Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

100 năm ngày sinh Võ Hồng: Thư của nhà văn Võ Hồng gửi Phạm Xuân Nguyên

Phạm Xuân Nguyên

Nhà văn Võ Hồng sinh 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông từng theo học tú tài ở Hà Nội nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì chiến tranh về quê đi dạy học. Ông từng giữ chức vụ Trưởng ty Bình dân Học vụ tỉnh Phú Yên (1949) và hiệu trưởng một số trường trung học tại Phú Yên, Khánh Hòa. Từ 1956 đến khi mất (2013) ông sống tại Nha Trang.

Truyện ngắn đầu tay của ông Mùa gặt đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào năm 1939 với bút danh Ngân Sơn. Đến năm 1959, ông xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Hoài cố nhân. Kể từ đó đến khi qua đời Võ Hồng đã có 30 cuốn sách được in thuộc nhiều thể loại. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông: Hoài cố nhân (tập truyện, 1959), Con suối mùa xuân (tập truyện, 1966), Vẫy tay ngậm ngùi (tập truyện, 1992), Hoa bươm bướm (tiểu thuyết, 1966), Thiên đường ở trên cao (tiểu thuyết, 1978), Trong vùng rêu im lặng (tiểu thuyết, 1988)…

Nhà văn Võ Hồng mất ngày 31/3/2013 tại Nha Trang.

*

Tôi biết ông từ năm 1988. Khi đó Ban Văn học Việt Nam hiện đại thuộc Viện Văn Học phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Phú Khánh (nhập hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) làm cuốn sách chân dung văn học của các nhà văn nhà thơ gốc quê ở vùng đất này. Tôi được Trưởng ban Phong Lê giao trách nhiệm như kiểu bây giờ là “điều phối viên” giữa Ban và Hội. Vì vậy tôi có khoảng thời gian khá dài đi lại vào ra và lưu trú tại thành phố biển Nha Trang. Cùng với tôi còn có Phạm Phú Phong, giảng viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế hồi đó, một cộng tác viên của Ban. Chúng tôi làm việc với lãnh đạo Hội Văn Nghệ lên danh sách những người được viết và những người viết, phân công trách nhiệm tổ chức bản thảo và xuất bản sách giữa hai bên, gặp gỡ nhân vật và tác giả, lấy tài liệu, sách báo… Trong quá trình làm việc với Hội Văn Nghệ tỉnh Phú Khánh, chúng tôi cũng làm việc với cả Hội Văn Nghệ thành phố Nha Trang, chủ yếu là với nhà văn Thế Vũ, thư ký tòa soạn của tạp chí Văn Nghệ Nha Trang (còn tờ tạp chí của Hội tỉnh mang tên “Cánh én”). Hội thành phố có trụ sở ở 6 Lý Tự Trọng. Đó là một tòa nhà hai tầng xinh xắn, rộng rãi, phía trước có cái sân rộng làm quán cà phê sách báo của vợ chồng nhà thơ, dịch giả Lê Ký Thương là chỗ tụ họp gặp gỡ của anh em văn nghệ sĩ. Tại đây nhà văn Võ Hồng cũng thường lui tới như ông có nói trong các bức thư gửi tôi.

Bây giờ tôi không còn nhớ rõ là tôi đã diện kiến nhà văn Võ Hồng lần đầu tiên là ở đâu, tại Hội hay tại nhà ông. Chỉ biết là khi lập danh sách các nhà văn Phú Khánh để viết chân dung thấy có tên ông tôi đã tò mò. Rồi tôi tìm hỏi. Và tôi muốn được gặp trực tiếp. Dần dà sau vài lần gặp thì tôi đã được ông mời đến nhà ở 53 Hồng Bàng, Nha Trang. Hồi đó tôi có cảm giác là nhiều anh em văn nghệ trong đó cũng ít giao tiếp với ông, mà ông cũng không mặn mà tiếp xúc với mọi người. Tôi cảm thấy như vẫn còn một không khí e ngại, xa cách giữa hai bên. Ông có đến 6 Lý Tự Trọng thì thường cũng chỉ nói chuyện nhiều hơn với các anh Thế Vũ, Lê Ký Thương… “những người cũ”. Cho nên mấy lần đầu đi cùng tôi đến gặp nhà văn chỉ có Phạm Phú Phong, Đặng Minh Châu (nhà thơ, biên kịch điện ảnh, hồi đó đang làm ở Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh). Về sau cứ có dịp là tôi đến một mình.

Tôi được ông tiếp đón ân cần. Cuộc chuyện trò của hai người văn chương: một Nam một Bắc, một già một trẻ, một sáng tác một phê bình, diễn ra thoải mái, tự nhiên. Ông cẩn trọng chu đáo từ cách xưng hô, và trong các thư cho tôi về sau ông luôn viết hoa chữ Anh. Tôi gọi ông bằng Bác, sau quen thuộc hơn thì xưng là Thầy và Con. Sự giao cảm và tình quý mến của nhà văn và tôi đã đọng lại trong những bức thư ông viết mà tôi may mắn còn giữ được.

Tôi và nhà văn Võ Hồng gửi thư cho nhau khá đều đặn trong mấy năm đầu quen biết nhau. Các bức thư tôi gửi ông thì hẳn không còn nữa vì năm 2013 ông mất trong cảnh cô độc, các tư liệu của ông chắc đã thất tán. Về phần các thư ông gửi tôi thì hiện tôi còn giữ được 12 bức cùng với các phong bì dán tem. Trong 12 bức này thì bức sớm nhất đề ngày 22.9.1989, bức muộn nhất ngày 8.8.1993. Trong 4 năm đó nhà văn đã viết cho tôi: năm 1989 (3 bức), 1990 (2 bức), 1991 (2 bức), 1992 (4 bức) và 1993 (1 bức). Thư ông viết phần nhiều trên giấy pơ-luya (pelure) màu xanh, đề ngày tháng rõ ràng. Có một vài bức ông dùng chì màu xanh đỏ vẽ một bông cúc, một bông đào. Nét chữ ông mềm mại, ngay ngắn, chân phương của một nhà giáo. Thỉnh thoảng ông có chen tiếng Anh, Pháp, Hán, Nhật khi kể chuyện dạy trẻ con học hay nhớ lại một kỷ niệm nào đó (tôi có chú dịch trong vài trường hợp).

Nội dung các thư của nhà văn Võ Hồng cho tôi ngoài những điều thăm hỏi thông thường có mấy điểm chính. Một là ông chia sẻ một số chi tiết về cuộc đời và sáng tác của mình. Thí dụ như qua việc nhà văn nhờ tôi chuyển quà cho cô Vương Thị Oanh nên tôi biết được đôi điều khoảng thời gian ông ra Hà Nội học tú tài đầu những năm 1940, từ đó trong một vài truyện của ông có hình bóng người thủ đô. Tiếc là dự định của ông trở lại Hà Nội (nơi ông rời đi từ 1943) và kế hoạch đón tiếp ông của tôi năm 1989 đã không thành. Hai là ông bày tỏ những suy nghĩ băn khoăn, lo lắng cho số phận sáng tác của mình sau 1975. Ông chi chút mừng khi được tin ở đâu đó sách của Võ Hồng được in lại, được đọc, được vào bài thi bài luận. Ông thất vọng, đau khổ sợ các sách của mình sẽ bị mất hết, sẽ không còn được in, dù ít nhất chúng vẫn còn có ích về mặt tư liệu đời sống cho đời sau. Do vậy ông nhiều lần mong mỏi tôi và Phạm Phú Phong (nghĩ mà thương nhà văn, hai chúng tôi có là gì đâu!), rộng ra là Viện Văn Học, có động thái gì để giúp ông và các đồng nghiệp văn chương miền Nam trước 1975 được hiện diện trở lại trong đời sống văn học nước nhà. Ba là ông kể chuyện cuộc sống hiện tại của mình thích chơi với con nít, vui với con nít, qua đó nói lên một cách dạy trẻ từ nhỏ, cũng có thể hiểu là một quan niệm giáo dục của ông. Chính tình cảm vừa ông cháu, vừa bạn bè đó với trẻ nhỏ, nên ông đã muốn có tấm ảnh đứa con gái nhỏ của tôi, và khi có rồi thì ông đã dành rất nhiều yêu mến cho đứa cháu chỉ thấy hình chưa gặp mặt.

Nhà văn Võ Hồng mất ngày 31.3.2013. Khi đó tôi đang có mặt ở Nha Trang khai mạc trại viết của Hội Nhà Văn Hà Nội. Trong chuyến đi ấy tôi đã có kế hoạch đến thăm ông, và có thể mời ông đến nói chuyện với các nhà văn hội viên dự trại viết. Nhưng khi tôi đến 53 Hồng Bàng thì đã là đám tang nhà văn. Tôi đã đến chậm, không được gặp ông lần cuối. Thay mặt các nhà văn thủ đô tôi đã làm một vòng hoa đề: Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội – Kính viếng nhà văn Võ Hồng. Mọi người trong gia quyến và đám tang khi ấy đều bất ngờ, không ai biết tôi là ai, quan hệ thế nào với nhà văn. Tôi đứng lặng trước nhà ông bồi hồi và ân hận.

