Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 7)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

PHẦN HAI

Chương II

Con đường tôi đã qua

clip_image0024

Ảnh được cắt từ báo Giải Phóng trước 1975.

Một mình suy nghĩ một mình đi...

Đi tắt...

Trước ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, tình hình miền Nam sôi sục khí thế “Đồng Khởi”, bộ đội xuất hiện đó đây vào ban ngày, kể cả ở đoạn Giồng Cát - Cây Gòn, phía trên nhà tôi là nơi huấn luyện tân binh của tỉnh An Giang. Tôi nôn nao sợ mất phần góp công, nhưng nếu về lại xã Nhơn Hưng thì cũng chỉ làm lặt vặt, “tay sai” như cũ rất chán, còn tham gia với địa phương ở đây thì tôi không thích, vì cái chết của anh Út Võ chưa nguôi và thái độ cán bộ địa phương phân biệt đối xử với gia đình tôi, xem người An Giang như kẻ lạ. Có lần, một cán bộ nói: “Ông già Sáu này “thủ đoạn”, ở đây mà cho con làm Cách mạng ở An Giang hết; còn đóng góp nuôi quân thì mỗi tỉnh một nửa”.

Ở vùng tạm gọi là “tự do” nhưng sao quá ngột ngạt, bị địa phương phân biệt, nghi ngờ. Tôi quyết định đi bộ đội An Giang và đem ý này hỏi má. Má tôi nói: “Đi thì đi, nhưng mầy đi rồi, ba mầy “làm giặc” với tao cho mà coi”. Nhưng đi không có Chi bộ xã giới thiệu, cấp huyện đã không nhận rồi, đàng này tôi lại tính đi bộ đội tỉnh mà cũng không có huyện giới thiệu thì thật phiêu lưu. Đi như vậy người ta gọi là “đi tắt đón đầu”, nhưng tôi vì nôn nóng muốn đi và chủ quan là bộ đội tỉnh có người quen, nhất định họ không bỏ tôi. Còn họ ở đâu tôi không biết, chỉ nghĩ rằng họ ở vùng Giải phóng, nhất là ở núi Dài Vạn Liên (núi Dài lớn), tìm sẽ gặp.

Vậy là kế hoạch ra đi của tôi, chỉ có tôi và má biết. Má bao giờ cũng là mẹ, là thầy, là chỗ dựa tin cậy nhất của tôi. Biết ngày mai có chuyến đò ra chợ cầu Cây Me - Sài Tón và về trong ngày, ba sai tôi đi mua đinh, dây chì về để hoàn thiện ngôi nhà mới cất. Nhân dịp này, tôi sẽ đi. Má soạn cho tôi hai bộ quần áo mới do anh Tư mua vải sau khi giải ngũ lần thứ nhất mà tôi đã kể, một cái khăn rằn màu xanh - trắng và một tấm cao su màu xanh hơn một mét vuông. Đêm cuối cùng không ngủ được, tôi đi lòng vòng quanh nhà, nhìn chim trong lồng, nhìn cây trồng trong chậu mà suy nghĩ miên man. Tôi dặn: “Má ráng cho chim ăn giùm, ba tháng con về rồi”.

Khi về ngang Lò Gạch - Lương An Trà, tôi gởi mấy thứ mình mua, dặn chủ đò ghé đưa cho ba má, còn tôi lên bờ nhắm hướng, đi tắt về núi Dài Lớn để tìm bộ đội. “Một mình suy nghĩ một mình đi”, đi từ sông về núi để tìm lại núi sông! Suy nghĩ lãng mạn thật; vậy mà tưởng tượng chỉ đi trong ba tháng, thật là ảo tưởng! Không phải ba tháng mà là 60 lần của ba tháng!

clip_image002[1][3]

Thu hoạch lúa mùa nổi huyện Tri Tôn mới phục hồi. Ảnh minh họa tự chụp, 2016.

Lúc này mới bắt đầu thu hoạch lúa mùa. Đồng khô nên đi cũng dễ, nhưng thỉnh thoảng gặp mấy lung sâu nước ngập ngang ngực, ướt mình cũng phải lội qua, vì đi tắt chớ đâu có đường mòn và cũng không biết đến đâu, gặp ai cụ thể. Đúng là phiêu lưu! Vào tới mé vườn, tôi hỏi thăm bà con: “Bộ đội ở đâu?”. Họ hỏi: “Để làm gì?”. Tôi trả lời là “Xin tòng quân”. Một chị dẫn tôi đi, mà chắc là cũng để quản lý, theo dõi. Chị dẫn tôi vào Xóm Thúng, gặp bộ đội đang ở nhà dân, tôi mừng quá. Lúc này đâu cũng 12 giờ trưa rồi. Đói! May mắn sao, nhà tôi đến đầu tiên là chỗ ở của chỉ huy, chắc ý của chị dẫn đường muốn vậy. Gặp ngay anh Ba tôi (có tên mới là Ba Nhân), anh Tư Dũng (ở nhà tên Út Kiếm, là em cô Hai Nhẫn), anh Năm Hòa (em rể chú Sáu Cứ)… đều là người cùng xóm, nhưng nay họ không phải là dân như ở nhà mà là lính Giải phóng hẳn hoi, mà hình như là cán bộ chỉ huy nữa. Áo bỏ trong quần, thắt dây nịt rộng bản gọn gàng, đầu đội nón nan, mang dép râu. Mê nhất là có nhiều súng, có cả FM (trung liên), Garand, Carbine… Anh Ba hỏi tôi đi đâu? Tôi nói: “Đi theo bộ đội chiến đấu, ở xã hoài chán lắm”. Các anh cười. Chiều đó, anh Tư Dũng dẫn tôi ra giếng. Anh vừa dội nước, gội đầu cho tôi vừa từ tốn nói: “Em còn nhỏ lắm, vả lại không có ý kiến của Chi ủy Nhơn Hưng và Huyện ủy Tịnh Biên nên đơn vị không dám nhận đâu”. Tối hôm đó, tôi ngủ chung với anh Tư Dũng, trằn trọc không ngủ được. Sáng sớm, sau khi ăn cơm xong, anh Ba Nhân (Quế) dẫn tôi trở về Huyện ủy Tịnh Biên. Anh mang cây Carbine đi trước về hướng Ô Cạn, lúc này xã Lương Phi đã giải phóng hoàn toàn, xã Ba Chúc cũng giải phóng gần hết, chỉ còn trơ trọi đồn Phổ Đà và chợ Ba Chúc - Núi Tượng.

