Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 20)

Hoàng Hưng

201. California psychological inventory: Danh mục tâm lý học Cali

Một đo nghiệm nhân cách được sử dụng rộng rãi dưới hình thức bảng câu hỏi tự khai, gồm 434 câu hỏi có/không, như “tôi thích tụ họp chỉ vì được gặp mọi người”… do nhà tâm lý học người Mĩ Harrison G. Gough (1921-2014) xây dựng, công bố lần đầu năm 1956/57. Được thiết kế để đo những khái niệm sử dụng trong việc mô tả nhân cách trong đời sống hàng ngày, thoạt đầu có 18 điểm số, năm 1987 thêm 2: Ưu thế (Dominance; viết tắt: Do); Năng lực đạt vị thế (Capacity for Status (Cs); Giao tiếp xã hội (Sociability (Sy); Bộ mặt xã hội (Social Presence (Sp): các nhân tố liên quan đến sự đàng hoàng, phản ứng nhanh nhạy, tự tin trong tương tác xã hội; Tự chấp nhận (Self-Acceptance (Sa): các nhân tố như tinh thần tự biết giá trị, năng lực độc lập suy nghĩ và hành động; Độc lập (Independence (In), Đồng cảm (Empathy (Em); Trách nhiệm (Responsibility (Re), Xã hội hoá (Socialization (So): trình độ trưởng thành về xã hội, công chính, ngay thẳng; Tự kiểm soát (Self-Control (Sc); Ấn tượng tốt (Good Impression (Gi); Tính cộng đồng (Communality (Cm); Tinh thần an lạc (Sense of Well Being (Wb); Bao dung (Tolerance (To); Thành tựu qua sự tương hợp (Achievement via Conformance (Ac); Thành tựu qua sự độc lập (Achievement via Independence (Al); Hiệu năng trí tuệ (Intellectual Efficiency (le); Ý thức về tâm lí (Psychological - Mindedness (Py): mức độ quan tâm và đáp ứng với những nhu cầu, động cơ nội tại và với những trải nghiệm của người khác; Uyển chuyển (Flexibility (Fx); Tính nữ/nam (Femininity/Masculinity (F/M). Viết tắt: CPI.

202. Cartesian self: Cái bản ngã theo Descartes

[Trong hệ thống của triết gia, nhà toán học và khoa học người Pháp René Descartes (1596-1650)]: Cái tôi, chủ thể tự biết mình. Cái bản ngã theo Descartes có được niềm tin chắc chắn một cách căn bản, vì mặc dù mọi thứ đều phải hoài nghi, nhưng ta không thể hoài nghi rằng ta đang suy nghĩ, vì hoài nghi tức là suy nghĩ. Do đó, Descartes kết luận: COGITO ERGO SUM (Tôi suy nghĩ do đó tôi tồn tại). Từ mệnh đề này Descartes lập luận rằng mọi ý nghĩ trực giác của cái bản ngã có sự sáng rõ khi “tôi đang suy nghĩ” tất phải đúng ngang nhau; điều này cho phép trực giác về những sự thật tiếp theo không thể nghi ngờ như sự tồn tại của Thượng đế và thế giới ngoài thế giới.

203. Casanova complex: Phức cảm Casanova

Ham muốn của người nam có nhiều bạn tình, dẫn đến việc theo đuổi phụ nữ và toan tính quyến rũ, dụ dỗ phụ nữ giao phối mà không có quan hệ tình cảm hay cam kết nào. Phức cảm mang tên Giovanni Jacopo Casanova (1725-1798), một tay phiêu lưu người Ý nổi tiếng về các cuộc chinh phục tính dục.