Năm nay nhà văn Võ Hồng tròn trăm tuổi (5/5/1921 - 2021). Nhớ ông tôi đọc lại những bức thư của ông nghe như ông đang nhẹ nhàng trò chuyện, giọng điệu có lúc cao thấp, lúc vui buồn, nhưng nhiều ý nhị, tinh nghịch, hài hước. Mỗi bức thư cho tôi nhớ lại căn nhà ông có cây cối tỏa bóng, có cái chuông ống bơ dòng dây cho trẻ nhỏ giật, có cái bàn nước trên lầu một nơi ông và tôi từng nhiều lúc ngồi trò chuyện. Nhớ cả số nhà 6 Lý Tự Trọng và nhà văn Thế Vũ ở đấy mà cũng đã đi xa nhiều năm. Tất cả đã lùi xa. Tất cả đều đã “trong vùng rêu im lặng”, như tên một tác phẩm của ông. Nhưng các sách của nhà văn Võ Hồng đã được in lại, đó có thể là một an ủi cho ông nơi “thiên đường ở trên cao”, lại tên một tác phẩm ông in mới sau 1975.

Hà Nội 19.5.2021

pxn

Võ Hồng. Chân dung 1 (1)

Phong bì thưimage

 

THƯ VÕ HỒNG 1

Nhatrang 22.9.89

Anh Phạm Xuân Nguyên

Anh hứa ghé lại trước khi về Hanoi. Tôi sắp đặt mấy món quà ở nhà đợi anh. Mãi sáng thứ Bảy Lê Ký Thương ghé lại nói vừa đưa Anh ra ga. Vậy là mình buồn thêm.

Nghe anh Giang Nam đi Hanoi, thôi đành chỉ gửi mấy cuốn sách. Tôi chọn cuốn Trầm mặc cây rừng bản đặc biệt và cuốn VĂN số đặc biệt. Trong cuốn TMCRừng có truyện Chuyến về Tuy Hòa mà một cô học sinh cũ của tôi ở Australia biên thư nói “… có một bà VN mượn đọc ở thư viện Australia. Bà ta lén xé truyện đó bỏ vô xắc. Bị thư viện bắt được. Họ rao sự việc lên bản thông cáo. Bà ta khóc v.v…”

(Xóa ba dòng). Và có chút lạm dụng này: nhờ Anh tiện ở gần, ghé lại trao dùm gói sách này (đựng 2 cuốn) cho cô Vương Thị Oanh làm ở Công ti Mỹ Thuật 43 phố Tràng Tiền Hà Nội. Cô Oanh là vợ của Vũ Xuân Hà, kỹ sư hiện công tác ở Bungari. Xuân Hà là em ruột của Bảo Loan, và tôi biết hồi Hà còn 10-12 tuổi ở 12 cité Tràng An mà “Trong vùng rêu im lặng” tôi có nhắc lại trong truyện “Cành đợi chân chim”. Mợ của Hà coi tôi như con, cụ mất vậy là tôi buồn, 1 năm suốt tôi chưa biên thư cho Oanh. Anh Nguyên điện thoại cho cô Oanh biết trước để Anh đến gặp ngay. Vạn nhất mà cô thay đổi chỗ làm, – chỉ vạn nhất thôi, - thì mong Anh làm ơn ghé lại nhà riêng của cô ở:

Căn hộ 103. Nhà A6 (cầu thang 2)

Khu nhà ở Thanh Xuân Bắc – Hà Nội.

Đa tạ. Muôn vàn cảm tạ. Hôm đợi Anh, tôi chuẩn bị đưa Anh đọc thử 1 bài tôi đã đăng ở MN trước đây, giới thiệu 1 lối chữ viết Quốc Ngữ (không theo mẫu tự Lamã mà theo thứ alphabet giống như Katakana-Hiragana của Nhật, alphabet Đại Hàn và Trung Hoa) do ông giáo sư trần Trần Cảnh Hảo đã phát minh năm 1939 (tôi học ổng ở Collège Quy Nhơn). Thôi đợi dịp khác. Hôn cô cháu bé. Chúc Anh Chị mạnh.

*

Kèm thư này trong phong bì to có một phong bì nhỏ đề: Kg Ông Phạm Xuân Nguyên, Viện văn học, Hànoi, bên trong có một tấm thiếp.

Mặt trước thiếp đề: Võ Hồng, 53, Hồng Bàng, NhaTrang, Cha của Võ-thị Tri-Thủy - bốn chữ tên người in màu xanh, còn lại là chữ viết tay.

Mặt sau thiếp viết:

Thân gửi anh Nguyên

Gởi tặng cháu nhỏ cục xà-bong tắm. Cầu chúc cháu ăn chơi.

Có nhận sách và quà của Anh. Nhiều quá, chỉ sách cũng đã nhiều. Có hai cuốn gửi ông Huệ Chi. Không ra được Hanoi. Tạ lòng ân cần của Nguyên.

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure trắng. Gạch xóa ba dòng sau đoạn “Bà ta khóc”. Không chữ ký. Nhà thơ, dịch giả Lê Ký Thương hồi đó có cái quán cà phê ngay trong sân số 6 Lý Tự Trọng, trụ sở Hội Văn Nghệ Nha Trang. Việc nhà văn nhờ, tôi đã đến chỗ cô Oanh làm nhưng không gặp nên gửi lại sách. Sau đó cô Oanh có đến tìm tôi ở Viện Văn học thì lại sai địa chỉ và quên mất tên tôi. Điều này tôi chỉ biết khi nhận được một thư sau của nhà văn.

 

Thư 1. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 2

Nhatrang 23.10.89

Thân ái gởi Nguyên,

Bức thư 3.10.89 của Nguyên viết trên giấy màu quá đẹp, nói sang thì đúng hơn. Cũng chưa đúng. Nó không giống những màu hợp thời. Nó personnel [cá tính]. Nó lạ. Nó dám có cá tính.Nó chịu sự ghét, sự không ưa của công thức. Nó hy vọng có sự tán thưởng của một số “chọn lọc” nào đó. Uầy, tại Nguyên là một trong cái số ‘chọn lọc” đó nên mình bavard. (Nữa! đáng lẽ viết là “dông dài”. Nhưng ưa đùa chơi, chứ biết được chữ bavard thì có hơn chi ai!)

Mình chưa có “di cảo” gì đâu, Nguyên ơi, mình đang “cương quyết từ chối những xã giao hình thức phí thời giờ” để lo sửa lại mấy cuốn đã in, đề phòng sau này có nơi nào tái bản. Và khi đọc lại, âm thầm, mình ngạc nhiên: “Uở! chớ sao hồi đó có thể viết được vậy, cà? Công đâu mà… Sáng kiến đâu mà… Sao chịu khó sắp đặt kỳ khu vậy? Sao vẫn có cái điệu, cái giọng tinh nghịch yêu đời vậy? Ờ, có lẽ anh Nguyên thử suy nghĩ xung quanh chữ “dí dỏm”. Khi nó được dùng: “ăn nói dí dỏm” thì hợp, chớ với giọng văn thì thử tìm chữ nào thích hợp hơn, chỉnh hơn. Còn nhớ chặng 70-72 gì đó, học sinh trường Pháp có dịch bài “Một buổi sáng ở Dalat” là bài giảng văn trong cuốn của ông Đỗ Văn Tú trích 1 đoạn trong cuốn Hoài cố nhân của tôi. Họ dịch, thầy giáo sửa, và cuối cùng họ gởi cho tôi bản dịch (tặng phẩm!) nhớ có mấy qualificatif [tính từ] họ dùng để phê bình: clarté [sáng sủa], coloré (có màu sắc), harmonie [hài hòa], finesse [tinh tế]…

À, tôi gởi anh cuốn Trầm mặc cây rừng phải không? (tôi hay lú lẫn lắm) trong đó có cái truyện “Chuyến về Tuy Hòa” mà trước đây, 1 cô học trò cũ của tôi ở Australia viết thư mét: Thư viện ở Úc, thành phố Springvale, có thông báo có 1 bà Vietnam mượn cuốn Trầm mặc cây rừng đọc rồi lén xé cái truyện “Chuyến về Tuy Hòa” bỏ trong xắc. Nhân viên thư viện bắt được. Bả khóc nhận lỗi… Rồi gần đây cô nói bắt đầu 1990 Daihoc tiểu bang Victoria mở Ban cử nhân Văn Khoa ngành Đa Văn Hóa (Bachelor of Arts in Multicultural Studies) trong đó có 6 tín chỉ tiếng Việt, Ngôn ngữ, Văn chương và Văn hóa Việt Nam.