Từ Ô Cạn lên dốc một đoạn, đến văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên. Không thấy nhà cửa đâu, chỉ gặp cậu Hai Nhứt (Hồng Châu); sau này biết thêm, ông còn có tên Năm Mạo là Bí thư Huyện ủy, ông Tám Sáng (Tám Cao) là Chánh văn phòng và cậu Năm Tịnh (ở nhà tên Huấn, gần nhà tôi) làm giao liên. Đó là ba người mà tôi đều quen biết. Chỉ có anh Châu Sương bảo vệ là người tôi chưa từng gặp. Anh có bộ râu như Châu Sương (người hầu Quan Công trong tranh thờ của người Hoa và tín đồ đạo Hiếu Nghĩa). Có lẽ, anh tên khác nhưng vì giống quá nên mới gọi thành danh “Châu Sương”. Gặp tôi, ông Năm Mạo cười rồi hỏi: “Ê lính đào ngũ đi đâu đó”. Tôi quê quá, làm thinh. Rồi ông ôn tồn giải thích yêu cầu của xã cần tôi hơn và kêu ông Năm Tịnh dẫn đường đưa tôi về lại Nhơn Hưng. Tôi nặng nề, chán nản theo ông Năm Tịnh và đoàn cỡ một chục người đi suốt đêm về đến Thới Sơn thì trời sáng. Từ Thới Sơn, cậu Năm dẫn tôi theo đường mòn ngang nhà ông Võ Hải, giao cho một người con gái trạc tuổi tôi, theo đường mòn từ Bàu Mớp ra lộ Nhà Bàn (nay là đường vào ra bệnh viện huyện). Ông nói: “Qua lộ tự lực về nghe”, rồi ông quày quả trở lại. Lúc này, tôi mới nhận ra người sẽ dẫn đường là Tuyết, con gái ông Võ Hải (là bạn học của tôi). Chúng tôi không nói năng gì. Tuyết dặn: “Anh đi sau, có gì tôi ra ám hiệu”. Thấy yên, Tuyết ra hiệu cho tôi. Từ khi gặp đến lúc này, tôi vẫn còn lúng túng không nói được gì, chỉ khi đặt chân lên mí lộ, tôi mới nói “Tôi đi nghen!”.

Về... nơi xuất phát

Tôi chạy lúp xúp về thẳng nhà ngoại, cởi cái bọc đồ ra rồi khoanh tay thưa ông ngoại, xá bàn thờ bà ngoại, thưa mợ Mười, mợ Út, rồi tôi đi tìm các cậu, các chú. Ông ngoại qua cơn tai biến hồi mấy tháng trước, còn liệt nhẹ nửa người, đi đứng được nhưng rất yếu. Lúc này các cậu tập hợp lại làm gì không biết, nên tôi gặp khá đủ mặt: Chú Sáu Cứ, anh Ba Cát, cậu Mười, chú Sáu Thâu… Anh Ba Cát chọc tôi: “Ê lính đào ngũ”. Tôi quạu trả lời: “Các anh không cho tôi cầm súng thoát ly thì tôi nghỉ, về nhà, không làm “tay sai” để cho mấy ông sai vặt nữa đâu”. Anh Ba Cát nghiêm nét mặt “Chú mầy sẽ được toại nguyện. Từ nay giao chú mầy cho ông Sáu đây, là Chi bộ A võ trang, còn anh Chi bộ B - chính trị, chú mày không theo tui thì theo thằng chả đó”, rồi anh cười.

Ở Đội du kích, tôi nhỏ nhất, các anh kêu tôi là thằng “Măng non”, vì Đài Hà Nội có mục “Măng non đất nước”. Tôi được ưu ái như không canh gác, không nấu cơm. Tối hay đòi ngủ chung với chú Sáu Cứ, vì tôi rất sợ ma. Ngủ nóp đã ngột rồi mà ngủ hai người thì không cần tả cũng biết khổ là thế nào. Có những đêm, các anh đi công tác hết, một mình vừa sợ ma vừa sợ biệt kích, tôi bỏ trại (mục tiêu) ra đất cày, chất đất cục chung quanh như cái khuôn hình chữ nhật, vét đất trũng xuống cho bằng, rồi lật nóp ngủ dưới cái trũng đó để khó bị phát hiện. Vậy mà vẫn không ngủ được, cứ nghe chim hoạch te te kêu là sợ. Mà con chim này, hễ có chuột chạy nó cũng la làng lên, không phân biệt. Tuổi tôi lúc này cái gì ăn được đều ngon, ngủ gà ngủ gật cũng ngon, kể cả lúc hành quân, có khi vừa đi vừa ngủ bị lạc đường là thường. Vì vậy, tôi tập ăn nhanh để vừa được ăn nhiều, vừa khỏi bị “đẩy xe rùa” rửa thau, nồi còn lại trong mâm; tập vừa đi vừa làm “thủy lợi nhỏ” để khỏi tụt lại sau; tập nhận ra chướng ngại vật như cành cây cản đường, tơ lưới nhện giăng, cỏ vướng chân... để vừa đi vừa ngủ, mà có lạc đường thì tỉnh người liền. Đặc biệt, tôi có cái mũi khá thính, biết hơi lạ như mùi dầu chùi súng, mùi mồ hôi người không tắm bốc ra, nên tôi dự báo có bọn lính hoặc bọn khăn trắng (Samsary) phục kích hay đi trước mình đều đúng. Tôi nghĩ đó là khả năng sinh tồn mà ai cũng có, chỉ cần để ý thì biết.

