của Bình Ngô đại cáo oai phong, tuyệt vời cả về văn ngữ lẫn tinh thần nội dung, nhưng khi đọc Quân trung từ mệnh tập mà Nguyễn Trãi đã viết thay mặt Lê Lợi gởi cho nhà Minh, chúng ta cũng không khỏi ngậm ngùi cảm nhận được cái nhục nhã, cái thái độ khom mình cúi đầu thần phục đối với phương Bắc. Thế nhưng dần dần chiến thuật nhún nhường cần thiết với nghi thức phong kiến và ngôn ngữ của kẻ yếu đã trở nên một bản chất cá tính của tầng lớp chính trị Việt.

Bản sắc cá tánh muốn được công nhận ảo này còn thành ‘yếu tố di truyền’ trong văn hóa bằng cấp, học hàm, học vị của người Việt. Với truyền thống thi đỗ thì được làm quan để cho cả họ được nhờ, học vị khoa bảng đã trở thành chìa khóa cho thực tại tiến thân trong xã hội – cũng như cho tâm ý được coi trọng và công nhận giá trị nhân bản bởi tha nhân và đại thể khách quan. Ta chỉ là một công dân khi được có bằng cấp, hay chức vị trong triều đình. Ta chỉ hiện hữu khi Ta được công nhận bởi tha nhân. Từ đó, cái Ta được định hình bằng cái không-Ta, mà bản chất là một biện chứng tiêu cực có gốc rễ từ một tâm ý nô lệ. Bệnh cầu cạnh khoa bảng danh vọng còn đang rất thịnh hành trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Bạn hãy suy nghẫm về kinh nghiệm bản thân khi tiếp xúc, giao tiếp, làm ăn, sinh hoạt với người Việt ta. Không ít người lớn tuổi, bằng cấp học vị, học hàm, chức vụ, nghề nghiệp, kể cả giới tu sĩ các tôn giáo hay lãnh đạo chính trị, nhà nước, trong hay ngoài nước, vẫn mang tính tình niên thiếu.

Nếu bạn có dịp giao tiếp hay làm việc với người Âu Mỹ thì sẽ thấy rằng họ – người phương Tây – chững chạc, trưởng thành hơn chúng ta nhiều, kể cả khi họ không có bằng cấp cao, hay khi còn rất trẻ tuổi. Dĩ nhiên là cũng có những thành phần quần chúng lao động Mỹ chẳng hạn, vẫn còn mang nặng tính tình trẻ con.

Thế nhưng tôi dám nói rằng nhìn tổng thể, đại đa số dân Việt khắp thế giới, vẫn là một tập thể chưa chín chắn, rất bồng bột, hơi ngây thơ và nhiều hoang tưởng. Nhìn vào các cộng đồng mạng xã hội mấy năm nay để thấy được cái tệ hại của sự thiếu trưởng thành và tính trẻ con thích cãi lộn. Có người đã nhận xét rằng hãy lên Facebook để thấy cái bản mặt xấu xí của dân Việt – the truly ugly side of Vietnameseness – với tính tình nặng chất trẻ con của họ là như thế nào.

Từ đó, người Việt, tuy là trẻ con – và cũng vì thế – không thể ngồi chung, làm việc với nhau trên bình diện dân sự. Nguyên do chính là vì dân ta thiếu vắng văn hóa cộng đồng. Người Việt không thể thành lập hội đoàn dân sự vững mạnh, lâu dài, uy tín. Hầu hết các tổ chức tự nguyện người Việt khắp thế giới đều tự tan rã vì không ai chịu ai. Hệ quả là nền văn hóa duy tập thể của Đảng Cộng sản Việt Nam – ít nhất là trong nước – hình như là câu trả lời cần thiết và đương nhiên cho sự khiếm khuyết của chất keo văn hóa dân sự và công dân đó.

Không lẽ hơn trăm năm sau, nay ta lại phải ngâm tiếp bài thơ đó của Tản Đà, rằng, Cám cảnh khói cây mờ mịt biển. Lo đời sương tuyết bạc đầu non.