Cái truyện “Trầm mặc cây rừng” trong cuốn đó cũng được nhiều người sinh viên Vietnam ở Pháp ghé lại đọc ở thư viện Đại học Jussieu thích (tôi nghe mét vậy chớ đâu có biết cái Đại Học đó). Còn hồi xưa thằng Hào con tôi mới vô Đại Học, tụi bạn thấy cái mặt của nó trắng trẻo liền nói “Tại má mày người Tàu mà!” Té ra tụi nó tưởng chuyện Lương Mai là chuyện của tôi, rằng cô Sử Tuyết Quân là vợ tôi. Trời ơi, đâu có sướng vậy? Tôi chỉ được chó cắn, được đi chích thuốc, chớ đâu được cưới Sử Tuyết Quân!

Rất cảm động, rất xúc động khi nghe Nguyên bảo là sẽ cùng “bạn bè” tổ chức 1 chương trình vãn cảnh. Xúc động chân thành bởi, Nguyên ơi, Nguyên đâu có hiểu được hoàn cảnh buồn của mình. Có những buổi chiều chạng vạng chầm chậm xuống thang lầu nhìn qua phía tả phía hữu… nhà ai cũng quây quần xúm xít, cười nói, mâm bát… Ngày vợ tôi mất, tôi 35 tuổi, ở vậy nuôi con, mượn văn chương làm bạn. Luôn luôn giữ tâm liêm khiết, nghiêm với mình mà khoan với người, từ chối bổng lộc (như người ta, như nhiều người thì e rằng tôi phải trị tôi nhiều phen, bởi thời cuộc ưa đẩy tôi “lên voi”, nhưng căn cơ của tôi chỉ cho tôi làm tới chức “trâu”, nặng tai, bước chậm và tiếng kêu chỉ “nghé nghé” trong họng (cứ coi lão Khuyển, mụ Mèo, thằng Bò, chú Ngựa đều dõng dạc tiếng Kêu hơn con Trâu”).

Vương Oanh có biên thư cho tôi. Nói: có lại cái Viện Sử Học nhưng lại trót quên cái tên ông Phạm Xuân Nguyên. Đó, có con học tới Đại Học mà sơ suất vậy.

(Xóa một dòng). Cảm tạ tập Văn Học 3-4 Nguyên tặng. Điều này chắc chắn là ở Viện đã thảo luận kỹ rồi, nhưng mà khi nhảy lọt vô bài của cô Phong Tuyết (trang 16) cụng liền chữ BOMARSE thì cũng giật mình (có thể để giữa vòng đơn, 1 lần thôi, chữ Beaumarchais?)

Chúc Nguyên và bảo quyến vui, mạnh. Hôn cháu cho tôi. Tôi yêu con nít dưới 3 tuổi. Mới hôm 21.10, tôi ra đứng nhìn cành khế, nhìn cái trái nhỏ, dài 0,5cm giữa chùm hoa li ti, nhớ con bé gái hàng xóm tên Cụi thỉnh thoảng chị nó bế lại để tôi được ngồi cạnh, một buổi. Và tôi chảy nước mắt, vì nhớ đã bế nó đứng chỉ hoa khế cho nó coi.

Võ Hồng

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy thường. Kèm cả thư viết ngày 9.11.89. Dấu bưu điện Hà Nội 16.11.89. Đây là hai thư dài nhất nhà văn viết cho tôi, trong đó có đoạn tâm sự sâu kín. Ông nhắc điều tôi viết trong thư khi ông báo có thể ra Hà Nội là sẽ đưa ông đi thăm lại những cảnh xưa chốn cũ mà ông đã từng qua. Nhưng rồi chuyến đi của ông đã không diễn ra vì lý do như ông sẽ nói ở một thư sau.

 

Thư 2. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 3

9.XI.89

Anh Nguyên ơi,

Vậy là tôi không ra được Hanoi chơi với Anh. Tôi rất sợ cái cô đơn. Nhìn cảnh cũ, mình cảm thấy biết bao lẻ loi. Tôi có viết thư cho Vương Thị Oanh và cũng tạ từ như vậy. Nguyên còn nhớ truyện Hoài Cố Nhân? Má của Bảo Loan đã từ trần năm 1987 rồi. Giá cụ còn thì tôi phải ra ôm cụ để cụ có dịp ôm tôi mà khóc. Cho dẫu cháu ngoại của cụ đã cưới vợ sinh con rồi mà viết thư cho tôi vẫn cứ xưng “Mợ” gọi “Con”.

Hội có gửi cho một số sách. Tôi đọc cuốn Hoàng Ngọc Phách. Trời ơi, đúng “thằng” Hoàng Ngọc Phiên đây rồi. (Hồi xưa tụi tôi cứ “thằng” mà gọi nhau). Phiên và tôi cùng học classe Première ở trường Thăng Long. Cụ Bùi Kỷ, bà Guezennec, Nguyễn Khắc Kham dạy. Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Tôi có nhắc đến cụ Bùi Kỷ, bà Guezennec, hồ Thiền Cuông, đường Bonfany ở trong truyện Hà Vi (in trong tập Hoài Cố Nhân). Trời ơi, nhớ quá. Vậy mà Phiên đã chết rồi. Chẳng biết cuộc đời Phiên có thành đạt? Con cháu? Chắc ông Nguyễn Huệ Chi biết rõ.

Tôi có nhờ Anh trao dùm 2 cuốn tặng ông Nguyễn Huệ Chi. Nghe Anh và mấy bạn quen nói về Ông, lại thêm nhớ hồi mình học lớp Tư lớp Ba đọc cuốn Mẹo tiếng Nam hay cuốn Hán Văn giáo khoa thư thấy ghi tên soạn giả Lê Thước – Nguyễn Hiệt Chi… rồi khi già đầu thì đọc Truyện Cổ của Nguyễn Đổng Chi (mà tôi thích cái giọng nghiêm cẩn, đĩnh đạc, cân nhắc từng chữ từng lời… cả mấy cái variants, mấy cái dị bản mà ông nêu ra nói lên sự quảng bác, nghiêm túc mà từ tốn… Chặng 1969-70 gì đó tôi có cuốn “Người về đầu non” viết về những kỷ niệm sinh hoạt hồi nhỏ. Tôi định ghi thêm cho kỳ tái bản. Trong số những kỷ niệm, tôi định viết về cuốn Hán Văn giáo khoa thư đó và những giờ học Hán Văn áp dụng bộ sách đó (lớp 5, lớp 4, lớp 3). Bao nhiêu năm rồi tôi cứ ước ao được gặp mấy nhà Lãnh đạo lớn, đề nghị quý ngài cho phát động 1 phong trào “mời các người có biết chữ viết tất cả những gì họ nghe, họ thấy, họ nghe kể… từ khi có trí khôn cho tới bây giờ… đặc biệt là các người ở nhà quê. Viết lại. Đừng có phân biệt nó là phản chánh sách, là mê tín, là phong kiến v.v…Chánh quyền Xã sẽ đong lúa mà tạ cho họ, 50 giạ, 100 giạ cũng được. Tập trung tất cả đem về lưu trữ. Đâu có phổ biến ngay mà sợ. Tôi thiết tha nghĩ đến công việc này là bởi tôi muốn viết tiếp những kỷ niệm ngày nhỏ nhưng liền đụng phải “nhiều cái mình không biết”. Phụ lòng công lao của tổ tiên biết bao! Ôi! Giá mà Viện Văn Học lưu ý tới và thực hiện liền tay. Bởi chúng tôi “đụng tới cái không biết” muốn chạy tìm những bạn quen để hỏi thì hoặc chúng ở xa, hoặc đã chết. Những người mà tôi cần hỏi kỹ thì đều phải 90 tuổi trở lên. Và cố nhiên là họ chết ráo!

À, anh em đi dự Đại Hội về kể lại thì họ nói ông Viện trưởng Phong Lê phát biểu được anh em rất có cảm tình. Mỗi lần nghe một điều tốt, một người tốt, lòng mình thấy vui. Ở đây, cứ vài ba tháng là tôi hay hỏi anh bạn nhà báo “già và cứng đầu có tiếng”, hỏi: “Ông kể cho tôi nghe người tốt việc tốt mà ông khen. Khen ít ít cũng được. Chứ đọc chuyện “người tốt việc tốt” in thành sách thì không thích bằng. Ưa nghe kể chất phác, thiệt thà”.