Xã Nhơn Hưng có các lõm căn cứ rải rác trong vườn của dân mà tôi biết như ở xóm nhà cậu Hai Triệu, Ba Phương (Xóm Bún); ở vườn nhà ngoại tôi liền ranh với vườn bà Tám Đối... chủ yếu là ở phân tán vài ba người, có động thì xuống hầm bí mật. Lõm căn cứ Mai Trung giáp Xuân Tô liền đường về Ô Trà Bang - núi Dài Nhỏ và Bàu Cò gần ngọn Cả Hàng trên đất Campuchia là lõm căn cứ bên ngoài địa bàn (xã) tương đối an toàn, là nhờ có rừng núi mà địch hay sợ và đường biên giới mà địch phải tôn trọng luật quốc tế, bên cạnh lõm căn cứ huyện Châu Phú (cũng ở gần ngọn Cái Hàng) nên cũng ấm lưng. Chúng tôi tổ chức hội nghị, mở lớp huấn luyện, dưỡng sức, dưỡng thương ở đấy. Ban đêm, tỏa ra hoạt động các ấp có các cơ sở hợp pháp tại chỗ phối hợp, chỉ dẫn. Ban ngày rút về trên biên giới, thỉnh thoảng ít người cũng ngủ lại, “chém vè” nhà dân ở các “lõm” trong vườn như đã nói. Những lần tôi ở lại như vậy, được cô bác cho ăn uống bồi dưỡng no nê vì thương tôi nhỏ nhứt trong đội du kích. Tôi nhớ có lần chỉ có mấy mợ, mấy chị ở xóm nhà cậu Hai Triệu, Ba Phương (ba anh Tư Phẩm) mà dám làm thịt chó cho tôi ăn. Hôm ấy có “động”, lính dân vệ vào xóm, mợ Ba Phương dẫn tôi ra hầm bí mật rất đơn sơ dưới bụi tre sau nhà chờ chúng đi qua, rồi mợ ra kêu tôi lên ăn như không có gì xảy ra.

Đêm đánh đồn Cây Còng (18.11.1960 - * ghi theo Lịch sử Đảng bộ Tinh Biên), tôi không biết trước, chỉ thấy các chú các anh rộn rịp, súng ống, đi lại trông hăng hái lắm. Cậu Út tôi cũng có về. Anh Bảy Sa (Thường vụ Huyện ủy) đang ở nhà ngoại tôi, có lẽ, là chỉ huy. Khuya, nghe súng nổ vang. Sáng ra mới biết, ta bị tên Tốt và tên Ngư - cơ sở nội tuyến do chú Sáu Thâu xây dựng phản vận. Chú Sáu Thâu, anh Gần (Chủ nhiệm Mặt trận Dân tộc Giải phóng xã Thới Sơn) bị thương đem về Bàu Cò. Hôm sau, chúng vào nhà bắt thím, trong khi trên tay còn bồng con đỏ (em Huệ). Một ngày sau, đánh đồn thất bại, chúng tôi đang họp dân ở xóm Bún, nghe súng nổ ran từ phía Cốt Số 1 (cũ) đường lên Nhà Bàn. Sau đó có tin, bọn dân vệ đồn Cây Còng do Mười Cọp chỉ huy đi tuần, gặp cậu Tư Đực, tên thường dùng “Đực phèn” đang gác đường cho chúng tôi họp dân, hỏi ám hiệu bị chúng bắn trọng thương. Cậu Mười đưa cho tôi hộp kim, ống chích và thuốc cầm máu của nhà và biểu tôi đi theo cáng thương về Bàu Cò. Quân y Châu Phú là một cái lều lợp rạ, có căng vải mủ cản bụi. Vào đây, gặp chú Sáu Thâu, anh Gần. Anh Gần là trung úy giáo phái Hòa Hảo, mới được ta đưa lên làm Chủ nhiệm (chức Chủ tịch lâm thời) Mặt Trận Dân tộc Giải phóng xã Thới Sơn; đêm qua công đồn, anh cầm mã tấu, bị thương lòi ruột ra ngoài, lội qua kinh Vĩnh Tế về căn cứ, bị nhiễm trùng nặng và hy sinh, sau hai hôm. Chú Sáu Thâu bị đạn xuyên phổi. Tôi được phân công ở lại nuôi chú Sáu Thâu và cậu Tư Đực, vì đây là thương binh của Tịnh Biên (B4) gởi. Hai người với tôi như là bà con bên nội (chú Sáu) và bên ngoại (cậu Tư) nhưng kỳ thật đều là lối xóm, tình thân của người đi mở cõi từ thuở các ông các bà của tôi. Hai hôm sau, vết thương cậu Tư Đực bị hoại tử, anh Lưu Nghĩa bảo tôi phải che lều riêng ở một gò đìa khác để nuôi cách ly. Nghe xã bàn chuyển cậu Tư Đực về quân y tỉnh ở Giồng Cát - Cây Gòn, và tôi phải theo chăm sóc dọc đường. Tôi hoang mang cho con đường đất cày mà chân không dép, nhưng lịnh là chấp hành. Không hiểu sao mọi chuẩn bị đã xong, người cáng thương đã sẵn sàng, nhưng Chi ủy họp lần cuối quyết định không đi. Tôi mừng vì quyết định không đi, nhưng ở lại cũng không nhẹ nhàng, vì phải nuôi hai thương binh, mà một đang bị hoại tử vết thương rất nguy hiểm và rất cực. May đâu có anh Tám Bỉnh (Cán bộ lãnh đạo Quân y tỉnh đi học quân y sĩ trên R về ngang), góp ý cho anh Lưu Nghĩa điều trị. Anh Lưu Nghĩa kêu tôi về xã xin một lít dầu phộng và hai loại kháng, trụ sinh Pénicilline và Streptomycine, thắng dầu sôi rồi để nguội, lược qua bông gòn, pha hai loại thuốc vừa nói mỗi loại hai hủ vào lít dầu phộng. Mỗi lần vệ sinh vết thương, dùng Ôc-xy-gê-nê rửa cho đến khi không còn lên bọt mới thôi và lấy dầu có trộn thuốc bôi lên, dùng vải màng mỏng che miệng vết thương chớ không băng kín, vì các anh nói loại vi trùng này yếm khí nên phải làm vậy. Kết quả rất rõ và nhanh, ai ai cũng vui mừng. Mỗi lần thay băng cho cậu Tư là một lần tôi phải làm trò cho ông quên đau. Thấy tôi chăm lo tận tụy, ông đâm ra “nũng nịu”, nhưng tôi vẫn chìu, dù sao tôi cũng kêu là cậu. Có lần tôi nói như tự trách thân mình với ông: “Tôi lo cho ông như vầy, không biết ngày sau tôi có dịp lo hoặc có lo được cho ba má tôi lúc bịnh hoạn được như cho ông không?”. Từ đó, tôi thấy ông có khác.