204. Case study: Nghiên cứu trường hợp điểm

Một phương pháp nghiên cứu bằng khảo sát đi sâu, chi tiết một cá nhân, gia đình hay một nhóm xã hội, được sử dụng rất nhiều trong tâm lý học lâm sàng, và cũng trong những nhánh tâm lý học khác và ngành khoa học xã hội nhân văn khác. Nhiều kiểu dữ liệu (tâm lý học, sinh lí học, tiểu sử, môi trường) được tập hợp để hiểu bối cảnh, các quan hệ và hành vi của chủ thể. Trong các nghiên cứu trường hợp điểm về nhóm xã hội (có tổ chức), việc quan sát với vai trò người tham dự (participant observation) thường được sử dụng.

205. Castration complex: Phức cảm bị thiến

[Trong phân tâm học]: Một phức cảm có liên kết chặt chẽ với phức cảm Oedipus, là những huyễn tưởng bị thiến của một đứa trẻ khi khám phá sự khác biệt về cơ thể giữa nam và nữ. Ở đứa bé trai, nó khiến bé lo âu về việc bị thiến và khởi đầu thời kỳ chậm phát triển tính dục; ở một bé gái, nó được trải nghiệm như sự mất mát và khởi đầu một ham muốn dương vật của người cha và toan tính chối bỏ hay bù trừ cho sự mất mát. Sigmund Freud (1856-1939) đưa vào khái niệm này năm 1908 trong bài viết“Về các lí thuyết tính dục tuổi thơ”và phát triển nó trong trường hợp Bé Hans nổi tiếng:“Phân tích một nỗi ám sợ ở một bé trai 5 tuổi”xuất bản lần đầu năm 1909.

206. Catatonic schizophrenia: Chứng tâm thần phân liệt về vận động

Một trong những kiểu tâm thần phân liệt chính, đặc điểm cốt yếu được gọi là psychomotor disturbance (rối loạn tâm vận động) biểu hiện ở sự bất động về thể chất, đờ đẫn, hoạt động vận động quá mức hay quái lạ, phản ứng từ chối, câm nín và bắt chước máy móc vô nghĩa.

207. Categorical imperative: Mệnh lệnh tuyệt đối (vô điều kiện)

Một nguyên tắc đạo lí lần đầu phát biểu bởi triết gia Đức Immanuel Kant (1724-1804) trong sách Grundlegung zur Metaphysik der Sitten (Những nền tảng của siêu hình học đạo lí). Phát biểu đầu tiên thường được dẫn là: “Hãy chỉ hành động theo một phương châm mà mình có thể cùng lúc muốn nó trở thành một luật phổ quát. Theo Kant, một phương châm là một qui tắc xử sự cá nhân, và nó mang tính mệnh lệnh giả định dưới hình thức “Nếu ta muốn X thì hãy làm Y”, với giả định Y là cách duy nhất để đạt được X và lí do để làm Y thực sự phụ thuộc vào ham muốn có X. Một phương châm có tính mệnh lệnh tuyệt đối (vô điều kiện) nếu nó mang hình thức “Hãy luôn luôn làm Y”trong đó lí do để làm Y không phụ thuộc vào bất kì ham muốn nào theo nghĩa đó là cách để đạt được mục đích nào đó mà mình ham muốn. Một mệnh lệnh tuyệt đối (vô điều kiện) có xu hướng không chỉ mang lí tính mà cũng được dùng như một nguyên tắc nền tảng của đạo lí. Ví dụ rõ nhất của Kant về một phương châm không thể là mệnh lệnh tuyệt đối: “Hãy luôn luôn mượn tiền khi cần và hứa trả lại mà không hề có ý định giữ lời”. Ta không thể muốn một cách hữu lí rằng phương châm này trở thành phổ quát, vì một lời hứa cần thiết cho cả người hứa lẫn người được hứa, nên nếu ai cũng có thói quen nuốt lời, thì sẽ không thể có lời hứa. (Liên hệ câu phương ngôn chữ Hán: “Kỷ sở bất dục vật thi tha nhân” - việc gì mình không muốn thì đừng làm với người khác -ND).