Anh Nguyên ơi, nghe có người quen nói quyển GIÓ CUỐN của tôi được thấy ở tiệm cho thuê sách. Nhờ con cháu Trúc đi lùng tìm mua. Nửa tháng sau, nó mua được đem về. Cái bìa như bìa tuồng hát cải lương. In thiếu 3 đoạn, cộng 44 dòng. Uấy, mà vậy là cũng may cho mình. Chớ bao nhiêu cuốn của mình đã bị quét ráo, đốt hết hồi 75. Anh có tội nghiệp cho tôi không? Hôm đi lục tìm cuốn “Lá vẫn xanh” và “Những giọt đắng” để sửa chữa phòng có nơi nào xin tái bản, tôi mới tá hỏa là… kiếm không ra. Có cuốn mở ra thì thiếu mất cả 18 trang! (Té ra cho mấy “cha” mượn đọc, mấy cha để cho mấy “dì” mượn coi, bứt đứt luôn cả xấp). Phải chạy đi rao ai có thì xin bán lại, xin đổi bằng 1 cuốn mới. Có một cái này mình buồn: đó là những truyện ngắn của mình đã vẽ lại rất trung thực những mặt sinh hoạt của bà con Miền Nam Trung Bộ chặng 1930 - 1975, suốt 45 năm, như vậy mà người độc giả thì ít chịu đọc truyện ngắn. Nghe ở Úc (Australia) có học Truyện Kiều. Khi giảng bài “Hoạn Thư ghen” ông giáo sư nói thêm về tính ghen của đàn bà Vietnam, và ổng nói cũng có người ghen 1 cách cao thượng như người vợ trong truyện Trầm mặc cây rừng của VH đã ghen với cô Thịnh.

Anh Nguyên ơi, cô Thịnh “của tôi” hiện đau tim nặng, tôi muốn cô vào Nhatrang để tôi săn sóc giúp đỡ cho, nhưng mắc chồng cô. Vậy, thôi… chúc anh vui, chứ cứ nói chuyện lông dông, vợ anh mà đọc được, cô ấy véo anh và rủa tôi “Khéo bày cho anh bắt chước”! Xin tạ lỗi Phạm Xuân Nguyên phu nhân!

TB. Chặng 1976-77 gì đó, ông Thạch Phương có cho tôi biết là ở Hanoi ổng theo dõi văn học Miền Nam nên ổng biết tôi. Chắc hồi đó ổng ở Viện Văn Học phải không? Và như vậy là ở Viện Văn Học có lưu trữ những cuốn sách của tôi chớ? Và sau 75 chắc là sự tập trung những cuốn sách in ở Miền Nam nơi Viện Văn Học chắc tương đối đầy đủ?

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy thường. Bỏ cùng phong bì với thư 23.10.89. Nhận được ngày 16.11.89. Chữ “những” trong thư này Võ Hồng dùng ký hiệu ~. Đoạn nói về Hoàng Ngọc Phách mà nhắc đến Hoàng Ngọc Phiên, là vì Hoàng Ngọc Phiên là con trai Hoàng Ngọc Phách. Đoạn nói về phát biểu của Phong Lê chắc là tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm đó. Ông Thạch Phương nói trong thư này trước 1975 làm việc tại Viện Văn học, theo dõi văn học đô thị miền Nam.

 

Thư 3. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 4

22.1.90

Anh Nguyên yêu quý,

Thư này chắc chắn là tới tay Anh trễ, pháo đã nổ, dưa hấu và bánh chưng đã biến thành mấy hột hồng huyết cầu. Than ôi, lỗi lại không phải tại tôi.

Sau hôm khai mạc cái Đại Hội nhạc nhẹ, tôi biên cái thư cho Anh, nhờ đứa cháu đem xuống cái Đại khách sạn ở Trần Phú, mời Anh ghé lại đằng tôi trước khi về Hanoi. Ai ngờ ông quản lý khách sạn líu quíu vì quá nhiều chức vụ trung ương tròng lên Anh, nên ông ta há miệng bất lực. Nào là “chắc ổng đi với ông Thứ trưởng… Chắc ổng ở Ban giám khảo v.v…” Thôi đành nghe theo Thế Vũ là sẽ gặp lại Anh chặng 12-14 tháng 1 vì anh sẽ ra Thanh Hóa gặp ông Phong Lê và ông Nikulin, và phái đoàn sẽ đi 1 chuyến vào Miền Nam. Cũng chẳng thấy. May đó. Tôi đã phòng xa, chịu khó ngồi gói mấy cuốn sách gởi cho ông Ng Huệ Chi qua Bưu điện, chớ cứ đinh ninh đợi ngày 14.1.90 anh sẵn về Hanoi cầm dùm thì eo rồi. Cũng có tiếc là không được gặp ông Nikulin mà nghe bà con văn học nhắc đến nhiều. Trong một cuốn sách nào đó của ông Mai Quốc Liên, ổng nói ông Nikulin có đọc văn học miền Ngụy và ổng nêu cuốn “Chiếc áo thiên thanh” của Lê Vĩnh Hòa, quyển “Gió cuốn” của Võ Hồng. Vì vậy mình định nếu gặp ông Nikulin mình sẽ tặng ông cuốn Thiên đường ở trên cao để ông đem về bên Nga đọc chơi. Nay sự dự định nhỏ nhoi đó đã không thành. Mình đề nghị: nếu ông Nikulin phải về Nga liền thì xin anh Nguyên trao tặng Ổng cuốn Thiên đường ở trên cao mà Anh hiện có. Rồi tôi sẽ đền lại Anh. Còn nếu ổng còn ở lại lâu ở VN thì mình sẽ tính một cách thư thả hơn. Nghe nói tháng Giêng sẽ Đại Hội Văn Nghệ Khánh Hòa, thế nào Viện cũng cử Anh Nguyên vô chứng kiến.

Trời ơi, cái năm 90 bắt đầu buồn quá cho số 6 Lý Tự Trọng. Quán cà phê bị dẹp khiến khuôn sân vắng vẻ. Rồi số Văn Nghệ Nhatrang Xuân Canh Ngọ không được in khiến ngôi biệt thự vắng vẻ. Cứ mỗi tuần lễ trung bình 1 lần, – thỉnh thoảng 2 lần – bước ra khỏi nhà là tôi ngồi ở 6 Lý Tự Trọng, mượn tờ báo đọc, nói chuyện với anh em. Ngoài ra, coi như cắt đứt với mọi sinh hoạt rộn ràng xung quanh.

Nhân đầu xuân Canh Ngọ xin chúc Nguyên và bảo quyến mọi điều An Lành Hạnh Phúc.

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh. Câu cuối cùng đặt trong khung kẻ có vẽ kèm cành hoa cúc màu xanh đỏ. Không chữ ký. Sự kiện “Đại Hội nhạc nhẹ” mà nhà văn Võ Hồng nói đây là Liên hoan ca nhạc nhẹ toàn quốc tổ chức tại Nha Trang năm 1989. Dịp đó tôi đang có mặt ở đây vì việc làm cuốn sách hợp tác của Viện Văn học và Hội Văn Nghệ Khánh Hòa chứ không liên quan gì đến Liên hoan này. Khi đến chơi nhà văn Võ Hồng tôi có kể sự kiện này, chắc ông nghe nhầm là tôi dính vô đó.

Thư 4. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 5

Nhatrang 9.4.90

Anh Nguyên yêu quí,

Thư này tôi viết cùng một lượt với thư cho ông Ng. Huệ Chi. Nhưng ào ào khách ở nhà quê ra. Thành nó đến với Anh chậm vài ngày. Xin tạ lỗi.

Tôi nhận tạp chí Văn Học Anh gửi cho cùng với mấy cuốn sách của ông Huệ Chi. Chắc chậm e cả tuần vì cả tuần tôi không ghé 6 Lý Tự Trọng. Đinh ninh Đại Hội Văn Nghệ Khánh Hòa anh vô. Cả Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai. Rốt cuộc chẳng ai hết. Thấy trên báo nói ông Nikulin dự hội thảo về Hồ Chủ Tịch. Tôi có nhờ anh tặng dùm ổng cuốn Thiên đường ở trên cao, rồi tôi sẽ gởi hoàn lại Anh. Tại nghe Ổng có đọc Gió Cuốn của tôi.