Từ trại quân y B2 về trại (Thường trực) xã Nhơn Hưng non một cây số. Lúc rảnh, tôi về xin gạo, xin “viện trợ” thêm thuốc men. Hồi đó, thuốc kháng sinh đắt và quí lắm, nhất là loại Bipénicilline mới ra, loại này tuy yếu hơn Pénicilline nhưng có tác dụng 24 giờ, cứu thương khỏi phải trực canh để chích, đỡ buồn ngủ. Mới 15 tuổi mà lần đầu phải một mình phục vụ cho hai thương binh nặng, thật là quá sức của tôi. Ngại nhất là thức đêm và lo cho thương binh đại tiện. Lá sen là dụng cụ vạn năng, chớ làm gì có chén, tô, bô, chậu… Trại có hai cái nồi không nắp, sứt quai, mỗi lần nấu phải bẻ nhiều lá sen làm nắp để giữ hơi cho cơm chín. Ngay như dụng cụ cứu thương của tôi mang bên mình chỉ có hai cái ống chích và hộp kim tiêm của cậu Mười Ngưng lấy của nhà cho, còn cái nồi nấu kim phải nhờ cậu Út Ngọc (Xóm Bún) xin bà con mua cho. Không có cây panh để gắp ống, kim tiêm... phải dùng đôi đũa tre. Vậy mà không hiểu sao, tôi cũng vượt qua và làm được mọi thứ như cứu thương - hộ lý chuyên nghiệp. Mới hơn 10 ngày thì điểm quân y bị tập kích, do tên Bé Dũng (con nuôi người lãnh đạo cao nhất B2) chiêu hàng dẫn đường. Lúc phát hiện chúng trong sương mờ, anh Hai Nghĩa kêu lấy cờ Mặt Trận giương lên, vì tưởng là lính Hoàng gia. Nhưng rất may là khi cờ mới mở ra nửa lá và còn cách nhau hơn 100 mét thì chúng bắn liền. Chúng đốt sạch lán trại, anh em thương binh nhờ khôn khéo “chém vè” và do bọn lính quá nhát, bắn dở hoặc họ không muốn gây nợ máu... nên ngoài số lán trại, quần áo, thuốc men bị đốt, còn lại không ai sao cả. Tôi may mắn mang theo được thùng thuốc cấp cứu và bộ quần áo mặc trên mình.

Nhờ ở quân y hơn một tháng, được dự lớp cứu thương hai tuần lễ mà tôi học được nhiều điều hay, nhất là về chuyên môn phục vụ chiến thương. Anh Hai Lưu Nghĩa là y tá - Trưởng Quân y, là người thầy của tôi về mọi mặt chớ không riêng về y tế. Tại đây, tôi có thêm bạn học mới là anh Ba Nhỏ (tên thật Ba Nô, sau này là Ba Danh hay còn có tên Ba Trượt), anh Hồ Văn Hội, sau này là y sĩ Dân y Khu 8 (đóng trên đất K) bệnh chết.

Sau các sự kiện trên, có lần, lúc vui miệng, chú Sáu Cứ nói: “Đầu năm mà đi trừ gian, bắt nhằm “con đĩ” nên xui xẻo thật, đánh đồn bị phản vận phơi xác, về hậu cứ bị tập kích, hụt chết cả đám”. Số là... trước Tết âm lịch đâu mấy ngày, tin cơ sở báo có “Hai nữ gián điệp vô xóm Bún”. Tối, chúng tôi về vây nhà để bắt. Hai người kêu oan rối rít. Lúc giằng co trói thúc ké, từ trong mình một cô rơi ra vật gì trăng trắng, một anh du kích vừa cúi xuống chộp lấy, vừa la: “Tài liệu… tài liệu... quan trọng…”. Khi nhìn kỹ thì là cái áo ngực sứt ra. Một cô nói với Tư Minh “Các anh 'chơi' đi rồi thả tụi tôi ra”. Tư Minh nổi quạu, tát tay và quát: “Đồ đĩ”. Một cô trả lời: “Đĩ thật mà!”. Đĩ thì tìm đàn ông, mấy chị tôi hay nghi ngờ chồng trai gái, thấy họ nập nợn nên sanh ghen rồi báo cáo đại cũng nên. Câu chuyện này thỉnh thoảng chúng tôi kể lại như là chuyện tiếu lâm. Cũng trong đợt hưởng ứng Đồng Khởi, lực lượng võ trang huyện về trừ gian hỗ trợ phong trào. Trước đó mấy tháng, ông Sáu già cất nhà gần chùa Cây Trôm (cũ), ông là ba ghẻ của mợ Tư trong xóm, cùng vợ chắp nối là má của mợ Tư từ đâu ngoài Sài Gòn mới về. Bà tuy “đẹp lão” nhưng lớn tuổi hơn ông hơi nhiều, nghe người lớn nói “Ông xứng với mợ Tư hơn” nên sau khi bà qua đời không bao lâu thì mợ Tư sanh con. Nghi “ông ngoại” thông dâm với mẹ mình nên con của mợ báo với Chi bộ là ông làm gián điệp, vì ông có tiền sử đi lính Tây, nói tiếng Tây như “bẻ cây” nên bản án duyệt nhanh và do ông ở một mình nên án thi hành rất dễ. Tôi biết người cầm khẩu Garand bắn vào đầu ông Sáu xấu số. Sáng, tôi có đến hiện trường, xác ông nằm co dưới giường ngủ trong tư thế núp trốn. Cậu Út Tiến của tôi cũng có mặt, ông kề tai tôi bật mí: “Án ghen”. Tôi nghĩ rằng tội dâm đãng là đáng lên án, nhưng ám sát kẻ dâm loàn để trả thù vặt là quá tàn nhẫn, song tôi vẫn lặng thinh cho đến giờ. Thời ấy chết dễ hơn sống!