208. Categories of thought: Các phạm trù tư duy

Trong tư tưởng của triết gia Đức Immanuel Kant (1724-1804), có 12 khái niệm căn bản của sự hiểu của con người mang tính thiết yếu cho việc diễn giải các trải nghiệm. Trong đó có những ý tưởng nền tảng như sự hợp nhất, tính đa nguyên, thực tế, sự phủ định, tính nhân quả, v.v. Mặc dù là cần thiết để hiểu trải nghiệm cảm giác, các phạm trù tự bản thân chúng có tính tiên nghiệm hơn là quan nghiệm. Thời gian và không gian đóng vai trò tương tự trong việc tổ chức các ấn tượng cảm giác nhưng được Kant xếp vào những trực giác tức thời hơn là phạm trù tư duy. Các phạm trù tư duy chỉ được áp dụng vào thế giới bề ngoài hay các hiện tượng; không có lí do để cho rằng chúng được áp dụng vào các sự vật-tự nó (things-in-themselves).

209. Catharsis: (sự) Thanh tẩy

Từ được sử dụng bởi triết gia Hy Lạp Aristotle (384-322 TCN) để nói về sự thanh lọc cảm xúc, kết quả của việc xem diễn một vở bi kịch. Đoạn văn then chốt như sau: “Như vậy, một vở bi kịch là sự bắt chước một hành động nghiêm trọng và có tầm trọng đại nên tự nó là hoàn chỉnh; trong ngôn ngữ với những sự phụ trợ tạo khoái cảm, mỗi loại [phụ trợ] được đưa vào tách biệt với nhau trong các phần của tác phẩm; trong một hình thức sân khấu chứ không phải kể chuyện; với những sự biến làm dấy lên lòng thương cảm và sự sợ hãi, từ đó hoàn thành việc thanh tẩy những cảm xúc ấy” (Poetics – Thi pháp).

[Trong phân tâm học]: Catharsis là việc đem đến ý thức về những ý tưởng bị đè nén, đi kèm với việc biểu lộ cảm xúc, từ đó giải toả căng thẳng. Thầy thuốc người Áo Joseph Bruer (1842-1925) là người đầu tiên khảo sát hiện tượng trong hoàn cảnh trị liệu cho Anna O, sau đó ông và Sigmund Freud (1856-1939) đưa khái niệm vào phân tâm học trong sách Các nghiên cứu về chứng Hysteria (1895), và nó trở thành một kĩ thuật trị liệu nhằm sản sinh ra sự xả giải cảm xúc tiêu cực (abreaction). Thoạt đầu nó được liên kết chặt chẽ với việc thôi miên, nhưng Freud sớm bắt đầu sử dụng liên tưởng tự do như qui trình trị liệu căn bản thay cho thôi miên. Thuật từ đã được sử dụng một cách lỏng lẻo trong tâm lý học để nói về việc giảm thiểu những kích động hung hãn do xem các chương trình bạo lực trên truyền hình, phim ảnh và trò chơi điện tử.

210. Causal schema: Sơ đồ nhân quả

Một khái niệm được đưa vào năm 1958 bởi nhà tâm lý học Mĩ gốc Áo Fritz Helder (1896-1988) để nói về tổ chức mang tính khái niệm của một chuỗi sự kiện trong đó một số được nhận dạng là nguyên nhân và những sự kiện khác là kết quả. Khái niệm được phát triển vào năm 1977 bởi các nhà tâm lý học Do Thái-Mĩ Amos Tversky (1937-96) và Daniel Kahneman (sinh 1934), theo đó các sơ đồ khái niệm bao gồm các dữ liệu nguyên nhân (được tri nhận như nguyên nhân của các sự kiện đáng chú ý), các dữ liệu chẩn đoán (được tri nhận như hậu quả của những sự kiện đáng chú ý) và cũng có những dữ liệu tình cờ (được tri nhận không phải là nguyên nhân hay hậu quả của những sự kiện đáng chú ý).