Lạ, sao tôi cứ nhớ cái ảnh Anh chụp đứa con gái đầu lòng của Anh. Những đứa nhỏ 4-5 tháng cho tới 4-5 tuổi tôi thương con gái hơn con trai. Gần tôi nhất, giờ này có 2 đứa con trai 3 tuổi rưỡi, 1 đứa gái 3 tuổi và 1 đứa 4 tháng. Con Cụi 3 tuổi, mỗi lần từ Phú Vinh xuống chơi là tôi bế đi hái hoa ti gôn “để tặng Mẹ”. Nó rủ tôi đánh bài, và tôi bày nó nói theo “đánh con Valet… Chết, có con King đây”… Tôi rủ nó cùng nhìn ra đường, nói “bicycle kia” và nó nói theo khi thấy cái xe đạp đi tới “đó, bicycle nữa đó. Ồ! Cái bicycle kia nữa”. Đưa trái chuối, bắt nói “bờ-né-nờ”, nhưng về Phú Vinh, – chị nó kể, – hỏi lại thì nó nói là “bờ-né… bờ-né… chuối”. Những bé gái, sự dịu dàng, và xa hơn, sự thiệt thòi. Có Hiếu với cha mẹ là con gái, chịu thiệt thòi là con gái, là phụ nữ. Cái cây khế hàng xóm tỏa cành trên sân thượng của tôi, khi thấy trái chín mọng màu vàng tươi là tôi không nỡ để chúng rụng xuống đất, rữa thối. Thương như nhìn thân phận cô gái xinh đẹp, đang giữa xuân thì mà không ai ghé mắt. Tôi phải cố sức níu cành ở xa, lần khéo tay hái (sợ nó rớt, vì cả chùm, lựa trái chín, không nỡ hái trái mới vừa vàng) rồi đem mời người thưởng thức. Mà báo hại, sao xung quanh toàn người giàu: họ mượn vị chua nơi chanh, cam và tệ nhất là cà tomate [cà chua]! Có hôm dò lắng lòng mình, tôi cảm thấy tôi nâng niu “nó, chúng” như người yêu của mình. Dẫu cũng mắc cỡ là “mình đang hái trộm”. Tôi nói với ông chủ cây khế “Mỗi lần hái nó, tôi đều hồi hướng công đức về cho ông chủ của nó”.

Cầu chúc Anh chị và bảo quyến an hảo. Hôn cháu bé dùm tôi.

Võ Hồng

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh.

Thư 5. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 6

mùng Bảy tháng Giêng Tân Mùi

Anh Phạm Xuân Nguyên yêu quý

Nhờ đóa hoa cúc muộn nói dùm tôi lời cầu chúc Anh, Chị, cháu, và bảo quyến một năm An Khang Hạnh Phúc. Cái phong bì mà tôi gởi anh đây đã đựng 1 bức thư viết 6-7 tháng trước mà chưa gởi. Bây giờ không hiểu vì sao mà moi phong bì thì không thấy tờ thư. Đó, cuộc sống đơn chiếc nó làm trí óc lộn xộn vậy đó. Nhất là năm 90, có 1-2 bài đăng trên Tuổi Trẻ chủ nhật, bà con bạn đọc có cảm tình, vậy là thư về… mình quen tánh lễ độ khiêm cung của nghề thầy giáo phải trả lời đủ. Giờ đây, Tết qua rồi mà nhìn cái bàn lổn ngổn thiệp và thư chúc tết chưa hồi âm! Ngày tết không sắm sửa, bỏ lì thì được chớ đối với một cảm tình thì phải trân trọng.

Tôi hôm nay mắt đã đỡ. Phải dùng ngòi bút chấm mực cho nét đậm. Từ ngày Hội VN Nhatrang giải tán, tôi gần như chỉ ở nhà, ít ra đường. Hồi trước có 1 tuần 2 lần ra ngồi trụ sở Hội, đọc báo và gặp anh em. Anh Nguyên và P.P.Phong chắc lười đi Nhatrang 1 phần vì cũng đã xa mất cái khung cảnh villa ngày cũ.

Anh nhắc tới cháu bé. Có lẽ suốt bức thư tôi chỉ đọc có câu “cháu bé của thầy ngoài này vẫn ngoan, khỏe”. Tôi càng nhiều tuổi, càng chỉ chơi với con nít. Hiện giờ thì đứa bé gái 1 tuổi 4 tháng (con của đứa cháu gọi tôi bằng Bác ruột) là đứa tôi cưng nhất. Sáng sáng cha nó bế lên, tôi nói Coffee nó chìa tay cho tôi bế. Đút nó 1 muỗng, bảo “nói đi” thì nó “Chính chinh” (nghĩa là Thank you!). Nói “the fan” nó ngửa mặt nhìn lên cái quạt trần. Nói “the lamp” nó chỉ cái đèn trên vách. Tính tôi nghịch chơi vậy mà, chớ không phải vọng ngoại đâu. Con chó của lũ nhỏ đứa thì kêu Mino, đứa thì kêu Mina. Tôi nói “Nó giống con Gấu Trúc, biểu tượng Thế vận Asiad 90, Vậy đặt tên Xẻo Chè nghĩa là “Tiểu thư” (chó cái mà!). Có bất ngờ không, cuối cùng ai cũng kêu Xẻo Chè! Té ra ai cũng ưa hài hước! Té ra cái nghiêm chỉnh là cái impersonnel [vô cá tính].

Vẫn mong mùa hè 1991 Anh vô chơi Nhatrang vì con đường vân du của Anh, của Viện Văn Học thì rất dài, biết bao cảnh sắc lạ, từ Tây Nguyên rải về Lục Tỉnh. Lần nữa, chúc Anh và bảo quyến mọi điều tốt đẹp.

Thân ái

Võ Hồng

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh. Góc trái bên trên tờ thư có hình vẽ cành hoa cúc màu xanh, bông cúc màu đỏ. Ngày tháng ghi theo âm lịch nên đoán là tháng 2/1991. Dấu bưu điện Hà Nội 26.2.91.

Thư 6. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 7

Nhatrang 5.9.91

Anh Phạm Xuân Nguyên yêu quý,

Nhận được thư và quà của Anh. Xúc động khi đọc thư. Đọc đoạn Nguyên nói cái cảm giác “êm đềm, dễ chịu, sâu lắng… một cái gì đó nó như vậy…” khi đọc V.H. Đọc đoạn vợ Nguyên ghi vài tư liệu về bà Tương Phố. Nhất là đoạn nói về Hải Hà. Đáng lẽ tôi hồi âm ngay cho đúng Lễ nhưng đang lận bận mà mắt lại mờ quá, bỏ lộn cái thư kiếm không ra. Kiếm thư cốt để kiếm đọc và nhớ đích xác tên cháu: Hải Hà. Tôi càng lớn càng thích chơi với trẻ con, nhất là con gái 2 tuổi, 4 tuổi. Kề tôi, con của đứa cháu (gọi tôi bằng Bác), tôi chuyên môn nói… tiếng Anh với nó để thử trí khôn của nó. Lên 1 tuổi, tôi bế nó, lại bụi trúc, thấy lá trúc có đẫm nước mưa, tôi lật ngửa tay nó, kéo một lá trúc, để rơi trên tay nó 1 giọt nước, và tôi nói “Water”, nói 3-4 lần. Hôm sau nó nghe nói water là lật ngửa tay. Nay nó lên 1 tuổi rưỡi thì nó biết nói: the fan, the key, flower, beautiful và I’m sorry. Đứa cháu vừa 5 tuổi thì, muốn được coi tivi phải nói I like watching TiVi. Sau đó tôi bắt nói tiếng… Nhật (vì tôi dạy ba nó mà ba nó lười). Phải chào trong tư thế người Nhật: Konnichiwa… Sayonara, Arigatô, Oyasuminasai. Hôm mê coi TiVi Tây Du ký, tôi tiến xa hơn, bắt viết tên tác giả bằng chữ Nho! Mét lại anh cho vui, tôi thấy chúng ta bỏ phí không biết Chơi với trẻ con, bày trò trẻ con Chơi thú vị. Một bé gái, Con Cụi (tôi có kể đâu đó trên Tuổi Trẻ CN) 4 tuổi rưỡi. Tôi lấy carton cắt chữ thật to, vừa nghịch vừa hát vừa bày học chữ. Trời phú cho tôi cái óc của loài ngựa hoang. Ghét cái véo von, lặp lại.