Từ ngày tôi vào du kích, các đợt công tác liên tục. Công tác xã cái gì lúc này cũng mới và đều quan trọng. Đêm nào cũng đi vô dân, pháo kích đồn, trừ gian... mệt đừ người hết. Tôi bị quá sức, người có tuổi như chú Sáu Cứ, anh Ba Cát càng vất vả hơn. Một lần, chú Sáu Cứ và tôi đến họp dân ở Xóm Bún để “học tập tình hình và nhiệm vụ”. Thường, họp dân như vậy đều do chú Sáu Cứ đảm nhiệm. Lần này ông kêu tôi nói: “Măng Non này! Bữa nay, tao bị cảm, chú mầy thay tao thử vai coi”. Trời đất! Tôi kêu lên như hết hồn vì đột ngột quá, chưa quen, mặc dù mấy ngày trước tự nhiên ông kêu tôi nói: “Nghe chú nói chuyện chú ý, sau này còn thay chú nói chuyện với dân”. Mới mấy ngày mà đã đến rồi sao. Tôi chưa quen là một lẽ, lẽ khác là tôi mới 15-16 tuổi, còn tuổi con nít, nói chánh trị ai nghe? Vả lại, xóm Bún cũng gần xóm tôi, nhiều người biết tôi là ai nên tôi rất ngại, nhưng ông không nghe tôi phân bua mà vào đề ngay: “Hôm nay tôi mệt, có cậu Măng Non thay tôi báo cáo với bà con, có gì tôi nói thêm”. Nói rồi không chờ ai nói gì, ông nằm xuống sau lưng tôi trên cùng những tấm đệm lớn trải liền mí mà bà con đang ngồi họp. Tôi nói không nhiều, vì học bài mấy bữa trước với ông có thể chưa thuộc. Khi dừng lại để mời bà con thảo luận, Chú Ba Ân mà tôi biết, cũng là cán bộ Việt Minh về nhà sau Hiệp định Genève có ý kiến đầu tiên, tỏ ra nghi ngờ tình hình “ta mạnh địch yếu” mà tôi nói như trả bài ám đọc. Thấy tôi lúng túng chưa có ý kiến ra sao, chú Sáu bật ngồi dậy nói với thái độ dằn mặt, hăm he: “Ở đây coi chừng có kẻ có ý đồ phá hoại cuộc họp này”. Trời đất! Tôi lại thêm một cái hết hồn nữa chỉ trong mươi phút. Tội nghiệp chú Ba, bị quê rồi lặng luôn. Chú Sáu là cán bộ thông minh, trung thành - trung thật, gan dạ, thẳng thắn... kinh qua hai thời kỳ kháng chiến, nhưng có nhược điểm là khi gặp chuyện bất bình hoặc không hài lòng thì hay nóng tánh, cự nự, nói “móc lò” không từ ai, thậm chí còn “ra tay” là khác. Tôi may mắn không bị ông lần nào mà còn có cảm nghĩ rằng ông “chịu” tôi. Ngày đó, dân mình tốt như “bẩm sinh”, nếu có giận cán bộ rồi cũng nguôi ngoai chớ không trả thù làm hại cách mạng.

Cuối tháng 3.1961, đội du kích Nhơn Hưng tổ chức đắp mô, dụ lính đồn Cây Còng ra phá “mô”. Ta chỉ có ba cây súng trường cổ lỗ sỉ từ Chiến tranh thế giới thứ nhất: Anh Tư Hồng thủ cây Mauser (mô-de) của Đức, Tư Minh (Hô) cây Indochinoise và cây Label của Pháp hay của Tiệp gì đó dài ngoằng mà chúng tôi hay gọi “oảnh tầm sào” do anh Ba Quới thủ. Chú Sáu Cứ Bí thư Chi bộ A chỉ huy, Anh Tư Hồng xã đội trưởng thủ cây Mauser, tôi làm cứu thương có anh Ba Sét đi cùng để hộ trợ phòng có thương binh. Anh Tư Hồng được cả đội tin tưởng tài xạ thủ. Bọn chúng đến phá mô, phá chướng ngại, anh Tư Hồng khai hỏa; tên Dậm, chỉ huy dân vệ xã Nhơn Hưng chết tại chỗ. Chiều đó, chúng tôi được dân khao thưởng. Còn xác Dậm được đồng bọn đem về đồn Bửng, cách đồn Cây Còng chừng 300 mét làm đám ma. Thừa thắng, tối hôm đó, chú Sáu Cứ dẫn chúng tôi thâm nhập từ bờ Bắc kinh Vĩnh Tế, pháo kích đồn Bửng. Trước giờ nổ súng, đèn măng-xông trong đồn sáng rực, tiếng đờn cò đám ma nghe buồn rã ruột. Chú Sáu Cứ nói: “Ông già vợ tao (bác Sáu Túc) bị nó bắt đi đờn cho đám ma đó, ổng mà biết tao đêm nay bắn vô cho ổng chạy, chắc ổng chửi tao chết”. Khi súng nổ, đèn tắt, chúng bắn trả “chỉ thiên” rồi huề, đồn nó ở, hậu cứ ta ta về. Kiểu pháo kích như vậy cũng nhiều lần thành quen, nhưng do thiếu đạn, mỗi lần mỗi cây chỉ được bắn một viên mà thôi. Hôm xử án tên Liêu tại nền cốt số Một (cũ) gần Nhà Bàn, tôi được chú Sáu chiếu cố cho bắn bổng một phát để làm quen. Chú Sáu Cứ ra lịnh: “Ba cây cùng bóp cò một lượt để nghe như súng liên thanh”, nhưng đạn cây súng tôi bị lép, xem như huề. Việc xử án cũng là một câu chuyện. Súng thà bắn bổng cho oai chớ xử án thì phải chặt đầu mới “tăng uy thế”. Tên Liêu bị trói và đem gần nền bót số Một (cũ) xử chém. Khi đi ngang chỗ hắn nằm, tôi còn nghe thở, nghĩ rằng rồi sẽ chết, nhưng sau đó Liêu bò về nhà, được đưa lên đồn Nhà Bàn và ra nhà thương Châu Đốc trị lành rồi bỏ xứ đi mất. Người cầm mã tấu chém là anh Bảy Cậy (em út chị Sáu Nhờ); anh vốn là con trai duy nhất trong gia đình có mấy chị gái, được cưng chiều và không làm nặng nhọc bao giờ. Do để thử thách lòng tin, vì thấy anh này không có “truyền thống” mà lại có vẻ đẹp trai, thư sinh quá, chú Sáu thử lòng trung thành bằng cách phân cho anh làm việc này. Mẹo này đọc truyện Tàu ta thường thấy. Sau đó, anh nói với tôi: “Tao nhắm mắt chém đại, chém lia lịa nên không biết nó chết hay không. Vậy mà... bây giờ, hễ nhắm mắt lại, tao thấy mặt nó chần dần hiện ra, ngủ không được. Sợ quá!”. Khi tôi về huyện, nghe anh Cậy đã hy sinh!

Diệt được tên Dậm, khí thế nhân dân lên ngó thấy. Bọn địch co rút. Một hôm, đi công tác về khuya, ngủ tại đầu xóm Bến Lúa. Như thường lệ, chúng tôi thức sớm. Mới 5 giờ mà trời đã rạng, cơm đang sôi, mấy con gà mà bà con cho để ăn bồi dưỡng thưởng công trừ gian diệt ác mới bị cắt cổ chờ làm lông.Tôi đang ngồi đánh răng dưới gốc cây Gáo Một tại bờ kinh Vĩnh Tế – Vàm Rạch Bến Lúa (nơi mùa nước giựt năm 1948 ba tôi làm rạch như đã kể) bỗng nghe tiếng xé gió qua đầu, tiếp theo là một tiếng nổ long trời mà hồi nào tới giờ tôi mới nghe. Nhìn về phía biên giới, cách non 100 mét sau nhà, một cột khói đen cuộn lên. Tôi nghĩ, nó nhắm bắn chỗ mục tiêu là cây gáo nhưng bị sai lệch. Hú hồn! Lịnh bảo nấu cơm nhanh lên. Chúng tôi thu xếp đồ cá nhân, nai nịt như ra trận. Anh Đinh Văn Cây, trinh sát báo cáo: “Lính càn từ trong Cây Mít ra”. Tôi và anh Cây khiêng nồi cơm đang sôi lạch ạch cùng mấy con gà đã cắt cổ đem giấu trong đống rơm và dặn bà con chốc nữa ra lấy làm thịt. Một phụ nữ có tuổi lôi tôi ra đồng, chỉ lính đi càn, thấy rõ mồn một. Địch rất đông, chúng căng hàng ngang và chạy, đầu trên gần giáp biên giới, và từ đó nếu ốp xuống miền Nam, chúng tôi bị lọt vòng vây. Chỉ huy ra lịnh chạy cặp theo sau hè nhà dân, ngược ra hướng Nhà Neo - Châu Đốc; được trăm mét, pháo chỉnh lại bắn vào xóm nhà dân, chận đầu chúng tôi. Lại được lịnh bám lòng mương cạn chạy lên biên giới. Tôi chạy sau lưng anh Cây, gần nhau đâu một mét, bất thần một loạt đạn trung liên cắt giữa tôi và anh, cả hai cùng té dạt ra. Anh quay lại kéo tay tôi đứng dậy và hỏi có sao không? Tôi cũng hỏi lại anh như vậy, và dặn: “Anh em mình phải gần nhau nghe!”. Nhà anh ở giữa đường nhà tôi xuống nhà cậu Chín Thu, anh lớn hơn tôi vài tuổi nên rất dễ gần và anh cũng tỏ ra chăm lo cho tôi hơn. Lúc này, phía trước có người kéo ngọn, tách khỏi mương lạn chạy xéo về hướng Bàu Cò - Campuchia. Chúng tôi chạy lọt vào căn cứ Huyện ủy Châu Phú (B2) hồi nào không biết. Pháo lại bắn cấp tập phía Nhà Neo. Có lịnh cho tôi theo các anh ở xã dẫn đường xuống Nhà Neo để băng bó cho dân bị thương. Đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng: Mấy nhà sàn lợp ngói kiên cố, pháo nổ phía trước sân, giữa nhà và sau hè... Nghe mấy người lớn nói, nó bắn đúng chuẩn pháo binh, trong lúc nhà đang có đám ma nên chết hơn một chục người, bị thương cũng nhiều. Người bị thương được chở ra Châu Đốc, người chết thì đắp chiếu còn nằm đó, óc văng trắng sân như gạo rải, ruột và xương lòi ra. Tiếng khóc la, kêu gào thảm thiết! Tôi không có việc gì làm và quay về đơn vị. Lần đầu trông cảnh khủng khiếp này, suốt mấy ngày sau tôi ăn cơm không ngon!

Chú Sáu Cứ, lúc rày, ban ngày hay “chém vè” ở lại trong xóm. Ngày 5.4.1961, khoảng 7-8 giờ sáng, tên Vuông bất thần dẫn lính đột vào xóm tôi. Cậu Mười Ngưng hay tin, báo cho chú Sáu Cứ biết xuống hầm, còn cậu chủ quan, vào nhà mợ Tư Tỉnh đứng nép mình phía sau sào quần áo trong buồng, hai bàn chân lộ ra; chúng vào bắt được cậu, đánh đập dã man. Chúng dẫn cậu về nhà ngoại, lục soát tứ tung, xô ông ngoại tôi té sấp, bệnh tai biến cũ tái phát nặng hơn, liệt toàn thân và bị á khẩu. Chúng lôi cậu ra tra khảo ngay trên miệng hầm bí mật tại bờ ao của ngoại, hầm do cậu chọn chỗ giữa bụi tầm vông và cậu canh gác đường, tôi và cậu Út Tiến cùng Kim Anh mới đào xong đâu mươi ngày. Dưới hầm lúc này có cậu Út Tiến, Kim Anh, anh Tư Cầu (con mợ Tư Tỉnh), còn tôi đang ở Bến Lúa với đội du kích. Từ lỗ thông hơi, Kim Anh nhìn thấy mặt cậu đầy máu. Chúng đem nhốt cậu vào trường học gần chùa Hòa Thạnh; cậu tháo dây trói, mở cửa sổ chạy thoát; chúng bắn theo bị thương, và bị anh em tên Ngò, Hẹ chỉ điểm bị bắt lại, tên Vuông đem cậu ra đoạn gần cốt Số Một, tự tay mổ bụng lúc cậu còn sống, lấy gan mật, phơi xác giữa đường trong ngày hôm đó, nhằm ngày 20.2 Tân Sửu. Cậu Hai tôi đi lấy xác em về an táng trong nghĩa trang họ Đặng. Đêm ấy, anh em du kích Nhơn Hưng về bắt tên Ngò đem xử tử trả thù. Tên Vuông là nội tuyến của ta, cũng như tên Trọng, nên khi nó phản bội thì tàn ác và xảo quyệt khôn lường, hơn cả kẻ địch truyền thống. Ở Nhơn Hưng, Vuông và Dậm là cặp song thần sát thủ; Dậm chết rồi, Vuông càng lồng lộn như dã thú. Vậy mà sau hòa bình, có người còn xác nhận: Nó là người “có công”, được thả ra khỏi trại cải tạo, bị các gia đình Cách mạng phản ứng quá mới bắt nó giam lại trại ở Giồng Cát, rồi sau cũng thả ra.