Tôi có đọc một đôi lần bài Anh trên tạp chí Cửa Việt. Tôi hôm nay mắt kém lắm nên đọc ít mà viết thì cũng khó khăn. Tâm trạng buồn, các con sống xa, chúng nài tôi đến ở để chúng săn sóc hầu hạ nhưng tôi lại cứ thương cái quê mùa của vietnam. Từ khi giải tán Hội Văn Nghệ Nhatrang, tôi gần như không bước chân ra đường, không gặp mặt nói chuyện với anh em. Ngứa tay viết chơi vài mẩu nhỏ, chớ đâu thiết gì. Như bà Tương Phố, nếu bà không di cư vào Nam, nếu bà cứ ở ngoài Bắc thì bao nhiêu vòng hoa dành cho Bà. Mà sự di cư hay ở lại, rất nhiều trường hợp là do hoàn cảnh. Tôi thấy: làm dân VN thì ai cũng ghét thực dân, cũng hoan hô Kháng chiến. Chỉ có nhát hay có gan. Chỉ có gặp dịp hay không gặp dịp. Tôi viết mấy cuốn mô tả thời kháng chiến, nói cái gì thiệt nhất, dễ thương nhất mà ai cũng phải công nhận. Giới thiệu, nhắc lại được trường hợp Bà, lòng tôi vui. Tôi đã cầm tờ báo nhìn ảnh Bà mà muốn khóc. Bởi có một cán bộ tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm vừa về hưu đã bảo tôi “Em chưa hề biết và đọc về Bà”. Thì cũng như mới cách đây dăm ngày anh Đông Hải ghé chơi, nhắc chuyện 3 năm trước “… nữ văn sĩ Dạ Ngân du ngoạn Nhatrang. Bọn tôi rủ tới thăm V.H. Cô ngạc nhiên nói đâu có biết V.H là ai, hồi giờ đã có đọc V.H đâu”. Phải quá, trời ơi! Ngày giải phóng 1975 đã cào đốt trụi hết rồi mà. Nên hôm trước có một học giả giáo sư muốn nói về tôi thì tôi đành đưa một nhận xét “Cảm tạ Ông khen tôi. Ông đọc tôi kỹ, ông có cảm tình. Nhưng với độc giả, tôi chỉ như cô Hằng Nga nghe khen đẹp thì nói đẹp, chớ đâu có thấy đẹp ra sao!” Chứ lẽ ra là trường Đại Học Văn đã cho học sinh làm luận án tốt nghiệp lấy đề tài V.H (Đại học Saigon và Đại học Huế) thì mấy giáo sư đề nghị Bộ Văn Hóa cho “đặc cách được tái bản” tác phẩm của V.H. Rồi Hội Nhà Văn: có 4 tên viết văn ở Miền Ngụy là Vũ Hạnh, Sơn Nam, Võ Hồng và… được Hội Văn Nghệ Giải Phóng đề nghị Hội Nhà Văn kết nạp làm hội viên… vậy là chúng nó có đủ tư cách để xin được “đặc cách cho tái bản” nên Hội chúng tôi xin Bộ… v.v…

Nếu lương tâm của quý Vị có chức làm đúng chức năng của mình thì tôi xin tái bản lần lượt, bắt đầu bằng tập truyện “Con suối mùa xuân”, NXB chính thức có uy tín ngoài Hà Nội đứng ra in (nếu bị kẹt tiền thì tôi có thể xin con tôi giúp cho 1-2 triệu bạc để hùn vốn với một NXB tri kỷ, ở Miền Nam hay ở các Tỉnh cũng được). Tôi chỉ cần sách được in, vài ngàn cuốn mỗi tirage bởi chưng tôi già quá rồi mà, bệnh để chết thì dễ quá. Như anh Nguyên và Phạm Phú Phong với tư cách là Viện Văn Học tiếng nói công chúng rất mạnh vì hai anh đọc tôi kỹ.

À, lại dông dài. Anh gởi cho quà khiến tôi vui mà khổ. Vì tôi không có ai để sai đi mua quà tặng lại cho hợp ý. Nhưng mua thì cũng được, còn gởi ra? Tôi suốt nửa năm, 10 tháng, thoảng có 1 anh tới chơi chớ đâu dám đạp xe đi lùng kiếm ai đi Hanoi mà nhờ? Tôi gần như không dám ra đường, sợ xe nó tung.

Chân thành cầu chúc Anh chị và cháu Hải Hà vui mạnh.

Võ Hồng

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh. Dấu bưu điện Hà Nội 17.9.91. Nữ sĩ Tương Phố (1896 – 1973), tác giả tập thơ “Giọt lệ thu” (1923), sau 1945 cũng sống ở Nha Trang và nhà văn Võ Hồng có quen biết.

Thư 7. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 8

Nhatrang 16.1.92

Anh Phạm Xuân Nguyên quý mến,

Nhân dịp xuân Nhâm Thân, tôi chân thành chúc Anh, Chị, Cháu và toàn bảo quyến An Khang Hạnh Phúc.

Suốt một năm ít biên thư cho Anh vì con mắt xuống cấp, đọc và viết khó khăn, ít đi ra đường. Có một lần đọc được bài của Anh trên Cửa Việt thì phải. Từ khi trụ sở Văn Nghệ NhaTrang hoàn trả Nhà nước tôi gần như chẳng gặp gỡ bạn bè. Sống cô đơn thì hay ngồi nghĩ về thân phận. Quả là tôi đã cầm bút vào một thời khốn khổ, tác phẩm bị cào đốt hết. Ở miền Lục Tỉnh, các nhà văn dù đã chết nhưng có con cháu họ hàng làm ăn ở Saigon, những người này lo in, lo tái bản ào ạt một thời. Tôi ở miền khô cằn của Nam Trung Việt – gọi là Sud Annam, từ Quảng Nam tới Bình Thuận. Hồi thời trước miền này có “đẻ” ra được mấy nhà văn đâu, vậy mà con số ít ỏi 5-10 đầu sách của cào lùa đốt hết. Hôm nay đọc trên tạp chí Văn Nghệ thấy có những truyện mạnh dạn vẽ lại những dối trá dốt nát của lũ chức sắc ở cấp cơ sở vào thời kháng chiến, tôi nghĩ rằng đó là một hiện tượng tốt. Tôi nghĩ đến Anh, người bạn trung thực quen thuộc của Miền Nam Trung Việt, tôi thấy ngoài việc nghiên cứu Văn Học, Anh và các bạn cùng thế hệ nghĩ dùm đến hoàn cảnh văn học bị đốt rụi ở Miền Nam.

Không đề cập đến nghệ thuật, hãy cứ nghĩ đến những truyện dài truyện ngắn mô tả vô tình các lề lối làm ăn, suy nghĩ… của đồng bào thời xưa, thời cũ đó. Tôi cứ nhìn chúng là những sử liệu. Bởi, cứ đọc lại một truyện nào, cách nay 30-40 năm là ta đã ngạc nhiên coi như cái cách làm ăn sinh sống đó xa lạ quá.

À, lâu quá tôi không được Anh kể chuyện cháu bé của Anh lớn khôn như thế nào. Bữa nào Anh gởi cho tôi coi một cái ảnh của cháu. Coi xong tôi sẽ gởi lại hoàn Anh Chị. Tôi thích có những người bạn nhỏ 3 tuổi 4 tuổi như vậy, nhìn trong ảnh là coi như tôi đã gặp rồi. Và tôi cứ chơi với bé trong tưởng tượng. Có lẽ tôi đã kể Anh nghe rằng con bé 1 tuổi ở kề nhà, tôi đã bế và nói tiếng WATER vừa nhỏ giọt nước lên tay nó. Nhắc lại mươi lần. Hôm sau bế ra bụi trúc chỗ cũ, nói WATER, nó chìa ngửa bàn tay, đợi 1 giọt nước rơi xuống. Thằng bé 4 tuổi rưỡi ở dưới nhà thì tôi bắt tán phụ nữ bằng câu Ce que femme veut, Dieu le veut. Con bé lớp 6 ở kề cận thì tôi dạy viết chữ 偪, 德 (Phúc, Đức). Khi già, người ta thích chơi với con nít.

Thôi, lần nữa, chúc Anh, Chị vui khỏe và hôn cháu.

À, cách nay vài tháng tôi có nhờ anh Nguyễn Thế Sang giúp tôi. Tôi muốn gởi ra tặng cháu bé của Phạm Xuân Nguyên, Viện Văn Học, một hộp sữa Nestlé. Sang nói cứ đưa. Sang nhờ người sẵn ra Hanoi ghé trao. Chẳng biết Anh đã nhận được chưa?

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh. Góc trái bên trên tờ thư có vẽ hình cành hoa cúc màu xanh đỏ. Không chữ ký. Dấu bưu điện Hà Nội 22.1.92.

Thư 8. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 9

NhaTrang 28.2.1992

Anh Phạm Xuân Nguyên yêu quý

Anh bạn họa sĩ đã ghé trao hộp bánh. Vui vì tình bạn ngọt ngào mà áy náy, dẫu chỉ một chút, kèm theo: đó là… Thật vậy. Biết nhờ ai để cầm dùm một chút quà gởi bạn? Hôm trước Nguyễn Thế Sang nói có người bạn ra Hanoi, mình nhờ cầm hộp sữa Nestlé, ngộ nghĩnh trình bày dưới dạng một ống thuốc, trao Nguyên… nhưng chẳng biết có đến tay Nguyên? Hỏi lại thì vô lễ, khiếm nhã. Mắt tôi bây giờ lại yếu thêm. Ít đọc sách. Gần như không ra đường vì xe gắn máy nó chạy ẩu quá. Từ khi Hội Văn Nghệ Nhatrang dẹp tiệm, mình nhớ Nguyên, nhớ P.P.Phong.