Xã Nhơn Hưng nằm trên hành lang giữa Khu 8, Khu 9 và Trung ương cục. Xã còn có nhiệm vụ tổ chức dân công và áp tải vật liệu làm thuốc nổ cho Binh công xưởng tỉnh (còn gọi là Công trường), vì vậy đội Du kích chúng tôi cũng hay đi bảo vệ, nên thường đi về Ô Cạn - Ba Chúc hoặc đến tận đồng tràm, gần Công trường. Hồi mới Đồng Khởi, phum sóc mới giải phóng, dân Khơ-me thương và tiếp tế cho Cách mạng rất nhiệt tình. Mấy lần ghé chùa Hoạch Lân (xã Lê Trì) nghỉ chân, bà con đem cơm và thức ăn nhiều vô kể. Mỗi người một tô, một dĩa hoặc gào-mên (cà mèn) có cơm và thức ăn, thường là trứng luộc, cá nướng... Chúng tôi được sanh hoạt, khi ăn phải ăn đều hết, không để phần nào còn lại nhiều hơn người khác, vì như vậy bà con cho là họ “bị ít được thương hơn!” và họ sẽ giận. Vậy mà bọn Khơ-me Khăn trắng (Samsary bị Sihanouk truy nã từ Campuchia chạy xuống) thâm nhập vào dân hồi nào không hay; chừng nó “đồng khởi” ngược lại, mình chới với. Chúng lôi kéo cả đoàn viên, đảng viên chạy theo chúng; ai không theo, chúng chặt đầu. Có người cảm tình với ta theo chúng, khi bị ta bắt hỏi tại sao làm phản giết anh em mình? Họ trả lời gọn hơ: “Chúng mày tao thương, thà tao giết chớ không để kẻ khác giết!!!” Chúng nói, ai chặt được một cái đầu “VC” thì được thưởng một tỉnh (25 lít) rượu đế Vĩnh Phong Long - Châu Đốc. Cũng tại Hoạch Lân, hôm trước đi qua được bà con đón tiếp đãi cơm, ngày hôm sau đoàn chúng tôi quay lại bị họ rượt chạy đắng họng, may nhờ có trung đội Tiền Phong do anh Năm Sĩ (Năm Thanh Niên) chỉ huy từ chân núi Phú Cường ứng cứu. Một lần khác, trong lúc tôi dẫn mươi dân công trong xóm tôi đi “phá hoại” sân bay dã chiến ở Nhơn Hưng, tình cờ bắt được hai tên Samsary, trong đó có tên Phọl là lính Pháp cũ, rã ngũ làm thổ phỉ từ lâu và một là đoàn viên Thanh niên Lao động ở sóc Lình Quỳnh, mới đêm trước còn đi gác đường cho chúng tôi về họp mít tinh quần chúng, nói “tình cờ”, vì trong tay tôi không có tấc sắt, còn hai tên kia có lựu đạn và súng tự chế, nhưng vì sau lưng tôi là cả một đội dân công chừng mươi người mang ky cuốc lùm xùm và tôi giả danh bộ đội, dùng đèn ba pin soi chiếu làm chói mắt, trấn áp tinh thần chúng nên mới gạt mà bắt được. Hôm sau, ta cho gia đình và ông sãi Cả chùa Lình Quỳnh lãnh tên “Thanh lao”, còn tên kia thì cho về “bên kia biên giới”. Tỉnh ủy An Giang lúc này vô cùng vất vả, mới vừa giải phóng được một số vùng thì bị bọn phỉ tôn giáo Cù, Đởm... chiếm ven biên giới, phỉ người dân tộc là Bọn Khăn trắng thọc sâu vô phum sóc... Mỹ Diệm khá rảnh tay.

Sau lễ truy điệu cậu Mười Ngưng tổ chức tại Bàu Cò, tôi xin phép Chi bộ về thăm nhà. Lúc này, Hồng Dân đi học cứu thương ở tỉnh về thay tôi. Trước khi đi, khoảng 3 giờ chiều, tôi theo tốp chăn bò lần mò về xóm thăm mợ Út, còn ông ngoại được ba má tôi rước về nhà ở Tám Ngàn chăm sóc, mợ Mười về bên nhà mợ ở Thới Sơn luôn cho đến sau này. Trên đường đến nhà mợ Bảy, tôi tạt vào thăm mộ cậu Mười. Cây mía mở cửa mả mới khô lá đứng rũ ở đầu mộ. Tôi ngồi tần ngần, đưa bàn tay se se cát trắng trên nấm mộ như nhớ nắm đất ân tình vĩnh biệt mà vì không có mặt hôm an táng cậu nên không được ném xuống huyệt mộ. Mợ Bảy ngồi xắt chuối cây cho heo, từ trong nhà nhìn thấy chạy ra, hai mợ cháu chỉ khóc với nhau mà không nói nên lời. Từ nhà ngoại trở về điểm hẹn trở lại Bàu Cò, gặp cậu Hai Thể gánh nước ở bờ hồ, thấy tôi cậu khóc và lo lắng, làm cho tôi chín ruột. Tôi rời quê hương trong cảnh tang thương đầy nước mắt như vậy. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng để rồi 15 năm sau mới trở lại. Con đường Nhà Bàn - Tri Tôn trở thành con đường thân thuộc nhất của tôi và gia đình, cho nên khi má ba tôi qua đời, chúng tôi đưa ông bà từ Long Xuyên qua cầu Cây Me - Tri Tôn rồi mới ngược về Nhà Bàn - Nhơn Hưng để Người nhìn lại đường xưa lối cũ; để chúng tôi ôn lại một thời nghèo khổ, thiếu đói, nợ nần, tủi nhục. Hy vọng rằng, con cháu chúng tôi sẽ còn tiếp tục đi trên con đường này nhưng ở trong tâm thế khác!

Lên huyện ngang hông

Quá giang đoàn công tác của tỉnh về thăm nhà. Đoạn đường từ Bàu Cò về Nhơn Hưng - Thới Sơn qua Lê Trì về Ô Cạn, mấy tháng trước tôi thường theo đội du kích đưa dân công tải vũ khí và vật liệu nổ cho Công binh xưởng tỉnh nên cũng quen. Đường đi qua mấy cánh đồng đất cày, tuy dân mới sạ lúa, có mưa nên đất mềm hơn song vẫn đau chân, vì chúng tôi hầu hết là dân nối tiếp “Mùa Thu rồi” nên vẫn là “nóp với giáo”, “chân đi không”, nhưng lần này tôi đi không thấy mệt, vì cứ nôn nao được về đến nhà.

Khỏi Ô Cạn, tôi tách đoàn, một mình đi về nhà bác Tư Văn mà mới mấy năm trước cha con tôi tá túc ăn nhờ, ở đậu. Trời còn sớm mà nhà bác đang ăn cơm chiều. Cả nhà đủ mặt, rất mừng. Tôi như con trong nhà đi xa mới về; mấy chị đẹp ra, mấy em lớn lên, còn Uốt ra dáng thanh niên, vạm vỡ hơn tôi. Tự nhiên tôi thấy lúng túng, đói bụng mà không dám ăn cơm cùng gia đình. Về đến nhà, đủ mặt, mừng vui không tả hết. Cậu Út Tiến và Kim Anh không biết sao có mặt ở nhà tôi mấy bữa, trước tôi về. Mợ Út nhỏ (Mười Trà) cũng vừa vào thăm.

Gặp lại ngoại cách không đầy tháng, ngoại gầy và nằm bất động. Ngoại nói ú ớ nhưng tỏ ra vui. Biết ngoại bịnh nặng, nhưng tôi không hiểu được rằng bịnh không thể phục hồi, nên vẫn còn hy vọng. Ngày tôi còn ở nhà với ngoại đi học, sau khi bà mất, một buổi sáng gần giờ cơm, ông đi đâu mà bị tai biến, hồi đó hay gọi là “trúng gió”, cậu Tư Sáng (cháu bà ngoại ở Nhà Bàn lấy xe Follis kéo thùng đưa ngoại về), chính tay tôi một bên đỡ dìu ngoại vào nhà nên nhớ rất rõ, từ đó ngoại bị liệt nhẹ nửa bên người, song vẫn còn đi lại được. Nhưng hôm cậu Mười bị địch bắt dẫn về khám nhà, tên Vuông xô ngoại té sấp và chửi: “Thằng già không biết dạy con”. Ngoại bị sốc đột ngột, bịnh tái phát nên toàn thân bị liệt, á khẩu luôn. Hay tin, ba má tôi rước ngoại về nhà dưỡng bệnh, nhờ anh em quen ở quân y chỗ anh Tám Bỉnh thường tới lui nhà, điều trị, cấy phi-la-top... có thuyên giảm, cũng mừng. Nghe nói trước ngoại, ông Hội đồng Ấn (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng lâm thời huyện Tịnh Biên) và bà vợ cũng được huyện Tịnh Biên gởi ở nhà tôi một thời gian, nhưng rồi cũng bị bệnh liệt nửa người như ngoại, tiếp tục ở nhà tôi và nhờ quân y trị bệnh một thời gian khá dài vừa mới chuyển đi. Tiếp theo, vợ chồng chú Ba Cá Mòi cũng đến ở nhà tôi một thời gian nhờ y sĩ mình trị bịnh, cấy phi-la-top cai thuốc phiện cho chú. Đúng là nhà tôi ở đây, nối tiếp truyền thống chín năm chống Pháp, không bao giờ vắng khách ở dài hạn. Cái cối xay và cối giã gạo hoạt động không nghỉ, như hồi chống Pháp. Cuộc sống gia đình tôi bây giờ khá sung túc, vui nhộn hẳn lên. Ba làm rẫy, ruộng, treo dơi lấy phân, làm đìa… đều thuận lợi. Chị Sáu đảm đang chuyện nhà, hai em tôi cũng lớn lên, chỉ tội là không có trường để học.

Mấy ngày ở nhà, tôi đi thăm từng nhà, khắp xóm. Ai gặp tôi cũng mừng rỡ, khen ngợi là đã trưởng thành. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, khi bước vào tuổi 16 tôi mới thấy không khí gia đình hạnh phúc là vậy! Hạnh phúc vì đoàn tụ gần đủ mặt, chị Ba có ghe hàng đậu dưới bến, anh Tư về huyện công tác, chị Năm có nhà ở Cây Mít cũng đủ sống. Gần 10 năm gia đình mới được như thế này, tôi mừng không thể nào tả hết.

Gần ngày hết phép, cậu Út mới bàn với tôi và ba má là chỗ cậu rất cần người, cậu muốn tôi về công tác chung với cậu ở Văn phòng Huyện ủy. Tôi hiểu rằng đi như vây là “đi ngang hông”, nếu về huyện thì phải là Tịnh Biên mới đúng, không khéo sẽ như lần “đi tắt đón đầu” về xã vừa qua, nhưng tôi nghĩ cậu cũng là người Nhơn Hưng nay ở Núi Sập, cậu yêu cầu tuy riêng tư nhưng cũng là phục vụ Cách mạng nên tôi nói tùy cậu và phải được xã Nhơn Hưng đồng ý. Cậu bảo lãnh với tôi về thủ tục, để tôi không bị kỷ luật. Cậu viết thơ gởi về xã rồi dẫn tôi về cơ quan mới. Hôm tôi và cậu Út lên đường về Núi Sập, Đấu cũng lên đường về Giao Bưu tỉnh, cậu Út Tiến trở lại Nhơn Hưng, tạo thế hợp pháp để lo cho gia đình.

Hòa bình rồi tôi mới được biết đầy đủ: Sau khi tôi về thăm nhà rồi về huyện Núi Sập (Thoại Sơn) công tác, xã nhà phải trải qua năm, sáu lần bị xóa sổ Chi ủy, “thay máu” đảng viên, mới đến ngày Giải phóng. Lớp đầu tiên là anh Dương Trung Phẩm (Thanh Xuân), anh Tư Hồng, dì Út Âu, anh Út (con bác Tư Cuốc), anh Bảy Cậy (con dì Mười Cà)… lần lượt hy sinh, chị Tám Cam, anh Hùng Cưu bị bắt, bị tra khảo và bị đày ải… Nghĩa là, trừ những người về huyện, về tỉnh “làm Cách mạng chuyên nghiệp”, ai còn lại xã “làm Cách mạng nghiệp dư” đều hy sinh hoặc bị bắt bị tù, không ai đầu hàng phản bội. Lớp trước ngã, lớp sau nối tiếp. Tôi không còn ở lại để chia sẻ sự hy sinh với họ, tôi cảm thấy như mình có lỗi và hèn yếu “núp” vào “sự phân công của tổ chức” mà ở chốn bình yên, được mấy vòng bảo bọc! Vậy mà sau ngày hòa bình, những người làm công tác Chánh sách cán bộ ở Trung ương - Miền Bắc, họ không tính cán bộ xã vào loại chuyên nghiệp, mọi chế độ đều không có gì. Trong khi đó, không ít kẻ không làm gì mà cũng được!

N.M.N.