Tình hình xuất bản buồn quá, một cuốn truyện thiếu nhi chỉ in được 1.000 bản, do vậy mà với cương vị nhà lý luận phê bình văn học chắc chắn là Anh không vui được. Tôi rối rắm đa đoan một mình đơn chiếc, nản vì bao nhiêu sách của mình bị quơ đốt sạch, nay có ngứa tay viết chơi thì cũng chỉ gọi là. Phần Anh. Tương lai trước mặt nhưng quả là trong ngành phê bình lý luận khó có những sáng tạo đặc thù. Trong ngành viết văn thì tương đối dễ hơn, như anh Cao Linh Quân viết truyện huyền ảo, đưa ông Yersin lên một ngôi sao và nơi đó ông được một nữ công dân của dải Thiên Hà chung chia chăn gối. Năm Khỉ, tôi nghịch ngợm gởi đăng mấy chuyện Khỉ ở Tuổi Trẻ, ở Cảo Thơm số 1 (cơ quan Hội Văn Nghệ Thuận Hải). Để cho các con vật nói ngôn ngữ quê mùa của quê tôi, thật dễ thương lạ, tôi yêu cái ngôn ngữ đó hơn ngôn ngữ bác học vốn đang phát triển, dẫu sự phát triển đó là hợp lý, là cần thiết.

Cháu bé của Anh chắc lớn xinh. Hồi nào tiện dịp Anh gởi cho coi 1 bức ảnh của cháu, tôi coi xong sẽ gởi hoàn lại. Tôi muốn tâm hồn tôi có những bạn nhỏ. Cầu chúc Anh, chị và cháu vui mạnh. Thân ái, Võ Hồng.

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure trắng. Nhận 8.3.1992.

Thư 9. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 10

Nhatrang 5.6.92

Anh Phạm Xuân Nguyên yêu quý

Xin thứ lỗi chậm hồi âm. Con mắt ẹ quá nên ít ưa nhìn chữ. Lại thêm mùa Hè, bà con Dalat nhào xuống tắm biển.

PhamTrần Hà Hải đang đứng nhìn tôi: tôi lồng ảnh cháu dưới tấm gương nơi tôi viết. Tôi phải che cái đồ chơi nhựa xanh để nhìn cháu. Đồ nhựa, kinh tế thị trường! Đáng lẽ chỉ để Hoa Bươm Bướm. Hồn nhiên. Giá được ở cạnh, tôi sẽ thích chơi với cháu. Con bé Quỳnh Chi 2 tuổi rưỡi, tôi bày nói I love you, Mama. Rồi tôi bày viết chữ Nho. Tử là con. Là bắt Ba nó nằm xuống sàn nhà (viết con số 3) rồi lấy cây gậy đặt ngang lưng (一).

Đề tài về Văn Học Miền Nam thì hợp với anh Nguyên quá vì anh quen nhiều. Tài liệu sách báo thì phải nhờ Thư Viện mới có cái tầm nhìn đúng. Tư nhân thì chỉ là sẵn đó, tạm vậy, nhất là sau cái vụ phần thư. Cố nhiên là tôi biết được gì, nhớ được gì là tôi kể lại với bạn tri kỷ.

Vì con mắt dở quá nên tôi ít đọc gần đây. Nhất là từ khi Hội Văn Nghệ Nhatrang giải tán. Báo Văn Nghệ trung ương cũng không được đọc. Đọc của anh thì nhớ năm ngoái trên tờ Cửa Việt. Và gần đây nhất là trên tạp chí Nhatrang. Tôi yêu cái phong cách thong dong tự nhiên hồn nhiên chân thực khi Anh “dám” trầm tư trước Phật. Và cũng từ bài này tôi cảm mến ông Nguyễn Huy Thiệp nhất là mới hôm qua có người đưa tôi coi một bài trên Kiến Thức Ngày Nay số nói về ông Hoài Thanh với cuốn Thi Nhân VN bị “trù” một thời gian dài. Cuộc sống khốn đốn, giữ cho được cái nhân cách tối thiểu. Mà thôi. Cho tôi được ăn gian, lén đi vào cái “cổng nhà” mở ra một khu vườn rộng rãi, có cây lekima ở gần cổng (à, hồi Pháp thuộc tụi tôi kêu nó là vậy. Rồi người bình dân hơn thì kêu là ô-ma) khắp vườn toàn ổi (vườn tôi chỉ còn 1 cây già quéo!) nhìn chiếc bàn đá nơi khay trà bày ra…

Nhân anh trầm tư trước Phật tôi gởi anh cái tờ này mới thuê đánh máy đại khái làm lời nói đầu cho cái-tạm-gọi-là tập “Trầm Tư”. Chúng mình, hai ta là tri kỷ vậy. Tôi khổ hơn Anh nên trầm tư trước nhiều thứ.

Buồn, bận… vậy mà cũng mò kiếm mấy khúc viết màu, ngoáy chơi cái bông phượng. Không thua đóa hồng hay bó glaieul [lay-ơn] mà người giàu sai đứa ở mua ở hàng hoa đem biếu anh đâu.

Cầu chúc Anh chị và Hà Hải mạnh, vui.

Võ Hồng.

(Dấu bưu điện Hà Nội 14.6.92)

Giới thiệu tập Trầm Tư

o. Ghi rải rác trong những trang Nhật ký, trên bìa cuốn vở nháp, sau lưng cuốn sách, cuốn lịch… Là những suy nghĩ nhỏ, bất chợt. Nay chọn lọc lại, xén cắt, trang điểm, đặt tên là “Trầm tư”.

Trong chỗ bạn bè thân quen, tôi hay rủ: mỗi tối dành năm phút trước khi ngủ, lược ghi 3-4 hàng về những gì xảy ra trong ngày. Gọi tên là Nhật ký, là gì… gì… gì… tùy. Chỉ biết là rất có ích. Còn “Trầm tư” thì hễ chợt nghĩ là ghi liền.

Tôi thích câu này của Gérard de Nerval: Semons de roses les pas du temps [Hãy rắc những đóa hồng trên bước đi của Thời gian]. Tôi rủ các bạn tôi rắc những đóa Hồng như vậy.

Có những câu của tôi mang nội dung giống những danh ngôn thường gặp. Cũng tất nhiên thôi, vì các danh nhân đích thực mà cũng thường nghĩ giống nhau. Bà con nông thôn thì có lịch duyệt bình dân, như cụ bà nhà quê mù chữ cũng thường nói, chẳng hạn “Ăn mặn cho lắm vô, rồi khát nước chết cha mày”. Có chất trầm tư trong đó. Tôi ít băn khoăn về tính chất “bản quyền”. Nội dung có thể giống, nên tôi chọn câu có cách phô diễn ngồ ngộ. Đúng vậy, ai cũng nói được “lá xanh… hoa thơm… yêu quê hương…” Nhưng nói bằng một cách nói lạ thì người ta gọi là Thi sĩ. Có những câu không độc đáo nhưng tôi cứ giữ để người đọc có dịp nhớ tới một cái hay.

Mỗi câu dẫu ngắn mà gợi lên được… một cái gì đó, thì một tập 500 câu cũng đã khá giàu. Như sinh hoạt Ngân hàng tiết kiệm.

o. Có trường hợp những trầm tư của người gây suy nghĩ nơi mình. Kinh Talmud của dân tộc Do Thái ghi “Hãy leo lên một bực để chọn bạn; hãy bước xuống một bực để chọn vợ”. Tôi nói khác: “Hãy bước xuống một bực để chọn vợ. Hãy leo lên một bực để chọn chồng” (câu 512) và tôi cảm thấy thú vị. Câu Talmud chỉ đề cập đến một nửa nhân loại: đàn ông. Câu của tôi bao trọn cả đàn bà nữa.

o. Có những câu chợt hiện ra không do hoàn cảnh cụ thể nào hết. Như câu 420 “Tôi ghét chữ “hiền thê” nhưng bởi tánh vợ tôi quá hung dữ nên không dám dùng chữ khác để thay”. Do tính nghịch ngợm cố hữu nơi tôi mà ra.

o. Có lần cô bé ở cạnh nhà la con chó “Chó mà cũng chê cơm”, tôi liền ghi lên cửa dưới dạng danh ngôn: “Thân phận chó mà cũng học đòi chê khen”. Tôi nghĩ tiếp: nếu dưới câu đó ghi tên một hoàng đế La Mã? Rồi đem làm đầu đề bình giảng? Té ra làm tác giả danh ngôn còn khỏe hơn, dễ hơn trồng một… cây bắp.

o. Lại có hôm chị của cô bé vô bếp rồi vừa thở vừa la em: “Bếp núc bỏ bừa bãi. Rờ đâu cũng bụi bặm”. Tôi cười thầm: Đã mệt ngất ngư mà còn từ hoa: bụi bặm. Và tôi viết câu trầm tư số 521: “Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh hưởng của luật Kinh tế: bụi không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ, buồn không

o. Trong tập này, câu nào hình thành trước thì được đánh máy trước và mỗi câu mang một số hiệu để dễ gọi tên. Định sau khi hoàn tất thì sẽ sắp xếp lại theo từng mục như Tình yêu – Tôn giáo – Triết lý… Nhưng chợt nghĩ: cứ để lộn xộn, khi đọc, gặp được sự bất ngờ. Mọi xếp đặt đều không ít thì nhiều mang vẻ giả dối, cố ý. Nhảm nữa. Chớ đằng này: đang triết lý tôn giáo bỗng gặp một cô… đang suy gẫm về Nghệ thuật chợt gặp một bà… Nếu xếp họ vào cùng chung một dãy, một cụm, một lô, họ sẽ bớt giá trị, mình sẽ nhìn lướt qua. Thậm chí bỏ chạy qua… cho mau.

NhaTrang tháng Năm mùa Phượng 1992

Võ Hồng

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh. Góc trên bên trái có vẽ hình bông phượng màu xanh đỏ như cuối thư ông có nói. Tên con gái tôi ở đây nhà văn viết sai là Hà Hải nên ở những thư sau ông đã chữa lại đúng là Hải Hà. Trong thư ông có nhắc đến bài tôi viết về Nguyễn Huy Thiệp nhan đề “Trầm tư trước Phật” đăng ở tạp chí Nha Trang. Ông để trống số tạp chí Kiến Thức Ngày Nay có bài viết về Hoài Thanh. Lời giới thiệu tập Trầm Tư đánh máy trên giấy pelure trắng. Tập sách này đã được xuất bản năm 1995.Thư 10. Ảnh chụp

THƯ VÕ HỒNG 11

Nhatrang 23.9.92

Anh Phạm Xuân Nguyên yêu quý

Từ khi Hội Văn Nghệ Nhatrang giải tán, tôi thiếu Phạm Phú Phong và Anh. Và thiếu nhiều nữa vì tôi gần như không bước ra đường cho dẫu Bác sĩ dặn phải đi bộ. Mắt kém không dám đọc nhiều, 2-3 tháng ngẫu nhiên gặp tờ tạp chí Văn Nghệ, do vậy mà nếu có những sinh hoạt nào của Anh mà Anh đắc ý thì xin cho tôi biết, tôi mừng.

Có cái tập Vẫy tay Ngậm Ngùi này, gian lao vô kể, vô kể, vô kể… Bản thảo 14 truyện, dự trù in cỡ 230 trang là vừa. Cuối cùng khi hồi hộp coi thử thì chỉ chừng đó. Tội thân tôi là cứ đinh ninh mình sẽ gởi 1 cuốn sang California để tặng cô bé có tên trong một truyện (bạn của con út của tôi) nhân nhận được thiệp đám cưới của nó ở nhà thờ Onéonta, nhận trước… 1 tháng ½. Ai dè cái truyện đó bị gác lại.

Mà thôi, chuyện của tôi thì buồn quá, nản lắm. Tôi thì còn thấy mờ mờ, còn anh Quách Tấn thì tối luôn. Có điều ảnh được con cháu vây quanh giúp đỡ.

Anh ở mãi Hanoi, xa quá. Có hôm nhìn cái đồ chơi con Thỏ màu hồng (tôi vẫn chơi với ̴ đồ chơi trẻ con, cái xe, cái tàu canot, thằng Robot…) muốn gởi tặng cháu chơi nhưng đâu biết làm sao. Thỉnh thoảng vẫn có cán bộ đi Hanoi nhưng mình có đi ra đường để gặp họ đâu. Cứ sợ đi xe đạp bị chúng nó tông. Mà té xương thì ai săn sóc cho?

Mà thôi, nói chuyện buồn làm gì!

Có anh bạn 16 năm không thư từ, tháng trước từ Illinois viết về cái thư nói “xúc động khi đọc truyện “Lâu đài trên cát” của anh”. À, chắc anh ta đọc Mỹ Thuật Thời Nay số Xuân, tôi kể chuyện Con Khỉ Già! nhằm năm Khỉ mà. Cô học trò cũ lập nghiệp ở Australia thì nói lớp 12 bên đó lấy tiếng Việt làm 1 sinh ngữ nên học trò Vietnam đỗ nhiều. Chúng nó có học V.H. và nói “đọc có chỗ ổng tả cái vũng nước ở Nhatrang thiệt ngộ. Ở Úc không có”.

Những niềm vui nho nhỏ này làm vui ta một chút, một chút… giữa cái khổ nhân sinh. Vậy mà sao con người xung quanh ta hay ganh ghét, kỳ thị nhau quá. “Nó” có chút ít thành công về bài thơ, bài văn… thì “mày” thành công cạnh cái Toyota, cái Building. Mà này, khi “mày” có Building và Toyota thì mày có còn “…sướng quá trời ơi, Hạnh Phúc quá Chúa ơi…” nữa đâu? Tôi thành ra hay chơi với con nít 4-5 tuổi. Con bé Cụi (trong truyện Tuổi Thơ Ngọt Ngào đăng trên Mỹ Thuật Thời Nay số tháng 6/92) nó học vần o, e thì được mà sang consonne double [phụ âm kép] thì không nhớ. Tôi thử viết chữ Nho. Ai dè nó viết lại được. Chữ 口 木 十… Lạ nhất là cả chữ 劍 [kiếm].

Dưới mặt kính bàn viết có tấm ảnh cháu Phạm Trần Hải Hà. Có ảnh của bé Xuân Anh 4 tuổi, cha mẹ ở Huế nên cháu mặc áo dài đội nón. Cũng đứng trong một công viên màu xanh.

Cầu mong Anh, Chị và cháu được nhiều may mắn, Hạnh Phúc.

Võ Hồng

T.B. À, có một cuốn Vẫy Tay N.N. tôi muốn gởi anh Phạm Hổ. Lâu quá không có thư từ và địa chỉ. Anh điện thoại qua Hội Nhà Văn hay cô con gái của ảnh mời ghé tạt lại đằng anh lấy. Xin tạ lỗi. VH.

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy pelure xanh.

Thư 11. Ảnh chụp

 

THƯ VÕ HỒNG 12

8.9.93

Phạm Xuân Nguyên yêu quý

Hôm trước Đặng Minh Châu có trao thư Em gởi tay. Châu về, lu bu việc mà nhà của tôi ở tréo đường nên phải chậm sau mới có dịp Châu trao. Mất hết tính chất thời sự nên đành chịu mắc nợ Em.

Ôi có đọc và có nhìn Em trên tờ Tuổi Trẻ CN. Tiếc là không được cầm tay như mấy năm trước. Hôm nay gởi Em đọc chơi tập thơ con nít này. Mới hôm 5/9/93 Lê Hoàng NXB TRẺ, Phạm Chu Sa tạp chí TUỔI HỒNG và anh Hiếu Giám đốc xưởng in Thành Ủy ra tổ chức giới thiệu “nó” và cuốn Thương Mái Trường Xưa tôi viết như dạng Grand Coeurs [Những tấm lòng cao cả] của E. de Amicis. Em thử đọc cuốn Thương Mái Trường Xưa này. Nếu Em thấy nó khá thì Em thử đưa cho NXB KIM ĐỒNG coi thử họ có muốn phát triển rộng rãi nơi các trường không. Tôi không dám chủ quan. Sách mới in đâu 300 cuốn (cho cả hai đầu sách) thì mấy ảnh chụp đem ra Nha Trang, – mấy ảnh nói vậy, – nên tôi cũng không có để tặng ông Phong Lê và Ng. Huệ Chi. Hi vọng lần sau. Em đọc rồi mời hai ổng đọc, in sai nhiều chỗ, mới sửa đâu 5-6 chỗ. Gấp quá. Mệt quá. Chắc chắn là Em và tôi không vô lễ đâu. Tại kẹt. Và bởi thiệt bụng.

Mắt tôi mỗi ngày thêm dở. Ít dám ra đường. Hạn chế sự đọc.

Cầu chúc Em, vợ Em và cháu Hải Hà mạnh, vui. Hôm tháng 6 kỷ niệm sinh nhật cháu, có sẵn quà mà đâu biết nhờ ai cầm tay dùm. Ảnh cháu vẫn nơi bàn viết của tôi, thọc 2 tay vô túi và cái nịt có boucle [khóa thắt lưng] như thế này: Ø.

Võ Hồng.

Em cứ đưa thư tôi viết cho Em cho ông Phong Lê và Huệ Chi đọc. Tất cả đều để trình bày giải thích. Nếu lặp lại trong mỗi bức thư thì ngán quá và, Em ơi, mắt tôi dở quá rồi. Tạ lỗi Tạ lỗi. Nhận được, mong Em cho biết. Cám ơn… Cám ơn…

*

GHI CHÚ: Thư viết tay. Giấy thường. Nhà biên kịch điện ảnh Đặng Minh Châu hồi ấy làm việc tại Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Khánh Hòa. Chính anh sau này là tác giả kịch bản chuyển thể tiểu thuyết “Thiên đường ở trên cao” của Võ Hồng thành bộ phim truyền hình nhiều tập.

Thư 12. Ảnh chụp